18/06/2018, 16:43

Phụ chú về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan

Đặng Thanh Bình Chúng ta đã thật may mắn khi được theo dõi cuộc tranh luận mà theo tôi là kinh điển giữa 2 học giả chính là Lê Mạnh Chiến và Phan Huy Lê về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Cuộc tranh luận này thực sự là kinh điển, tiếc rằng không thể hoàn hảo! Trong bài ...

ln___mai_thuc_loan_500.png

Đặng Thanh Bình

Chúng ta đã thật may mắn khi được theo dõi cuộc tranh luận mà theo tôi là kinh điển giữa 2 học giả chính là Lê Mạnh Chiến và Phan Huy Lê về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Cuộc tranh luận này thực sự là kinh điển, tiếc rằng không thể hoàn hảo!

Trong bài Phải chăng Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê ? của tác giả Lê Mạnh Chiến viết:

“Tháng 3/2003, chúng tôi đã công bố bài Phải chăng “nạn cống vải” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan để bác bỏ hoàn toàn các luận cứ kia. Chúng tôi đã lần lượt chứng minh từng ý và đã bác bỏ hoàn toàn mọi luận cứ kia của giới sử học, cụ thể là:

  1. Quả vải là đặc sản của miền nam Trung Quốc. Nước ta tuy có quả vải nhưng không ngon bằng và cũng không nhiều. Quả vải ở Hoan Châu càng ít và chua, vải thiều ở Hải Dương là giống của Trung Quốc, mới xuất hiện ở Hải Dương từ những năm cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.
  2. Dương Quý Phi thích ăn quả vải, nhưng bà này sinh năm 719, mà Khởi nghĩa Mai Thúc Loan  bị dập tắt năm 722, nên không thể có việc Mai Thúc Loan đi cống vải để cho Dương Quý Phi ăn.
  3. Mai Thúc Loan và đồng bào của ông không gánh quả vải sang Tràng An vì ở Trung  Quốc có rất nhiều giống vải ngon, và họ sử dụng ngựa của các trạm chuyển công văn hỏa tốc, chỉ cần một số ngựa tốt và những kỵ sĩ khỏe mạnh.
  4. Sau khi khởi nghĩa Mai Thúc Loan bị dập tắt, Dương Quý Phi và các thế hệ sau bà  ở triều đình nhà  Đường vẫn được cung cấp quả vải ngon, việc vận chuyển quả vải về  Tràng  An vẫn tiếp tục bằng ngựa của Trung  Quốc, quả vải cũng lấy  ở Trung  Quốc.
  5. Chúng tôi còn chứng minh rằng, không thể gánh quả vải tươi từ Hoan Châu đến  Tràng An vì đường đi quá xa, hơn 6000km, nếu đi bộ được mà thoát chết dọc đường thì cũng phải mất hơn nửa năm, quả vải  đã thối từ lâu.
  6. Ngoài ra,  chúng tôi còn tìm thấy cứ liệu trong  Hậu Hán Thư (bộ chính sử về thời Đông Hán), xác nhận rằng: Thời Hán có lệ bắt  7 quận ở  Lĩnh Nam (trong đó có quận Giao Chỉ, tức là phần  Bắc Bộ của nước ta) phải dâng quả vải  tươi cho triều đình, việc vận chuyển  quả vải  được thực hiện bằng  ngựa chạy tiếp sức qua các trạm nghỉ và đổi ngựa chứ khong có chuyện người  gánh đi bộ một mạch từ đầu đén cuối, nghĩa là không có cái “nạn cống vải” như các nhà  sử học đã nghĩ ra.

 Muốn phản bác ý kiến của chúng tôi thì phải lần lượt bác bỏ  cả  6 điều trên đây. Giới sử học không thể phản bác nhưng không dám đối diện với sự thật nên đã cố ý làm ngơ”.

Trong bài Khảo cứu lại cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan của Phan Lê Huy viết:

“Năm 1964 Trần Bá Chí công bố một số tư liệu khảo sát thực địa vùng Hà Tĩnh, Nghệ An gồm gia phả ở xã Đông Liệt, văn tế, hát chầu, hai bài thơ chép trong Tiên chân báo huấn tân kinh tại đền thờ Mai Hắc Đế, một số truyền thuyết dân gian… cùng một số di tích như thành Vạn An, đền thờ Mai Hắc Đế, lăng mộ mẹ và cha con vua Mai ở Nam Đàn, Nghệ An và một số di tích, truyền thuyết ở Mai Phụ, Hà Tĩnh… Khai thác nguồn tư liệu này, một số sách sử làm rõ hơn nguồn gốc, quê hương Mai Thúc Loan, nhấn mạnh thành phần xuất thân lao động nghèo khổ, coi chuyện đi phu gánh vải cống là nguyên do trực tiếp khởi đầu cuộc khởi nghĩa, sau khi chiếm Hoan Châu xây dựng căn cứ Sa Nam, từ đó mở cuộc tiến công làm chủ cả nước, nêu cao qui mô cuộc khởi nghĩa. Năm khởi nghĩa và thất bại vẫn coi là năm 722. Nhiều nhà sử học tiếp nhận nguồn tư liệu dân gian này và bổ sung vào công trình nghiên cứu thời Bắc thuộc. Sách giáo khoa phổ thông và đại học đều viết theo nguồn tư liệu bổ sung này.

Năm 2003 trên báo Thế giới mới đăng tải một số bài của Lê Mạnh Chiến chất vấn và phê phán các nhà sử học, cho việc cống vải trong thời Bắc thuộc là không có cơ sở khoa học vì vải vùng nam Trung Quốc nổi tiếng, thời thuộc Đường việc vận chuyển quả vải tươi từ nước ta về kinh đô Trường An không thể thực hiện được, coi Mai Thúc Loan cùng đoàn phu chuyên chở vải cống bất bình nổi dậy là không đúng về nguyên nhân khởi nghĩa.

Năm 1997, Đinh Văn Hiến và Đinh Lê Viên xuất bản sách Mai Hắc Đế, truyền thuyết và lịch sử, đã có công thu thập các tư liệu liên quan trong sử sách của ta, trong Tân Đường thư của Trung Quốc và tư liệu tại các địa phương liên quan, từ đó đặt lại một số vấn đề như năm khởi nghĩa là năm 713 chứ không phải năm 722, qui mô rất lớn của cuộc khởi nghĩa, quốc đô Vạn An, cuộc kháng chiến chống quân Đường. Cuốn sách đã thu hút được sự quan tâm của một số báo chí và một số người quan tâm đến lịch sử dân tộc, nhưng cũng có người coi đó là một cuốn sách kể chuyện nặng theo truyền thuyết nên chưa chú ý đến đề xuất có tính khoa học của tác giả. Năm 2007 tác giả mở trang Web về Mai Hắc Đế và khởi nghĩa Hoan Châu để vận động mở cuộc hội thảo về vấn đề này. Năm 2008 tác giả cũng đã viết thư cho Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đề nghị Hội cùng Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức cuộc hội thảo để xác minh và kết luận các vấn đề đã được đặt ra về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. (…) Trường Đại học Vinh cùng Viện sử học đứng ra tổ chức cuộc hội thảo về khởi nghĩa Hoan Châu ngày 8-11-2008 tại thành phố Vinh (Nghệ An). Cũng nhân cuộc hội thảo này, tôi kiểm tra lại các nguồn sử liệu đã phát hiện và cố gắng khai thác, thu thập thêm những sử liệu liên quan, nhất là trong thư tịch cổ của Trung Quốc, để góp phần xác minh lại những vấn đề đã đặt ra về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (…)

