18/06/2018, 16:20

Hoạn quan trong Sử Việt

Trích tác phẩm LỐI XƯA XE NGỰA Tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh Sử sách của ta chỉ chép tỉ mỉ từ đời Lý, trước đó nước ta có hoạn quan hay không thì không rõ, nhưng xét ra có lẽ chế độ hoạn quan của ta bắt chước Trung quốc. Theo các sách Chu lễ và Kinh lễ thì đời nhà Chu các ...

bi-an-ve-so-phan-cua-cac-thai-giam-chon-cung-dinh-viet-nam.jpg

Trích tác phẩm LỐI XƯA XE NGỰA
Tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Sử sách của ta chỉ chép tỉ mỉ từ đời Lý, trước đó nước ta có hoạn quan hay không thì không rõ, nhưng xét ra có lẽ chế độ hoạn quan của ta bắt chước Trung quốc.

Theo các sách Chu lễ và Kinh lễ thì đời nhà Chu các hoạn quan chỉ giữ việc quét dọn, canh phòng, hầu hạ trong cung cấm, thường được gọi là Tư nhân, hay Yêm doãn (yêm = thiến, doãn = trưởng quan) sau mới đổi ra hoạn quan nghe tôn quý hơn. (Ở Việt Nam thường gọi là : nội thị, quan thị, nội giám, ông Giám, ông Bõ).

Tuy tổng số có thể lên đến 3000 người, nhưng chỉ mộ số ít được giữ việc chuyển đạt mệnh lệnh của vua đến các phi tần. Những người này đều có tên khắc chữ vàng trên thẻ ngọc. Mỗi khi vua muốn triệu ai thì chọn thẻ giao cho viên nội giám giữ việc ấy để đem đèn đến treo trước cửa người cung phi được chọn. Cô này thấy hiệu bèn trang điểm rồi trút bỏ xiêm y, viên nội giám dùng một cái áo choàng rộng màu đỏ bọc lại rồi ẵm đến tận cung vua. Sau đó viên này phải ghi rõ ngày giờ vào sổ để nếu sau có sinh con trai thì đó là bằng chứng.

Theo ông Hoàng Xuân Hãn thì từ cuối đời Hán hoạn quan mới tiếm quyền trong triều, nắm giữ cả văn ban lẫn võ ban, kết giao với các đại thần, gây vây cánh…

Năm 1653, vua thấy hoạn quan lũng đoạn triều chính thái quá bèn ra sắc lệnh không cho những người này làm quan quá tứ phẩm, cấm dự bàn quốc sự, cấm không đuợc giao hảo với các đại thần, nếu không sẽ bị họa phân thây. Tuy nhiên, trên thực tế, đạo luật này ít khi được áp dụng.

I.- NHỮNG HOẠN QUAN DANH TIẾNG Ở NƯỚC TA

* Đời Lý

. Lý Nhân Nghĩa.

Nói đến hoạn quan đời Lý ai cũng nghĩ ngay đến Lý Thường Kiệt nhưng viên hoạn quan đầu tiên được nêu tên trong sử lại là Lý Nhân Nghĩa.

Năm 1028, vua Lý Thái Tổ băng hà, thái tử Phật Mã lên ngôi, ba vương là Đông Chính, Dực Thánh và Vũ Đức mưu phản, đem quân mai phục trong Long Thành và ngoài cửa Quang Phục. Thái tử biết có biến sai vệ sĩ phòng giữ và sai bọn hoạn quan đóng các cửa điện, nhưng dùng dằng không nỡ quyết liệt với anh em. Nội thị Lý Nhân Nghĩa xin ra đánh, tâu : ” Nay ba vương làm phản thì là anh em hay cừu địch ?…Tiên đế cho điện hạ là người có đức, có thể nối được chí nên lấy thiên hạ phó thác cho điện hạ, nay giặc đến tận cửa cung mà ẩn nhẩn như thế thì đối với sự phó thác của tiên đế ra sao ? “. Thái tử lẳng lặng hồi lâu nói : ” Vì ta muốn giấu tội ác của ba vương cho tự ý rút quân để trọn nghĩa anh em “. Sau thấy ba vương đánh gấp, thái tử liền ủy cho bọn Lý Nhân Nghĩa và cung quan là Dương Bình, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu đánh dẹp. Hiểu giết được Vũ Đức, còn Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát.

Đến tháng tư năm 1028, vua Thái Tông đi đánh phủ Trường Yên, cũng giao cho Lý Nhân Nghĩa ở lại giữ kinh sư, phòng Khai quốc vương làm phản (1).

Xem thế đủ biết Lý Nhân Nghĩa không phải loại hoạn quan nô bộc mà là người có quyền can gián vua và rất được vua tín nhiệm.

. Lý Thường Kiệt (1019-1105). 

Lý Thường Kiệt quê ở Thăng Long, húy là Tuấn, tự là Thường Kiệt. Người cha sung chức Sùng ban lang tướng. Năm Thường Kiệt 13 tuổi thì mồ côi cha. Người chồng của cô là Tạ Đức thấy có chí bèn gả cháu gái là Thuần Khanh và dậy cho binh thư Tôn Ngô. Trước năm 1040 Thường Kiệt cũng được học đạo Nho.

Nhờ phụ ấm, lúc đầu giữ một chức quan nhỏ là Kỵ mã hiệu úy. Năm 23 tuổi (1041) sung chức Hoàng môn chỉ hậu, khi ấy đã là hoạn quan. Có hai thuyết nói về việc Thường Kiệt tự hoạn :

– Vì vua thấy Thường Kiệt mặt mũi đẹp đẽ nên cho ba vạn quan bảo tự hoạn để vào cung hầu hạ ;

– Vua Thái Tông đánh Chiêm Thành bắt được Nùng Trí Cao lại tha về. Thường Kiệt can ngăn, vua cho là thất lễ bắt phải tĩnh thân, sau đó triệu cho vào hầu cận.

Thuyết đầu có lẽ có lý hơn vì em ông là Thường Hiến cũng là hoạn quan, chẳng lẽ vua cũng bắt tự hoạn chỉ vì Thường Kiệt ” thất lễ ” ? Ông Hoàng Xuân Hãn còn vạch ra rằng từ khi bình Chiêm, tha Nùng Trí Cao đến khi bắt Thường Kiệt tự hoạn rồi lại trọng dụng chỉ vỏn vẹn có mấy tháng, thời gian hơi ngăén để làm đủ từng ấy chuyện.

Vào cung chưa được một kỷ (12 năm) Thường Kiệt được thăng Đô Tri, coi tất cả mọi việc trong cung cấm.

