Bàn về khởi nghĩa Mai Thúc Loan
Đặng Thanh Bình Trong bài Phụ chú về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan , chúng ta đã tìm hiểu một số điểm quan trọng, trong đó có 2 điểm chính: thứ nhất là, Mai Thúc Loan có thể là một hào trưởng rất có thế lực và thứ hai là, những thông tin chép về Thúc Loan quá ít ỏi, thật khó là ...
Đặng Thanh Bình
Trong bài Phụ chú về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, chúng ta đã tìm hiểu một số điểm quan trọng, trong đó có 2 điểm chính: thứ nhất là, Mai Thúc Loan có thể là một hào trưởng rất có thế lực và thứ hai là, những thông tin chép về Thúc Loan quá ít ỏi, thật khó là để khảo sát được. Vì thế trong bài này, tôi sẽ đưa ra một giả thuyết về cuộc khởi nghĩa của họ Mai, sau đó cố gắng đối chiếu giữa những tư liệu ít ỏi về Thúc Loan và giả thuyết.
* Trong bài Giả thuyết về cội nguồn và hai cuộc thiên di của người Việt của Phan Duy Kha viết:
“Từ trước đến nay, khi nghiên cứu về thời kỳ hình thành cộng đồng dân tộc ta, các nhà nghiên cứu đều cho rằng nguồn gốc người Việt được hình thành từ phía Bắc mà trung tâm là vùng Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú) rồi tiến dần xuống phía Nam. Quan niệm chung hiện nay đều như vậy. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về vùng khu Bốn cũ, chúng ta đều nhận thấy một điều đặc biệt, đó là: cho đến hiện nay, vùng khu Bốn cũ mà trung tâm là Nghệ Tĩnh vẫn còn bảo tồn được nhiều nhất ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống của người Việt cổ. Xin trích một đoạn trong cuốn Chấn hưng các vùng và tiểu vùng văn hóa ở nước ta hiện nay (Huỳnh Khái Vinh chủ biên – NXB Chính trị quốc gia – 1995): “Xét về không gian văn hóa, vùng đất này là nơi gạn lọc và truyền giữ cho mai sau những gì là tinh hoa độc đáo, những gì là bản sắc dân tộc… Vùng Hà Tĩnh vì thế còn giữ được một cách độc đáo nhất vốn từ vựng, lời ăn tiếng nói của cư dân Việt cổ” (trang 52-53).
Khi đi sâu tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống, sinh hoạt của vùng Nghệ Tĩnh (nói riêng) và khu Bốn cũ (nói chung), chúng ta thấy có hai điều đáng ngạc nhiên. Một là, sự bảo tồn ngôn ngữ Việt cổ. Hai là, sự trùng hợp kỳ lạ giữa những từ ngữ cổ của vùng Nghệ Tĩnh (nói riêng) và khu Bốn cũ (nói chung) với ngôn ngữ cổ của dân tộc Mường (xem thêm TGM số 158). Phải chăng, như một số tác giả đã giải thích: do điều kiện địa lý vùng Nghệ Tĩnh như một cái cuống phễu, nền văn hóa, phong tục, lối sống của người Việt cổ từ phía Bắc tràn xuống phía Nam, đi qua khu Bốn cũ, gặp cuống phễu (tức địa hình eo hẹp) nên dừng lại và đọng lại ở đây (có thể xem cuốn sách đã dẫn ở trên để rõ hơn về cách giải thích này). Nếu giải thích như vậy thì chúng ta sẽ gặp hai điều bất hợp lý. Một là, nếu coi cội nguồn của người Việt khởi đầu từ phía Bắc rồi tràn xuống phía Nam thì tại sao ở các vùng phía Bắc (trong đó có cả nơi được coi là cái nôi của người Việt cổ là Vĩnh Phú) lại không bảo tồn được phong tục tập quán, lối sống, ngôn ngữ của người Việt cổ như ở vùng Nghệ Tĩnh nói riêng và khu Bốn cũ nói chung? Hai là, ở vùng Nghệ Tĩnh nói riêng, từ xưa việc giao lưu với các vùng khác rất khó khăn do điều kiện thiên nhiên hiểm trở (sách Đại Nam nhất thống chí gọi là tứ tắc, tức bốn bề hiểm trở). Nếu sự giao lưu khó khăn, thì đáng lý ra, việc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Việt cổ (từ ngoài vào) sẽ ít hơn, mờ nhạt hơn các vùng khác, chứ sao lại đậm đặc nhất, tập trung nhất như nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá?