Về nguyên nhân khởi nghĩa, có lẽ không một nhà sử học hay người có hiểu biết về lịch sử lại có thể nghĩ đơn giản rằng cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan chỉ xuất phát từ sự bất bình của một đoàn phu gánh vải cống và như thế thì làm sao giải thích được sự tham gia, hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp xã hội thời bấy giờ. Một số nhà sử học đưa thêm truyền thuyết này, trong đó có tác giả nói rõ là theo truyền thuyết, cũng chỉ bổ sung thêm một tình thế và nguyên do trực tiếp mà Mai Thúc Loan đã khai thác để phát động cuộc khởi nghĩa (…)  Vì vậy câu chuyện Mai Thúc Loan đã từng đi phu cống vải là thuộc phạm trù truyền thuyết dân gian và bài hát chầu văn kể về chuyện cống vải, xét về thể loại văn học chỉ mới xuất hiện khoảng thời gian gần đây. Câu chuyện dân gian đó vẫn mang cốt lõi lịch sử của nó nhưng chỉ là ảnh xạ chế độ cống nộp quả vải từ thời thuộc Hán và phản ánh chế độ lao dịch nặng nề thời Bắc thuộc mà thời thuộc Đường vẫn tồn tại. Vì vậy, sau này khi Khúc Thừa Dụ giành lại chính quyền tự chủ, con là Khúc Hạo kế vị đã tiến hành cải cách, trong đó có chủ trương “tha bỏ lực dịch” cho nhân dân.

Theo kết quả kiểm tra tư liệu của tôi, trong thời Bắc thuộc chế độ cống quả vải cũng như một số quả quý của nước ta như cam, quýt, nhãn… đã có từ thời Tây Hán, nhưng đến thời thuộc Đường thì quả vải cống lấy từ vùng Lĩnh Nam. Vì vậy ý kiến của ai đó coi nguyên nhân của khởi nghĩa Mai Thúc Loan chỉ là hay chủ yếu là chế độ đi phu cống vải là không có cơ sở khoa học”.

* Phụ chú: Cựu Đường thư do Lưu Hú biên soạn chép: “Năm Khai Nguyên sơ, thủ lĩnh An Nam Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng Hắc Đế, cùng nước Lâm Ấp, Chân Lạp thông mưu hãm An Nam phủ. Sai Tư Húc đem binh đánh dẹp. Tư Húc đến Lĩnh Biểu, chiêu mộ con em các thủ lĩnh được binh mã hơn 10 vạn, theo đường cũ của Phục Ba mà tiến đánh xuất kỳ bất ý. Huyền Thành nghe tin quân đến sợ hãi, không kịp đề ra mưu kế, nên bị quan quân bắt, chém tại trận, giết hết bọn chúng và chất thây làm kình quán rồi rút về”.

Tân Đường thư do Âu Dương Tu và Tống Kỳ biên soạn chép: “Năm Khai Nguyên sơ, cừ súy người man ở An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, hiệu là Hắc Đế, dấy dân chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm cứ Hải Nam, quân chúng nói có 40 vạn. Tư Húc xin cho chiêu mộ con em các thủ lĩnh được 10 vạn, cùng An Nam đại đô hộ Quang Sở Khách theo đường cũ của Mã Viện, đánh bất ngờ, giặc sợ hãi, không kịp mưu tính, bị đại bại, chất thây làm kình quán rồi rút về”.

Căn cứ vào Cựu Đường thư và Tân Đường thư thì: Thủ lĩnh An Nam là Mai Huyền Thanh (Mai Thúc Loan) làm phản, tự xưng đế, dấy dân chúng châu huyện, liên kết với bên ngoài là Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân hãm An Nam. Theo như đó thì sử sách không nói tới nguyên nhân Mai Thúc Loan làm phản. Nếu căn cứ vào truyền thuyết để nói rằng: do phải làm phu gách vải (là trong rất nhiều các nguyên nhân) khiến Thúc Loan làm phải cũng chưa thuyết phục bởi vì: Hãy xem quy mô của cuộc khởi nghĩa ? Thúc Loan dấy được 32 châu huyện, có thể liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, quân chúng lên tới 40 vạn. Thì hỏi rằng: một anh phu gánh vải có thể làm được chăng ?

Trong bài Khảo cứu lại cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan của Phan Lê Huy viết: [Về năm khởi nghĩa] Chính sử và hầu hết các bộ lịch sử Việt Nam cho đến nay vẫn chép là năm Khai Nguyên thứ 10 tức năm 722. Tác giả sách Những người trẻ làm nên lịch sử và Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam là những người đầu tiên đưa ra niên đại mới cho cuộc khởi nghĩa là năm 713, nhưng trong một cuốn sách kể chuyện lịch sử và biên niên sử kiện nên không đưa ra chứng cứ khoa học và biện giải rõ ràng, nên không được mấy người quan tâm và chưa thể thay đổi quan niệm cũ. Hơn nữa các tác giả chỉ chuyển năm khởi nghĩa từ năm 722 thành năm 713, còn qui mô và thành bại của khởi nghĩa vẫn chỉ giới hạn trong 1 năm. Đinh Văn Hiến và Đinh Lê Yên là hai tác giả đã nêu vấn đề này lên trong dư luận như một yêu cầu phải xác minh khi xuất bản cuốn sách Mai Hắc Đế, truyền thuyết và lịch sử cùng nhiều bài báo đăng tải trên báo chí (…)

Hương Lãm Mai Đế ký trong Tân đính hiệu bình Việt điện u linh cũng chép  Mai Thúc Loan khởi nghĩa, chiếm châu huyện và xưng đế vào «năm Quý Sửu mùa hạ, tháng tư, vào thời Đường Huyền Tông, niên hiệu Khai Nguyên thứ nhất vậy». Đây là truyện bổ sung của Chứ Cát Thị vào năm Cảnh Hưng thứ 35 (năm 1774).

Như vậy là hai tác giả người Việt, Lê Tắc vào đầu thế kỷ XIV và Chư Cát Thị vào giữa thế kỷ XVIII, đã đưa ra một niên đại thống nhất cho cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan vào năm Khai Nguyên thứ nhất. An Nam chí lược ghi là “Khai Nguyên sơ” và Việt điện u linh ghi rõ cả niên hiệu là năm Khai Nguyên thứ nhất và cả năm theo can chi là năm Quý Sửu tức năm 713. Vua Đường Minh Hoàng (712-756), có ba niên hiệu, niên hiệu đầu tiên là Tiên Thiên (712-713), niên hiệu thứ hai là Khai Nguyên (713-742) và niên hiệu thứ ba là Thiên Bảo (742-756). Khai Nguyên năm đầu là năm 713 (…)

Trên cơ sở tập hợp và phân tích các nguồn tư liệu hiện có, có thể nhận định: 

– Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm Khai Nguyên thứ 1 tức năm 713, chứ không phải năm Khai Nguyên thứ 10 tức năm 722 như sử cũ của ta đã chép và nhiều công trình nghiên cứu lịch sử đã viết theo.

– Cuộc khởi nghĩa có qui mô lớn, từ Hoan Châu đã mở rộng ra gần như cả nước và đã giành thắng lợi, chiếm phủ thành An Nam, giải phóng đất nước.

– Trên cơ sở thắng lợi đó, Mai Thúc Loan đã xưng đế tức vua Mai Hắc Đế, xây thành Vạn An làm quốc đô.

– Nhà nước độc lập tồn tại được gần 10 năm từ năm 713 đến năm 722.

