Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung (1861-1941)
Trúc Diệp Thanh I – An Truyền – làng cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa . V ùng đất có làng An Truyền ngày nay cho dến đầu thế kỷ 14 là vùng đất đầm phá hoang vu dân cư thưa thớt nơi cư ngụ của nhiều động vât hoang dã:trăn, rắn, cá sấu…thuộc vương quốc Chămpa . Đến ...
Trúc Diệp Thanh
I – An Truyền – làng cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Vùng đất có làng An Truyền ngày nay cho dến đầu thế kỷ 14 là vùng đất đầm phá hoang vu dân cư thưa thớt nơi cư ngụ của nhiều động vât hoang dã:trăn, rắn, cá sấu…thuộc vương quốc Chămpa . Đến năm 1307 khi quan hệ giữa Cham Pa và vương triều nhà Trần nước Đại Việt tương đối tốt đẹp, vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân) , đã nhượng hai châu Ô, Lý ở phía bắc (vùng đất Bình, Trị Thiên ngày nay) cho Đại Việt làm của hồi môn để cưới công chúa Huyền Trân con gái vua Trần Nhân Tôn.
Sau sự kiện này, Chăm Pa chỉ còn lại lãnh thổ từ đèo Hải Vân trở vào. Nhà Trần đã đổi tên 2 châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa, sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hải trị nhậm 2 châu này. Cũng từ đó dân cư phía nam Đại Việt (chủ yếu Thanh hóa, Nghệ An) di dân vào lập nghiệp ở vùng đất mới ngày càng đông. Làng An Truyên ra đời vào thời điểm này với 4 họ chính là họ Hồ, họ Đoàn, họ Nguyễn và họ Huỳnh. Sau năm 1945 một số cư dân từ nhiều nơi khác đến định cư tại làng An Truyền và nhiều họ tộc như họ Trần, họ Võ, họ Lê, họ Đặng, họ Phan… cùng chung sống làm cho An Truyền trở thành một cộng đồng đông đúc, đa dạng.
Theo sách Ô Châu Cận Lục của tiến sĩ, thượng thư Dương Văn An đời nhà Mạc chép năm 1555 thì An Truyền thuộc huyện Kim Trà 1 trong 5 huyện của phủ Triệu Phong, Thuận Hóa. (gồm 5 huyện là Hải Lăng, Kim Trà, Vỏ Xương, Đan Điền và Tư Vinh) . Ranh giới huyện Kim Trà lúc bấy giờ bao gồm một vùng đất rộng lớn bao la , từ Trường sơn phía Tây đến biển Đông. Kim Trà có 60 làng trong đó có làng cổ An Truyền là một trong số ít làng của tỉnh Thừa Thiên không bị thay tên. Dưới thời vua Minh Mạng(1820-1841) làng An Truyền được gọi là xã An Truyền thuộc huyện Hương Trà, từ thời vua Thiệu Trị về sau thuộc huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên. Hiện nay An Truyền thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Cuộc khởi nghĩa của Đoàn Trưng – Đoàn Trực năm 1886.
Làng An Truyền (dân gian gọi là làng Chuồn do làng nằm cạnh đầm Chuồn, một phần của hệ thống đầm phá Tam Giang, cũng có cách giải thích là do nơi đây có loài cá Chuồn rất nổi tiếng) ) đã đi vào lịch sử dân tộc được cả nước biết đến sau sự kiện “loạn Chày vôi” xảy ra năm 1886 do 2 anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực lãnh đạo. Đoàn Trưng (Đoàn Hữu Trưng) sinh năm Giáp Thìn (1844) tại làng An Truyền. Theo gia phả họ Đoàn thì tổ tiên của Đoàn Trưng là người Thanh Hóa vào lập nghiệp ở An Truyền từ thời Lê, đến Đoàn Trưng đã được tám đời. Đoàn Trưng là con đầu của một gia đình nghèo gồm 8 anh em trong đó có 3 người đã tham gia cuộc nổi dậy vào năm 1886, đó là: Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái.
Cha mất sớm, mẹ bị mù, đông em, nên từ thuở nhỏ Đoàn Trưng đã phải làm lụng vất vả để nuôi em, nuôi mẹ. Dù vậy, vốn thông minh và ham học, ngay từ buổi ấy ông đã là người nổi tiếng hay chữ khắp vùng. Vào một dịp Tết, nhờ một câu đối mà Đoàn Trưng và Đoàn Trực được Tuy Lý Vương Miên Trinh, hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng (1820–1897) cho vào học trong vương phủ. Từ đó, tài học của Đoàn Trưng có dịp vang lên chốn kinh thành.
Năm Giáp Tý (1864) , ông được Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (hoàng tử thứ 10 con vua Minh Mạng anh ruột Tuy Lý Vương cũng là một nhà thơ nổi tiếng, 2 anh em thuộc hàng em của vua Thiệu Trị (Miên Tông) và chú của vua Tự Đức-Hồng Nhậm) , cũng vì quí tài, gả con gái đầu là Thể Cúc cho Đoàn Trưng, dù lúc ấy ông chưa đỗ đạt gì. Được sống trong Ký Thưởng viên trụ sở Hội thơ của Tùng Thiện vương, con đường làm quan của Đoàn Trưng mở rộng thênh thang nhưng với khí phách anh hùng ông đã chọn con đường đi riêng của mình. Được sống trong cung đình, ông nhận thấy sự hèn yếu, bất lực của nhà vua.
Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, lẽ ra Nguyễn Phúc Hồng Bảo là con trưởng được nối ngôi nhưng theo di mệnh của vua cha, con thứ làNguyễn Phúc Hồng Nhậm được nối ngôi tức vua Tự Đức. Vua Tự Đức kế ngôi giữa lúc chế độ phong kiến trên đà mục nát, kiệt quệ và cuộc sống của người dân vốn chịu nhiều tai ách đã hết sức cùng cực. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều năm liền, loạn lạc nhiều nơi, thực dân Pháp đang lấn chiếm nước Việt và nội bộ hoàng tộc cũng đang ran vỡ, phân hóa trầm trọng. Nhà vua lại tập trung hàng ngàn người dân đói khổ dốc tài sản trong cung đình để xây lăng cho mình đặt tên Vạn Niên cơ.Đoàn Trưng (Đoàn Hửu Trưng) đứng về phía những người chủ chiến và những người dân bị bóc lột, bị áp bức. Ông nhận thấy cần phải thay thế Tự Đức, bằng một ông vua yêu nước tiến bộ khác, mới có thể chỉnh đốn và bảo vệ được đất nước. Và người được Đoàn Trưng cùng các cộng sự chọn là Đinh Đạo (Ưng Đạo, con Hồng Bảo. Do 2 lần mưu phản dành lại ngôi vua thất bại, Hồng Bảo bị tống giam và chết thảm trong ngục. Các con đều bị khai trừ khỏi hoàng tộc phải lấy họ Đinh là họ mẹ). Để tiện cho việc mưu sự, ở trong Ký Thưởng viên của cha vợ một thời gian, Đoàn Trưng xin ra ngoài ở riêng, Để Thể Cúc và ân nhân của mình không bị vạ lây, Đoàn Trưng dựng chuyện vợ bất kính với mẹ chồng đuổi Thể Cúc về nhà cha mẹ đẻ. Đoàn Trưng cùng với Đoàn Trực, Đoàn Ái, Trương Trọng Hòa… lập ra một thi xã gọi là Đông Sơn thi tửu hội, lấy rượu thơ bề ngoài mà bàn quốc sự bên trong, để che mắt nhà cầm quyền đương thời. Sau hội chiêu nạp thêm một số võ quan, sư sãi cùng chung chí hướng. Lực lượng chính của cuộc nổi dậy là khoảng ba ngàn binh lính, phu thợ bị cưỡng bức lao động, đang bất mãn vì phải làm lụng khổ sở để xây lăng cho vua.
Cuộc nổi dậy thất bại, ba anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái bị xử lăng trì. Cả họ Đoàn bị đổi sang họ Đoạn, con cháu phải lưu tán, không được thi cử… Gia sản của Đoàn Trưng bị tịch thu, chỉ để lại một phần nhỏ cho bà mẹ đã lớn tuổi lại bị mù. Thể Cúc, vợ Đoàn Trưng, nhờ trước ngày khởi sự đã bị “đuổi” về nhà bố mẹ đẻ nên được miễn nghị, nhưng buộc cải sang họ mẹ (họ Tống) và phải đi tu… Cả gia đình Hồng Bảo gồm 8 người là Đinh Đạo, Đinh Tự, Đinh Chuyên, Đinh Tương (con Hồng Bảo) , Đinh Thị Thụy (vợ Hồng Bảo) và hai đứa con Đinh Đạo (một trai, một gái) đều bị xử giảo (treo cổ) . Tùng Thiện vương Miên Thẩm bị phạt truất một năm bổng lộc, phải đóng cửa Ký Thưởng viên. Và cũng do sự việc này, vua Tự Đức phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình dài để biện bạch, trong đó có câu: dân chúng nhất thời dại dột mà nghe theo chứ không thật tình thù oán triều đình. Khi Đoàn Trưng bị giết (năm Bính Dần-1866) , ông mới 22 tuổi. Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh và TP Huế đều có con đương mang tên Đoàn Hửu Trưng.
Một số di tích lịch sử, văn hóa ở làng An Truyền
Đình làng An Truyền.
Đình làng An Truyền là một kiến trúc cổ nổi tiếng được xây dựng từ những năm đầu thành lập làng đến nay có ngòt 600 tuổi. Ngôi đình nằm trên một thửa đất bằng phẳng, thoáng mát tại trung tâm làng, Cổng vào đình quay về hướng chính Đông, phía trước là ao sen trong xanh thơm ngát và đầm Chuồn lộng gió.
Đình An Truyền cấu trúc hình chữ Tam, chia làm ba phần tách biệt. Ngoài cùng là Tiền đường, tiếp theo là nhà Tiền tế hay Đại bái, trong cùng là Hậu cung hay Nội điện.
Nhà Tiền đường có 5 gian. Tiền đường cấu trúc kiểu cổ lầu hai tầng mái. Các bộ phận cấu trúc giàn trò như cột , kèo, xà, trến, xuyên, kèo mái, đòn tay đã đơn giản hóa chỉ còn lại kèo quyết, trến (xà ngang) , xuyên (xà dọc) , trục tiêu. Gian giữa treo bức đại tự “Mỹ tục khả gia” chạm đầu rồng, cánh phượng, sơn son thếp vàng.
Nhà Tiền tế gồm ba gian hai chái như lối nhà rường gồm cột, kèo quyết, kèo đấm, kèo bác vần, xuyên… Tiền tế có 18 cột, trong đó 16 cột bia làm ba gian chính, tả, hữu đại bái, hai cột chái nối kéo bác vần tạo ra thế “chỉa ba” để có hai gian chái nối tiếp. Kết cấu chặt chẽ này được gọi là khung cụi.
Nhà nội điện là nơi thờ tự chính của Đình An Truyền, được bố trí 7 bàn thờ sát tường hậu, thờ 7 vị thủy tổ của 7 dòng họ ở làng An Truyền. Trước mỗi bàn thờ có sập gỗ, hương án, câu đối chạm nổi; khán thờ son son thếp vàng, đồ thờ tự bằng đồng, sành sứ, gỗ.
Ngoài ra tại nhà Đại bái có hai án thờ Tiền án và Trung án chạm lộng mặt hổ phù, kỳ lân, chim phượng hoàng, hoa chanh…
Trong hai cuộc kháng chiến Đình làng còn là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử, là trung tâm của các lễ hội văn hóa làng vào hai dịp xuân, thu hàng năm.
Đình làng An Truyền được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BT, ngày 15/10/1994.
Ngoài Đình làng, các tộc họ lớn ở An Truyền có Nhà thờ họ riêng cho tộc họ của mình.
Lễ hội Thu Tế ở An Truyền.
