18/06/2018, 15:54

Về sự kiện Nguyễn Ánh đến Côn Đảo năm 1783

Nguyễn Thanh Lợi Trường Cao đẳng Sư phạm TW TP.HCM Nguyễn Ánh có ra đến Côn Đảo hay không, lâu nay là vấn đề thu hút sự quan tâm tìm hiểu của các nhà sử học. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, cả chính sử lẫn trong dã sử hoặc giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài ...

con dao

Nguyễn Thanh Lợi

Trường Cao đẳng Sư phạm TW TP.HCM

Nguyễn Ánh có ra đến Côn Đảo hay không, lâu nay là vấn đề thu hút sự quan tâm tìm hiểu của các nhà sử học. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, cả chính sử lẫn trong dã sử hoặc giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhưng các tài liệu cho thấy, việc Nguyễn Ánh đã đặt chân đến Côn Đảo năm 1783 là điều khó có thể xảy ra trên thực tế.

Côn Đảo là hòn đảo nào?

Côn Đảo xưa có tên là Pulao Kunder do người Mã Lai đặt. Pulao có nghĩa là đảo,[1] Kunder là bầu bí (courge). Pulao Kunder là hòn bầu, hòn bí (Ile des courge), có lẽ do ở đây trước kia người ta trồng nhiều bầu bí. Vào năm 1285, bọn giặc Tàu Ô đến chiếm quần đảo Côn Lôn để làm sào huyệt, nhận thấy đảo nào ở đây cũng có núi, nên gọi là K’ouen louen, phiên âm là Côn Lôn.[2] Người Việt thì gọi quần đảo này là Hòn Rắn (Ile des serpents) vì trên đảo có nhiều loài rắn.[3]

Trong Nguyên sử, tên biển lớn Hỗn Độn là cách phiên âm từ tên Condore [Pulo Condore/ Kundor], tên này hồi thời Đường được Giả Trầm ký âm là Quân Đột Lộng Sơn. Trong Đảo Di chí lược viết theo cách phiên âm khác là Quân Đồn hoặc Côn Lôn. Đảo Di chí lược, mục Côn Lôn viết là Côn Lôn Dương. Nguyên sử-Sử Bật truyện còn viết là Hỗn Độn Đại Dương, là vùng biển quanh đảo Côn Lôn.[4]

Chân Lạp phong thổ ký của Chu Đạt Quan có nhắc đến Côn Lôn trong chuyến đi sứ sang Chân Lạp vào năm 1296:”Nước Chân Lạp, hoặc gọi là Chiêm Lạp, nước ấy tự

gọi là Cam Bột Trí. Nay thánh triều dựa vào các kinh Tây phiên, gọi tên nước ấy là Cảm Phố Chỉ, cũng là gần âm với Cam Bột Trí. Từ Ôn Châu đi ra biển theo hướng kim định vị, đi qua những cửa biển các châu bở biển Mân, Quảng, quá biển Thất Châu, đi qua biển Giao Chỉ, đến Chiêm Thành xuôi gió chừng nửa tháng đến Chân Bồ, đó là biên giới của nước ấy. Lại từ Chân Bồ đi theo hướng kim khôn thân, qua biển Côn Lôn vào cảng”.[5]

Minh sử, quyển 324, Liệt truyện 212, về nước Tân Đồng Long có đoạn chép về Côn Lôn Sơn và Côn Lôn Dương, vùng núi/biển được cho là nơi thuộc Tân Đồng Long:”Nước Tân Đồng Long nối tiếp đất Chiêm Thành.[…lược một đoạn về sản vật, phong tục…]. Có núi Côn Lôn, đứng chơ vơ giữa biển lớn, trông xa như cùng Chiêm Thành và Đông-Tây Trúc làm thành thế chân vạc. Núi này cao rộng bằng phẳng, biển [quanh núi] gọi là Côn Lôn Dương. Những người đi Tây Dương phải đợi lúc thuận gió, bảy ngày đêm mới băng qua nơi này được, người đi thuyền có câu ngạn ngữ rằng:”trên sợ Thất Châu, dưới sợ Côn Lôn, la bàn lạc hướng bánh lái hư gãy, thuyền cùng người không còn” núi này không có sản vật lạ. Người ở đây sống theo hang ổ, ăn trái cây, cá tôm, không làm nhà cửa giếng bếp gì cả”.[6]

Sách Giả Đam ký chép lại trong Tân Đường thư nói núi Kiun D(T)’ou cho là tên phiên âm Kundur (Condore).[7]

