18/06/2018, 15:54

Lý Thường Kiệt đánh Tống

Trần Việt Bắc Những biến cố liên quan đến sử Việt Nam Đây là giai đoạn quan trọng trong sử Việt, một chiến tích oai hùng của tộc Việt: tấn công vào lãnh thổ của Hán tộc. Những diễn biến này đã được các sử gia, các học giả viết khá nhiều. Độc giả có thể đọc thêm chi ...

21_DaiViet_Campaign

 Trần Việt Bắc

Những biến cố liên quan đến sử Việt Nam

Đây là giai đoạn quan trọng trong sử Việt, một chiến tích oai hùng của tộc Việt: tấn công vào lãnh thổ của Hán tộc. Những diễn biến này đã được các sử gia, các học giả viết khá nhiều. Độc giả có thể đọc thêm chi tiết trong những bộ sử đang được lưu hành, cùng các bài viết liên quan đến sự việc. Vì thế người viết chỉ xin tóm tắt, cộng thêm việc vẽ lại bản đồ để ghi lại các địa danh, với phiên âm Hán- Việt để độc giả tiện việc truy cứu, hay tìm hiểu thêm về chiến trường giữa hai triều Lý và Tống.

Từ khi nhà Lý lên ngôi, Lý và Tống triều đã có nhiều tranh chấp về ảnh hưởng và quyền lực trên các khê động của các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt – Trung. Các lãnh tụ của các sắc tộc này không theo hẳn về Lý hay Tống. Để có thể lôi kéo các động (làng hay bản) theo mình – cho việc mở rộng lãnh thổ- nhà Lý đã áp dụng một chính sách rất khôn khéo là gả các công chúa cho các lãnh chúa của các sắc tộc vùng này (37), vì thế một số động đã theo về phía nhà Lý.

Trước khi có việc nhà Lý mang đại quân đánh Tống, đã có những lần Việt quân sang đánh Quảng Tây từ thời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn):

ĐVSKTT viết: “Ất Mùi, /Ứng Thiên/ năm thứ 2 /995/ Mùa xuân năm ấy, Chuyển vận sứ Lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Châu Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực rồi đi. Mùa hạ năm ấy, châu Tô Mậu nước ta lại đem 5 nghìn hương bình xâm lược Ung Châu nước Tống, bị Đô tuần kiểm Dương Văn Kiệt đánh phải trở về” (38) .

Rồi những lần Lý triều mang quân vượt biên giới sang “tảo thanh” vùng này. ĐVSKTT đã ghi lại như sau:

” Nhâm Tuất, [Thuận Thiên] năm thứ 13 [1022]. Xuống chiếu cho Dực Thánh Vương (41) đi đánh Đại Nguyên Lịch. Quân ta [9b] đi sâu vào trại Như Hồng trong đất Tống, đốt kho đụn ở đó rồi về (Xét: Trại Như Hồng nước Tống giáp với trấn Triều Dương nước ta.)” (42)

” Kỷ Hợi , [Chương Thánh Gia Khánh] năm thứ 1 [1059], (Tống Gia Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 3, đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc”.

“Canh Tý, [Chương Thánh Gia Khánh] năm thứ 2 [1060], (Tống Gia Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái đi bắt những binh lính bỏ trốn vào đất Tống, bắt được chỉ huy sứ là Dương Bảo Tài và quân lính, trâu ngựa đem về”.

Thời Tống Thần Tông (Triệu Húc 趙頊 1068-1085), tể tướng Vương An Thạch (Wang Anshi 王安石), một chính trị gia nổi tiếng của Trung Quốc, với những đường lối canh tân khác với truyền thống. Ông đưa ra những chính sách đổi mới, với mục đích phụng sự vương quyền nhà Tống, điều này đã làm nhân dân ta thán. Triều Lý đã biết rõ những cải cách mà Vương An Thạch muốn làm. Đặc biệt là chủ trương mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc về phương nam. ĐVSKTT: “Vương An Thạch nhà Tống cầm quyền, tâu [với vua Tống] rằng nước ta bị Chiêm Thành đánh phá. Quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động , đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với nước ta”.

Để đề phòng việc xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ, Lý triều đã ra tay trước để hủy diệt việc chuẩn bị nam chinh của nhà Tống.
Ai đã chủ trương việc đánh Tống? Nhân Tông Lý Càn Đức (sinh tháng Giêng năm 1066) con của Ỷ Lan hoàng thái phi. Lý Thánh Tông băng hà năm 1072, Thái tử Càn Đức lên ngôi là Lý Thần Tông khi mới 7 tuổi. Ba năm sau là năm 1075, nhà Lý đánh Tống khi vua Thần Tông được 10 tuổi. Ỷ Lan Hoàng thái phi (41) lúc này là Linh Nhân Hoàng thái hậu nhiếp chính. Đại quan của triều Lý là “Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An” (ĐVSKTT). Vậy việc chủ trương đánh Tống phải do người đang nhiếp chính là thái hậu Linh Nhân (42) , với những sự đồng thuận của các đại tướng như Lý Thường Kiệt (43) và Tôn Đản (44) của triều Lý. Tháng 11 năm 1075, nhà Lý đưa quân đánh Tống. ĐVSKTT viết: “Vua biết tin, sai Lý Thường Kiệt, Tông (Tôn) Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh. Quân thủy, quân bộ đều tiến”.

