Bàn về quê hương của Ngô Quyền
Đặng Thanh Bình Quê hương của Ngô Quyền ở đâu ? Là câu hỏi gây ra nhiều tranh luận. Trong bài này chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời. Có hết thảy 3 nguồn thông tin cung cấp cho chúng ta về quê của Ngô vương. * Bộ sách chính sử Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên soạn năm 1479 ...
Đặng Thanh Bình
Quê hương của Ngô Quyền ở đâu ? Là câu hỏi gây ra nhiều tranh luận. Trong bài này chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời. Có hết thảy 3 nguồn thông tin cung cấp cho chúng ta về quê của Ngô vương.
* Bộ sách chính sử Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên soạn năm 1479 chép: “Họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức Châu mục ở bản Châu” .
Thế nhưng địa danh Đường Lâm lại đưa đến rất nhiều giả thuyết.
Sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu chép: “Nay xét sử cũ chép: Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có hai đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ ba mùa xuân tháng hai, ngày 18 làm bia này”.
Trần Quốc Vượng cũng đồng ý Đường Lâm chính là Làng cổ Đường Lâm thuộc Hà Nội.
Sách Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh chép: “Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại, q. 5) chép rằng Ngô Quyền là người Đường-lâm, con Ngô Mân là châu mục bản châu. Sách Cương mục (Tb, q. 5) chú rằng: Đường-lâm là tên xã xưa, theo sử cũ chú là huyện Phúc-lộc, huyện Phúc-lộc nay đổi làm huyện Phúc-thọ, thuộc tỉnh Sơn-Tây. Xét Sơn-tây tỉnh chí thì thấy nói xã Cam-lâm huyện Phúc-thọ xưa gọi là Đường-lâm, Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã ấy, nay còn có đền thờ ở đó. Chúng tôi rất ngờ những lời ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có thể người ta đã lầm Đường-lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc-lộc (Phúc-lộc châu có huyện Đường-lâm) thành tên xã Đường-lâm ở huyện Phúc-thọ. Huyện Đường-lâm châu Phúc-lộc là ở miền nam Hà-Tĩnh. An-nam kỷ lược thì lại chép rằng Ngô Quyền là người Ái-châu, cũng chưa biết có đúng không”.
Văn Tân nhận xét “Ý kiến bạn Đào-duy-Anh rất đáng cho chúng ta để ý.[…] Ngô Quyền là người huyện Đường-lâm thuộc Hoan-Châu chứ không phải là người huyện Phúc-thọ tỉnh Hà-Tây.[…] Ngô Quyền là quý tộc con Ngô Mân quê ở Hoan-châu (có chỗ nói Ái-châu) đã dấy quân từ Hoan-châu tiến ra bắc phá quân Nam Hán ở cửa Bạch-đằng. Như vậy Ngô Quyền phải là người huyện Đường-lâm châu Phúc-lộc (Hà-tĩnh) chứ không phải người xã Đường-lâm huyện Phúc-thọ (Sơn-tây). Có thế mới phù hợp với tình hình xã hội hồi thế kỷ VIII, IX và X”.
* Sách An Nam chí lược của Lê Tắc chép: “Ngô Quyền, người châu Ái”.
Trong bài Đường Lâm là Đường Lâm nào của Trần Ngọc Vượng, Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan đã chứng minh tấm bia cổ Phụng tự bi được coi là có niên đại từ đời Trần mà Nguyễn Văn Siêu đề cập tới hiện ở đền thờ Ngô Quyền tại xã Đường Lâm ở Sơn Tây, cứ liệu quan trọng mà Trần Quốc Vượng dựa vào trong bài viết Về quê hương của Ngô Quyền, kì thực chỉ được dựng vào đầu thời Nguyễn và “quê Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hoá – Nghệ An ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện Gia Ninh của Phong Châu) được”
* Sách Thuyền uyển tập anh (một cuốn sách về lịch sử phật giáo Việt Nam) chép: “Đại sư Khuông Việt {Trước tên là Chân Lưu} (933 – 1011). Chùa Phật đà, làng Cát lợi, Thường lạc. Người Cát lợi, họ Ngô, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế. Sư tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng, nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật. Sư cùng bạn học Trụ Trì đến Thiền Sư Vân Phong chùa Khai quốc, thọ giới Cụ túc. Từ đó, Sư đọc khắp sách Phật, tìm hiểu yếu chỉ của Thiền. Năm bốn mươi tuổi, danh Sư vang tới triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng mời đến, Sư đối đáp hiệp chỉ, bèn phong làm Tăng thống. Năm Thái Bình thứ hai (917). Vua ban hiệu Khuông Việt đại sư.
Hoàng đế Lê Đại Hành càng kính trọng Sư hơn, phàm việc quân, việc nước ở triều đình, Sư đều dự vào (…)
Một lần Sư đi chơi núi Vệ linh ở quận Bình lỗ, thích phong cảnh vắng đẹp, bèn muốn lập am để ở” [Trích lại sách Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh của Lê Mạnh Thát]
Sách Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh của Lê Mạnh Thát viết: “Vấn đề Thiền uyển tập anh là một tác phẩm đời Trần, đến đây, như vậy không còn cần phải bàn cãi nữa. Thiền uyển tập anh dứt khoát là một tác phẩm đời Trần. Nếu thế, ta có thể biết nó viết vào năm nào không?”
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 (971), Tăng Thống Ngô Chân Lưu được ban tên Khuông Việt đại sư”.
Vậy là Thiền uyển tập anh là sách sớm nhất chép về quê hương của Khuông Việt, đồng thời cũng chép Khuông Việt Ngô Chân Lưu là hậu duệ của Ngô Thuận Đế.
