Bảo quản chọn lọc trứng vịt ấp
Để có thể nâng cao chất lượng con giống, nâng cao khả năng chống bệnh của vịt con và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất thì việc chọn lọc ngay từ đầu những quả trứng tốt, đủ tiêu chuẩn đem vào ấp là rất cần thiết. Các cơ sở giống cũng như ấp trứng lấy vịt con nuôi thịt theo mùa vụ đều phải ...
Để có thể nâng cao chất lượng con giống, nâng cao khả năng chống bệnh của vịt con và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất thì việc chọn lọc ngay từ đầu những quả trứng tốt, đủ tiêu chuẩn đem vào ấp là rất cần thiết.
Các cơ sở giống cũng như ấp trứng lấy vịt con nuôi thịt theo mùa vụ đều phải đề ra tiêu chuẩn và có căn cứ chắc chắn để chọn lọc trứng ấp, các cơ sở nuôi vịt để sản xuất trứng ấp cũng phải có quy trình chăn nuôi đảm bảo cung cấp trứng ấp tốt.
Hàng năm cả nước ta đã “vào ấp” khoảng trên dưới 60 triệu quả trứng vịt, riêng miền Nam vào ấp trên dưới 40 triệu trứng, hầu hết là dùng cách ấp thủ công (bằng trấu, thóc nóng, ấp truyền hơi..). Việc cho trứng ấp chủ yếu mới căn cứ vào kinh nghiệm và bằng phương pháp đơn giản.
Trứng vịt ấp là một sản phẩm giống có tính chất quyết định đến chất lượng và sức khỏe đàn vịt, nếu là nuôi vịt thịt thì nó ảnh hưởng đến chất lượng và khối lượng thịt sản xuất ra. Vì vậy, từ khâu sản xuất trứng đến khâu thu nhận, bảo quản và ấp trứng, đều cần có qui trình kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ ấp trứng nở và chất lượng của vịt con nở.
Ở nước ta việc sản xuất trứng vịt để ấp thường tập trung vào hai vụ chính (theo hai vụ lúa), tức là vào tháng 2-4 và tháng 8-10 dương lịch. Cho đến nay đã có một số cơ sở ấp trứng bằng máy, nhưng hầu hết vẫn ấp trứng thủ công, ở miền Bắc các lò ấp trứng thường có qui mô vừa với công suất khoảng 60.000 – 120.000 quả/tháng. Ở miền Nam các lò ấp có qui mô chênh lệch nhau với công suất khoảng 15.000 – 300.000 quả/tháng, có cơ sở còn lớn hơn. Ở miền Nam nhiều cơ sở sản xuất trứng vịt để ấp vẫn còn do tư nhân kinh doanh đồng thời cũng đã có các tổ hợp hoặc tập đoàn sản xuất trứng vịt để ấp.
Trong các cơ sở nuôi vịt lấy trứng ấp, phải có đầy đủ những điều kiện cần thiết để đảm bảo yêu cầu chung về thú y và chăn nuôi. Những đàn vịt bị mắc một số bệnh truyền nhiễm như phó thương hàn, viêm gan và bệnh do các khuẩn (aspergillosis), là những bệnh truyền nhiễm qua trứng cho nên không lấy trứng để ấp. Về mặt chăn nuôi những cơ sở sản xuất trứng ấp cần phải có đủ vịt đực giống theo tỷ lệ của mỗi giống để đảm bảo tỷ lệ trứng có phôi. Sau đây là những yêu cầu cần được đề ra đối với trứng ấp: Trứng và vịt con
Những yêu cầu chung.
Trứng vịt để ấp phải được lấy từ các cơ sở chăn nuôi có đủ những yêu cầu về sản xuất trứng ấp. Trên thực tế những quả trứng đó được lấy từ những đàn vịt sinh sản có lứa tuổi qui định như sau : tuổi bắt đầu đẻ của vịt Bắc Kinh vịt Anh Đào và vịt ta (bầu) không thấp hơn 7 tháng. Tuổi bắt đầu đẻ của vịt tàu (vịt cỏ) không thấp hơn 6 tháng.
Trứng phải sạch và không được rửa sau khi nhặt ở chuồng về. Trứng vịt để ấp không để lẫn với trứng đã loại ra không ấp, không để lẫn với trứng của các gia cầm khác (gà, ngỗng…). Trứng của giống nào để riêng giống ấy.
Không chọn đưa vào ấp những trứng giập vỡ, trứng quá nhỏ, quá to, trứng bẩn, trứng dị hình, trứng bảo quản quá thời gian qui định (quá 7 ngày), trứng có phẩm chất xấu, trứng của đàn vịt mái không thả vịt đực.
Ở các cơ sở giống cấp I và cấp II cần tẩy trùng trứng ấp bằng cách xông hơi focmon ngay khi nhặt trứng ở chuồng về.
Chất lượng trứng vịt ấp
Trứng vịt để ấp phải đạt các chỉ tiêu chất lượng sau đây:
Chỉ tiêu | Dặc điểm cần đạt |
1. Vỏ | Sạch sẽ, không sần sùi, không có mầm vôi trên vỏ trứng, không có vết rạn nứt. Những vết bẩn nhỏ do dính phân hoặc đất phải chùi khô. |
2. Hình dáng | Cân đối, không được quá tròn, quá dài hoặc méo mó. |
3. Khối lượng | Vịt cỏ (tàu): từ 5g – 75 g
Vịt ta (bầu): từ 62g – 85g Vịt Bắc Kinh : từ 70 – 90g |
4. Trạng thái buồng khí | Buồng khí ở đầu to của quả trứng. |
5. Lòng đỏ | Lòng đỏ có màu thẩm và di chuyển chậm. |
6. Lòng trắng | Đặc, trong suốt, không có máu hoặc dị vật lẫn vào (trứng xấu thường đứt dây chằng, khi soi thấy chuyển động nhanh và chìm xuống dưới). |
Cần loại bỏ không đưa vào ấp những quả trứng to quá bé quá, tròn quá, dài quá, méo mó, vỏ sần sùi, rạn nứt, quá bẩn, buồng khí ở đầu nhỏ hoặc bên cạnh. Độ cao buồng khí thay đổi theo thời gian bảo quản, càng để lâu buồng khí càng rộng (do nước trong trứng thoát ra ngoài qua các lỗ của vỏ trứng). Trứng có buồng khí nhỏ là trứng mới nên mới chọn để ấp. Khay để trứng vịt ấp
Bao gói, vận chuyển và bảo quản trứng ấp
Vịt bao gói và vận chuyển đúng qui cách sẽ làm giảm sự giập vỡ và tăng tỷ lệ ấp nở, phải bao gói cẩn thận và vận chuyển nhẹ nhàng.
Việc bảo quản từ khi trứng được đẻ ra đến khi đưa vào ấp tốt nhất là 5 ngày và lâu nhất là 7 ngày. Nếu kéo dài thờ gian bảo quản quá 7 ngày thì tỷ lệ chết phôi sẽ cao.
Nhiệt độ bảo quản trứng vịt để ấp tốt nhất là 15-20°c Không nên bảo quản ở nhiệt độ 28°c trở lên. Độ ấm không khí trong phòng bảo quản trứng ấp từ 65-75%.