18/06/2018, 11:14

Lời thề của người Hà Lan

TT - Thảm kịch từ nước biển đã khiến người Hà Lan nhận ra những yếu kém và họ đã chung sức sửa sai một cách hoàn hảo. Đêm 31-1-1953 là một đêm kinh hoàng không thể nào quên đối với người Hà Lan. Bão, sóng lớn, gió to và triều cường cùng với mực nước dâng của biển Bắc đã phá tan khoảng 45km đê ...

TT - Thảm kịch từ nước biển đã khiến người Hà Lan nhận ra những yếu kém và họ đã chung sức sửa sai một cách hoàn hảo.

Đêm 31-1-1953 là một đêm kinh hoàng không thể nào quên đối với người Hà Lan. Bão, sóng lớn, gió to và triều cường cùng với mực nước dâng của biển Bắc đã phá tan khoảng 45km đê biển nhấn chìm ba tỉnh phía nam. Gần 2.000 người thiệt mạng, 100.000 người phải di dời, 10.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Cả đất nước chết lặng. Nhưng trong cái chết lặng ấy, bản lĩnh của một dân tộc luôn phải đấu tranh với thiên nhiên, con người để tồn tại và phát triển đã dồn nén để trở thành một quyết tâm không gì lay chuyển nổi. Người Hà Lan thề sẽ không bao giờ để thảm họa đó xảy ra một lần nữa.

Dự phóng 10.000 năm

Chỉ 20 ngày sau thảm họa, Ủy ban Bảo vệ châu thổ được thành lập với nhiệm vụ: cố vấn cho chính phủ về các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho đất nước, đặc biệt là châu thổ phía tây nam, khỏi những đe dọa từ biển cả. Các nhà khoa học, chuyên gia, các công trình sư trên khắp Hà Lan và quốc tế được huy động.

Công trình ứng phó đầu tiên được đưa vào thực hiện ngay tháng 5-1953: nâng dải đê cao thêm hai mét so với mức cũ. Đồng thời một kế hoạch bảo vệ châu thổ đồng bộ và toàn diện được xây dựng, trong đó hàng loạt công trình được hoạch định, gồm các kè chắn sóng, cống xoay, đập ngăn lũ, đê biển... An toàn cho con người sinh sống sau đê được ưu tiên hàng đầu, với tần suất thiết kế ở các vùng dân cư là 1/10.000, tức cho phép rủi ro chỉ xảy ra một lần trên 10.000 năm!

Công trình lớn đầu tiên là kè chắn lũ tự hành Hollandse Ijssel chắn ngang cửa ngõ nối Rotterdam và biển Bắc được hoàn thành năm 1958, và dự án sau chót là đập cửa lùa Nieuwe Waterweg gần cảng Rotterdam với hai cánh tay đòn, mỗi cánh dài bằng chiều cao tháp Eiffel do nữ hoàng Beatrix cắt băng khánh thành tháng 5-1997.

Tất cả gồm chín công trình lớn đã được hoàn tất. Tổng chi phí ước khoảng 12 tỉ guilder (tương đương 7 tỉ USD). Toàn bộ hệ thống này được xem như kỳ quan thứ tám của thế giới. Sau gần 45 năm miệt mài sức người sức của, người Hà Lan ngẩng cao đầu với lời thề của mình.

Tất cả những điều trên đây tôi đã được chính những người Hà Lan kể lại. Họ là cán bộ của Bộ Giao thông công chính và quản lý nước, là thống đốc bang Zeeland, là người dân ven biển.

Khi đứng trên mố trụ của kè chắn lũ tự hành Hollandse Ijssel, tôi đã hỏi ba vị phó chủ tịch của ba tỉnh ven biển và một vị bộ trưởng trong đoàn cán bộ lãnh đạo VN đi tham quan học tập về quản lý vùng ven biển tại Hà Lan năm 2003. Họ cùng gật đầu với hai từ ngưỡng mộ, khi lần đầu tiên tận mắt chiêm ngưỡng và được nghe giải thích tường tận về quá trình xây dựng và công năng của các công trình thuộc kế hoạch bảo vệ châu thổ Hà Lan. Những lời trầm trồ thốt lên, những câu hỏi buột ra, và tôi tin rằng còn có cả những ước ao hình thành.

Cũng đã hơn năm năm trôi qua kể từ ngày ấy. Tôi đã quay lại Hà Lan nhiều lần, và cũng đôi lần thăm lại những công trình đó. Những người bạn Hà Lan của tôi ngày nay lại có tâm sự. Họ cho rằng giá như bây giờ làm lại, có lẽ họ sẽ không còn lựa chọn những giải pháp cứng - những công trình đồ sộ như thế nữa, vì chúng đã can thiệp vào tự nhiên một cách thô bạo.

Họ bắt đầu đưa ra những giải pháp mềm như nuôi dưỡng bờ biển bằng chính cát biển. Họ chuyển biến từ tư duy chinh phục thiên nhiên sang chung sống hài hòa với thiên nhiên. Người Hà Lan dường như lại đang vượt lên chính mình.

Ở VN, những ngày này tháng này, khi ngồi ở một góc của “Hà Nội mùa nước nổi”, rồi thấy cảnh triều cường của TP.HCM, hay cảnh ngập lụt của Phú Yên, biết bao điều thương tâm xảy ra, biết bao mất mát tổn thất. Xa hơn nữa là những cảnh lũ lụt hằng năm ở miền Trung.

Tôi vẫn biết sức mạnh thiên nhiên là lớn lao, vẫn biết có những cơ quan, đoàn thể, chuyên gia đã và đang dành thời gian, nỗ lực để phòng chống thiên tai. Nhưng đã bao năm qua, mỗi năm thảm họa vẫn cứ xảy ra, để rồi cả đất nước và từng người dân lại gồng mình gánh chịu. Và với những tác động của biến đổi khí hậu mà VN chúng ta là một trong năm nước được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ ra sao?

Các bạn quốc tế như Hà Lan sẽ sẵn sàng giúp đỡ, người dân sẽ tích cực đóng góp công sức, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm. Song dường như chúng ta còn cần một điều gì đó, một điều gì để kết nối sức mạnh, để huy động nguồn lực, để hun đúc quyết tâm.

Và tôi mơ người VN cũng có một lời thề...

HỒ YẾN THU
(Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển
và phát triển cộng đồng - MCD)

0