Trong Đi tìm địa chỉ Ngô Chân Lưu của Hoàng Văn Lâu viết: “Giáo sư Bùi Văn Nguyên, chưa rõ căn cứ vào tài liệu nào, đã khẳng định trong một công trình của ông xuất bản gần đây rằng: “Tăng Thống Ngô Chân Lưu, họ Ngô, người Chân Định, Nam Chân (…) Với hai tấm bia có niên đại cách nhau 100 năm hiện còn giữ lại được (Tư văn bi ký dựng năm 1691 và Bản thôn tạo thạch bi ký dựng năm 1792), ta có thể khẳng định: quê quán của Ngô Chân Lưu, hiệu Khuông Việt đại sư, làm Tăng thống triều Đinh Lê, là ở thôn Đoài, xã Do Hạ, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà (địa danh thế kỷ XVII – XVIII); mà trước đây, thời Đinh Lê, có tên là hương Cát Lợi. Điều này phù hợp với ghi chép của chính sử: “hương Cát Lợi ở Bắc Giang”; cũng phù hợp với ghi chép của Thiền Uyển tập anh nói rằng Ngô Chân Lưu thường đi lại vùng núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ.
Đến đây, có thể ghi địa chỉ của Ngô Chân Lưu như sau: Tăng Thống Ngô Chân Lưu, được ban danh hiệu Khuông Việt đại sư năm 971, quê quán tại hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, sau là thôn Đoài xã Da Hạ, huyện Kim Hoa phủ Bắc Hà, nay là thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội”.
Trong một Ghi chú của Ngô Văn Xuân có viết: “Tháng 10/2015 Hội đồng Ngô tộc VN đã tổ chức chuyến đi khảo sát tới chùa Thụy Hương và chùa Non Nước, những nơi được cho là có dấu tích của Khuông Việt Ngô Chân Lưu (…) Trong chùa đặt 5 tấm bia, trong đó 4 tấm là bia hậu, một tấm bia cổ có tên là “Tư văn bi ký”, được lập vào năm Chính Hoà thứ 12 (1691). Tường ngoài hiên chùa có gắn một tấm bia khác với tên “Bản thôn tạo thạch bi ký”. Mặc dù chữ trên bia đã bị năm tháng bào mòn rất khó đọc, nhưng chúng tôi tin chắc rằng đây là những bia đá mà nhà nghiên cứu Hoàng Văn Lâu đề cập (…)
Từ kết quả nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi cho rằng: chùa Thụy Hương có thể là nơi cậu bé Ngô Xương Tỷ tìm đến nương nhờ cửa phật để lánh nạn khi cha là Ngô Xương Ngập phải trốn chạy khỏi sự lùng bắt của Dương Tam Kha. Đây cũng là nơi thiền sư Ngô Chân Lưu tu hành những năm tháng khởi đầu trong sự nghiệp của mình. Lần trước trong chuyến đi thăm di tích Tam Canh, đến thăm đền Miếu Thượng thờ Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, bên bờ sông Cánh (một đoạn của sông Cà Lồ), có nghe tích truyện về việc khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn giành lại ngôi báu từ Dương Tam Kha, đi tìm anh và hai người đã gặp nhau tại đó. Tại sao Ngô Xương Ngập lại đên vùng đất này, khi trốn chạy ông đến nương nhờ nhà Phạm Lệnh Công ở Nam Sách cơ mà? Thị trấn Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cách Thụy Hương, Phú Cường, Sóc Sơn không xa. Liệu có mối liên quan nào đên việc Ngô Xương Ngập đến khu vực đó tìm con trai không? Dẫu sao đây cũng chỉ là phỏng đoán”.
Như vậy một giả thuyết khác đã được đặt ra, đó là quê hương Cát Lợi của Khuông Việt Ngô Chân Lưu là vùng thôn Thuỵ Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Câu hỏi của Ngô Văn Xuân rất thú vị: Tại sao Ngô Xương Ngập lại đến vùng này ?
* Trong bài Đường Lâm là Đường Lâm nào của Trần Ngọc Vượng, Trần Trọng Dương và Nguyễn Tô Lan viết: “Các cứ liệu nội chứng mâu thuẫn của TUTA [Thuyền uyển tập anh]: Có lẽ uy tín quá lớn của TUTA không cho phép người ta được hoài nghi tính chính xác của nó, trong khi ngay chính thông tin về Khuông Việt Đại sư được ghi trong sách này bản thân đã chứa đựng mâu thuẫn loại trừ nhau. Câu trước như đã dẫn ghi ông là “người Cát Lợi”, ngay câu sau đã viết ông họ Ngô, là hậu duệ của Ngô Thuận Đế. Ngô Thuận Đế là cách gọi tôn xưng của đời sau với Ngô Quyền. Theo phả hệ họ Ngô, Khuông Việt Đại sư tên thật là Ngô Chân Lưu, là con trai cả của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập (vốn có tên là Xương Tỷ), cháu đích tôn của Ngô Quyền. Như vậy, tính theo phả hệ, nguyên quán của Ngô Chân Lưu phải là quê của cha ông, của ông nội ông. Trong khi đó, trong số các tài liệu còn lại không thấy tài liệu nào chép quê của một trong hai ông trên có dính dáng đến hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc. Như vậy, hoặc là cả hai thông tin trên đều sai, hoặc là loại trừ lẫn nhau. Chứ không thể xảy ra khả năng cả hai thông tin cùng đúng.
TUTA ghi chép về một hương Cát Lợi là quê của Ngô Chân Lưu, và một hương tên cũng như vậy lại được sử kí chính thống đặt về Bắc Giang thì việc cho Khuông Việt quê ở nơi đây rất phù hợp và dễ hiểu, nhất là việc ông tu tập tại địa phương này dường như không còn phải nghi vấn.
Bỏ qua chi tiết Ngô Chân Lưu là hậu duệ của Ngô Quyền, Hoàng Văn Lâu đã đi tìm và chứng minh quê hương Khuông Việt qua việc công bố hai tấm bia tại huyện Sóc Sơn.
Sẽ không còn gì để bàn luận nếu như toàn bộ sử liệu chỉ có như vậy (chúng tôi nhấn mạnh). Nhưng những ghi chép lịch sử nhiều khi không đơn giản một chiều. Chúng tôi đã phát hiện thêm một số tư liệu mới cho phép suy nghĩ và biện luận lại những thông tin mà Hoàng Văn Lâu đã dẫn. Những sử liệu mới phát hiện ấy, chúng tôi xin được trình bày cụ thể ở mục sau. Dưới đây, chúng tôi sẽ lý giải nội dung hai tấm bia mà Hoàng Văn Lâu phát hiện dưới góc độ văn bản học và tâm lý dân gian.