Để lý giải được những điều bất hợp lý trên, chúng ta không còn cách nào khác là thừa nhận vùng Nghệ Tĩnh nói riêng và khu Bốn cũ nói chung là cái nôi, là nơi phát sinh đầu tiên của người Việt. Lập luận này tưởng chừng như võ đoán nhưng lại là hợp lý. Bởi vì không ở nơi nào lưu giữ, bảo tồn được nếp sống, phong tục tập quán, ngôn ngữ của một dân tộc bằng chính nơi đã phát sinh ra dân tộc đó”
Trong phần bình luận một người có tên là Đỗ Phong (Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội) viết: “Tôi rất quan tâm đến các bài viết của ông và cũng đồng tình với ông trên nhiều vấn đề, ví như việc ông phản bác ông Bùi Văn Nguyên. Tuy nhiên, trong vấn đề nguồn gốc và hai cuộc thiên di của người Việt thì tôi hoàn toàn không đồng ý với ông, đơn giản
vì những kiến giải của ông quá thiếu chứng cứ, vó đoán nên thiếu thuyết phục. Ông chỉ dựa vào một số từ cổ Nghệ-Tĩnh-Bình giống tiếng Mường (tru/trâu, ló/lúa, nác/nước) và một số tập tục thì thật không đủ. Tại sao không nghĩ: sở dĩ những tập tục, từ ngữ đó còn được lưu giữ lâu bền ở miền Trung là vì đây là vùng đất xa xôi, hiểm trở, các thời ngoại xâm TQ không/ít vươn tới cai quản chặt chẽ; đồng thời đây là vùng chậm phát triển về kinh tế nên những cái cũ được lưu giữ lâu hơn. Trong khi đó, vùng bắc bộ do hàng nghìn năm Bắc thuộc nên đã bị mai một đi. Mặt khác, do là vùng phát triển sớm, tiếp thu, ảnh hưởng cái mới bên ngoài nhiều nên cái cũ cũng mất đi. Trong điều kiện khuyết sử của nước ta, với những gì có được đến nay, theo tôi, có quá nhiều căn cứ để suy luận một cách có lý rằng lịch sử nước ta là lịch sử thiên di từ Bắc xuống Nam; người Việt ta là một bộ phận của Bách Việt ở miền Nam TQ (đừng vì thế mà cho rằng tôi coi người Việt là gốc Tàu). Nam TQ ngày nay là đất của người Việt ta. Người Việt thua người Hán phương Bắc nên phải chạy dần về phía Nam mà thôi. Ông có thời gian nên sang Quảng Đông tìm hiểu thêm. Ở đó, có rất nhiều thổ âm, thổ ngữ, phong tục, tập quán cổ giống người Việt ta lắm”.
Có một điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là người dân ở vùng bắc trung bộ có một tính cách, một văn hoá khác biệt so với vùng bắc bộ ? Đúng là so với vùng bắc bộ, vùng bắc trung bộ lưu giữ được những yếu tố cổ sơ hơn. Vì sao như vậy ? Vào thời điểm trước và sau công nguyên, người phương bắc di cư xuống phương nam, thì điểm đầu tiên họ gặp là vùng bắc bộ, vùng đồng bằng bắc bộ này cũng rộng lớn hơn so với vùng đồng bằng bắc trung bộ. Vì thế mà khả năng rất lớn là người phương bắc định cư ở vùng đồng bằng bắc bộ trước và nhiều hơn. Tại vùng đồng bằng bắc bộ các yếu tố bản địa bị phương bắc hoá, người phương bắc cũng tiến xuống vùng đồng bằng bắc trung bộ, các yếu phương bắc cũng tiến xuống đây, nhưng ít hơn so với phía bắc. Chúng ta tạm giả sử rằng: trước khi người phương bắc tiến xuống An Nam thì người Mol bản địa phân bố tương đối đồng đều ở 3 vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Khi người phương bắc tiến xuống đồng bằng bắc bộ, một vài nhóm người bản địa vì áp lực, họ di chuyển xuống vùng đồng bằng bắc trung bộ và tiến vào các vùng núi. Lưu ý rằng trước khi họ tiến xuống đồng bằng bắc trung bộ và vào vùng núi, tại những vùng này đã có người Mol bản địa sinh sống rồi. Khi người đồng bằng liên tục tiếp xúc với người phương bắc thì hình thành người Việt ở vùng bắc bộ và bắc trung bộ, trong khi người Mol vào trong vùng núi, ít tiếp xúc với người phương bắc hình thành người Mường. Đối với người Việt sống ở bắc bộ và bắc trung bộ, thì người ở vùng bắc bộ tiếp xúc nhiều hơn với người phương bắc nên họ đậm yếu tố bắc hơn, trong khi người bắc trung bộ ít tiếp xúc hơn thì yếu tố phương bắc trở nên nhạt hơn trong đời sống, văn hoá, tinh thần của