Học giả Trần Trọng Kim
Trần Trọng Kim (1883-1953) Trần Văn Chánh Tản mạn về Trần Trọng Kim qua những trang hồi ký Qua một số tập hồi ký và tài liệu loại khác có được trong tay, tác giả cố gắng trình bày tương đối đầy đủ và khách quan hơn so với quan điểm “chính thống” về nhân vật lịch ...
Trần Văn Chánh
Tản mạn về Trần Trọng Kim qua những trang hồi ký
Qua một số tập hồi ký và tài liệu loại khác có được trong tay, tác giả cố gắng trình bày tương đối đầy đủ và khách quan hơn so với quan điểm “chính thống” về nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim cùng Nội các của ông, từ đó có thể suy nghiệm được những bài học lịch sử hữu ích áp dụng cho hiện tại và tương lai.
Thuộc thế hệ tuổi trên dưới 60 như chúng tôi, ở miền Nam, hễ có quan tâm ít nhiều tới chuyện sách vở thì hầu như không ai không biết đến nhân vật Trần Trọng Kim (1883-1953), một học giả tên tuổi, có thời gian ngắn tham gia chính trị với tư cách Thủ tướng của Đế quốc Việt Nam (1945), và là người tiên phong cho một số công trình biên khảo có giá trị lâu dài thuộc nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau, như Việt Nam sử lược, Nho giáo, Truyện Thúy Kiều…
Khởi đầu sự nghiệp trứ tác từ năm 1914 khi phụ trách mục “Học khoa” trên Đông Dương Tạp Chí,với loạt bài viết có tính giáo khoa về luân lý và về khoa sư phạm học, nếu tính đúng và đủ, Trần Trọng Kim là tác giả của tất cả những công trình đã in thành sách, liệt kê theo thứ tự thời gian như sau: Sơ học luân lý (Nhà in Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1914), Sư phạm khoa yếu lược (Trung Bắc Tân Văn, 1916), Việt Nam sử lược (2 quyển Thượng và Hạ, Trung Bắc Tân Văn, 1919), Truyện Thúy Kiều chú giải (1925, soạn chung với Bùi Kỷ), Quốc văn giáo khoa thư (3 tập: lớp Đồng ấu, lớp Dự bị, và lớp Sơ đẳng), Luân lý giáo khoa thư, Sử ký giáo khoa thư (cả ba loại giáo khoa thư này xuất bản năm 1926, và đều soạn chung với Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, do Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ minh họa), 47 điều giáo hóa của nhà Lê (Trung Bắc Tân Văn, 1928, dịch “Lê triều giáo hóa điều luật tứ thập thất điều” ra tiếng Pháp: Les 47 articles du Catéchisme moral de l’Annam d’autrefois), Nho giáo (Trung Bắc Tân Văn, 1930, ba quyển; sau in gộp lại thành hai quyển, 1932-1033), Việt thi (sao lục và chú giải), Phật lục (NXB Lê Thăng, Hà Nội, 1940), Phật giáo (Tân Việt xuất bản), Vương Dương Minh (1940), Việt Nam văn phạm (Lê Thăng, Hà Nội, 1941, soạn chung với Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ), Tiểu học Việt Nam văn phạm (Tân Việt xuất bản), Phật giáo thủa xưa và Phật giáo ngày nay (Tân Việt, 1953; “Lời mở đầu” của tác giả đề tháng 10.1952), Hạnh thục ca (Tân Việt xuất bản), Đường thi (Tân Việt xuất bản), Lăng ca kinh (Tân Việt, 1964), Một cơn gió bụi (Hồi ký, viết từ năm 1949, xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn do NXB Vĩnh Sơn).
Ngoài những sách đã in chính thức trên đây, Trần Trọng Kim còn có loạt bài biên khảo dài về Đạo giáo (Đạo Lão Tử) đăng nhiều kỳ trên Nam Phong Tạp Chí (từ số 67 năm 1923), chưa xuất bản thành sách. Vũ trụ đại quan và Thiên văn học là 2 công trình biên khảo khác nữa nhưng dường như chỉ ở dạng bản thảo đã bị thất lạc trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp (1946-1954). Quyển đầu thấy tác giả có nhắc qua trong một bức thư gởi Hoàng Xuân Hãn mới được công bố gần đây; còn quyển sau, chỉ được biết qua sự ghi nhận của nhà văn-nhà báo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc trong tập hồi ký Nhớ nơi kỳ ngộ (do Ziên Hồng xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1997). Riêng cuốn Pháp bảo đàn kinhnói là do ông dịch, chúng tôi chỉ thấy giới thiệu sau bìa lưng một quyển sách khác do NXB Tân Việt in năm 1964, nên chưa thể xác định.
Nếu xét trên phương diện đề tài thì tác phẩm của Trần Trong Kim bao quát một phạm vi rất rộng, từ giáo khoa nhiều môn học sang các lĩnh vực Văn, Triết, Sử, Tôn, và đều có tính cách tiên phong đi đầu trên mỗi lĩnh vực học thuật trong giai đoạn chuyển giao từ nền cựu học sang tân học, trong số đó riêng Việt Nam sử lược từ khi ra đời đã được đánh giá là một trong những quyển sử quy mô đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, vừa có phong cách ngắn gọn, súc tích, vừa đầy đủ dễ hiểu, đọc rất hấp dẫn, và được tái bản cho đến nay có đến chục lần.
Điều khá đặc biệt là những cuốn giáo khoa tiểu học nêu trên do ông chủ trì biên soạn đều là những sách viết rất hay, mà một số bài trong đó đến nay lớp người từng học tiểu học khoảng nửa trước thế kỷ XX vẫn còn thuộc nằm lòng. Một số câu, đề bài đã trở thành nhưng câu khẩu ngữ rất quen thuộc: Ai bảo chăn trâu là khổ… Xuân đi học coi người hớn hở... Cách biên soạn đơn giản, dễ nhớ như thế của nhóm soạn giả Trần Trọng Kim rất có giá trị thuyết phục, mà ngày nay có lẽ còn phải phấn đấu học hỏi nhiều nữa giới sư phạm mới có thể vượt lên hơn được.
Trong Việt Nam văn học sử yếu, GS Dương Quảng Hàm xếp Trần Trọng Kim vào chương “Các văn gia hiện đại” cuối sách, ở tiểu mục “Khuynh hướng về học thuật”, chỉ với 3 dòng nhận xét rất ngắn gọn nhưng đủ khái quát hết sự nghiệp học thuật của ông: “Trần Trọng Kim (hiệu Lệ Thần) là một nhà sư phạm đã soạn nhiều sách giáo khoa có giá trị và một học giả đã có công khảo cứu về Nam sử và các học thuyết cổ của Á Đông” (Bộ Giáo dục-Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1968, tr. 450).