Hằng năm cứ vào ngày 16 tháng 7 âm lịch, làng An Truyền (tục gọi làng Chuồn) diễn ra lễ hội mừng Thu Tế tại đình làng đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Mỗi dịp về An Truyền dự hội mừng Thu tế ai cũng cảm thấy hồn quê dào dạt với âm hưởng hồi trống đình giục vầng trăng về xóm, những câu thài thay tiếng mẹ ru nôi cho dù thời tiết Huế những ngày này thường trong mưa lụt. Nổi lên trong bầu không khí của lễ hội là tinh thần nguỡng mộ, tôn vinh, tri ân các bậc tiền nhân của dân làng qua nhiều thế hệ.
Điều đặc sắc của lễ Thu Tế làng An Truyền là từ nghi thức, trang phục. . . đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng mọi người, bởi tất cả đều mang dấu ấn dân tộc cổ truyền, kể từ những bước đi dâng rượu, dâng đèn theo chữ “đinh”, đến giọng ngân nga điệu “thài” (một điệu hát bằng chữ Hán, mỗi câu có 4 chữ) đúng nghi cách cúng lễ ngày xưa, điều này là niềm tự hào và dân làng vô cùng biết ơn quan Thượng thư bộ Lễ Hồ Đắc Trung– con dân làng An truyền đã đem nghi thức cúng tế của triều đình truyền lại cho dân làng . Vì vậy, so với các làng quanh vùng, lễ thu tế làng An truyền tương đối hoàn chỉnh. Sau lễ hội mừng Thu Tế nguyện một đời quốc thái, dân an người dân làng Chuồn lại trở về cùng sinh hoạt đời thường.
Một số sản phẩm truyền thống ở An Truyền
Dân làng An Truyền sống bằng nghề chài lưới và làng nghề với những sản phẩm nổi tiếng: rượu làng Chuồn, bánh tét, bánh khoái, cá chuồn. Tranh trướng, liễn giấy làng Chuồn (sản xuất phục vụ dịp Tết cổ truyền hàng năm) …
II-Tộc họ Hồ Đắc trong cộng đồng cư dân làng An Truyền.
Năm 1307 đánh dấu việc 2 châu Ô, Lý của Champa được sát nhập vào nước Đại Việt, vua Trần Anh Tông đã đổi tên vùng đất mới sát nhập (khu vực ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ngày nay) thành châu Thuận, châu Hóa và sai quan hành khiển Đoàn Nhữ Hài vào trị nhậm, cư dân phía bắc (chủ yếu là ở 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An) đã di dân vào khai khẩn vùng đất mới trong đó có những di dân đầu tiên họ Hồ Đắc có mặt ở vùng đầm phá lập làng An Truyền.
Tại làng An Truyền phía tây nam hiện có một ngôi mộ cổ hàng trăm năm tuổi. Theo các cụ cao niên trong làng, người nằm trong lăng mộ này là ngài Hồ Quản Lãnh, ngừơi được dân làng tôn vinh làm Thủy tổ khai canh của làng An Truyền. Làng phụng tự Ngài tại gian chính trong đình làng cùng ngài Thế tổ bổn thổ thành hoàng Hồ Quý Công. Lý lịch của hai ngài trên còn là điều uẩn khuất chưa được sáng tỏ. Hồ Quý Công, Hồ Quản Lãnh chỉ là cách gọi tôn kính của người dân đối với 2 nhân vật họ Hồ như ngày nay ta thường gọi Hồ tướng công, chưa phải là tên thật của 2 ngài. Không tính đến các nhân vật Hồ Đắc tuy có tên nhưng cũng chỉ mang tính chât huyền thoại như Hồ Đắc Mười thế kỷ 16 triều Lê Anh Tông… theo gia phả Hồ Đắc tên tuổi số nhân vật Hồ Đắc có lý lịch rõ ràng đáng tin cậy xuất hiện vào loại sớm nhất phải kể đến:công tước Hồ Đắc Thành, (1704-1774) Lê triều Thủ Huân, mộ táng hiện còn ở xứ Cồn, làng An Truyền.
Công tước Hồ Đắc Dương là người đầu tiên của An Truyền khai thủy lợi mang lại lợi ích cho dân, được dân làng ca tụng. Sau khi ông qua đời được thờ tại đình làng, dưới triều Duy Tân ông được gia phong Đoan túc tôn thần. Hầu tước Hồ Đắc Nghi là con thứ ba ngài Thủ Huân Hồ Đắc Thành. Ông sinh năm 1757 qua đời năm 1814. Ông có 3 người con trai là những danh y tên tuổi lừng lẫy trong đó có quan Ngự y Hồ Đắc Hóa Y phó Thái y viện dưới triều vua Minh Mạng. Ngự y Hồ Đắc Hóa là con thứ tư của ngài hầu tước Hồ Đắc Nghi và vợ là bà Đoàn Thị Nghĩa sinh năm Quý Sửu(1793) . Ông có 2 người vợ: chánh thất là bà Phan Thị Dần con ông Phan Cư. Sanh hạ 4 người con. Kế thất là bà Nguyễn Thị Lê người làng An Ninh sanh hạ 4 người con trong đó có Hồ Đắc Tuấn là thân phụ Hồ Đắc Trung sau này. Tuy là bà nội của quan đại thần Hồ Đắc Trung nhưng hơn 2 thế kỷ qua họ tộc Hồ Đắc chưa biết gì về bà tên Lê, họ Nguyễn kế thất của quan Ngự y Hồ Đắc Hóa.
