Lịch sử văn minh Châu Âu (bài 5)
Phục Hưng – Khi đại bàng vỗ cánh Hình []: Vương triều Pháp và các lãnh địa năm 1477. Tác giả: Zigeuner, bản quyền CC-BY-SA 3.0 Tôn Thất Thông CHLB Đức Bằng cách này hay cách khác, Phục hưng là thuật ngữ được dùng để diễn tả một khía cạnh đặc biệt của nền văn hóa ...
Phục Hưng – Khi đại bàng vỗ cánh
Tôn Thất Thông
CHLB Đức
Bằng cách này hay cách khác, Phục hưng là thuật ngữ được dùng để diễn tả một khía cạnh đặc biệt của nền văn hóa châu Âu ở ngưỡng cửa năm 1500. Nền văn hóa đó khởi đầu cho lịch sử hiện đại châu Âu […]. Thời kỳ phục hưng tỏ ra là một khoảnh khắc đặc biệt trong số phận con người của xứ hoàng hôn, là tuyên ngôn mặc khải của người thế tục, là thời khắc sinh thành của thế giới hiện đại[i].
Sử gia kinh tế R. Romano và A. Tenenti, giáo sư đại học Paris
“Thời đại phục hưng” không phải là một thuật ngữ được sáng chế bởi người đương thời, mà được các nhà sử học thế kỷ 19 dùng để chỉ một giai đoạn lịch sử đặc thù ở cuối thời kỳ trung cổ châu Âu. Thuật ngữ tiếng Pháp “Renaissance” (có nghĩa là Hồi sinh – Rebirth) được nhà sử học Jules Michelet sử dụng lần đầu năm 1858. Hai năm sau, sử gia văn hóa Jacob Burckhardt người Thụy Sĩ thánh hóa nó trong tác phẩm kinh điển nổi tiếng với tựa đề “Văn hóa Phục hưng ở Ý”[ii]. Dù sách được viết bằng tiếng Đức, Burckhardt cũng cố ý dùng lại thuật ngữ tiếng Pháp Renaissance trong toàn bộ nội dung và cả tựa đề[iii]. Từ đó về sau, Renaissance dần dần trở thành ngôn ngữ quốc tế và phổ biến rộng trong các nước thuộc văn hóa la-tinh, mặc dù mỗi nước đều có thuật ngữ địa phương riêng và thỉnh thoảng cũng được sử dụng trong sách vở của họ. Riêng ở Ý, nơi sinh thành của phong trào phục hưng, thì thuật ngữ địa phương Rinascimento được lưu truyền phổ biến rộng.
Nói đến phục hưng, trước hết chúng ta cần phân biệt vài thuật ngữ vốn dĩ có nội dung tương đối khác nhau, nhưng rất dễ lẫn lộn với nhau.
Trước hết, trào lưu nghệ thuật phục hưng là tên gọi của trào lưu kế tiếp sau nghệ thuật Gothic vốn dĩ đã kéo dài từ thế kỷ 12 cho đến ngưỡng cửa năm 1500. Sau hơn một thế kỷ hưng thịnh, nghệ thuật phục hưng bắt đầu tàn lụi ở khoảng cuối thế kỷ thứ 16 và nhường chỗ cho trào lưu Baroque. Tuy chỉ là nghệ thuật nhưng trào lưu này là điểm khởi đầu cho một thời đại mới, thời đại phục hưng, chấm dứt xã hội trung cổ để bước vào thời hiện đại. Vì tầm quan trọng của trào lưu nghệ thuật này, chúng ta sẽ có một chương riêng cho nó.
