Mấy điều đáng cười về cách nhìn lịch sử của người Trung Quốc
Phùng Học Vinh Người dịch : Hồ Bạch Thảo Nguyên nhân do viết sử, nên thường cùng người trong nước đàm luận về lịch sử ; đương nhiên không tránh được những lúc đỏ mặt tía tai để tranh luận. Lúc đầu người mình tiếp thu lịch sử có vấn đề là do tin tức sai, lâu rồi thành quen, sự ...
Phùng Học Vinh
Người dịch : Hồ Bạch Thảo
Nguyên nhân do viết sử, nên thường cùng người trong nước đàm luận về lịch sử ; đương nhiên không tránh được những lúc đỏ mặt tía tai để tranh luận. Lúc đầu người mình tiếp thu lịch sử có vấn đề là do tin tức sai, lâu rồi thành quen, sự sai lầm không phải từ tiếp thu mà thôi, mà còn cả cách thức tư duy nữa. Chiều nay nhàn hạ, bèn hạ bút bàn về vấn đề này, nhắm tỉnh ngộ. Cái gọi là lời nói thẳng khuyên bằng hữu thì không có gì không nói ; hy vọng người trong nước đầu óc mở mang, thông minh ra, không còn tự lừa mình, lừa người nữa.
Cười thứ nhất : “ Ta có thể chống đế quốc, nhưng ngươi không thể độc lập.”
Tại Trung Quốc không thiếu những người được gọi là nhà văn hoá, yêu lịch sử, mỗi khi bàn đến đoạn lịch sử về việc Ngoại Mông Cổ được độc lập, thường không hẹn nhưng đều phát biểu với 2 ý : 1. Quốc Dân Chính Phủ (1) không có khả năng, đã bỏ Ngoại Mông Cổ ; 2. Chính phủ tân Trung Quốc thật phản động, thản nhiên chi trì cho Ngoại Mông Cổ độc lập. Những người được gọi là “ nhà văn hoá ” này, lúc tuyên bố những câu nêu trên, hiển nhiên trong đầu óc họ đã có sẵn giả thiết : Ngoại Mông Cổ từ xưa đến nay thuộc Trung Quốc ; nhân dân Ngoại Mông Cổ độc lập là phi pháp.
Sự thực ra làm sao ? Sự thực là Ngoại Mông Cổ từ đời Minh trở về trước không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, từ thời đầu Thanh, Ngoại Mông Cổ quy thuận đế quốc Đại Thanh vì khiếp sợ vũ lực của Đại Thanh. Năm 1912 qua chiếu thư “Thanh Đế Thoái Vị” đem Ngoại Mông Cổ “chuyển nhường” cho Trung Hoa Dân Quốc. Sự việc này không trưng cầu ý kiến của dân Mông Cổ, nhân dân Ngoại Mông Cổ có quyền không công nhận. Lập luận này có sức nặng chứ ?
Lịch sử Trung Quốc cận đại hô hào phản Đế cứu quốc, độc lập tự chủ. Trung Quốc cần phản đối thực dân, cần tranh thủ độc lập. Như vậy có đúng không ? Rất đúng. Nhưng một khi bàn đến nhân dân Ngoại Mông Cổ cần tranh thủ độc lập, thì các vị thanh niên “ái quốc” của nước ta bèn trở mặt. Bởi các vị thanh niên “ái quốc” nước ta nhận thức rằng : Chỉ có người Trung Quốc mới có thể độc lập, còn các ngươi Ngoại Mông Cổ lại muốn độc lập ư ! Chỉ là mộng ảo !
Ta có thể phản đế, nhưng ngươi thì không thể độc lập ! Nhà quan thì lửa sáng rực, nhưng các hộ dân thì không được thắp đèn ! Đó là miệng lưỡi của các nhà “ái quốc” yêu lịch sử.