– Đại Đường là một đế chế lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông thế kỷ VIII, nhất là thời vua Đường Thái Tông (626-649) và Đường Huyền Tông (712-756). Mai Thúc Loan đã khởi nghĩa thành công, giải phóng cả nước và duy trì nhà nước độc lập với danh hiệu hoàng đế gần 10 năm ngay trong thời cường thịnh của nhà Đường. Cũng cần lưu ý trong buổi đầu thời Đường Huyền Tông còn phải lo khắc phục hậu quả những năm xung đột cung đình sau thời Đường Thái Tông đã tạo cơ hội cho cuộc khởi nghĩa bùng nổ và thắng lợi. Trước đế chế Đại Đường thời thịnh đạt, thắng lợi của khởi nghĩa Mai Thúc Loan là một thành công rất lớn, cần được nhìn nhận và tôn vinh một cách xứng đáng”.

Trong bài Phải chăng Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê ? của tác giả Lê Mạnh Chiến viết:

“Theo sự ghi nhận của ông Phan Huy Lê thì trước đây đã có một số nhà nguyên cứu đề xuất việc đính chính năm khởi nghĩa của Mai Thúc Loan nhưng họ chưa có cứ liệu đáng tin cậy nên ý kiến của họ bị lãng quên. Phải  đợi đến hai cha con ông Đinh Văn Hiến thì năm khởi nghĩa của Mai Thúc Loan mới được nghiên cứu tường tận, trên cơ sở khoa học. Tuy vậy, công trình của hai ông họ Đinh vẫn chưa đủ sức thuyết phục mọi người (…) Phải có sự tham gia tích cực và năng động của GS Phan Huy Lê thì những nỗ lực của Đinh Văn Hiến và  Đinh Lê Yên mới được khẳng định tại Hội thảo “Mai Thúc Loán và Khởi nghĩa Hoan Châu” (tháng 10/2008) và  được giới sử học chính thức ghi nhận để chuẩn bị hồ sơ cho việc kỷ niệm 1300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu  mở đầu  nền độc lập đầu tiên kéo dài 10 năm. Tất cả mọi lý lẽ, mọi sử liệu, mọi chứng cứ, phải  qua sự nhào nặn của GS Phan Huy Lê thì mới đưa đến thành công mỹ mãn như thế (…) Bởi vậy, ở bài này, chúng tôi chỉ nói về “cống hiến” của  GS Phan Huy Lê trong vụ “phát hiện mới nhất” kể trên (…)

Cái gọi là “phát hiện” của ông Phan Huy Lê có tác dụng “sửa chữa nhầm lẫn qua nhiều thế kỷ”, thực chất chỉ  là một mớ sai lầm liên tục của ông ấy do phương pháp nghiên cứu phản khoa học kèm theo sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần cầu thị. Trên thực tế  thì trong “phát hiện’ động trời này, ông Phan Huy Lê không làm gì cả, chẳng hề tra cứu sách vở gì hết, mà chỉ nhặt một vài câu trong bản dịch của  truyện Hương Lãm Hắc đế ký nói về  niên đại của  Khởi nghĩa Mai Thúc Loan rồi dùng xảo thuật, bắt Lê Tắc cùng với Cựu Đường-thư và Tân Đường- thư khẳng định “tính xác thực” của truyện ấy. Do không biết tra cứu đến nơi đến chốn mà chỉ dựa vào một số tài liệu dịch, lại đọc một cách chắp vá nên ông Phan Huy Lê trịnh trọng khẳng định  rằng mình đã tìm thấy nguyên nhân “nhầm lẫn qua nhiều thế kỷ” của các sử gia tiền bối, rồi mở hội thảo với toàn những người “hợp khẩu vị” của mình làm trò độc diễn để đạt đến sự “nhất trí” của tập thể các “nhà khoa học” nhưng thực chất chỉ là cảnh “nhất hô bách ứng” nhằm tâng bốc nhau, lấy số đông để quyết  định “chân lý khoa học”. Việc khẳng định rằng “Khởi nghĩa Hoan Châu nổ ra năm 713” và “Mai Thúc Loan đã giữ được độc lập trong 10 năm” chỉ là kết quả của việc ông Phan Huy Lê dịch nhóm từ “Khai Nguyên sơ” thành ra “năm Khai Nguyên thứ nhất”. Điều đó chỉ chứng tỏ sự yếu kém và ngụy biện của ông ta mà thôi. Thực chất là, ông ta chỉ dựa vào truyện Hương Lãm Hắc đế ký, một truyền thần linh,  để dựng nên một sự kiện lịch sử theo ý mình, chẳng khác gì trước đây giới sử học đã dựa vào mấy câu hát chầu văn và một bài thơ phỏng theo ý của nhà thơ Đỗ Mục để dựng nên sự kiện “cống vải” rồi  đưa vào chương  trình giảng dạy và vào tất cả các sách lịch sử trong nửa thế kỷ, mãi  cho đến nay.

Về năm nổ ra Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, chúng ta chưa có cứ liệu gì mới mẻ và xác đáng hơn những điều được ghi trong Cựu Đường thư hay Tân Đường thư mà các sử gia tiền bối ở nước ta  đã ghi nhận. Các sử gia tiền bối không nhầm lẫn hay sai sót gì cả, chỉ có ông Phan Huy Lê muốn lập thành tích mới nhằm làm mờ nhạt những trò ngụy biện và gian dối trước đây trong vụ “cống vải” nên mới liều mạng tung ra quái chiêu này. Chẳng thế mà ông đã phải nín nhịn sáu năm trời sau khi việc “phát hiện nạn cống vải” bị lật tẩy, chờ đến lúc “khẳng định” được “phát hiện mới” động trời  cũng về  Khởi nghĩa  Mai Thúc Loan, nâng “uy tín khoa học” lên thật to rồi mới ra tay xuyên tạc đối phương để giành luôn cả phần thắng trong vụ “cống vải” .

Mai Thúc Loan bị Dương Tư Húc đánh bại vào năm 722, như các sách chính sử đã ghi là  điều đáng tin. Hẳn là lực lượng của người anh hùng họ Mai  đã được gây dựng và tồn tại trước đó một thời gian, nhưng là thời gian bao lâu thì chúng ta không biết. Những gì chúng ta biết được về Mai Thúc Loan và về các anh hùng chống giặc phương bắc khác đều rất ít ỏi, chỉ là những mẩu nhỏ nằm trong các bản ghi chép về hành trạng của  các hoàng đế, các công thần, các võ tướng  của Trung Quốc, được ghi lại trong sách vở của họ. Nhưng không thể vì thiếu sử liệu, thiếu bằng chứng mà chúng ta bịa đặt ra những sự kiện vẻ vang để tô vẽ cho mình và lừa dối cả dân tộc, hiện tại và mai sau. Việc các sách lịch sử Trung  Quốc ghi thời gian khởi nghĩa của Mai Thúc Loan  là “Khai Nguyên sơ”, nghĩa là “trong những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên”, tuy không chỉ rõ cụ thể năm nào, nhưng là hoàn toàn đúng, bởi vì chính năm 722 vẵn thuộc khoảng một phần ba đầu tiên của niên hiệu này. Các nhà sử học tiền bối đã làm việc một cách nghiêm túc và thận trọng.

Chỉ riêng trong việc nghiên cứu về “Khởi nghĩa Hoan Châu”, ông  Phan Huy Lê cùng với các cộng sự thân tín của ông đã phạm quá nhiều sai lầm nên đã dẫn đến việc “phát hiện” và khẳng định hai sự kiện phản lịch sử là “nạn cống vải” đã khiến Mai Thúc Loan dấy binh khởi nghĩa  và “mười năm giành được độc lập” của  Mai Thúc Loan. Ngoài ra, chúng ta cũng đã biết  về tài nghệ đánh tráo và ngụy biện của ông ta nữa”.

