02/07/2018, 18:23

Lịch sử văn minh Châu Âu (bài 4)

Chủ nghĩa nhân bản Hình [1] : Dante gặp Beatrice bên cầu Santa Trinita Nguồn: Henry Holiday (1839-1927) – Vùng công cộng Tôn Thất Thông CHLB Đức Chủ nghĩa nhân bản tự bản chất là một trào lưu phản kháng, với mục tiêu trước tiên là chống lại hệ thống quảng bá văn ...

Chủ nghĩa nhân bản

henry_holiday_-_dante_and_beatrice_-_publicdomain

Hình [1]: Dante gặp Beatrice bên cầu Santa Trinita
Nguồn: Henry Holiday (1839-1927) – Vùng công cộng

Tôn Thất Thông

 CHLB Đức

Chủ nghĩa nhân bản tự bản chất là một trào lưu phản kháng, với mục tiêu trước tiên là chống lại hệ thống quảng bá văn chương và khoa học đương thời. Nhưng nguồn gốc sâu xa hơn của tinh thần phản kháng là sự bất ổn nội tâm của những nhóm người trong xã hội với cuộc sống đô thị hóa, trong đó phong cách tiếp cận thuần lý của họ trong xã hội gặp xung đột với các giá trị truyền thống và lớp người này không tìm thấy một mẫu mực nào trong truyền thống giáo dục gia đình làm gương cho ý thức rèn luyện nhân cách của họ[1].

Benedikt K. Vollmann, giáo sư văn chương cổ điển, đại học München

Để tìm nguồn gốc của chủ nghĩa nhân bản châu Âu, chúng ta phải trở về nước Ý, hay chính xác hơn là đến Florence, một thành phố thương mại giàu có nằm trong vùng Toscana ở miền bắc nước Ý. Đặc điểm của cộng hòa Florence là chưa bao giờ có một vị hoàng đế hoặc Giáo hoàng đóng đô ở đó, nhờ thế mà những trào lưu văn hóa tiến bộ có xu hướng xây dựng nhân sinh quan mới, trật tự xã hội mới có thể phát triển tự nhiên, không gặp sự cấm đoán từ lúc mới thành hình trong trứng nước.

Lĩnh vực thương mại của Florence cũng có nhiều thuận lợi đặc biệt so với những nơi khác. Khắp châu Âu trong thời trung cổ, mọi hoạt động kinh tế đều bị điều khiển và kiểm soát bởi các thế lực vương triều và giáo hội. Mỗi hoạt động của thương nhân đều bị khống chế bởi các phường hội cưỡng bách. Các tổ chức này kiểm soát sản xuất, qui định lương tiền giá cả và qui định cả thị phần tối đa cho từng hội viên. Trong thế giới kinh doanh bị khống chế chặt chẽ đó, mỗi người trong thực tế chỉ có thể thực hiện một nghề nghiệp duy nhất trong suốt cuộc đời, cha truyền con nối. Florence là một ngoại lệ hiếm hoi. Vương triều và giáo hội không áp đặt qui định gì ngặt nghèo mà để cho từng cá nhân, kể cả thương gia được tự do hoạt động. Truyền thống phường hội cũng tự do hơn, và mỗi người có thể đăng ký vào hai hoặc ba nghề kinh doanh khác nhau[2].

Điều quan trọng không kém là, cộng hòa Florence từ thế kỷ 14 không bị cai trị bởi những dòng họ tham quyền tàn bạo, mà được dẫn dắt bởi giới tinh hoa tư sản có học thức[3]. Trong thời trung cổ, người Ý nói chung và người Florence nói riêng vẫn luôn luôn tự hào về quá khứ La Mã của mình. Sức thu hút của văn hóa La Mã dù có giảm theo thời gian, nhưng chưa bao giờ mất hẳn trong giới học thuật. Sự khởi đầu chủ nghĩa nhân bản từ Ý cũng không phải là một sự tình cờ.

Nhưng đi tìm thời khắc sinh thành của nó là công việc khó khăn hơn, vì ranh giới giữa lúc sinh, lớn lên và trưởng thành của chủ nghĩa nhân bản rất nhạt nhòa, và cũng không có một biến cố lịch sử hay văn hóa nào rõ rệt để chúng ta lấy đó làm mốc. Để định vị buổi sinh thành của chủ nghĩa nhân bản, có lẽ chúng ta bắt đầu bằng cuộc đời và sự nghiệp của hai vị học giả đi tiên phong trong việc quảng bá luồng văn hóa mới, vốn dĩ sau này là nền móng của chủ nghĩa nhân bản. Hai vị ấy là Dante Alighieri và Francesco Petrarca.

