18/06/2018, 11:14

Chương 17: Hawaii

Quần đảo Hawaii là một chuỗi các đảo và vỉa đá ngầm với chiều dài 3.300 km, định vị trên một diện tích rộng lớn giữa Thái Bình Dương. Quần đảo này bắt đầu từ phía đông với đảo Hawaii và kết thúc gần như tại đường múi giờ quốc tế với một chấm nhỏ trên bản đồ có tên gọi Kure Atoll (bản đồ 16). Phần ...

Quần đảo Hawaii là một chuỗi các đảo và vỉa đá ngầm với chiều dài 3.300 km, định vị trên một diện tích rộng lớn giữa Thái Bình Dương. Quần đảo này bắt đầu từ phía đông với đảo Hawaii và kết thúc gần như tại đường múi giờ quốc tế với một chấm nhỏ trên bản đồ có tên gọi Kure Atoll (bản đồ 16). Phần xa nhất về phía đông 650 km của bang này bao gồm các hòn đảo với nhiều kích thước khác nhau và hầu hết dân số của bang. Đây là khu vực thường được người ta coi là “Hawaii” thực sự.

Tám đảo chính của Hawaii là Oahu, Hawaii, Maui, Kauai, Lanai, Molokai, Niihau và Kahoolawe chiếm tới hơn 99% diện tích đất của bang này, và toàn bộ chứ không chỉ một nhóm dân số của bang. Đảo Hawaii với diện tích 8.150 km2 chiếm tới gần hai phần ba tổng số diện tích của bang và thường được gọi một cách đơn giản là Đảo Lớn (Big Island). Nhỏ nhất trong số tám đảo là Kahoolawe với diện tích 125 km2 và không có cư dân sinh sống.

Vị trí và những đặc điểm tự nhiên

Hawaii nằm gần chính giữa Thái Bình Dương. Honolulu - thủ phủ của bang - cách San Francisco thuộc California về phía tây 3.850 km, cách Tokyo (Nhật Bản) về phía đông 6.500 km và cách bờ biển Australia về phía đông bắc khoảng 7.300 km. Đây là nơi có thể được xem là một trường hợp biệt lập hoàn toàn và điều này dường như vẫn đúng cho đến cách đây vài thế kỷ. Nhưng khi những quốc gia xung quanh Thái Bình Dương bắt đầu liên lạc với nhau thường xuyên hơn và sử dụng những nguồn tài nguyên của đại dương nhiều hơn, thì những hòn đảo này đã trở thành trung tâm quan trọng của giao lưu.

Chuỗi đảo Hawaii chỉ là một phần lộ thiên của một loạt những núi lửa lớn. Đáy biển ở khu vực này sâu khoảng 4.000 đến 5.000 mét. Như vậy, để một núi lửa có thể nhô lên mặt nước thì ngọn núi cần phải đạt đến chiều cao 5 km.

Hoạt động núi lửa từng tạo ra các đảo này ngày nay vẫn đang tiếp diễn ở đó nhưng chủ yếu không phải dưới dạng bùng nổ với những mảng nham thạch bị ném đi với khoảng cách rất xa, mà từ những miệng núi lửa sự phun trào vẫn còn tồn tại trên các đảo này. Diamond Head, cột mốc của Honolulu, là miệng núi lửa lớn nhất với độ lớn khoảng 240 m. Tuy nhiên, đặc điểm phổ biến hơn là sự hình thành một cách dần dần dạng vật chất như là một chuỗi các dòng nham thạch hết lớp này đến lớp khác. Hình dạng thường thấy của các núi lửa hình thành theo cách này là những dạng mái vòm với đặc điểm chính là những sườn thoải gợn sóng chứ không phải là những vách đá dựng đứng.

Nhiều ngọn núi lửa trên Đảo Lớn (Big Island) vẫn còn hoạt động. Ngọn Mauna Loa thường phun ra những dòng nham thạch trung bình bốn năm một lần và hoạt động của núi lửa là mối đe dọa thường xuyên đối với Hilo, thị trấn lớn nhất của đảo. Đợt phun trào vào năm 1950 đã trùm lên một diện tích khoảng 100 km2. Một núi lửa khác là Kilauea cũng thường xuyên hoạt động nhưng dòng nham thạch của nó chỉ trào ra với chu kỳ 7 năm một lần. Năm 1960, dòng nham thạch từ Kilauea đã bao phủ 10 km2, làm cho kích thước của đảo tăng thêm khoảng 260 hecta.