Năm 1054, vua Lý Thánh Tông lên ngôi, Thường Kiệt sung chức Bổng hành quân quốc Hiệu úy, rồi Kiểm hiệu Thái bảo, một chức rất cao tại triều.

Năm 1601, vua sai ông dẹp loạn ở cõi Tây nam, Man Lào.

Năm 1069, vua Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, phong ông làm Đại tướng, cho em ông là Thường Hiến giữ chức Tân kỵ vũ úy. Thường Kiệt bắt được Chế củ, Củ dâng đất chuộc tội được tha về. Thường Kiệt thăng Phụ quốc Thái phó (chức thứ ba trong hàng Tể chấp) Đao Thụ Nam bình Tiết độ sứ (chức thứ hai trong hàng tướng) Thượng Trụ quốc, Khai quốc công, Thiên tử nghĩa nam (hàng vương). Sau lại thăng Thái Úy Đồng Trung Thư môn hạ Bình chương sự (chức thứ hai sau Thái sư Lý Đạo Thành) trông nom quốc chính.

Năm 1072, Thánh Tông mất, Nhân Tông là con Ỷ Lan Thái phi lên ngôi. Lý Đạo Thành ở ngôi Tể tướng đã 18 năm, nay làm Phụ chính, tôn Thượng Dương Thái hậu lên chấp chính nhưng Thường Kiệt lại tôn phò Ỷ Lan, chia thành hai phe. Bốn tháng sau phe Thường Kiệt thắng, Lý Đạo Thành bị giáng chức.

Năm 1073, vua Nhân Tông ban cho Thường Kiệt chức Đôn quốc Thái úy, Đại tướng quân, Đại Tư đồ coi việc văn võ kiêm cả chức cấm quan.

Năm 1075, nhà Tống định thôn tính nước ta, Thường Kiệt biết ý đón đánh, Tống quân thất bại phải lui về.

Năm sau nhà Tống sang báo thù, nhưng thủy quân không tinh nhuệ bằng quân Nam, lại thất bại lần nữa. Thường Kiệt không muốn chiến tranh kéo dài, dùng biện sĩ dàn hòa. Năm 1077 Tống lui binh, tổn thất binh sĩ, tiền của rất nhiều mà chỉ chiếm được có 5 châu miền rừng núi. Thường Kiệt lại dùng mưu kế chiếm lại 5 châu, khi thì dùng vũ lực, lúc xúi dân cướp phá, hoặc giảng hòa đòi đất…

Khi đánh Tống, ông làm bài thơ khuyến khích quân sĩ, nay còn lưu truyền :

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.dịch nghĩa :

Sông núi nước Nam, Nam đế ở,
Phận định nghìn xưa tại sách Trời.
Như bọn giặc nào sang cướp lấn,
Là thua tan hết lũ bay coi.

(Đại Việt sử lược, tr. 159)

Năm 1082, vua Nhân Tông trưởng thành, tự cầm quyền chính, cho Thường Kiệt ra trấn giữ Thanh Hóa trong 19 năm.

Đến 1101, Thường Kiệt được triệu về kinh coi hết các việc trong ngoài cung điện.

Năm 1104, Chiêm Thành quấy nhiễu miền nam, Thường Kiệt lúc ấy đã 85 tuổi, kéo quân vào, quân Chiêm vội lui, Thường Kiệt cũng không đuổi theo. Vua chế bài hát tán dương công trạng Thường Kiệt, lại ban thêm chức tước.

Năm 1105, Lý Thường Kiệt mất ở kinh đô, thọ 86 tuổi. Mộ táng ở làng Yên Lạc, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Được truy phong Nhập nội điện, Đô tri Kiểm hiệu Thái úy, Bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, cho thực ấp vạn hộ(2).

* Đời Trần

. Phạm Ứng Mộng. Sử chép năm 1253, vua Trần Thái Tông một hôm chiêm bao thấy thần nhân trỏ vào một người bảo có thể làm Hành khiển (chức Tể tướng thứ hai, chế độ nhà Lý dành cho hoạn quan). Đến năm 1254, một hôm đi chơi ngoài thành, vua gặp một người giống hệt người trong mộng bèn cho 400 quan tiền bảo tự thiến để vào hầu, đặt tên là Ứng Mộng. Sau quả nhiên làm đến chức Hành khiển(3).

Theo Samuel Baron(4) thì đời Trần có một trong ba hoạn quan danh tiếng tên là ” Ong Ja Tu Lea ” (” Ong Ja ” trỏ vào người đáng kính) nổi tiếng vừa nhờ tài trí, thăng chức mau chóng, vừa vì cái chết bi thảm. Chính ông là người vua Trần đã thấy trong mộng và cho tiền để tự hoạn, sau làm quan càng ngày càng quyền cao, chức trọng, được mọi người kính nể, xu nịnh, sợ hãi còn hơn sợ vua. Do đó vua chán ghét, cuối cùng hạ lệnh xử tử bốn ngựa phanh thây, đem xác đốt thành tro, đổ xuống sông. Như thế thì ” Ong Ja Tu Lea ” hẳn là Phạm Ứng Mộng, song không thấy sử chép Phạm Ứng Mộng còn có tên là ” Tu Lea “, và cũng không thấy nói Phạm Ứng Mộng bị xử tử.

* Đời Lê

. Lương Đăng. Tháng giêng năm 1437, Vua Lê Thái Tông sai Hành khiển Nguyễn Trãi cùng với Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc làm loan giá, nhạc khí, dậy tập nhạc và múa. Đến tháng 5, Nguyễn Trãi tâu : ” Bọn thần sở kiến không giống nhau, thần xin trả lại mệnh ấy “. Lương Đăng dâng nhạc mới bắt chước quy chế của nhà Minh, định các nghi thức đại triều. Vua theo đề nghị của Lương Đăng, sai chép lại các nghi thức ấy treo ở ngoài cửa Thừa Thiên. Vua lễ yết Thái miếu, các quan mặc triều phục làm lễ bắt đầu từ đấy.

Bọn hành khiển Nguyễn Trãi, Tham Tri hạ tịch Nguyễn Tuyển, Đào Công Soạn, Nguyễn văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu tâu : ” Đặt lễ, làm nhạc, được như Chu Công thì mới không có ai chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng một mình định lễ nhạc, cả nước chẳng nhục lắm ư ? Lễ nhạc của y không bằng cứ vào đâu, như đánh trống là báo giờ ra chầu buổi sớm, nay vua ra chầu rồi mới đánh trống. Theo quy chế xưa, lúc vua ra, bên tả đánh chuông hoàng chung, rồi 5 chuông bên hữu ứng theo. Nay vua ra chầu đánh 108 tiếng chuông, đó là số nhà sư lần tràng hạt… Làm xe thì đằng trước có diềm, đằng sau mở cửa, nay mở cửa ở đằng trước, quy chế đời xưa như thế sao ?… ” Đăng tâu : ” Thần không có học thuật, không biết quy chế đời xưa, nay làm ra chỉ biết hết kiến thức của thần, việc nên thi hành hay không là quyền ở bệ hạ, thần đâu dám chuyên “. Nguyễn Liễu nói : ” Từ xưa chưa có hoạn quan nào chuyên phá hoại thiên hạ như thế “. Hoạn quan Đinh Thắng từ bên trong mắng ra : ” Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước “. Bèn giao Liễu cho hình quan xét tội, xét án xong, tội đáng chém, vua đặc chỉ cho thích chữ vào mặt, lưu ra viễn châu(5).