Đến Nhà văn hiện đại (4 tập, Tân Dân, Hà Nội, 1942-1945), nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan (1902-1987) xếp Trần Trọng Kim vào “Các nhà văn lớp đầu”, nhóm biên khảo (cùng với Bùi Kỷ, Lê Dư, Phan Khôi, Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh), đã giới thiệu khá tỉ mỉ văn nghiệp của ông (chiếm đến 30 trang giấy). Đặc biệt giới thiệu, phân tích, phê bình một cách tập trung, chi tiết vào 3 quyển Việt Nam sử lược, Nho giáo và Việt Nam văn phạm. RiêngViệt Nam sử lược, Vũ Ngọc Phan cho rằng “tuy gọi là ‘lược’ nhưng cũng đủ được mọi việc trong thời kỳ đã qua của nước nhà và đáng coi là một bộ sách giá trị” (NXB Văn Học-Hội Nghiên Cứu Và Giảng Dạy Văn Học TP. HCM, 1994, tập I, tr. 181). Rồi đi tới một kết luận chung cho toàn bộ sự nghiệp biên khảo của Trần Trọng Kim: “Đọc tất cả các văn phẩm của Trần Trọng Kim, người ta thấy tuy không nhiều, nhưng quyển nào cũng vững vàng chắc chắn, không bao giờ có sự cẩu thả.
“Ông có cái khuynh hướng rõ rệt về loại biên khảo; chỉ đọc qua nhan đề các sách của ông, người ta cũng có thể thấy ngay: hết lịch sử, đến đạo Nho, đến đạo Phật, rồi lại đến mẹo luật tiếng Việt Nam. Ông là một nhà giáo dục, nên những sách của ông toàn là sách học cả.
“Văn ông là một thứ văn rất hay, tuy rất giản dị mà không bao giờ xuống cái mực tầm thường; lời lời sáng suốt, giọng lại thiết tha như người đang giảng dạy. Lối văn ấy là lối văn của một nhà văn có nhiệt tâm, có lòng thành thật” (sđd, tr. 208-209).
Lại đến Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ, tập III, phần Văn học hiện đại 1862-1945 (Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1965), nhà nghiên cứu văn học rất tài hoa uy tín này tiếp tục xếp Trần Trọng Kim vào hàng ngũ các nhà biên khảo tiêu biểu của giai đoạn 1907-1932, chung với Phan Kế Bính (1875-1921), Nguyễn Hữu Tiến (1874-1941) (hai tác giả đã được Vũ Ngọc Phan xếp vào nhóm Đông Dương Tạp Chí và nhóm Nam Phong Tạp Chí) và Phan Khôi (1887-1959). Phạm Thế Ngũ gọi Trần Trọng Kim là nhà giáo dục mới, lần lượt điểm qua các tác phẩm tiêu biểu, trước khi đi đến nhận định tổng quát có thể bổ sung được cho sự đánh giá của hai nhà vừa nêu trên: “Ở Trần Trọng Kim ta thấy một đặc điểm là mặc dù sớm theo Tây học, lại sang cả Pháp du học, song ông đã có với văn hóa Đông phương một mối kính cẩn sâu xa. Có thể nói ông chủ trương bảo tồn, thủ cựu hơn cả Phạm Quỳnh. Về đường trước tác thì có thể nói ông đã thực hiện đúng cái đường lối… là đem tất cả cái gia tài văn hóa của ông cha mà bàn giao lại cho thế hệ mới… Tuy có Tây học song ông tự đặt mình vào phái cũ, đem cái phương pháp mới học được của Tây học mà làm những công trình bàn giao ấy cho được rõ ràng hơn hoàn bị hơn. Sự phối hợp giữa một phương pháp biên khảo mới mẻ và một kho kiến thức phong phú cộng thêm vào một thiện chí theo đuổi “cúc cung tận tụy” đã khiến cho những công trình của ông có một giá trị vững bền và đặt ông vào hàng đầu các nhà biên khảo ở giai đoạn này.
“Về hành văn thì ông có một lối văn đặc biệt bình dị… Không ưa những hình ảnh cao kỳ, lối sắp đặt đối ngẫu, sự bay bổng hay hào hoa, chỉ muốn dùng cách thông thường nhất dễ hiểu nhất, để dẫn giải ôn tồn cho người ta hiểu. Văn bình đạm song có khí có lực, cũng như con người vậy” (tr. 301-302).
Trần Trọng Kim, còn có bút hiệu Lệ Thần, sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ (nay là Xuân Phổ, trước thuộc tổng Đan Hải), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Vũ Ngọc Khánh, họ Trần của Trần Trọng Kim là một họ lớn ở Đan Phổ (lúc đầu gọi Đan Phố, sau theo cách phát âm mới đọc Phổ), cụ thân sinh ra Trần Trọng Kim là Trần Bá Huân, có tham gia phong trào Cần Vương. Em gái ông tên Trần Thị Liên là một cán bộ Xô Viết, hoạt động năm 1930 (mất năm 1964). Ngoài ra, ông còn có người con gái hiện đang ở Pháp (xem “Bàn thêm về Trần Trọng Kim”, Tạp chí Văn Hóa Nghệ An, 26.11. 2009). Riêng vợ ông là em gái nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ.
Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, ông học chữ Hán từ nhỏ. Năm 1897, học chương trình Pháp ở Trường Pháp-Việt Nam Định. Năm 1900, thi đỗ vào Trường thông ngôn, tốt nghiệp năm 1903. Năm 1904, làm Thông sự ở Ninh Bình.
Ít ai biết rõ thuở hàn vi của Trần Trọng Kim ra sao, vì ngay trong tập hồi ký viết cuối đời, cuốn Một cơn gió bụi (tên phụ “Kiến văn lục”, NXB Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969), cũng không thấy kể. Chỉ biết ông nhà nghèo, nên năm 1906 mới nhờ bạn học cũ là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) giúp, khi ông Vĩnh được nhà nước bảo hộ Pháp giao trách nhiệm tổ chức đi dự cuộc Hội chợ Marseille ở Pháp (hồi đó gọi là “đấu xảo”), sắp xếp cho ông đi theo với tư cách thợ khảm, mà thật ra mục đích chính chỉ để tranh thủ ở lại Pháp học thêm: “Thì mục đích mình là kiếm đường du học, chứ tôi có biết khảm khiếc gì đâu!” (Lãng Nhân, sđd., tr. 84).
Từ đó ông trải qua học trường Thương mại ở Lyon, rồi được học bổng vào trường Thuộc địa Pháp. Năm 1909, vào học trường Sư phạm Melun, tốt nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 1911 rồi về nước, do học bổng của mọi sinh viên lúc đó đột nhiên bị bãi. Sau đó, lần lượt dạy ở Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm.
Ông là nhà giáo mẫu mực, có uy tín trong xã hội, từng giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh tra các trường tiểu học Pháp-Việt (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách giáo khoa Tiểu học (1924), giáo viên Trường Sư phạm thực hành (1931), Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1933). Ngoài ra ông còn là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức và Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ. Bắt đầu về hưu năm 1942 khi vừa tròn 60 tuổi.
