18/06/2018, 15:42

Hoa Kỳ và Châu Mỹ La Tinh

Nguyễn Trường Bài viết là một biên khảo dựa trên hai tác phẩm cùng một tác giả, Greg Grandin, Giáo sư sử học, New York University: Empire’s Workshop:Latin America, the United States, and the Rise of the New Imperialism và The Colonial Massacre: Latin America in the Cold War. ...

monroe doctrine

Nguyễn Trường

Bài viết là một biên khảo dựa trên hai tác phẩm cùng một tác giả, Greg Grandin, Giáo sư sử học, New York University: Empire’s Workshop:Latin America, the United States, and the Rise of the New Imperialism và The Colonial Massacre: Latin America in the Cold War.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ, vì nhiều lý do, đã không mấy quan tâm đến Châu  Mỹ La Tinh. Thực vậy, Richard Nixon đã có lần nói “chẳng ai buồn quan tâm đến khu vực ấy”[1].Cố vấn an ninh của Nixon, Henry Kissinger, cũng diễu cợt Châu Mỹ La Tinh là một cây dao găm nhằm thẳng vào tim vùng Nam Cực. Kissinger cũng từng đùa giỡn như thế đối với Chile, Argentina, và New Zealand; và trong ba xứ, chỉ New Zealand đã thoát khỏi đổ vỡ do chính sách của Kissinger, một cái giá quá đắt cho một vùng, theo chính Kissinger,  không mấy quan trọng.

Trong thực tế, Châu Mỹ La Tinh (hay Nam Mỹ) luôn giữ một vị trí quan trọng trong mọi chuyển biến ngoại giao Hoa Kỳ. Đó là vùng thường được xem như sân sau mang tính chiến lược của Hoa Kỳ, nơi các liên minh làm chính sách đối ngoại luôn tập họp để tái định vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ sau mỗi lần có khủng hoảng trên thế giới. Chẳng hạn, khi cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 làm suy yếu Hoa Kỳ, các nhà ngoại giao New Deal đã tập hợp ở Nam Mỹ để hoạch định chính sách đa phương tự do (liberal multilateralism) – chính sách Hoa Thịnh Đốn đã áp đặt khá thành công ở nhiều nơi sau đệ nhị thế chiến.

Trong thập kỷ 1980s, thế hệ Tân bảo thủ đầu tiên đã trở lại Châu Mỹ La Tinh tìm cách đảo ngược chính sách – không những để chống chủ nghĩa cộng sản, mà luôn cả chính sách ngoại giao đa phương khập khiễng. Chính ở vùng Trung Mỹ đầy biến động tả phái, cánh Tân Hữu lần đầu tiên đã gieo mầm cho các nguyên tắc căn bản của cái, sau biến động 11/9, đã được biết dưới tên gọi “chủ thuyết Bush”: quyền đơn phương khai chiến mang tính ý thức hệ và đạo đức.

Một lần nữa, thế giới lại đứng trước một ngã tư lịch sử. Hoa Kỳ với quyền lực đang  suy giảm – lần nầy do sự dàn trải quá mỏng lực lượng quân sự – phải đối diện với một Châu Mỹ La Tinh sôi sục; và trước ngày tòa Bạch Ốc đổi chủ vào tháng 1-2009, với sự phá sản của liên minh Tân bảo thủ sau tám năm dưới chính sách tai họa của George W. Bush, các nhà làm chính sách đối ngoại mới, một lần nữa, phải nhìn về phía Nam.

Giã biệt chủ thuyết Monroe

Trong một phúc trình gần đây, Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (the Council on Foreign Relations – COFR), sau khi đưa ra nhận định “kỷ nguyên Hoa Kỳ làm bá chủ ở Châu Mỹ La Tinh đã chấm dứt” [2], đã đề xuất nhiều chính sách ôn hòa nhằm giúp Hoa Kỳ phục hồi vị thế trong sân sau của chính mình.

Đa số các quốc gia Châu Mỹ La Tinh ngày nay đang nằm trong tay các chính quyền tả phái hay trung tả ít nhiều khác nhau  – từ chủ nghĩa bình dân của Hugo Chavez ở Venezuela đến chủ nghiã cải cách của Luiz Inacio Lula da Silva ở Brazil và Michelle Bachelet ở Chile. Tất cả đều theo đuổi một mục đích chung: khẳng định tính độc lập ngày một nhiều hơn đối với Hoa Kỳ.

Các xứ nầy hiện đang ve vản các nhà đầu tư Trung quốc, mở cửa giao thương với Âu châu, không ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của Bush, từ chối Thỏa Ước Mậu Dịch Tự Do Châu Mỹ, và tránh né IMF – một định chế trong nhiều thập kỷ đã luôn giữ vai trò cánh tay nối dài của Wall Street và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ.

