25/05/2018, 17:53

Phát triển vốn từ vựng cho sinh viên học tiếng Anh

(ĐHVH) - Học từ vựng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học ngoại ngữ. Theo Wilkins (1972), nếu người học không học ngữ pháp thì họ chỉ có thể truyền đạt được rất ít ý tưởng của mình. Nhưng nếu họ không có vốn từ vựng nhất định, họ hoàn toàn không thể diễn tả được điều gì trong giao ...

(ĐHVH) - Học từ vựng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học ngoại ngữ. Theo Wilkins (1972), nếu người học không học ngữ pháp thì họ chỉ có thể truyền đạt được rất ít ý tưởng của mình. Nhưng nếu họ không có vốn từ vựng nhất định, họ hoàn toàn không thể diễn tả được điều gì trong giao tiếp. Như vậy, từ vựng là công cụ giúp người học có thể tiến hành giao tiếp thành công. Ngoài ra, từ vựng là nền tảng để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ khác như: đọc hiểu, nghe hiểu, nói, viết...Nhận thức được tầm quan trọng này, ngày nay tất cả các phương pháp áp dụng trong giảng dạy đều chú trọng  đến việc dạy từ vựng. Và việc bắt đầu học tiếng Anh luôn gắn liền với việc học từ vựng. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một phương pháp dạy từ vựng hiệu quả, đó là việc sử dụng truyện ngắn nhằm phát triển vốn từ vựng cho sinh viên học ngoại ngữ tiếng Anh.

1. Tầm quan trọng của từ vựng đối với người học tiếng Anh

Học và sử dụng thành thạo từ vựng của ngôn ngữ đích đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học bất cứ ngoại ngữ nào. Kiến thức từ vựng là công cụ giúp người học có khả năng thiết lập và thành công trong giao tiếp. Đây cũng chính là mục tiêu chính của việc học và dạy ngoại ngữ.  Ngoài ra, người học có thể khám phá ra vẻ đẹp của ngôn ngữ thông qua các từ mới. Người học cũng có thể so sánh, đối chiếu ngôn ngữ tiếng Anh với tiếng mẹ đẻ để hiểu được sự giống nhau và khác nhau giữa hai ngôn ngữ . Điều này giúp họ nắm vững được hệ thống ngôn ngữ của hai ngôn ngữ, một trong những yếu tố quan trọng khiến người học giao tiếp hiệu quả. Như vậy, nếu thiếu từ vựng người học sẽ thất bại trong việc thiết lập mối quan hệ giao tiếp. Hay với vốn từ vựng ít ỏi, họ cũng sẽ không có khả năng đọc thêm các tài liệu nâng cao, vì thế họ sẽ mất đi cơ hội mở rộng vốn từ vựng của mình và sẽ khó thành công trong việc sử dụng các chiến lược học từ vựng. Hơn nữa, các kỹ năng ngôn ngữ cũng bị ảnh hưởng nếu thiếu vốn từ vựng cần thiết. Chính vì tầm quan trọng của từ vựng đối với người học tiếng Anh, những người thực hiện giảng dạy nên nỗ lực phát triển từ vựng cho sinh viên của mình cũng như giúp họ phát triển khả năng giao tiếp sử dụng vốn từ vựng họ đã được học.

2. Các phương pháp và chiến lược mở rộng vốn từ vựng cho sinh viên

Theo phương pháp truyền thống, từ vựng không được dạy thành môn học riêng mà được dạy lồng ghép trong giờ học các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Trong suốt giờ học các kỹ năng, sinh viên sử dụng vốn từ vựng sẵn có của mình và học từ mới do giáo viên cung cấp hoặc những từ mới mà bạn trong lớp sử dụng để thực hiện các hoạt động trên lớp.