Quân Đại Việt chia làm hai đạo, thủy quân do Thái uý Lý Thường Kiệt làm thủ lãnh, lục quân do đại tướng Tôn Đản chỉ huy.
Lục quân của tướng Tôn Đản chia quân làm ba đường, tấn công vào những trại quân Tống ở Quảng Tây gần biên giới Việt Trung, là các tiền đồn của Ung châu:

Từ châu Quảng Nguyên (Cao Bằng), quân Đại Việt tiến đánh chiếm Long Châu (Longzhou 龍州) và phủ Thái Bình (Taiping 太平) (45) , sau đó tiến đến Ung châu, chuẩn bị hợp với các đạo quân khác tấn công thành này.

Từ châu Tô Mậu ( Quảng Yên), Việt quân tiến đánh trại Cổ Vạn và Thượng Tứ (Shangsi 上思), sau đó tiến về Ung châu.

Đại quân từ châu Quảng Lăng (cũng gọi là Lạng Châu, vùng Lạng Sơn) vượt ải Phá Lũy (Ải Nam Quan) đánh chiếm trại Vĩnh Bình , châu Tư Minh (46) , đạt chiến thắng đễ dàng, tướng Tôn Đản kéo quân vây Ung châu để chuẩn bị đánh thành.

Thủy quân từ vùng biển Đồ Sơn vịnh Hạ Long men theo các đảo dọc bờ biển. Quân Đại Việt tiến qua trấn Như Hồng (47) (kế biên giới Việt Trung) để đánh Khâm châu (Qinzhou 欽州), nơi này thất thủ. Sau đó tiến đánh Liêm châu (48) (Lianzhou 廉州), châu này cùng số phận với Khâm châu. Hai châu Khâm và Liêm không có sức chống trả nào đáng kể. Sau một tuần, quân Đại Việt tiến lên phía bắc, phụ với lục quân của Tôn Đản đánh Ung châu, là nơi có sức chống trả cực kỳ mãnh liệt của dân quân thành Ung, do quan thủ thành là Tô Giám (49) trấn giữ. 

Tháng 12 năm 1075, thành Ung đã bị bao vây bởi Việt quân của Lý Thường Kiệt và Tôn Đản. Tô Giám đã can đảm và kiên trì chống lại những đợt tấn công của quân Đại Việt, hy vọng có viện binh đến giải vây. Nhà Tống được tin thành Ung bị vây đánh, sai Trương Thủ Tiết (張守節) mang quân từ thị trấn Liễu châu (Liuzhou 柳州) đến cứu, nhưng họ Trương đã bị tử thương ngày 4 tháng giêng năm1076 tại ải Côn Luân (Kunlun 崑崙). Thành Ung thất thủ dưới sự tấn công kịch liệt của Việt quân.

ĐVSKTT viết về biến cố này như sau: ” Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn, phá tan được, chém Thủ Tiết tại trận. Tri Ung châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bèn bị hạ. Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. người trong thành cảm ân nghĩa của Giám, không một người nào chịu hàng, giết hết hơn 5 vạn 8 nghìn người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 10 vạn. Bọn Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về.”

Việt quân sau khi đã hạ thành Ung, với mục đích phá hủy kế hoạch chuẩn bị nam chinh của Tống triều (?), đã không tiến đánh thêm những vùng khác, hay chiếm đóng các vùng quân Tống đã thất thủ. Việt quân đã kéo toàn bộ lực lượng trở về Đại Việt để chuẩn bị cho cuộc phục thù của nhà Tống (đã xảy ra hai tháng sau là tháng 4 năm 1076).

Ghi chú: 

(37) Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn , quyển 1 (1/5): “Dưới Lý triều dân các khê động Việt – Hoa lục đục với nhau, một phần do Lý triều sui dục do mục đích bành trướng cương thổ … . Để thực hiện mưu mở rộng bờ cõi, nhà Lý cho họ Thân 1 (Ghi chú 1: Họ Thân vốn thuộc họ cũ là Giáp. Khê động của họ Thân gọi là Động – Giáp do tên họ của tù trưởng) châu mục ở động Giáp ba đời cái vinh dụ làm phò mã vì động Giáp giữ một địa điểm rất trọng yếu về quân sự. Nó cần đường lớn từ Ung châu tới nước ta và có hai ải rất hiểm trở: Ải Quyết Ly (Nv: Ải Nam Quan ngày nay) kề phía bắc Ôn châu và ải Giáp Khẩu tức Chi Lăng ở phía nam”.