Theo sự kể lại của Lãng Nhân, một người được Trần Trọng Kim coi là bạn trẻ khá thân thiết, thì ông người vóc đậm nên trông hơi thấp, nước da ngăm ngăm, đi đứng khoan thai vững vàng, tuy gốc Nghệ Tĩnh nhưng ở Bắc lâu nên giọng nói nhẹ nhàng. Thấy ông là nhà giáo đạo mạo, lại chuyên viết những công trình nghiêm túc gần như giảng đạo, ít ai nghĩ Trần Trọng Kim là người có óc trào lộng, thích kể chuyện tiếu lâm, và cũng theo Lãng Nhân cho biết, cuốn sách nhỏ do nhà Ích Ký phố Hàng Giấy xuất bản năm 1910, có những chuyện “xứ Nghệ” xem vỡ bụng cười, đều do ông Trần kể lại với tác giả Thọ An, tức Phạm Duy Tốn (1883-1924), một nhân vật trọng yếu của nhóm Nam Phong.
Tính ông vui vẻ, cởi mở, xuềnh xoàng dễ gần và không quan cách, kể cả khi sau này ở địa vị đứng đầu chính phủ, như có lần chào tạm biệt một nhà báo khi nhà báo này vừa làm xong cuộc phỏng vấn: “Ta cũng là anh em, trước ông biết tôi là Kim nay cứ gọi Kim, xin đừng xưng hô kiểu cách” (xem Nguyễn Duy Phương, Lịch sử độc lập và nội các đầu tiên Việt Nam, Hà Nội, 1945, tr. 33).
Có những chi tiết rất lý thú về nền nếp sinh hoạt hằng ngày của ông. Cũng theo Lãng Nhân, “Sở dĩ ông thực hiện được những tác phẩm có giá trị cả về phẩm lẫn lượng, là nhờ sự kê cứu tỉ mỉ công phu cùng đức tính cần cù, nhẫn nại và cương quyết ít thấy ở ai khác. Thật vậy, nhà ông, trên lầu, riêng một căn làm thư phòng, giữa kê một bàn giấy lớn, sách vở bày trên từng chồng xếp đặt ngay ngắn, bên đèn bên quạt điện, trước bàn là một ghế bành gỗ gụ không có nệm. Điều khác thường là bao nhiêu đó được vây kín trong một khung hình lớn lúc nào cũng buông xùm xụp để tránh muỗi. Mỗi ngày cơm chiều xong là ông tản bộ đi chơi, đi thăm hỏi bạn bè, khi chuyện trò trong hội Khai Trí, nhưng nghiêm luật bất di bất dịch là đúng 10 giờ đêm, dù mưa gió bão bùng, thế nào ông cũng có mặt nơi ‘bàn mùng’ để căm cụi dùi mài cho đến 2 giờ sáng” (sđd., tr. 84-85).
Trần Trọng Kim, chính khách bất đắc dĩ?
“Một cơn gió bụi” nổi lên bao trùm hoàn hải trong bối cảnh cuộc Chiến tranh thế giới thứ II đến hồi quyết liệt đã làm cho cuộc đời nhà giáo-nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim không còn được êm ả cách tương đối như trước. Người Nhật, kéo vào Đông Dương từ những năm 40, với nhiều ý đồ có sẵn trong mối quan hệ tranh quyền với Pháp, đã bắt đầu cho người ve vãn, tìm cách lui tới làm quen, lấy cớ để hỏi han ông những kiến thức liên quan các vấn đề văn hóa, lịch sử. Việc này Trần Trọng Kim đã thuật lại khá rõ trong tập hồi ký cuối đời, mà gần đây đã được đưa lên mạng Internet nên rất dễ tìm đọc. Ngay từ chương đầu, thái độ sống và lập trường chính trị của ông đã được bộc lộ khá rõ:
“Sau 31 năm làm việc trong giáo giới…, đến năm 1942 mới được về hưu. Tưởng thế là được nghỉ ngơi cho trọn tuổi già. Bởi vì trong một đời có nhiều nỗi uất ức sầu khổ về tình thế nước nhà, về lòng hèn hạ đê mạt của người đời, thành ra không có gì là vui thú. Một mình chỉ cặm cụi ở mấy quyển sách để tiêu khiển…
“Năm Quý Mùi (1943) là năm trăng mờ gió thảm, tiếng chiến tranh inh ỏi khắp hoàn cầu, toàn xứ Ðông Dương bị quân Nhật Bản tràn vào, họa chiến tranh mỗi ngày một lan rộng. Dân Việt Nam bị đói kém đau khổ đủ mọi đường, lại căm tức về nỗi nước nhà suy nhược phải bị đè nén dưới cuộc bảo hộ trong sáu bẩy mươi năm, cho nên ai cũng muốn nhân cơ hội ấy mà gây lại nền độc lập đã mong mỏi từ bao lâu.
“Tôi là một người nước Việt Nam, lẽ nào lòng tôi lại không rung động theo với dịp rung động của những người ái quốc trong nước? Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, lòng người ly tán, nhiều người lại muốn lợi dụng cái tiếng ái quốc để làm cái mối tư lợi cho mình, vì vậy mà tôi chán nản không dự vào đảng phái nào cả, mà cũng không hành động về phương diện chính trị…
“Trong khi nước Pháp đang bị cái nạn chiến tranh, người Pháp đối với người Việt Nam không đổi thái độ chút nào, mà người Nhật thì lại muốn lợi dụng lòng ái quốc của người Việt Nam để quyến dụ người ta theo mình…
“Nước Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Ðông, nhưng về sau đã theo Âu hóa, dùng những phương pháp quỷ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ… Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp”, nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình. Bởi vậy chính sách của họ thấy đầy những sự trái ngược, nói một đàng làm một nẻo. Cái chính sách ấy là chính sách bá đạo rất thịnh hành ở thế giới ngày nay. Dùng lời nhân nghĩa để nhử người ta vào tròng của mình mà thống trị cho dễ, chứ sự thực thì chỉ vì lợi mà thôi, không có gì là danh nghĩa cả.
“Trong hoàn cảnh khó khăn ấy tôi phải nén mình ngồi yên. Song mình muốn ngồi yên mà người ta không để cho yên. Hết người này đến nói chuyện lập hội này, người khác đến nói chuyện lập đảng nọ. Ðảng với hội gì mà tinh thần không có, sự tổ chức chẳng đâu ra đâu thì càng nhiều đảng và hội bao nhiêu lại càng thêm rối việc bấy nhiêu, chứ có ích gì? Bởi vậy đối với ai, tôi cũng lấy lòng ngay thẳng mà đáp lại, nhưng không đồng ý với ai cả” (Một cơn gió bụi, NXB Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969, tr. 9-12).