Gần đây, Rafael Correa, Tổng Thống Ecuador, đã loan báo, chính quyền của ông sẽ không gia hạn hợp đồng cho thuê phi cảng Manta Air Field, một căn cứ quân sự lớn ở Nam Mỹ. Trước đó, Correa đã gợi ý nếu Ecuador được thiết lập một căn cứ ở Florida, ông có thể xem xét khả năng gia hạn hợp đồng. Khi Hoa Thịnh Đốn từ chối, Ecuador liền đề nghị cho Trung quốc thuê, gợi ý phi trường nầy sẽ trở thành “cửa ngõ để Trung quốc tiếp cận với Châu Mỹ La Tinh”[3].

Trước kia, một cử chỉ như vậy đã có thể bị xem như một vi phạm nghiêm trọng chủ thuyết Monroe, do Tổng Thống James Monroe công bố năm 1823, theo đó Hoa Thịnh Đốn sẽ không bao giờ cho phép Âu châu tái chiếm bất cứ phần đất nào thuộc châu Mỹ làm thuộc địa. Năm 1904, Theodore Roosevelt đã cập nhật chủ thuyết vừa nói để biện minh một chuỗi hành động xâm chiếm vùng Caribbean. T T Dwight Eisenhower và Ronald Reagan cũng đã dùng chủ thuyết nầy để hợp thức hóa các cuộc đảo chính và các hoạt động bí mật của CIA trong suốt thời chiến tranh lạnh.

          Ngày nay, sự thể đã đổi khác. Như phúc trình COFR đã ghi nhận, “châu Mỹ La Tinh không còn thuộc quyền Hoa Thịnh Đốn dù để mất hay để cứu”[4]. Chủ thuyết Monroe đã lỗi thời.

          Người ta những tưởng đó là tin mừng cho châu Mỹ La Tinh. Nhưng lần cuối khi một thành viên của COFR (được thành lập vào năm 1921 và được xem như phản ảnh chính sách đối ngoại của dòng chính) tuyên bố chủ thuyết Monroe đã cáo chung, kết quả, trái lại, là diệt chủng.

  Dưới thời phái tự do  

          Năm 1975, Sol Linowitz, trong tư cách chủ tịch Uỷ Hội Quan Hệ Hoa kỳ- Châu Mỹ La tinh (Commission on United States-Latin America Relations – COUSLAR), tuyên bố “chủ thuyết Monroe không còn thích ứng và lỗi thời trước những thực tại đã đổi thay và xu thế của tương lai”[5].

Thành viên của Ủy Hội Linowitz là những học giả và doanh gia đáng kính thuộc phái tự do (liberal establishment). Đó là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của giới làm chính sách ngoại giao ưu tú của Hoa Kỳ để đối phó với một loạt các cuộc khủng hoảng dồn dập trong thập kỷ 1970s – thất bại ở Việt Nam, chủ nghĩa quốc gia đang trổi dậy trong thế giới thứ ba, sự cạnh tranh Âu Á, giá nhiên liệu tăng vọt, đồng Mỹ kim mất giá, vụ bê bối Watergate, bất đồng chính kiến và bất ổn quốc nội. Đối diện với sự suy sụp tính chính đáng của Hoa Kỳ trên toàn cầu, COFR  và các tổ chức nghiên cứu chiến lược như Brookings Institute và Trilateral Commission, mới thành hình, đã đưa ra một số đề án nhằm giúp ổn định thế lực của Hoa Kỳ và bảo đảm hệ thống toàn cầu diễn biến một cách êm đềm và hòa hoản.

          Phần lớn giới trí thức và lãnh đạo các doanh nghiệp đều nhất trí là sự hăng say chống cộng – đã đưa Hoa Kỳ vào tai họa ở Việt Nam – cần được chế ngự, và những hình thức liên minh mới giữa Hoa Thịnh Đốn, Âu châu và Nhật bản cần được sáng tạo. Các người cổ súy một trật tự thế giới mới hài hòa hơn cũng đến từ khối đại công ty nòng cốt của đảng Dân chủ và cánh Rockefeller của đảng Cộng hòa.

          Họ hy vọng một sự bình thường hóa chính trị toàn cầu sẽ giúp chận đứng, nếu không đảo ngược được, sự bào mòn vị thế kinh tế của Hoa Kỳ. Sự xuống thang quân sự  sẽ giúp chuyển hướng tài chánh công qua lãnh vực đầu tư mang tính sản xuất, và chế ngự áp lực lạm phát đang gây âu lo trong giới quản trị trái phiếu của các ngân hàng đa quốc gia. Cải thiện quan hệ với khối Cộng sản sẽ giúp mở cửa các thị trường Liên Bang Xô Viết, Đông Âu, và Trung quốc đón nhận thương mãi và đầu tư. Họ cũng nhất trí: Hoa Thịnh Đốn cần thay đổi chính sách luôn nhìn chủ nghĩa xã hội trong thế giới thứ ba qua lăng kính chiến tranh lạnh với Liên Xô.