Mãi gần đây nhờ có công phu sưu tầm của tiến sĩ y khoa Hồ Đắc Duy cháu nội cụ Hồ Đắc Trung, cũng là một nhà nghiên cứu sử học, đã phát hiện tấm bia gỗ khắc bài văn bia của vua Tự Đức ban cho Diên Khánh vương húy là Tần hoàng tử thứ 7 của Thế tổ Cao hoàng đế (Vua Gia Long) sinh năm 1799 qua đời năm 1854. Văn bia do vua Tự Đức ra lệnh cho soạn thảo và thực hiện rất công phu trên một tấm gỗ có nội dung ca ngợi Diên Khánh Vương là bậc hiền nhân quân tử, bẩm tính trung hiếu hơn người. Sống qua 4 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Vương đều được các nhà vua nức lòng ca ngợi, phong tặng nhiều danh hiệu chức tước, đặc biệt khi Hiến tổ Chương hoàng đế (vua Thiệu Trị) lâm bệnh Vương sớm hôm chầu hầu bên cạnh, nhà vua rất cảm kích di chúc cho Kim thượng ngày sau cần đối xử hậu với Vương… Cũng qua tấm bia này hậu duệ họ tộc Hồ Đắc mới biết bà kế thất họ Nguyễn của quan Ngự y Hồ Đắc Hóa có tên thật là Nguyễn phúc công nử Lê, bà là một trong 28 con gái của Diên Khánh vương gọi vua Gia Long bằng ông nội, là mẹ đẻ của hầu tước Hồ Đắc Tuấn, bà nội của Thượng thư Hồ Đắc Trung. Chi tiết này càng nói lên vị trí cao sang của họ tộc Hồ Đắc dưới triều Nguyễn.
Một câu hỏi được đặt ra: tấm bia, di vật quý của Diên Khánh Vương vì sao không được bảo quản ở phủ thờ của Diên Khánh vương được xây ở khu vực Vĩ Dạ hiện ở số 164 đường Thuận An Huế mà được dựng trước bàn thờ của Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung cùng số người thân trong gia đình được thờ ở hậu liêu chùa Trúc Lâm?
Ảnh: Cổng Chùa Trúc Lâm
Nghiên cứu sự tích chùa Trúc Lâm sẽ giúp sáng tỏ câu hỏi trên. Chùa Trúc Lâm được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 nguyên là một thảo am của sư bà Diên Trường( thế danh Hồ Thị Nhàn-em gái ông Hồ Đắc Trung) dựng trên đồi Dương Xuân Thượng thuộc làng Thuận Hóa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy. Thảo am dựng xong sư bà mời sư Giác Tiên về làm trụ trì. Vài năm sau chùa Trúc Lâm được xây dựng trên nền thảo am và sư Giác Tiên trở thành tổ khai sơn của chùa Trúc Lâm. Sư bà Diên Trường (thế danh là Hồ Thị Nhàn) con gái thứ ba của hầu tước Hồ Đắc Tuấn và bà Công nứ Thức Huấn. Thân phụ của Hồ Đắc Tuấn là quan Ngự y Hồ Đắc Hóa và mẹ đẻ là bà Nguyễn thị Lê con gái Diên Khánh vương. Sư bà Diên Trường là cháu ngoại của Diên Khánh vương. Tấm gổ khắc văn bia Diên Khánh vương vì một lý do nào đó đã do con gái là bà Nguyễn thị Lê giữ. Sau khi vợ chồng ông Hồ Đắc Tuấn qua đời tấm bia quý đó do sư bà Diên Trương lưu giữ. Sau khi xây xong chùa Trúc Lâm sư bà vẫn ở một phòng ở hậu liêu chùa. Sau ngày sư bà qua đời(1925) , tháp của sư bà được xây trong khuôn viên chùa Trúc Lâm, di ảnh và long vị của sư bà được phụng thờ gian bên hữu nơi hậu tổ và cũng là nơi thờ các di ảnh người thân trong họ tộc Hồ Đắc và tấm bia quý đó cũng đã đặt tại đây. Sau khi sư bà qua đời và ông Hồ Đắc Trung mất năm 1941 không còn ai biết nguồn gốc tấm bia, ngay các vị sư cao niên ở chùa Trúc Lâm cũng không biết. Cho đến gần đây bác sĩ Hồ Đắc Duy (gọi Thượng thư Hồ Đắc Trung bằng ông nội) người lúc nhỏ đã từng gắn bó nhiều năm với chùa Trúc Lâm mới khám phá ra nội dung văn bia với ý nghĩa lịch sử vô cùng quý đối với tộc họ Hồ Đắc như trên.
Ông Hồ Đắc Tuấn(1836-1878) là con thứ 5 của quan Ngự y Hồ Đắc Hóa và bà Nguyễn Thị Lê. Thông minh, học giỏi từ nhỏ, Hồ Đắc Tuấn là Cử nhân khai khoa đầu tiên của làng An Truyền, được mọi người trọng vọng. Ra làm quan lúc đầu ở sở Tàng thơ, sau chuyễn qua bộ Binh rồi Viện Cơ mật, mấy năm sau được bổ làm tri phủ phủ Ninh Giang tỉnh Hải Dương. Vợ Hồ Đắc Tuấn là bà Công nử Thức Huấn con gái hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng là Tùng Thiện vương Miên Thẩm, vương đồng thời là nhà thơ nổi tiếng. Bà mất lúc mới 45 tuổi vì bị giặc Pháp sát hại dịp thất thủ Kinh đô năm 1885. Tuy làm quan Tri phủ, con một quan Ngự y danh tiếng đời vua Minh Mạng, mẹ là một công nử cháu nội vua Gia Long, vợ là cháu nội vua Minh Mạng nhưng gia cảnh của hầu tước Hồ Đắc Tuấn ở An Truyền thanh bạch, bản thân ông sinh hoạt giản dị, gần gủi dân làng được dân làng quý mến. Vốn hay chữ, sinh thời, Hồ Đắc Tuấn giao du rộng rãi với nhiều nhà Nho có danh tiếng trong đó có tri phủ Hồ Sĩ tạo và ông Nguyễn Sinh Nhậm.Ông Nguyễn Sinh Nhậm cùng vợ là bà Hà Thị Mi chỉ sinh hạ một con trai là Nguyễn Sinh Sắc(thân phụ Bác Hồ) . Do mối quan hệ này mà khoảng 5 thập kỷ sau, vào năm 1901, lúc ông Hồ Đắc Trung con trưởng của ông Hồ Đắc Tuấn thành đạt trên quan trường, nhân dịp ông Nguyễn Sinh Sắc, đổi tên thànhNguyễn Sinh Huy thi đổ Phó bảng(khóa năm Tân Sửu-Thành Thái 13 -1901, ông Phan Chu Trinh cùng đổ khóa này) đại thần Hồ Đăc Trung đã mời ông Nguyễn Sinh Huy cùng 2 con là Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung đến chơi và cùng ăn cơm tại tư gia ở Kinh thành, cùng ăn cơm có các công tử Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di con ông Hồ Đắc Trung cùng lứa tuổi với các cậu Khiêm, Cung. Đại thần Hồ Đắc Trung đã tiếp đãi ông Nguyễn Sinh Sắc cùng 2 con rất trọng thị và có nhắc lại tình thân hửu cố cựu giửa 2 cụ Hồ Đắc Tuấn và Nguyễn Sinh Nhậm. (1) Vợ chồng ông Hồ Đắc Tuấn-Công nử Thức Huấnsinh hạ 11 người con cả trai lẫn gái trong đó ó 3 người làm nên sự nghiệp lớn lưu danh tên tuổi trong lịch sử Hồ Đắc, lịch sử triều Nguyễn và lịch sử Phật giáo Việt nam là Quận công Hồ Đắc Trung (con trưởng) , Hồ Thị Nhàn (con gái thứ 3) sau này là sư bà Diên Trường, Thượng thư Hồ Đắc Đệ (con út) .