Hawaii là một bang có địa hình nhấp nhô và những thay đổi bất ngờ về độ cao so với mặt nước biển. Đây chính là kết quả xói mòn gây ra bởi sự vận động của nước đối với bề mặt của núi lửa. Những vách đá nhô lên trên mặt biển do các con sóng cắt gọt, đã tạo nên những đường viền ngoạn mục bao quanh một phần các đảo. Những vách đá như thế ở bờ biển phía đông bắc của Molokai có độ cao 1.150 m trên mực nước biển và là một trong những vách đá cao nhất trên thế giới, những vách đá khác tại Kauai cũng vượt quá 600 m. Một số dòng suối nhỏ phía đông bắc của Big Island đổ vào những vách đá ấy rồi rơi xuống biển.

Tác động xói mòn của dòng suối đã cắt xé nhiều bề mặt nham thạch. Những khe núi tạo thành nhiều mái vòm. Tại Kauai, đáy của Khe Waimea nằm thấp hơn bề mặt của vùng đất bao quanh hơn 800 m. Những thác nước cao hàng trăm mét cũng phổ biến trên các hòn đảo này. Thác Pali ở Oahu là một tuyến vách đá, nơi gặp nhau của các nhánh suối chảy về từ những phía khác nhau của hòn đảo. Những dòng chảy về phía đông này đã ăn mòn những dải núi phân cách chúng và cắt ngang các vùng đất thấp rộng lớn, những thung lũng quay mặt về phía tây thường cao hơn và vẫn bị phân tách bởi những dải núi hẹp.

Một trong những hậu quả quan trọng của hoạt động ăn mòn mạnh mẽ này là có rất ít vùng đất bằng phẳng trên các đảo. Kauai đặc biệt gồ ghề, chỉ có những vùng đất thấp hình thành một rìa đất mỏng ven biển. Đảo Maui có một phần đất hẹp và bằng phẳng ngay chính giữa, chia đôi hai phần núi. Molokai khá bằng phẳng ở phần đất phía tây. Oahu có một thung lũng trung tâm lớn cộng với những vùng đất thấp khá rộng ven biển. Đảo Hawaii chỉ có một vài bình nguyên nham thạch ven biển rất hẹp.

Vị trí nằm giữa đại dương của Hawaii rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn đến khí hậu trong vùng. Chính đại dương đã làm cho những ngọn gió thổi vào những ngọn núi của các hòn đảo thấm đẫm hơi nước. Biển cũng điều hòa nhiệt độ trên các đảo - nhiệt độ cao nhất của Honolulu là 310C và thấp nhất chỉ là 130C.

Honolulu ở vào khoảng 200 vĩ bắc, cùng vĩ độ với Calcutta và Thành phố Mexico. Vì vậy, ở đây ít có sự thay đổi về độ dài của ngày và góc tới của tia nắng mặt trời giữa mùa này so với mùa khác. Yếu tố này, cộng với vị trí nằm giữa biển của bang khiến cho nó có rất ít sự khác biệt về nhiệt độ giữa các mùa.

Chính sự khác biệt về lượng mưa đã đánh dấu những thay đổi lớn về mùa trên những hòn đảo. Trong mùa hè, Hawaii chịu ảnh hưởng lâu dài của những gió mậu dịch đông bắc thổi tới các hòn đảo đi qua các vùng nước mát phân bổ ở phía đông bắc và tạo ra thời tiết đặc trưng của Hawaii - gió, nắng với đôi chút mây, ấm áp chứ không nóng. Vào mùa đông, những cơn gió mậu dịch này biến mất, đôi khi tới hàng tuần, cho phép có sự “xâm lược“ của những cơn bão từ phía bắc và tây bắc. Honolulu nhận được lượng mưa tới khoảng 43 cm trong vòng 24 giờ. Các trạm dự báo thời tiết tại Hawaii đã ghi nhận được lượng mưa 28 cm trong một giờ và 100 cm trong một ngày, cả hai mức đều gần với kỷ lục thế giới.

