Kỹ thuật chăm sóc vịt mái đẻ
Đặc điểm của vịt, nhất là vịt mái đẻ, có “phản ứng stress” rất nhạy bén, nên những gì làm cho vịt hoảng sợ, hoặc làm thay đổi điều kiện sống, đều có ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ đẻ ngay. Ở miền Bắc, có hai vụ vịt đẻ thích hợp ứng với hai vụ lúa; vụ đẻ thứ nhất thường từ tháng hai đến ...
Đặc điểm của vịt, nhất là vịt mái đẻ, có “phản ứng stress” rất nhạy bén, nên những gì làm cho vịt hoảng sợ, hoặc làm thay đổi điều kiện sống, đều có ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ đẻ ngay.
Ở miền Bắc, có hai vụ vịt đẻ thích hợp ứng với hai vụ lúa; vụ đẻ thứ nhất thường từ tháng hai đến tháng sáu và vụ đẻ thứ hai từ giữa tháng tám đến gần hết tháng 12. Vụ đẻ thứ nhất là vụ chiêm, đây là vụ đẻ trứng tỷ lệ cao.
Ở miền nam tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vịt thường đẻ một năm ba vụ, mỗi vụ đẻ liền hai tháng rưỡi đến 3 tháng, sau mỗi vụ vịt ngừng đẻ và . Trong 3 vụ đẻ đó vụ đẻ thứ hai thường đẻ nhiều trứng nhất, trứng có chất lượng tốt; tỷ lệ đẻ đạt 90 – 95%, có khi tới 100%.
Ở miền Nam, người chăn vịt có kinh nghiệm thường đi theo đàn vịt bằng chiếc thuyền con, chiếc thuyền này có thể vác lên vai một cách nhẹ nhàng, do đó mà có thể theo đàn vịt qua sông, hồ được.
Người chăn vịt phải biết là vịt kiếm được nhiều mồi hay ít mồi ngoài đồng để rồi cho vịt ăn thêm nhiều hay ít khi vịt về chuồng. Ví dụ : Khi thấy vịt mò mải miết, đó là đồng nhiều mồi, ngược lại khi thấy vịt chạy nhiều, đó là đồng ít mồi… Hoặc là vịt ăn no đủ thì đẻ nhiều, ngược lại vịt đẻ ít là thiếu ăn; phải chú ý đến số lượng và chất lượng thức ăn cần bổ sung cho vịt hàng ngày.
Tuyệt đối tránh không làm cho vịt sợ hãi. Lùa vịt đẻ từ ruộng này sang ruộng khác phải nhẹ nhàng, từ từ để cho vịt đi một cách tự nhiên. Vịt đang đẻ cần chú ý đừng để chúng phải leo dốc có thể bị đẻ non hoặc ngừng đẻ. Trong khi đi chăn vịt, đi hết diện tích này đến diện tích khác (phải qua nhiều sông ngòi, ao, hồ, đầm, kênh…), nếu người chăn nuôi không có kinh nghiệm để vịt sa vào một nơi không có mồi (nước phèn mặn) thì sẽ làm cho vịt giảm đẻ.
Vịt mái đẻ không thích những nơi ồn ào, không ưa những nơi đất đầy bùn, đất quá khô, quá dốc. Vịt không thích sự có mặt của những người lạ và nhất là chó, vì nếu bị chó rượt đuổi thì ngày hôm sau đó sản lượng trứng sẽ bị giảm ngay. Đặc điểm của vịt, nhất là vịt mái đẻ, có “phản ứng stress” rất nhạy bén, nên những gì làm cho vịt hoảng sợ, hoặc làm thay đổi điều kiện sống, đều có ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ đẻ ngay.
Ban đêm nếu người chăn nuôi ra thăm nơi nhốt vịt thì phải hết sức cẩn thận, đêm nào cũng chỉ nên làm đúng những cử chỉ thật cần thiết để cho vịt quen. Bóng người lạ, tiếng động lạ đều làm cho vịt kêu “thất thanh” làm cho vịt nhảy loạn xạ, chất đống lên nhau ở một góc chuồng, chúng có thể bị thương hoặc đè lên nhau mà chết, một số lớn vịt ngày hôm sau sẽ ngừng đẻ. Có nơi người ta thắp một ngọn đèn để giữa chuồng và chi riêng người chăn vụ được đi vào khi nhặt trứng, không cho người lạ vào. Buổi trưa phải cho vịt ở chỗ mát để nghỉ ngơi, nhất là ở bên hồ nước trong sạch, có bóng cây mát.