III – Với tư tưởng cách tân, quận công Hồ Đắc Trung đã viết nên trang sử mới cho họ tộc Hồ Đắc làng An Truyền.
Hồ Đắc Trung sinh năm Tân Dậu (1861) đậu cử nhơn năm Giáp Thân (1884) sau đó làm quan dưới các triều Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, ông Hồ Đắc Trung thăng tiến thuận lợi:được bổ vào Nội các, thăng Tri phủ, Viên ngoại cơ mật, hộ lý Võ khố, lịch lỵ Tuần Vũ, tổng đốc Nam-Ngãi dưới triều Thành Thái, đầu triều Duy Tân được bổ Thượng Thư bộ Học Thái tử thiếu bảo, Hiệp biện đại học sĩ tước Khánh Mỹ Tử, dưới triều Khải Định giữ chức bộ Lễ kiêm bộ Công thăng Đông Các đại học sĩ, tấn phong “Khánh Mỹ Bá” cuối cùng là “Khánh Mỹ Quận công”. Ông sinh ra, lớn lên và làm quan trong giai đoạn có nhiều biến động trong lịch sử phong kiến triều Nguyễn với nhiều sự kiện chi phối đến việc hình thành nhân cách riêng hiếm thấy trong số đại thần triều Nguyễn. Lúc công tử Hồ Đắc Trung trưởng thành, đổ đạt ra làm quan cũng là lúc thực dân Pháp đã hoàn thành cuộc xâm lược toàn bộ nước Việt nam biến dân tộc ta thành nô lệ và triều đình quan lại làm bù nhìn cho chúng. Ông đã trực tiếp chứng kiến người mẹ thân yêu của mình chết dưới làn đạn của thực dân Pháp trong ngày thất thủ Kinh đô năm 1885.
Một năm sau, ông lại chứng kiến cuộc nổi loạn Chìa vôi (1786) với khí phách anh hùng của Đoàn Hửu Trưng và số phận thê thảm của gia tộc họ Đoàn, của bà Thể Cúc chị ruột mẹ mình. Ra làm quan ông đã phục vụ qua 3 triều vua yêu nước: Hàm Nghi , Thành Thái, Duy Tân. Khí phách anh hùng, tinh thần yêu nước của Đoàn Hửu Trưng, của ba nhà vua trẻ cùng với sự tàn ác của quân Pháp gây ra cái chết cho người mẹ thân yêu đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong tâm hồn của một nhà Nho uyên bác như ông. Do vậy trong cuộc đời làm quan, ông không thuộc loại a dua, cộng sự đắc lực với người Pháp để tiến thân. Trái lại còn tìm cách giúp đở số người chống Pháp thất cơ lỡ vận. Dưới triều Thành Thái ở cương vị Tổng đốc Nam-Ngãi (2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi) những năm mất mùa lại bị sưu cao thuế nặng ông đã tận tình giúp đở cứu đói cho dân yêu cầu chính phủ bảo hộ miễn thuế cho dân.
Năm 1908, đầu triều Duy Tân một số nhà Nho bạn đồng học nay trở thành lãnh tụ phong trào chống sưu thuế ở tỉnh Quảng Nam là Thái Phiên, Trần Cao Vân bị Pháp bắt giam chờ ngày ra tòa, Tổng đốc Hồ Đắc Trung đã vào tận ngục thăm hỏi và khuyên hai ông nhẫn nhục nhận tội để ông bảo lãnh ra tù. Hai ông Thái, Trần đã chấp nhận và được trả tự do. Theo lời kể của ông Cả Khiêm (Nguyễn Sinh Khiêm) và O Thanh (bà Nguyễn Thị Thanh chị ruột Bác Hồ) với nhà văn Sơn Tùng sau ngày đất nước thống nhất thì trong những năm 1910-1920 lúc ông Hồ Đắc Trung đảm nhiệm Thượng thư bộ Học, mẹ Lụa cùng o Thanh là 2 phụ nử bí mật đi quyên tiền cho các “Hội kín” đã đươc hai Thượng thư Cao Xuân Dục, Hồ Đắc Trung nhiều lần đón tiếp tại tư gia trao tặng tiền, vàng giúp đỡ.