Địa hình của các đảo tạo ra sự khác biệt rõ ràng về lượng mưa giữa khu vực này với khu vực khác. Mount Waialeale trên đảo Kauai nhận được lượng mưa 1.234 cm hàng năm, khiến cho vùng này trở thành một trong những điểm ẩm ướt nhất trên thế giới, và Waimea, cũng trên đảo Kauai, chỉ nhận được khoảng 50 cm lượng mưa hàng năm - mà hai khu vực này chỉ cách nhau có 25 km. Tại vùng trung tâm đô thị Honolulu, người ta có thể sống ven các bãi biển trong khí hậu hơi khô với lượng mưa ít hơn 50 cm hàng năm, hoặc trong đất liền gần Pali, trên bìa mép của một khu rừng mưa, với lượng mưa nhiệt đới 300 cm hàng năm. Không giống như vùng Pacific Northwest, lượng mưa lớn nhất trên những ngọn núi cao của Hawaii lại xảy ra ở về mặt thấp, thường vào khoảng 600 đến 1.200 mét.

Phần lớn đất núi lửa đều là đất dễ thấm. Tình trạng này khiến cho nước thẩm thấu rất nhanh chóng, đến mức nhiều loài cây không thể hút được. Vì vậy, nhiều vùng có lượng mưa vừa phải cho tới thấp có bề mặt rất khô hạn.

Sự biệt lập của những hòn đảo thuộc Hawaii, cùng với khí hậu nói chung và những khác biệt rất lớn về môi trường đã tạo ra một cộng đồng các loài chim và thực vật rất phong phú. Có đến vài ngàn loài thực vật bản địa sống ở đây và không hề thấy có trong tự nhiên ở bất kỳ nơi nào khác, 66 loài chim đất liền duy nhất chỉ sống tại Hawaii cũng đã được xác định. Điều lý thú là trước khi con người đặt chân đến không hề có một loài động vật có vú trên cạn nào sống trên các đảo ở đây.

Sự hình thành dân số trên đảo

Quá trình định cư của người Polynesian trên quần đảo Hawaii là một phần của một trong những giai đoạn vượt biển mạo hiểm nhất của loài người. Nhóm người này khởi hành với những chuyến đi biển kế tiếp nhau trên những chiếc thuyền không mui xuyên qua những vùng đại dương rộng lớn phân cách những cụm đảo nhỏ. Ví dụ, người ta cho rằng những người đến định cư tại Hawaii 1.000 năm trước đây đã xuất phát từ Marquesas, cách khoảng 4.000 km về phía tây nam. Có một số loại dân được coi là tiền Polynesian sinh sống trên đảo nhưng có lẽ họ đã bị những người mới đến đồng hoá. Làn sóng người Polynesian di cư đáng kể thứ hai đến quần đảo này vào khoảng 500 hoặc 600 năm trước đây.

Những nỗ lực to lớn mà những chuyến vượt biển như vậy đòi hỏi rõ ràng đã trở nên quá ghê gớm. Kết quả là, Hawaii phải mất hàng trăm năm bị tách biệt với thế giới sau thời kỳ di cư thứ hai này. Trong suốt thời kỳ biệt lập này, người Hawaii đã củng cố một cơ cấu tổ chức xã hội phức tạp trên những hòn đảo thiên đường của mình. Những kẻ thống trị cha truyền con nối nắm giữ quyền kiểm soát tuyệt đối đối với toàn bộ dân cư và sở hữu mọi vùng đất trên đảo. Vào cuối thế kỷ thứ 18, khi những người châu Âu phát hiện ra các đảo này, môi trường khí hậu ôn hòa ở đây đã giúp cho dân số tăng lên tới khoảng 300.000 người.

Vào năm 1778, người châu Âu đầu tiên đến quần đảo Hawaii, mà ông gọi đùa là đảo Sandwich, là thuyền trưởng James Cook. Thuyền trưởng Cook đã bị giết chết ngay trên bờ biển của Big Island, nhưng những tin tức về phát hiện của ông đã nhanh chóng lan rộng khi được truyền về tới châu Âu và Bắc Mỹ; người ta nhanh chóng nhận ra rằng những hòn đảo này là những vị trí tốt nhất để đặt những trạm trung chuyển trên con đường khai thác sự phát triển thương mại giữa Bắc Mỹ và châu á.