Vua coi chầu lúc ra lúc vào có đập roi dẹp đường bắt đầu từ đấy.

Tháng 10, Lương Đăng thăng chức Đô giám. An phủ sứ Lạng Sơn, Bùi Cầm Hổ can : ” Tiên đế thấy Lương Đăng biết chút chữ nghĩa cho làm nội nhân Phó chưởng, nhưng rồi thấy hắn chỉ khúm núm bề ngoài, không thẳng thắn, không thể gần gũi được mới cho ra làm văn đội. Thế mà nay cho lên chức quan to, xin bệ hạ nghĩ lại “(6).

Lương Đăng làm quan to nhưng không tham dự triều chính, không kết bè đảng nắm giữ quyền uy, không giết hại ai, chỉ vì đặt quy chế lễ nhạc không giống với Trung Quốc mà bị các đại thần xúm nhau lại chê trách.

. Hoàng Công Phụ sinh quán ở Thăng Long, đẻ ra đã có khuyết tật. Năm 14 tuổi vào hầu trong phủ Chúa Trịnh, dần dần được Chúa tin dùng, uy quyền tột bậc.

Năm 1739, Trịnh Giang nghe lời Hoàng Công Phụ triệu sĩ tử vào thi ở phủ đường, cho Trịnh Tuệ đỗ Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh. Không đầy vài năm Tuệ làm đến chức Tham tụng đứng đầu các quan trong phủ chúa.

Trịnh Giang mắc bệnh kinh quy, sợ sấm sét, Phụ sai đào hầm làm cung Thưởng Trì cho ở, không ra đến ngoài nữa, nói vì dâm dục quá nên ác báo. Rồi Phụ cùng Trịnh Tuệ và đồ đảng chuyên quyền, giết hại đại thần không kiêng kỵ sợ hãi ai, phủ dịch nặng nề, lòng dân oán thán. Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển ở Hải Dương xui dân làm loạn, người các xứ Đông, Nam, Bắc theo rất nhiều.

Năm 1740, Thái phi Vũ Thị, mẹ Trịnh Giang và Trịng Doanh, muốn triệt bớt uy quyền của Phụ, cho Doanh lập ” Phủ đề nhiếp “. Phụ ghét Doanh sáng suốt, quả quyết, chỉ cho ở nhà nhỏ phía nam phủ chúa, lại cấm các quan không được dùng chữ ” Bẩm ” khi tâu với Doanh mà phải dùng chữ ” Thân ” (=Trình).

Khi tin cáo cấp về Nguyễn Tuyển đến kinh, Phụ nghĩ Tuyển trước ở nhà mình, có quen biết, muốn thân đi vỗ yên, đem hết binh lính bản bộ theo, bỏ kinh thành trống. Bọn Nguyễn Quý Kính muốn ép Doanh lên ngôi. Nội giám Phan Lại Hầu lên tiếng hặc, Tào Thái đem sắc chỉ của vua đến, Phan đứng cạnh la trách. Đô đốc Đồng tri Trịnh Khuông mắng là vô lễ, sai giam ngục. Nguyễn Công Thái truyền ý chỉ của Thái phi, Khuê quận công Giáp Nguyễn Khoa (hoạn quan) lên lầu nổi hiệu trống, các quan lạy mừng Doanh lên ngôi.

Năm 1761, Doanh đặc biệt thưởng công mười người phò lập mình, trong số đó có Giáp Nguyễn Khoa Khuê quận công được ruộng thái ấp để hưởng lộc.

Không thấy sử chép số phận Hoàng Công Phụ ra sao(7).

. Phạm Huy Đỉnh ( ?- 1776)

người xã Cao Mỗ huyện Thần Khê. Khi Trịnh Sâm còn là Thế tử, Chính phi của Trịnh Doanh là Nguyễn Thị Vinh, ngăn không cho Sâm ngồi cùng mâm với Thái tử Lê Duy Vĩ để giữ lễ vua tôi. Sâm căm giận Thái tử, sau khi lên cầm quyền, năm 1769, mưu với Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đỉnh vu cho Thái tử thông dâm với cung nhân của Trịnh Doanh, sai Đỉnh đem thân binh đi bắt. Thái tử biết, trốn vào tẩm điện của vua. Đỉnh đến Đông cung không tìm thấy, đi thẳng vào điện vua kể tội Thái tử, điệu về phủ Chúa. Sâm sai lập án, bắt vua ký, giáng Thái tử làm thường dân, giam lại. Năm 1771, lại vu cho bọn Trần Trọng Lâm, Nguyễn Hữu Kỳ…muốn cướp ngục đem Thái tử ra. Sâm sai tra tấn, Vũ Bá Xưởng đau quá nhận bừa. Thái tử bị ghép tội xử giảo.

Năm 1773, Đỉnh thăng chức Thự phủ sự (Tể tướng) phủ Chúa. Lê Quý Đôn tuy tài giỏi, nhưng cả Trịnh Doanh và Trịnh Sâm đều không trọng dụng, phải kết giao với Đỉnh, sau được giữ chức Bồi tụng (Phó Tể tướng).

Sâm lại nghe Hoàng Ngũ Phúc cho Đỉnh làm Hiệp đốc suất đạo Thanh Hoá, tước Công hai chữ (nhỏ hơn tước Công một chữ, như Bằng Công thì cao hơn Bằng Trung Công), phong là Đại vương.

Năm 1776, Thự phủ sự Thiều quận công Phạm Huy Đỉnh mất ở Nghệ An, truy phong Phúc thần.

Đỉnh là người có tính đố kỵ, hà khắc, thâm độc, nhiều lần gây ra những vụ án lớn như vụ giết Thái tử Duy Vĩ(8).

. Hoàng Ngũ Phúc (1713 – 1776)

người xã Phụng Công, huyện Yên Dũng, xứ Kinh Bắc. Lúc trẻ tự hoạn để được vào hầu trong cung.

Năm 1740, giữ chức Tả Thiếu giám, tước Việp Trung hầu.