Về lập trường chính trị như vừa nêu trên, nhất là đối với sự can thiệp ngày càng thô bạo của Nhật ở Đông Dương, chúng ta còn được biết rõ thêm qua vài đoạn nêu trong tập hồi ký của Bùi Diễm (sinh năm 1923, con trai Bùi Kỷ), một người cháu gọi vợ ông bằng cô ruột (gọi ông bằng chú, nói theo miền Nam là dượng rể): “Lúc này tôi thường xuyên trú ngụ ở nhà ông chú tôi (tức Trần Trọng Kim-TVC), nơi ông cụ tôi (tức cụ Bùi Kỷ- TVC) và ông chú tôi đang hợp sức viết sử. Tôi thường ăn cơm cùng cả ông cụ lẫn ông chú. Trong bữa cơm tối cả ba chúng tôi thường bàn luận về hành động của Nhật. Theo ông cụ và ông chú tôi thì người Nhật không hề thật tâm muốn giúp đỡ người Việt. Hành vi tàn ác của Nhật đã được các báo chí Pháp đăng tải thật chi tiết. Hơn nữa mật vụ Kempeitai của Nhật (tức hiến binh Nhật-TVC) đã khét tiếng là tàn ác. Người Nhật vốn có tinh thần kỷ luật cao. Khi họ đã bước chân vào việc gì thì rất ít khi chịu làm việc nửa vời. Ông cụ và ông chú tôi cho rằng hợp tác với Nhật lúc này hãy còn sớm quá” (Gọng kềm lịch sử, Cơ sở Phạm Quang Khai, Paris, 2000).
Việc dàn cảnh bắt Trần Trọng Kim đưa đi giấu sẵn ở Chiêu Nam Đảo (tức Singapour do Nhật chiếm đóng) để chuẩn bị cho một mưu đồ tương lai, lấy cớ là để bảo vệ ông thoát khỏi sự rình rập bắt bớ của mật thám Pháp, cũng đã được kể rõ trong chương tiếp theo của tập hồi ký Một cơn gió bụi, nhưng để tóm tắt hơn và có phần khách quan hơn, xin trích dẫn thêm vài đoạn kể tiếp sau của Bùi Diễm:
“Vào một buổi sáng tự dưng có một sinh viên đứng tuổi người Nhật tên Yamaguchi đến nhà xin được phép nói chuyện với ông chú tôi. Yamaguchi diễn tả rất lưu loát bằng tiếng Pháp rằng ông đang nghiên cứu sử Việt Nam và đến tìm ông chú tôi để thỉnh cầu giúp đỡ. Yamaguchi cho biết ông đang tìm hiểu về một giai đoạn đặc biệt trong triều đại Nhà Nguyễn.
“Từ đó Yamaguchi thường xuyên lui tới (…). Tuy chẳng làm cách nào rõ được ý đồ của Yamaguchi, chúng tôi biết rõ là ông đến với ý định khác (…), chắc chắn chẳng liên quan gì đến các triều đại Nhà Nguyễn. Trong khi đó Yamaguchi cũng xuất hiện tại nhiều nơi khác….Ông liên lạc với các giáo sư, nói về tình huynh đệ giữa những người Á, về việc giúp đỡ lẫn nhau dành lại chủ quyền. Ông cũng nhắc nhở, hô hào “Người Á, đất Á” và cố đề cao vai trò của Nhật trong các phong trào giúp đỡ, giao hảo với người Việt.
(…)
“Mặc dầu ông chú tôi vẫn chăm chỉ viết sách, cuộc sống của ông thực sự đã thay đổi rất nhiều vào năm vừa qua. Những biến chuyển chính trị dồn dập đã đẩy ông phần nào ra khỏi tư thế khách quan trong vấn đề tranh đấu cho độc lập. Lúc này ông khách sinh viên Yamaguchi đến thăm viếng ông chú tôi thường xuyên hơn bao giờ hết. Hơn nữa, cả mật thám Pháp cũng đã giám sát cẩn mật nơi cư ngụ và các hành động của ông chú tôi.
“Tuy đã biết rành rọt mọi chuyện mà vào một hôm đến chơi tôi vẫn bàng hoàng khi được bà mợ cho biết tin chú tôi không còn ở nhà nữa. “Chú phải lên đường đi xa,” mợ tôi tiếp tục cho thêm tin “vì mật vụ Pháp rình rập và đã lên đường đi Singapore cùng ông Yamaguchi rồi” (Gọng kềm lịch sử, sđd.).
Chuyến đi đó, khởi đầu từ ngày 27.10. 1943 và chính thức xuống tàu thủy ngày 1.1.1944, cùng với một người bạn nữa cũng cảnh ngộ bị “bắt cóc” vào chung chỗ hiến binh Nhật như ông là cụ Dương Bá Trạc (1884-1944), nằm trong dự mưu do người Nhật khéo tác động và dẫn dắt, đối với Trần Trọng Kim được coi là một chuyến đi định mệnh, hướng cuộc đời ông vào một ngả rẽ hoàn toàn không chủ động, nếu không muốn nói gần như trái hẳn với lập trường chính trị ban đầu của ông. Tuy nhiên, có nhiều khả năng trong quá trình tiếp xúc sau này với các đại diện Nhật Bản ở Chiêu Nam Đảo và những nơi khác, Trần Trọng Kim đã được người Nhật tìm cách rỉ tai vận động để gieo cho ông mầm mống hi vọng về tương lai độc lập-canh tân xứ sở dưới sự bảo trợ của họ, nhưng điều này thì Trần Trọng Kim vẫn kín miệng không thấy kể ra trong hồi ký. Dù sao, mưu đồ của Nhật cũng đã quá rõ, không mấy cần phải có thêm tài liệu để chứng minh.
Sau khoảng một năm trải qua cuộc sống chờ đợi buồn tẻ ở Chiêu Nam Đảo, Dương Bá Trạc đã mất tại đây vào ngày 11 tháng 12 năm 1944 (nhằm 26 tháng 10 năm Giáp Thân) vì bệnh ung thư phổi, thi hài được Nhật tổ chức hỏa táng đem về nước. Lúc này chỉ còn một mình Trần Trọng Kim ở lại với vài người khác do Nhật đã đưa qua sẵn trước đó, để đến ngày 16.1.1945 thì được bố trí đi Băng Cốc (Thái Lan) cùng với Đặng Văn Ký, một thành viên chủ chốt của đảng Phục Quốc thân Nhật.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, vào lúc 21 giờ, sau khi bị Toàn quyền Pháp Decoux tìm cách trì hoãn yêu sách do đại sứ Nhật tại Đông Dương Shunichi Matsumoto đưa ra trong một tối hậu thư đã trao chỉ trước đó 2 giờ, đòi Pháp phải đặt toàn bộ quân đội và bộ máy cai trị thuộc địa dưới quyền điều khiển của mình, Tổng tư lịnh Nhật Yuichi Tsuchihashi đã ra lệnh mở màn cuộc đảo chánh lật đổ chế độ thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Bị tấn công bất ngờ vì chưa hề hay biết trước, quân pháp thất thế trên khắp cả ba kỳ Nam, Trung, Bắc và chỉ chống trả một cách yếu ớt rồi đầu hàng ngay trong ngày hôm sau. Toàn thể quan chức đầu não của Pháp đều bị bắt giam, kể cả Toàn quyền Decoux, một số khác cùng quân lính phải bỏ chạy thoát thân sang Lào hoặc Trung Quốc.