Thứ hai, phong trào phục hưng hay còn được gọi là thời đại phục hưng hoặc thời kỳ phục hưng để chỉ một trào lưu rộng lớn bao gồm nhiều mặt: văn hóa, nghệ thuật, triết học, xã hội, chính trị và khoa học. Phong trào này phát triển mạnh mẽ nhất vào thế kỷ 15 và 16 nhưng nó không có một biên giới rõ rệt lúc khởi đầu và lúc suy tàn. Tinh thần phục hưng vốn đã có nguồn gốc từ phong trào dịch thuật từ thế kỷ 12, nó trở lại và phát triển hưng thịnh trong thế kỷ 15/16, sau đó phong trào phục hưng còn để lại ảnh hưởng lâu dài lên châu Âu trong những thế kỷ tiếp theo. Rõ rệt nhất là phong trào khai sáng thế kỷ 17/18, vốn dĩ là sự hồi sinh của phong trào khai minh Hy Lạp được bắt đầu từ thời đại Protagoras thế kỷ thứ 5 trước công nguyên[iv], rồi bị chôn vùi trong lịch sử suốt gần 2000 năm, và được đánh thức dậy bởi phong trào phục hưng nhưng tự nó chưa tạo được một trào lưu sống động trong mọi tầng lớp xã hội, mà chỉ được lưu truyền ưa chuộng trong giới học giả. Phong trào khai sáng đã kế thừa tinh thần phục hưng, rồi tương thích với thời đại mới để kết tủa thành một trào lưu cách mạng, vừa có nội dung tư tưởng cao mang tính chất dẫn đường, vừa được hỗ trợ bằng sức mạnh của quảng đại quần chúng.
Thời kỳ phục hưng bắt đầu từ lúc nào? Mỗi sử gia có một cách định mốc thời gian khác nhau. Thí dụ, giáo sư Denys Hay lấy năm 1453 làm chuẩn, tức là năm Byzantine sụp đổ sau khi kinh đô Constantinople thất thủ vào tay đế chế Ottoman[v], cho nên các học giả chuyên về văn minh cổ đại ào ạt di tản về phương Tây, mang theo tài liệu, sách vở và các công trình văn hóa, góp phần cho trào lưu học thuật mới phát triển mạnh. Giáo sư Ilan Rachum thì xem 1415 là điểm khởi đầu khi chủ nghĩa nhân bản đang hưng thịnh, đồng thời cũng là năm quan trọng trong lịch sử thời trung cổ với trận đánh lớn ở Agincourt[vi]. Tiến sĩ H. A. Stützer thì lấy thập niên 1420 làm mốc vì ông xem danh họa Masaccio (1401-1428) là kẻ khai sinh hội họa phục hưng[vii]. Vài sử gia khác thì xem năm sinh của nhà nhân bản tiên phong Francesco Petrarca (1304-1374) là khởi điểm; thời gian đó cũng có một biến cố lịch sử đặc biệt khác: Dante Alighieri bắt đầu viết tác phẩm bất tử Hài kịch thần thánh[viii], tập thơ quan trọng nhất của văn chương thơ phú được lưu truyền rộng rãi trong thời đại phục hưng.
Nhưng nếu chúng ta xem tiểu sử của ba đại danh họa, những người xứng đáng tiêu biểu cho trào lưu nghệ thuật phục hưng là Leonardo da Vinci (1452-1519), Raffaello Sanzio (1483-1520) và Michelangelo Buonarroti (1475-1564), thì điểm khởi đầu của thời kỳ phục hưng có thể định vị đâu đó ở hậu bán thế kỷ 15. Dù sao, lối định vị này chỉ mang tính chất tương đối, nhưng cũng có một mối liên quan với những biến cố lịch sử thời đó:
Trong hậu bán thế kỷ 15, khoa học và triết học cổ đại được dịch và phổ biến rộng trong giới học thuật ở Ý; về kinh tế, các cộng hòa Ý chứng kiến một sự hưng thịnh hiếm có với nhiều nghề nghiệp mới mẻ trong lĩnh vực tài chánh; kỹ nghệ đồ gốm phát triển đã nuôi dưỡng nhiều nghệ nhân có năng khiếu. Đó cũng là thời gian thành danh của nhà khoa học tiên phong Nicolaus Copernicus (1473-1543), những cuộc thám hiểm liên lục địa của Tây Ban Nha và Bồ đào Nha (1492-1519), và ý thức phản kháng trổi dậy ươm mầm cho phong trào cải cách tôn giáo (1517). Nhưng có một biến cố cần nói đến đã tác động vào quá trình phát triển lịch sử, ấy là kỹ thuật in ấn được phát minh tại Đức năm 1450 bởi Johannes Gutenberg song song với ngành sản xuất giấy được cải thiện trước đó bởi người Ý. Nhờ thế mà các nguồn văn chương, nghệ thuật và triết học du nhập từ Byzantine kể từ sau khi thất thủ năm 1453 được truyền bá nhanh chóng tại Tây Âu, góp phần vào việc phát triển trào lưu văn hóa mới.