Thứ nhất, thời điểm dựng bia là thế kỉ XVII, XVIII, so với thời Ngô Chân Lưu là sau gần bảy trăm đến tám trăm năm. Hai tấm bia ấy được dựng tại chính địa phương mà ông dựng chùa tu hành lúc cuối đời. Đây cũng chính là nơi ông viên tịch. Cho nên, những suy luận theo tuyến: người tu hành ở Cát Lợi, hóa thân ở Cát Lợi; sinh thời từng là bậc Quốc sư, là bậc sư biểu cho cả Nho lẫn Phật, người ấy đáng được liệt vào một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của thời đại, thế thì cái sự tự hào của Nho sĩ hậu học, sự sùng bái tôn vinh của các tăng ni Phật tử đời sau, sự suy tôn coi Ngô Chân Lưu là Tiên hiền Tiên Thánh của Cát Lợi là điều có thể hiểu được. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng đó là nguyên quán của ông.
Khoan bàn đến việc quê hương Ngô Chân Lưu thực sự ở đâu thì việc dùng thông tin đến 6, 7 thế kỉ về sau để xác định địa danh cho thời kì trước thì cũng nên cân nhắc lại. Sau đây, chúng tôi dựa vào một số tư liệu sớm hơn có ghi nhận địa danh này (…)
Căn cứ vào ký tái đương thời là sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống thì địa danh này đã xuất hiện, sau đổi là huyện An Thuận, ở về đông nam Châu Ái.
Việt sử lược ghi nhận địa danh Cát Lợi qua chi tiết: “Tháng 2, Nguyễn Tự đánh người Cát Lợi là Ngô Thưởng Vu và Võ Cao, bị tên bắn trúng bèn trở về ở ngõ Tây Dương”. Minh sử ký sự bản mạt, quyển 22 xác nhận một địa danh Cát Lợi khi mô tả về cuộc kháng chiến của hậu đại nhà Trần, trong đó có đoạn: “Giản Định khí mã tẩu Cát Lợi thâm sơn, sưu đắc chi, tịnh hoạch kì tương tướng Trần Hi Cát, Nguyễn Yến đẳng giám tống kinh sư. Duy Trần Quý Khoáng, Đặng Dung, Cảnh Dị đào ư Nghĩa An.” (Vua Giản Định bỏ ngựa chạy vào trốn trong rừng sâu Cát Lợi, bị bắt cùng với các tướng Trần Hi Cát, Nguyễn Yến, bị đóng gông giải về Kim Lăng. Chỉ có Trần Quý Khoáng, Đặng Dung, Cảnh Dị trốn vào Nghĩa An (tức Nghệ An)”.
Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỷ, quyển 9, tr. 14a) kỷ nhà Hậu Trần chỉ chép rằng: “Vừa khi tổng binh Trương Phụ, với tước Anh quốc công đeo ấn Chinh Di tướng quân sang cứu viện, thế quân Minh lại lên. Thượng hoàng liền bỏ thuyền lên bờ, đến trấn Thiên Quan. Vua ngờ Thượng hoàng có ý khác, sai Nguyễn Súy đuổi theo nhưng không kịp. Trương Phụ chia quân đuổi theo, bắt được Thượng hoàng và Thái bảo Trần Hi Cát cùng ấn báu, giải về Kim Lăng, rồi bị hại.”
So sánh sử liệu trên có thể thấy, rất có khả năng Cát Lợi mà Minh sử kí sự bản mạt nói đến phải gần với trấn Thiên Quan (được xác định nằm trong khoảng huyện Hoàn Long tỉnh Ninh Bình và huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình ngày nay), và cũng cách không xa Nghĩa/Nghệ An – căn cứ địa khởi nghĩa của nhà hậu Trần. Như vậy, tuy chưa có thể khẳng định địa danh Cát Lợi gần nhất với thời đại Khuông Việt Đại sư là ở đâu, nhưng có thể khẳng định nó chưa đủ điều kiện để thuộc khu vực hiện nay là huyện Sóc Sơn. Không rõ, Cát Lợi ở Bắc Giang được Đại Việt sử kí toàn thư nhắc đến vào thời Lê là một Cát Lợi nào khác hay do sự sai lầm của sử gia đương thời đưa Cát Lợi từ vùng Châu Hoan Châu Ái lên tận Bắc Giang?”
Đây là một đoạn viết thú vị, tuy nhiên nó chưa thực thuyết phục, ở lẽ:
Thứ nhất, việc cho rằng thông tin trong Thuyền uyển tập anh là mâu thuẫn nội chứng là chưa chính xác. Việc cho rằng không thể có 2 thông tin cùng đúng là chưa thuyết phục. Bởi vì căn cứ để đưa ra nhận định ấy là: căn cứ vào một thông tin khác (có lẽ là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên), nghĩa là các tác giả đã mặc định rằng: Ngô Quyền quê ở Đường Lâm. Nhưng câu hỏi là: căn cứ vào đâu mà Đại Việt sử ký toàn thư lại khẳng định Ngô Quyền quê ở Đường Lầm. Trong khi sách ấy chép cách sự kiện tới gần 500 năm, tức là như các tác giả bài này viết: “Khoan bàn đến việc quê hương Ngô Chân Lưu thực sự ở đâu thì việc dùng thông tin đến 6, 7 thế kỉ về sau để xác định địa danh cho thời kì trước thì cũng nên cân nhắc lại”.
Đường Lâm là Đường Lâm nào viết: “ĐVSKTT [Đại Việt sử ký toàn thư] cũng như Thiên Nam ngữ lục không chú rõ Đường Lâm là ở đâu, chính điều này gây lúng túng cho sử gia đời sau khi tìm hiểu quê hương của Ngô Quyền.Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất cần phải nhắc đến ở đây đó là thông tin cha Ngô Quyền là người Đường Lâm và làm chức Châu mục ở bản Châu, như thế có nghĩa là Đường Lâm có thể là tên một Châu, mà Ngô Mân làm Châu mục. Vậy, câu hỏi đặt ra là Châu Đường Lâm này là Đường Lâm nào ? Nó khác gì không so với xã Đường Lâm Sơn Tây?”