họ. Như vậy sự hình thành những khác biệt này phản ánh những mức độ phương bắc hoá khác nhau. Mức độ đủ lớn để hình thành 2 tộc người Việt và Mường, mức độ đủ nhỏ để hình thành các vùng văn hoá khác nhau. Chúng ta có thể mở rộng tấm bản đồ về mức độ phương bắc hoá đối với cả tộc người Thổ và Chứt [Lưu ý rằng trên đây chúng ta chọn một yếu tố trong nền văn hoá để khảo sát và xem xét sự hiện diện của nó trong các vùng địa lý của 1 tộc người hay giữa những tộc người gần gũi. Trong nền văn hoá có nhiều yếu tố, chúng ta có thể áp dụng đối với yếu tố phương nam hoá hay chính là Chăm hoá]
Thổ – Chứt | Mức rất nhạt | |
Mường | Mức nhạt | |
Việt | Bắc Trung Bộ | Mức đậm |
Bắc Bộ | Mức rất đậm |
* Về khía cạnh lịch sử thầy ta thấy rằng: Khi nhà Đường được dựng, đã bước vào cuộc chiến với Đông Đột Quyết ở phía bắc, Cao Ly ở phía Đông, Thổ Phồn, Nam Chiếu ở phía tây. Riêng đối với phương nam, Phùng Áng ở Lưỡng Quảng, Khâu Hoà ở An Nam quy thuận, nên được nhà Đường cho tự coi. Sau khi chiến tranh tạm lắng, nhà Đường bước vào mở rộng thuộc địa ở phương nam. Cũng giống như phương bắc, sau khi chiếm được vùng đất nào thì nhà Đường thiết lập hệ thống đại diện ở đấy, ở phương nam cũng vậy. Tuy nhiên Lĩnh Nam là vùng đất rộng lớn, nhà Đường không thể một lần lấy được hết. Ban đầu là Quảng Đông, rồi Quảng Tây, rồi tới Giao Châu, tới Ái – Hoan. Sự mở rộng khai thác thuộc địa này được thể hiện như thế nào: chủ yếu là trên 2 lĩnnh vực, một là thiết lập bộ máy đại diện gồm quan lại – quân lính và hai là thực hiện chính sách tô thuế trực tiếp. Bên cạnh đó là các chính sách văn hoá đi kèm như dạy chữ, dạy tư tưởng, thi cử và hôn nhân.
Trong những bài trước, chúng ta biết rằng: sau cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến ở Giao Châu năm 687, toàn bộ vùng đồng bằng bắc bộ nằm dưới sự cai trị của nhà Đường. Đến năm 791, Đỗ Anh Hàn khởi binh ở Đường Lâm, mà theo như bài Đường Lâm là Đường Lâm nào của các tác giả Trần Ngọc Vượng, Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan thì Đường Lâm nằm ở phía tây giữa biên giới Thanh – Nghệ. Những năm đầu Khai Nguyên, Mai Thúc Loan khởi nghĩa ở vùng đồng bằng Thanh Nghệ. Những cuộc khởi nghĩa này chủ yếu bắt nguồn từ việc chuyển hình thức từ nộp cống sang nộp thuế. Nộp cống thể hiện mối quan hệ giữa triều đình và hào trưởng, người đứng đầu châu kimi, điều đó cũng có nghĩa vai trò của tầng lớp hào trưởng rất quan trọng, trong khi hình thức nộp thuế lại thể hiện mối quan hệ giữa triều đình với người dân mà bỏ qua vai trò của các hào trưởng, chính vì thế mà các hào trưởng có thế lực thường liên kết với nhau chống lại phủ đô hộ.
Sau khi Khúc Thừa Dụ tự chủ cho An Nam, truyền tới Thừa Mỹ thì bị nhà Nam Hán cất quân sang đánh, để mất Giao Châu. Lý Tiến lúc này là tướng nhà Nam Hán trấn ở châu Giao. Sử ghi rằng, Tiến biết bộ tướng của Khúc Hạo là Dương Diên Nghệ trấn ở Ái Châu, nuôi 3000 người, nhưng do nhận hối lộ nên không tiến đánh, sau bị Nghệ khởi binh, buộc Tiến trốn về Quảng Đông. Vậy là khi Hạo mất, để con trai là Mỹ thế quyền, trấn châu Giao, châu Ái để tướng thân tín là Diên Nghệ giữ với số quân tới 3000 người. Khi Nghệ lĩnh chức Tiết độ sứ, giữ châu Giao thì để Quyền trấn châu Ái và chính Quyền là người dẫn binh dẹp loạn Công Tiễn và phá Hoằng Tháo. Rõ ràng là trong chiến lược thì châu Giao và châu Ái là 2 châu trọng yếu của An Nam, tựa lưng vào nhau, quản lý các vùng khác và cũng tương trợ nhau khi có giặc ở các phía bắc và phía nam. Sau Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn chọn Hoa Lư, một phần vì phát tích, do đó mà việc đặt đô ở đây an toàn hơn, mặt khác đây là điểm ở giữa châu Giao và châu Ái, là nơi có thể kiểm soát được 2 vùng này từ phía ngoại.
