23/05/2018, 14:53

Ấp trứng vịt tự nhiên

Vịt mái của các giống vịt đều không biết : riêng vịt mái xiêm (ngan) là biết ấp. Những gia đình nuôi đàn vịt mái nhỏ (từ 20 – 50 con) để tự túc thường dùng gà mái ta, vịt mái xiêm, gà tây hoặc ngỗng để ấp trứng vịt. Một ngan mái quân bình có thể ấp được 12-15 trứng vịt. Một gà mái ta quân ...

Vịt mái của các giống vịt đều không biết : riêng vịt mái xiêm (ngan) là biết ấp.

Những gia đình nuôi đàn vịt mái nhỏ (từ 20 – 50 con) để tự túc thường dùng gà mái ta, vịt mái xiêm, gà tây hoặc ngỗng để ấp trứng vịt.

Một ngan mái quân bình có thể ấp được 12-15 trứng vịt.

Một gà mái ta quân bình có thể ấp được 10-12 trứng vịt.

Một gà tây có thể ấp được trên dưới 20 trứng vịt.

Một ngỗng có thể ấp được khoảng 18 – 20 trứng vịt.

Chọn mái ấp

Mái ấp cần khỏe mạnh, có nhiều lông, cánh rộng, mình mập tròn, chân cao vừa phải và không có lông chân. Những mái khỏe thường lên xuống nhẹ nhàng, khi nằm cánh phủ kín trứng, đảo trứng đều và khéo. Nếu dùng gà tây ấp thì chọn những con đã hết lứa đẻ nhưng còn khỏe mạnh, lông còn dày, ngón chân bình thường, tính nết hiền lành. Tuyệt đối không chọn gà, ngan, ngỗng mắc bệnh hoặc ốm yếu để ấp trứng vịt.

Làm ổ ấp

Ổ ấp có thể làm bằng gỗ, sọt tre hoặc rổ rá v.v… với đường kính là 35-40cm, gà tây và ngỗng : 55-60cm, ngan : 40- 45cm. Dưới đáy ổ cần lót rơm hoặc cỏ khô mềm thành lòng chảo, chiều dài khoảng 5-7cm. Cũng có thể tết bùn rơm cuốn xung quanh, ở giữa lớp rơm mềm rồi làm thành ổ ấp. Trong thời gian gia cầm ấp nếu thấy rơm lót bị bẩn thì phải thay ngay.

Các ổ ấp nến để ở tầm cao khoảng 50-60cm cho gà nhảy lên dễ dàng, chúng đều phải được cố định chắc, tránh cho gia cầm mái khi di chuyển khỏi làm đổ vỡ trứng. Nếu dùng nhiều mái ấp trong cùng một nơi thì cần che kín không cho chúng nhìn thấy nhau và tranh ấp trứng của nhau. Nơi đặt ổ ấp cần thoáng mát, hơi tối và yên tĩnh. Không nên đặt ổ ấp gần bếp đun, nơi có gió lùa, hoặc mưa nắng hắt vào dễ làm trứng bị chết phôi.

Trứng ấp được 7 ngày cần soi để loại trứng không phôi và trứng chết phôi, sau đó có thể dồn trứng lại cho mỗi gia cầm mái có đủ số lượng và bổ sung thêm trứng mới cho các gia cầm mái chưa đủ trứng. (Không được bỏ lẫn với trứng đã ấp).

Chăm sóc gia cầm mái ấp

Ổ ấp nên làm cố định không thay đổi chỗ vì gia cầm mái thường có phản xạ quen chỗ và quen ổ cũ, độn lót phải giữ sạch sẽ, không nên thay nhiều. Nếu có phải thay để vị trí của ổ ấp thì phải làm về ban đêm và làm nhẹ nhàng. Phải theo dõi mái ấp, nếu nó bỏ ổ trở về chỗ cũ thì phải nhốt tạm một hai ngày, hàng ngày thả ra lại bắt lên nhốt nhưng phải làm nhẹ nhàng , nếu không gia cầm mái dễ có phản ứng làm vỡ trứng nhất là đối với ngan.

Hàng ngày mái ấp thường rời tổ đi ăn và thải phân, đối với những con say ấp không chịu rời ổ thì những ngày đầu cần tập cho chúng có thói quen xuống ổ để tránh thải phân vào ổ ấp. Những con say ấp, nhất là gà tây, cần được chăm sóc và cho ăn tốt, uống nước sạch, nếu cần phải bắt chúng ra cho ăn uống và đuổi đi xa chỗ ấp để vận động.

Thức ăn cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng và có nhiều năng lượng (như ngô, thóc), cho ăn thêm thức ăn đạm và rau xanh non.

Sau mỗi lứa ấp, khi gia cầm nở cần sửa lại ổ ấp, thay độn lót làm vệ sinh sạch sẽ chống mò mạt. Ngoài ra cần kiểm tra sức khỏe của mái ấp, bồi dưỡng cho chúng, con nào yếu thì loại bỏ không cho ấp tiếp. Gà tây thường rất ham ấp, bình thường mái có thể ấp 3 tháng liền, có con trên 4 tháng, nhưng ta phải chăm sóc nó đầy đủ, nếu cần hàng ngày còn phải nhồi thức ăn cho nó. Nếu nó không xuống ổ thì phải bắt xuống cho ăn uống, cho đi vận động rồi mới cho lên ổ để ấp.

0