Nếu ranh giới thời gian rất nhạt nhòa khó minh định, thì nguồn gốc hình thành nên thời đại phục hưng lại rất rõ rệt: đó là điểm hội tụ của một chuỗi sự kiện lịch sử đặc biệt chưa bao giờ có trước đó. Nội dung của phong trào phục hưng thì rất phong phú, nó bao gồm hầu hết các lĩnh vực quan trọng, tạo nên những thành tố cần thiết để giã từ nếp sống trung cổ lạc hậu và tiến đến một xã hội văn minh trong thời đại mới. Và sau cùng là hậu quả của nó: Phục hưng quả là một cơn địa chấn, nó để lại những dấu vết không thể xóa nhòa trong nhiều thế kỷ tiếp theo, trước hết là ở châu Âu và sau nữa là cho toàn nhân loại.
Để đi sâu bàn luận về thời đại phục hưng, chúng ta thử trả lời vài câu hỏi: Phục hưng là làm sống lại những gì, mang nội dung tư tưởng nào? Phục hưng được thành hình và phát triển trong bối cảnh nào? Tác động của phong trào phục hưng lên lịch sử châu Âu như thế nào?
Phục hưng – Hồi sinh những giá trị gì?
Phục hưng được khởi đầu bằng sự trở về với văn hóa Hy Lạp và La Mã thời cổ đại. Đó là thời kỳ hoàng kim với nhiều thành quả rất phong phú về mọi mặt triết học, toán học, y khoa, vật lý, thiên văn v.v… với rất nhiều học giả uyên thâm mà tri thức của họ vẫn còn được ca tụng trong thế kỷ 21. Sau hơn một thiên niên kỷ bưng bít, nhu cầu trao dồi tri thức trong giới học giả trung cổ được đánh thức dậy khi họ có cơ hội tiếp cận với sách vở tài liệu thời cổ đại, nhất là khi một số tác phẩm quan trọng được dịch ra tiếng la-tinh kể từ thế kỷ 12. Nhưng phải đợi đến thế kỷ 15, sáng kiến phục hồi nền văn minh cổ đại mới thực sự thành hình và bộc phát mạnh mẽ, khi nguồn tài liệu từ Byzantine ngày càng nhiều và đa dạng, và nhất là khi hệ thống giáo dục nhân bản đã trở thành một xu hướng rõ rệt trong xã hội Ý. Kể từ đây, phong trào phục hưng và chủ nghĩa nhân bản đi liền nhau như bóng với hình. Con người phục hưng và người nhân bản luôn luôn sát cánh nhau trong một thời kỳ, khi xu hướng chuyển hóa triệt để vẫn còn gặp nhiều rào cản xã hội, chính trị và tôn giáo.
Phục Hưng và văn chương triết học
Trước hết, khái niệm quan trọng nhất được “hồi sinh” trong thời đại phục hưng là gì? Câu trả lời: Ấy là sáng kiến đặt con người vào trung tâm của mọi suy nghĩ và hành động. Như triết gia Hy Lạp Protagoras đã nói trong thế kỷ thứ năm trước công nguyên: Con người là thước đo của vạn vật[ix].
Trở về với Protagoras thời cổ đại cũng có nghĩa là giương cao khẩu hiệu trứ danh nói trên. Ông đã thực sự đặt cơ sở ban đầu cho vấn đề nhận thức, một bước tiến quan trọng trong tư duy triết học[x]. Điều đó có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, có sức mạnh lay chuyển hệ tư tưởng đã được bám rễ từ lâu trong thế giới Kitô. Mặc dù giới học giả trước sau vẫn là những tín đồ sùng đạo, nhưng họ đã bắt đầu từ giả thái độ thuần phục thần thánh, và tìm cách trở lại với chủ thể nhận thức có đầy đủ tinh thần tự do cá nhân, tư duy độc lập và năng lực hoạt động sáng tạo. Đó chính là gốc rễ của mọi sự phát minh và tiến bộ, thúc đẩy xã hội châu Âu tiến lên, từ giả nếp sống trung cổ để bước vào kỷ nguyên hiện đại.
Suốt cả 1000 năm sau khi đế chế Tây La Mã sụp đổ, con người đã giao khoán mọi trách nhiệm về đời sống tinh thần của chính mình cho những người đại diện của Thượng Đế trên trần gian, tức là Giáo Hoàng ở Rome, các vị Giám Mục, linh mục và cha xứ. Điều đó xuất phát từ một xác tín bất di dịch rằng, chỉ như thế họ mới được cứu rỗi và được ban phép lành vĩnh viễn[xi].