Dân Ngoại Mông Cổ trước kia là người Ngoại Mông Cổ, sau đó là người Thanh, nhưng họ từ trước tới nay chưa hề là người Trung Quốc ; dân nước này cũng có quyền chọn không làm người Trung Quốc. Người Trung Quốc có quyền tranh thủ độc lập, nhân dân Ngoại Mông Cổ cũng có quyền tranh thủ độc lập ; chúng ta đều là người, người người đều bình đẳng. Ta có thể phản đế, nhưng ngươi thì không thể độc lập, cùng một trường hợp cư xử theo 2 tiêu chuẩn khác nhau, tước đoạt lẽ phải. Vấn đề này cần phải phân tích cho rõ, nếu người Trung Quốc không cẩn thận, thì cũng như những người được coi là “nhà văn hoá ái quốc” kia, nhưng đem gương ra soi thì mặt mũi của họ [cũng hung dữ xâm lăng] chẳng khác gì con quỷ Nhật Bản trước kia ; cả hai [cùng đồng loại] nhưng kẻ chạy 50 bước, cười người chạy 100 bước (2).
Cười thứ hai : “Ta có thể giết địch, nhưng ngươi thì không thể đánh lại”
Nghiên cứu về Chiến Tranh Nha Phiến không khỏi phải bàn đến việc Lâm Tắc Từ cấm thuốc phiện, xem hành động có điều gì thất đáng không. Nhưng bàn đến chỗ này, thường thường có những kẻ yêu lịch sử “yêu nước”, nhảy lên với lửa giận tràn ngực, chống đối : “Cần phải bàn làm gì nữa ! Người Anh mang quân đánh giết tại lãnh thổ ta, đều là phi nghĩa. Dù bất cứ lý do gì cũng không được đánh vào lãnh thổ ta, một khi đánh vào, thì bọn chúng là kẻ xâm lăng.” Nói một cách khác, “Bất cứ nguyên nhân gì, nước A không được mang quân đánh nước B, nếu không tuân, nước A sẽ trở thành kẻ xâm lược.” Nhưng có kẻ phản bác rằng : “ Theo đạo lý của anh nêu ra, năm 1979, Trung Quốc mang quân đánh Việt Nam ; vậy xin hỏi Trung Quốc có phải là kẻ xâm lược không ? ” Lúc này anh sẽ toát mồ hôi, không biết trả lời sao, tay chân ngượng nghịu, như kiến bò quanh nồi rang, sượng sùng trăm thứ.
Tuy nhiên cái luận điệu “ái quốc” mới nghe qua, tựa hồ đúng ; nhưng xét trên thực tế thì sai. Vì nếu như không kể nguyên nhân gì, nước A đều không được mang quân đánh nước B, nếu không tuân, thì nước A sẽ thành nước xâm lược ; như vậy xét qua quá trình lịch sử Trung Quốc đã có N lần là kẻ xâm lược. Năm 1918, chính phủ Bắc Dương mang binh đánh nước Nga (3), đánh phá vào lãnh thổ nước khác, có phải là xâm lược không ? Năm 1950 Vương sư (4) vượt qua sông Áp Lục [Triều Tiên], làm cho dân tộc người bị phân cách, thì gọi là cái gì đây ? Năm 1979, gọi là tự vệ phản kích, đánh Việt Nam xung quanh biên giới gần thủ đô ; cái này gọi là gì ? Cũng không nên quên rằng, các năm 1950, 1979, hai lần ra quân ngoài biên giới, đã bị quốc tế khiển trách. Nếu không tin, hãy tra tư liệu đi !
Bạn có biết không ? Năm 1992 Trung Quốc, Hàn Quốc giao thiệp, Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại Hán Thành mở tiệc chiêu đãi báo chí ; báo chí Hàn Quốc bèn làm khó – Ký giả Hàn Quốc yêu cầu Đại sứ Trung Quốc tiến hành xin lỗi về cuộc xâm lăng Hàn Quốc năm 1950 – Như vậy thử hỏi với nhãn quan của nhân dân Hàn Quốc, thì hành vi của Trung Quốc năm 1950 được đánh giá như thế nào ?