Vào những năm 1820, ngành công nghiệp đánh bắt cá voi chuyển về Bắc Thái Bình Dương và trong nửa thế kỷ tiếp theo những hòn đảo này trở thành trung tâm chính phục vụ việc nghỉ ngơi và tái cung cấp cho những người đánh bắt cá voi. Trong cùng thời gian, những nhà truyền giáo đạo Tin lành cũng tới Hawaii. Cũng giống như những người đánh bắt cá voi, họ đều tới từ Đông Bắc Hoa Kỳ. Những nhà truyền giáo này đã rất thành công trong sự nghiệp truyền đạo và gây một ảnh hưởng rất lớn đối với dân cư trên đảo.

Đồn điền sản xuất mía đường đầu tiên của Hawaii được thiết lập vào năm 1837 mặc dù cho tới giữa thế kỷ hòn đảo này còn chưa trở thành một nơi sản xuất đường đáng kể. Kể từ đó cho đến cuối thế kỷ XIX, Hawaii đã vươn lên thành một trong những nơi xuất khẩu đường lớn trên thế giới.

Sự phát triển này dẫn đến một nhu cầu về lao động nông nghiệp. Những người Hawaii bản xứ được sử dụng cho mục đích này trong một thời gian, nhưng do số dân này ngày càng giảm đã không cung cấp được lượng lao động cần thiết. Vì vậy, từ năm 1852 cho tới năm 1930, các chủ sở hữu đồn điền mía đường đã đưa 400.000 lao động nông nghiệp, chủ yếu là người châu á đến Hawaii. Vào năm 1852, những thổ dân Hawaii chiếm 95% dân số của các hòn đảo. Đến năm 1900, họ chỉ còn 150.000 người, chưa tới 15% dân số trong khi 75% dân số còn lại là người phương Đông.

Sau năm 1930, Hoa Kỳ lục địa trở thành nguồn cung cấp chủ yếu những cư dân mới cho Hawaii. Vào năm 1910, cứ 5 cư dân ở Hawaii thì có một người gốc châu Âu (tiếng Hawaii gọi là Caucasian – người da trắng). Ngày nay, gần 40% dân số của bang là Caucasian hoặc một phần Caucasian.

Trước khi người châu Âu đặt chân đến, dân số của Hawaii đã hạ xuống mức thấp nhất là 54.000 người vào năm 1876, rồi lại bắt đầu tăng lên. Vào đầu những năm 1920, dân số của bang đã đạt đến mức trước khi người châu Âu tới và vào năm 1988, bang có 1,1 triệu cư dân. Do tình trạng nhập cư, tốc độ tăng trưởng dân số hàng năm của Hawaii cao hơn nhiều so với mức trung bình của Hoa Kỳ.

Dân cư thời kỳ trước khi người châu Âu đến định cư tại Hawaii được phân bố rộng khắp trên các đảo, với Big Island chiếm số dân đông nhất. Kể từ khi người châu Âu phát hiện ra, dân số của Hawaii tập trung ngày càng nhiều tại Oahu. Honolulu do có hải cảng đã trở thành thành phố cảng chính của Hawaii.

Lịch sử chính trị của Hawaii bị xáo trộn trong suốt 120 năm sau phát hiện của Cook. Những vương quốc trên quần đảo bị xoá bỏ bởi một người đứng đầu hùng mạnh là Kamehameha vào giữa những năm 1785 và 1795. ảnh hưởng ngày càng tăng của những nhà truyền giáo dần dần đã làm mất đi quyền lực của những nhà thống trị người gốc Hawaii và trong suốt thế kỷ XIX, những nhóm lợi ích chính trị của châu Âu đã đến đây để cạnh tranh thay thế vào chỗ này.

