18/06/2018, 16:42

Quân chủ lập hiến- một giải pháp hòa giải dân tộc và đổi thay chính trị

Ấn Hoàng đế Chi Bửu của vua Bảo Đại. Ấn chỉ dùng đóng trên giấy tờ liên quan đến lễ khánh tiết, ghi ân, dụ thân huân, tuần du các địa phương, ban sắc thư cho nước ngoài. Bằng chiếc ấn này vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn đã ban hành nhiều chiếu chỉ cải cách triều chính như: ra đạo dụ Tuyên ...

hoang-de-chi-bao-3046-1440928825-1

Ấn Hoàng đế Chi Bửu của vua Bảo Đại. Ấn chỉ dùng đóng trên giấy tờ liên quan đến lễ khánh tiết, ghi ân, dụ thân huân, tuần du các địa phương, ban sắc thư cho nước ngoài. Bằng chiếc ấn này vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn đã ban hành nhiều chiếu chỉ cải cách triều chính như: ra đạo dụ Tuyên cáo Việt Nam độc lập, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam…

Bảo Hoàng

I. Lời Mở đầu

Hiện trạng Việt Nam ngày nay, là một trong rất ít quốc gia theo đuổi hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa, có nền kinh tế phát triển yếu kém so với mặt bằng các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực. Ngoài  những vấn đề kinh tế và xã hội, nhìn thẳng vào bản chất, đất nước ta còn đang trăn trở với hai vấn nạn rất lớn.

Một là, sự chia rẽ về chính trị. Hiện nay Đảng Cộng Sản là chính đảng cầm quyền độc nhất với hàng triệu đảng viên trung kiên và một bộ phận lớn người dân ủng hộ. Nhưng cũng còn những nhóm khác không ủng hộ sự chuyên chính về đảng phái này. Ta gọi là tập hợp những nhóm đấu tranh về chính trị để đạt được một chế độ đa nguyên, đa đảng. Đảng và những người ủng hộ thì luôn cố gắng bảo vệ chế độ, không chấp nhận đa nguyên và do đó đã xảy ra tình trạng đàn áp các nhóm đối lập. Ngược lại, các nhóm này cũng thường xuyên vận động, đấu tranh ngấm ngầm hoặc chống đối công khai nếu có điều kiện. Tình trạng chia rẽ về lý tưởng chính trị như vậy bề nổi thì yên lặng nhưng thật sự thì gây chia rẽ rất sâu sắc trong nhân dân

Hai là, sự chia rẽ giữa người Việt quốc nội và người Việt hải ngoại. Người Việt hai ngoại hiện nay, phần lớn là những người ra đi sau 1975, những người ủng hộ chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Hơn 40 năm đã qua, nhưng cộng đồng hải ngoại, đặc biệt tại Mỹ và Úc châu vẫn nhiệt thành ủng hộ chính thể cũ, không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền Việt Nam hiện tại. Sự chia rẽ này đối với một bộ phận thì là có tính thù hằn, đối kháng sâu sắc.

Đã có những lời kêu gọi về đổi thay chính trị, hòa giải dân tộc nhưng những giải pháp đưa ra thì chưa giải quyết được vấn đề. Tình trạng đất nước vẫn loay hoay chưa thể đột phá, nâng tầm vị thế quốc gia và mức sống của người dân. Người viết bài này xin mạo muội đưa ra một giải pháp có tính lý thuyết sơ bộ, đó là chuyển đổi đất nước sang chính thể Quân chủ lập hiến.

Một Việt Nam theo chế độ quân chủ lập hiến- một ý tưởng nghe lạ lùng và bất khả thi (trong điều kiện lý tưởng thì đề xuất này cũng cần kết quả trưng cầu dân ý). Đúng vậy, người viết bài không mong mỏi giải pháp này sẽ trở thành hiện thực, chỉ mong góp một phần suy nghĩ, cung cấp một cách nhìn mới , một giải pháp lý thuyết nhằm giải quyết những vấn đề xã hội chính trị nan giải trong lòng nước Việt. Từ những phân tích nội trạng, khuyến khích mọi cá nhân cùng chung tay suy nghĩ, trăn trở về vận mệnh nước nhà, đóng góp một phần nào có ích xây dựng tương lai cho những thế hệ sau.