Năm 1979 quân ta đánh vào Việt Nam, cho dù quân kỷ dạy về 3 điều chú ý, 8 hạng kỷ luật [tam đại chú ý, bát hạng kỷ luật], giúp cho ông già Việt Nam kéo nước [giếng], gặt lúa ; nhưng đổi lại được gì ? Đổi được việc ông già Việt Nam lén cầm súng bắn ! Tại làm sao vậy ? Vì rằng trong nhãn quan nhân dân Việt Nam, chúng ta là “kẻ xâm lược”. Lại hãy xem vào năm đó chính phủ Việt Nam đã tuyên truyền “Trung Quốc xâm lược” như thế nào :
“Giặc phương Bắc [Trung Quốc] cuồng võng xâm chiếm lãnh thổ lân bang, để thoả mãn dã tâm bá quyền châu Á. Trung ương cùng chính phủ hiệu triệu toàn thể quân dân một lần nữa hăng hái đánh ngoại tộc xâm lược.”
Bạn đã thấy rõ chưa, tại năm 1979 nước Trung Quốc ta là “Bắc khấu” [giặc phương Bắc] ; chúng ta bị người Việt Nam gọi là kẻ xâm lược. Không tại gì hết, ngoài việc chúng ta đã tiến đánh vào lãnh thổ nước khác.
Trung Quốc trong lịch sử cận đại chủ yếu đóng vai trò bị áp bức ; nhưng cũng có lúc Trung Quốc đóng vai trò xâm hại người ; chỉ vì anh không hiểu rõ, hoặc không thừa nhận, không dám đối diện với sự thực mà thôi. Lúc chúng ta đàm luận về lịch sử, thường khiển trách Đế quốc chủ nghĩa xâm lược ; nhưng cái thuyết “Nước A mang binh đánh nước B, A là kẻ xâm lược” không thể đứng vững được, vì chúng ta đã từng mang quân đến nước người, đánh phá nhà người. Cái tảng đá kể tội người một khi ném xuống, không khéo lại va vào chân !
Nói như vậy không phải bảo anh đừng đề cập đến, nhưng muốn bảo anh nên đề cập một cách thông minh ; trên thế giới này không phải luôn luôn đều yên ổn, trăm vạn lần chớ đổ riết cho người là xâm lăng, còn tự mình là Thiên sứ !
Cười thứ ba : “Cái của anh là của tôi, từ xưa đến nay là của tôi.”
Người Trung Quốc “ái quốc” văn hoá, mỗi khi bàn đến vấn đề lãnh thổ, thường dùng câu sau đây “Từ cổ đến nay vốn thuộc Trung Quốc”. Năm nào thì gọi là cổ ? Lâu bao nhiêu mới gọi là cổ ? Khái niệm này xuất hiện từ lúc nào? Vấn đề cần phải bàn nhiều.
Tôi xin đưa Đài Loan ra làm ví dụ ; thanh niên “ái quốc” chúng ta thích nói rằng : “Đài Loan từ xưa đến nay thuộc Trung Quốc.” Vấn đề ở chỗ đây là câu nói bậy ; đảo Đài Loan từ xưa không thuộc Trung Quốc. Có thuyết nói rằng thời Tam Quốc, quân Ngô Tôn Quyền đã đi qua Đài Loan ; cho dù vậy cũng không chứng minh được Đài Loan thuộc Trung Quốc (5), Marco Polo từng đến Trung Quốc, nhưng lẽ nào chứng minh được Trung Quốc thuộc Ý Đại Lợi ?
Ngoài ra, dưới triều Minh thiết lập ty tuần kiểm Bành Hồ, thì chỉ phụ trách Bành Hồ mà thôi, không thể lấn ra đến Đài Loan. Kỳ thực từ thời Khang Hy mới bắt đầu, trước đó Trung Quốc chưa hề quản trị đảo Đài Loan.