Cho nên khi các học giả phục hưng trở về với văn hóa cổ đại, với những điều phát hiện bất ngờ như tư tưởng của Protagoras, họ bỗng ngạc nhiên thấy rằng người Hy Lạp và La Mã hành xử một cách hoàn toàn khác, lo-gic hơn, gần gủi với con người thế tục hơn. Rõ ràng nhất là người La Mã, mặc dù vẫn có niềm tin vững chắc vào thần thánh, nhưng trước sau họ vẫn là những người có tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình, và sẵn sàng nhận lãnh mọi hậu quả của lỗi lầm do chính mình gây nên. Tuyệt vời biết bao khi con người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để nắm lấy vận mệnh của mình. Ở đây chúng ta thấy rõ hơn một điều: nền triết học trừu tượng của Hy Lạp kết hợp với tinh thần thực dụng của người La Mã đã để lại dấu ấn lâu dài lên nền văn hóa, mà xã hội châu Âu còn thừa kế cho đến hôm nay.
Tư tưởng Hy Lạp – La Mã cổ đại ấy tất yếu ảnh hưởng lên cách nhìn của con người phục hưng đối với guống máy cai trị. Họ khước từ quan niệm về một nhà nước thần quyền. Thay vào đó, một nhà nước thế tục và một xã hội thế tục cần được xây dựng lại, trong đó những con người thế tục như họ phải được nắm lấy toàn bộ trách nhiệm. Họ chấp nhận các lãnh đạo tôn giáo như những cố vấn, chứ không thể như là các lãnh chúa.
Phải chăng chúng ta trong thế kỷ 21 hôm nay đã kế thừa tư tưởng của những người phục hưng để xây dựng các nhà nước dân chủ đang hiện hữu khắp nơi, dù rằng mỗi nước có những dạng thức dân chủ khác nhau, trình độ dân chủ cao thấp cũng khác nhau?
Cũng cần nhận thức rằng, phong trào phục hưng trước hết là sự tôn vinh giá trị nghệ thuật và trí thức của thế giới cổ đại đa thần để mang vào áp dụng trong đời sống thực tế của xã hội Kitô, cho nên tính chất khoan dung của nó vô cùng lớn lao. Ngay cả một vài vị Giáo Hoàng không những cho phép mà còn trả công cho các nghệ sĩ phục hưng dùng các huyền thoại thời cổ đại đa thần để sáng tác nghệ thuật làm trang trí cho giáo đường và các công trình của giáo hội. Điều đó cũng nói lên sự nổi bật của các giá trị và sức thuyết phục cao trong nghệ thuật phục hưng[xii].
Tiếc thay, khi cuộc cải cách tôn giáo bước vào thời kỳ cao điểm cuối thế kỷ 16 với hận thù tôn giáo và xung đột ý thức hệ, đi kèm với những cuộc chiến tranh vô nghĩa khắp mọi nơi trên lục địa, thì tinh thần phục hưng cũng không còn chất dinh dưỡng để tiếp tục phát triển, học giả phục hưng trở nên hoang mang và phong trào phục hưng cũng dần dần tàn lụi.
Trở lại vấn đề, phong trào phục hưng chưa tạo thành một trào lưu chính trị rộng lớn, mà chủ yếu là sản sinh ra những giá trị tinh thần, đặc biệt trong văn chương, nghệ thuật và luân lý đạo đức. Nhưng chính những giá trị ấy đã làm thay đổi tận gốc nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người phục hưng, từ đó có tác dụng mạnh mẽ vào sự thay đổi lớn lao mọi lĩnh văn hóa, xã hội và chính trị: Nhận thức về vai trò của Giáo Hoàng và hàng giáo phẩm không còn như trước; nhà nước thế tục không thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức như nó đã và đang ngự trị khắp nơi; triết học và khoa học cần tìm một hướng đi mới phù hợp với xu thế thời đại …
Những chuyển biến tư duy ấy đã ươm mầm cho việc nghiên cứu triết học nghiêm túc để lý giải các vấn đề nảy sinh trong xã hội đang trên bước đường chuyển hóa triệt để. Từ đó ý thức dân chủ tự do, vốn dĩ là những giá trị ưu việt của xã hội Hy Lạp cổ đại, dần dần tạo dáng trong xã hội trung cổ châu Âu, dù chưa rõ rệt nhưng đã trở thành biểu tượng cho giới trí thức hướng tới. Cho dù con đường đến dân chủ tự do còn dài và gập ghềnh sỏi đá, nhưng các nguồn lực xã hội cũng bắt đầu được giải phóng để tham gia vào công cuộc phát triển chung. Về khía cạnh này, châu Âu đã đi trước các lục địa khác một bước rất dài, cho nên những cuộc cách mạng tư tưởng trong thế kỷ 17/18 và hệ luận tất yếu của chúng là cách mạng công nghiệp và kinh tế cũng xảy ra sớm hơn so với những nơi khác. Những thay đổi làm rung chuyển thế giới trong thế kỷ 18/19, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều có gốc rễ từ phong trào phục hưng.