          Vào lúc đó, giới lãnh đạo có tinh thần quốc gia và thiên tả ở châu Mỹ La tinh, cũng giống như hiện nay, đã lên tiếng đòi hỏi phải tái phân tài nguyên toàn cầu một cách công bằng hơn. Để ngăn ngừa sự lan tràn của làn sóng quá khích, giám đốc điều hành Trilateral Commission, Zbignew Brzezinsky – sau nầy giữ chức vụ cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền T T Jimmy Carter – đưa ra luận cứ: “đối với Hoa Kỳ, từ bỏ chủ thuyết Monroe sẽ là một quyết định khôn ngoan”[6]. Ủy hội Linowitz cũng nhất trí đưa ra nhiều khuyến nghị theo chiều hướng nầy – kể cả việc trả lại kênh đào Panama cho Panama và giảm bớt viện trợ quân sự cho vùng Mỹ La Tinh. Đó cũng là cốt lõi chính sách Mỹ La Tinh của T T Carter sau nầy.

Thời phái tự do mất ảnh hưởng

          Đã hẳn, chính sự trở lại với chủ trương quân sự của cánh hữu đã đem lại một giải pháp lâm thời mạch lạc và khá thành công cho các cuộc khủng hoảng trong thập kỷ 1970s.

          Với sự thống nhất trong liên minh giữa trường phái chống cộng cũ dựa trên luật pháp và trật tự, thế hệ Tân bảo thủ đầu tiên, và giới truyền giáo vừa lớn mạnh, Cánh Tân Hữu (New Right) đã tổ chức được một tập thể ngày một lớn rộng các ủy ban, các định chế, các viện nghiên cứu chiến lược, và các tạp chí chuyên đề – các cuộc thương nghị giải giới nguyên tử SALT II, Thỏa Ước Kênh đào Panama, và hệ thống tên lữa MX, cũng như chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba, Nam Phi, Rhodesia, Israel, Taiwan, Afghanistan, và Trung Mỹ. Tất cả các tổ chức, thỏa ước vừa kể đều nhằm mục tiêu khắc phục hội chứng Việt Nam và trả thù giới truyền thông cánh tả và dư luận quần chúng quốc nội. Một mục tiêu khác là khôi phục và chấn chỉnh chính sách đối ngoại cùa Hoa Kỳ.

          Cũng như phái tự do trước đó, nhóm trí thức tân bảo thủ giờ đây cũng nhìn về phía châu Mỹ La tinh để định hướng tư tưởng của mình. Jeane Kirkpatrick, đại sứ bên cạnh Liên Hiệp Quốc dưới thời T T Ronald  Reagan chẳng hạn, cũng đã chú tâm đến châu Mỹ La Tinh khi hoạch định các nguyên tắc căn bản nhằm hiện đại hóa tư tưởng Tân bảo thủ. Bà đã đặc biệt khắt khe với Linowitz khi Linowitz, theo lời Kirkpatrick, đại diện cho giới có tinh thần quốc tế bất vụ lợi và chủ hòa[7] – một cụm từ đang trở lại phổ thông hiện nay. Bà nhấn mạnh, phúc trình Linowitz muốn chuyển tải thông điệp phải từ bỏ viễn kiến chiến lược cơ sở của các chính sách Hoa kỳ từ chủ thuyết Monroe cho đến khi Jimmy Carter đắc cử tổng thống. Cốt lỏi chính sách nầy là quan niệm về quyền lợi quốc gia và niềm tin ở tính chính đáng đạo đức trong các phương cách bảo vệ quyền lợi nầy.[8]

          Lúc đầu, Viện Brookings, Hội Đồng Đối Ngoại (Council on Foreign Affairs), và Ủy Hội Tay Ba (Trilateral Commission), cũng như tổ chức Bàn tròn Doanh Nghiệp (Business Roundtable), do thành phần doanh nhân ưu tú thành lập năm 1972, chống lại nỗ lực tái quân sự hóa xã hội Hoa Kỳ. Nhưng vào cuối thập kỷ 1970s, khuynh hướng bình thường hóa đã rõ rệt thất bại trong cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Âu châu và Nhật bản đã không chịu hợp tác ổn định giá trị đồng Mỹ kim, và các nền kinh tế Đông Âu, Liên Xô, và Trung quốc lại quá èo uột không đủ sức thu hút đầy đủ tư bản từ Mỹ hay đóng vai trò những đối tác thương  mãi hữu hiệu. Trong suốt thập kỷ 1970s, các tập đoàn tài chánh như Ngân Hàng Chase Manhattan của gia đình Rockefellers đang đầy ắp “petrodollars” do Saudi Arabia, Iran, Venezuela, và các xứ xuất khẩu dầu hỏa ký thác. Những trung tâm nầy cần tìm cơ hội đầu tư, nhưng kinh tế Hoa Kỳ đang trong thời kỳ trì trệ và chưa thể tiếp cận thế giới thứ ba.

