Karl Marx – Người sáng lập Chủ nghĩa Xã hội khoa học
Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 11/6/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Là một triết gia và nhà tư tưởng cách mạng có tầm ảnh hưởng lớn, Karl Marx lại không thể chứng kiến những tư tưởng của ông được hiện thực hóa. Tuy vậy, những tác phẩm của ông đã đặt nền ...
Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 11/6/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Là một triết gia và nhà tư tưởng cách mạng có tầm ảnh hưởng lớn, Karl Marx lại không thể chứng kiến những tư tưởng của ông được hiện thực hóa. Tuy vậy, những tác phẩm của ông đã đặt nền móng lý luận cho chủ nghĩa cộng sản quốc tế hiện đại.
Karl Heinrich Marx sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818 tại Trier, miền tây nước Đức, là con trai của một luật sư thành đạt người Do Thái. Marx học luật tại Bonn và Berlin, đồng thời cũng được tiếp cận tư tưởng của Hegel và Feuerbach. Năm 1841, ông lấy bằng tiến sĩ triết học tại trường Đại học Jena. Năm 1843, sau một thời gian ngắn làm biên tập cho một tờ báo tự do ở Cologne, Marx và vợ của ông là Jenny chuyển tới Paris, cái nôi của những tư tưởng cấp tiến. Tại đây ông trở thành một người cộng sản cách mạng và quen với cộng sự cả đời của ông – Friedrich Engels.
Sau khi bị trục xuất khỏi Pháp, Marx sống hai năm tại Bỉ và tăng cường cộng tác cùng Engels. Họ là đồng tác giả của bản ‘Tuyên ngôn Cộng sản’ – tác phẩm được xuất bản năm 1848 và khẳng định rằng lịch sử tất cả các xã hội đều dựa trên đấu tranh giai cấp, tuy nhiên [những cuộc đấu tranh này] bao giờ cũng kết thúc bằng chiến thắng của giai cấp vô sản.
Năm 1849, Marx chuyển tới London và sống tại đây đến cuối đời. Gia đình ông sống trong nghèo khó một vài năm, nhưng Engels hỗ trợ họ rất nhiều do có điều kiện sung túc hơn. Dần dần Marx thoát khỏi sự biệt lập về chính trị và tinh thần và viết nên bộ tác phẩm quan trọng nhất của mình: ‘Tư bản’ (Das Kapital). Tập đầu tiên của cuốn ‘kinh thánh của giai cấp lao động’ này được xuất bản khi ông còn sống, còn những tập còn lại được Engels biên tập sau khi Marx qua đời.
Trong những năm cuối đời, Karl Marx giảm dần tính sáng tạo cũng như suy yếu về sức khỏe. Ông sống tại các trung tâm điều dưỡng và suy sụp sau cái chết của vợ (1881) cùng một người con gái. Ông qua đời ngày 14 tháng 3 năm 1883 và được mai táng tại nghĩa trang Highgate ở London.