Việc đảo chánh, Nhật đã chuẩn bị kỹ sẵn trước, nên chỉ từ 9 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau, toàn cõi Việt Nam rơi vào tay Nhật, cả thực dân Pháp và thường dân, công chức đều bất ngờ. Tình cảnh của họ lúc đó lao đao, nhưng nhờ tính rộng lượng cố hữu của người dân Việt, nên cũng không đến đỗi quá bi thảm: “… Các nhà chuyên môn Pháp được tiếp tục làm việc… Một vài kĩ sư Pháp mon men tới sở, bị đánh… Sau tôi nghe nói một số người Pháp ở miền Tây trốn vào bưng, không bị dân chúng đánh đập, giam giữ, tố cáo; có người còn giúp đỡ lương thực, che chở cho họ nữa. Ở Nam này như vậy, mà có lẽ ở Bắc, Trung cũng không khác mấy…. Có người bảo người Việt nào cũng có một ông Phật ở trong lòng, câu ấy đúng” (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học, 1993, tr. 233-234).
Ngày 10.3.1945, lúc 11 giờ, Đại sứ Nhật ở Huế là Masayuki Yokoyama vào gặp vua Bảo Đại giải thích tình hình, tuyên bố “trao trả độc lập cho Việt Nam để cùng nhau xây dựng khối Đại Đông Á thịnh vượng”, đề nghị vua ra tuyên bố độc lập và chuẩn bị thành lập chính phủ mới trên cơ sở hợp tác dưới sự bảo trợ của Nhật.
Ngay hôm sau, ngày 11. 3.1945, triều đình Huế tuyên bố bãi bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, nước Việt Nam được quyền thu hồi độc lập (dưới bản tuyên bố ký tên vua Bảo Đại cùng toàn thể Cơ mật viện, đứng đầu là Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh).
Tờ chiếu tuyên bố độc lập có đoạn viết: “Theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: Kể từ ngày hôm nay, Hòa ước Bảo hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một Quốc gia độc lập!”
Ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và một vài thành phố lớn, do sự sách động của các nhóm thân Nhật, một số người xuống đường rầm rộ để tri ân quân đội Nhật hoàng, nhưng quảng đại quần chúng thì đều tỏ vẻ thờ ơ lạnh nhạt với phong trào “độc lập” do Kempeitai (Hiến binh) và quân đội Nhật dựng nên. Ngày 17.3.1945, ở các hương thôn, lý trưởng được lệnh tổ chức dân chúng mừng ngày độc lập tại các đình làng: “Cửa đình mở rộng, trước sân đình có cờ, chuông, trống, như ngày cúng Thần. Hội đồng xã chỉ lưa thưa có mấy ông. Dân chúng chẳng ai đến cả, trừ một số chức việc có phận sự trong làng. Đến giờ, chuông trống nổi dậy, hương xã làm lễ tế Thần. Lý trưởng đọc lời ‘tuyên cáo độc lập’. Y như một bài văn tế. Xong, chiêng trống tiếp tục và buổi lễ chấm dứt không đầy 30 phút. Không một tiếng vỗ tay. Không một lời hoan hô. Các ông làng xã, khăn đen áo dài khệ nệ như trong các đám cúng Thần theo nghi lễ cổ truyền, lặng lẽ đóng cửa đình sau khi dọn dẹp” (Nguyễn Vỹ, Tuấn – chàng trai nước Việt, Quyển II, Sài Gòn, 1970, tr. 513).
Cũng trong ngày 17.3.1945, Bảo Đại ban bố Đạo dụ số 1 theo đó nhà vua sẽ đích thân cầm quyền và chế độ chính trị mới sẽ quản lý đất nước theo khẩu hiệu “Dân vi quý” (dân trên hết), chỉnh đốn lại quốc gia, đồng thời kêu gọi các bậc hiền tài ra giúp nước.
Ngày 18.3.1945, biểu tình lớn tại Sài Gòn để mừng độc lập, cảm ơn Nhật, và đón rước di hài nhà cách mạng Dương Bá Trạc đưa từ Chiêu Nam (Singapore) về (theo Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua 1945-1964-Việc từng ngày, Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1966, tr. 5).
Một ngày sau, giải tán Cơ mật viện gồm 6 quan chức tối cao của triều đình nhà Nguyễn do Phạm Quỳnh đứng đầu.
Để chuẩn bị nội các mới, Bảo Đại hai lần gởi điện vào Sài Gòn mời Ngô Đình Diệm ra Huế, nhưng cả hai bức điện đều bị tình báo Nhật cố ý ngăn chặn, nêu giả lý do Ngô Đình Diệm cáo bệnh không ra Huế được, vì thật ra phương án sắp đặt cho hoàng thân Cường Để (1882-1951) lên ngôi vua và Ngô Đình Diệm (1901-1963) giữ chức thủ tướng trước đó không lâu đã bị giới lãnh đạo quân sự Nhật hủy bỏ, do không muốn gây nhiều xáo trộn, để thay vào bằng kế hoạch Bảo Đại-Trần Trọng Kim cũng được chuẩn bị sẵn từ hơn một năm trước.
Ngày 30.3.1945, Nhật cho người bố trí đưa Trần Trọng Kim từ Băng Cốc về Sài Gòn, lấy cớ Tư lệnh bộ ở Sài Gòn mời về để “hỏi việc gì về lịch sử” (Trần Trọng Kim, sđd., tr. 42). Đến nơi viên trung tướng tham mưu trưởng thuộc Bộ tư lệnh Nhật mới cho hay Phạm Quỳnh và các thượng thư cũ đã từ chức, vua Bảo Đại mời ông cùng với các ông Hoàng Trọng Phu, Vũ Ngọc Oánh, Trịnh Bá Bích, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Cẩm về Huế hỏi ý kiến.
Thấy tên mình mà không có tên Ngô Đình Diệm, Trần Trọng Kim hỏi viên trung tướng: “Tôi không có hoạt động gì, và không có phe đảng nào cả. Gọi tôi về Huế không có ích lợi gì. Xin cho tôi ra Hà Nội thăm nhà và uống thuốc”. Viên trung tướng trả lời: “Đó là ý của vua Bảo Đại muốn hỏi ông về việc lập chính phủ mới, ông cứ ra Huế rồi sẽ biết” (sđd., tr. 43).
Ngày 2.4.1945, Nhật bố trí cho Trần Trọng Kim đáp xe lửa ra Huế. 19 giờ rưỡi ngày 5.4 xe lửa đến Huế, lát sau ông đã được gặp lại vợ con có sẵn ở đó, nói là đang trên đường ra Hà Nội định xin phép qua Xiêm tìm ông, nhưng sự tình cờ kỳ lạ này đã khiến có người suy diễn nhiều khả năng chính người Nhật đã sắp đặt sẵn sao đó.