         Trước bối cảnh đó, ngay sau khi Ronald Reagan đắc cử Tổng Thống vào cuối năm 1980, giới trí thức và giới làm chính sách dòng chính , phần lớn tự xem thuộc cánh tự do, đã hội tụ chung quanh nghị trình đối ngoại và đối nội của cuộc “cách mạng Reagan”: tháo gỡ nhà nước phúc lợi, gia tăng ngân sách quốc phòng, mở cửa thế giới thứ ba cho tư bản Hoa kỳ, và triệt để khai thác chiến tranh lạnh.

          Một thập kỷ sau ngày Ủy hội Linowitz tuyên bố chủ thuyết Monroe không còn đất sống, Ronald Reagan tái khẳng định chủ thuyết nầy để biện minh cho sự bảo trợ những phần tử chống cộng đầy sắt máu ở Nicaragua, Guatamala, và El Salvador. Một vài năm sau khi Jimmy Carter tuyên cáo Hoa kỳ đã giải tỏa tâm lý hoảng sợ quá độ chủ nghĩa cộng sản, Reagan đã nhắc lại lời John F. Kennedy: “Sự khống chế của cộng sản ở bán cầu nầy là điều không bao giờ có thể thương nghị”[9].

          Sự bảo trợ bất hợp pháp phong trào Contras của Reagan – nhóm sát nhân mà Reagan ca tụng như những thành phần đạo đức ngang hàng với các nhà lập quốc Hoa kỳ, và gửi quân trợ giúp gây bất ổn cho chính quyền Sandinista ở Nicaragua – và sự tài trợ các nhóm sát thủ ở El Salvador và Guatemala, lần đầu tiên đã tạo được hai nhóm hậu thuẩn chính cho phái Tân Hữu (New Right). Phái Tân Bảo Thủ đã giúp Reagan phục hồi thể chế tổng thống mang tính đế quốc trên cơ sở trí thức và hợp pháp trong khi nhóm tôn giáo hữu phái hổ trợ chính sách quân sự mới với cơ sở quần chúng.

          Liên minh đối tác nầy trước hết đã được xây dựng – như đang được tiếp tục ở Iraq hiện nay – trên tử thi của 40,000 dân Nicaragua và 70,000 người El Salvador bởi đồng minh Hoa Kỳ; và 200,000 người Guatamala, phần lớn là dân quê Mayan, nạn nhân trong chiến dịch càn quét tàn bạo, một chiến dịch đã bị Liên Hiệp Quốc lên án là diệt chủng.

Sự chấm dứt thời hoàng đạo của phái tân bảo thủ

          Phúc trình của Ủy Hội Đối Ngoại về châu Mỹ La Tinh gần đây, vào một thời điểm suy sụp mới của đế quốc, một lần nữa, báo hiệu sự ra đời của một đồng thuận mới, với ngôn từ tương tự như trong thập kỷ 1970s sau cuộc chiến Việt Nam. Từ mọi góc độ ngoài quân sự, biên tập viên tuần báo Newsweek, Fareed Zacharia, đã lập luận trong tác phẩm mới, The Post-American World (Thế Giới hậu-Hoa Kỳ): “sự phân phối quyền lực đang chuyển dịch, ngày một xa rời uy lực khống chế của Hoa Kỳ”[10]. Chỉ năm năm trước đó, trước cuộc tiến chiếm Iraq, Zacharia đã nhấn mạnh một điều trái hẳn – ngày nay chúng ta đang sống trong “một thế giới đơn cực”(unipolar world) trong đó Hoa Kỳ giữ một vị thế “vô tiền khoáng hậu”(unprecedented).

          Thời kỳ hoàng đạo của nhóm Tân Bảo Thủ trong lịch sử, hay như ngôn từ của chính họ: “the neocons’ holiday from history”, đã cáo chung. Thảm họa ở Iraq, sự suy sụp trong gía trị đồng đô la, sự trổi dậy của Ấn Độ và Trung Quốc như hai cường quốc kỹ nghệ, thương mãi, của Liên Bang Nga như một siêu cường nhiên liệu, sự thất bại trong nỗ lực kiểm soát vùng Trung Đông, giá dầu khí nhảy vọt cũng như giá cả các nguyên liệu và thực phẩm then chốt, và một Liên hiệp Âu châu phú cường ngày một được củng cố, đã làm giấc mơ bá chủ toàn cầu của họ hoàn toàn tan vỡ.