II. Thành lập quốc gia Việt Nam theo chính thể Quân chủ lập hiến

Thiết lập chính thể Quân chủ lập hiến ở Việt Nam không phải là tái dựng chế độ phong kiến cũ trong lịch sử đất nước. Chính thể Quân chủ lập hiến đề cập ở đây là hình thức nhà nước giữ nguyên vai trò của vua hay quốc vương từ thời phong kiến nhưng vị quân vương không nắm thực quyền, mà quyền lực chủ yếu thuộc quốc hội do đảng chiếm đa số ghế lãnh đạo; đảng này (bao gồm cả Đảng cộng sản) có quyền tự chấp chính, hoặc liên minh với đảng khác để thành lập Chính phủ. Thủ tướng thường là thuộc đảng chiếm đa số. Trong chính thể quân chủ lập hiến, nhà vua là nguyên thủ quốc gia, nhưng về quyền lực thì chỉ mang tính chất tượng trưng, đại diện cho truyền thống dòng tộc và sự thống nhất của quốc gia. Tiếng Anh có câu là “nhà vua trị vì nhưng không cai trị”. Chính thể quân chủ lập hiến theo mô hình đại nghị còn tồn tại ở nhiều nước phát triển như Nhật, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Canada…

1 . Nhà Vua

Chính thể Quân chủ lập hiến đòi hỏi phải phục hưng dòng máu hoàng tộc, danh dự cũng như uy quyền của nhà Vua. Ở đây là triều Nguyễn, triều đại gần nhất (đã thoái vị) trong lịch sử. Chọn ra ứng cử viên phù hợp để nắm vương vị là việc làm quan trọng nhất, rất cần sự kết hợp giữa một hội đồng chuyên gia với đại diện Nguyễn Phước tộc. Ứng cử viên được chọn phải thuộc dòng chánh thức của Nguyễn Phước tộc, còn trẻ, am hiểu văn hóa Việt Nam và giao tiếp lưu loát bằng tiếng Việt. Người viết xin đề xuất hai hướng:

– Chọn từ hậu duệ của nhà vua Bảo Đại (vị hoàng đế Việt Nam cuối cùng). Nếu chọn từ dòng này có thể xem xét hậu duệ của ông Bảo Thắng (con trai thứ 2 của vua Bảo Đại với hoàng hậu Nam Phương) hoặc hậu duệ của ông Bảo Ân (con của Bảo Đại với bà Lê Phi Ánh)

– Chọn từ hậu duệ của nhà vua yêu nước Thành Thái. Vua Thành Thái có nhiều vợ và 22 con trai (sống ở cả trong nước và hải ngoại). Trong số này, ông Nguyễn Phước Vĩnh Diêu là vị hoàng tử được công nhận tước vị chính thức khi vua cha còn trị vì, con cháu hiện sống tại Mỹ

Ứng củ viên được chọn phải tình nguyện về nước, tham gia tuyên thệ trong một lễ đăng quang chính thức và phục vụ nhân dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một Quân Vương theo Hiến pháp quy định. Từ đây ta tạm gọi là nhà Vua.

2. Hoàng gia

Gia đình của nhà Vua (tương lai) được gọi là hoàng gia, ở đây chỉ nên xét các thành viên gần gũi như ông bà, cha mẹ, vợ và con cháu về sau. Các thành viên khác của gia tộc thì thuộc về Nguyễn Phước tộc quản lí chung. Các tước vị nếu cần thiết sẽ do nhà Vua quyết định và ban thưởng.