Ảnh: Hồ Thị Chỉ năm 14 tuổi
Khi đảm nhận Thượng thư bộ Học dưới triều vua Duy Tân, vua Duy Tân đang tuổi thiếu niên đã có mối quan hệ thân mật ngoài quan hệ vua tôi với các con cùng lứa tuổi của TT Hồ Đắc Trung. Vua Duy Tân đặc biệt có cảm tình với tiểu thư Hồ Thị Chỉ con gái áp út của TT Hồ Đăc Trung kém vua 2 tuổi, một cô gái mới lớn, xinh đẹp, nhu mì, thông minh, thông thạo chữ Hán và cả tiếng Pháp. Năm 1915 vua Duy Tân 16 tuổi đã ngỏ ý với 2 bà Hoàng Thái hậu muốn chọn tiểu thư Hồ Thị Chỉ để nạp phi (làm Hoàng hậu) . Hai bà Hoàng Thái hậu (một mẹ dích, một mẹ đẻ) đã cho gọi Hồ Thị Chỉ vào hầu và cho tiểu thư một đôi vòng vàng làm kỷ niệm. Tiếp đó có người trong Nội cung ra dạy cho tiểu thư Hồ Thị Chỉ thông thạo mọi lễ nghi trong nội cung và định đầu năm 1916 sẽ làm lễ nạp phi. Mọi việc tưởng như đã an bài thì bất ngờ cuối năm đó vua Duy Tân cho gọi Thượng thư Hồ Đắc Trung vào chầu và nhà vua đã nói lời từ hôn với Hồ Thị Chỉ mà không cho biết lý do. Cả nhà TT Hồ Đắc Trung bàng hoàng nhất là Hồ Thị Chỉ rất đau khổ. Đầu năm 1916 lễ nạp phi vẫn diễn ra nhưng người ngồi kiệu hoa vào cung để làm vợ vua Duy Tân không phải Hồ Thi Chỉ mà là tiểu thư Mai Thị Vàng con gái cụ Mai Khắc Đôn thầy dạy chữ Hán cho vua Duy Tân! Chỉ vài tháng sau lễ nạp phi đã xảy ra sự kiện động trời: ngày 4 tháng 5 năm 1916 vua Duy Tân bị Pháp bắt giam trong lúc nhà vua đang ở ngoài cung để tham dự vào một cuộc khởi nghĩa chống Pháp do hai lãnh tụ Việt nam Quang phục hội là Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo (Cuộc khởi nghĩa bị lộ do nội phản. (TT Hồ Đắc Trung cũng bị Pháp bắt câu lưu để điều tra về mối quan hệ với vua Duy Tân và với 2 ông Thái, Trần từng được ông Hồ Đắc Trung bảo lãnh ra tù năm 1908 lúc làm Tổng đốc An Ngãi. Song qua lời khai của vua Duy Tân và 2 tử tội Thái, Trần đã chứng minh TT Hồ Đắc Trung vô can trong vụ vua Duy Tân xuất bôn theo giặc làm khởi nghĩa.
Cũng trong dịp này, qua lời khai của vua Duy Tân với người Pháp, ông Hồ Đắc Trung mới rõ động cơ việc nhà vua từ hôn với Hồ Thị Chỉ là do sau ngày nhận lời tham dự cuộc khởi nghĩa ”vì thương ông Hồ Đắc Trung đông con và không muốn tiểu thư Hồ Thị Chỉ bị liên lụy nên từ hôn mà không nói lý do gì cả” (2) Biết được điều đó cả nhà ông Hồ Đắc Trung đều cảm động, riêng tiểu thư Hồ Thị Chỉ đã khóc mấy ngày liền bỏ cả ăn uống. Sau khi được trả tự do, theo tiến cử của triều đình được người Pháp chấp nhận TT Hồ Đắc Trung phải chắp bút bản án xét xử tội vua Duy Tân tham dự phản nghịch chống Pháp của Nam triều để Tòa Khâm sứ Pháp quyết định (theo người Pháp tội phản nghịch dù là vua cũng phải xử trảm) . Sau nhiều đêm thức trắng suy nghỉ với mục đích tìm cách biện hộ cho nhà vua thoát tội chết, TT Hồ Đắc Trung đã hoàn thành dự thảo bản án với nhan đề “vọng thính sàm ngô, khuynh nguy xã tắc”(nghe lời dua nịnh làm cho đất nước lâm nguy) . Theo sư bà Diệu Không nhớ lại bản án đại khái như sau: “Vua Duy Tân còn nhỏ tuổi, tuy rất thông minh, song còn cạn nghĩ, Ngài bị bọn người mưu phản kích thích lòng ái quốc nên nghe theo. Nếu đúng tuổi trưởng thành thì tội Ngài rất nặng, song Ngài còn vị thành niên, tưởng không đáng trách mà nên thương tình. Đứng về phía Chính phủ Bảo hộ thì Ngài can tội “phản nghịch” nhưng đứng về phía chính phủ Nam triều thì Ngài là một ông Vua biết thương dân và được lòng dân. Như vậy luận về tội thì quả thật Ngài có tội với người Pháp, còn đối với nhân dân Việt Nam thì Ngài không có tội gì cả. Vậy nên xét tình mà chỉ truất phế Ngài và để cho Ngài được tự do về với danh nghĩa một ông Hoàng tử như trước. Như vậy lòng dân mới khỏi oán thán Chính phủ Pháp là khắc nghiệt” (Diệu Không-Vua Duy Tân và gia đình Hồ Đắc Trung) . “Bản án” có lý, có tình hơn nữa còn ẩn giấu lời răn đe người Pháp đừng quá nặng tay với vua Duy Tân mà phải lãnh hậu quả như trên đã được người Pháp chấp nhận. Vua Duy Tân phải nhận tội đi đày nhưng vẫn giữ danh vị hoàng tử. (3)
Ảnh: Vua Khải Định (giữa) và 4 đại thần “tứ trụ” TT.
Hồ Đắc Trung (bên trái ngoài cùng)
Sau sự kiện 2 ông vua có tinh thần yêu nước: Thành Thái và Duy Tân, người Pháp đã chọn được người nối ngôi vua Duy Tân như mong muốn là một ông vua bù nhìn: vua Khải Định. Chỉ sau một thời gian ngắn ngày ngồi lên ngôi báu, Khải Định ngỏ lời cầu hôn với tiểu thư Hồ Thị Chỉ con gái Thượng thư Hồ Đắc Trung, và với tình thế bắt buộc không thể khác. Để tránh cho toàn gia phải gánh hình phạt về tội “khi quân”. Mặc dù còn nặng lòng với vua Duy Tân nhưng Hồ Thị Chỉ buộc phải vào cung nhận danh hiệu “Ân phi” (nhị giai phi) . Thượng thư Hồ Đắc Trung trở thành.