          Barack Obama rõ ràng là ứng cử viên với cương vị tốt nhất khả dĩ giúp lôi kéo Hoa kỳ lùi khỏi bờ vực bất thích ứng (the edge of irrelevance). Đã hẳn không một ứng viên vào tòa Bạch Ốc nào lại sử dụng những ngôn từ chủ bại như thế, vai trò lịch sử của Tổng Thống sắp đến không phải để thủ thắng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu mà chính là để thương thảo giúp Hoa Kỳ tái hội nhập cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

          Parag Khanna, một cố vấn của Obama, gần đây đã đưa ra luận cứ: bằng cách tối đa hóa lợi thế văn hóa và kỹ thuật, Hoa kỳ với một chút may mắn có lẽ có thể giành được vị thế một đối tác thứ ba, trong trật tự toàn cầu mới gồm ba thành viên đồng hạng, bên cạnh châu Á và châu Âu – rõ ràng một đồng vọng của ý niệm tam phương (trilateralist position) trong thập kỷ 1970s. Tạm quên những nét tương đồng với thỏa ước Munich, nếu cử tri Hoa Kỳ hiểu rõ lịch sử, phe Cộng hòa có thể có lợi khi gán lên Obama nhãn hiệu không phải một Neville Chamberlain (1869-1940), mà là một Fernando VII (1784-1833) của Tây Ban Nha, hay một Clement Richard Attlee (1428-1471) của Anh quốc (mỗi người đã lãnh đạo đất nước mình trong thời khắc mạt vận của đế quốc).

          Như vậy, một câu hỏi cần được đặt ra: Nếu Obama thắng cử vào tháng 11 tới và muốn theo đuổi một chính sách biểu dương quyền lực một cách duy lý hơn, ít mang tính ý thức hệ cực đoan hơn – có lẽ dùng châu Mỹ La Tinh như địa bàn phát động chính sách mới – liệu chính sách nầy có thể một lần nữa gây ra một phản ứng mang tính quốc gia chủ nghĩa (gạt bỏ đường lối Rockefellerism khỏi đảng Cộng Hòa, xua đẩy Jimmy Carter khỏi tòa Bạch Ốc, và vũ trang các nhóm cảm tử ở Trung Mỹ?).

          Đã hẳn, hiện đang có nhiều tổ chức nghiên cứu chiến lược (think tanks) bảo thủ cuồng nhiệt, từ Hudson Institute đến Heritage Foundation, sẵn sàng leo thang thánh chiến hơn cả Bush, như một phương cách thoát khỏi vũng lầy hiện nay. Nhưng trong thập kỷ 1970s, phái Tân Hữu đang trên đà đi lên; phái hữu hiện nay rõ ràng đang mục rữa. Do đó, phái nầy có thể đổ hết trách nhiệm cuộc khủng hoảng trầm trọng và dai dẳng hiện đang bao trùm Hoa Kỳ lên đầu cấp lãnh đạo đương nhiệm trong khi đề nghị những giải pháp – gia tăng quân đội, tiếp tục gia tăng áp lực mở cửa thế giới thứ ba, và đẩy mạnh chủ nghĩa thị trường tự do kinh điển – nhằm lôi kéo cấp lãnh đạo đương nhiệm nhập cuộc.

          Ngày nay, phe Hữu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng dai dẳng  và nguyên nhân trực tiếp của nó – cuộc chiến Iraq. Giả  dụ John McCain, bằng một cách nào đó, thắng cử vào tháng 11 tới, ông ta cũng không thể hành xử như một Ronald Reagan đại diện cho một trào lưu đang lên, mà chỉ có thể như một Jimmy Carter đang tìm cách duy trì một liên minh đang trên đà rã đám.

          Sự mục rữa của phe Hữu như một lực lượng tinh thần đã phơi bày lộ liễu qua phản ứng đầy cảm tính trước những bước tiến của phe Tả (hay Trung Quốc) ở châu Mỹ  La Tinh. Sự sinh động đầy tự tin của Jeane Kirkpatrick khi dùng châu Mỹ La Tinh để gây lúng túng cho chính quyền Carter giờ đây đã nhường chỗ cho tiếng rên la tuyệt vọng. Frank Gaffney thuộc Trung Tâm Chính Sách An Ninh (Center for Security Policy) luôn dò hỏi người chung quanh là “Ai đã làm mất châu Mỹ La Tinh? (Who lost Latin America?). Ông ta than phiền, châu Mỹ La Tinh hiện nay đã trở thành một khối nam châm thu hút quân khủng bố Hồi giáo và cái nôi nuôi dưỡng các phong trào chính trị đối nghịch… Lãnh đạo then chốt các trào lưu nầy chính là Hugo Chavez, nhà độc tài tỷ phú Venezuela, người đã phát động cuộc thánh chiến chống Hoa Kỳ.