Trong bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, năm khởi đầu và năm kết thúc của Phan Huy Lê viết:

“Cựu Đường thư do Lưu Hú biên soạn vào đời Hậu Tấn (936-947), phần liệt truyện-Truyện Dương Tư Húc, chép: “Năm Khai Nguyên sơ, thủ lĩnh An Nam Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng Hắc Đế, cùng nước Lâm Ấp, Chân Lạp thông mưu hãm An Nam phủ. Sai Tư Húc đem binh đánh dẹp. Tư Húc đến Lĩnh Biểu, chiêu mộ con em các thủ lĩnh được binh mã hơn 10 vạn, theo đường cũ của Phục Ba mà tiến đánh xuất kỳ bất ý. Huyền Thành nghe tin quân đến sợ hãi, không kịp đề ra mưu kế, nên bị quan quân bắt, chém tại trận, giết hết bọn chúng và chất thây làm kình quán rồi rút về” (…)

Tân Đường thư do Âu Dương Tu và Tống Kỳ biên soạn vào đời Tống (960-1279), phần liệt truyện-Truyện Dương Tư Húc, chép: “Năm Khai Nguyên sơ, cừ súy người man ở An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, hiệu là Hắc Đế, dấy dân chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm cứ Hải Nam (ngờ là Nam hải tức biển Nam? – PHL), quân chúng nói có 40 vạn. Tư Húc xin cho chiêu mộ con em các thủ lĩnh được 10 vạn, cùng An Nam đại đô hộ Quang Sở Khách theo đường cũ của Mã Viện, đánh bất ngờ, giặc sợ hãi, không kịp mưu tính, bị đại bại, chất thây làm kình quán rồi rút về” (…)   

Sách phủ nguyên quy là một công trình biên soạn lớn vào đời Tống Chân Tông (997-1022) thực hiện trong 8 năm từ năm Cảnh Đức thứ 2 (1005) đến năm Đại Trung Tường Phù thứ 6 (1013). Bộ sách gồm 1.000 quyển được coi là một trong “Tống đại tứ đại bộ thư” tức là bốn bộ sách lớn đời Tống (ba bộ kia làThái Bình ngự lãm, Thái Bình quảng ký và Văn uyên anh hoa) (…) Dịch: “Năm Khai Nguyên sơ, thủ lĩnh An Nam là Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng là Hắc Đế, cùng nước Lâm Ấp, Chân Lạp thông mưu hãm An Nam phủ. Hạ chiếu sai Tư Húc đánh dẹp” (…)

An Nam chí lược do Lê Tắc biên soạn trong thời gian sống lưu vong trên đất Nguyên, có thể viết trong khoảng 1285-1307, sau đó bổ sung cho đến năm 1339. Tác phẩm có nhiều truyền bản và vào thời Thanh đã được đưa vào Tứ khố toàn thư, phần “Sử bộ, tải ký loại”. An Nam chí lược có hai đoạn chép về khởi nghĩa Mai Thúc Loan.

Đoạn 1 (…) Dịch: “Nguyên Sở Khách người Giang Lăng, năm Khai Nguyên sơ đổi làm An Nam đô hộ, cùng Dương Tư Húc dẹp loạn của cừ súy người man Mai Thúc Loan”.

Đoạn 2 (…) Dịch: “Đời Huyền Tông, năm Khai Nguyên sơ, cừ súy Mai Thúc Loan làm phản, hiệu là Hắc đế, ngoài kết với quân Lâm Ấp, Chân Lạp, nói là ba mươi vạn, chiếm cứ An Nam. Hạ chiếu cho tả giám môn vệ tướng quân Dương Tư Húc, đô hộ Nguyên Sở Khác đánh dẹp, theo đường cũ của Mã Viện, phá tan quân giặc, đắp thây làm kình quán rồi rút về” (…)   

Quảng Tây thông chí do Hoàng Tá soạn và Lâm Phú tham tu vào đời Gia Tĩnh (1522-1567) thời Minh (1368-1644), đến thời Thanh (1644-1912) Tuần phủ Quảng Tây là Toàn Cung giám tu, hoàn thành năm Ung Chính thứ 11 (1733)  gồm 128 quyển. Đoạn chép về Dương Tư Húc gần như trong Tân Đường thư: “Năm Khai Nguyên sơ, thủ lĩnh An Nam Mai Thúc Loan làm phản, xưng Hắc Đế, liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm cứ Hải Nam (ngờ là Nam hải tức biển Nam? – PHL). Hạ chiếu Tư Húc đánh dẹp. Tư Húc đến Lĩnh Biểu chiêu mộ con em các thủ lĩnh, cùng An Nam đại đô hộ Quang Sở Khách theo đường cũ của Phục Ba tiến đánh bất ngờ, giặc kinh ngạc, không kịp mưu tính, liền bị đại bại, chất thây làm kình quán” (…)

Khâm định tục thông chí gồm 527 quyển được biên soạn trong khoảng năm Càn Long 32 (1767) đến Càn Long 54 (1789). Đoạn chép về Mai Hắc đế trong truyện Dương Tư Húc như  sau: “Năm Khai Nguyên sơ, thủ lĩnh người man ở An Nam là Dương Thúc Loan làm phản -Cựu thư (tức Cựu Đường thư -PHL) chép thủ lĩnh An Nam Dương Nguyên Tuất (chép nhầm: Thành – PHL) – xưng hiệu Hắc đế, dấy dân chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm giữ Hải Nam (ngờ là Nam hải tức biển Nam? – PHL), có quân chúng nói là bốn mươi vạn. Hạ chiếu cho Tư Húc đi đánh. Tư Húc đến Lĩnh Biểu mộ con em các thủ lĩnh được mười vạn cùng với An Nam đại đô hộ Quang Sở Khách theo đường cũ của Mã Viện đánh xuất kỳ bất ý, giặc bị đại bại, chém Thúc Loan, chất thây làm kình quán rồi rút về” (…)

Hương Lãm Mai đế ký trong Tân đính hiệu bình Việt điện u linh do Chư Cát thị bổ sung với Bài tựa viết năm Cảnh Hưng thứ 35 tức năm 1774. Tác giả chép rõ cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ như sau: “Vua bèn đem quân chiếm Châu thành, chia quân đóng giữ. Quần thần đến mừng, đều xin lên ngôi báu. Vua bèn lên ngôi ở phía nam Hương Lãm, tự cho mình thuộc về đức thủy, xưng là Hắc Đế. Đó là năm Quý Sửu mùa hạ, tháng tư, vào thời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên thứ nhất” (…)

Trong 7 sử liệu trích dẫn trên, có 5 tài liệu trong thư tịch cổ Trung Quốc do các tác giả Trung Quốc biên soạn và 2 tư liệu do tác giả người Việt biên soạn. Sáu tài liệu đầu đều chép khởi nghĩa Mai Thúc Loan khởi đầu vào năm Khai Nguyên sơ, riêng tài liệu thứ 7 chép rõ năm Khai Nguyên nguyên niên kèm theo năm can chi là năm Quý Sửu. Khi nghiên cứu đoạn 1 tài liệu 4 tức An nam chí lược của Lê Tắc, có người ngờ rằng năm Khai Nguyên sơ là năm Nguyên Sở Khách “đổi làm An Nam đô hộ”, còn năm Mai Thúc Loan khởi nghĩa phải sau đó. Nhưng đoạn 2 đã chép rõ “năm Khai Nguyên sơ, cừ súy Mai Thúc Loan làm phản, hiệu là Hắc Đế”. Trong tình trạng sử liệu rất hiếm hoi, lại chép ghép nhiều sự kiện vào một câu, dưới một niên đại chung, thì cần so sánh, đối chiếu nhiều sử liệu mới có thể bóc tách từng sự kiện và có cách giải thích thỏa đáng.                 