Nhưng vai trò ngày càng tăng của người Mỹ đã dẫn đến một tình thế tất yếu là nếu Hawaii mất đi sự độc lập về chính trị thì quần đảo này có thể được sáp nhập vào Hoa Kỳ. Những chủ đồn điền người Mỹ ngày càng tăng về số lượng cũng như về ảnh hưởng, đồng thời sự bất mãn của họ với Chính phủ Hawaii cũng tăng lên. Vào năm 1887, họ buộc chế độ quân chủ phải chấp nhận một chính phủ bầu cử do các chủ đồn điền kiểm soát. Nền quân chủ này bị lật đổ hoàn toàn vào năm 1893 và chính phủ mới ngay lập tức được yêu cầu sáp nhập vào Hoa Kỳ. Thoạt tiên họ từ chối nhưng cuối cùng đã chấp thuận trở thành một phần lãnh thổ của Mỹ vào năm 1898.

Vào thời điểm sáp nhập, không có điều khoản nào được đưa ra về việc Hawaii sẽ trở thành một bang của Mỹ, và mãi cho tới năm 1959, sau khi Alaska được chấp nhận vào liên bang, Hawaii mới trở thành bang thứ 50 của Hoa Kỳ.

Nền kinh tế Hawaii

Gần một nửa đất đai của Hawaii thuộc về sở hữu của Chính quyền. Chính quyền bang chứ không phải là Liên bang sở hữu tới 80% đất đó. Hầu hết đó là đất ít thích hợp cho canh tác và là đất rừng cũng như các khu vực bảo tồn. Đất của chính quyền liên bang chủ yếu tập trung tại các công viên quốc gia tại Big Island và Mauri hoặc các căn cứ quân sự tại Oahu và Kahoolawe.

Bảy phần tám đất thuộc sở hữu tư nhân tại Hawaii tập trung trong tay 39 chủ sở hữu đất, mỗi người có khoảng 2.000 hecta hoặc hơn. Sáu chủ đất khác, mỗi người kiểm soát hơn 40.000 hecta trong tổng diện tích 1.040.000 hecta toàn bang. Sở hữu đất tư nhân với những đơn vị nhỏ hơn phổ biến nhất ở Oahu, nhưng ở đây những chủ đất lớn hơn cũng kiểm soát tới hơn 2/3 đất tư nhân. Hai trong số các đảo là Lanai và Niihau, mỗi đảo hầu như hoàn toàn do một chủ đất duy nhất quản lý, và tất cả các đảo khác (trừ Oahu) những chủ đất lớn đều kiểm soát tới 90% đất tư nhân.

Hầu hết những ruộng đất tư nhân lớn này đều được thiết lập trong thời kỳ khai thác tự do trên quần đảo vào thế kỷ XIX. Trước đây đất đai hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của các nền quân chủ. Đất được chuyển sang tay những chủ sở hữu tư nhân không phải là người Hawaii trong thời kỳ sa sút về chính trị của chế độ quân chủ. Cùng với cái chết của nhiều chủ đất cũ, hầu hết các ruộng đất tư nhân đều được tín thác quản trị chứ không chuyển trực tiếp cho những người thừa kế. Điều này khiến cho người ta rất khó phá bỏ các hình mẫu sở hữu, vì vậy giá đất cao và mật độ dân số cao.

Mía đường và sau đó là dứa đã là động lực thúc đẩy nền kinh tế Hawaii trong nhiều thập kỷ sau những năm 1860. Nền kinh tế vẫn chủ yếu là nông nghiệp cho tới cuối những năm 1940. Trong những thập kỷ gần đây, nông nghiệp vẫn tiếp tục cho thấy những mức thu nhập khiêm tốn, nhưng tầm quan trọng của nó đã suy giảm. Gần đây, chỉ có 1 trong số 30 người dân Hawaii làm nghề nông.

Tuy nhiên, Hawaii tiếp tục cung cấp một phần đáng kể sản lượng đường trên thế giới, sản lượng dứa của bang này cũng đạt khoảng 650.000 tấn hàng năm, khiến nơi đây trở thành nhà cung cấp dứa lớn nhất trên thế giới.

Những con số thống kê kinh tế tổng hợp đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Oahu, nơi tập trung hơn 80% nền kinh tế của bang. Vai trò của nông nghiệp vẫn còn lớn đối với các đảo khác. Cả Lanai và Molokai đều có mức thu nhập và công ăn việc làm phụ thuộc vào sản xuất dứa. Gia súc và mía đường đã hình thành nên xương sống của nền kinh tế trên Big Island, đối với các đảo Maui và Kauai thì mía đường và dứa cũng có vai trò tương tự như vậy.