Dante Alighieri[4] (1265-1321) sinh tại Florence, mồ côi sớm và sống một cuộc đời buông thả, cho đến lúc ông gặp một thiếu nữ tên là Beatrice, có sắc đẹp huyền ảo tưởng chừng khó tìm thấy trên trần thế. Phong thái thiên thần, vẻ đẹp kiều diễm, nụ cười thánh thiện của Beatrice và nhất là tình yêu say đắm[5] với nàng đã mang Dante trở lại đời sống lành mạnh. Dante sáng tác tập thơ “Cuộc đời mới[6] bằng tiếng địa phương Toscana để tưởng nhớ tới nàng. Đấy là những bài thơ đầu tiên sáng tác bằng tiếng Ý, là tuyệt tác bất tử và trở thành biểu tượng của trào lưu mới trong sáng tác văn học mang ý nghĩa nhân văn.

Phong cách sáng tác của Dante đã tạo cảm hứng cho nhiều áng văn chương kịch nghệ của người đời sau trong những thế kỷ kế tiếp. Đối với giới phê bình văn học và viết tiểu sử thì khỏi nói. Ngày hôm nay chúng ta có thể kiếm được hàng vạn tựa sách và vài trăm ngàn bài viết về Dante. Chỉ riêng tác phẩm Hài kịch thần thánh (Divina Commodia) đã có hơn 40 bản dịch khác nhau bằng tiếng Đức được xuất bản đi kèm với vài trăm bài điểm sách cho mỗi phiên bản.

Ở Ý và cả lục địa châu Âu, không có một người thứ hai nào như Dante. Ông vẫn tồn tại như là ngôi sao đầu tiên đã đưa nền văn hóa cổ đại lên bức phông của đời sống văn hóa đương thời. Nhưng khác với văn hóa có tính khuôn thước của thời cổ đại, lịch sử và tính tưởng tượng trong thế giới Kitô dưới ngòi bút của Dante gần gủi hơn, hấp dẫn hơn và hứa hẹn hơn. Không ai có thể làm tốt hơn Dante trong công việc đó.

Khác với sự nghiệp huy hoàng trong văn chương thơ phú, Dante không may mắn chút nào khi sống trong một thời đại đầy khủng hoảng chính trị, mà lại xuất hiện trên vũ đài không đúng chỗ, đúng lúc, và thuộc vào phe chống Giáo Hoàng đầy quyền lực. Dante bị tòa án Florence kết án tử hình vắng mặt, nên phải sống lưu vong hơn 20 năm cho đến lúc mất.

Francesco Petrarca[7] (1304-1374) sinh muộn hơn Dante 40 năm tại Arezzo, khoảng 80 cây số về phía đông nam của Florence. Lúc còn trẻ, Petrarca nổi danh nhờ những bài thơ trữ tình bằng tiếng Ý, nhất là những bài thơ nói về tình yêu thánh thiện, sắc đẹp và nét kiều diễm của một cô gái Laura dường như không hiện hữu trong đời thực. Tương truyền rằng, Petrarca gặp Laura ngày 6.4.1327 trong một thánh đường ở Avignon, lúc ông ở lứa tuổi ngoài hai mươi. Dù hai người chưa bao giờ có một quan hệ gắn bó nào, tình yêu Petrarca dành cho Laura đã theo ông suốt cuộc đời. Những bài thơ đẹp nhất trong sự nghiệp văn chương của ông là những vầng thơ về tình yêu với Laura cũng như về cảm nhận sau này rằng, đó là mối tình không căn cứ. Nhiều nhà sử học đi tìm dấu vết của người phụ nữ Laura, nhưng không ai tìm thấy điều gì cụ thể[8] .