Rõ ràng là đến tận thời tự chủ thì 2 châu lớn là Giao và Ái chưa có sự thống nhất, thông suốt, ở những nơi này tư tưởng của con người ở mỗi nơi một khác, không đồng nhất như chúng ta ngày nay, ở châu Giao thì vẫn chịu ảnh hưởng của tư tưởng là thần phương bắc, trong khi ở châu Ái, tư tưởng bản địa mạnh mẽ hơn. Không chỉ thời tự chủ, mà từ thời này trở về trước, cho đến thời điểm Hai Bà khởi nghĩa, trên toàn vùng bắc bộ và bắc trung bộ ngày nay là những nhóm người cùng gốc, cũng tiếng nói, cùng phong tục, tập quán nhưng vẫn khác nhau về lãnh thổ. Các nhóm này giống nhau, nhưng mỗi nhóm lại cứ những vùng lãnh thổ khác nhau, có lúc giao lưu, buôn bán với nhau, thậm chí là cưới gả nhưng cũng có khi xung đột, một quan niệm bắc trung nam thống nhất, một nhà như ngày nay là chưa có. Chỉ đến khi người phương bắc tiến xuống bằng cuộc nam chinh lớn của Tô Định, khi ấy mới có sự đoàn kết.
Trên, là giả thuyết của chúng ta về bối cảnh của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, như vậy sau năm 687 nhà Đường kiểm soát châu Giao và bắt đầu tiến hành khai thác sâu xuống phía nam, mà bước đầu là châu Ái. Ban đầu là nhà Đường cử những quan lại xuống sinh sống và làm đại diện ở những vùng lãnh thổ có người phương bắc hoặc nhóm người có ảnh hưởng yếu tố phương bắc. Sau đó mở rộng dần ảnh hưởng ra đối với những người bản địa, trong trường hợp bị phản ứng thì nhà Đường sử dụng quân đội để đánh dẹp. Khi nhà Đường mở rộng ảnh hưởng tới những người bản địa, thì những cẳng thẳng diễn ra và thường là dẫn tới xung đột vũ trang, mà theo tôi Mai Thúc Loan là trường hợp tiêu biểu. Sau khi nhà Đưởng mở rộng ảnh hưởng qua châu Ái, nhà Đường mở rộng dần xuống phía nam, tại đây nhà Đường gây căng thẳng với tầng lớp hào trưởng ở châu Hoan trong đó có Thúc Loan và kết quả là một cuộc khởi nghĩa nổ ra.
Cựu Đường thư do Lưu Hú biên soạn chép: “Năm Khai Nguyên sơ, thủ lĩnh An Nam Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng Hắc Đế, cùng nước Lâm Ấp, Chân Lạp thông mưu hãm An Nam phủ. Sai Tư Húc đem binh đánh dẹp. Tư Húc đến Lĩnh Biểu, chiêu mộ con em các thủ lĩnh được binh mã hơn 10 vạn, theo đường cũ của Phục Ba mà tiến đánh xuất kỳ bất ý. Huyền Thành nghe tin quân đến sợ hãi, không kịp đề ra mưu kế, nên bị quan quân bắt, chém tại trận, giết hết bọn chúng và chất thây làm kình quán rồi rút về”.
Tân Đường thư do Âu Dương Tu và Tống Kỳ biên soạn chép: “Năm Khai Nguyên sơ, cừ súy người man ở An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, hiệu là Hắc Đế, dấy dân chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm cứ Hải Nam, quân chúng nói có 40 vạn. Tư Húc xin cho chiêu mộ con em các thủ lĩnh được 10 vạn, cùng An Nam đại đô hộ Quang Sở Khách theo đường cũ của Mã Viện, đánh bất ngờ, giặc sợ hãi, không kịp mưu tính, bị đại bại, chất thây làm kình quán rồi rút về”.
Như vậy Mai Thúc Loan dấy dân chúng ở 32 châu [có lẽ là châu và huyện] liên kết với bên ngoài có nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân. Điều này cho thấy đây là một cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn, do vậy Mai Thúc Loan hẳn phải là một hào trưởng có thế lực mới có thể huy động được một lực lượng lớn như vậy.
Sách sử thì chỉ nói Thúc Loan là người An Nam, không nói rõ hơn, nhưng qua việc liên kết với các nước, chủ yếu là phía Nam thì có khả năng Thúc Loan là người ở các châu phía nam. Qua đền thờ và các truyền thuyết ghi nhận được, thì đúng ông là người châu Hoan. Cũng thông qua việc dấy dân chúng 32 châu, liên kết nước ngoài, cho thấy Loan đã lên kế hoạch và chuẩn bị khá kỹ càng.
An Nam chí lược của Lê Tắc chép:
“Nguyên-Sở-Khách, Người Giang-Lăng, đầu niên hiệu Khai-Nguyên (713), đổi ra làm An-nam đô-hộ, cùng Dương-Tư- Húc dẹp yên loạn Mai-Thúc-Loan.