Tự vị An Nam Latinh (1772-1773) ghi:”Hòn Côn Nôn: đảo Pulo Condor”.[8] Còn trong Dictionarium Anamitico-Latinum (1838) chép:”hòn Côn nôn, insula Pulocondor”.[9]

Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép về quần đảo này như sau: “Ngoài biển phủ Bình-thuận thì có núi gọi là Côn-lôn, rộng mấy dặm, cũng nhiều yến sào. Ở ngoài nữa có núi gọi là cù lao Khoai, trước có nhiều hải vật và hóa vật của tàu, lập đội Hải-môn để

lấy. Cửa biển phủ Gia Định có núi gọi là Côn-lôn. Phía ngoài biển trấn Hà Tiên có núi gọi là Đại Côn-lôn có dân cư”.[10]

Theo bản dịch Phủ biên tạp lục của Nguyễn Khắc Thuần thì:”Ngoài biển của dinh phủ Bình Thuận có hòn núi tên là Côn Luân[11] (cù lao Phú Quý), rộng đến mấy dặm, cũng có nhiều yến sào. Ở phía ngoài (Côn Luân) cũng có núi tên là cù lao Phương. Xưa có nhiều hóa vật (của thuyền buôn bị đắm) ở cửa biển nên lập đội Hải Môn để đi nhặt.

Ngoài cửa biển phủ Gia Định có hòn núi tên là Côn Luân.

Ngoài cửa biển trấn Hà Tiên cũng có hòn núi tên là Đại Côn Luân, có dân ở đó”.[12]

Trong đoạn sử này, cù lao Phú Quý (huyện Phú Quý, Bình Thuận nay), Côn Lôn (huyện Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu nay), đảo Phú Quốc (huyện Phú Quốc, Kiên Giang nay) đều được dịch bằng cái tên Côn Luân.

Đến các sách Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, quần đảo này vẫn được gọi là Côn Lôn.

Quần đảo Côn Đảo hiện nay thuộc huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76,71km2, nằm trên vùng biển Đông Nam, ở tọa độ 106031’ đến 106045’ kinh Đông, 8034’ đến 8049’ vĩ độ Bắc, cách Vũng Tàu 180km, cách cửa sông Hậu 83km.

Đảo Côn Lôn là hòn đảo lớn nhất quần đảo, diện tích 51,52km2, chiếm 2/3 diện tích quần đảo. Các đảo còn lại là: hòn Bà, hòn Bảy Cạnh, hòn Bông Lan, hòn Cau, hòn 

Tài Nhỏ, hòn Tài Lớn, hòn Trác Nhỏ, hòn Trác Lớn, hòn Ngọc (hòn Trai), hòn Trứng, hòn Vung, hòn Tre Lớn, hòn Tre Nhỏ, hòn Anh, hòn Em.[13]

Chuyện Nguyễn Ánh ra Côn Đảo năm 1783

Năm 1773, Nguyễn Ánh trốn quân Tây Sơn chạy ra Côn Đảo trú ẩn, cùng đi có Bá Đa Lộc, hoàng thất và bầy tôi. Tây Sơn bèn phái 500 chiến thuyền ra vây kín Côn Đảo. Ban đêm bão tố nổi lên, thuyền Tây Sơn bị đắm vô số. Thừa cơ Nguyễn Ánh cùng Bá Đa Lộc và một ít người hầu xuống thuyền con vượt vòng vây, chạy đến vịnh Xiêm La, rồi sang Vọng Các. Những người ở lại lập nên làng An Hải cùng với một ít người Cao Miên.[14]

          Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục chép rõ hơn. Tháng 7-1783, Nguyễn Huệ nghe tin Nguyễn Ánh ra Côn Lôn, sai phò mã Trương Văn Đa đem thủy quân đến bao vây đảo. Bỗng nhiên sóng gió nổi lên dữ dội, thuyền quân Tây Sơn bị chìm đắm rất nhiều. Nguyễn Ánh vượt vòng vây, đến đảo Cổ Cốt, rồi trở về đảo Phú Quốc.[15]

Cùng sự kiện này, sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim có chi tiết hơi khác. Năm 1783, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem quân vào đánh. Nguyễn Ánh chống cự không nổi, rước mẹ và gia quyến chạy ra Phú Quốc. Tây Sơn đuổi đánh đến Phú Quốc, Nguyễn Ánh chạy về đảo Côn Nôn, bị vây chặt. May nhờ sóng gió, thuyền của Tây Sơn đắm nhiều, nên Nguyễn Ánh thoát vòng vây, chạy vào đảo Cổ Cốt, rồi chạy ra đảo Phú Quốc. Tình thế của chúa hết sức gian khổ, lương thực cạn kiệt, phải đào củ chuối, nhặt rau má để ăn.[16]

Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ rút về Quy Nhơn, Trương Văn Đa ở lại trông coi Gia Định. Nguyễn Ánh trôi dạt ở Hòn Chông, Thổ Châu, Cổ Long, Cổ Cốt…

Nguyễn Thiện Lâu lại cho hòn đảo Nguyễn Ánh trốn chạy đó là đảo Phú Quốc:”Năm Quý Mão (1783) Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại đánh vào Sài Gòn. Nguyễn Ánh và gia quyến trốn ra đảo Phú Quốc. Tháng 7 Nguyễn Huệ đem thủy quân vây 3 vòng 

đảo Phú Quốc nhờ có bão to làm đắm thuyền, Nguyễn Ánh trốn được”.[17] Không biết ông căn cứ vào tài liệu nào nhưng suy luận này khá xa thực tế.

Đề cập đến sự kiện Nguyễn Ánh chạy thoát ra đảo Phú Quốc vào tháng 6 năm Quý Mão (1783), sử gia người Pháp Maybon viết:”En effet, Huệ et Lữ, avec des force importantes, se présentèrent au mois de Mars 1783 et brisèrent toute résistance. Alors commenca pour le prince une vie fugitif; impitoyablement chassé par ses ennemis, il erre pour leur échapper, dans le Golfe de Siam, il passe de Phú Quốc à Ko-rong, à Kok-kut, revient à Phú Quốc” (Thực vậy, vào tháng 3-1783, Huệ và Lữ đã sử dụng một lực lượng rất hùng hậu, đánh tan hết mọi lực lượng kháng cự. Lúc bấy giờ ông hoàng (tức Nguyễn Ánh) buộc lòng phải thoát thân. Để tránh bị kẻ địch săn đuổi một cách khốc liệt, ông phiêu bạt trong vịnh Thái Lan. Từ Phú Quốc ông đến đảo Ko-rong (NTL nhấn mạnh), Kok-kut, rồi trở lại đảo Phú Quốc).[18]

           Năm 1942, trên tạp chí Tri Tân có bài Một nghi điểm về lịch sử đã được biện minh,[3] tác giả bài viết là Long Điền đã chấp nhận sự góp ý của Dương Kỵ về những sai lầm của ông về bài viết Mười chuyện phi thường (miracles) trong đời vua Gia Long khi Long Điền cho rằng năm 1783 Nguyễn Ánh đã chạy ra đảo Côn Lôn.[19]

            Trước đó, Dương Kỵ cũng đã nêu thắc mắc về những điểm bất hợp lý trong sự kiện năm 1783 Nguyễn Ánh chạy ra đảo Côn Lôn như sử ta đã chép. Ông cho hòn đảo đó chính là Ko rong (NTL nhấn mạnh), ở gần đảo Phú Quốc. Dương Kỵ viết: “các nhà viết sử ta hồi bấy giờ hay lạm dụng các chữ Côn-lôn mà chỉ hòn đảo. Quan sát về việc nầy, ông Pelliot đã nói:”Nhan nhản nhiều chỗ, người ta cứ để Côn-lôn (On a mis des K’ouen lonen un peu partout). Nên vì thói quen, khi dịch hai chữ Cao-man “Koh-rong” nhà làm sử ta không ngần ngại mà để Côn-lôn…các nhà làm sử ta nghe thổ dân bảo hòn đảo ấy tên là Koh-rong, liền do thói quen ấy viết thành Côn-lôn (Kon-long: Kon long) vậy”.[20]

Trong Nhà Tây Sơn, hai tác giả cũng viết về sự kiện này như sau:”Được tin Nguyễn Phúc Ánh chạy ra Phú Quốc, Nguyễn Huệ sai Phan Tiến Thuận đi đánh bắt. Một số tướng lãnh bị bắt sống. Nguyễn Ánh thoát chết chạy ra đảo Cổ Long (KohRong). Trương Văn Đa được một lực lượng thủy quân đến vây đánh. Nhưng rủi gặp ngày mưa 

gió lớn thuyền không thể dàn ra để bao vây mà phải dồn lại ghì chặt vào nhau để chống lại sóng gió. Nhờ vậy Nguyễn Phúc Ánh có cơ hội đem tàn quân chạy thoát, trốn sang đảo Cổ Cốt (Ko Kut)[21] rồi chạy về Phú Quốc”.[22]