Những thay đổi giai đoạn cuối trong sự sắp xếp nhân sự cho bộ máy cai trị mới này, cả Bảo Đại, Cường Để, Ngô Đình Diệm đều không hay biết. Duy Trần Trọng Kim có được người Nhật rỉ tai riêng cho biết hay không thì đây vẫn còn là một điểm nghi vấn, vì không thấy ông hé môi kể ra trong tập hồi ký, nhưng khả năng này là rất lớn, vì từ hôm ở Băng Cốc về Sài Gòn, chiều nào viên đại úy ở Bộ tư lệnh Nhật cũng mời ông đến ăn cơm và nói chuyện, có khi nói chuyện đến một hai giờ khuya. “Mấy ngày như thế, đến chiều hôm mùng hai tháng tư, đại úy đưa tôi ra xe lửa còn ngồi nói chuyện đến lúc xe chạy” (Trần Trọng Kim, sđd., tr. 46).
Ngày 7.4.1945, Trần Trọng Kim vào yết kiến Bảo Đại. Theo như lời kể của ông trong tập hồi ký thì ông tìm cớ thoái thác việc đứng ra lập chính phủ, lấy lý do già yếu, không có đảng phái và không hoạt động chính trị, rồi đề nghị dùng “người đã dự định từ trước, như Ngô Đình Diệm chẳng hạn” (sđd., tr. 49) nhưng Bảo Đại cho hay đã gọi mà không thấy Ngô Đình Diệm về. Nhà vua không ép, chỉ yêu cầu ông ở lại Huế nghỉ ít lâu, xem thế nào rồi hãy ra Bắc. Có lẽ lúc này vua vẫn còn tiếp tục ngóng tin Ngô Đình Diệm, đâu có dè rằng kịch bản Cường Để-Diệm đã bị cánh tướng lãnh Nhật bác bỏ, nên tìm cách ngăn chặn hai bức điện liên lạc của Bảo Đại, giữa lúc ông Diệm đang ở Sài Gòn trong một tâm trạng đợi chờ thấp thỏm!
Đợi tin Ngô Đình Diệm lâu không được, Bảo Đại sốt ruột quyết định mời Trần Trọng Kim vào làm việc lần thứ hai, thuyết phục thành lập nội các. Xin trích tiếp đoạn hồi ký, qua đó vừa thấy được nội dung cuộc trao đổi giữa hai người, vừa luôn thể biết qua thành phần nội các do ông Trần đề nghị và được Bảo Đại chuẩn y ngay:
“Vua Bảo Ðại thấy tình thế kéo dài mãi cũng sốt ruột, triệu tôi vào bảo tôi chịu khó lập chính phủ mới.
“Ngài nói:
“Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước”.
Tôi thấy vua Bảo Ðại thông minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng:
“Nếu vì quyền lợi riêng tôi không dám nhận chức gì cả, xong ngài nói vì nghĩa vụ đối với nước, thì dù sao tôi cũng cố hết sức. Vậy xin ngài cho tôi vài ngày để tôi tìm người, hễ có thể được tôi xin tâu lại.
Xuân Hãn để tìm người xứng đáng làm bộ trưởng. Nguyên tắc của tôi định trước là lựa chọn những người có đủ hai điều kiện. Một: phải có đủ học thức và tư tưởng về mặt chính trị, hai: phải có đức hạnh chắc chắn để dân chúng kính phục…
“Có một điều nên nói cho rõ, là trong khi tôi chọn người lập chính phủ lúc ấy, người Nhật Bản không bao giờ hỏi tôi chọn người này người kia. Tôi được hoàn toàn tự chủ tìm lấy người mà làm việc. Và tôi đã định từ trước rằng nếu người Nhật can thiệp vào việc trong nước thì tôi thôi ngay, không làm nữa.
Ðến ngày cuối cùng tôi chọn được đủ người rồi kê rõ danh sách các bộ trưởng như sau:
– Trần Trọng Kim, giáo sư, Nội các Tổng trưởng
– Trần Ðình Nam, y sĩ, Nội vụ Bộ trưởng
– Trần Văn Chương, luật sư, Ngoại giao Bộ trưởng
– Trịnh Ðình Thảo, luật sư, Tư pháp Bộ trưởng
– Hoàng Xuân Hãn, toán học thạc sĩ, Giáo dục và Mỹ nghệ Bộ trưởng
– Vũ Văn Hiền, luật sư, Tài chánh Bộ trưởng
– Phan Anh, luật sư, Thanh niên Bộ trưởng
– Lưu Văn Lang, kỹ sư, Công chính Bộ trưởng
– Vũ Ngọc Anh, y khoa bác sĩ, Y tế Bộ trưởng
– Hồ Bá Khanh, y khoa bác sĩ, Kinh tế Bộ trưởng
– Nguyễn Hữu Thí, cựu y sĩ, Tiếp tế Bộ trưởng.
“Chừng mười giờ sáng ngày 17 tháng tư năm 1945, tôi đem danh sách ấy vào trình vua Bảo Ðại. Vào đến nơi, tôi thấy ông Yokohama, tối cao cố vấn Nhật, đã ngồi đó rồi. Ông thấy tôi vào liền hỏi: “Cụ đã lập thành chính phủ rồi à?”. Tôi nói: “Vâng, hôm nay tôi đem danh sách các bộ trưởng vào tâu trình hoàng thượng để ngài chuẩn y”.
“Tôi đệ trình vua Bảo Ðại, ngài xem xong phán rằng: “Ðược”. Khi ấy ông Yokohama nói: “Xin cho tôi xem là những ai”. Ông xem rồi, trả lại tôi và nói: “Tôi chúc mừng cụ đã chọn được người rất đứng đắn”. Sự thực là thế, chứ không như người ta đã tưởng tượng là người Nhật Bản bắt tôi phải dùng những người của họ đã định trước” (sđd., tr. 50-53).