Tống-Chi-Đế Em của Tống-Chi-Vấn, người cao tám thước. Trong khoảng niên-hiệu Khai-Nguyên (713-741), đã từng làm Kiếm-Nam Tiết-Độ-Sứ và Thái-Nguyên-Doãn, bị tội đày ra quận Chu-Diên. Lúc ấy có giặc Mán đánh hãm Hoan-Châu, Chi-Đễ được bổ chức Giao-Châu Tổng-Quản, dẹp yên quân Mán”
Mộ chí của Bùi Trụ Tiên chép:
“Thiên tử tiếc cho tiền đồ [của Bùi Trụ Tiên], mời về kinh sư, phong làm Tả Kim ngô Tướng quân. Không lâu sau, An Nam làm phản, biên cương cấp báo. (Triều đình) bèn phong thêm cho Công [tức Bùi Trụ Tiên] chức Vân Huy Tướng quân, kiêm Quảng châu Đô đốc, tiến phong Dực Thành huyện nam. Công mặc giáp cầm quân, băng núi vượt bể, bẻ gãy mối họa ở bến Ô Lôi, đưa sứ giả vào hang Mã Viện, giết phản chiêu an, khải hoàn rút quân. Chưa về đến kinh, được phong làm Tả Vệ Tướng quân”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép:
“Năm Nhâm Tuất (722). (Đường, Huyền tông, năm Khai Nguyên thứ 10).
Tháng 7, mùa thu. Ở Hoan Châu Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế. Nhà Đường, sai bọn nội thị Dương Tự Húc sang đánh, phá được.
Theo Đường thư, khoảng năm Khai Nguyên (713-741), An Nam có Mai Thúc Loan làm phản, tự xưng là Hắc đế, chiêu tập quân 32 châu, ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vùng biển nam, quân số có đến 40 vạn. Tư Húc xin đi đánh, chiêu mộ 10 vạn quân, cùng với Quang Sở Khách tiến quân theo đường cũ của Mã Viện, nhân lúc bất ý, sập đến đánh. Thúc Loan hoang mang nao núng, không kịp mưu tính cách đối phó, bị thua to. Tư Húc mới chôn những xác chết chung vào một nơi, đắp thành cái gò cao (Kình quán), để ghi chiến công của mình, rồi rút quân về.
Lời cẩn án: – Khoảng năm Khai Nguyên (713-741) nhà Đường, An Nam đô hộ phủ vẫn còn ở Giao Châu, thống trị 12 châu, 59 huyện, đều đặt các quan thú, tể để quản trị; Việc đánh thuế tô, thuế điệu và bắt lính đều tuân theo lệnh nhà Đường; lúc Mai Thúc Loan khởi lên, thì phủ đô hộ với các châu Phong, Ái, Lục, Diễn chưa nghe thấy có đâu là thuộc về Mai Thúc Loan đóng giữ, như vậy Mai Thúc Loan làm thế nào mà chiêu tập được người 32 châu, có số quân đến 40 vạn? Trộm nghĩ Thúc Loan chẳng qua giữ được một châu, thế lực cũng nhỏ. Bấy giờ Đường Huyền Tông thích lập công ở biên giới, bọn Tư Húc và Sở Khách thì lợi dụng xứ này ở nơi hiểm trở xa xôi, nên mới thổi phồng thanh thế bên địch để cầu lấy công cán và phong thưởng đó thôi. Nếu không phải thế thì sau giáp binh và đất đai như thế, mà quân nhà Đường mới thoạt kéo đến đã vội kinh hãi tan rã ngay? Sử cũ cũng chép Thúc Loan ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân có 30 vạn có lẽ cũng cứ dựa qua vào Đường thư, chứ chưa xét đến sự thực.
Lời chua
– Dương Tư Húc: Theo truyện Dương Tư Húc trong Đường thư, Tư Húc là hoạn quan người Thạch Thành thuộc La Châu, gốc tích là họ Tô. Quang Sở Khách (Sử cũ chép Nguyên Sở Khách là lầm): Người Giang Lăng, hồi đầu niên hiệu Khai Nguyên, sang làm An Nam đô hộ.
– Chân Lạp: Tên nước. Xem thuộc Đường, Tuyên Tông, năm Đại Trung thứ 12 (Tb.4, 39).
– Kim Lân: Tên nước. Theo sách Thái Bình ngự lãm đời Tống nước Kim Lân còn có tên gọi là Kim Trần. Ngoại quốc truyện chép: từ phía tây Phù Nam đi hơn 2.000 dặm thì đến Kim Lân.
– Đường cũ của Mã Viện: Theo sách Khâm Châu chí của Chu Xuân Niên, núi Ô Lội liên tiếp chạy ra biển lớn, (đứng đó) nhìn về phía tây thấy Hải Đông phủ thuộc Giao Chỉ. Mã Phục Ba khi vào An Nam đi theo đường này. Ở đấy có miếu thờ Mã Phục Ba. Theo sách Quận quốc lợi bệnh thư của Cố Viêm Vũ, triều Minh: từ Mã Phục Ba về sau, thủy quân (Trung Quốc) đều đi từ phía nam Khâm Châu ra biển lớn, giương buồm đi một ngày tới trấn Triều Dương thuộc Giao Châu. Nơi đường cũ Mã Viện, tức là đường này.
