23/05/2018, 14:53

Phòng bệnh cho cua biển

Cua cũng như các loài thủy sản khác sống ở trong nước, nên nước là môi trường sống của cua, nếu môi trường nước biến đổi bất lợi đến mức cua không thể thích ứng được thì chúng mắc bệnh và có thể dẫn đến chết. Những yếu tố môi trường : nhiệt độ nước, độ pH, oxy hòa tan trong nước, các yếu tố hóa ...

Cua cũng như các loài thủy sản khác sống ở trong nước, nên nước là môi trường sống của cua, nếu môi trường nước biến đổi bất lợi đến mức cua không thể thích ứng được thì chúng mắc bệnh và có thể dẫn đến chết.

Những yếu tố môi trường : nhiệt độ nước, độ pH, oxy hòa tan trong nước, các yếu tố hóa học như kim loại nặng (chì, thủy ngân… và các chất độc kể cả khí hòa tan) do nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt, biến đổi quá giới hạn, đều là các tác nhân gây bệnh cho cua. Nhiệt độ nước cao trên 30°C có thể làm cho cua giảm sức chịu đựng, độ pH dưới 5 hoặc cao quá 9,5 có thể làm cho cua yếu hoặc chết; hàm lượng oxy hòa tan trong nước xuống thấp lmg/Ịít có thể làm cho cua bị ngạt. Các chất độc trong nước thải cao có thể làm cua chết.

Kỹ thuật nuôi không phù hợp, mật độ quá cao, chăm sóc quản lý kém, vận chuyển xa và lâu làm cua yếu, không thay nước, làm nước bị nhiễm bẩn thức ăn, có thể làm cua yếu, nhiễm bệnh mà chết.

Cua cũng như các loài thủy sản khác bị các sinh vật gây bệnh, xâm nhập cơ thể làm cho cua nhiễm bệnh. Các sinh vật gây bệnh có thể là các loài vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus, và các sinh vật gây hại khác.

Nếu nuôi cua mà để đến lúc cua đã nhiễm bệnh, có nghĩa là sự việc đã muộn. Người nuôi cua đã bị thiệt hại. Vì vậy việc phòng bệnh cho cua là chủ yếu và có ý nghĩa kinh tế rất quan trọng trong nghề nuôi cua.

Giữ gìn môi trường sống trong sạch cho cua nuôi

Như các phần trước đã trình bày, ao đầm nuôi cua phải được xây dựng ở nơi có nguồn nước tốt, không bị ô nhiễm nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt.

Ao đầm, bè (lồng), đăng nuôi cua phải được dọn tẩy. Ao đầm mới hoặc sau một vụ nuôi phải tháo cạn nước, phơi đáy 3-5 ngày nếu nhiều bùn thì vét bớt bùn và rác thối bẩn; rải vôi (CaO) lên khắp đáy ao và mép trong bờ ao : 10kg vôi/100m2. Đối với bè, đăng cọ rửa sạch, nâng lên khỏi mặt nước quét vôi nước đều khắp trong và ngoài bè, đăng, phơi nắng vài ba ngày.

Tăng cường quản lý chăm sóc

Tăng cường quản lý chăm sóc tức là theo dõi kiểm tra, thực hiện tốt nước sạch; thức ăn tốt đầy đủ, con giống tốt.

+ Cua đã thả nuôi trong ao, đầm, chuồng, lồng, cần có chế độ theo dõi chặt chẽ. Hàng ngày, 2-3 lần đi xem, kiểm tra ao đầm, chuồng, lồng, xem xét tình trạng cụ thể và có biện pháp giải quyết kịp thời. Đi thăm ao phải nhẹ nhàng, quan sát cẩn thận tỉ mỷ xem cua có chết hay không, cua hoạt động thế nào. Những lúc cho cua ăn xem xét tình trạng của cua : có nhanh nhẹn đến bắt mồi hay không. Chiều tối và ban đêm cua thường hoạt động mạnh : bơi, bò lên mép nước ở bờ ao, có khi bò lên trên bờ, trên cồn đất giữa ao. Kiểm tra xem thử bờ có bị mội, đăng chuồng, lồng có bị hỏng không.

+ Ba bốn ngày một lần tháo cạn nước ao để quan sát tình trạng của cua, phát hiện cua chết. Bắt 5-10 con cua lên xem tình trạng của chúng, xem cua có nhanh nhẹn, khỏe không. Nếu có gặp tình trạng cua yếu, cua chết thì phải xem xét kỹ, rửa cua cho sạch bùn bẩn, quan sát bên ngoài : mai, yếm, các cơ quan và phần phụ ở đầu, càng, chân bò, chân bơi, lỗ hậu môn, bên trong xem xoang mang. Nếu phát hiện thấy các dấu hiệu của cua mang bệnh thì phải có biện pháp chữa bệnh kịp thời.

Dùng thuốc phòng bệnh cho cua

Cua giống thường phải chọn những con khỏe mạnh, nhưng chúng cũng không tránh khỏi các mầm bệnh mang theo. Vì vậy ao đầm nuôi dù đã được chuẩn bị kỹ nhưng khi đem giống vào nuôi có thể mầm bệnh vào theo, tốt nhất là nên tẩy trùng cho cua.

+ Cho cua đi qua dung dịch có thuốc phòng với một nồng độ thích hợp và thời gian vừa đủ để diệt mầm bệnh mà cua vẫn có thể chịu đựng dược. Có thể dùng các dung dịch sau đây : xanh Malachite 1ppm (một phần triệu tức là một gam bột malachite pha trong một mét khối nước); Formalin 20-30 ppm, Sulfat đồng 2-4 ppm, Treflan 3-5 ppm. Cua giống được rửa sạch để cả dây buộc đem thả vào 1 trong các dung dịch trên trong vòng 20 – 30 phút, đưa ra thả vào ao, đầm, bè nuôi.

+ Cũng có thể dùng thuốc phun vào khắp ao trong một thời gian, kể từ lúc bắt đầu thả cua nuôi : nồng độ thuốc thấp hơn 7-10 lần so với nồng độ dung dịch dùng để tắm cho cua. Chỉ nên dùng với ao nhỏ, mật độ cua thả nuôi cao, những ao đầm lớn không nên dùng vì tốn kém nhiều.

+ Để phòng các mầm bệnh trong thức ăn, nhất là thức ăn tươi sống, ta có thể khử trùng thức ăn trước lúc cho cua ăn. Thức ăn rửa sạch, ngâm qua dung dịch thuốc tím nồng độ 0,5%0 trong 20 – 30 phút, rửa lại bằng nước sạch, cho cua ăn. Nếu có điều kiện nên cho ăn thức ăn nấu chín.

0