Phần chú của đoạn trích viết: “Quan điểm Ngô Quyền là người Châu Đường Lâm được cổ súy bởi nội chứng lịch sử Việt Nam ấy chính là vào thời Thập nhị sứ quân, một người bà con cùng họ của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh (người mà Việt sử lược chép lầm là Trần Nhật Khánh) đã nổi dậy chiếm cứ Đường Lâm. Thuận lẽ là người có thế lực ở đâu mới có thể nổi dậy tiếm quyền tại đó. Dòng họ Ngô đời đời làm chức mục bản Châu thì những người họ hàng ắt ít nhiều có thế lực. Cha Ngô Quyền lĩnh chức mục Châu Đường Lâm là cơ sở để Ngô Nhật Khánh sau này xưng hùng tại địa phương. Hơn nữa, Dương Đình Nghệ lĩnh Ái Châu đã gả con gái cho Ngô Quyền, dụng Ngô Quyền làm tâm phúc. Theo chúng tôi, giai đoạn này việc thông hôn đồng thời cũng là một hình thức củng cố thế lực, liên kết các tù trưởng/ hào trưởng địa phương. Không cơn cớ gì một Châu mục lớn như Châu mục Ái Châu lại gả con gái và dựa vào một người không tên tuổi, không thế lực ở mãi Sơn Tây (lúc ấy giờ thuộc địa giới Phong Châu). Quan điểm quê hương Ngô Quyền ở đâu đó gần Châu Ái có lẽ là có cơ sở sử liệu của nó”.
Như chúng ta thấy, ở trên là những căn cứ để xác định Ngô Quyền là người Đường Lâm, tuy nhiên đây là những căn cứ gián tiếp và những căn cứ này được lùi gần về thời điểm xảy ra sự kiện, tức là thời điểm loạn sứ quân. Sử sách chép về loại sứ quân có 2 loại, loại gần với sự kiện thì lại chép rất sơ sai, mà chủ yếu là sử phương bắc, thời điểm diễn ra sự kiện, có sự ngăn cách nhất định giữa 2 miền nam bắc. Loại thứ 2 là loại cách xa với sự kiện, nhóm này chép khá đầy đủ và chủ yếu là sử phương nam. Sách Việt sử lược không chép gì về quê hương của Ngô Quyền. Trường hợp của Đại Việt sử ký toàn thư chúng ta có thể đặt giả thuyết rằng: Ngô Sĩ Liên biết rằng người họ hàng của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh chiếm cứ Đường Lâm nên đã phỏng đoán rằng: Ngô Nhật Khánh người Đường Lâm nên mới nổi dậy ở đây và vì Khánh là họ hàng với Quyền nên Quyền cũng là người ở xứ này, do vậy mới chép: Ngô Quyền người Đường Lâm.
Có một thông tin nữa cũng khá thú vị được Việt sử lược chép: “Tháng 2 [năm 1212] Nguyễn Tự đánh người Cát Lợi là Ngô Thưởng Vu và Võ Cao”. Như vậy là địa danh Cát Lợi cũng có người họ Ngô và điểm thú vị là người họ Ngô ở đây cũng làm loạn, nghĩa là cũng rất có thế lực.
Chúng ta sẽ đưa ra giả thuyết rằng: 2 thông tin chép về Ngô Chân Lưu trong Thiền uyển tập anh đều đúng nghĩa là Khuông Việt là người Cát Lợi và đồng thời cũng là hậu duệ của Ngô Thuận Đế (Ngô Quyền). Từ đó chúng ta đặt giả thuyết khác: Ngô Quyền người Cát Lợi.
Ngô Thuận Đế có phải là Ngô Quyền không ? Dù có hay không thì chắc chắn Ngô Thuận Đế được dùng để ám chỉ họ Ngô thời kỳ tự chủ (tức Ngô Quyền, Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập hoặc một người họ hàng khác cũng xưng vương mà chúng ta không biết). Nếu vậy thì quê hương của Ngô Chân Lưu chính là quê của Ngô Thuận Đế và cũng là quê của Ngô Quyền.
Đường Lâm là Đường Lâm nào viết: “Một quan điểm khác về quê hương của Khuông Việt Đại sư là của GS. Nguyễn Huệ Chi cho người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay thuộc Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa. Không biết GS lập luận ra sao cho quan điểm này bởi từ điển không phải là nơi có không gian cho phép các lập luận xuất hiện nhưng có vẻ đây là “cuộc hôn phối” giữa ghi chép quê Đại sư ở hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc như trong TUTA với việc quê Ngô Thuận Đế được xác định ở Châu Ái. Nhưng như vậy, yêu cầu phải tìm được ít nhất là cứ liệu về một huyện Thường Lạc hoặc hương Cát Lợi ở Ái Châu. Chúng tôi đã tìm khắp cổ thư Trung Quốc lịch đại mà không thấy có tài liệu nào kí tái.
Tuy nhiên, ở đây có thể nhận định, qua sự ghi chép của TUTA, thì Cát Lợi có nhiều khả năng là nơi Khuông Việt tu hành và viên tịch.
Vậy quê của Đại sư thực sự ở đâu? Chúng tôi muốn chuyển hướng tìm tòi theo hướng thứ hai mà Hoàng Văn Lâu đã bỏ qua không để ý đến. Đó chính là thông tin Ngô Chân Lưu là hậu duệ Ngô Quyền (…)
Qua những cứ liệu đã trình bày, chúng tôi tạm có một vài kết luận sơ bộ:
- Nếu tin Khuông Việt là người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc thì cho đến hiện nay mới chỉ tìm thấy tên địa danh này sớm nhất trong Thái bình hoàn vũ kí(thời Tống) thì địa danh này sau đổi là huyện An Thuận, nằm ở đông nam Châu Ái. TheoViệt sử lược và Minh sử kí sự bản mạt ít nhất địa danh này phải nằm ở nam Thanh Hóa gần khu vực Nghệ An ngày nay. ĐVSKTT có xác nhận địa danh Cát Lợi ở Bắc Giang, song đây có thể là do trùng danh. Và Cát Lợi (Bắc Giang, nay thuộc Sóc Sơn, với 5 cứ liệu văn bia từ thế kỷ XVII đến XX ) chỉ là nơi Khuông Việt tu tập trụ trì và quy tịch.