– Mai Thúc Loan: Người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc huyện Hoan Châu, bây giờ thuộc huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thúc Loan người đen lắm, nên người Hoan Châu gọi là Hắc đế. Nay còn có vết thành cũ ở núi Vệ thuộc huyện Nam Đường và có đền thờ ở xã Hương Lãm thuộc huyện ấy. Đền này được liệt vào hàng đền thờ đế vương các triều đại”.
Quy mô của cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan có thể rộng lớn đến đâu ? Như quốc sử quán triều Nguyễn nhận định “Trộm nghĩ Thúc Loan chẳng qua giữ được một châu, thế lực cũng nhỏ”. Có đúng là như thế ? Chúng ta lưu ý tới một sự kiện giúp chúng ta biết được quy mô của cuộc khởi nghĩa, ấy là chi tiết trong mộ chí của Bùi Trụ Tiên “Công mặc giáp cầm quân, băng núi vượt bể, bẻ gãy mối họa ở bến Ô Lôi, đưa sứ giả vào hang Mã Viện, giết phản chiêu an, khải hoàn rút quân”. Chi tiết Trụ Tiên “bẻ gẫy mối hoạ ở bến Ô Lôi” cho thấy rất có thể ở vùng bến Ô Lôi này xuất hiện thế lực chống đối triều đình. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn sách “Khâm Châu chí của Chu Xuân Niên” cho biết “núi Ô Lội liên tiếp chạy ra biển lớn, (đứng đó) nhìn về phía tây thấy Hải Đông phủ thuộc Giao Chỉ. Mã Phục Ba khi vào An Nam đi theo đường này. Ở đấy có miếu thờ Mã Phục Ba”.
Vậy là ở Khâm Châu có núi Ô Lội và bến Ô Lôi ? Tại đây có thế lực chống đối Đại Đường. Nhưng mà thế lực này có thể là thế lực nào ? Sách sử không cho biết, nhưng chúng ta phán đoán đó là thế lực của nghĩa quân Mai Thúc Loan. Có một chi tiết trong sách Tân Đường thư cho phép chúng ta suy đoán như vậy, đó là chi tiết “Mai Thúc Loan làm phản, hiệu là Hắc Đế, dấy dân chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm cứ Hải Nam, quân chúng nói có 40 vạn”. Mai Thúc Loan “chiếm cứ Hải Nam” ? Câu này được tác giả Phan Huy Lê chú giải là: Mai Thúc Loan chiếm cứ vùng biển phía nam. Tôi cũng đồng ý với cách hiểu “chiếm cứ Hải Nam” theo nghĩa này. Các nước phía nam như Chân Lạp, Lâm Ấp, Kim Lân đều là dân giỏi sông nước. Việc chiếm cứ vùng biển phía nam, rất có thể là vươn tới vùng bờ biển thuộc Khâm Châu, mà cụ thể là bến Ô Lôi. Như vậy thì cuộc chiến đầu tiên nổ ra giữa Đại Đường (thực ra là Đại Đường phản công) diễn ra tại bến Ô Lôi.
[Kết thúc của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan như thế nào ? Sử sách cho rằng: Vào khoảng tháng 7 năm 722, quân đội nhà Đường dưới sự chỉ huy của Dương Tư Húc cùng Quang Sở Khách, Bùi Trụ Tiên, Tống Chi Đễ đã đánh dẹp cuộc khởi nghĩa, giết Mai Thúc Loan và thu hồi An Nam. Ở đây tôi có 3 chi tiết, đó là: sau cuộc đánh dẹp kết thúc năm 722, cho đến năm 757 nhà Đường đổi An Nam thành Trấn Nam thì vắng bóng những quan lại phương bắc cai trị ở phương nam; Sau cuộc đánh dẹp Bùi Trụ Tiên được phong Tả Vệ tướng quân khi chưa về tới kinh thành, nhưng chỉ đến tháng 10 năm 722, Trụ Tiên bị hạ ngục, vì sao vậy ? và cuộc khởi nghĩa vượt ra khỏi đất An Nam, vậy thì cuộc đánh dẹp khởi nghĩa Mai Thúc Loan của nhà Đường có phải chỉ dừng lại ở việc thu hồi đất Khâm Châu hay không ? Từ 3 chi tiết này tôi đang nghĩ tới việc: có thực nhà Đường thu hồi được đất An Nam ?]