Ngoài các bộ trưởng đã nêu trong danh sách, bộ máy chính phủ Trần Trọng Kim còn lần lần được bổ sung, gồm có:
– Phan Kế Toại (1892-1992), Tổng đốc, Khâm sai Bắc Bộ (sau giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)
– Nguyễn Văn Sâm, Nhà báo, Khâm sai Nam Bộ (được cử theo Đạo dụ 108 ngày 14.8.1945, sau bị ám sát ngày 10.10. 1947)
– Trần Văn Lai, Bác sĩ, Đốc lý Hà Nội (sau giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà Nội)
– Đặng Văn Hướng (1887-1954), Phó bảng, Tổng đốc Nghệ An (sau giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh-Tĩnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)
– Vũ Trọng Khánh (1912-1996), Luật sư, Đốc lý Hải Phòng (sau giữ chức Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời)
– Kha Vạng Cân (1908-1982), Kỹ sư, Đô trưởng Sài Gòn (sau giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)
Qua sự trình bày ở trên, có thể thấy ngày càng rõ hơn việc đưa Trần Trọng Kim đứng ra lập nội các cho Bảo Đại trước sau đều do người Nhật đạo diễn một cách khéo léo để dẫn dụ Trần Trọng Kim vào “tròng”. Được cái, cả họ và vua Bảo Đại đều không can thiệp sâu theo kiểu cơ cấu sẵn các thành phần nhân sự cấp bộ trưởng, như lối quy hoạch, cơ cấu nhân sự chặt chẽ bây giờ. Nhờ vậy Trần Trọng Kim đã có được sự chủ động trong việc tìm chọn nhân tài thích hợp theo quan niệm của mình.
Tuy nhiên, theo luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986), một thành viên chủ chốt của Nội các, Trần Trọng Kim “không tin ở sự thành thật của nhà cầm quyền người Nhật và lo ngại bị lôi cuốn vào những biến cố có hại cho tương lai xứ sở”, nhưng ông Trịnh đã thuyết phục được ông Kim nhận lời yêu cầu của Bảo Đại với lý do “phải gấp rút thành lập chính phủ Việt Nam độc lập để đặt các lực lượng Đồng minh, nhất là Pháp, trước một tình trạng pháp lý không thể đảo ngược bằng lời tuyên cáo hủy bỏ các hiệp ước bảo hộ…, tuyên cáo Việt Nam độc lập và thống nhất”. Ngoài ra ông Thảo còn cho biết Trần Trọng Kim đã được một chính khách Thái Lan là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Pridi Banomyong chia sẻ kinh nghiệm “bắt cá hai tay” (jouer sur les deux tableaux) để có thể tồn tại như Thái Lan, đại khái bằng cách song song với phe thân Nhật, Thái Lan cần dự bị sẵn một lực lượng chính trị khác hợp tác với Đồng minh để tránh cho Thái Lan bị liệt vào phe thua trận khi Thế chiến II kết thúc. Vị chính khách này còn khuyên Trần Trọng Kim “hãy nắm lấy độc lập mà không theo Nhật” (Trịnh Đình Khải, Décolonisation du Vietnam: Un Avocat Témoigne, Paris, 1994, tr.62, dẫn lại theo Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995, Tiên Rồng, USA, 2004, tr. 52-53).
Nói gì thì nói, về mặt lịch sử, vẫn phải công nhận Nội các vừa thành lập ngày 17.4.1945 là chính phủ đầu tiên của Việt Nam theo nghĩa hiện đại, và Trần Trọng Kim đã trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, dù chỉ mới độc lập trên danh nghĩa. Tham gia Nội các của ông đều là các nhà trí thức tên tuổi, có trình độ học vấn cao, nhiệt tâm, trong sạch và yêu nước, nhưng tất cả đều thiếu hẳn kinh nghiệm quản lý và nhất là sự lọc lõi chính trị trong thời loạn.
“Trừ Thủ tướng Trần Trọng Kim, chỉ có bằng cấp Trung học, chư quý vị bộ trưởng toàn có những bằng cấp to lớn: nào thạc sĩ bác sĩ, tiến sĩ luật khoa v.v. cả. Người dân Việt mừng thầm khi đọc danh sách nội các… Nhưng…” (Bùi Nhung, Thối nát, Sài Gòn, 1965, tr. 50).
Về thái độ của quần chúng trước việc thành lập nội các mới, nhìn chung các thành phần trí thức (gồm cả sinh viên học sinh) đều nao nức phấn khởi đón luồng gió mới, một số khác dè dặt chờ đợi, vì thấy vẫn còn lệ thuộc Nhật. Nhóm Thanh Nghị đứng đầu là Vũ Đình Hòe thậm chí từ ngày 20.4.1945 còn có hẳn một chương trình riêng gọi là TÂN VIỆT NAM HỘI để ủng hộ Chính phủ (xemHồi ký Vũ Đình Hòe, NXB Hội Nhà Văn, 2004, tr. 166-167).
Phấn khởi tiếp đón luồng gió mới độc lập vừa vớ được, ông Nguyễn Duy Phương còn cho ra hẳn một tập sách mỏng chuyên đề lấy tên Lịch sử độc lập và Nội các đầu tiên Việt Nam, do Việt Đông Xuất Bản Cục xuất bản tại Hà Nội khoảng nửa tháng sau khi Nội các thành lập, để bày tỏ sự ủng hộ tích cực, bằng cách trích đăng khá đầy đủ và hệ thống những tin tức, bài phỏng vấn các vị bộ trưởng liên quan các mặt hoạt động cùng chủ trương mới của Nội các, với lời hô hào nêu rõ: “Chỉ hợp quần mới gây nên sức mạnh… Chúng ta hãy đem hết tài năng sĩ, nông, công, thương ra thực dụng. Để giải quyết những vấn đề quan trọng, để tiếp tế, cứu tế cho đỡ nỗi thống khổ đồng bào nghèo đói! Và để giữ vững đất đai thế nào là độc lập của Việt Nam một cách bất diệt”*.
Một số đảng phái quốc gia như Đại Việt (ở Hà Nội), Phục Quốc, Việt Nam Quốc Gia Độc Lập (ở Sài Gòn), Tân Việt Nam (ở Huế) đều ủng hộ Nội các Trần Trọng Kim và được Nhật khuyến khích.
Riêng dân chúng ở các vùng nông thôn thì vẫn thờ ơ với chính trị.
Thế rồi đến ngày 8.5.1945, Nội các Trần Trọng Kim mới chính thức tổ chức lễ ra mắt quốc dân tại Dinh Tổng trưởng (tòa Khâm sứ Trung Kỳ cũ). Đầu tiên đọc bản Tuyên chiếu của Hoàng đế Bảo Đại về việc thành lập Nội các: “Trẫm đã lựa chọn khắp nhân tài trong nước, kén lấy những người có học thức, có kinh nghiệm để đương việc nước trong buổi bây giờ. Trẫm chắc rằng chư khanh sẽ làm chức vụ không phụ lòng trẫm ủy thác và lòng dân kỳ vọng. Điều cần nhất là phải gây sự đồng tâm hiệp lực trong toàn thể quốc dân. Phải đoàn kết chặt chẽ các giai từng xã hội và luôn luôn giữ một mối liên lạc giữa chính phủ và nhân dân (…)” (Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, NXB Mai Lĩnh, Sài Gòn, 1954, tr. 24).