Từ lúc nhỏ, Petrarca đã say mê văn hóa cổ điển, không những của Hy Lạp và La Mã, mà còn vượt thời gian về các nền văn hóa cổ đại đã suy tàn. Mộng ước lớn nhất đời Petrarca là tác động vào việc hồi sinh nền văn hóa Hy Lạp và La Mã, đồng thời ông muốn nâng tiếng Ý sử dụng thường nhật lên tầm cao ngang hàng với tiếng la-tinh thời cực thịnh. Ông sớm trở thành một trong những học giả nổi tiếng nhất của châu Âu đương thời. Năm 37 tuổi, Francesco Petrarca được đăng đàn vinh danh là nhà thơ vĩ đại (poeta laureatus) với vòng nguyệt quế[9] tại điện Capitol ở Rome.

Nếu không có Petrarca, thơ trữ tình trong thời kỳ phục hưng châu Âu chắc hẳn không có diện mạo yêu kiều như nó đã đạt được. Và nếu không có Petrarca, trào lưu văn hóa nhân bản chắc hẳn phải đợi thêm một thời gian dài để thành hình và được quảng bá khắp châu Âu. Ông là biểu tượng của „khoảnh khắc rạng đông cho một ngày mới[10]“ trong lịch sử châu Âu như nhà nhân bản lớn Leonardo Bruni sau này nhận xét. Ngoài ra, Petrarca còn có một bộ sưu tập đồ sộ, bao gồm không những các tác phẩm cổ điển bằng tiếng la-tinh, mà còn có nguyên bản của hai nhân vật vĩ đại Plato và Holmer thời cổ Hy Lạp.

So sánh giữa hai vị học giả tiên phong nói trên, không có gì để bàn cãi rằng Dante là nhân vật lỗi lạc nhất thế kỷ 14 về văn học, lại có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực. Trong lúc còn sống, có người gọi ông là thi sĩ, kẻ khác thì gọi là triết gia, nhiều người khác thì phong ông là nhà thần học[11]. Cuộc đời Dante không được trải nghiệm nhiều về hòa hợp và ngọt ngào, nhưng thơ phú của Dante đã để lại cho chúng ta cảm nhận thật gần gũi về sự hài hòa và tâm trạng yên bình như nhìn thấy thiên đường trên trần thế. Tình yêu lãng mạn, tính thánh thiện của con người và giá trị nhân văn là những món quà vô giá mà Dante để lại cho hậu thế, không riêng gì đối với giới học thuật, mà cho cả đại chúng dân gian. Nhưng khi Dante chết đi, vẫn chưa có một trào lưu gì kế tục. Có lẽ Dante đã đi trước quá sớm, khi nền văn chương nghệ thuật trong xã hội chưa đủ chín mùi để tiếp thu.

Petrarca, ngoài tính chất lãng mạn như Dante, còn có những hoạt động thực tiễn khác trong xã hội. Ông có một bộ sưu tập phong phú các tác giả Hy Lạp cổ đại, mặc dù ông không phải là người tinh thông tiếng Hy Lạp cổ. Ông cùng với một số bạn bè là tác giả của sáng kiến mới về một nền giáo dục nhân bản, lấy studia humanitatis của thời cổ đại làm nền móng, thích ứng với nhu cầu mới của xã hội đương thời để đưa vào nội dung giáo dục. Trong thời gian Petrarca còn sống, Florence đã chứng kiến một trào lưu văn hóa mới được trỗi dậy trên đường tiến đến chủ nghĩa nhân bản sau này, trong đó Petrarca và người bạn thâm giao Giovanni Boccaccio là hai gương mặt tiêu biểu.

Vì thế, chúng ta có thể xem khoảng thời gian thành danh của Petrarca là điểm khởi đầu của chủ nghĩa nhân bản. Ấy là thời gian từ 1330 đến 1350. Đến giữ thế kỷ 15, nó đã vượt dãy núi Alps để đến Hungary, Bohemia, Ba Lan, Đức, Hà Lan, Anh, Pháp và bán đảo Tây Ban Nha với tốc độ khác nhau trong mỗi nước. Sinh viên và học giả khắp nơi đổ về Ý như đi hành hương, họ thu thập sáng kiến và mua sách vở mang về nước. Ngược lại, cũng không ít nhà nhân bản Ý đến các nước đó trong thời gian dài ngắn khác nhau, với tư cách là sứ thần, học giả vương triều hay giáo sư đại học[12]. Luồng giao lưu này làm cho việc quảng bá chủ nghĩa nhân bản được thực hiện nhanh chóng hơn, quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các học giả khắng khít hơn, mặc dù các đặc tính hình thành trong từng quốc gia có ít nhiều khác biệt.