Để bảo vệ sức khỏe cho đàn vịt, chỉ nên để vịt ở một tuần lễ trong một nơi, sau đó sẽ chuyển chúng đi nơi khác, vì trong một tuần lễ phân vịt đã có khá nhiều, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng; hơn nữa nguồn thức ăn thiên nhiên ở đây bị giảm đi nhiều. Người chăn nuôi giỏi thường có một kế hoạch chăn vịt luân phiên trên các cánh đồng rất là khoa học.
Thường thường cứ 3 – 4 tháng chạy đồng, họ cho vịt trở lại nơi cũ. Nhưng theo “nguyên tắc chăn nuôi”, không bao giờ chuồng vịt được ở lại đúng nơi cũ có phân vịt, vì chính ở nơi đó đã có một số vi khuẩn đang phát triển để gây bệnh cho vịt.
Buổi trưa cũng như buổi tối khi cho vịt nghi phải thả chúng ở hồ nước trong sạch, có bóng mát để vịt đực phối giống được dễ dàng, cần chú ý là những nơi có dòng nước chảy xiết hoặc các gò đất khô, vịt đực phối giống rất khó khăn, và nhiều khi làm cho vịt mái bị thương, bị trật xương sống lưng, bị què, bị vẹo cổ… Nước ao tù, nước đục, nước có nhiều chất bẩn, nước phèn chua đều là những yếu tố rất có hại cho sự phối giống, có khi làm viêm nhiễm thường sinh dục của vịt mái và bộ phận sinh dục của vịt đực. Vịt còn có thể bị nhiễm ký sinh trùng gây ra bướu cổ (do giun chỉ) chúng có thể bị đau mắt..
Đối với vịt đẻ nuôi chăn thả, ngoài những thức ăn vịt đã kiếm được, còn phải cho chúng ăn thêm, thóc, mì hạt hoặc thức ăn hỗn hợp thật no chúng mới đẻ đều và tỷ lệ đẻ cao. Khi đi chăn thả muốn cho vịt ăn thêm, nên vãi thức ăn trên chiếu hay trên nia là tốt nhất, cần có đủ nước bên cạnh để vịt dễ nuốt trôi các loại thức ăn nhất là thức ăn bột. Tránh vãi thức vào những ruộng vừa bón phân, chỗ nước có đất bùn, bẩn. Nếu cho ăn thêm cần cho vịt ăn đúng giờ.
Người chăn nuôi vịt còn phải chú ý đề phòng những tai nạn có thể xảy ra đối với đàn vịt, không chỉ riêng vịt con mà ngay cả vịt mái đẻ cũng bị (như quạ, diều hâu, cáo có thể bắt vịt). Gặp dòng nước chảy xiết, bị rơi xuống hố bị lạnh vì mưa rào to, bị lạc đàn, ăn phải sỏi, đinh, vỏ sò, càng cua, càng tôm to… tích lại ở trong diều là những nguyên nhân để có thể làm chết cả vịt lớn. Đỉa nhỏ là mồi của vịt, nhưng đĩa lớn có thể bám vào mỏ rồi hút hết máu của vịt. Vịt con và cả vịt đẻ cũng có thể bị lươn to cắn và kéo chân về hang để ăn thịt. Rắn, rái cá, chó, mèo hoang, chuột đồng đều là kẻ thù đáng sợ của vịt.
Không nên cho vịt ăn thóc ẩm, gạo mốc, cám mọt, tôm tép, cá vụn bị ôi thối vì điều đó có thể làm cho vịt tiêu hóa kém, diều sưng to lên, bị ỉa chảy. Phân tằm, nòng nọc đen… là những thức ăn độc cho vịt và có thể làm chết vịt.
Trong bất cứ một trại vịt nào, hoặc một người chăn nuôi một đàn vịt nào cũng phải nắm được chi tiết sức sinh trưởng của từng đàn vịt, tính thích nghi, sức đẻ trứng… Lúc nào sản lượng trứng tăng, lúc nào giảm tại sao? Tất cả những điều đó phải được trả lời cụ thể. Có phải do mùa vụ, thời tiết thay đổi không? Có phải là thời kỳ vịt thay lông không? Có phải do tình trạng sức khỏe của đàn vịt bị kém vì mắc bệnh nào đó không? Có phải là do chuồng trại bị lầy lội, ẩm thấp, nóng quá, lạnh quá…?
