02/07/2018, 18:23

Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên

Đề bài: Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Bài làm Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta thực chất đến năm 1965 đã kéo dài tới 15 năm và là lúc bước vào giai đoạn ...

Đề bài: Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

Bài làm

Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta thực chất đến năm 1965 đã kéo dài tới 15 năm và là lúc bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Nhiều nhà văn yêu nước đã khoác ba lô lên vai đi về những nơi khói lửa của cuộc chiến, để lại những trang viết thấm đượm hồn đất, hồn người với những hình tượng vô cùng đẹp đẽ. Nhà văn Nguyễn Thành Trung, nhà văn của Tây Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn qua các tác phẩm viết về Tây Nguyên. Với tác phẩm Rừng xà nu, sáng tác vào năm 1965, ông đã khắc họa hình tượng rừng xà nu tiêu biểu cho thiên nhiên và con người Tây Nguyên kiêu hãnh, kiên cường.

Trên đất Tây Nguyên hùng vĩ, dưới những loạt đạn bom của đế quốc Mĩ ,những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh tốt hiện ra như biểu tượng về con người Tây Nguyên anh hùng, kiên trung, bất khuất.

Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên

Phân tích hình tượng rừng xà nu

Xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, cây xà nu, rừng xà nu có mặt trong từng trang sách như hơi thở cuộc sống, gắn bó, thân thuộc với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của dân làng Xô Man. Ngọn lửa xà nu nấu ăn trong mỗi bếp, lửa xà nu cháy bập bùng trong nhà Ưng tập trung cả dân làng để nghe cụ Mết kể về cuộc đời Tnú. Khói xà nu đen nhẻm thân hình lũ trẻ, khói làm tấm bảng đen cho anh Quyết dạy Tnú và Mai học chữ Cụ Hồ… Những sự kiện quan trọng của dân làng đều có xà nu tham dự, chứng kiến: đuốc xà nu cháy sáng trên tay cụ Mết dẫn cả dân làng đi vào rừng sâu lấy giáo mác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Đêm đêm, cả dân làng mài vũ khí dưới ánh đuốc xà nu. Đến cả khi Tnú bị giặc tra tấn, chúng cũng đốt cả mười đầu ngón tay anh bằng chính nhựa xà nu.

Trong văn học Việt Nam, chúng ta đã quen với hình ảnh lũy tre xanh tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thì qua tác phẩm Rừng xà nu, chúng ta lại được biết thêm một hình ảnh mới, loài cây đẹp có sức biểu tượng lớn như cây xà nu. Hình tượng cây xà nu qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trung Thành như một thành lũy kiên cố bảo vệ cuộc sống cho buôn làng Xô Man. Mỗi ngày giặc nã ba lần đại bác tới nhưng làng Xô Man vẫn bình yên vì hầu hết đạn rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Xà nu như mang tấm thân mình ra bảo vệ cho dân làng và đã phải hứng chịu nhiều đau thương mất mát: Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương. Có những cây bị đạn đại bác chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người đã bị đạn đại bác chặt đứt đôi, những cây này nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, chỉ năm mười hôm là cây chết.

Tác giả viết về nỗi đau của cây không khác gì nỗi đau của con người. Sức biểu cảm của cây xà nu thật lớn. Mỗi một cây xà nu ngã xuống như một người Xô man ngã xuống. Rừng xà nu che chở cho dân làng song vẫn không che xuể trước sự bạo tàn của giặc. Vẫn còn đó những người như anh Xút, bà Nhan, mẹ con Mai, anh Quyết đã ngã xuống vì chính nghĩa, trước sự dã man của kẻ thù. Đau thương chất chứa trong lòng người dân Xô Man, biến thành sức mạnh để người Xô Man vụt đứng dậy. Đau thương làm cho cây xà nu càng mạnh mẽ, đẹp đẽ, ngã mà vẫn ngời lên nét kiêu hùng, bất khuất, chịu đựng kiên cường.

Cây xà nu với sức sống mãnh liệt biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của người Xô Man nói riêng, người Tây Nguyên nói chung. Đau thương cứ nối đau thương, sự sống vẫn nảy lộc đâm chồi, nối tiếp vươn lên như mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Có thể nói, sức sống của xà nu không thể hủy diệt, đầy kiêu hãnh thách thức bom đạn.

Rừng xà nu biểu tượng cho ý chí quật cường của người Xô Man, thế hệ này ngã xuống, thế hệ khác đứng lên thay thế, viết tiếp trang sử truyền thống cách mạng của buôn làng.

Như người Tây Nguyên yêu cuộc sống, cây xà nu ham ánh sáng mặt trời, yêu sự tự do. Sự vươn lên của xà nu thật kì diệu, như nhìn thấy được trong một sự chuyển động: phóng lên rất nhanh tiếp lấy ánh nắng…

Hình ảnh rừng xà nu khiến ta liên tưởng đến những người như cụ Mết, như Tnú, như Dít luôn bảo vệ dân làng. Rừng xà nu mang vẻ đẹp của bức thành đồng vững chắc che chở cho dân làng.

Hình tượng cây xà nu thật nổi bật, hình tượng đó xuyên suốt tác phẩm, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và khát khao tự do của dân làng Xô Man.

Bằng sự phát hiện tinh tế, tác giả đã xây dựng hình tượng cây xà nu, một hình tượng mang tính sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Qua hình tượng cây xà nu, ta liên tưởng đến đồng bào Tây Nguyên bất khuất, kiên cường, trong khó khăn gian khổ vẫn một lòng hướng về cách mạng.

Tuấn Đức

0