Năm 1743, đề xuất 12 điều quân pháp, được Trịnh Doanh cho thi hành.

Từ 1744 đến 1750, cùng Phan Đình Trọng dẹp loạn Nguyễn Hữu Cầu, thu phục lại Kinh Bắc. Cầu phải chạy vào Nghệ An. Phúc được phong Trấn thủ Kinh Bắc kiêm thống lĩnh Bắc đạo, tước Việp quận công.

Năm 1751 đánh Nguyễn Doanh Phương, bắt được ở Lập Thạch, công bậc nhất, được phong Đại Tư đồ, Trấn thủ Sơn Nam.

Đến 1765 được ban kim bài khắc bốn chữ ” Dự quốc đồng hưu ” (cùng hưởng yên vui, sung sướng với nước).

Năm 1769 cùng Trịnh Sâm và Phạm Huy Đỉnh vu tội cho Thái tử Duy Vĩ rồi đem giết.

Đến 1774, xin về hưu, được ban cho hiệu Quốc lão.

Sau Sâm lại triệu ra phong Thượng tướng, sai đem 36000 quân thủy bộ đánh dẹp miền Nam, Phúc luôn luôn thắng trận, tiến đến Phú Xuân, bắt được Trương Phúc Loan, chúa Nguyễn phải bỏ chạy.

1775 tiến vào Quảng Nam, chiếm được hai đồn Câu Dê và Trung Sơn rồi mới cho quân tạm nghỉ.

Vì mắc bệnh tê liệt, được trở về Thăng Long. Trên đường về kinh sư, mất ở trên thuyền tại Vĩnh Dinh (Nghệ An) năm 1776.

Hoàng Ngũ Phúc tư thế oai phong, quân lệnh nghiêm minh, hành quân rất có kỷ luật. Khi chiếm được Phú Xuân, Phúc thu nhặt những thứ quý giá dâng chúa Trịnh, còn thì niêm phong.

Thuộc hạ Thế trung hầu Hoàng Đình Thể cướp của dân, Phúc sai Uông Sĩ Điển tra hỏi, đem trả lại dân rồi không bàn đến chuyện thưởng công đánh được Lũy Thầy.

Với Nguyễn Nhạc, Phúc tỏ ra viên tướng biết quyền bính, thay triều đình làm tờ hiểu dụ, ban cho Nhạc mũ áo…

Khi Phúc đi Nam chinh, Sâm mấy lần gửi trát thăm hỏi, đưa chỉ dụ khen, thưởng vàng bạc, quần áo đồ dùng, sâm quý vài mươi lạng, cho chạy ngựa trạm đem đến. Lại thăng cho làm Đại Trấn thủ Thanh Hoá…

Phúc ốm nặng còn gửi khải về tâu bàn với Chúa khoan đánh Quảng Nam, hãy cho quân sĩ nghỉ ngơi vài năm, Sâm nghe theo.

Khi Phúc mất, Sâm bãi chầu.

Phúc có tiếng là người cẩn trọng, việc lớn nhỏ trong quân đều tự mình xem xét, dụng binh không cậy may rũi, xử sự quả quyết, trung tín, rất được lòng người. Nguyễn Hữu Chỉnh coi Phúc là quan thầy.

Phúc không có con, nuôi người cháu là Hoàng Đình Bảo (tức quận Huy) làm con nuôi. Bảo lại lấy con gái chúa Trịnh Doanh. Vây cánh, thuộc hạ của Phúc đầy triều, quyền uy lừng lẫy dến nỗi dân chúng đồn là Phúc muốn cướp ngôi để lập ” Triều đình Hoàng thị ” sau này truyền cho Bảo, đặt ra những lời sấm truyền :

” Thổ sất vân yểm nguyệt ” = con rể là đám mây che mặt trăng (chỉ chữ ” tế ” = con rễ, tức Hoàng Đình Bảo).

” Hoàng hoa nhật điệu hương ” = hoa vàng càng ngày càng tỏa hương thơm (chỉ chữ ” Việp “, tức Hoàng Ngũ Phúc).

Còn có câu ” Một lợn đuổi đàn dê ” vì Bảo tuổi hợi (con lợn) còn Sâm và Khải đều tuổi mùi (con dê) ; Bảo trước tên là Đăng Bảo, có thể hiểu là �lên ngôi vua “, Phúc muốn tránh hiềm nghi cho đổi ra Tố Lý, sau mới đổi lại thành Đình Bảo.

Phúc là một viên tướng lỗi lạc, chiến công, danh vọng nhiều, đối với chúa Trịnh tỏ ra hết lòng trung trực, duy có chuyện nhúng tay vào vụ giết Thái tử Duy Vĩ là một hành động không được quang minh.

Sau khi chết được truy tặng Thượng đẳng Phúc thần(9).

* Đời Nguyễn

. Lê văn Duyệt (1763 – 1832)

sinh quán làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Năm 1780, Nguyễn Ánh biết Duyệt có khuyết tật, sung làm Thái giám nội dinh.

Năm 1800, Duyệt dùng hỏa công đốt thuỷ trại Tây Sơn ở cửa bể Thị Nại, thu phục Qui Nhơn.

1812, làm Tổng trấn Gia Định cho đến 1816 thì về kinh.

1820 lại ra giữ chức Tổng trấn Gia Định cho tới khi mất.

Duyệt là một viên tướng tài, giúp Chúa Nguyễn Ánh đánh Trịnh, dẹp Tây Sơn, biết quyền biến.

Tuy có tính trực ngôn nhưng ngoại giao cũng khôn khéo. Khi sứ Xiêm đến Hà Tiên, năm 1820, không chịu trình quốc thư, lời lẽ có chỗ không hợp lệ, triều đình giao cho ông tuỳ nghi hành sự, ông bắt bẻ, sứ Xiêm phải nhận lỗi và nhất nhất vâng lời. Sứ Xiêm đem vàng bạc tặng, ông không nhận(10).

Là một nhà chính trị xuất sắc, ông rất được lòng dân, người ta tôn xưng ông là Đức Thượng công.

Cả hai vua Gia Long và Minh Mệnh đều biệt đãi ông. Khi cha ông tạ thế, năm 1827, triều đình không những gia phong chức tước, ban tiền bạc, còn sai quan đến tế và 300 lính hộ tang. Khi ông ốm ở Gia Định, cũng được tạm nghỉ việc để điều dưỡng, lại cho phép con ông là Kiêu kỵ đô uý Lê văn Yến đi thăm nom.