- Nếu tin Khuông Việt Đại sư là dòng dõi Ngô Thuận Đế thì ông là người châu Đường Lâm. Vị trí chính xác của châu Đường Lâm còn phải khảo chứng thực địa thêm, nhất là cần phải khảo về các vấn đề họ tộc, cư dân, phong tục, sản vật, ngôn ngữ bản địa, cũng như sự thờ cúng và tư liệu điền dã tại địa phương (Thanh Hóa ngày nay). Châu Đường Lâm vốn từng có tên châu Phúc Lộc (gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc), châu này nằm phía tây nam Ái châu, gần gũi Trường châu, về sau đã có lúc quy về Ái châu. Cả hai địa danh Đường Lâm và Phúc Lộc sau đời Đường đều bỏ. Dù vậy, có thể khẳng định rằng quê Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa – Nghệ An ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện Gia Ninh của Phong Châu) được.
- Tên xã Đường Lâm tại Sơn Tây ngày nay mới xuất hiện từ năm 1964 (ngày 21 tháng 11). Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực này không hề có Châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm”.
* Chúng ta đã đưa ra giả thuyết ở trên rằng: Ngô Chân Lưu là người Cát Lợi và (theo gia phả họ Ngô) thì là con của Ngô Xương Ngập và là cháu của Ngô Quyền. Vậy địa danh Cát Lợi ở đâu ?
Sơ qua tình hình Đại Cồ Việt thời điểm dành tự chủ:
Việt sử lược chép: “Sau Khúc Toàn Mỹ bị tướng Nam Hải là Lương Khắc Chân bắt đưa về Nam Hán rồi cho Nguyễn Tiến sang thay (…)
Dương Đình Nghệ người Ái Châu (Thanh Hóa). Trong khoảng niên hiệu Trường Hưng (930 – 933 – ND) đời vua Minh Tông nhà Hậu Đường, Dương Đình Nghệ phát binh đánh Nguyễn Tiến. Nguyễn Tiến phải chạy về. Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ.
Năm thứ hai niên hiệu Thiên Phúc (năm Đinh Dậu – 937) đời vua Cao Tổ nhà Hậu Tấn, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết.
Kiều Công Tiễn là người Phong Châu (bây giờ ở vào địa hạt huyện Bạch hạc, tỉnh Vĩnh Yên-ND).
Năm thứ 2 niên hiệu Thiên Phúc (năm 937) đời vua Cao Tổ nhà Hậu Tấn, mùa xuân, tháng 3 Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ rồi lên thay. Sau bị Ngô Vương giết chết (….)
Ngô vương húy là Quyền, họ Ngô là con của vị Tiên phủ. Ngô vương theo giúp Dương Đình Nghệ làm chức Tướng quân.
Năm thứ 2 niên hiệu Thiên Phúc (năm Đinh Dậu – 937) đời vua Cao Tổ nhà Hậu Tấn, Ngô Quyền từ Ái Châu cất binh ra đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn sai người sang cầu cứu bên Nam Hán. Lưu Cung (chúa Nam Hán – ND) cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo làm chức Tĩnh hải quân Tiết độ sứ đem binh sang cứu Kiều Công Tiễn. Hoằng Tháo cho thuyền đưa quân từ sông Bạch Đằng tiến vào sắp muốn đánh Ngô Quyền thì Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn. Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo tiến quân vào nơi cửa biển, bèn cho cắm cọc lớn đầu có bịt sắt (dưới lòng sông – ND). Đến lúc nước thủy triều dâng lên mới sai quân dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến mà giả vờ thua. Hoằng Tháo đuổi theo. Lúc ấy nước thủy triều rút xuống, cọc bày ra. Hoằng Tháo chống trả túi bụi, rồi thì nước chảy rất mạnh vào hết các thuyền đang vướng mắc nơi cọc. Ngô Quyền ra sức đánh phá dữ dội. Quân Nam chết chìm quá nửa và Hoằng Tháo bị giết, Ngô Quyền mới xưng vương.
Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Vận đời vua Xuất Đế nhà Hậu Tấn (tức năm Giáp Thìn- 944 – ND) thì vương (Ngô Vương Quyền-ND) mất, ở ngôi được 7 năm (…)
Dương Bình Vương. Tên húy là Chủ Tướng, họ Dương là gia thần của Tiền Ngô vương vậy. Khi Ngô Vương (Ngô Quyền) mất, Dương Chủ Tướng tự lập làm vương, con của Ngô Vương là Ngô Xương Ngập phải chạy đến nhà của Phạm Lệnh Công ở Trà Hương (thuộc huyện Kim Thành- ND).
Dương Chủ Tướng bắt em Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn làm con mình. Em của Ngô Xương Văn là Nam Hưng, Càn Hưng đều còn nhỏ. Ít lâu sau đó Dương Chủ Tướng sai người đem lính đến nhà Phạm Lệnh Công để tìm bắt Ngô Xương Ngập. Phạm Lệnh Công sợ hãi đem giấu Ngô Xương Ngập trong hang.
Đến năm thứ 3 niên hiệu Càn Hựu (năm Canh Tuất- 950- ND) đời vua Ẩn Đế nhà Hậu Hán, Chủ Tướng sai Xương Văn và hai sứ quân là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi đánh hai thôn Thái Bình, Đường Nguyễn (Điều thuộc Sơn Tây- ND). Đi đến Từ Liêm, Ngô Xương Văn bảo hai sứ rằng: “Tiên vương ta, đức hợp lòng dân, chẳng may lìa bỏ quần thần. Dương Chủ Tướng tự ý hành động một cách bất nghĩa, tội lớn vô cùng. Nay lại sai ta đi đánh các ấp vô tội. May mà thắng thì kẻ kia rốt cũng không phục. Vậy chúng ta phải làm sao?”. Hai sứ thưa rằng:”Ngài dạy bảo, chúng tôi xin nghe”. Bèn đem binh quay trở lại lẻn đánh Bình Vương (Dương Chủ Tướng) và lật đổ được y. Ngô Xương Văn thấy Dương Bình Vương với mình có cái ơn riêng bèn giáng xuống làm Trương Dương sứ. Cho hưởng lộc nơi ấp của y. Dương Bình Vương ở ngôi 7 năm”.