Sự việc trước kia như thế nào ? Lịch sử đảo Đài Loan nguyên thuộc dân địa phương làm chủ, với một nước thuộc loại bộ lạc gọi là Đại Đỗ Vương quốc ; sau đó người Hà Lan đến, thiết lập chính phủ thực dân Hà Lan. Tiếp đến Trịnh Thành Công dùng vũ lực đánh bại người Hà Lan, lấy Đài Loan từ tay người Hà. Rồi sau đó nước Đại Thanh đánh bại Trịnh Thành Công, mới chính thức mang đảo Đài Loan vào bản đồ Trung Quốc.
Nói một cách khác, đảo Đài Loan không phải “từ xưa đến nay thuộc Trung Quốc” ; nhưng do người Trung Quốc động thủ đánh lấy, hay nói một cách khó nghe hơn, là cướp lấy. Như bảo Đài Loan từ xưa đến nay thuộc ai, có thể nói rằng từ xưa thuộc dân nguyên trên đảo, thứ đến thuộc người Hà Lan, rồi lại thứ đến thuộc người Trung Quốc.
Lịch sử đảo Đài Loan thực đã nêu ra một ví dụ rất tốt ; nó nói lên được một cách rõ ràng, cùng hết sức tàn khốc về sự thực lịch sử : trên thế giới này không địa bàn nào từ xưa đến nay thuộc một quốc gia. Địa bàn của Trung Quốc cùng địa bàn các dân tộc trên thế giới đều như vậy, đều tự mình giành lấy. Người Trung Quốc qua lịch sử không ngừng khuếch trương địa bàn, không ngừng phát động chiến tranh, không ngừng tiêu diệt các quốc gia khác ; lệ như nước Đại Lý [Vân Nam], Nam Việt [Quảng Đông, Quảng Tây, Việt Nam], Chuẩn Cát Nhĩ Hãn [Tân Cương, Tây Tạng], Trung Sơn [Hà Bắc], Ba Quốc [Lưỡng Hồ]… danh sách các nước bị Trung Quốc tiêu diệt còn rất dài… Người Trung Quốc không ngừng khuếch trương vũ lực, nên dần dần lớn mạnh không gian sinh tồn. Nhân vậy, những người “ái quốc” văn hoá của chúng ta, muôn vạn lần đừng cho kẻ khác là sài lang, chỉ có riêng mình là Thiên sứ. Các dân tộc và quốc gia trên thế giới này, bản chất đều tự tư tự lợi, người Trung Quốc cũng không ngoại lệ ; lời nói trần truồng, nhưng rất thực.
Không có cái gì gọi là “ từ xưa đến nay ” ; địa bàn sinh tồn của con người, qua lịch sử luôn luôn ở trạng thái biến động ; hôm nay là của anh, ngày mai là của tôi ; bất cứ địa bàn nào biến đổi đều có dấu vết có thể tìm được ; cái gọi là “từ xưa đến nay” không thuộc chân lý nào hết ; đó chỉ là nơi ẩn trú tỵ nạn của những kẻ lưu manh, chỉ có như vậy mà thôi !
Cười thứ tư : “Ta có thể lừa ngươi, nhưng ngươi không thể lừa ta.”
Các nhà giáo dục về Trung Quốc cận đại sử, được lệnh rót vào đầu óc trẻ con quan niệm như sau : Thời cận đại Trung Quốc là nước yêu hoà bình, đồng thời cũng là nước bị ngoại bang khinh rẻ lừa dối.