Về mặt văn chương triết học của phong trào phục hưng trên toàn lục địa, thời vàng son có thể được định vị ở thế kỷ 16. Mỗi nước có một tên gọi khác nhau. Ở Ý người ta gọi đó là “thời kỳ hóa bạc”, ở Tây Ban Nha vào giữa thế kỷ thì họ gọi là “thế kỷ vàng” (siglo de oro), Pháp và Anh thì gọi là “văn học phục hưng”, ở Ba Lan là “thời đại vàng son”[xiii].
Dù khác nhau về tên gọi, nhưng sự phát triển ở các nước đều đi theo một sơ đồ tương đối giống nhau. Đầu tiên là giai đoạn đấu tranh tư tưởng giữa một bên là những người nhân bản mới mẻ và bên kia là xu hướng kinh viện đã thành truyền thống từ lâu; tiếp đến là tranh luận về hướng đi cụ thể trên nền tảng chung là trở về nghiên cứu nền văn minh cổ đại, vì tự bản thân các nhà kinh điển Hy Lạp vẫn còn nhiều khác biệt về nguyên lý cần được làm sáng tỏ; và sau cùng khi nền giáo dục nhân bản đã trở thành xu hướng chủ đạo, hướng đi và nội dung đã rõ ràng, thì phong trào địa phương hóa nổi lên, tức là sáng tác văn thơ, triết học, diễn giải kinh thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Điều này đã làm cho sự phát triển ngôn ngữ quốc gia đi vào một khúc quanh mới: Văn phạm ngày càng chính xác, ngôn ngữ diễn đạt ngày càng tao nhã, văn chương thơ phú ngày càng thanh lịch và dễ đi vào lòng người. Việc phát triển văn hóa ở các nước châu Âu đi vào một giai đoạn mới với ngôn ngữ, nội dung và phong thái quốc gia được phóng lên bức phông phía trước, đi kèm theo đó là những hậu quả tích cực và tiêu cực tất yếu của nó lên chính trị và xã hội trên lục địa.
Một trong những thành quả lớn của văn chương triết lý thời đại phục hưng là đã tạo nên một mẫu con người mới, với ý thức và phong cách sống vượt ra khỏi mọi khuôn phép truyền thống có sẵn. Đó là những con người hiểu biết sâu sắc chủ thể nhận thức của mình, lấy tự do cá nhân làm nền tảng cho mọi tư duy. Họ lấy cuộc đời thế tục làm điểm nhắm cho mọi cố gắng, đồng thời đưa thế giới thần thánh lùi vào sau hậu trường. Đấy là một thái độ chưa bao giờ có trong quá khứ. Văn nghệ sĩ thì đưa con người thế tục lên mặt tiền cuộc sống, sẵn sàng từ giã thế giới thần thánh với những đề tài nhàm chán không một chút sáng tạo. Giới học giả bình thường thì biết nhìn vào chiều sâu của tâm thức để định hướng cho suy nghĩ và hành động.