Ngoại giao hù dọa

          Nhưng sự kiện phe Hữu chưa thể giăng biểu ngữ khắp châu Mỹ La Tinh trong một tương lai gần không hề có nghĩa là chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ở Tây Bán Cầu sẽ được phi quân sự hóa(demilitarized). Xét cho cùng, chính Bill Clinton, không phải George W. Bush, với sự thúc dục của Lockheed Martin năm 1997, đã đảo ngược  chính sách cấm vận quân sự (cấm bán vũ khí kỹ thuật cao) đối với châu Mỹ La Tinh của chính quyền Carter theo khuyến cáo của phúc trình Linowitz. Chính quyết định nầy đã phát động làn sóng thi đua võ trang một cách nguy hiểm và phung phí ở Nam Mỹ. Chính Clinton, không phải Bush, đã gia tăng viện trợ quân sự cho chính quyền khát máu Colombia và các tập đoàn cung cấp lính đánh thuê Blackwater và Dyncorp, leo thang cuộc chiến vô hiệu chống nạn buôn lậu ma túy của Hoa Kỳ ở châu Mỹ La Tinh.

          Trong thực tế, một sự đối chiếu chớp nhoáng giữa phúc trình Linowitz và Hội Đồng Đối Ngoại về Nam Mỹ đã đem lại một phương cách ôn hòa để đo lường xem cấp lãnh đạo khuynh tả đương nhiệm đã chuyển dịch về phía hữu bao xa trong ba thập kỷ qua. Điều đáng khen là Hội Đồng đã khuyến cáo Hoa Thịnh Đốn bình thường hóa quan hệ với Cuba, thương nghị với Venezuela, và bớt quan tâm đến sự khả dĩ nạn khủng bố Hồi giáo dùng Nam Mỹ làm căn cứ địa, ngược với lập trường của phái Tân Bảo Thủ. Douglas Feith, nguyên thứ trưởng quốc phòng, sau biến cố 11/9, đã đưa ra sáng kiến hoản tấn công Afghanistan, thay vào đó, nên oanh tạc Paraguay, xứ có cộng đồng Shiite đông đảo, nhằm gây bất ngờ cho tổ chức al-Qaeda phái Sunni.

          Tuy nhiên, đối với phần phúc trình Linowitz đã gặp phản ứng giận dữ từ Jeane Kirkpatrick – Hoa Kỳ không nên áp đặt”giới hạn cho tính đa dạng ý thức hệ trong các quốc gia khác”[11] và người dân Mỹ La Tinh”có thể và sẽ tự xét đoán lợi và bất lợi của giải pháp Cuba”[12] -Hội Đồng không còn giữ thái độ cởi mở. Hội Đồng nhấn mạnh Venezuela là một vấn đề Hoa Kỳ cần phải giải quyết – mặc dù chính quyền Caracas đã được hầu hết các xứ Mỹ La Tinh công nhận tính chính đáng, như một đồng minh, ngay cả một đồng minh thân cận. Người dân Mỹ La Tinh “có thể hiểu rõ điều gì lợi cho họ”, như phúc trình mới của Hội Đồng thú nhận, nhưng Hoa Thịnh Đốn vẫn sáng suốt hơn, vì vậy, phải ủng hộ chủ trương “công bình xã hội” (social justice) như một chiêu bài lôi kéo dân Venezuela và Mỹ La Tinh rời xa Chavez.

          Khi phúc trình của Hội Đồng luôn đặt từ “công bình xã hội” trong vòng kép, điều đó có nghĩa từ nầy được dùng như một chiến thuật khuyến mãi hơn là dấu hiệu các đại công ty và ngân hàng Mỹ sẵn sàng dành cho các nhà lãnh đạo có tinh thần quốc gia Mỹ La Tinh một số nhượng bộ thiết thực. Bảy thập niên trước đây, Franklin Roosevelt đã ủng hộ quyền các xứ Mỹ La Tinh quốc hữu hóa các quyền lợi của Hoa Kỳ, kể cả tài sản của Standard Oil ở Bolivia và Mexico, khi tuyên bố đã đến lúc mọi người ở Tây bán cầu có quyền giành “một phần tài nguyên chính đáng và công bằng” (fair share) của mình. Ba thập kỷ trước đây, Ủy Hội Linowitz đã khuyến cáo thiết lập một số quy tắc hay luật ứng xử (code of conduct) ấn định trách nhiệm các doanh nghiệp, các công ty nước ngoài ở Tây bán cầu và quyền quốc hữu hóa các kỹ nghệ và tài nguyên của các quốc gia trong vùng.

          Ngược lại, Hội Đồng lại nhạo báng những nỗ lực khiêm tốn hơn của Chavez nhằm tạo lập những công ty hợp doanh (joint ventures) với các tập đoàn dầu hỏa đa quốc gia, đồng thời chỉ đưa ra những hứa hẹn suông. Khuyến cáo chính của Hội Đồng – nhằm biến Brazil thành một mắc xích chính trong một trật tự hậu Bush, hậu Chavez ở Tây Bán Cầu (post-Bush, post-Chavez hemispheric order) – chỉ thúc dục xóa bỏ trợ cấp và thuế quan bảo vệ khu vực nông doanh khả dĩ cổ súy một “Đối Tác Nhiên Liệu Sinh Học” (Biofuel Partnership) với khu vực canh nông khổng lồ của Brazil. Điều nầy sẽ là một tai họa cho môi sinh khi cổ súy thành lập những đồn điền cơ giới hóa trong vùng Vịnh Amazon Basin, trong khi chẳng làm gì để tạo công ăn việc làm hay tái phân phối của cải, tài nguyên một cách công bình hơn.