Chính phủ có trách nhiệm tổ chức lễ đăng quang (tuyên thệ), công bố cho toàn dân. Cung điện (dinh thự) cho nhà Vua và hoàng gia sinh sống có thể được xây mới (tại Huế) hoặc cải tạo từ công trình có giá trị lịch sử thời Nguyễn. Chi phí cho việc sinh hoạt và làm việc của hoàng gia được lấy từ nguồn ngân sách đóng góp của quốc gia, một phần lấy từ quyền khai thác các tài sản cũ được hoàn trả (một phần hoặc toàn bộ). Quyền sở hữu và khai thác một số tài sản có thể trả về toàn bộ cho hoàng gia như là các dinh thự của vua Bảo Đại được xây rải rác khắp cả nước. Quyền sở hữu và khai thác một phần trả về cho hoàng gia như là các lăng tẩm và hoàng cung Huế. Vấn đề này sẽ quyết định bởi quốc hội có sự tham khảo ý kiến của Nguyễn Phước tộc.

Hoàng gia có nghĩa vụ tham gia vào việc cải thiện đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Các đề án phát triển phi chính trị  được tổ chức và tài trợ bằng nguồn ngân quỹ của Hoàng gia sẽ nhằm vào một số lĩnh vực như: nông nghiệp, môi trường, hướng nghiệp, tài nguyên nước, truyền thông, phúc lợi xã hội…

III. Vấn đề hòa giải dân tộc

Những mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội hiện nay rất cần một vai trò trung gian để hòa giải, một nhà Vua có uy tín, được nhân dân yêu mến sẽ là một vị trọng tài kết nối các bên, giúp dung hòa các mâu thuẫn đã đề cập. Ở đây có thể tham khảo vai trò của hoàng gia nước Anh, hoặc trường hợp Thái Lan.

Nhà vua Thái Lan Bhumibol Aduladej được xem là một trong số những vị quân vương trị có uy tín nhất trên thế giới. Mặc dù Thái Lan theo thể chế quân chủ đại nghị, vị quốc vương này đã vài lần can thiệp hiệu quả vào chính trường. Bhumibol Adulyadej được coi là có công lớn trong nỗ lực kiến tạo tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Thái Lan trong thập niên 1990. Ngay lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng chính trị 1992, nhà vua Thái Lan triệu tập thủ tướng Suchinda và thống đốc Bangkok Chamlong đến gặp gỡ tại cung điện. Hình ảnh hai nhân vật chống đối nhau cùng phủ phục trước nhà vua đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên toàn dân tộc, dẫn đến quyết định từ chức của Suchinda. Một cuộc tổng tuyển cử được tiến hành, và từ đó nền dân chủ được phục hồi.

Ở đây cần nói thêm, mặc dù chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt hơn 40 năm nhưng mâu thuẫn Quốc-Cộng, tức mâu thuẫn giữa chính quyền hiện tại và cộng đồng người Việt hải ngoại ủng hộ chính thể VNCH vẫn rất gay gắt, đến mức không thừa nhận lẫn nhau. Dĩ nhiên, chính quyền hiện tại là một chính quyền hợp hiến, được thế giới công nhận, nhưng không vì thế ta không xét đến các giá trị, yêu cầu và đòi hỏi từ cộng đồng đối kháng. Một hoàng gia trong sạch với uy tín cao và được quần chúng yêu mến sẽ cung cấp một giá trị tinh thần cốt lõi quy kết nhân tâm, giúp gạt bỏ hận thù. Hoàng gia là danh dự, là giá trị tinh thần chung của quốc gia, của mọi phe phái chính trị.

IV. Vấn đề đổi thay chính trị ở Việt Nam

Mâu thuẫn về chính trị hiện nay là mậu thuẫn giữa một bên là Đảng cộng sản cầm quyền với một bên là tập hợp các nhóm đấu tranh đòi hỏi một chính thể dân chủ, đa đảng phái. Quan niệm của chính quyền là sự không thừa nhận các nhóm đảng phái dân sự, đi kèm là sự đàn áp tiếng nói của phe đối lập. Trong một chế độ toàn trị, những lời kêu gọi thay đổi chính trị được xem là “phản động”, là “chống chính quyền”.