Đến đây, xin có ghi chú nhỏ. Thuật ngữ chủ nghĩa nhân bản (Humanism) không phải do người đương thời sáng chế, mà do những nhà sử học thế kỷ 19 đặt tên cho trào lưu văn hóa thế kỷ 14/15 trong mối liên hệ với hệ thống giáo dục studia humanitatis của thời cổ đại. Trong hệ thống giáo dục đó, con người được đào tạo về lý luận, ngôn ngữ và những ngành liên quan để không ngừng nâng cao bản sắc con người trong quan hệ xã hội. Thêm một điều nữa, chủ nghĩa nhân bản có nội dung tương đối khác nhau tùy theo thời kỳ. Ở đây, chúng ta đang nói đến chủ nghĩa nhân bản trong thời kỳ phục hưng.

Vậy, chủ nghĩa nhân bản có những đặc trưng gì?

Trong số những người được gọi là nhà nhân bản, rất ít người là triết gia mà đa số là các nhà đạo đức học, ngôn ngữ học, văn chương và lịch sử. Tinh thần chung của những người ưa chuộng chủ nghĩa nhân bản là sự đón nhận nồng nhiệt nguồn văn chương triết học thời cổ đại, được viết bằng tiếng Hy Lạp cũng như tiếng la-tinh. Vốn xuất phát từ Florence, chủ nghĩa nhân bản Ý tỏ ra là gắn liền với ý thức hệ tư sản mang tính chất kinh doanh, thị thành và tiền tư bản. Tuy nhiên nó cũng rất thích hợp và hữu ích trong những nước khác, nơi mà giới tư sản mang những tính chất xã hội khác.

Một cách tổng quát, chủ nghĩa nhân bản đi tìm những khái niệm mới để thay thế cho hệ thống tư tưởng cũ theo trật tự đẳng cấp trong xã hội trung cổ. Khái niệm này, một mặt có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa tự do cá nhân, mặt khác quảng bá cho mối quan hệ huynh đệ giữa những con người tương đối không khác nhau nhiều. Chủ nghĩa nhân bản thuộc về nền văn hóa mở, tự do và năng động, nền văn hóa hướng về con người mang tính nhân văn, vì thế không áp đặt lên họ sự gò bó nào có thể làm cho con người bị vong thân[13].

Trong ý thức trở về với nền văn hóa cổ đại, các nhà nhân bản vô hình trung đã làm sống lại những giá trị mang tính biểu tượng của xã hội Hy Lạp xa xưa, mà trên hết là sự thông thái (Sophia) và đức hạnh (Arete). Những người được xã hội trọng vọng là những người thông thái, chứ họ không cần phải có sức mạnh ghê gớm hơn người, cũng không cần giàu sang quyền lực có thể làm kẻ khác hoảng sợ, vốn dĩ là những truyền thống phổ quát trong xã hội trung cổ châu Âu.

Nói chung, chủ nghĩa nhân bản mang tính chất đạo đức triết lý trong một trào lưu văn hóa, chứ không phải là một ý thức hệ, mặc dù nhiều người theo chủ nghĩa nhân bản muốn xây dựng một xã hội đại đồng, trong đó mọi người đều nhận được cơ hội như nhau để phát triển bản sắc cá nhân và thăng tiến địa vị trong xã hội. Tất nhiên không phải ai cũng có thể vươn lên các vị trí quyền lực cao, nhưng lấy thí dụ cộng hòa Florence, nhờ hiến pháp rất tiến bộ và các nhà cai trị có học thức, sự tham dự của tầng lớp tư sản có học vào guồng máy chính trị đương thời ngày càng nhiều, qua đó, tự do và pháp chế ngày càng có sức nặng trong hệ thống quyền lực[14].

Khác với văn chương nghệ thuật trung cổ trước thế kỷ 15, những người nhân bản đặt các đối tượng thần thánh lùi về sau hậu trường để đưa con người thế tục ra bức phông phía trước cuộc sống. Xu hướng này được danh họa Piero della Francesca (1420-1492) gởi gấm vào bức tranh Flagellation of Christ bên dưới, một bức tranh làm điên đầu các nhà phê bình hội họa suốt cả 500 năm sau.

francesca_flagellation_of_christ

Hình [2]: Flagellation of Christ (khoảng 1470), tác giả Piero della Francesca. Nguồn: Galleria Nazionale delle Marche – Vùng công cộng

0