Theo người Pháp thì khi vua Gia Long mất, ông có ý muốn tôn phò dòng chính thống, hậu duệ của Hoàng tử Cảnh, lại khi vua Minh Mệnh lên cầm quyền, ông khuyên can không nên bạc đãi những công thần người Pháp nên bị vua để bụng ghét. Sau khi ông mất, năm 1833, vua giao cho triều đình nghị tội mưu phản, san bằng ngôi mộ, dựng bia đeo xiềng mang hàng chữ ” Quyền yêm Lê văn Duyệt phục pháp xử ” (=tên hoạn quan Lê văn Duyệt chịu phép nước ở đây). Sau dân chúng đổ cho là vì xúc phạm đến mộ phần của ông nên Trời ra tai, nên đến 1835, vua Tự Đức cho ông phục chức Vọng các công thần Chưởng tả quan, Bình tây tướng quân, tước quận công và được thờ trong miếu Trung Hưng công thần.

Lăng ông ở Gia Định(11).

II.- CHỨC VỤ VÀ PHẨM PHỤC

A/ Chức vụ

Trên nguyên tắc, hoạn quan chỉ giữ những công việc hầu hạ trong cung. Michel Đức Chaigneau kể khi lên 8 tuổi được triệu vào cung gặp hoàng hậu và các phi tần của vua Gia Long, do một viên hoạn quan dẫn đường. Viên này mặc một chiếc áo ngắn màu lam, quần lụa trắng, chít khăn rộng bản, cung kính đi sau một quãng chứ không dám đi ngang hàng. Lần thứ nhì, khoảng hai chục tuổi, sau khi ở Pháp trở lại Việt Nam, Michel Đức lại được vua Minh Mệnh triệu vào cung hỏi han chuyện nước Pháp. Michel Đức liếc thấy trong phòng có một bọn ” đầy tớ ” chừng 15-20 tuổi, đứng ở góc phòng, tựa lưng vào tường đợi lệnh. Hễ vua ra hiệu thì lập tức quỳ dâng điếu thuốc lá đã châm sẵn và trước khi dâng phải hút thử vài hơi…

Theo S. Baron, chúa Trịnh rất ưa hoạn quan. Những người này sau khi phục vụ độ 8 năm trong triều liền được cất nhắc ra giữ những chức quan trọng, có khi lấn át cả các đại thần có thực tài.

Riêng chúa Trịnh Khải thì sự liên hệ với quan hoạn không phải là ít. Nguyên mẹ Trịnh Khải là Dương thị Ngọc Hoan không được Trịnh Sâm ưa. Một hôm nằm mơ thấy thần nhân cho một tấm đoạn có vẽ đầu rồng, tỉnh dậy kể cho hoạn quan Khê Trung hầu Chu Xuân Đán nghe. Hầu cho là điềm sinh quý tử, có ý giúp đỡ. Khi Sâm cho đòi Ngọc Khoan (cũng có chỗ chép là Ngọc Hoàn) vào chầu, Hầu giả cách nghe nhầm đưa Ngọc Hoan tới, Sâm không nở đuổi về, sau trách mắng thì Hầu đem chuyện kể lại, Sâm nín lặng. Sau đó Ngọc Hoan có thai sinh ra Trịnh Khải nhưng Sâm vẫn không ưa, trù trừ không muốn lập làm thế tử, chỉ định cho hoạn quan Nguyễn Phương Đỉnh làm Bảo phó… Khi Trịnh Khải mưu cướp ngôi Trịnh Cán, Sâm sai Ngô Thời Nhậm cùng bọn hoạn quan Ngạn Trung Hầu, Đường Trung Hầu, Án Trung Hầu cùng tra án(12).

Người ta trách hoạn quan chỉ nhờ xiểm nịnh được lòng vua chúa, rồi nắm quyền chính, tác oai tác phúc…song ta đã thấy Lương Đăng làm quan to nhưng không hề tham dự quốc sự, gây bè đảng làm mưa làm gió, mà chỉ hoàn tất việc quy định mũ áo và lễ nhạc, song vẫn bị các đại thần chê trách.

Trong Vũ Trung Tuỳ Bút có Tả Chí Hầu cũng là hoạn quan có thực tài, hiểu thuật bóp gân xương, biết hát xướng, xem tướng, vẽ truyền thần giỏi.

Những hoạn quan tiến cống cho Trung Quốc có một số được sử sách nhắc đến :

Minh Thái Tổ bắt ta cống nộp sư sải, gái đẹp biết đấm bóp và hoà giả (hoạn quan), sau thả sư và gái đẹp về chỉ giữ lại hoạn quan và đãi rất hậu. Năm 1405, Minh Thành Tổ mưu đồ xâm lăng, sai bọn hoạn quan Nguyễn Toán, Nguyễn Trung, Từ Cá, Ngô Tín đi sứ, dò xét địa hình nước ta. Bọn này dặn họ hàng hễ quân Minh tràn sang thì dựng cờ biên rõ là thân thuộc của nội quan nào thì sẽ thoát nạn. Hồ Hán Thương biết chuyện sai giết hết thân thuộc bọn Nguyễn Toán(13).

Tuy nhiên, những người bị tiến cống cho Trung Quốc không phải toàn bọn bán nước lập công mà còn có những người có biệt tài như Trần Vũ và Nguyễn An.

Minh sử chép rằng niên hiệu Vĩnh Lạc, Minh Thành Tổ ra lệnh lùng bắt những văn nhân Giao Chỉ cất nhắc cho giữ chức Tri huyện hay Tri phủ, lập tuyển bọn trung quan (hoạn quan) lấy người ngay thẳng, trung hậu, mẫn cán, thông suốt, cho hầu nội cấm sảnh. Trần Vũ được tuyển vào hầu Tuyên Công, thăng chức Thái giám, sau cho đổi tên thành Vương Ngọc Cận, đi theo vua đánh Cao Hú (tức con Minh Thành Tổ, làm phản) có công to được ban đai ngọc, yên vàng, ngựa tốt, vàng lụa…lại đúc bốn quả ấn vàng khắc những chữ ” Trung can nghĩa đảm ” (lá gan trung thành, quả mật nghĩa khí), ” Kim điêu quý khách ” (quý khách đội mũ điêu vàng, tức mũ hoạn quan có con ve bằng vàng), ” Trung thành tự lệ ” (tự mài dũa lòng trung), ” Tâm tích song thanh ” (bụng dạ và hình tích đều trogn sáng).

Theo Hoàng Minh thông ký có Nguyễn An trải 5 đời vua Minh (Thái Tông, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông) là người giản dị, khắc khổ, cứng rắn, liêm khiết, giỏi về mưu mẹo, tính toán, rất sở trường những công việc xây dựng. Việc tu tạo thành Bắc kinh 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, công đường, nha môn 6 bộ và các trường xưởng, nhà trạm, An đều thân hành xếp đặt, tỏ ra rất có công lao. Các tơ tào trong bộ Công chỉ việc theo kế hoạch của An mà làm. Bình sinh được vua ban cho thứ gì đều đem nộp lại kho công không sót một li(14).