Sử gia văn hóa Jacob Burckhard có một sự so sánh rất sống động về sự phát triển con người thời phục hưng[xiv]: Trong thời trung cổ, hai mặt của nhận thức – nhìn thế giới bên ngoài và cảm nhận về nội tâm bên trong con người – giống như được ẩn dấu dưới một tấm màn thưa che mặt, được dệt bằng niềm tin tôn giáo, sự rụt rè từ lúc trẻ thơ, và những ảo tưởng mù quáng. Xuyên qua lớp màn che, thế giới bên ngoài được tô màu đẹp đẽ, trong lúc nội tâm là một khoảng trống rỗng chỉ biết có tập thể và đám đông: cùng chủng tộc, cùng giống dân, hoặc cùng đảng phái, cùng liên minh, gia đình, hoặc những gì tương tự mang tính chất cộng đồng. Trong lúc các nước khác chưa có gì thay đổi, thì lần đầu tiên ở Ý, tấm màn thưa che mặt được gió cuốn bay, thế giới hiện lên rõ rệt bằng tầm nhìn khách quan, cách hành xử của nhà nước và những vấn đề tương tự được soi rõ hơn. Trong lúc đó thì từ nội tâm, một cách nghĩ chủ quan được đánh thức dậy và con người bỗng trở thành một chủ thể độc lập vượt ra khỏi đám đông, một tình trạng mà chúng ta đã gặp trước đây ở người Hy Lạp đối với các giống dân man di, hoặc thế giới Ả Rập đối với các chủng tộc châu Á.
Chỉ trên góc nhìn từ chủ thể độc lập ấy mà ở Ý – chứ không phải nơi nào khác ở châu Âu – mới có thể xuất hiện những con người như Dante, Petrarca, Boccaccio với phong cách sáng tác văn chương thi phú mang dáng dấp mới, hướng về từng con người cụ thể trong xã hội, những con người thế tục biết yêu đương, biết để cho tâm hồn bay bỗng vào thế giới lãng mạn không tưởng, biết say đắm với nét đẹp huyền bí của thiên nhiên, biết phô diễn chủ thể tự do cá nhân và thách thức những khuôn thước gò bó trong chính trị, xã hội và tôn giáo. Nhân cách, phẩm hạnh mang tính chất tự do cá nhân cũng được rèn luyện dễ dàng hơn với một nhân sinh quan uyển chuyển như thế.
Tinh thần phục hưng đã tạo nên cho mỗi người trong xã hội một niềm tự tin mới vào chính bản thân. Đấy là những con người bắt đầu ý thức rằng, tính tự chủ là giá trị không thể bỏ quên trong một xã hội đầy rẫy hoang mang, bất công và tàn bạo như thời đại của họ đang sống, thời đại trung cổ. Trong các thế kỷ này, khái niệm tự do phổ quát trong tương quan với những diễn biến trong xã hội chưa được thành hình, huống hồ là khái quát hóa thành lý luận? Tuy nhiên tính tự chủ và ý thức tự do cá nhân là nền tảng đầu tiên để các nhà tư tưởng thời kỳ phục hưng đưa ra những khuôn mẫu mới, tạo tiền lệ cho phong trào khai sáng các thế kỷ sau dần dần hoàn thiện lý luận, góp phần thúc đẩy các cuộc cách mạng toàn diện về tư tưởng, về thể chế chính trị, về kinh tế cũng như về khoa học.
Con người phục hưng đã tự giải thoát ra khỏi mọi khuôn thước rụt rè „đồng phục“ trước đây, và sẵn sàng phô diễn nét đặc thù của cá nhân, sẵn sàng làm những điều khác với mọi người. Và cũng nhờ thế mà xã hội thời phục hưng mới có thể sản sinh ra những con người khác thường, tràn đầy năng lực để sáng tạo ra những tác phẩm khác thường có giá trị vượt thời gian, những con người sẵn sàng làm chuyện kinh thiên động địa, cho dù chỉ xuất phát từ động cơ cá nhân: ước vọng được giàu sang, tiếng tăm, danh vọng. Columbus, Megallan là những thí dụ điễn hình. Những người này chắc hẳn khó thành công trong một thời đại khác với thời kỳ phục hưng.
Hơn cả những tác động nói trên lên xã hội trung cổ, phong trào phục hưng đi kèm với chủ nghĩa nhân bản thế kỷ 15 cũng có đóng góp rất lớn vào sự phát triển bước đầu cho nền triết học châu Âu. Trước đó thì tư tưởng Aristotle chiếm lĩnh hàng đầu trong toàn bộ hệ thống giáo dục cấp cao. Với sự vươn dậy của chủ nghĩa nhân bản thời phục hưng, đặc biệt trong thời gian hậu bán thế kỷ 15, vai trò của Aristotle mặc dù vẫn còn quan trọng, nhưng đã bị thách thức nghiêm trọng bởi những gương mặt mới. Các trào lưu tư tưởng khác của thời cổ đại ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong đời sống văn hóa châu Âu. Triết thuyết Plato, Epicurus, chủ nghĩa hoài nghi (Scepticism), chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) là một vài thí dụ[xv]. Chúng ta chưa bàn vào nội dung, chỉ riêng sự đa dạng trong các trào lưu triết học đó đã là sự đóng góp quan trọng của phong trào phục hưng, là bước khởi đầu chuẩn bị cho sự thăng hoa về mặt tư tưởng trong các thế kỷ sau này.