Hôm nay cho phép tôi trình bày một câu chân thực : Bắt đầu từ thời cuối Thanh, Trung Quốc đã bắt đầu bước vào con đường chủ nghĩa đế quốc, nhưng sở dĩ không hoàn thành vì trong nước có nội loạn, lại cạnh tranh không nổi ; chứ thực tế thời cuối Thanh Trung Quốc đã đi vào con đường bá đạo của chủ nghĩa đế quốc ; tôi xin nêu lên vài sự thực :
– Sự thực 1 : Năm 1882 đế quốc đại Thanh thấy thuộc quốc Triều Tiên, bị người Nhật Bản đến càng ngày càng nhiều ; đế quốc đại Thanh cảm thấy địa vị siêu việt tại Triều Tiên trong tương lai sẽ bị Nhật Bản uy hiếp. Nhắm tăng cường khống chế Triều Tiên, đại Thanh yêu cầu Triều Tiên ký bất bình đẳng điều ước “Trung Triều Thương Dân Thuỷ Lục Mậu Dịch Chương Trình” trong đó ấn định người Trung Quốc tại Triều Tiên được hưởng trị ngoại pháp quyền. Kế đó đại Thanh yêu cầu lập tô giới tại Triều Tiên như : Nhân Xuyên, Phủ Sơn, Nguyên Sơn ; đồng thời đế quốc đại Thanh còn tăng binh lực tại Triều Tiên. Trị ngoại pháp quyền, tô giới, trú binh ; đều là hành vi điển hình của cái gọi là “chủ nghĩa đế quốc.” Muôn vạn lần xin đừng hỏi tôi rằng hành vi của đại Thanh, cùng chủ nghĩa đế quốc Anh, chủ nghĩa đế quốc Nhật, về bản chất có gì khác biệt !
– Sự thực 2 : Năm 1911 tại Mexico nổi lên vụ bài Hoa. Triều đình nhà Thanh lập tức điện cho hải quân Thanh, hiệu Hải Kỳ, đến Mexico bảo hộ kiều dân nước Thanh. Dưới sự uy hiếp của súng đạn đế quốc Thanh (6), chính phủ Mexico bèn thoả hiệp, xin lỗi và bồi thường. Hãy xem ! Kiều dân nước mình bị nước khác kỳ thị, lập tức mang quân đến uy hiếp nước người. Hành vi này là thế nào ? Đó là hành vi điển hình của chủ nghĩa đế quốc. Muôn vạn lần xin đừng hỏi tôi rằng hành vi của đại Thanh, cùng chủ nghĩa đế quốc Anh, chủ nghĩa đế quốc Nhật, về bản chất có gì khác biệt !
– Sự thực 3 : Năm 1917 nước Nga bùng nổ cách mệnh tháng 10, thiết lập “Nga Xô Viết” ; các nước đế quốc chủ nghĩa Tây phương quyết định mang quân can thiệp. Năm 1918 chính phủ Bắc Dương Trung Hoa Dân Quốc quyết định phái binh tham gia, sự kiện này lịch sử gọi là “Tây Bá Lợi Á can thiệp.” Anh không thấy gì sai, phải không ! Trung Quốc từng mang quân vào trong nước Nga, vũ trang can thiệp vào nội tình nước này, đây là sự thực lịch sử, mực đen viết trên giấy trắng, nhưng bị người đời bỏ qua. Mang quân vào nước người, can thiệp vào nội chính nước người, đây là hành vi điển hình của đế quốc chủ nghĩa ; không cần hỏi tôi làm như vậy có đúng hay không ?
Còn một sự kiện lịch sử mà ai cũng biết đó là chiến tranh năm Giáp Ngọ [1894]. Khác với nhận thức của chúng ta, Giáp Ngọ chiến tranh kỳ thực không phải là chiến tranh giữ nước giữ nhà ; đây là cuộc chiến tranh chấp quyền khống chế Triều Tiên, giữa đế quốc đại Thanh và đế quốc Nhật Bản ; ít ra tại cặp mắt nhân dân Triều Tiên cho rằng chiến tranh Giáp Ngọ là cuộc chiến chó cắn chó, giữa Thanh đế quốc chủ nghĩa và Nhật Bản đế quốc chủ nghĩa mà thôi. Nhật Bản khống chế Triều Tiên là không đúng, nhưng đế quốc Thanh khống chế Triều Tiên lại đúng ư ! Đổi địa vị hai phe, rồi suy nghĩ có thể thấy được. Lại nói thêm với các anh một điều ít tai biết tới : Thời chiến tranh Giáp Ngọ, dư luận quốc tế ủng hộ ai ? Câu trả lời làm anh giật mình rơi kính : Đương thời dư luận quốc tế nghiêng về Nhật Bản, đa số người Tây Dương cho rằng nhà Thanh vô lý. Chắc anh không ngờ điều đó !