Xin lưu ý trong thư tịch Trung Quốc, từ Đường thư, đã có ghi chép khác nhau về tên Mai Thúc Loan, có chỗ chép Mai Nguyên Thành hay Mai Huyền Thành (có khi nhầm là Tuất) hay Dương Thúc Loan; Quang Sở Khách cũng có chỗ chép Nguyên Sở Khách. Tân Đường thư Q.207 đã có phần khảo chứng về các nhân danh này (…)         

* Vấn đề quan trọng bậc nhất là hiểu và giải thích như thế nào về năm Khai Nguyên sơ. Trong bài viết trước đây, tôi cho rằng năm Khai Nguyên sơ là năm đầu niên hiệu Khai Nguyên tức năm 713 và nếu hiểu là những năm đầu Khai Nguyên thì đã có thêm tư liệu Hương Lãm Mai Đế ký chép rõ năm Khai Nguyên nguyên niên kèm theo năm can chi là năm Quý Sửu để xác nhận (…)

Theo Từ hải, chữ “sơ” có 4 nghĩa và có người sử dụng nghĩa thứ 4 “chỉ vài ngày hoặc mười ngày đầu mỗi tháng” để cho rằng Khai Nguyên sơ là những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên có thể kéo dài từ năm 713 đến năm 722, và năm 722 vẫn là Khai Nguyên sơ. Theo tôi, nghĩa này dùng để tính ngày trong một tháng, không phù hợp và không thể sử dụng để giải thích niên hiệu các đời vua tính bằng năm (…)

Để tính niên hiệu trước hết cần sử dụng nghĩa thứ nhất của Từ hải (…) là: bắt đầu nổi lên, mới bắt đầu, lần thứ nhất. Vậy Khai Nguyên sơ là năm đầu niên hiệu Khai Nguyên. Để làm sáng rõ nghĩa chữ “sơ” trong cách tính niên hiệu, tôi có thể đưa ra nhiều dẫn chứng trong các văn bia đã được nhiều nhà khoa học dịch và nghiên cứu (…)

Tổng hợp và hệ thống 27 văn bia trên, có thể xếp thành ba mẫu ghi niên đại theo niên hiệu các đời vua có dùng chữ “sơ” như sau:

Mẫu 1: [niên hiệu] – [vạn vạn niên chi sơ] hay [vạn vạn niên chi nguyên] – [năm, tháng, ngày]

Mẫu 2: [niên hiệu] – [sơ niên] – [năm, tháng, ngày]

Mẫu 3: [niên hiệu] – [sơ]

Trong mẫu 1 thì chữ “sơ” cũng như chữ “nguyên” đều có nghĩa là năm đầu và kèm theo năm (có trường hợp ghi thêm năm can chi), tháng, ngày nghĩa là một năm cụ thể, không thể hiểu là những năm đầu. Người dịch đều thống nhất dịch là năm đầu hay năm thứ nhất. Lại có trường hợp ghi: [niên hiệu] – [vạn vạn niên chi ngũ] (…) hay [vạn vạn niên chi cửu] (…) hay [vạn vạn niên chi thất] (…). Điều đó càng khẳng định chữ “sơ” là chỉ năm thứ nhất của niên hiệu.

Trong mẫu 2 thì chữ “sơ niên” đều được dịch là năm đầu, cũng kèm theo năm, tháng, ngày, nghĩa là không thể hiểu là những năm đầu.

Trong mẫu 3 gần với niên đại “Khai Nguyên sơ” đang cần xác định rõ. Có hai trường hợp cụ thể:

Trường hợp “Vĩnh Định sơ”, người dịch ghi rõ năm 1547 tức năm đầu niên hiệu Vĩnh Định của vua Mạc Phúc Nguyên. Năm 1546 vua Mạc Phúc Hải mất ngày 8 tháng 5, con trưởng là Mạc Phúc Nguyên kế vị và năm sau mới cải nguyên nên Vĩnh Định năm thứ nhất là năm 1547. Năm sau, năm 1548 vua Mạc Phú Nguyên lại cải nguyên, đổi niên hiệu Vĩnh Định thành Cảnh Lịch. Niên hiệu Vĩnh Định chỉ có một năm và Vĩnh Định sơ chỉ có thể là năm Vĩnh Định thứ nhất tức năm 1547, không thể là những năm đầu niên hiệu Vĩnh Định (…)

Có thể nêu thêm một trường hợp nữa để xác minh [niên hiệu] + [sơ] là năm đầu của niên hiệu đó. BiaNgưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh, ký hiệu Viện Hán Nôm là 20954-55, vốn ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, đã  đưa về Bảo tàng lịch sử (nay Bảo tàng lịch sử quốc gia) (…)

Từ những ví dụ về cách viết niên đại theo niên hiệu đã trình bày trên, có thể rút ra kết luận “Khai Nguyên sơ” là năm đầu niên hiệu Khai Nguyên tức năm 713. Chữ “sơ” trong những trường hợp trên phù hợp với nghĩa “lần thứ nhất” theo Từ hải.

Trong tính niên đại theo niên hiệu, chữ sơ còn có nghĩa thứ hai theo Từ hải (…) là: buổi đầu, chỗ khởi đầu. Khai Nguyên sơ còn có nghĩa là đầu niên hiệu Khai Nguyên (713-742) bao gồm không chỉ năm thứ nhất mà cả vài ba năm tiếp theo. Nhưng về ngữ nghĩa, không có cơ sở nào để hiểu Khai Nguyên sơ có thể kéo dài cho đến năm Khai Nguyên thứ 10 nghĩa là bao gồm cả 10 năm từ 713 đến 722 (…)

Khai Nguyên sơ theo cách hiểu là đầu niên hiệu Khai Nguyên bao gồm vài ba năm đầu, nghĩa là có thể năm 713 hay cả năm 714, 715, … thì không có gì mâu thuẫn với ý kiến cho rằng khởi nghĩa Mai Thúc Loan khởi đầu năm Khai Nguyên sơ tức năm 713.

Thứ nhất, theo nghĩa Khai Nguyên sơ là những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên thì cũng bao hàm cả năm thứ nhất tức năm 713 như đã chứng minh ở trên là Khai Nguyên sơ có nghĩa là năm Khai Nguyên thứ nhất. Nghĩa này phù hợp với Hương Lãm Mai đế ký chép rõ Mai Thúc Loan chiếm được Châu thành, xưng Mai Hắc đế, “đó là năm Quý Sửu, mùa hạ tháng tư, thời Đường Huyền Tông năm Khai Nguyên thứ nhất”.

Thứ hai, sau khi bùng nổ, chiếm giữ Hoan Châu cho đến lúc vận động được 32 châu trong nước hưởng ứng, liên kết với các nước láng giềng phương nam Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân để tiến lên vây hãm và chiếm giữ An Nam, cuộc khởi nghĩa phải có một thời gian phát triển lực lượng và chuẩn bị các mặt. Thời gian đó không thể chỉ giới hạn trong năm 713 mà phải kéo dài một vài năm hay vài ba năm, nghĩa là vẫn nằm trong những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên. Hương Lãm Mai đế ký phần nào phản ảnh quá trình khởi nghĩa này, từ tập hợp lực lượng, gây dựng nghĩa quân đến chiếm Châu thành, xưng đế vào tháng 4 năm Quý Sửu -713, rồi năm sau, năm Giáp Dần -714, vua Lâm Ấp, Chân Lạp cho quân sang phối hợp, sau đó quan quân nhà Đường mới bỏ trốn về nước. Theo tư liệu này, cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan từ khi bùng nổ ở Hoan Châu cho đến lúc chiếm được phủ thành An Nam ít nhất cũng kéo dài trong khoảng vài năm 713-714”.