Thời nhà Nguyễn, vua Minh Mệnh thấy các hoạn quan đời trước chuyên quyền, lũng đoạn triều chính (có người nói vì vua ghét Lê văn Duyệt) nên năm 1836 hạ lệnh từ nay hoạn quan không được giữ những chức phẩm như các quan đại thần, làm quan cũng không được quá tứ phẩm. Sắc lệnh này được khắc bia đá để trước Quốc Tử Giám, đến năm 1918 vẫn còn ở cạnh Văn Miếu.

Vua lại đặt ra những chức tước riêng biệt dành cho hoạn quan :

Hạng Chức Lương tháng

Bát gạo quan tiền

Hạng nhất Thủ đẳng Quảng Vụ và Điển sự Thái giám 48 72

Hạng nhì Thứ đẳng Kiểm sự và Phụng nghi Thái giám 36 60

Hạng ba Trung đẳng Thừa vụ và Điển thảng Thái giám 36 48

Hạng tư Á đẳng Cung sự và Hộ Thảng Thái giám 24 36

Hạng năm Hạ đẳng Cung phụng và Thừa biện Thái giám 24 24

3 hạng trên có quyền xin chức Nhiêu phụ cho cha, và chức Miễn nhiêu cho an hem hay cháu trai, hạng 4 và 5 chỉ được xin Miễn nhiêu.

Vua Thành Thái không ưa hoạn quan nên thay thế bằng cung nữ. Khi vua ngự thiện (ăn) thì đầu bếp dâng mỗi người một món, đưa cho Thị vệ đem đến cho nội giám, những người này lại chuyển giao cho cung nữ quỳ dâng(15).

B/ Phẩm phục

* Đời Trần

Sách Toàn Thư chỉchép hoạn quan đời Trần mặc áo xanh và từ 1306 dùng quần hai ống chứ không dùng xiêm nữa.

Trong An nam chí lược (tr. 222) Lê Tắc viết cặn kẽ hơn :

Các nội quan Thượng phẩm đội mũ dương thường đính ong bướm vàng, mặc phẩm phục. Bình thường thì đội khăn nhung mầu tía xen mầu biếc, làm 6 tua kết sau khăn ; đai thắt ngang để tỏ vẻ quan quý.

Hạng Trung phẩm mũ áo sắc chế hơi giảm. Thường phục thì khăn kết tua mầu tía.

Hạ phẩm đội mũ dương thường tía, áo tía ; khăn ngày thường có tua đen, dát ngọc, vàng, đồi mồi.

Không dùng hốt.

Chắp tay lạy vua.

* Nhà Lê quy định y phục hoạn quan rất rõ ràng. Theo Lê triều chiếu lịnh thiện chính thì các chức Tổng Thái giám, Đô Thái giám, Quản đốc ty nội giám, tước quận công ăn mặc như sau :

– Vào chầu vua đội mũ cánh chuồn, mặc áo mầu hồng, bố tử thêu hổ báo (như các hoàng tử, vương tử tước quận công), đai dát đồi mồi bịt bạc, chân đi hia tất.

– Vào chầu phủ Chúa đội mũ ô sa(16) áo lam có vạt che sau, giây lưng kép dát ngọc.

– Đưọc đem theo hai người hầu.

– Khi đi đường khăn chít một, võng ba đòn sơn đen, yên ngựa sơn tía thếp thau.

Đi ra ngoài thành thêm một lọng mầu xanh, vẽ hoa xanh có ngù rủ.

– Áo mặc thường, bằng gấm vóc các mầu, hòm áo sơn son thếp vàng một vạch, hòm mũ sơn đen thếp chỉ vàng.

Cấm không được vẽ rồng, phượng, kỳ lân.

Mâm, án thư bằng tre đan, thếp chỉ bạc

Bát đĩa Tầu bịt thau.

*Thời nhà Nguyễn, theo sắc lệnh của vua Minh Mệnh thì mũ áo hoạn quan như sau :

– Áo mầu lục cho các quan cao cấp, mầu lam cho những người chức thấp, bố tử mầu đỏ thêu hoa xanh lục.

Các Thái giám thời xưa đeo một vòng lụa trắng rủ xuống hai bên ngực đến tận thắt lưng, sau này chỉ đeo một thẻ bài ngà khắc rõ chức phận.

– Mũ Thái giám bằng phẳng ở trên đỉnh và hình bầu dục (khác với mũ các quan triều hình tròn và nóc khum khum) có dát vàng bạc theo chức tước và đính một quả bông.

Theo Hậu Hán chí, thời xưa mũ hoạn quan có tua vàng điểm một con ve sầu và một cái đuôi chuột, ngụ ý rằng ve sầu thanh khiết chỉ sống toàn bằng sương sớm, còn chuột thì có thể len lỏi vào tất cả những chỗ rất kín đáo trong thâm cung.

Viên hoạn quan mà Crawfurd đã gặp năm 1822 (có lẽ là Lê văn Duyệt ?) tuy giữ chức ” Governor ” (Tổng trấn ?) nhưng ăn mặc rất đơn giản : áo lụa trắng trơn và khăn nhiễu cũng mầu trắng.

III.- ĐỜI SỐNG

Hoạn quan có hai loại :

– Một loại sinh ra đã có khuyết tật hay bị tai nạn, như chó cắn, mà thành tật. Người xưa tin rằng những người này có số làm quan to.

– Loại thứ nhì tự hoạn hay do cha mẹ đem con ra thiến.

Hạng thứ nhất, khi đứa trẻ sinh ra thấy có tật, thì gia đình hay xóm làng liền khai trình xin cho lớn lên được sung chức nội thị. Khoảng 10 tuổi đứa trẻ được tiến cung, giao cho các hoạn quan già huấn luyện công việc chầu hầu trong cung.

Hạng thứ nhì thì từ triều Lý đã có lệnh nghiêm cấm : Năm 1162, xuống chiếu kẻ nào tự thiến xử 80 trượng, thích 23 chữ vào mặt.

Quốc triều hình luật thời Lê cũng chép : ” Ai tự hoạn xử tội lưu, ai thiến hộ hoặc chứa chấp giảm tội một bậc, xã quan không phát giác xử tội đồ (giam cầm làm khổ sai)(17).

Sở dĩ có lệnh nghiêm cấm như thế vì hoạn quan có thể giữ những chức vụ trọng yếu, có nhiều quyền uy, giúp đỡ gia đình hay xóm làng được nên nhiều người ham. Lê triều chiếu lịnh thiện chính cho biết các nội giám sung chức Thái bảo, Thái sư, Thiếu sư, Thái phó, Thiếu phó với tước quận công thì 8 người con được phong là Quan viên tử, 7 người cháu được phong là Quan viên tôn(18).