Trở lại với thời điểm khởi đầu cuộc khởi nghĩa. Như ở trên tôi giả thuyết rằng: khi nhà Đường tiến xuống phía nam, đã dẫn đến sự căng thẳng với hào trưởng ở các vùng phía nam, kết quả là cuộc xung đột vũ trang với Mai Thúc Loan diễn ra. Theo đó thì chúng ta có thể gọi lại tên của cuộc khởi nghĩa là cuộc chiến tranh bảo vệ vùng lãnh thổ trước sự mở rộng và xâm lấn của nhà Đường của Mai Thúc Loan. Căng thẳng thì diễn ra từ lâu, rất khó để xác định thời gian cụ thể, nhưng cuộc chiến tranh thì khác, hoàn toàn có thể xác định được thời điểm khởi đầu, đó chính là thời điểm Mai Thúc Loan dẫn quân tấn công bộ máy của nhà Đường. Như chúng ta đã thấy, thực sự thì chưa có một thông tin nào để xác định thời điểm này. Gia Cát thị thì cho rằng: đó là năm Quý Sửu 713. Một thời điểm khác được tính dựa vào sách An Nam chí lược, đó là “Nguyên-Sở-Khách, Người Giang-Lăng, đầu niên hiệu Khai-Nguyên (713), đổi ra làm An-nam đô-hộ”. Rất có thể khi Nguyên Sở Khách sang làm đô hộ đã thực hiện các chính sách ảnh hưởng tới quyền lợi của tầng lớp hào trưởng tại An Nam, nên cuộc khởi nghĩa đã diễn ra. Một thời điểm khác được tính dựa trên Việt sử lược, đó là: “Khúc Lãm, thời vua Trung Tông (705-710-ND), nhà Đường làm quan Đô hộ, vì tham lam tàn bạo mất lòng dân nên bị chức Tư lục là Cam Mãnh giết”. Có thể sau cuộc binh biến của Cam Mãnh mà An Nam loạn, trong hoàn cảnh ấy Mai Thúc Loan chiếm châu Hoan xưng đế, cho đến khi Quang Sở Khách sang làm đô hộ thì liền bị Loan dấy bíInh, liên kết với nước ngoài, tấn công châu Giao.
Về nhân vật Khúc Lãm này, thì rất thú vị khi Sách Thiền uyển tập anh chép:
“[sư La Quý] (852 – 936)-(Đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Đinh người An Chân, đi du phương từ thuở nhỏ, tham yết khắp các bậc thầy nổi danh trong nhà Thiền. Trải nhiều năm như thế, mà pháp duyên chưa hợp, Sư sắp thối chí. Sau gặp Thiền sư Thông Thiện ở chùa Thiền Chúng nói một câu, tâm Sư liền khai ngộ. Từ đây, Sư ở lại hầu hạ thầy (…)
Sắp tịch, Sư bảo đệ tử là Thiền Ông rằng:
– Thuở trước Cao Biền xây thành bên sông Tô Lịch, vì biết vùng đất làng Cổ Pháp có khí tượng đế vương, nên cho đào đứt con sông Điềm và những hồ ao liên hệ v.v… đến mười chín chỗ để mà ếm đó. Nay ta đã sai Khúc Lãm lấp lại như xưa. Lại ta có trồng một cây Miên ở chùa Minh Châu để trấn chỗ bị đứt. Biết sau này ắt có vua hiền ra đời, để vun bồi chánh pháp của ta. Sau khi ta tịch, ngươi nên đắp lên một nền đất, xây lên ngọn tháp, lấy pháp để kín trong ấy, chớ cho người thấy.
Nói xong, Sư thị tịch, thọ 85 tuổi, nhằm niên hiệu Thanh Thái thứ ba nhà Hậu Đường (936).
Lúc trồng cây Miên, Sư có làm bài kệ: Đại sơn long đầu khởi – Cầu vỹ ẩn Chu Minh – Thập bát tử định thành – Miên thọ hiện long hình – Thố kê thử ngoạt nội – Định kiến nhật xuất thanh”.
Vậy là có 2 nguồn tài liệu chép về Khúc Lãm và chắc chắn rằng: Đây là 2 vị Khúc Lãm khác nhau, vì thời gian sống khác nhau tới 150 năm. Một số thông tin ghi nhận rằng: vị Khúc Lãm trong Việt sử lược còn được chép với tên là Phúc Lâm. Về vị Khúc Lãm trong Thiền Uyển tập anh thì có 2 cấp thông tin: cấp thứ nhất là sư La Quý nói với đệ tử là Thiền Ông và cấp thứ hai chính là tác giả của truyện Trưởng lão La Quý chép trong Thiền Uyển tập anh.