Những loại sự thực nêu trên, nếu trình bày thêm còn rất nhiều. Từ những sự thực này có thể thấy được rằng trong trào lưu đế quốc chủ nghĩa lúc bấy giờ, chính phủ Trung Quốc thời cuối Thanh đầu Dân Quốc đã gia nhập vào trận tuyến. Lại chính vì dấn bước trên con đường đế quốc chủ nghĩa, nên các nước đế quốc chủ nghĩa đến Trung Quốc đã can dự vào những việc lừa dối người ; còn chính phủ Trung Quốc thời cuối Thanh và chính phủ Bắc Dương thì bắt đầu can dự, nhưng cũng không kém phần hăng hái. Lịch sử chỉ cho chúng ta biết rằng : Người Trung Quốc không phải hiền lành chỉ biết ăn rau, trăm vạn lần đừng nghĩ rằng người Trung Quốc là dì Tường Lâm đầy nhẫn nhục [trong truyện Chúc Phúc của Lỗ Tấn], người Trung Quốc cũng không phải không nghĩ đến việc dấn bước trên con đường đế quốc chủ nghĩa, nhưng chỉ vì trong nước nội loạn nên không thực hiện được mà thôi. Trong quá trình lịch sử, hoặc tại cận đại sử, sự thực lịch sử về việc người Trung Quốc lừa dối nước khác, không phải là không có ; nhưng vì các anh không biết mà thôi.
Cười thứ năm : “Ta đều đúng, nhưng không biết tại sao ta đúng.”
Tôi ngồi trên xe taxi, đem việc đảo Điếu Ngư ra bàn với anh tài xế ; tài xế bảo đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc, hãy dẹp tan bọn tiểu Nhật Bản đi. Tôi mỉm cười hỏi anh ta :
– Tại sao đảo Điếu Ngư thuộc Trung Quốc ?
Anh tài xế bị tôi hỏi, ngừng một chút, rồi trả lời :
– Đương nhiên thuộc về Trung Quốc ; lại còn hỏi nữa !
Tôi tiếp tục truy vấn anh ta :
– Tôi thực không biết, xin được thỉnh giáo, rửa tai mà nghe.
Anh tài xế trầm mặc một hồi, rồi nói lời sau đây :
– Tôi cũng không biết tại sao, thực ra chúng ta đều không biết.
Qua nhiều năm, mỗi khi nghĩ đến anh tài xế tôi lại tự mỉm cười. Thực ra anh tài xế này không phải thuộc loại đặc biệt, cũng cùng lứa tuổi với các bạn thanh niên “ái quốc” tôi thường đề cập. Nếu anh thử hỏi họ “Tại sao đảo Điếu Ngư thuộc Trung Quốc” thì chắc chắn 99 % họ đáp không được, và cũng nói như anh tài xế rằng “Đương nhiên thuộc về Trung Quốc, lại còn hỏi nữa!”
Anh tin rằng số tiền trong túi là của anh, tại sao ? Bởi số tiền này anh vừa mới lãnh lương. Anh tin căn phòng này thuộc anh, vì anh mới bỏ tiền ra tạo nó. Anh tin rằng người hôn phối thuộc về anh, vì anh và cô ta có làm giấy giá thú. Anh tin bất cứ sự vật nào thuộc về anh, tất nhiên anh có thể nói ra lý do. Nếu như anh không nói lên được lý do nào, thì phải nói anh không xác định được nó thuộc về anh. Như quả anh không thấy được lý do nào nó thuộc về anh, mà anh cương quyết xác nhận rằng nó thuộc về anh, như vậy tư tưởng anh có vấn đề, anh có tâm bệnh cần phải trị.