* Phụ chú: Nhận định của tác giả Phan Huy Lê là: “Khai Nguyên sơ theo cách hiểu là đầu niên hiệu Khai Nguyên bao gồm vài ba năm đầu (…) thì không có gì mâu thuẫn với ý kiến cho rằng khởi nghĩa Mai Thúc Loan khởi đầu năm Khai Nguyên sơ tức năm 713” với 2 lý do, trong đó lý do theo tôi là quan trọng nhất “theo nghĩa Khai Nguyên sơ là những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên thì cũng bao hàm cả năm thứ nhất tức năm 713”. Theo tôi đây không phải là 1 lập luận chặt chẽ được, vì tác giả giải thích rằng: chữ sơ có nghĩa thứ nhất là năm thứ nhất, nhưng cũng có nghĩa thứ hai là vài ba năm đầu và nghĩa thứ 2 này cũng bao hàm năm thứ nhất, do vậy với cả 2 nghĩa này thì từ sơ là để chỉ năm thứ nhất. Chính xác thì tác giả dùng từ “không mâu thuẫn” nghĩa là không khẳng định từ sơ chỉ năm thứ nhất nhưng cũng không phủ định nó (có thể) dùng để chỉ năm thứ nhất. Nhưng vấn đề ở đây tác giả phải chứng minh nó bắt buộc phải dùng để chỉ năm thứ nhất. Trong trường hợp tác giả không làm được (như trong bài viết, thì tác giả mới chỉ dừng lại ở chỗ, nó có thể là năm thứ nhất thôi, chứ không phải nó chắc chắn là năm thứ nhất) thì sơ vẫn có thể xảy ra trường hợp không như tác giả muốn, tức là nó không chỉ năm thứ nhất. Chúng ta phải đồng ý rằng: Việc chứng minh sơ chính là năm thứ nhất thuộc về công việc của tác giả Phan Huy Lê.    

Trong bài Vài điều cần trả lời sau khi đọc bài ” Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – năm khởi đầu và năm kết thúc” của GS Phan Huy Lê của Lê Mạnh Chiến viết:

“Khi tranh luận về chữ Hán, ắt phải dùng từ điển làm trọng tài.  Đối với những từ phức hợp trong Hán ngữ, người tra cứu từ điển phải hiểu nguyên tắc cấu tạo của chúng, vì đó là những từ phái sinh, nhiều khi không có mặt trong từ điển nên phải suy luận theo các từ có cấu trúc tương tự. Không có từ điển nào giải thích những từ phức hợp kiểu như Khai Nguyên sơ, Càn Long sơ v.v. ( gồm tên một niên hiệu cộng với chữ SƠ 初 ), vì đó là những từ rất dễ hiểu, vả lại, có bao nhiêu niên hiệu thì có bấy nhiêu từ dạng này, kể sao cho hết ? Bởi vậy, muốn hiểu Khai Nguyên sơ là gì, ta phải tìm nghĩa chữ SƠ ứng với vai trò của nó trong từ này.

Khai Nguyên sơ là một từ phức hợp gồm hai thành tố là Khai Nguyên + sơ.  Theo nguyên tắc cấu tạo các từ phức hợp trong Hán ngữ, chữ SƠ ở đây đứng sau cùng nên nó chỉ có thể đóng vai trò danh từ, không thể đóng vai trò tính từ làm định ngữ chỉ thuộc tính cho Khai Nguyên. Ngược lại, ở đây, Khai Nguyên là một danh từ riêng đóng vai trò định ngữ chỉ thuộc tính của danh từ sơ. Bởi vậy, tuy chữ SƠ có nhiều nghĩa, có khi là danh từ, có khi là tính từ, có khi là trạng từ, nhưng, để hiểu Khai Nguyên sơ là gì, chúng ta cần phải biết nghĩa của nó với tư cách là một danh từ, rồi tìm hiểu thêm ở các từ có cấu trúc tương tự với Khai Nguyên sơ, ví dụ như nguyệt sơ, niên sơ, v.v.

Từ hải là một bộ từ điển lớn rất có uy tín của Trung Quốc, chứa đựng nhiều từ, giúp hiểu rõ những từ ngữ, những khái niệm phức tạp trong khoa học, lịch sử, văn hóa, v.v. Nó được dùng làm sách tra cứu cho những người “nhiều chữ” cần hiểu tương đối sâu và rộng về nhiều vấn đề quan trọng. Bởi vậy, nó cũng “kén chủ” vì trong từ điển này, những từ khó hiểu thì được giải thích khá kỹ càng, nhưng những từ thông dụng thì ít được đưa vào hoặc chỉ được giảng giải sơ qua và nêu rất ít ví dụ. Chữ Sơ là một trong những trường hợp như vậy. Những từ phái sinh quen thuộc của nó như sơ bộ, sơ kỳ, sơ niên hay niên sơ đều không có mặt trong Từ hải (…) 

Từ điển Từ hải dùng cho những người “nhiều chữ” nên nó không cần đi sâu vào việc giảng giải nhiều về chữ SƠ với tư cách là danh từ. Để hiểu rõ nghĩa của chữ SƠ, cần phải sử dụng một số từ điển khác của Trung Quốc, nhỏ hơn Từ hải nhưng  gần với đại chúng hơn Từ hải. Cũng nên nhớ rằng, số lượng từ ngữ trong các từ điển là không giống nhau, có từ hiện diện trong quyển này nhưng vắng bóng trong quyển kia. Mỗi bộ từ điển đều có những đặc điểm riêng, cách diễn giải ở từng quyển cũng khác nhau nên đôi khi cần phải sử dụng nhiều từ điển để so sánh, cân nhắc, bổ khuyết cho nhau. Để thảo luận với GS Phan Huy Lê, tôi đã tra cứu chữ SƠ cùng những từ phái sinh của nó như sơ niên, niên sơ ở 16 bộ từ điển của Trung Quốc (…)    

Qua lời giảng giải về từ niên sơ 年 初  ở 5 từ điển Hán ngữ kể trên và ví dụ về từ nguyệt sơ 月 初 trong Từ hải, chúng ta thấy rằng, khi chữ SƠ đứng cuối một danh từ phức hợp, và trước nó là một danh từ chỉ một khoảng thời gian dài hơn, đóng vai trò tính từ chỉ thuộc tính của SƠ thì chữ SƠ ấy có nghĩa là giai đoạn đầu, là khoảng thời gian ban đầu của thời kỳ dài hơn kia. Như vậy, Khai Nguyên sơ (開 元 初) nghĩa là giai đoạn đầu của niên hiệu Khai Nguyên. Vì giai đoạn này kéo dài nhiều năm và vì Khai Nguyên sơ làm trạng ngữ chỉ thời gian trong các câu trần thuật một số sự kiện thời Đường, cho nên, phải dịch như sau: Khai Nguyên sơ = Những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên (…)

Để khẳng định “độ tin cậy” của cách dịch ấy, GS Phan Huy Lê đã  lấy dẫn chứng từ hai quyển sách đã xuất bản gồm cả nguyên bản chữ Hán:

  1. Văn bia thời Mạc do PGS. TS. Đinh Khắc Thuân sưu tầm, khảo cứu và dịch chú.             
  2. Tuyển tập văn khắc Hán Nôm của Hà Nội do PGS. TS. Phạm Thị Thúy Vinh chủ trì.