Đặc biệt sự lên ngôi của Plato thay cho Aristotle, mà tư tưởng đã chiếm lĩnh châu Âu suốt hơn 1000 năm trước đó, là một bước ngoặt quan trọng, nó mở ra một phương hướng mới và chất lượng mới cho nghiên cứu triết học trong nhiều thế kỷ về sau. Không ít nhà nghiên cứu cho rằng „triết học Plato là cội nguồn tiến hóa của chính nền triết học châu Âu“, hoặc như Hegel: „triết học như là một khoa học được bắt đầu bằng Plato“[xvi].
Phục hưng và khoa học tự nhiên
Không có gì nghi ngờ rằng, một trong những bước nhảy vọt về chất lượng trong lịch sử phát triển khoa học là thời kỳ giữa thế kỷ 15 và giữa thế kỷ 16 – bước nhảy vọt không chỉ trên bình diện lý thuyết, mà nhất là trên phương diện thực hành và cách đặt các vấn đề thực tiễn[xvii].
Sử gia kinh tế R. Romano và A. Tenenti, giáo sư đại học Paris
Nhà nhân bản tiên phong Francesco Petrarca là người đầu tiên diễn đạt cái đẹp và sự huyền bí của thiên nhiên một cách xuất thần bằng văn chương thơ phú. Năm 1333, Petrarca leo lên ngọn đồi Mont Ventoux, nhìn về phía tây là thung lũng màu mỡ sông Rhône, phía đông là rặng núi Alps trong nắng vàng rực rỡ. Tim ông gần như ngưng đập. Cái đẹp choán ngợp tâm hồn đã tạo nên một cảm giác mới lạ về cuộc sống. Ông viết „Tôi đứng đó, xúc động ngập tràn trong làn gió thoảng và khung trời mênh mông chung quanh. Tôi nhìn xuống dưới, mây như bao phủ tới chân. Tôi nhìn lên trên, rặng núi Alps dường như với được trong tầm tay“[xviii].
Bức thư của Petrarca không chỉ là sự diễn đạt một cảm giác từ nội tâm, mà nó mở ra một cách nhìn mới về cuộc đời thế tục với ý thức hưởng thụ cái đẹp trong cuộc đời thực. Điều này đã trở thành điểm thu hút trong mọi quan tâm của con người về sau. Xu hướng đó ngày càng được văn thi sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ tạc tượng tiếp nhận và phổ biến trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Tác phẩm về thiên nhiên và ca tụng thẩm mỹ ngày càng nhiều. Sự kiện đó đã đánh thức một đam mê mới lạ của những người yêu khoa học. Khám phá những bí mật huyền diệu của thiên nhiên trở thành một giá trị mới trong cuộc sống những nhà khoa học.
Lần đầu tiên trong lịch sử trung cổ, phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên trở thành một khái niệm thời thượng rất được ngưỡng mộ trong giới học giả quan tâm đến khoa học. Với tinh thần tự do cá nhân và tư duy độc lập, con người không còn dễ dàng chấp nhận những mặc khải thần thánh về chân lý tuyệt đối, mà họ nhận thức rằng, việc quan sát chính xác và thử nghiệm sẽ mang lại cho họ hiểu biết về bản chất sự vật trong thiên nhiên. Khoa học đã bắt đầu tách rời khỏi thần học. Càng bỏ công nhiều vào việc tìm hiểu thiên nhiên, càng đào sâu vào việc phân tích các hiện tượng thiên nhiên, con người càng thấy rõ hơn cấu trúc bên trong của nó. Và thật huyền diệu biết bao, khi người ta có thể dùng công cụ toán học để biểu diễn những qui luật tự nhiên bên trong của chúng. Người Hy Lạp đã nhận thấy điều này trước đó 2000 năm[xix]. Dù rất muộn màng, con người phục hưng đã học được từ thế giới cổ đại rằng, việc tìm tòi nghiên cứu các hiện tượng đang hiện hữu trong thiên nhiên có tính hấp dẫn hơn là tưởng niệm u hoài về một thế giới khác bên ngoài cuộc đời thế tục.