Đối với nhiều sinh viên học tiếng Anh, học từ vựng có nghĩa là học môt loạt từ mới tiếng Anh chỉ bằng cách nhớ nghĩa tiếng Việt, mà không thực hành sử dụng chúng trong tình huống giao tiếp thực sự nào. Chính vì thế, trong quá trình học, họ thường xuyên gặp nhiều từ không quen thuộc. Họ sẽ tra nghĩa của chúng trong từ điển song ngữ. Rồi họ dành hầu hết thời gian để chép các từ đó ra thành một bảng từ rất dài, mà không để ý đến cách sử dụng thực sự của chúng trong ngữ cảnh. Cách học này thường không được ủng hộ vì sinh viên sẽ không thể hiểu và truyền tải đúng thông điệp mình đang đọc. Đôi khi, họ đổ lỗi cho sự thất bại trong giao tiếp là do họ ghi nhớ kém. Thực sự, đây chính là do họ đã tách các từ ra ngoài ngữ cảnh. Vì thế, họ sẽ không nhớ ý nghĩa của từ một cách lâu dài và không nhận ra được ý nghĩa của nó khi gặp lại trong các tài liệu khác có cùng ngữ cảnh.

Có nhiều học giả không khuyến khích việc học từ vựng bằng cách học thuộc lòng từ mới. Theo họ, từ mới không nên học một cách riêng lẻ, hay ghi nhớ mà không hiểu rõ ý nghĩa của chúng. Bởi vì, từ được học theo cách này sẽ dẫn đến việc sinh viên bỏ qua khía cạnh ý nghĩa của từ. Hay nói cách khác, sinh viên chỉ biết cách sử dụng từ vựng với nghĩa đen của chúng, mà không biết sử dụng các sắc thái ý nghĩa khác nhau của chúng ở các tình huống giao tiếp trong cuộc sống thực tế.

Nhiều chiến lược và phương pháp khác đã được áp dụng để phát triển vốn từ vựng cho sinh viên. Thứ nhất, từ vựng có thể thu được một cách ngẫu nhiên thông qua việc tham gia tích cực và thường xuyên vào các hoạt động ngôn ngữ. Thứ hai, từ có thể được học thông qua quá trình được giảng dạy trực tiếp. Sinh viên sẽ hiểu được ý nghĩa và chức năng của từ trong câu và ngữ cảnh. Ngoài ra, giáo viên có thể khuyến khích sinh viên sử dụng từ điển, từ đồng nghĩa và tìm hiểu cách viết để mở rộng phạm vi từ vựng đã học. Hoặc giáo viên có thể sử dụng trò chơi từ vựng, tạo ra các bức tường từ vựng có tính tương tác giúp sinh viên có thể nắm được những từ mới thú vị.

Micheal Graves (2006) đã giới thiệu một chương trình khung cho các chương trình học từ vựng thành công để hỗ trợ cho việc giảng dạy và phát triển kiến thức từ vựng cho người học. Chương trình giảng dạy này giới thiệu phương pháp gồm bốn phần nhằm phát triển từ vựng: (1) Cung cấp các kinh nghiệm phong phú, đa dạng về ngôn ngữ, (2) dạy các từ riêng lẻ,  (3) dạy các chiến lược học từ vựng, (4) tăng cường ý thức về từ vựng.

Nhiều chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh như Wright, Betteridge và Bucky (1984) thì ủng hộ phương pháp sử dụng truyện ngắn để phát triển từ vựng cho sinh viên. Họ cho rằng sử dụng truyện cổ tích là một cách hữu hiệu để học từ vựng trong các lớp học ngoại ngữ tiếng Anh. Bởi vì, giáo viên có thể tạo ra nhiều tình huống phong phú để sinh viên giao tiếp với nhau, trao đổi thông tin và thể hiện ý kiến, quan điểm của mình.

3. Mối quan hệ giữa từ vựng và việc đọc.

Rất nhiều các nghiên cứu về giảng dạy từ vựng và kiến thức từ vựng cho thấy sự tương tác mạnh mẽ giữa việc hiểu từ vựng và lĩnh hội văn bản. Nếu người học hạn chế về từ vựng hay sử dụng chiến lược học không hiệu quả, thì họ sẽ gặp khó khăn trong việc đọc.