Sách Tư trị thông giám chép: “Dương Đình Nghệ người Ái Châu, nuôi ba nghìn giả tử, mưu đồ khôi phục Giao Châu. Viên tướng cai quản Giao Châu người Hán là Lí Tiến đã biết, nhưng ăn hối lộ của Nghệ nên làm như không nghe thấy. Năm này (tức năm Tân Mão 931), Đình Nghệ dấy quân bao vây Giao Châu, vua Hán sai Thừa chỉ Trình Bảo sang cứu, chưa đến nơi thành đã nguy ngập. Tiến bỏ trốn về bị vua Hán giết chết. Bảo vây Giao Châu, Đình Nghệ ra đánh, Bảo phải thua và tử trận”.
Ngũ đại sử của Âu Dương Tu (1007-1072) chép: Năm thứ 10 (tức năm Đại Hữu thứ 10 – 937), Giao Châu nha tướng Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ tự lập, tướng cũ của Đình Nghệ là Ngô Quyền đánh Giao Châu, Công Tiễn xin cứu viện. Nghiễm phong Hồng Thao tước Giao vương, xuất binh theo hướng Bạch Đằng tấn công. Còn Nghiễm thì đóng binh tại Hải Môn” và “Ngô Xương Văn ở Giao Châu chết, phụ tá của ông này là Lã Xử Bình cùng Phong Châu Thứ sử Kiều Tri Hựu tranh lập, Giao Chỉ đại loạn, Hoan Châu Đinh Liễn cử binh kích phá đám ấy”.
Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đảo (1115-1184) chép: “Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Ngô Xương Văn chết, tham mưu của Văn là Ngô Xử Bình, cùng Phong Châu Thứ sử Kiều Tri Hựu, Vũ Ninh châu Thứ sử Dương Huy, Nha tướng Đỗ Cảnh Thạc, bọn ấy cùng tranh lập. Mười hai châu của Giao Chỉ đại loạn, trộm cướp cùng dấy. Trước, Dương Đình Nghệ làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, sai Nha tướng Đinh Công Trứ nhiếp Hoan Châu Thứ sử. Công Trứ chết, con Bộ Lĩnh nối chức ấy. Khi đó, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn cùng thống soái ba vạn người đánh phá bọn Xử Bình, đất ấy mới yên, bèn tự lập làm Vạn Thắng Vương, lấy Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ”. [Dẫn lại trong Đinh Bộ Lĩnh – Loạn sứ quân từ sử liệu tới sử thực của Trần Trọng Dương]
Như vậy là: Năm 931 Dương Đình Nghệ (người Ái Châu) tiến đánh, chiếm giữ Giao Châu tự xưng Tiết độ sứ. Tháng 3 năm 937, nha tướng Kiều Công Tiễn (người Phong Châu) giết Đình Nghệ để chiếm quyền. Cùng năm nha tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền dẫn quân từ Ái Châu ra đánh Công Tiễn. Công Tiễn cầu cứu Nam Hán.
Nam Hán chúa Lưu Cung phong con là Vạn vương Hoằng Tháo làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân đem binh cứu Công Tiễn. Sau khi diệt Tiễn, Quyền đem binh đón đánh Tháo ở cửa sông Bạch Đằng. Lợi dụng hiện tượng thuỷ triều, Ngô Quyền cho đóng cọc ở lòng sông, bịt sắt nhọn ở đầu cọc. Sau khi đánh tan quân Nam Hán, Quyền xưng vương.
Năm 944 thì mất, em vợ là Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ) tiếm quyền, xưng vương. Con trai cả của Quyền là Xương Ngập náu ở nhà Phạm Công Lệnh. Em trai Xương Văn được Tam Kha ép nhận làm con nuôi.
Khúc Thừa Mỹ xưng Tiết độ sứ, trấn giữ Đại La, nha tướng là Dương Đình Nghệ trấn giữ Ái Châu. Dương Đình Nghệ xưng Tiết độ sứ, trấn giữ Đại La, nha tướng là Ngô Quyền trấn giữ Ái Châu. Rõ ràng có 2 vị trí chiến lược của Tĩnh Hải quân thời kỳ này là Giao Châu và Ái Châu, 2 vị trí này tự lưng vào nhau, trước là quản hạt toàn bộ Tĩnh Hải quân, sau là vừa chống mối nguy hại từ cả phương bắc lẫn phương nam.
Khi Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ để tiếm quyền, thì Ngô Quyền ở Ái châu đem quân ra đánh ngay trong năm 937. Vì sao mà Công Tiễn sau khi giết hại Đình Nghệ không đem quân đánh phủ đầu Ngô Quyền, ông còn chờ gì nữa ? Điểm thú vị là gần như ngay lập tức quân Nam Hán cứu viện Công Tiễn! Để có thể cứu viện thì chắc chắn là phải càng nhanh càng tốt, tuy nhiên đây không phải là cứu viện bằng đường bộ mà là cứu viện bằng đường biển. Như vậy thì cần phải có thời gian chuẩn bị chiến thuyền và quân nhu. Công Tiễn có thực gan ám hại Đình Nghệ hay không ? Khi mà biết quân đội của các nha tướng thân tín của Đình Nghệ vẫn giữ Ái Châu? Tôi cho rằng: Đã có một kế hoạch ở đây và kế hoạch này có bàn tay của nhà Nam Hán. Sau thua trận năm 931, nhà Nam Hán chắc chắn vẫn muốn thâu tóm Tĩnh Hải quân, nhưng nếu dùng binh thì chưa chắc đã đạt được mục đích, vì vậy một mặt nhà Nam Hán vẫn chuẩn bị quân lực, mặt khác mua chuộc các thân tín của Đình Nghệ và Công Tiễn là người được nắm đến. Kế hoạch là Công Tiễn ám toán Đình Nghệ, nắm giữ Giao Châu, nhà Nam Hán đem quân đến cùng hợp sức để thâu tóm nốt Ái châu và Hoan châu. Tất nhiên là Công Tiễn sẽ được phong là Tiết độ sứ và cũng tất nhiên là Tĩnh hải quân nằm dưới sự trị vì của nhà Nam Hán Lưu Cung. Đó là lý do giải thích vì sao Công Tiễn không đem binh đánh Ngô Quyền, có thể Tiễn đang chờ quân đội của nhà Nam Hán. Đó cũng là lý do giải thích vì sao nhà Nam Hán gần như đã có chuẩn bị.