Do nông nghiệp suy giảm và mất đi vị thế thống trị trong nền kinh tế Hawaii, vị trí của nó trước tiên được chính phủ liên bang tiếp quản. Trong nhiều thập kỷ gần đây, chi tiêu của chính phủ đã tăng theo tỷ lệ tương đương với mức tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, duy trì ở mức 1/3 tổng chi phí. Phần lớn những chi phí này là cho quân đội, người kiểm soát 25% Oahu, kể cả vùng đất xung quanh Trân Châu cảng, một trong những hải cảng tự nhiên tốt nhất tại Thái Bình Dương. Gần như là cứ 4 người dân Hawaii thì có một người làm việc trong quân đội, và số người phục vụ trong quân đội và những người sống nhờ vào họ chiếm tới 10% dân số của Hawaii. Lực lượng vũ trang sử dụng nhân công lớn nhất trong bang.

Du lịch là một ngành lớn ở Hawaii với con số hơn 4,5 triệu du khách tới bang này mỗi năm. Du lịch đã trở thành khu vực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, thu nhập từ du lịch tăng từ 4% tổng mức thu nhập của bang vào năm 1950 lên 30% trong thời gian hiện nay.

Tính đa dạng của các đảo

Các đảo chính của Hawaii là những phần trong cùng một bang, chúng có lịch sử địa lý tương tự nhau và phân bố rất gần nhau trên đại dương, nhưng mỗi đảo đều có đặc điểm riêng. Oahu là hòn đảo có mật độ dân cư dầy đặc và được sử dụng với cường độ lớn, có cảnh quan nhộn nhịp và đông đúc thường thấy ở đô thị Mỹ. Đảo Hawaii, hay còn gọi là Big Island, so với các đảo khác thì gây ấn tượng về một không gian và khoảng cách tương đối, với những nông trại lớn, những núi lửa cao nằm lặng im và một miền đất trải dài hầu như không có cỏ cây. Vùng đất này bị thống trị bởi năm ngọn núi lửa hình lá chắn khổng lồ. Mía đường, chăn nuôi đại gia súc và du lịch là những ngành chính ở đây.

Kauai, đôi khi còn gọi là đảo vườn do có thảm thực vật nhiệt đới lộng lẫy, bị xói mòn tạo thành một phong cảnh ngoạn mục với những ngọn núi, khe nước, vách đá và thác nước. Kauai ngày càng trở nên quen thuộc đối với du khách nhờ môi trường tự nhiên đặc sắc nơi đây. Đảo Niihau gần đó là thuộc sở hữu tư nhân và được điều hành bởi Niihau Ranch Company. Phần lớn trong số vài trăm cư dân của đảo đều là người bản xứ Hawaii.

Maui, hòn đảo lớn thứ hai trong quần đảo là sự tương phản giữa những đồn điền của vùng đất thấp trung tâm và những dãy núi lởm chởm bao quanh. Sự phát triển của ngành du lịch, tập trung vào dải bờ biển phía tây, đã diễn ra rất nhanh chóng và kết quả là Maui có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh nhất trong số tất cả các hòn đảo trong thời gian những năm 1970 và những năm 1980. Tuy nhiên, rất nhiều phần còn lại của hòn đảo này hầu như không thay đổi và có mật độ dân cư thưa thớt.

Molokai có một nửa là đất trang trại, một nửa là những dãy núi nhấp nhô. Bờ biển phía bắc của đảo này nổi bật với những vách đá ven biển ngoạn mục cao tới 1.100 m trong khi bờ biển phía nam rộng lớn lại hoàn toàn bằng phẳng. Có lẽ đây là nơi có mức độ phát triển kinh tế thấp nhất trong số những hòn đảo có dân cư sinh sống của quần đảo Hawaii.

Lanai và Kahoolawe đều là vùng đất cao hơn Maui rất nhiều. Chính vì vậy mà cả hai đều khô hạn. Cả hai đảo này đều không có một dòng suối vĩnh viễn nào. Sản xuất dứa là ngành kinh tế duy nhất trên đảo Lanai. Hải quân Mỹ quản lý Kahoolawe và sử dụng đảo này cho những cuộc tập trận.

0