Theo thư của Bá Đa Lộc ngày 20/3/1875, Trương Văn Đa đánh Nguyễn Ánh ở đảo Cổ Long (NTL nhấn mạnh) 5 ngày sau khi hai giáo sĩ Tây Ban Nha bị quân Tây Sơn bắt và theo thư của cố đạo Việt Nam André Tôn thì hai giáo sĩ Tây Ban Nha bị bắt ngày 13/8/1783. Nên có thể Trương Văn Đa đánh đảo Cổ Long ngày 18/8/1783 (Thư André Tôn viết ở Sa Đéc ngày 1/7/1784, trong Lettres édifiantes et curieuses, Paris, 1843, tome VI, p.624).[23]

Một số ý kiến khác cho rằng, địa danh Côn Lôn hay Côn Nôn trong sự kiện trên chính là một hòn đảo trong vịnh Rạch Giá. Cụ thể là đảo Nam Du, một quần đảo ngoài khơi Rạch Giá. Trong An Nam đại quốc họa đồ quần đảo này có tên là Cổ Lôn. Trong Xiêm La quốc lộ trình tập lục cũng có đề Cổ Son hòn: hòn Nam Du (tr.94).[24]

Quần đảo Nam Du nằm ở tọa độ 104022’ kinh đông và 9042’vĩ bắc, trải dài gần 100km đường biển, tổng diện tích 13,2km2. Nam Du có các hòn: Củ Tron, Ngang, Mấu, Ông, Bờ Đập Lớn, Bờ Đập Nhỏ, Nồm Trong, Nồm Ngoài, Nồm Giữa, Lò Lớn, Lòn Nhỏ, Bỏ Áo, Tre, Dâm, Đụng Lớn, Đụng Nhỏ, Nhàng, Hàn, Mốc, Dầu, Khô. Củ Tron là hòn rộng nhất (9km2) và cao nhất (308m).

Nam Du ban đầu có tên là Nam Dự, nghĩa là hòn đảo ở phương Nam, nhưng đến khi người Pháp vẽ bản đồ, viết thành Nam Du. Trên bản đồ thời Pháp, quần đảo này có tên là Poulo Dana, dân địa phương gọi đó là quần đảo Củ Tron (tên hòn đảo lớn nhất trong quần đảo) hay còn gọi là quần đảo Nam Du.

Các địa danh bãi Ngự, giếng Vua, hòn Sơn Rái, Củ Tron, bãi Chén (hòn Tre)…gắn liền với sự hiện diện của Nguyễn Ánh qua 4 lần bị quân Tây Sơn truy bắt ở đây, phải lánh nạn đến tận đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc. Hòn Củ Tròn được người dân ở đây đọc trại thành củ tron, chính là củ nần, một loại khoai rừng, củ to khoảng 10 kg, đã giúp Nguyễn Ánh trong những ngày thiếu đói tại đây.[25] 

Những dữ kiện này phù hợp với đoạn chép trong chính sử “Nguyễn Ánh vượt vòng vây, đến đảo Cổ Cốt, rồi trở về đảo Phú Quốc”.[26]  Đảo Cổ Cốt và đảo Phú Quốc đều nằm ở phía tây so với quần đảo Nam Du và cũng gần nhau, lại nằm trong khu vực quân Tây Sơn ít có sự kiểm soát. Trong khi đó Côn Lôn cách bờ biển Vũng Tàu đến 180km và cách đảo Phú Quốc khoảng 500km đường thủy, một khoảng cách khá xa để trốn chạy và nằm sâu trong một hướng không an toàn.

Đảo Cổ Cốt là đảo Koh Kood hay Ko Kut, rộng 129km2, nằm sát hải phận Campuchia (vịnh Thái Lan). Năm 1787, Nguyễn Ánh trên đường từ Thái Lan trở về nước khi đi ngang qua đảo Cổ Cốt, một người Hoa tên là Hà Hỷ Văn cũng nhiều người trong Thiên Địa Hội theo giúp chiếm lại Hà Tiên và Long Xuyên.