Sau khi đánh tan quân Nam Hán vào mùa đông năm 938, Quyền xương vương. Nhưng điểm thú vị là Quyền không định đô ở Đại La mà ở Cổ Loa thành. Đây là một việc khó hiểu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”.
Sách Việt sử tiêu án chép: “Vương giết Công Tiễn, phá Hoằng Tháo, tự lập làm vua, tôn Dương Thị làm Hoàng hậu, đặt đủ 100 quan, dựng ra nghi lễ triều đình, định các sắc áo mặc, đóng đô ở Cổ Loa thành, làm vua được 6 năm rồi mất”.
Kinh đô của triều đại mới không nằm ở Đại La mà chuyển sang Cổ Loa. Lý giải cho việc Ngô Quyền không chọn Đại La sầm uất và có truyền thống nhiều thế kỷ là trung tâm chính trị trước đó, các sử gia cho rằng có 2 nguyên nhân: tâm lý tự tôn dân tộc và ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước từ kinh nghiệm cũ để lại:
– Ý thức dân tộc trỗi dậy, tiếp nối quốc thống xưa của An Dương Vương, quay về với kinh đô cũ thời Âu Lạc, biểu hiện ý chí đoạn tuyệt với Đại La do phương Bắc khai lập
– Đại La trong nhiều năm là trung tâm cai trị của các triều đình Trung Quốc đô hộ Việt Nam, là trung tâm thương mại sầm uất nhiều đời chủ yếu của các thương nhân người Hoa nắm giữ. Đại La do đó là nơi tụ tập nhiều người phương Bắc, từ các quan lại cai trị nhiều đời, các nhân sĩ từ phương Bắc sang tránh loạn và các thương nhân. Đây là đô thị mang nhiều dấu vết cả về tự nhiên và xã hội của phương Bắc, và thế lực của họ ở Đại La không phải nhỏ. Do đó lực lượng này dễ thực hiện việc tiếp tay làm nội ứng khi quân phương Bắc trở lại, điển hình là việc Khúc Thừa Mỹ nhanh chóng thất bại và bị Nam Hán bắt về Phiên Ngung. Rút kinh nghiệm từ thất bại của Khúc Thừa Mỹ, Ngô Quyền không chọn Đại La.
Theo Tạ Đại Chí Trường: Chiếm giữ Đại La xong, Ngô Quyền không đóng đô nơi phủ trị cũ mà lại tìm một vị trí bên lề để canh chừng. Tại sao? Vì còn tự ti thấy mình chưa đủ sức thay thế chủ cũ? Vì cái thế Đại La trống trải trong tầm sông nước dễ dàng cho sự xâm lấn của Nam Hán so với Cổ Loa khuất lấp hơn một ít mà vẫn còn có ngôi thành Kén của Mã Viện làm thế đương cự? Dù sao thì sự từ chối Đại La cũng là một dấu vết co cụm để tính chất địa phương nổi lên không những chỉ trong gia đình ông mà còn thấy trong cách ứng xử của các tập đoàn quyền lực khác ở phủ Đô hộ cũ nữa. [Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam]
Ý kiến cho rằng Đại La thành có nhiều người còn tư tưởng thuần phục phương bắc, nên rất khó để có thể cai trị, rất khó để đặt kinh đô. Đại trường cho rằng chọn Cổ Loa đã cho thấy “dấu về co cụm [thể hiện] tính chất địa phương nổi lên”. Không chỉ có Ngô vương từ chối Đại La mà ngay cả Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn cũng từ chối Đại La. Vì ở thế kỷ thứ 10 này tính thống nhất, tư tưởng độc lập chưa phủ toàn bộ An nam, ở những nơi khác nhau vì thế mà các tư tưởng về độc lập cũng khác nhau, chưa thực sự đồng đều, vẫn còn những nhóm người thuần phục triều đình phương bắc.
Đinh Bộ Lĩnh lựa chọn Hoa Lư làm đô vì đó là quê hương ông, sức mạnh của ông có thể đánh dẹp tất cả các sứ quân ở toàn An Nam, thế nhưng bắt tất cả thuần phục thì không thể, kiểm soát họ thì càng không thể, ông chọn Hoa Lư cho thấy ông sợ đặt kinh đô ở một vùng đất xa lạ của người khác (như Đại La chẳng hạn), dù ông có đánh thắng và chiếm được đất của họ. Lê Hoàn tiếp nối ngôi, cũng vẫn chọn Hoa Lư.
Vậy thì vì sao Ngô Quyền nếu không chọn Đại La, cũng không chọn Hoa Lư hay không chọn Đường Lâm (châu Ái) mà đi chọn Cổ Loa thành ? Có vẻ như ở đây, ý kiến cho rằng đó là cách để tiếp nối truyền thống, một lời khẳng định về tộc Việt từ An Dương Vương lại hợp lý. Hoặc có thể là do: Cổ Loa là quê hương hoặc gần với quê hương ông (như Sóc Sơn chẳng hạn).