Sau đó, Nội các đưa ra bản tuyên cáo khẳng định nền độc lập mới có được sau 80 năm bị Pháp áp chế, cám ơn Nhật Bản đã ra tay “giải phóng”, kêu gọi quốc dân ra sức đoàn kết, gây mạnh tinh thần yêu nước trong mọi giai tầng xã hội, “tìm mọi cách để các chính khách còn phiêu lưu được trở về tổ quốc, xóa bỏ những hình án bất công, để những người ái quốc còn bị giam cầm trong lao ngục có thể tùy tài sức mà tham dự vào công cuộc kiến thiết quốc gia”; chăm lo việc cứu đói, định lại thuế khóa cho công bằng; đặt những cơ quan để liên lạc mật thiết giữa chánh phủ với dân chúng; thống nhất pháp luật trong toàn quốc và tránh sự lạm quyền, tiệt trừ nạn tham nhũng; rèn luyện lớp thanh niên mới có khí khái có nghề nghiệp; chú trọng nâng cao trình độ sinh hoạt của dân chúng. “Chúng tôi xin tuyên thệ với quốc dân đem hết tâm trí để theo đuổi mục đích duy nhất là xây đắp nền độc lập nước nhà, không tư vị cá nhân hay đảng phái. Chúng tôi chắc rằng mọi người trong quốc dân cũng một lòng vì nước, giữ thái độ bình tĩnh và tuân theo kỷ luật, để làm hết phận sự. Mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu” (nguyên văn bản tuyên cáo này có in trong phần phụ lục Một cơn gió bụi, sđd., tr. 192-195).
Kế hoạch đặt ra đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, Chính phủ Trần Trọng Kim tiếp quản bộ máy cai trị của Pháp, thông qua sự thu xếp bàn giao lại của Nhật, đã hoạt động trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Theo nhà sử học Pháp Philippe Devillers, có hai điểm trở lực căn bản nhất, đó là sự thiếu chín muồi về chính trị của dân chúng và quyền ngăn cấm của người Nhật: “Quyền cấm cố của Nhật là rất nặng nề, cả về kế hoạch chính trị lẫn kế hoạch kinh tế và quân sự” (Histoire du Viêt Nam de 1940 à 1952, Éditions du Seuil,1952, tr. 128). Ngoài ra, còn nhiều nỗi khó khăn cụ thể và trực tiếp khác: bộ máy quan lại thực dân nửa phong kiến đã thối nát quá lâu; nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc từ tháng 3.1945 vì mất mùa và một phần quan trọng vì chính sách nông nghiệp thời chiến do Pháp-Nhật gây ra làm cả triệu người chết, thây phơi đầy đường; bom đạn do quân Đồng minh Anh, Mỹ đổ xuống phá nát các cơ sở hạ tầng làm cho công tác cứu đói của Bộ Tiếp tế càng trở nên khó khăn trầy trật; Nhật ngày càng thua đậm trong trận Thế chiến (nhất là sau hai lần bị ném bom nguyên tử trong các ngày 6 và 8.8.1945); Pháp lăm le tái chiếm Đông Dương bằng mọi giá; thiếu sự hậu thuẫn tinh thần của quảng đại quần chúng, trong khi đó, hoạt động của Việt Minh, được chuẩn bị từ lâu và một cách khéo léo, có sách lược hẳn hoi, đang ngày càng tăng mạnh với chủ trương đánh đổ cả Pháp-Nhật lẫn chính quyền phong kiến giành độc lập, được nhân dân nhiều nơi trên khắp cả ba miền đất nước hưởng ứng. Nội các Trần Trọng Kim lâm vào thế bị động và ngày càng lúng túng, phải chấp nhận từ chức, tiếp theo là việc thoái vị của cả vua Bảo Đại vì áp lực của cao trào cách mạng.
Liên quan việc Nội các Trần Trọng Kim từ chức, cả hai tài liệu Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim và Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc của Phạm Khắc Hòe (NXB Hà Nội, 1983) đều phản ảnh những thông tin cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau về một số chi tiết và ngày tháng. Đại khái, trước những diễn biến phức tạp của thời cuộc và xu hướng quần chúng-trí thức ngã theo Việt Minh, nội bộ Chính phủ Trần Trọng Kim đã bắt đầu có những dấu hiệu phân hóa về sự lựa chọn chủ trương, đường lối.
Được biết, trong khoảng thời gian này, Vũ Đình Hòe (1912-2011), người đứng đầu nhóm Thanh Nghị, cùng chí hướng với hai bộ trưởng Vũ Văn Hiền và Phan Anh (1912-1990), ban đầu rất tích cực ủng hộ Chính phủ Bảo Đại-Trần Trọng Kim, nay thấy không ổn, bắt đầu có những cuộc tiếp xúc với người của Việt Minh, thậm chí còn được đại diện của Việt Minh là Dương Đức Hiền (1916-1963) kết nạp vào Đảng Dân chủ. Trong tập Hồi ký Vũ Đình Hòe (NXB Hội Nhà Văn, 2004), ông cho biết: “Trước ngày 17 [tháng 6.1945] tôi đã gặp hai anh Phan Anh và Vũ Văn Hiền, trao đổi nhận định về tình hình. Tôi cho hai anh biết tâm trạng của anh em trí thức ngoài Bắc giảm sút lòng tin đối với Chính phủ [Trần Trọng Kim], một số coi như Chính phủ bất lực rồi, còn dân chúng thì số đông ở thành phố trước sau vẫn thờ ơ, một số dân quê ngày càng đông ngưỡng mộ Việt Minh. Tôi thành thực thổ lộ với hai anh có lẽ nên dự bị ‘một hướng suy nghĩ khác’ cho kịp thời chuyển” (tr. 183).
Trong một cuộc họp Nội các (Phạm Khắc Hòe nói ngày 3.8.1945) ở Dinh Tổng trưởng, cả ba bộ trưởng Hồ Tá Khanh (1908-1996), Trần Đình Nam (1896-1974), Nguyễn Hữu Thí đều đề nghị Nội các nên rút lui để nhường quyền lãnh đạo cho Mặt trận Việt Minh càng sớm càng tốt, may ra mới cứu được đất nước. Nội dung đề nghị này, cả ông Hòe lẫn ông Kim đều trình bày giống nhau trong tập hồi ký của mỗi người. Nhưng về phản ứng của Nội các Tổng trưởng trước đề nghị rút lui, mỗi người lại kể khác nhau.
Theo sự mô tả của Phạm Khắc Hòe thì ông Kim tỏ vẻ gay gắt, trách các bộ trưởng thiếu t
- 1 Bình Ngô đại cáo
- 2 Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung (1861-1941)
- 3 Lịch sử và hoàn cảnh Tây Tạng
- 4 Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991
- 5 Cần nhận thức mới về nhà Nguyễn
- 6 Cuộc vây hãm thành Vienna
- 7 Vì sao Trung Quốc thiết lập giàn khoan trong vùng biển Việt Nam?
- 8 Về sự kiện Nguyễn Ánh đến Côn Đảo năm 1783
- 9 Từ Ghi Chép Về Vương Thúy Kiều Trong Minh Sứ Đến Truyện Kiều Của Nguyễn Du
- 10 Lý Thường Kiệt đánh Tống