          Khống chế bởi đại diện khu vực tài chánh trong nền kinh tế Hoa Kỳ, Hội Đồng chẳng khuyến cáo gì khác hơn là tiếp tục các chính sách tự do mậu dịch luôn thất bại trong vòng hai mươi năm qua – biện minh cho một chiêu bài  vì chiêu bài “tự do mậu dịch” vừa nói  chỉ “tự do” như thứ “công bình” trong cụm từ “công bình xã hội”của các đại công ty.

Chủ thuyết OBAMA ?

Cho đến nay, Barack Obama chẳng hứa hẹn gì tốt đẹp hơn. Vài tuần trước đây, Obama đã đến Miami đọc một bài diễn văn quan trọng về châu Mỹ La Tinh trước Hiệp Hội Quốc Gia Người Mỹ Gốc Cuba (Cuban American National Foundation). Đây rỏ ràng không phải là diễn đàn để thảo luận nghiêm túc về một chính sách hứa hẹn đối thoại với nhân dân các xứ Nam Mỹ.

Thực vậy, các ưu tiên cho một cuộc đối thoại mang tính nhân bản có lẽ đã khác nhiều nếu cử tọa không phải là những người Cuba lưu vong hữu khuynh giàu có,  mà là những người gốc La Tinh nhập cư ở Los Angeles, những người đã làm sống lại phong trào lao động Mỹ , hay những gia đình Trung Mỹ định cư ở Postville, Iowa, nơi nhà cầm quyền Bộ Tư Pháp và Nhập cư đã phát động một cuộc càn quét các nhà máy đóng thịt hộp, bắt nhốt hơn 700 công nhân nhập cư bất hợp pháp. Obama đã kêu gọi cải tổ toàn diện chính sách nhập cư và hứa sẽ thực thi nghị trình Bốn Tự Do của Franklin Roosevelt cách đây 68 năm, gồm cả quyền giải thoát khỏi nghèo khó (freedom from want) mang tính dân chủ xã hội. Trong thực tế, Obama đã dành hầu hết thì giờ ve vản cử tọa Mỹ gốc Cuba lưu vong.

Tảng lờ những khuyến cáo không mấy cực đoan của Hội Đồng Đối Ngoại, ứng cử viên Obama hứa sẽ duy trì cấm vận đối với Cuba. Ông còn đi xa hơn. Theo giọng điệu Frank Gaffney, Obama lên án chính quyền Bush đã đánh mất châu Mỹ La Tinh, đã cho phép Trung Quốc, Âu châu, và những kẻ mỵ dân như Hugo Chavez tự do  điền “vào khoảng trống” (into the vacuum).  Obama còn nêu viễn tượng ảnh hưởng của Iran xâm nhập Nam Mỹ, đơn cử ví dụ “mới đây, Tehran và Caracas mới cùng thiết lập một ngân hàng liên doanh với  lợi nhuận từ dầu khí”[13]

Dù người ta nghĩ thế nào về Hugo Chavez, một đường lối ngoại giao quan tâm đứng đắn đến công luận Mỹ La Tinh cũng phải công nhận một điều: Hầu hết những nhà lãnh đạo trong vùng không những không xem Chavez là một “vấn đề”, mà đã hợp tác với ông trong các sáng kiến kinh tế chính trị như Ngân Hàng Phương Nam (Bank of the South), một IMF và một Liên Hiệp các Quốc Gia Nam Mỹ theo dạng Liên Hiệp Âu Châu[14], vừa ra đời cách đây mấy tuần lễ. Và bất cứ một Tổng Thống Mỹ nào thực tình muốn giúp người dân Mam Mỹ thoát khỏi nghèo khó cũng phải làm việc với các lãnh đạo cánh tả với sắc thái ít nhiều khác nhau ở châu Mỹ La Tinh.

Nhưng quan trọng hơn cả là lập trường của Obama đối với Colombia. Các nhà phê bình từ lâu đã nói rõ hàng tỉ đô la viện trợ quân sự cho các lực lượng an ninh Colombia – nhằm đánh bại phe chống đối FARC và giảm thiểu số lượng cocaine sản xuất – đã cản trở mọi nỗ lực thương thảo một giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến ở xứ nầy và rất có thể sẽ làm lan tràn bất ổn đến các vùng Andean lân cận. Điều đó thực sự đã xẩy ra vào tháng 3-2008 khi Alvaro Uribe ra lệnh bỏ bom căn cứ quân chống đối ở Ecuador (có thể với sự hổ trợ tiếp vận của Hoa Kỳ từ căn cứ không quân Manta Airforce Base, lý do khiến Correa muốn nhượng căn cứ nầy lại cho Trung Quốc). Để biện minh cho cuộc không tập, Uribe đã công khai khẳng định quyền tấn công phòng ngừa đơn phương theo đúng chủ thuyết Bush. Đáp lại, Ecuador và Venezuela đã điều động quân đội đến dọc biên giới Colombia, đưa Nam Mỹ đến bờ vực thẳm chiến tranh.