Khi nhà Nam Hán tiến đánh Giao Châu, bắt Khúc Thừa Mỹ có thể Dương Đình Nghệ đang trấn giữ Giao Châu, trong lần tiến công ra bắc, có thể Ngô Quyền cũng tham gia, sau khi đoạt Giao Châu, Quyền được cử trấn giữ châu Ái. Cũng không có tài liệu nào ghi chép Quyền giỏi sông nước, hơn nữa sau khi dẹp Công Tiễn, ông bước ngay vào cuộc chiến với Hoàng Tháo. Vậy thì kế sách lợi dụng thuỷ triều, dùng cọc gỗ bọc sắt nhọn tuyệt hảo này từ đâu mà có ? Đó có phải là do Quyền nghĩ ra hay một người giỏi sông nước, sống ở vùng Bạch Đằng ngày ngày tiếp xúc với thuỷ triều hiến kế. Điều quan trọng là, bằng cách nào mà Quyền biết được địch sẽ tấn công đường thuỷ và lại tiến vào qua đường sông Bạch Đằng. Liệu có phải khi phá được Công Tiễn, Quyền đã biết được âm mưu, cũng như kế hoạch mà Công Tiễn và Lưu Cung trao đổi với nhau.
Dù là gì thì chắc chắn Quyền phải biết trước kế hoạch tấn công của Hoằng Tháo trước một thời gian dài vì để có thể dùng cọc gỗ lớn, đóng ở cửa sông Bạch Đằng và bịt đầu sắt nhọn thì cần phải mất rất nhiều thời gian. Tháng 3 Công Tiễn sát hại Đình Nghệ, vậy thì ước chừng cũng phải sau tháng 5 Quyền mới phá được Tiễn. Cho đến mùa đông năm sau Quyền phá được Hoằng Tháo. Vậy là chỉ vẻ vẹn khoảng 20 tháng.
Một việc nữa cũng cần bàn là vì sao Ngô Xương Ngập khi chạy trốn trước sự lùng sục của Dương Tam Kha lại trốn về nhà của Phạm Công Lệnh ở Nam Sách (Hải Dương) [Phạm Công Lệnh là người vùng xứ Đông, chắc hẳn giỏi sông nước, được Quyền phong là chúa quản vùng xứ Đông, ông có liên quan gì tới kế hoạch lợi dụng thuỷ triều không ?]. Khi Ngô Xương Ngập chạy lại chọn về nhà của Phạm Công Lệnh và qua việc Quyền phong đông là Đông Giáp tướng quân cho thấy, họ Ngô rất tin tưởng và trọng dụng ông ? Thế nhưng nếu Quyền là người Ái châu thì sự tin tưởng này diễn ra khi nào ? Thời gian tiếp xúc giữa Quyền và Công Lệnh cũng không nhiều, vậy thì giải thích sự tin tưởng ra sao ? Không lẽ Lệnh theo Quyền vào trấn ở Ái châu ?
Xương Ngập chạy về Nam Sách vậy thì sao ? Con trai của ông Chân Lưu lại ở Cát Lợi (Sóc Sơn). Như các tác giả của Đường Lâm là Đường Lâm nào viết: “việc cho Khuông Việt quê ở nơi đây rất phù hợp và dễ hiểu, nhất là việc ông tu tập tại địa phương này dường như không còn phải nghi vấn”. Việc cho rằng Khuông Việc tu tập ở địa danh Cát Lợi không còn gì phải nghi ngờ nữa. Câu hỏi là vì sao Khuông Việt lại ở địa phương này mà không phải ở địa phương khác ? Khuông Việt được ước tính sinh năm 933, năm 944 Ngô Quyền mất, vậy khi loạn xảy ra thì Chân Lưu mới hơn 10 tuổi. Một cậu bé nhỏ tuổi như vậy thì không tự lưu lạc được, hẳn là phải có người giúp đỡ. Và điểm thú vị là cậu không theo cha, chạy tới nhà Phạm Công Lệnh mà lưu lạc về Sóc Sơn. Ở Sóc Sơn có gì đặc biệt mà cậu được người lớn gửi về đó ? Khi về Sóc Sơn, Chân Lưu nương tựa cửa phật, có lẽ đây là cách để trốn khỏi sự truy lùng của Tam Kha, và như thế thì đây là dụng ý của người đã che dấu, đưa cậu về Sóc Sơn. Người này chắc chắn không phải là Xương Ngập.
Qua ghi nhận của Ngô Văn Xuân về tích truyện kể rằng Ngô Xương Văn gặp Ngô Xương Ngập ở gần vùng Sóc Sơn và với bản tính thiện tâm của Xương Văn thì người chúng ta có thể nghĩ đến, đã giúp Chân Lưu chính là chú Xương Văn.
Chúng ta đã tìm hiểu một số ý sau:
– Những căn cứ để cho rằng: thông tin chép trong Thiền uyển tập anh là mâu thuẫn chưa thực sự thuyết phục. Vì thế mà vẫn tìm quê của Ngô Chân Lưu theo địa danh Cát Lợi. Và Chân Lưu là con Xương Ngập là cháu của Ngô Quyền.
– Những căn cứ dùng để khẳng định Ngô Quyền quê ở Đường Lâm là những căn cứ gián tiếp, chưa thực sự thuyết phục.
– Giống như Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, Ngô Quyền không chọn Đại La làm kinh đô mà chọn Cổ Loa, có thể vì: đấy là quê hương hoặc gần quê hương, nơi mà các vị này có thể kiểm soát được tình hình.
– Trận thuỷ chiến Bạch Đằng năm 938 là một trận đánh hay, qua trận đánh cho thấy người lên kế hoạch trận đánh này phải rất am tưởng thuỷ thổ và đại hình, khí hậu ở vùng này.
– Chân Lưu được lựa chọn để gửi về vùng Sóc Sơn không phải là ngẫu nhiên, hẳn là phải có một nguyên cớ nhất định. Cũng như vậy Xương Ngập chọn chạy về Nam Sách, trú ở nhà Công Lệnh không phải là vô tình, phải thực sự có nguyên do.
– Có thông tin ghi chép về người họ Ngô tên là Thưởng Vụ ở địa danh Cát Lợi mà Nguyễn Tự đi đánh dẹp.
Từ đó tôi đặt giả thuyết rằng: Ngô Quyền người Cát Lợi, vùng đông bắc ngoại thành Hà Nội ngày nay.