Trong quyển Văn bia thời Mạc, GS Phan Huy Lê đã tìm thấy 23 bài văn bia từng sử dụng các niên đại gồm các chữ niên hiệu + sơ niên, niên hiệu + sơ và niên hiệu + vạn vạn niên chi sơ để chỉ năm đầu tiên của niên hiệu đó (…)

Trong 23 bài văn bia ấy, có 15 trường hợp ghi niên hiệu + sơ niên; 2 trường hợp ghi niên hiệu + sơ; 6 trường hợp ghi niên hiệu + vạn vạn niên chi sơ.

Tra cứu lại các sách lịch sử và niên biểu các đời vua nhà Mạc, chúng tôi thấy rằng, trong bảng VĂN BIA THỜI MẠC do GS Phan Huy Lê lập ra, đã có 7 trường hợp sai lầm ở các tấm bia mang các số thứ tự trong bảng này  là 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Cụ thể là, ở bia thứ 5, nếu xác định rằng, Quang Bảo sơ niên là năm thứ nhất thuộc niên hiệu Quang Bảo thì đó phải là năm 1554 chứ không thể là năm 1555. Hoặc, nếu Thuần Phúc vạn vạn niên chi sơ hay Thuần Phúc sơ niên là năm thứ nhất thuộc niên hiệu Thuần Phúc thì đó là năm 1562 chứ không phải là năm 1565 như đã ghi ở các bia số 6, 7, 8; cũng không phải là năm 1656 như đã ghi ở các bia số 9 và 10. Bia số 11 ghi là làm năm Mậu Thìn Thuần Khang sơ niên (1568), nhưng năm 1568 lại là năm thứ tư thuộc niên hiệu Sùng Khang. Hơn nữa, nhà Mạc không có niên hiệu Thuần Khang.

Ngoài 7 trường hợp sai lầm ấy, chúng ta có thể tin rằng, ở 16 trường hợp còn lại, các năm được ghi bằng niên hiệu + sơ niên, hoặc niên hiệu + sơ, hoặc niên hiệu + vạn vạn niên chi sơ đều là những năm đầu thuộc các niên hiệu tương ứng, đúng như lời của GS Phan Huy Lê. Vậy thì 16 trường hợp còn lại ấy có giúp cho GS Phan Huy Lê bảo vệ lý lẽ của ông hay  không?

Xin trả lời rằng, chúng không giúp gì cho GS Phan Huy Lê, mà ngược lại, chúng ủng hộ người đã bác bỏ “phát hiện mới” của ông. Vì sao, chứng cứ ở đâu?

Nhà Mạc (1527 – 1592) có ông vua thứ tư tên là Mạc Phúc Nguyên (莫 福 源) trị vì từ năm 1546 đến năm 1561 thì chết. Tiếp đó, con ông ta là Mạc Mậu Hợp nối ngôi từ năm 1562 đến năm 1692 thì bị Trịnh Tùng giết, Nhà Mạc bị diệt từ đó. Dưới thời Mạc Phúc Nguyên và Mạc Mậu Hợp có lệ kiêng húy âm nguyên, không ai được sử dụng mọi từ ngữ có âm nguyên.Trong các văn bản thời đó, những chỗ đáng lẽ phải dùng chữ nguyên (….) đều phải đổi sang chữ khác để không phạm húy. Để chỉ năm thứ nhất của một niên hiệu người ta dùng từ nguyên niên, đôi khi có thể dùng từ sơ nguyên. Cả hai trường hợp này đều có chữ nguyên, cho nên, dù sử dụng từ nguyên niên hay từ sơ nguyên thì cũng phải đổi thành sơ niên. Như trên kia chúng tôi đã nói rõ, sơ niên nghĩa là những năm đầu (của một thời kỳ lịch sử), mà chữ sơ khi đứng cuối một danh từ phức hợp như Khai Nguyên sơ thì nó (sơ) là một danh từ có nghĩa là khoảng thời gian đầu (của một thời kỳ dài hơn) và khi mà khoảng thời gian đầu ấy kéo dài nhiều năm thì sơ được dịch là những năm đầu, cũng giống như sơ niên vậy. Bởi thế, ở bia số 14, đáng lẽ viết Diên Thành sơ niên, người ta chỉ viết là Diên Thành sơ.

Cũng cần nói thêm một chút về tầm bia số 1, dựng năm Quảng Hòa sơ niên (1541). Lúc dựng bia, Mạc Phúc Nguyên chưa lên ngôi nên có thể  là năm ấy chưa có việc kiêng húy âm nguyên. Nhưng 5 năm sau đó trở đi,Mạc Phúc Nguyên lên ngôi và có lệnh kiêng húy âm nguyên thì việc áp dụng lệ kiêng húy ở một tấm bia 4 – 5 tuổi là điều hết sức bình thường, rất dễ thực hiện bằng cách làm tấm bia mới tránh tên húy để thay thế tấm bia trước đó.

Việc kiêng húy âm nguyên dưới thời  nhà Mạc đã được xác nhận trong sách Nghiên cứu chữ húy ở Việt Nam qua các triều đại (của PGS Ngô Đức Thọ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997) (…)

Để tăng thêm chứng cứ cho mình, GS Phan Huy Lê còn trưng dẫn TUYỂN TẬP VĂN KHẮC HÁN NÔM CỦA HÀ NỘI  (do PGS TS Phạm Thị Thùy Vinh chủ trì).  Cả bốn  bài văn bia được ông  nêu ra ở đây đều không có chữ sơ hoặc sơ niên nên không liên quan đến việc bàn  cãi về Khai Nguyên sơ. Bởi vậy, việc xem xét bốn bài văn bia ấy là điều không cần thiết.

Việc trưng dẫn 23 bài văn bia thời Mạc (có sự sai lầm ở 7 bài) tưởng như là dẫn chứng có sức thuyết phục mạnh mẽ nhằm giúp GS Phan Huy Lê khẳng định điều mà ông thích thú là: Khai Nguyên sơ  = Khai Nguyên nguyên niên (tức là năm 713) để xác nhận rằng: Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713,  rồi từ đó khẳng định: Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ và  thắng lợi từ năm 713, giành độc lập cho đất nước trong 10 năm (713 – 722). Tiếc thay, 16 tấm bia thời nhà Mạc tuy có chữ sơ niên để chỉ năm thứ nhất của một niên hiệu nhưng sự thật thì đó chính là chữ nguyên niên mà phải viết chệch đi vì kỵ húy”.

Trong bài Một số vấn đề về phương pháp luận sử học và vấn đề thời điểm bùng nổ của khởi nghĩa Mai Thúc Loan của Phạm Lê Huy viết:

“Mộ chí của Bùi Trụ Tiên: Thiên tử tiếc cho tiền đồ [của Bùi Trụ Tiên], mời về kinh sư, phong làm Tả Kim ngô Tướng quân. Không lâu sau, An Nam làm phản, biên cương cấp báo. (Triều đình) bèn phong thêm cho Công [tức Bùi Trụ Tiên] chức Vân Huy Tướng quân, kiêm Quảng châu Đô đốc, tiến phong Dực Thành huyện nam. Công mặc giáp cầm quân, băng núi vượt bể, bẻ gãy mối họa ở bến Ô Lôi, đưa sứ giả vào hang Mã Viện, giết phản chiêu an, khải hoàn rút quân. Chưa về đến kinh, được phong làm Tả Vệ Tướng quân (…)

Trên đây, chúng tôi đã chỉ ra rằng thời điểm 17 tháng 7 ghi chép trong Cựu – Tân Đường thư chỉ là một mốc thời điểm trong một chuỗi diễn biến của khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Dựa vào mộ chí của Bùi Trụ Tiên và ghi chép của Đường hội yếu và Thông điển, có thể khẳng định thời điểm 17 tháng 7 không thể là ngày nhà Đường lần đầu tiên nhận được tin báo về khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Với những tư liệu còn lưu giữ hiện nay, nhiều khả năng nó là ngày Mai Thúc Loan bị giết trên thực tế hoặc ngày nhà Đường nhận được tin báo về sự kết thúc của khởi nghĩa Mai Thúc Loan.