Theo Xiêm La thực lục (đệ nhất kỷ), năm Nhâm Dần (1782),[27] chúa Nguyễn bị đánh đuổi khỏi Sài Gòn, mang theo mẹ, vợ con, tùy tùng chạy bằng thuyền đến đảo Krabu (NTL nhấn mạnh). Hai viên quan Xiêm La, trấn thủ Chonburi và Rayong (hai thị trấn duyên hải vịnh Thái Lan) trong khi tuần tra chống cướp biển đã gặp chúa Nguyễn tại đây và khuyên ông đến Bangkok gặp vua Xiêm.[28]

Những dữ kiện này phù hợp với đoạn chép trong chính sử “Nguyễn Ánh vượt vòng vây, đến đảo Cổ Cốt, rồi trở về đảo Phú Quốc”.[29]  Đảo Cổ Cốt và đảo Phú Quốc đều nằm ở phía tây so với quần đảo Nam Du và cũng gần nhau, lại nằm trong khu vực quân Tây Sơn ít có sự kiểm soát. Trong khi đó Côn Lôn cách bờ biển Vũng Tàu đến 180km và cách đảo Phú Quốc khoảng 500km đường thủy, một khoảng cách khá xa để trốn chạy và nằm sâu trong một hướng không an toàn.

Đảo Cổ Cốt là đảo Koh Kood hay Ko Kut, rộng 129km2, nằm sát hải phận Campuchia (vịnh Thái Lan). Năm 1787, Nguyễn Ánh trên đường từ Thái Lan trở về nước khi đi ngang qua đảo Cổ Cốt, một người Hoa tên là Hà Hỷ Văn cũng nhiều người trong Thiên Địa Hội theo giúp chiếm lại Hà Tiên và Long Xuyên.

Theo Xiêm La thực lục (đệ nhất kỷ), năm Nhâm Dần (1782),[30] chúa Nguyễn bị đánh đuổi khỏi Sài Gòn, mang theo mẹ, vợ con, tùy tùng chạy bằng thuyền đến đảo Krabu (NTL nhấn mạnh). Hai viên quan Xiêm La, trấn thủ Chonburi và Rayong (hai thị trấn duyên hải vịnh Thái Lan) trong khi tuần tra chống cướp biển đã gặp chúa Nguyễn tại đây và khuyên ông đến Bangkok gặp vua Xiêm.[31]

Untitled

Trên đây là bản đồ trong bài viết Chúa Nguyễn Ánh có chạy thấu Côn Lôn không? của Lê Thọ Xuân trên mục Sử học luận đàn của tạp chí Tri Tân, số 61, ngày 26/8/1942. Trong đây chỉ có một chi tiết tác giả nhầm vị trí của hòn Thổ Chu (Poulo Panjan) với đảo Phú Quý (Bình Thuận). Đúng ra hòn Thổ Chu phải nằm dưới Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) về phía tây nam và cách mũi Cà Mau 157km về phía đông.

Qua những cứ liệu trên cho thấy, hòn đảo mà Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn vây hãm vào năm 1783 có nhiều khả năng là hòn đảo có các tên là Ko-rong, KohRong, Cổ Long, Cổ Lôn, Cổ Son, Củ Tron chứ không phải là địa điểm cách xa vịnh Thái Lan như Côn Đảo nay. Về mặt ngữ âm, những địa danh trên cũng rất gần với tên Côn Lôn (Côn Nôn) nên có thể các sử quan nhà Nguyễn đã nhầm lẫn. Các bản đồ thời bấy giờ ghi tên các hòn đảo trong khu vực vịnh Thái Lan một cách không thống nhất cho cùng một hòn đảo (âm Hán Việt, âm gốc Mã Lai, tiếng Pháp) nên dễ dẫn đến sai sót cho người chép sử. Như trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn vẫn gọi cù lao Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc dưới cái tên là Côn Lôn hay Côn Luân như đã trình bày ở trên. Thậm chí đảo Phú Quý (Bình Thuận) vẫn có tên gọi là Cổ Lon rất gần giống với đảo Cổ Lôn ở Kiên Giang.

Nguyễn Ánh có lập 3 làng trên Côn Đảo không?

        Theo Phạm Xanh, thì lần đầu tiên vào năm 1775, Nguyễn Ánh cùng 100 gia đình ra đảo. Khi bỏ Côn Đảo để chạy sang Phú Quốc, ông đã để lại đây ít nhiều gia đình.[32] Chỗ này Phạm Xanh đã bị nhầm, vì tháng 1-1775, quân Trịnh chiếm đô thành Phú Xuân, Duệ Tông Nguyễn Phước Thuần (chú Nguyễn Ánh) chạy vào Quảng Nam, và khi ấy Nguyễn Ánh mới có 13 tuổi nên không thể cầm quân. Năm 1780, Nguyễn Ánh mới xưng vương ở đất Gia Định.