“quốc trượng” (cha vợ vua) . Ông vẫn dảm nhận Thượng thư bộ Lễ và bộ Công, được tấn phong Đông Các đại học sĩ, Khánh Mỹ quận công và là một trong “tứ trụ” của triều đình. Tuy có uy quyền lớn nhưng Thượng thư Hồ Đắc Trung vẫn sống thanh bạch, giản dị không ỷ quyền để làm giàu cho cá nhân và gia đình, ỷ thế chèn ép, hà hiếp người khác. Là một nhà Nho học nhưng TT Hồ Đắc Trung đã sớm nhận thấy những điều còn hạn chế trong xã hội phong kiến so với những ưu việt của xã hội phương Tây nhất là về khoa học kỷ thuật. Ông cũng đã từng biết số phận những bản điều trần về canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ(1827-1871) không qua được xu hướng bảo thủ của triều đình. Dưới triều Tự Đức đã thế, dưới triều Khải Định, Bảo Đại cũng không hơn gì nếu không muốn nói là tồi tệ hơn. Vì vậy ông đã tìm cách thực hiện những suy ngẫm về canh tân theo cách riêng của mình. Ông đã có quyết định sáng suốt trong việc chuyễn hướng phương pháp giáo dục gia đình, hướng nghiệp cho các con theo xu hướng phát triễn mới của thời đại. Nhờ vậy gia đình TT Hồ Đắc Trung đã có đóng góp lớn cho xã hội Việt nam thế kỷ XX và cả sau này. Vợ chồng TT Hồ Đắc Trung-Châu Thị Ngọc Lương có tất cả 10 người con (4 gái, 6 trai).
Chú thích ảnh:
Hàng ngồi:
Cụ bà: Châu thị Ngọc Lương-Cụ ông:Hồ Đắc Trung
Hàng đứng (từ trái sang) :
Con gái: Hồ Thị Chỉ – Hồ Thị Hạnh-Hồ Thị Phương
– Hồ Thị Huyên -Tôn nử Thị Khâm (bà Hồ Đắc Khải-con dâu)
– Con trai: Hồ Đắc Khải -Hồ Đắc Ân-Hồ Đắc Di
– Hồ Đắc Liên-Hồ Đắc Điềm -Ưng Úy(con rể) .
*Trong ảnh có đủ mặt 4 con gái và 5 con trai
(thiếu ông Hồ Đắc Thứ bị bệnh) có thêm một con dâu và một con rể.
(Ảnh lưu niệm của gia đình Hồ Đắc- chụp năm 1935).
Trong 4 con gái trừ 2 bà Hồ Thị Huyên, Hồ Thị Phương sinh cuối thế kỷ 19 chỉ dược học qua chữ Hán, 2 tiểu thư Hồ Thị Chỉ, Hồ Thị Hạnh sinh đầu thế kỷ 20 được hấp thụ nền giáo dục kết hợp Á-Âu:vừa giỏi chữ Hán vừa thông thạo tiếng Pháp, tiếng La Tinh. Cả bốn cô lớn lên đều gã cho các nơi quyền quý, môn đăng hộ đối:Hồ Thị Huyên, trưởng nử, là vợ Thượng thư Ưng Úy, (sinh hạ một con trai duy nhất là nhà bác học Bửu Hội) ;Hồ Thị Phương (Sài) , bà Tham Ngô, dâu Thượng thư Lê Trinh; Hồ Thị Chỉ là đệ nhất Ân phi của vua Khải Định; Hồ Thị Hạnh , bà Cao Xuân Xang con dâu Thượng thư Cao Xuân Dục. Ba trong số bốn người trên đã cống hiến trọn đời cho Phật giáo: Hồ Thị Huyên sau này là sư bà Diệu Huệ; Hồ Thị Phương là một “bà vãi” không chỉ nổi tiếng ở các chùa tỉnh Thừa thiên mà còn ở nhiều chùa khắp các tỉnh miền Trung; Hồ Thị Hạnh sau này là sư bà Diệu Không, một ni trưởng có uy tín hàng đầu trong giáo hội Phật giáo Việt nam thế kỷ XX.
Sáu con trai : trừ ông Hồ Đắc Khải (trưởng nam) được đào tạo theo Nho học, ra làm quan đến Thượng thư bộ Hộ (tài chánh) hàm Hiệp biện đại học sĩ, 5 người con trai còn lại đều được đào tạo Tây học và đều được du học ở Pháp mỗi người một ngành pháp luật, khoa học kỷ thuật để sau này góp phần xây dựng đất nước và hầu hết các con của ông đều đáp ứng nguyện vọng của người cha. Năm người đã tốt nghiệp với học vị cao trở thành số trí thức, nhân tài đầu tiên của nền khoa học kỷ thuật xã hội Việt nam đương thời: tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm, GS-TS Ykhoa Hồ Đắc Di, Kỷ sư Mỏ-Địa chất, Hồ Đắc Liên, Tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân, riêng con trai út Hồ Đắc Thứ được tu nghiệp ngành Ngân hàng-Tài chính tại Pháp thuộc loại giỏi buộc phải bỏ dỡ học hành và sự nghiệp vì căn bênh hiểm nghèo.