Điều đáng lưu ý hơn là trong vụ xung đột nầy, tuyệt đại đa số các quốc gia Caribbean và Mỹ La Tinh đã đứng về phía Ecuador và Venezuela, cực lực lên án cuộc không tập và tái khẳng định chủ quyền tối thượng của mỗi quốc gia trong vùng như đã được Franklin Roosevelt công nhận từ lâu. Tuy nhiên, Obama thì trái lại. Obama đã công khai chấp nhận nỗ lực của chính quyền Bush biến quan hệ của Colombia với các xứ láng giềng trong vùng Andean theo chiều hướng quan hệ giữa Israel và đa số các quốc gia lân cận trong vùng Trung Đông. Trong bài nói chuyện ở Miami, Obama đã cam kết” ủng hộ quyền tấn công quân khủng bố đang ẩn náu dọc biên giới với các xứ láng giềng của Colombia”[15].

Điều đáng quan ngại hơn là việc Obama ủng hộ Sáng Kiến Merida (Merida Initiative), một sáng kiến đã bị nhóm nhân quyền Amnesty International lên án là đã áp dụng giải pháp Colombia (Colombian solution) cho Mexico và Trung Mỹ, tung tiền giúp quân đội và cảnh sát các xứ nầy càn quét các băng đảng buôn lậu ma túy và cướp bóc. Đã hẳn, đây là những tội ác nghiêm trọng trong các xứ liên hệ cần được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thật là một điều tai hại khi lấy Colombia – một xứ với chính quyền bị các nhóm đánh thuê giết mướn (death-squads) xâm nhập khắp mọi cấp và nơi các cán bộ nghiệp đoàn và tổ chức chính trị thường xuyên bị đe dọa và giết chóc- làm mẩu mực áp đặt lên các xứ Mỹ La Tinh.

Obama không những ủng hộ Sáng Kiến Merida mà còn muốn mở rộng sáng kiến nầy đến các xứ Nam Mỹ. Ông tuyên bố ở Miami: “Chúng ta còn phải đẩy mạnh xa hơn về phía Nam”[16].

Cũng như trong thập kỷ 1970s, hình như một lần nữa, những thông tin về sự cáo chung của chủ thuyết Monroe quả đã được thổi phồng quá đáng. Thực vậy, sau gần 60 năm xao lãng sân sau của mình vì bị thu hút vào Trung Đông và Trung, Nam Á, Ngũ Giác Đài vừa mới tái lập “Đệ Tứ Hạm Đội” (U.S. Fourth Fleet) chịu trách nhiệm trong vùng Caribbean và duyên hải Trung và Nam Mỹ. Như lời của Đề Đốc James Stevenson, đó là một cử chỉ tượng trưng nhằm gửi “một tín hiệu đứng đắn đến ngay cả các dân tộc không mấy ủng hộ Hoa Kỳ”[17].

 Những biến động ở Colombia trong thời gian gần đây, cũng như ở Bolivia, và Venezuela trong thượng tuần tháng 9-2008 (trục xuất đại sứ Hoa Kỳ và những biến chuyển liên hệ sau đó) là những bằng chứng khác của khuynh hướng vừa nói.

Chú thích

[1] “people don’t give a shit” about this place.

[2] …the era of the United States as the dominant influence in Latin America is over.

[3] China’s gateway to Latin America.

[4] China’s gateway to Latin America.

[4] Latin America is not Washington’s to lose, nor to save.

[5] … inappropriate and irrelevant to the changed realities and trends of the future.

[6] It would be wise for the United States to make an explicit move to abandon the              Monroe Doctrine.

 [7] disinterested internationalist spirit of appeasement.

 [8]… abandoing the strategic perspective which has shaped U.S. policy from the Monroe   Doctrine down to the eve of the Carter administration, at the center of which was a conception of the national interest and a belief in the moral legitimacy of its defense.

[9]  Communist domination in this hemisphere can never be negotiated.

[10] the distribution of power is shifting, moving away from American dominance.

[11] define the limits of idiological diversity for othernations.

[12] …can and will assess for themselves the merits and disadvantages of the Cuban                    approach.

[13] just the other day Tehran and Caracas launched a joint bank with their                                   windfall  oil profits.

[14]  an alternative to The International Monetary Fund and the Union of South            American Nations, modeled on the European Union.

[15] support Colombia’s right to strike terrorists who seek safe-havens across its

 borders.

[16] We must press further south as well.

[17] the right signal, even to the people that you know aren’t necessarily our               greatest supporters.

0