Vốn từ vựng phong phú sẽ làm tăng thêm sự hiểu biết của người học, bởi thế sẽ khiến cho các kỹ năng ngôn ngữ có liên quan phát triển. Ngoài ra, nếu có vốn từ vựng rộng, thì người học sẽ đọc hiểu dễ dàng hơn, và khiến họ muốn đọc nhiều hơn. Đọc hiểu là một kỹ năng rất quan trọng trong học tiếng Anh, vì nó tạo cơ hội cho người học được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ đích. Bởi thế, việc xóa bỏ tất cả các rào cản trong đọc hiểu, gồm cả việc thiếu hụt từ vựng là rât cần thiết đối với cả người học và người dạy tiếng Anh.

Thông qua việc tự đọc các văn bản tiếng Anh thường xuyên, người học sẽ cơ hội tiếp xúc với những từ vựng hiếm khi được sử dụng trong giao tiếp bằng lời và sẽ dễ dàng hiểu được nghĩa dựa vào ngữ cảnh trong văn bản. Việc học từ trong ngữ cảnh là một yếu tố quan trọng giúp mở rộng vốn từ vựng, vì thế cả giáo viên và sinh viên cần chú ý sử dụng  trong lớp học. Giáo viên có thể dạy từ vựng trong ngữ cảnh bằng cách hướng dẫn sinh viên sử dụng các gợi ý trong câu để suy luận ra nghĩa của từ vựng ngôn ngữ đích. Việc dạy cho sinh viên cách nhận ra những gợi ý trong ngữ cảnh khiến họ có thể sử dụng chiến lược này khi tự đọc. Các phương pháp dựa vào ngữ cảnh không đòi hỏi phải có bất cứ tài liệu riêng biệt hay sự đào tạo đặc biệt nào đối với giáo viên, mà chúng có thể được áp dụng dễ dàng trên lớp.

Chìa khóa cho phương pháp học từ vựng một cách ngẫu nhiên đó là giáo viên phải đảm bảo sinh viên có cơ hội tiếp xúc tối đa với ngôn ngữ. Đối với môi trường học tiếng Anh mà sinh viên không có cơ hội được tiếp xúc với người bản ngữ, thì việc tạo cho họ cơ hội được đọc tiếng Anh nhiều hơn là cách tốt nhất để tiếp xúc với ngôn ngữ. Các nghiên cứu đều cho thấy học từ vựng một cách ngẫu nhiên thông qua việc đọc sẽ làm cho vốn từ của người học tăng lên đáng kể theo thời gian.

Thực tế, có rất nhiều cách để giáo viên dạy ngoại ngữ có thể chủ động trong việc tăng tối đa việc học từ ngẫu nhiên thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ. Trong đó, phương pháp hiệu quả nhất là giáo viên cần thiết lập chương trình đọc mở rộng. Tóm lại, quá trình đọc hiểu không chỉ làm tăng vốn từ vựng cho sinh viên mà còn giúp cải thiện tốc độ đọc và thái độ của họ đối với việc đọc.

4. Vai trò của truyện ngắn trong việc phát triển từ vựng cho sinh viên

Mặc dù có nhiều phương pháp và chiến lược giảng dạy nhằm làm tăng vốn từ vựng cho sinh viên đã được áp dụng, nhưng không ai có thể phủ nhận được tầm quan trong của việc đọc rộng đối với việc phát triển từ vựng cho sinh viên. Và việc sử dụng truyện ngắn trên lớp là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này. Theo Pathan & Al-Dersi (2013), sử dụng truyện ngắn có thuận lợi đối với người học, đó là giúp cho việc đọc hiểu của người học trở nên thú vị, dễ dàng hơn, đồng thời có thể mở rộng vốn từ  vựng cho họ một cách tự nhiên.