Về cấp thông tin thứ nhất thì tôi tin đó là thông tin chính xác vì một lẽ thôi: nhà sư thường không nói dối. Và với lẽ này, tôi cũng tin vào cấp thông tin thứ hai, tức là tác giả của Trưởng lão La Quý hoàn toàn chép lại sự kiện mà không hề bị ảnh hưởng bởi chính trị. Tuy nhiên có nhiều ý kiến về bài kệ của La Quý cho rằng: mang đậm tính chính trị. Và sự kiện mà chúng ta quan tâm, lại liên quan nhiều tới sự kiện chính trị, đó là việc Khúc Lãm lấp các hố mà Cao Biền đào, để nối mạch vương giả. Ở đây thực sự xảy ra rất nhiều trường hợp: Đó là trường hợp, nội dung của câu chuyện hoàn toàn mang tính chính trị, nếu vậy thì vị Khúc Lãm này hoàn toàn có thể chỉ là một nhân vật không có thật, được xây dựng lên mà thôi, cũng có thể đó là tên gọi khác của Khúc Thừa Dụ, mà do người soạn sách nhầm lẫn. Trường hợp thứ hai là nội dung câu chuyện hoàn toàn không mang tính chính trị, nghĩa là cả 2 cấp thông tin đều chính xác, thì lúc này, như tác giả Lê Mạnh Thát từng viết là ‘Khúc Lãm là những người đầu tiên đứng lên cố gắng giành độc lập trước cả Khúc Thừa Dụ, mà sử sách không có nói đến”.
Nếu đúng vậy thì, Khúc Lãm là người cùng thế hệ với La Quý và chắc chắn ông cũng là người có thế lực, mới có thể huy động nhân lực, vật lực để lấp 19 ao hồ do Cao Biền đào. Nếu so với tuổi của Khúc Thừa Dụ, có lẽ là cùng thế hệ (năm La Quý 54 tuổi chính là năm Thừa Dụ được phong là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ và chỉ 2 năm sau là Dụ mất – có thể do mất già) [Lại nói về Cao Biền, năm 866 Biền chiếm lại An Nam, năm 868 thì trở về bắc, xin cho cháu là Cao Tầm làm Tiết độ sứ, trấn ở An Nam 10 năm, tới năm 878 thì trở về bắc. Vậy là Biền ở phương nam được 2 năm, sau cuộc chiến với Nam Chiếu, hẳn là có nhiều việc phải làm, nên xem ra chẳng có nhiều thời gian để trấn yểm như những truyền thuyết. Người thực sự có những hoạt động được cho là yểm, có lẽ là Cao Tầm mới đúng, nhưng mà do Biền vốn nổi tiếng với các thuật phép của Đạo gia nên người đời sau tính cả cho Biền].
Tiểu kết: Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, bắt đầu bằng việc An Nam thủ lĩnh họ Mai, đánh hãm Hoan Châu như sách An Nam chí lược viết (có lẽ vì thế mà Quốc sử quán triều Nguyễn cho rằng ‘đây là cuộc khởi nghĩa nhỏ’ và cũng vì thế mà xác định quê của Thúc Loan ở Hoan Châu). Có thể sau đó, Thúc Loan xưng đế, liên kết với Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân đánh hãm An Nam phủ. Liên quân tiếp tục đánh hãm vùng biển Ô Lôi thuộc Khâm Châu. Cũng tại đây nhà Đường mở cuộc phản công đầu tiên.
P/S: Về một Cấu trúc không gian địa lý-lịch sử: Chúng ta để ý về mối quan hệ giữa lịch sử và địa lý thì dễ dàng nhận thấy sự hình thành một cấu trúc không gian thú vị.
– Ban đầu ở 3 vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã và sông cả, việc phân bố cư dân Mol cổ, tương đối đồng đều, thế nhưng khi diễn ra quá trình phương bắc hoá thì:
– Trước thời Tiền Lý toàn bộ vùng bắc bộ và bắc trung bộ chỉ có 1 trung tâm duy nhất, đó là Giao châu (Hà Nội ngày nay); Nhưng sau thời Tiền Lý cho đến thời Hậu Lý, bắc bộ và bắc trung bộ có 2 trung tâm (hiểu cả về nghĩa kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự) là Giao châu và Ái châu.
– Quá trình nam tiến các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn hình thành thêm các trung tâm mới ở phía nam.
– Điểm thú vị là sự hình thành các trung tâm này không phản ảnh sự khác biệt mà ngược lại, nó phản ánh sự thống nhất. Thật vậy, nếu như Giao châu là trung tâm, thì ở đó hội tất cả các yếu tố đều rất đậm đặc, nhưng xung quanh Giao châu là những vùng ảnh hưởng, càng xa Giao châu thì càng ảnh hưởng ít, kết quả là vượt qua vùng biên ảnh hưởng, những nền văn hoá bên ngoài vùng biên ấy không còn bị ảnh hưởng nữa. Nhưng khi những yếu tố của Giao châu được đem về và đặt ở Ái châu, khi ấy Ái châu giống Giao châu, lại trở thành một nguồn phát những yếu tố ra xung quanh và sự ảnh hưởng lại giảm dẫn, cứ như thế có nhiều nguồn phát các yếu tố giống nhau hình thành. Các khác biệt giữ các trung tâm phát nguồn này tưởng là khác biết song thực chất là ‘cái khác biệt thì nhỏ, cái giống nhau thì nhiều”.