100 năm về trước, con gái bó chân. Được hỏi tại sao mà bó, cô nàng nói không biết, nhưng vì người xung quanh cho là đúng, nên tôi cũng cho là đúng. 78 năm về trước, dân Nhật Bản tập trung liên hoan đưa tiễn con em đi đánh Trung Quốc. Lúc đó nếu anh hỏi đi làm gì, họ không biết, họ chỉ biết “vì nước đánh giặc là đúng”. Tất cả những thứ đó đều là bệnh, cần phải trị.
Con người có chút lý trí cần biết rằng : Nếu như anh không biết đảo Điếu Ngư thuộc Trung Quốc như thế nào, thì anh nên ngậm miệng. Nếu như anh thực sự lo cho nước cho dân, anh nên lập tức sưu tầm các tài liệu liên quan đến lịch sử đảo Điếu Ngư, xét những quan điểm và chứng cứ một cách rõ ràng, một khi xác tín “Điếu Ngư đảo thuộc Trung Quốc”, đến lúc đó anh có quyền dõng dạc loan báo với bốn phương rằng “Điếu Ngư thuộc Trung Quốc”, thì chẳng có vấn đề gì cả. Vấn đề ở chỗ lúc anh chưa hiều về lịch sử đảo Điếu Ngư, mà vẫn cố dùng lời to lớn hô lên “đảo Điếu Ngư thuộc Trung Quốc”; nhưng nếu người khác hỏi tại sao, thì anh đáp không được; lúc này trước con mắt người hỏi, anh bị thoái hoá thành người vượn.
Một người có tư cách, trước tiên là con người thành thực, con người chính trực. Đối với bất cứ sự kiện nào, biết thì nói rằng biết, không biết thì nói rằng không biết. Một vật, thuộc về anh thì nói thuộc về anh; không thuộc về anh thì nói không thuộc về anh. Còn khi không xác định được nó thuộc về anh hay không, thì cách thích hợp nhất là nên nói : tôi không biết. Nhưng nếu anh không biết, mà cứ khăng khăng bảo nó thuộc về anh, lúc này đứng về phương diện tinh thần, anh bị nhập vào hàng đạo phỉ.
Tác giả thiên kỳ văn này là Phùng Học Vinh, học giả về bộ môn lịch sử. Ông hiện sống tại Hương Cảng, cũng là tác giả các sách về lịch sử như Tại sao Nhật Bản xâm lăng Trung Hoa, Trắc diện về Lịch sử Trung Quốc, Tìm hiểu Lịch sử Bắc Dương.
Chú thích:
(1) Quốc Dân Chính Phủ : chính phủ dân quốc sau cách mệnh lật đổ nhà Thanh.
(2) Kẻ chạy 50 bước cười người chạy 100 bước : điển từ sách Mạnh Tử, ngũ thập bộ tiếu bách bộ [五十步笑百步五十步笑百步], kể chuyện 2 ông tướng đánh giặc thua chạy, ông chạy 50 bước chê cười ông chạy 100 bước là thiếu dũng cảm.
(3) Năm 1918 Liên Bang Xô Viết mới thành lập, một số nước Tây Phương cấu kết với chính phủ quân phiệt Bắc Dương [tại Bắc Kinh] tìm cách quấy phá.
(4) Vương sư : quân lính của vua ; ý nói mỉa, chỉ Mao Trạch Đông như vua.
(5 ) Hồ Bạch Thảo, Lãnh Hải Trung Quốc Dưới Thời Nhà Minh (Diễn Đàn, 29.11.2009) ; xác nhận Minh Sử, phần Liệt Truyện, ghi Đài Loan tức Kê Lung Sơn, được xếp vào ngoại quốc dưới triều Minh.
(6) Theo trang mạng 凤凰资讯 > 历史 > 中国近代史 thì việc này có sự chi trì của Mỹ
Nguồn bài đăng