Năm 1924, các con của TT Hồ Đắc Trung sau khi du học thành tài đều trở về phục vụ đất nước dưới chế độ thực dân phong kiến. . Sau ngày cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, vợ chồng cụ Hồ Đắc Trung đều đã qua đời, các con đều có gia đình riêng sống sung túc trên cả 3 miền Trung, Nam, Bắc đều hồ hỡi chào đón dịp khai sinh nước Việt nam dân chủ cộng hòa. Ngay say khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ ba trong số 6 người con trai ::Luật sư-TS Hồ Đắc Điềm, , GS-TS Hồ Đắc Di, Kỷ sư Hồ Đắc Liên đã đem theo cả gia đình thoát ly theo Chính phủ Hồ Chí Minh. Số còn lại không thoát ly do hoàn cảnh tuổi tác, bệnh tật (Hồ Đắc Khải, Hồ Đắc Thứ) riêng TS- Dược sĩ Hồ Đắc Ân ở Sàigòn ngay từ ngày đầu kháng chiến cũng đã tham gia cùng với chủ tịch UBKC Phạm Ngọc Thạch nhưng đã bị Pháp bắt đưa về lại Sàigòn từ đó ông vẫn tiếp tục bí mật giúp đở thuốc men cho lực lượng kháng chiến. Sư bà Diệu Không ở lại trụ trì chùa Hồng Ân ở Huế trở thành một ni trưởng có uy tín hàng đầu trong giáo hội Phât giáo miền Nam và luôn sát cánh với phong trào yêu nước của Phật giáo chống chế độ Pháp, Mỹ và tay sai. Sư bà cũng đã có vai trò có ý nghĩa trong việc thống nhất 2 tổ chức Phật giáo nam-bắc sau ngày đất nước thống nhất. Các ông Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di. Hồ Đắc Liênsau ngày thoát ly tham gia kháng chiến, đã đem kiến thức khoa học tích cực phục vụ chế độ mới và trở thành những nhân sĩ trí thức nổi tiếng. Tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm từng đảm nhiện các chức vụ:Chánh án Tòa án Nhân dân Liên khu VI, phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Ông còn nổi tiếng trong phong trào xóa nạn mù chữ ở Thủ đô theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:”Chú là một nhà đại trí thức, chú phải sẻ chữ cho đồng bào ít chữ”… Tiến sĩ Y khoa Hồ Đắc Di là một giáo sư rất nổi tiếng về cả tài năng và đạo đức. Giáo sư là một trong số thầy thuốc có công đầu trong việc xây dựng và phát triễn ngàng Y dưới chế độ mới. Hàng nghìn thầy thuốc trẻ ra lò từ những lớp học bằng tre nứa ở chiến khu Việt Bắc cho đến các giảng đường trường Đại học Y Hà Nội do Giáo sư đứng đầu đã phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Nhiều học trò của Giáo sư nay cũng đã là giáo sư, tiến sĩ trong đó có học trò xuất sắc nhất (trước CM tháng Tám) và cũng là người bạn lâu năm nhất của Giáo sư là Giáo sư Tôn Thất Tùng với phương pháp mổ gan lừng danh trong nước và cả trên thế giới. Kỷ sư Hồ Đắc Liên từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham dự Hội nghị Fontainebleaux trong những ngày đầu CM tháng Tám 1945 thành công. Sau đó ông cùng vài người được Bác Hồ bí mật cử mang tiền, vàng sang Hông Kông cho Vĩnh Thụy (Bảo Đại) . Tiếp đó ông theo Bác Hồ lên Việt Bắc nhận nhiệm vụ xây dựng, đào tạo lớp cán bộ đầu tiên của ngành mỏ-địa chất dưới chế độ mới. Không phải ngẫu nhiên mà trong kỳ Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt nam đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước đã có 4 đại biểu là anh em ruột cùng một gia đình từng sống, công tác ở 2 miền dưới thời đất nước bị chia cắt: 2 ông TS Hồ Đắc Điềm, GS Hồ Đắc Di trong đoàn MT thành phố Hà Nội, sư bà Diệu Không đoàn MT TP Huế, DS Hồ Đắc Ân đoàn MT TP Hồ Chí Minh, một hình ảnh đẹp thể hiện chân lý “Đất nước ta là một, dân tộc ta là một”.
Những cống hiến của gia đình đại thần Hồ Đắc Trung trong thế kỷ XX đã cho thấy: dù xuất thân Nho học nhưng TT Hồ Đắc Trung đã có nhãn quan nhìn xa trông rộng, sớm có tinh thần cách tân trong việc định hướng học hành, rèn luyện phẩm chất cho con cái phù hợp với xu hướng phát triễn của thời đại, điều hiếm thấy trong giới quan lại triều Nguyễn lúc bấy giờ. Hiện nay ở Hà Nội, Huế có con đường mang tên “Hồ Đắc Di”. Thừa thiên-Huế có con 2 con đường một ở huyện Phú Vang mang tên “Hồ Đắc Trung” và một ở TP Huế mang tên “Thích nữ Diệu Không”.
Ảnh: Từ dường quận công Hồ Đắc Trung
mới xây dựng xong ở TP Huế (3-2012).
Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung qua đời năm 1941 thọ 81 tuổi, lăng mộ của ông được táng trên một ngọn đồi tại sơn phận xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1949 sư bà Diệu Không xây dựng ni viện Hồng Ân trên diện tích đất thuộc sở hửu của gia đình Hồ Đắc trên đồi Dương Xuân Thượng, diện tích khu đất nghĩa trang có lăng mộ vợ chồng cụ Hồ Đắc Trung được tính trong khuôn viên ni tự Hồng Ân. (Nay thuộc địa phận thôn I, xã Thủy Xuân, TP Huế).
Cuối năm 2011, theo thỏa thuận giữa sư trụ trì chùa Hống Ân và ông Hồ Đắc Hoài cháu nội cụ Hồ Đắc Trung, được sự đồng ý của chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, diện tích đất nghĩa trang Hồ Đắc được tách khỏi chùa Hồng Ân giao lại cho dòng họ Hồ Đắc. Trên phần đất này ông Hồ Đắc Hoài đã cho xây tường bao quanh khu nghĩa trang và xây dựng ngôi Từ đường khang trang để phụng thờ vợ chồng cụ Hồ Đắc Trung và số người trong gia đình đã quá cố. Glữa tháng 3 năm 2012 ngôi Từ đường đã tổ chức lễ khánh thành.
Hà Nội Xuân Nhâm Thìn (2012) .
TDT
Chú thích:
1-Trích truyện ký về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng đăng trên báo “Sức khỏe và đời sống” năm 2002.
2-3-Trích cuốn ”Đường thiền sen nở-Hồi ký của sư bà Diệu Không” (Lê Ngân-Hồ Đắc Hoài biên soạn-Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây-Lao Động xuất bản năm 2009).
Nguồn bài đăng