Cũng sự kiện trên, Đinh Văn Hạnh cho rằng diễn ra vào năm 1783 và Nguyễn Ánh đã lập nên 3 làng An Hải, An Hội và Cỏ Ống nhưng không thấy dẫn nguồn tài liệu.[33] Trong Địa phương chí Côn Sơn, mô tả giống nguyên về sự kiện này trong bài viết của Đinh Văn Hạnh nhưng là năm 1773.[34]

Việc Nguyễn Ánh lập 3 làng ở Côn Đảo rõ ràng là rất vô lý. Vì theo Đại Nam thực lục, Nguyễn Ánh mới lánh nạn ở đây (nếu có) chỉ diễn ra một tháng, rồi lạy bị rượt chạy khỏi đây thì làm sao có thể lập 3 làng An Hải, An Hội và Cỏ Ống.[35] Lúc bấy giờ Nguyễn Ánh chỉ còn có năm, sáu tướng lĩnh cùng 100 quân khi ra đảo chứ không phải 100 gia đình như nhiều sách trước đây đã đề cập.[36] Giai đoạn này lực lượng chúa Nguyễn hầu 

như tan rã, nhất là sau trận thua thảm hại ở sông Ngã Bảy (Cần Giờ). Chúa Nguyễn phải đem tàn quân chạy về Rạch Giá, Hà Tiên rồi đi thuyền nhỏ ra Phú Quốc.[35]

Hai cuốn tiểu thuyết dã sử Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc phản ánh những ngày chiến đấu gian khổ của Nguyễn Ánh với quân Tây Sơn ở đất Gia Định, cũng không hề nhắc đến sự kiện chúa bị vây ở Côn Lôn năm 1783.

Truyền thuyết bà Phi Yến

Trên Côn Đảo hiện còn miếu Bà được cho là xây vào năm 1785 để thờ bà Phi Yến, thứ phi của Nguyễn Ánh, mà lai lịch được cho là không ghi chép trong sử sách. Vì bà can ngăn ông đừng “cõng rắn cắn gà nhà” mà cuối cùng phải chịu số phận bi thảm, về sau chết trở nên hiển linh, được dân chúng ở Côn Đảo rất tin thờ.

Miếu Bà Phi Yến và miếu Cậu trên Côn Đảo thực chất là tín ngưỡng thờ Bà Cậu vốn rất phổ biến trong các cộng đồng của cư dân hải đảo và ven biển Trung Nam Bộ.

Ở Côn Đảo hiện nay có núi Chúa ở làng An Hải trước đây và được xem rằng đó là chứng tích gắn với sự kiện Nguyễn Ánh đã chạy ra đây trong những ngày “tẩu quốc”. Điều này xem ra không có cơ sở lắm. Chúng ta đều biết trong chữ Hán, chữ “chủ/chúa” có nghĩa giống nhau là “to lớn, chính yếu, quan trọng”. Nên cư dân trên đảo đặt tên cho ngọn núi cao 584m, cao nhất quần đảo này. Núi Bà Nà ở Đà Nẵng cũng còn có tên là núi Chúa, núi Chúa ở Diên Khánh (Khánh Hòa), núi Chúa (1040m) ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), núi Chúa trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang)…[36]

Núi Chúa ở Phú Quốc hay Côn Đảo, theo chúng tôi có mối liên hệ với miếu Bà về địa văn hóa, được xem như đỉnh “núi thiêng” ở mỗi địa phương, như trường hợp Am Chúa ở Diên Khánh (Khánh Hòa). Núi Chúa không nhất thiết phải là ngọn núi cao nhất mà bởi tính chất thiêng của nó. Núi Chúa ở Côn Đảo chỉ cao 515m, thấp hơn ngọn núi cao nhất quần đảo là núi Thánh Giá (577m). Núi Cấm được xem là “đỉnh thiêng” nhất trong số hàng trăm ngọn núi của Thất Sơn (An Giang) hay núi Cấm trên đảo Phú Quý (Bình Thuận).[37]

Kết luận

Năm 1783, khi bị quân Tây Sơn vây đánh, Nguyễn Ánh đã bỏ chạy khỏi hòn đảo có các tên là Ko-rong, KohRong, Cổ Long, Cổ Lôn, Cổ Son, Củ Tron do có sự nhầm lẫn giữa tên Côn Lôn (Côn Nôn) ban đầu là danh từ chung chỉ núi hoặc đảo, về sau là địa danh để chỉ các hòn đảo cụ thể và do các sử quan triều Nguyễn sau này không nắm rõ địa dư ở Nam Bộ, nhất là khu vực ở vịnh Thái Lan (Kiên Giang nay).

Chú thích :

[1] Người Việt phiên âm là “cù lao”.