Đi vào cốt lõi vấn đề, ta thấy lí do Đảng phải duy trì sự toàn trị của mình là nhằm tự bảo vệ Quyền Lợi và Lý Tưởng của Đảng. Sự đổi thay của nền chính trị phụ thuộc vào điều này. Và sự đổi thay chỉ xảy ra khi và chỉ khi hai mục tiêu trên của Đảng cầm quyền được bảo đảm.

Đối với vấn đề Lý tưởng và Giá Trị quá khứ của Đảng Cộng Sản, nếu các phe nhóm đấu tranh dân chủ giành được chính quyền, sẽ không có sự bảo đảm cho giá trị tư tưởng của Đảng. Nhưng trong một chế độ Quân chủ, mâu thuẫn ý thức hệ này được xếp lại dưới uy tín và danh dự của Hoàng gia. Hoàng gia sẽ đứng trên các phe nhóm, các hệ tư tưởng chính trị. Danh dự của hoàng gia là trên hết. Giá trị tinh thần cao nhất của mọi người, của quốc gia đều hướng về Nhà Vua và Hoàng gia, và do đó sẽ giảm thiểu hoặc tránh được các hậu quả của việc xét lại quá khứ.

Đối với vấn đề quyền lợi của Đảng (hàng triệu đảng viên cùng với gia đình của họ và con số hàng chục triệu những người ủng hộ Đảng). Trong một chế độ Quân chủ lập hiến, Nhà Vua với tư cách người lãnh đạo tinh thần của quốc gia có trách nhiệm, bảo vệ và tái phân phối các quyền lợi mà Đảng đang nắm giữ, chẳng hạn như vấn đề thu xếp cuộc sống và công việc của những người đã và đang làm việc cho Đảng hoặc cho các cơ quan trực thuộc Chính phủ do Đảng quản lí và lãnh đạo. Chỉ có uy tín và danh dự của Hoàng gia mới có thể bảo đảm một tương lai ổn định cho các Đảng viên, cho tầng lớp lãnh đạo của Đảng, điều giúp cho nội bộ Đảng chấp nhận từ bỏ sự cầm quyền, chấp nhận sự thay đổi của nền chính trị, tôn trọng những khác biệt.

Đến đâu cũng cần nói rõ việc thực hiện các chính sách quốc gia vẫn là việc của chính phủ, quốc hội và cơ quan do dân bầu. Nhà Vua chỉ đóng vai trò lãnh tụ tinh thần, là trọng tài hòa giải và người ban bố các giá trị tư tưởng phù hợp truyền thống và đạo lý dân tộc. Quân chủ nhưng không chuyên chế, Nhà Vua góp phần thiết thiết và xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, là hình mẫu cho mọi đảng phái và người dân noi theo.

V. Kết 

“Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America great again), có lẽ câu khẩu hiệu mạnh mẽ và đầy thu hút này đã góp phần giúp ông Trump thắng cử. Năm 2008 ông Obama cũng đã thắng cử với câu nói sắc sảo: “Chúng ta tin vào sự thay đổi” (Change we can believe in). Chúng ta những con dân nước Việt hãy hy vọng vào sự thay đổi, một ngày không xa đất nước chúng ta trở nên “vĩ đại” hơn, giàu đẹp hơn, trở thành quốc gia hạnh phúc và vui sống.

Bất cứ sự biến động đổi thay lớn lao nào của dòng chảy lịch sử đều cần có những ý kiến tiên phong và những cải cách đột phá, đi kèm với đó là sự dấn thân sự hy sinh vì đại cuộc. Những ý kiến thô thiển trình bày ở đây chỉ mong như mũi tên bắn vào mặt hồ tư tưởng của bạn đọc, mong khơi gợi lên những làn sóng suy nghĩ, những tâm tư có ích, đóng góp thiết thực hơn cho tương lai Việt Nam.

SG, 12-2016

 

0