ĐVSKTT: ” Kỷ Tỵ, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2 [1029]. Tháng 3, ngày mồng 7, gả công chúa Bình Dương cho châu mục châu Lạng là Thân Thiệu Thái”…

“Bính Tý, [Thông Thụy] năm thứ 3 [1036]… Tháng 3, gả công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong là Lê Tông Thuận.
Mùa thu, tháng 8, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai là Hà Thiện Lãm.

Nhâm Tuất, /Anh Vũ Chiêu Thắng/ năm thứ 4 [1082] , (Tống Nguyên Phong năm thứ 5). Mùa xuân, gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Vị Long là Hà Di Khánh”.

(38) ĐVSKTT viết tiếp như sau: “Vua Tống lại sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho vua. Khi Nhược Chuyết đến, vua ra đón ngoài giao, có ý ngạo mạn không làm lễ để tỏ ra cao quý khác thường, bảo Nhược Chuyết rằng: “Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên dánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt322 , há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi?” . Nói xong mới cuối đầu tạ lỗi”.

(39) Một trong các con của Lý Thái Tổ Công Uẩn

(40) Ghi chú trong ĐVSKTT, quyển 1, trang 246, ghi chú số 6: “Cương mục dẫn Khâm Châu chí nói trại Như Hồng ở phía tây Khâm Châu, giáp với trấn Như Tích, cách châu Vĩnh An của nước ta 20 dặm (CMCB2, 23b). Châu Vĩnh An tên cũ là trấn Triều Dương (đổi năm 1023), nay là đất huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh”.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM hoặc viết tắt là ” Cương mục”): “Lời chua – Như Hồng và Như Tích: Sách Thanh Nhất thống chí chép: trấn Như Hồng và trấn Như Tích đều ở về phía tây Khâm Châu, thuộc phủ Liêm Châu, tỉnh Quảng Đông” (Ghi chú của người viết: vùng đất này được sát nhập vào tỉnh Quảng Tây đầu thế kỷ 20).

Từ ghi chú này, người viết đoán đây là thị trấn Phòng Thành (Fengcheng 防成), gần bờ biển, gần phía tây nam Khâm châu ngày nay.

(41) ĐVSKTT: “Quý Mão, [Chương Thánh Gia Khánh] năm thứ 5 [1063], (Tống Gia Hựu năm thứ 8)…. phong làm Ỷ Lan phu nhân….. Đinh Dậu, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 8 [1117]….. Mùa thu, tháng 7, ngày 25, Ỷ Lan hoàng thái hậu băng”. Ỷ Lan phu nhân vào cung khoảng 18 tuổi (1063), phỏng đoán bà sinh năm 1045. Làm Hoàng thái hậu năm 1073. Năm 1075 khi đánh Tống bà khoảng 30 tuổi.

(42) Độc giả có thể đọc thêm về Linh Nhân hoàng thái hậu – một bậc nữ lưu anh kiệt của tộc Việt – trong các bộ sử đang lưu hành, như “Việt Sử Toàn Thư” hay ” Việt Sử Tân Biên”.

(43) Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, ông là hoạn quan.

(44) Người viết không thấy sử Việt viết về xuất xứ của Tôn Đản, hy vọng sẽ tra cứu sau. Tuy nhiên có nhiều tài liệu đã lẫn lộn giữa Tôn Đản và (Nùng) Tôn Đán. Tống sử đã ghi lại của tên hai nhân vật này rõ ràng.

Tống sử quyển 487: “Ngoại quốc truyện, Giao-chỉ, Đại Lý” viết tên của Tôn Đản là: ” 宗亶”. Tôn Đản là đại tướng của Đại Việt mang quân đánh Tống.

Tống sử, quyển 495 “Man-di truyện, Quảng-nguyên châu …” viết tên của (Nùng)Tôn Đán là: “宗旦”, động chủ (quan thổ ty) của Lôi Hoả động đã theo Tống. Nguyên văn: “侬氏又有宗旦者,知雷火洞,…”, phiên âm Hán Việt: “Nông thị hựu hữu Tôn Đán giả , tri Lôi Hỏa động”.

(45)Thái Bình phủ Sùng Tả huyện ngày nay (Chongzuo 崇左市), khoảng giữa đường từ ải Nam Quan đến Nam Ninh (Ung châu)

(46)Trại Vĩnh Bình, châu Tư Minh gồm vùng đất thuộc thị xã Bằng Tường (Pingxiang 凭 祥) và thị trấn Ninh Minh (Ningming 宁明)

(48) Xin coi ghi chú số 42

(48) Liêm châu cũng gọi là Hợp Phố (Hepu 合浦)

(49) ĐVSKTT viết là Tô Giám (Người viết dùng danh xưng này). Tống sử quyển 446 viết là Tô Giam (囌緘).Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, trang 111 viết là Tô Đam. Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn trang 217 viết là Tô Giàm

Nguồn bài đăng 

0