[2] Người Hoa phiên âm là “Bất lao” hay “Bút lao” (Phan Huy Chú, Hải trình chí lược, Phan Huy Lê, Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu, Cahier d’Archipel 25, EHESS, Paris, 1994, tr.147). Như trường hợp Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) có những tên xưa như: Sanfu-Fù law, Cham-pu-lao, Ciam pullo, Pulociam, Polochiam Pello, Pulaucham, Chiêm Bất Lao, núi Bất Lao, Tiêm Bích La, Tiêm Bút, hòn Cù Lao…(Kỷ yếu Cù lao Chàm vị thế-tiềm năng và triển vọng, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, 2007, tr.91, 112).

Côn Lôn là từ Hán Việt, danh từ chung để chỉ núi hoặc đảo. Ở Trung Quốc cũng có núi Côn Lôn.

[3] Trần Văn Quế, Côn Lôn quần đảo trước ngày 9.3.1945, Thanh Hương tùng thư, Sài Gòn, 1961, tr.13-14.

[4]Phạm Hoàng Quân, Những ghi chép liên quan đến biển Đông Việt Nam trong chính sử Trung Quốc. Trong Nguyễn Văn Kim (chủ biên), Người Việt với biển, Nxb Thế giới, 2011, tr.444.

[5] Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, Hà Văn Tấn dịch, Phan Huy Lê giới thiệu, Nguyễn Ngọc Phúc chú thích, Nxb Thế giới, 2006, tr.21-22. Chú thích ở trang 22 sách này ghi:”Côn Lôn: theo nghĩa rộng chỉ cả vùng Mã Lai, nghĩa hẹp chỉ đảo Côn Lôn (tức Côn Đảo, nay thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)”.

[6] Phạm Hoàng Quân, Bđd, tr.447.

[7] Trần Quốc Vương, Côn Đảo một cái nhìn địa văn hóa. Trong Việt Nam cái nhìn địa-văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc-Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 1998, tr.474. 

[8]  Pierre Pegneaux de Béhaine, Tự vị An Nam La tinh, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb Trẻ, 1999, tr.96.

[9] AJ. L.Taberd, Dictionarium Anamitico-Latinum, Nxb Văn học-Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2004, tr.86.

[10] Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, 1977, tr.116. Nguyễn văn của chú thích số 2, trang 116 của này ghi:”Chữ Côn-lôn của Trung-quốc là phiên âm chữ pu-lô của tiếng Mã-lai, tiếng Việt Nam phiên âm là cù-lao. Như vậy thì chữ Côn-lôn vốn là tên chung, sau mới dùng để chỉ riêng quần đảo Côn-lôn ở Nam bộ”.

[11] Chú thích số 9 của sách này ghi: Côn Luân tức là Côn Lôn (tr.142).

  Phú Quý còn có nhiều tên gọi khác nhau: đảo Thuận Tĩnh, hòn Thu (Poulo Cécir de Mer), Cổ Lon, cù lao Khoai Xứ, đảo Chín Làng, đảo “Gió hú”…(Nguyễn Thanh Lợi, Huyện đảo Phú Quý, Tạp chí Thế giới mới, số 943, 18/7/2011, tr.22).

[12] Lê Quý Đôn tuyển tập, tập 2, Phủ biên tạp lục, phần 1 (các quyển 1, 2, 3), In kèm nguyên tác Hán văn, Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính, chú thích, Nxb Giáo dục, 2007, tr.142-143.

Ở bản dịch Phủ biên tạp lục của Lê Xuân Giáo, cù lao Phú Quý không được gọi là Côn Lôn hay Côn Luân như 2 bản dịch trên (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, tập 1 (quyển 1, 2, 3), Lê Xuân Giáo dịch, Tủ sách Cổ văn, Ủy ban Dịch thuật, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, Sài Gòn, 1972, tr.203-204).

[13] Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh (chủ biên), Địa chí Bà Rịa-Vũng Tàu, Nxb Khoa học xã hội, 2005, tr.127.

[14] Trần Văn Quế, Côn Lôn sử lược, Thanh Hương tùng thư, Sài Gòn, 1961, tr.15-16. Đúng ra sự kiện này phải diễn ra vào năm 1783, có lẽ do lỗi nhà in.

[15] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, 2002, tr.217; Long Điền, Mười chuyện phi thường (miracles) trong đời vua Gia Long, Tạp chí Tri Tân, số 50, 14/6/1942, tr.11.

[16] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển 2, Trung tâm Học liệu xb, Sài Gòn, 1971, tr.109; Phạm Văn Sơn, Việt Nam tranh đấu sử, Sài Gòn, Tác giả xb, 1959, tr.92. 