Văn học dưới hình thức truyện ngắn là kho tàng giàu có về từ vựng và về cách thể hiện ngôn ngữ phong phú. Nếu sinh viên đọc nhiều và thường xuyên, họ cũng sẽ có vốn từ nhiều hơn. Ngoài ra, sử dụng truyện ngắn trong giảng dạy, giáo viên có cơ hội thuận lợi để dạy từ vựng trong ngữ cảnh. Sinh viên vì thế sẽ nhớ từ vựng lâu hơn so với những từ vựng đựợc dạy tách rời ngữ cảnh. Để có thể thực sự hiểu nghĩa và ghi nhớ được từ, sinh viên phải sử dụng từ nhiều lần trong ngữ cảnh tương tự. Từ vựng phải được sử dụng trong tất cả hoạt động nói, nghe và viết. Và việc đưa truyện ngắn vào giảng dạy tạo cho sinh viên nhiều cơ hội sử dụng từ vựng để thực hiện tất cả các kỹ năng này của ngôn ngữ. Việc dạy từ dựa vào ngữ cảnh thông qua truyện ngắn khiến cho lượng từ vựng của sinh viên tăng lên nhiều hơn so với việc chỉ cung cấp cho sinh viên một bản danh sách từ riêng lẻ.

Hơn nữa, truyện ngắn là một trong những nguổn tài liệu chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là phương tiện quan trọng thể hiện văn hóa. Và do đó, ngôn ngữ của thứ tiếng đang học phản ánh nền văn hóa của những người nói tiếng đó. Vì lẽ đó, chúng ta có thể khẳng định ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ khăng khít với nhau. Việc sử dụng văn học dưới hình thức truyện ngắn sẽ tạo ra cơ hội thích hợp để sinh viên khám phá nét văn hóa tồn tại và tiềm ẩn trong ngữ liệu văn học này.

Tóm lại, trong quá trình học tiếng Anh, sinh viên không chỉ cần phải học từ  tiếng Anh, mà còn cần phải học cả kiến thức văn hóa nền tảng và cách sử dụng từ vựng trong ngữ cảnh để hiểu được nghĩa của từ. Cách dạy này còn làm cho sinh viên độc lập suy nghĩ và chủ động trong việc học. Bởi vì, khi họ đọc và cố gắng tìm nghĩa của từ trong ngữ cảnh, thì chính cách này cũng đồng thời phát huy tính độc lập suy nghĩ và chủ động của họ. Chính vì truyện ngắn mang lại nhiều lợi ích trong giảng dạy, mà giảng viên nên tích cực sử dụng nó làm tài liệu giảng dạy thường xuyên trên lớp để mở rộng vốn từ vựng cho sinh viên.

5. Lợi ích của việc sử dụng truyện ngắn để phát triển từ vựng cho sinh viên

Truyện ngắn tạo môi trường học tập vui vẻ và cuốn hút đối với sinh viên. Chúng kích thích ham muốn tìm hiểu của sinh viên về ngôn ngữ và nền văn hóa các nước nói tiếng Anh. Việc đưa truyện ngắn vào lớp học tiếng Anh sẽ tạo cho sinh viên có cơ hội được tiếp xúc với ngôn ngữ tiếng Anh, từ đó họ học được cách sử dụng từ một cách phong phú và chính xác.

Ngoài ra, truyện ngắn khuyến khích sự tiếp nhận ngôn ngữ thông qua ngữ cảnh, để từ đó người học có thể xử lý và hiểu được ngôn ngữ mới. Chúng còn làm ngữ liệu đầu vào phong phú để củng cố và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ của người học, giúp họ phát triển vốn từ vựng mang tính ứng dụng vào thực tế. Chúng tăng cường hiểu biết cơ bản của người học về tiếng Anh để họ có thể tiếp thu các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng dễ dàng hơn. Truyện ngắn còn nâng cao kỹ năng đọc, một yếu tố rất quan trọng để mở rộng vốn từ vựng cho sinh viên.

Bên cạnh đó, truyện ngắn cung cấp cho người học các từ mới với cách sử dụng chính xác ở nhiều hình thái. Điều này giúp họ không chỉ hiểu được nghĩa của từ mà còn nắm được cách sử dụng từ trong từng ngữ cảnh.