Chỉ khi nào người chăn nuôi vịt đẻ trả lời được những câu hỏi đó thì giá trị về con giống, về công tác giống về sự chọn lọc, loại thải thường xuyên mới đầy đủ và chính xác.
Ở những đàn vịt nuôi gần nhau, hoặc cùng chăn thả trong một khu vực, để tránh sự nhầm lẫn người ta thường đánh dấu ở mũi hay ở mỏ vịt bằng một cái kim. Muốn vậy người ta vạch 1, 2, 3 hay 4 vạch trên sống mũi, bên phải hay bên trái của vịt. Hoặc có người còn dùng dao xẻ bàn chân (màng bơi) của vịt ra 1 hay 2 vạch để đánh đấu.
Ở những cơ sở nuôi vịt lấy trứng thương phẩm thì trong đàn vịt mái không cần thả vịt đực vào. Những trứng này thường dùng ăn tươi hay muối mặn để dự trữ lâu.
Ở những đàn vịt mái đẻ nuôi lấy trứng ấp có thả vịt đực đi theo, những quả trứng đẻ ra thường không để lâu được ngay cả khi đã muối. Vịt đực đi theo vịt mái sẽ làm cho người chăn nuôi phải chú ý chăm sóc nhiều hơn và phải đầu tư về thức ăn nhiều hơn. Thường đối với vịt cỏ cứ 100 vịt mái thì có 10 đến 11 vịt đực, vịt bầu 100 vịt mái có 13 đến 14 vịt đực; vịt Bắc Kinh 100 vịt mái có 20 – 22 vịt đực. Muốn đạt tỷ lệ có phối cao thả một ít hoặc nhiều vịt đực quá đều không tốt. Nhiều vịt đực quá làm cho vịt mái bị thương nhiều, tỷ lệ hao hụt cao và giảm tỷ lệ đẻ, ít vịt đực quá thì tỷ lệ có phối sẽ thấp, dẫn đến tỷ lệ nở thấp. Khả năng của 1 vịt đực trung bình có thể phủ được 12 vịt mái trong 1 ngày. Nhưng muốn đạt tỷ lệ có phôi cao thì 1 vịt đực chỉ phối cho 3 đến 4 vịt mái là tốt nhất. Sau mỗi lần giao phối vịt sẽ có 3 quả trứng có phôi, nhưng phải đến ngày thứ ba hoặc thứ tư trở đi thì trứng mới có phôi, vì quả thứ nhất và quả thứ nhì đã hình thành rồi không tiếp nhận tinh trùng nữa. Như vậy tỷ lệ 1 đực 10 mái là tốt nhất.
Cách nuôi vịt mái ở thời kỳ thay lông (dập vịt)
Thời kỳ thay lông là thời kỳ sau khi vịt đẻ một thời gian. Thời kỳ này kéo dài thì vịt yếu sức, tỷ lệ đẻ kém đi (còn trên dưới 30%), do đó cần tính toán cụ thể đồng chăn để có thể “dập vịt” (làm cho vịt ngừng đẻ hẳn) và đúng thời kỳ cần thiết.
Ở miền Nam nước ta (vùng đồng bằng sông Cửu Long) vịt thường đẻ 1 năm 3 vụ, mỗi vụ đẻ 3 tháng liền, sau mỗi vụ vịt ngừng đẻ 1 tháng để thay lông. Nhưng cũng tùy theo đồng bãi chăn, người chăn nuôi vịt cần dựa vào vụ cấy gặt và làm đất để cho vịt ngừng đẻ và đẻ cho thích hợp. Đối với vùng cho vịt mái đẻ 2 lứa trong một năm thì cần cho chúng ngừng đẻ hai đợt vào khoảng thời gian tùr 15/1 đến 15/3 và từ 15/7 đến 15/9 hàng năm. Còn những tháng khác chính là thời kỳ “dựng vịt”, tức là thời kỳ đưa vịt đi nuôi chăn thả ở đồng bãi kết hợp với bổ sung thêm thức ăn cho đầy đủ.