[17] Nguyễn Thiện Lâu, Nước Xiêm đã giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn như thế nào? (1780-1788). Trong Quốc sử tạp lục, Nxb Mũi Cà Mau, 1994, tr.103.

[18] Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Ánh có chạy ra Côn Đảo năm 1783? Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, số 3, 2009, tr.116-117.

[19] Long Điền, Một nghi điểm về lịch sử đã được biện minh, Tạp chí Tri Tân, số 67, 13/10/1942, tr.14-15.

[20] Long Điền, Mười chuyện phi thường (miracles) trong đời vua Gia Long, Bđd, tr.11.

[21] Dương Kỵ, Một bức thư Huế, Tạp chí Tri Tân, số 56, 25/7/1942, tr.657.

[22] Đó là đảo Cổ Cốt (Koh Kut) theo Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, Sđd, tr.81.

[23] Quách Tấn, Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Sở Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình, 1988. Dẫn theo Nguyễn Đắc Xuân, Bđd, tr.117.

[24] Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, Sđd, tr.81.

[25] Nguyễn Duy Chính, Bđd, tr.74.

[26] Nguyễn Thanh Lợi, Hải đảo ở vùng biển Tây Nam, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, số 4, 2009, tr.97-98.

[27] Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd, tr.217.

[28] Đúng ra là năm 1783.

[29] Nguyễn Duy Chính, Tương quan Xiêm-Việt cuối thế kỷ 18, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, số 1, 2008, tr.66.

[30] Phạm Xanh, Tìm hiểu quá trình hình thành một làng đảo-làng An Hải (Côn Đảo), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1-2, 1987, tr.106.

[31]  Đinh Văn Hạnh, Miếu Bà ở Côn Đảo thờ ai? Thông báo Văn hóa dân gian 2007, Nxb Khoa học xã hội, 2008, tr.390.

[32] Địa phương chí Côn Sơn, 1961, tr.1.

[33] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, 2002, tr.217.

[34] Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, Sđd, tr.79.

[35] Nguyễn Duy Chính, Bđd, tr.63-64.

[36] Nguyễn Dược, Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2008, tr.188.

[37] Xem thêm Trần Quốc Vương, Côn Đảo một cái nhìn địa văn hóa. Trong Việt Nam cái nhìn địa-văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc-Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 1998, tr.471.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thanh Vân, Côn Đảo sự tích và truyền thuyết, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
  2. Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb Văn Sử Học, Sài Gòn, 1973.
  3. Trần Văn Quế, Côn Lôn sử lược, Thanh Hương tùng thư, Sài Gòn, 1961.
  4. Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Ánh có chạy ra Côn Đảo năm 1783? Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, số 3, 2009.
  5. Lê Thọ Xuân, Chúa Nguyễn Ánh có chạy thấu Côn Lôn không? Tạp chí Tri Tân, số 61, 26/8/1942.
  6. Long Điền, Một nghi điểm về lịch sử đã được biện minh, Tạp chí Tri Tân, số 67, 13/10/1942.
  7. Phạm Xanh, Tìm hiểu quá trình hình thành một làng đảo-làng An Hải (Côn Đảo), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1-2, 1987.
  8. Trần Văn Quế, Côn Lôn quần đảo trước ngày 9.3.1945, Thanh Hương tùng thư, Sài Gòn, 1961.
  9. Đinh Văn Hạnh, Miếu Bà ở Côn Đảo thờ ai? Thông báo Văn hóa dân gian 2007, Nxb Khoa học xã hội, 2008.
  10. Tân Dân Tử, Gia Long tẩu quốc, Chợ Lớn, 1929.
  11. Tân Dân Tử, Gia Long phục quốc, Chợ Lớn, 1929.
  12. Nhiều tác giả, Côn Đảo ký sự & tư liệu, Ban Liên lạc tù chính trị-Sở Văn hóa Thông tin TP. Hồ Chí Minh- Nxb Trẻ, 1998.
  13. Phạm Văn Sơn, Việt Nam tranh đấu sử, Tác giả xb, Sài Gòn, 1959.
  14. Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển 4, Tủ sách Sử học Việt Nam, Sài Gòn, 1961.
  15. Cao Tự Thanh, Lịch sử Gia Định-Sài Gòn trước 1802, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh-Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2007.
  16. Phan Huy Chú, Hải trình chí lược, Phan Huy Lê, Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu, Cahier d’Archipel 25, EHESS, Paris, 1994.
  17. Charles B. Maybon, Lectures sur l’histoire moderne et contemporaine pays d’Annam de 1428 a 1926, Imprimerie d’Extrême-Orient Éditeur, Hanoi, 1930.
0