Một nguyên tắc trong học từ vựng, đó là người học muốn nắm vững và trở nên quen thuộc với các từ mới thì họ phải gặp và sử dụng chúng nhiều lần. Đọc truyện ngắn là cơ hội tốt để người học gặp lại những từ đã học ở nhiều hình thái khác nhau một cách ngẫu nhiên. Bởi thế, họ sẽ không gặp khó khăn gì trong việc ghi nhớ những từ mới học. Tuy nhiên, truyện ngắn không chỉ tạo cơ hội cho sinh viên dễ ghi nhớ những từ đã học, mà còn giúp cho họ hiểu được và có thể sử dụng chúng trong hoàn cảnh giao tiếp thưc tế, điều này càng làm cho việc ghi nhớ từ của họ được lâu dài hơn.

Hơn nữa, nếu việc học từ vựng trở nên thú vị, thì người học mới có thể ghi nhớ nhanh và lâu bền được từ vựng. Truyện ngắn lại là thể loại văn học được người đọc trên khắp thế giới yêu thích. Cho nên, đọc chúng sẽ khiến cho sinh viên thích thú và có động cơ để củng cố và mở rộng vốn từ của mình. Đồng thời, nó khiến cho họ hào hứng để học hỏi thêm những kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội.

Thêm vào đó, việc sử dụng truyện ngắn khộng chỉ cung cấp những từ vựng cần thiết, mà còn giúp sinh viên học được các chức năng về diễn ngôn và cú pháp của những từ đã học và nắm được các cách sử dụng từ thích hợp ở các tình huống giao tiếp khác nhau.

Một lợi ích khác nữa, đó là truyện ngắn còn tạo ra nhiều cơ hội để thiết kế các hoạt động ngôn ngữ, giúp cho việc dạy và học từ vựng trong tình huống thực tế của cuộc sống trở nên rất hiệu quả. Chúng không chỉ là nguồn tài liệu phong phú về ngôn ngữ mà còn chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa. Vì vậy, việc đưa truyện ngắn vào giảng dạy sẽ tạo cơ hội thích hợp cho người học khám phá những nét văn hóa của con người thuộc một nền văn hóa có thứ tiếng họ đang học.  

Truyện ngắn có độ dài vừa phải, có thể sử dụng trên lớp, không quá khó đối với sinh viên. Chúng còn là nguồn tài liệu phong phú có thể đáp ứng các sở thích khác nhau của người học và có thể được sử dụng cho tất cả các trình độ của người học.

Kết luận

Việc dạy và học từ vựng đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Từ vựng không chỉ là công cụ giúp người học có thể tiến hành giao tiếp thành công, mà còn là nền tảng để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ khác như: đọc hiểu, nghe hiểu, nói, viết...Vì vậy, phát triển từ vựng cho người học là nhiệm vụ quan trọng của người học lẫn người dạy. Và việc đưa truyện ngắn vào giảng dạy để mở rộng vốn từ cho người học là phương pháp mang lại hiệu quả cao, mang tính tự nhiên và rất thú vị với người học.

Tài liệu tham khảo

1.   Dixon-Krauss, L. (2002). Using literature as a context for teaching vocabulary. Journal of Adolescent and Adult Literacy, 45(4), 310-318.

2.   Nation, I.S.P. (2006). How large a vocabulary is needed for reading and listening?

 Canadian Modern Language Review 63, 1: 59-82.

3.   Dixon-Krauss, L. (2002). Using literature as a context for teaching vocabulary. Journal of Adolescent and Adult Literacy, 45(4), 310-318.

4.   Akyel, A. and E. Yalçin. (1990). Literature in the EFL class: A study of goal-achievement in congruence. ELT Journal, 44(3), 174-180.

5.   Murdoch, G. (2002). Exploiting well-known short stories for language skills development. IATEFL LCS SIG Newsletter 23, 9-17.

Bài viết: Mai Lan Anh - GV Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế.

Admin2.

hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip
0