Đọc đến đây hẳn ai cũng lạ : đã là hoạn quan sao lại có con ? Hiển nhiên trường hợp này xẩy ra đủ nhiều để có cả một đạo luật dành cho con cháu hoạn quan. Cương mục chẳng hạn chép năm 1480 khi Nghi Dân nổi loạn, nội quan Thị hậu Phó chưởng Đào Biểu tử tiết, gia sản bị sung công. Khi Thánh Tông lên ngôi, truy tăng Đào Biểu một tư, ban cho 5 mẫu tư điền để cúng tế, lại trả điền sản bị tịch thu trước cho vợ con(19).

Có lẽ những người này, như Lý Thường Kiệt, đã lấy vợ trước khi tự hoạn, hoặc cũng muốn có gia đình riêng, lấy một cung nữ đã bị thải hay lấy con nhà hàng phố rồi nuôi con nuôi. A. Laborde kể chuyện ở Huế xưa có một thiếu phụ lấy chồng hoạn quan nhưng ngây thơ không hiểu chồng mình bất bình thường, mãi đến khi chồng chết, đi cải giá mới rõ và đem chuyện mình tâm sự với một vài người bạn.

Cũng theo Laborde, có một viên Đội Thị vệ bị án tử hình vì ăn ở với một hoạn quan và…sinh ra một đứa con !

Chúa Trịnh dùng tới 4-5000 hoạn quan nhưng đến đời vua Thành Thái nhà Nguyễn vì không ưa hoạn quan nên số người hầu cận vua trước có 15 sau chỉ còn 9. Đến năm 1918 lại có lệnh cấm bổ dụng thêm hoạn quan mới, những người cũ cho tiếp tục giữ chức.

&Tướng mạo và tính tình

Khi nói đến hoạn quan người ta thường nhắc đến cái cằm không râu, dáng điệu ẻo lả như phụ nữ, và tính tình khó thương, ngạo mạn, vô lễ…dường như để bù lại những mặc cảm tự ty. Sau đây là hoạn quan nhìn qua con mắt các chứng nhân Việt cũng như ngoại quốc :

– Năm 1778, Chapman, một người do công ty Ấn độ của Anh gửi sang, đã gặp ở Huế một viên hoạn quan giữ chức ” Quan Tam Quon “, quyền uy vượt cả viên ” Viceroy ” (Tổng trấn ?). Viên này có tánh hay hoạnh hoẹ, khinh người. Trước hết bắt Chapman phải đứng chờ ngoài cổng cả nửa giờ mới cho vào nhà. Vào rồi cũng không thèm ra tiếp ngay, chỉ ở trong nhà hỏi vọng ra mấy câu, mãi sau mới cho cuốn rèm lên và Chapman thấy dưới ánh nến vàng vọt một đống thịt lù lù, dị dạng, người có vẻ thấp lùn, má xệ xuống…Khi Chapman phàn nàn những người dưới quyền mình bị ngược đãi, viên Tổng trấn xin lỗi rằng ông không có quyền hành gì, mọi sự cứ điều đình thẳng với viên hoạn quan. Viên này tỏ ra rất vô lễ, chửi rủa và còn sai đem tặng vật của Chapman, một chiếc đồng hồ, ra trả lại nói rằng đồng hồ đã vỡ, trở nên vô dụng(20).

Ngày 2/9/1822, Crawfurd đã gặp một hoạn quan giữ chức ” Governor of Saigon ” (có lẽ là Lê văn Duyệt ?) và tả một cuộc gặp gỡ khá tường tận : ” Giữa phòng, trên một cái sập cao hơn thường lệ, là viên ” Tổng trấn ” ( ?) đang ngồi chễm chệ. Chúng tôi tiến lên cúi chào, ông ta cứ ngồi yên không đáp lễ. Sau đó người ta chỉ cho chúng tôi ngồi xuống dẫy ghế bên phải ông ta, ghế bên trái dành cho viên quan cao cấp bậc nhì trong phòng, những người khác đứng đằng sau hoặc ngồi trên một cái sập khác. Viên ” Tổng trấn ” già là một hoạn quan nhưng nếu không biết trước thì không thể đoán ra. Tuy cằm ông ta không có râu và giọng nói yếu ớt như đàn bà, nhưng chưa tới mức khiến người ta phải nghi ngờ. Ông ta có vẻ không quan tâm mấy tới y phục, chỉ mặc một áo lụa trắng trơn và đội một chiếc khăn nhiễu rộng bản cũng mầu trắng “. Crawfurd đem lễ vật ra tặng nhưng viên ” Tổng trấn ” từ chối nói rằng hai bên đang ở thế điều đình, tặng lễ vật bây giờ quá sớm, ông không thể nhận. Crawfurd rất phục tư cách viên ” Tổng trấn ” khi đem ôn gta ra so sánh với các quan chức người Xiêm. Nhưng vừa về đến nhà thì thấy ” Tổng trấn ” sai người đem thực phẩm tới tặng : trâu, dê, lợn, gạo vv… và nhân thể cho biết lúc nẫy quan ” Tổng trấn ” không tiện nhận quà trước mặt công chúng nhưng ngài rất vui lòng nhận mấy khẩu súng và cái ống viễn kính mà Crawfurd định biếu(21).


Phạm Khắc Hòe, trong Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc kể rằng tháng 8 năm 1945, khi ông đi chào bà Từ cung để ra Hà Nội, thì đột nhiên một viên Thái giám già chạy đến trước mặt sụp lạy. Viên này mặt xanh như tàu lá, đầu bạc, cằm không râu, má nhăn nheo, miệng xệ xuống, mắt rưng rưng, cất giọng khàn khàn hỏi về số phận của mình sẽ đượcđịnh đoạt ra sao ? có được lĩnh lương tháng 8 hay không ? sau này sẽ làm gì ?…Hỏi ra mới biết viên này do cha mẹ thiến từ năm 12 tuổi, đời vua Thành Thái, đã gần 50 năm. Khi mới vào cung được học Tứ thư, Ngũ kinh, tập làm việc vặt, đến 20 tuổi sung chức Thừa Biện Thái giám, năm 1945 giữ chức Phụng nghi Thái giám. Nhiệm vụ chính là chuyển đạt mệnh lệnh của vua tới phi tần và khi vua ngự tới bà nào thì ghi chép ngày giờ cho đúng để phòng việc tranh chấp về sau. Từ khi vua Khải Định mất thì không phải làm việc này nữa, chỉ còn nhiệm vụ chầu hầu bà Từ cung, giúp đỡ các phi tần trong việc cúng bái, tu hành và liên lạc với bên ngoài.