Dù là khả năng nào đi chăng nữa, có thể khẳng định khởi nghĩa Mai Thúc Loan không thể bùng nổ, diễn biến và kết thúc chỉ trong 7 tháng rưỡi đầu năm Khai Nguyên 10 (…)

Trong cuộc tranh luận về khởi nghĩa Mai Thúc Loan, Lê Mạnh Chiến đã tìm cách phủ nhận giá trị sử liệu của Hương Lãm Mai đế ký. Lập luận quan trọng và dường như mang tính khoa học nhất của Lê Mạnh Chiến là “từ tháng 1 đến tháng 11 năm Quý Sửu (713) vẫn thuộc niên hiệu Tiên Thiên năm thứ hai; bắt đầu từ ngày 1 tháng  12 mới đổi sang niên hiệu Khai Nguyên. Chỉ cần xem Niên biểu Trung Quốc ở cuối từ điển Từ hải, hoặc tra mục từ Khai Nguyên (…) trên Google thì sẽ thấy ngay chứ không cần phải tra cứu trong Cựu Đường thư hay Tân Đường thư. Niên hiệu Khai Nguyên nguyên niên (năm thứ nhất) chỉ gồm có 1 tháng, là tháng 12 năm Quý Sửu”, do vậy niên đại tháng 4 năm Khai Nguyên nguyên niên trong Hương Lãm Mai đế ký là không đáng tin cậy. Tuy nhiên, nếu giở sách Tân Đường thư (mà tác giả Lê Mạnh Chiến cho rằng “không cần phải tra cứu”), chúng ta thấy ngay năm 713 được mở đầu bằng niên hiệu “Khai Nguyên nguyên niên Chính nguyệt”, tiếp theo là “nhị nguyệt”, “tam nguyệt”, “tứ nguyệt” … cho đến “thập nhị nguyệt”. Như vậy, mặc dù việc cải nguyên chỉ diễn ra vào tháng 12 nhưng ngay chính các soạn giả của Tân Đường thư – một trong hai bộ chính sử về nhà Đường, khi nhìn lại quá khứ vẫn coi các tháng từ tháng Giêng đến tháng Chạp của năm 713 là thuộc vào niên hiệu Khai Nguyên năm thứ nhất (…)

Trong các bản dịch sang chữ quốc ngữ phổ biến hiện nay, đoạn Hán văn trên thường được dịch như sau: “Bề tôi văn vũ phần lớn bị người Đường giết hại. Người Lâm Ấp, người Chân Lạp cũng bị người Đường giết; thấy thua quân họ cũng thu quân chạy về phương Nam”.

Dường như những người dịch trước đây lúng túng với bốn chữ “đường tướng chu chi đễ” (唐 将 朱 之 悌) nên đã dịch thoát ý thành “người Đường”. Tuy nhiên, trên thực tế “chu chi đễ” (朱 之 悌) chính là chép nhầm của “Tống Chi Đễ” (宋 之 悌) [Chữ Tống (宋) và chữ Chu (朱) có tự dạng giống nhau nên dễ chép nhầm. Hơn nữa, như Đinh Gia Khánh đã chỉ ra, bản A.335 hiện đang lưu giữ tại Viện Hán Nôm nhiều khả năng là một bản được Viễn Đông Bác Cổ thuê chép tay từ một bản khác vào đầu thế kỷ XX], một nhân vật liên quan đến khởi nghĩa Mai Thúc Loan đã được ghi chép trong nhiều tài liệu đáng tin cậy khác. Theo Tân Đường thư và An Nam chí lược, thời Đường có một nhân vật tên là Tống Chi Đễ, em của Tống Chi Vấn, sống dưới thời Khai Nguyên, trước kia từng mắc tội bị lưu đày xuống Chu Diên (tức khu vực Hưng Yên, Hải Dương hiện nay), gặp lúc người Man hạ Hoan châu nên được phong làm Tổng quản để trấn áp. Như vậy, đoạn “林 邑 真 臘 亦 為 唐 将 朱 之 悌 所 敗” trong Hương Lãm Mai đế ký không phải là Lâm Ấp, Chân Lạp “cũng bị người Đường giết”, phải dịch chính xác là “Lâm Ấp, Chân Lạp cũng bị tướng Đường là Tống Chi Đế đánh bại”. Qua trường hợp này, có thể thấy Hương Lãm Mai đế ký rõ ràng có sử dụng một số tư liệu có căn cứ về khởi nghĩa Mai Thúc Loan (…)

Trong bài viết này, thông qua việc xem xét cách thức Cựu – Tân Đường thư ghi chép về các cuộc nổi dậy – khởi nghĩa dưới thời thuộc Đường, chúng tôi đã chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý ghi sử dụng các tài liệu này để nghiên cứu. Đó là:

– Các ghi chép của Cựu – Tân Đường thư về các sự kiện xảy ra tại An Nam thường được gắn với một ngày tháng cụ thể, trong một số trường hợp, giữa các ghi chép của hai bộ chính sử này có những điểm khác biệt với nhau. Cần nhận thức rõ cách thức ghi chép theo ngày can chi để tiến hành đối chiếu, làm rõ những điểm khác biệt về ngày, tháng giữa Cựu – Tân Đường thư.

– Do gắn với một ngày tháng cụ thể, mỗi ghi chép của Cựu – Tân Đường thư chỉ phản ánh được một diễn biến nhất định, không phải là toàn bộ quá trình của một cuộc nổi dậy (khởi nghĩa).

– Trong quá trình biên soạn, các soạn giả của Cựu – Tân Đường thư đã tóm tắt, lược bỏ nhiều thông tin. Do vậy, trong một số trường hợp, tiêu biểu như khởi nghĩa Dương Thanh, ngày tháng ghi trong Cựu – Tân Đường thư không phải là ngày tháng sự kiện xảy ra trên thực tế tại An Nam, mà là ngày tháng nhà Đường nhận được tin báo về sự kiện đó. “Độ trễ”, tức sự chênh lệch giữa hai thời điểm đó là từ 2 – 4 tháng, tương đương với quãng thời gian để thông tin, sự vật di chuyển từ An Nam đến kinh đô Trường An và ngược lại.

– Do những lý do nêu trên, cần hết sức thận trọng khi sử dụng các ghi chép của Cựu – Tân Đường thư nói riêng và chính sử Trung Quốc nói chung để xác định các điểm mốc quan trọng liên quan đến lịch sử Việt Nam, cần tiếp tục tìm kiếm các tài liệu, đặc biệt là tài liệu kim thạch văn như văn bia, mộ chí để đính chính lại những thiếu sót, sai lầm trong chính sử.

Trên cơ sở các lưu ý nêu trên, chúng tôi đã tiến hành thao tác “phê phán sử liệu” đối với các tư liệu về khởi nghĩa Mai Thúc Loan và chỉ ra một số vấn đề sau:

– Cả Cựu Đường thư và Tân Đường thư đều có ghi chép về ngày Bính Tuất liên q

0