Năm 1958, cụ Vương Hồng Sển đi thăm lăng Diên Thọ (Gia Long) nhằm ngày lễ Thanh minh, tình cờ được chứng kiến một buổi tế lễ và liếc thấy nơi gian nhà sau chỗ tế có một nhóm quan thị ” rất đông “, mặc áo màu lam, đang đứng chờ tế lễ xong thì chia phần, có người đã già sụm, kẻ còn sồn sồn, người nào cằm cũng nhẵn thín không một sợi râu.

Hoạn quan không phải người nào cũng xấu xí, ẻo lả. Trong Vũ Trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ cho biết Tả Chí Hầu, nội thị thời Trịnh Khương (Giang) “tướng mạo hùng vĩ, phảng phất giống Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc”.

A. Laborde đã chụp được ảnh một viên hoạn quan 62 tuổi, một trong những người có địa vị quan trọng hồi đầu thế kỷ XX, trông coi một cái lăng, giữ gìn đồ thờ cúng và phát lương cho 9 người cung nhân già ở đó. Tiếc rằng Laborde không cho in ảnh viên hoạn quan mà chỉ cho biết mặt mũi viên này giống mặt bà già, vú cũng xệ xuống như ngực bà già.

& Cung giám viện

Khi các hoạn quan không phải hầu chầu thì có quyền rút về Cung giám viện. Viện này gồm 9 gian, cũng là nơi ăn học của các nội giám trẻ và là chỗ trú ngụ của gia đình hoạn quan tới thăm. Năm 1918, viện dã đổ nát chỉ còn nhà bếp, một cái miếu thờ thần và cái cổng mang hàng chữ ” Cung giám viện môn “.

& Chùa Từ Hiếu

Chùa xây trên một chiếc đồi nhỏ, trên đường đi đến lăng Tực Đức, khuất sau một lùm cây. Khung cảnh rất tĩnh mịch và tuyệt đẹp có suối chảy, có thông reo, chim hót, dế kêu. Bia dựng ở cổng chùa cho biết đây thuộc làng Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên, núi Ngự Bình ở phía Đông Nam, Hương Giang ở Tây Bắc.

Chùa do thiền sư Nhật Định tạo dựng, sau có ba viên nội giám về hưu đến trú và xin được triều đình trợ cấp nhiều tiền. Đến 1893, các hoạn quan tự đóng góp tiền xây lại chùa, mở rộng ra và dùng làm nhà dưỡng lão cùng nơi thờ cúng những hoạn quan đã mất. Bia dựng ở chùa ghi : ” Khi còn sống chúng tôi đến chùa tìm yên tĩnh, khi ốm đau chúng tôi về đây dưỡng bệnh và sau khi chết chúng tôi cùng được chôn cất với nhau ở đây. Dù sống hay chết, chùa cũng là nơi yên nghỉ của chúng tôi ” (22).

& Nghĩa địa

Ngay cạnh chùa là nghĩa địa của hoạn quan. Những ngôi mộ ở đây được xây cất cân đối nhau chung quanh một cái sân gạch. Năm 1918, khi Laborde tới thăm, có tất cả 18 ngôi mộ nhưng chỉ có 9 ngôi đã xây, những cái kia còn để ngỏ.

& Tháp Bồ Đề

Trước cửa chùa có tháp Bồ đề do thiền sư Từ Hiếu xây từ năm 1896 với sự giúp đỡ của các hoạn quan, xin được tiền trợ cấp của Thái phi. Tháp dựng để chứa những pho tượng vỡ hay những quyển kinh đã cũ nát mà người ta không được vứt đi, phải để cho chúng tự mục nát dần. Tháp chỉ có một cửa ở từng thứ hai, muốn ném bỏ vật gì vào tháp phải bắt thang.

Tháng giêng, 1994

Chú thích

1. Toàn Thư I, tr. 190.

Đại Việt Sử lược tr. 117 chép là cửa Quảng Phúc, chứ không phải Quang Phục, nằm ở phía tây Long Thành, cửa Đại Hưng phía nam, cửa Tường Phù phía đông, cửa Diệu Đức phía bắc.

2. Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt

3. Cương Mục V, tr. 30 và Toàn Thư II, tr. 25

4. S. Baron, tr. 64

5. Đến 1442, Đinh Thắng cũng bị giết vì trước khi chịu tử hình Nguyễn Trãi tỏ ý hối tiếc đã không nghe lời Đinh Thắng, Đinh Phúc.

6. Cương Mục IX, tr. 67 và Toàn Thư III, tr. 112-125.

7. Cương Mục XVII, tr. 31 và Tục Biên tr. 159 và Vũ Trung tuỳ bút.

8. Cương Mục XIX, tr.32 và Tục Biên tr. 329.

Hoàng Lê nhất thống chí chép là Nguyễn Quang Đỉnh.

9. Tục Biên tr. 329-404, Cương Mục XIX, tr. 56-7.

10. Nếu Lê văn Duyệt đúng là viên “Governor” của Saigon mà Crawfurd đã gặp năm 1822 thì sự thanh liêm, không nhận lễ vật, chỉ là bề ngoài. (Xin xem phần III, Đời sống).

11. Đại Nam thực lục chính biên V, tr. 132.

Laborde, ” Les eunuques à la cour de Huê “, BAVH

Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam danh nhân tự điển.

12. Hoàng Lê nhất thống chí, tr. 17.

13. Toàn Thư II, tr. 216.

14. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, tr. 254-56.

15. P. Pasquier, L�Annam d�autrefois, tr. 81.

16. Mũ ô sa kết bằng tóc có thêu chữ nổi màu đen (Lê triều chiếu lịnh thiện chính, 199).

17. Quốc triều hình luật, tr. 119.

18. Lê triều chiếu lịnh thiện chính, tr. 29.

19. Cương Mục X, tr. 63-4.

20. A. Lamb, tr. 112-18.

21. Crawfurd, tr. 216-17.

22. A. Laborde, ” Les eunuques à la cour de Huê “.

Sách tham khảo :– BARON Samuel, Description du royaume du Tonkin, traduit par H. Deseille.

– CHAIGNEAU Michel Đức, Souvenirs de Huế, Paris 1867.

– CHAPMAN ” The Chapman mission, 1778 “, trích trong The mandarin road to old Huế của A. Lamb, London, Chatto & Windus, 1970.

– CRAWFURD John, Journal of an Ambassy from the Governor General of India to the Courts of Siam and Cochinchina. London: Henri Colburn, 1828.

– HOÀNG Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Saigon, Viện Đại học tái bản lần thứ nhất, 1966.

– LABORD

0