Chiến tranh là hòa bình
Arundhati Roy (Hồ Anh Thái dịch) Nữ văn sĩ Ấn Độ Arundhati Roy, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng (đoạt giải Booker 1997) The God of Small Things (đã được dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề Chúa trời của những điều vụn vặt ), đã trở nên nổi tiếng hơn bắt đầu từ năm 2001 ...
Arundhati Roy
(Hồ Anh Thái dịch)
Nữ văn sĩ Ấn Độ Arundhati Roy, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng (đoạt giải Booker 1997) The God of Small Things (đã được dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề Chúa trời của những điều vụn vặt), đã trở nên nổi tiếng hơn bắt đầu từ năm 2001 với những tiểu luận thể hiện tài hùng biện xuất chúng về cuộc chiến Afghanistan. Trong số đó, “Chiến tranh là Hòa bình” đã nổi tiếng khắp thế giới, được in trên nhiều tờ báo lớn ở phương Tây, được truyền tay rộng rãi ở Anh, Mỹ và gây ra tranh luận sôi nổi. Tác phẩm gợi nhiều suy tư về bạo lực, thù hằn và khoan hòa, từ ái; về độc tài và đa văn hóa… Web vanhoahoc.edu.vn giới thiệu bản chuyển ngữ tiểu luận này của nhà văn Hồ Anh Thái.
Khi đêm thâu bao phủ Afghanistan chủ nhật ngày 7-10-2001, chính phủ Mỹ được hậu thuẫn của Liên minh Quốc tế Chống Khủng bố (một tổ chức mới, chịu trách nhiệm đại diện, thay Liên Hiệp quốc) mở những cuộc không kích vào Afghanistan. Các kênh truyền hình nhấp nháy những hình ảnh vi tính hóa của tên lửa cruise, máy bay ném bom tàng hình, tomahawk, tên lửa phá boongke và bom rải trên độ cao Mark 82. Khắp thế giới, lũ trẻ con trố mắt ra xem và ngừng kèo nhèo đòi trò chơi điện tử mới.
Liên Hiệp quốc, bây giờ hạ thấp thành hai chữ viết tắt vô dụng, thậm chí còn chẳng được mời phán quyết cho những cuộc không kích này. (Như Madeleine Albright có lần nói: “Chúng ta sẽ hành động đa phương khi có thể, và đơn phương khi cần thiết”). “Chứng cớ” để buộc tội những kẻ khủng bố được chia sẻ giữa đám bạn bè trong “liên minh”.
Sau khi bàn bạc, họ tuyên bố rằng đưa chứng cớ này ra một toà án hay không không quan trọng. Thế là trong phút chốc, hàng thế kỷ luật pháp bị ném vào sọt rác.
Không có gì giải thích được hay hợp pháp hóa được cho một hành động khủng bố, dù là của những nhóm tôn giáo chính thống, dân vệ địa phương, phong trào kháng chiến nhân dân, hay thậm chí được khoác cái vỏ một cuộc chiến tranh trừng phạt của một chính phủ được công nhận. Việc ném bom Afghanistan không phải là trả thù cho New York và Washington. Đó là một hành động khủng bố khác chống nhân dân thế giới.
Mỗi người vô tội bị giết sẽ là con số thêm vào (chứ không phải giảm đi) con số khủng khiếp những dân thường bị chết ở New York và Washington.
Thường dân hiếm khi chiến thắng, các chính quyền hiếm khi chiến bại. Thường dân là kẻ bị giết.
Các chính quyền thay hình đổi dạng và tập hợp lại lực lượng, thành ra ba đầu sáu tay. Đầu tiên họ dùng những lá cờ để thu nhỏ và gói ghém tâm trí con người, làm nghẹt tư duy, rồi sau đó dùng chúng làm những tấm vải liệm trong nghi lễ mai táng những kẻ tình nguyện chết. Ở cả hai bên, Afghanistan cũng như ở Mỹ, dân thường giờ đây đều là con tin cho hành động của chính phủ nước họ.
Dân thường ở cả hai nước đều không hay biết rằng họ cùng bị cầm giữ – họ cùng phải sống trong một hiện tượng khủng bố mù quáng, không dự đoán trước được. Mỗi chùm bom ném xuống Afghanistan được đáp lại bằng nỗi kinh hoàng đồng loạt ngày càng tăng ở Mỹ về bệnh than, không tặc nhiều hơn, và những hành động khủng bố khác.
Không có đường thoát dễ dàng khỏi bãi lầy khủng bố và sự tàn bạo đang thách thức thế giới hôm nay. Đây là lúc để nhân loại bình tĩnh lặng yên, đào bới lại kho thông thái chung xưa và nay. Điều xảy ra vào ngày 11-9 vĩnh viễn thay đổi thế giới.
Tự do, Tiến bộ, Thịnh vượng, Công nghệ, Chiến tranh – Những từ này đã mang nghĩa mới.
Các chính quyền phải chấp nhận sự chuyển đổi này và tiến tới thực hiện nhiệm vụ mới của họ với chút ít thành thực và khiêm nhường. Thật không may, cho đến lúc này không có một dấu hiệu quan tâm nào của những người lãnh đạo của Liên minh Quốc tế.
Khi thông báo về những cuộc không kích, tổng thống George Bush nói: “Chúng ta là một nước yêu hòa bình”. Vị đại sứ ưa thích của nước Mỹ, Tony Blair (đồng thời kiêm chức thủ tướng Anh) họa theo: “Chúng ta là những người yêu hòa bình”.
Thế là bây giờ chúng ta đã biết. Lợn là ngựa. Gái là trai. Chiến tranh là hòa bình.
Phát biểu ở đại bản doanh FBI ít ngày sau, Tổng thống Bush nói: “Đây là lời kêu gọi của chúng ta. Đây là lời kêu gọi của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Đất nước tự do nhất thế giới. Một đất nước xây dựng trên những giá trị cơ bản là loại bỏ căm thù, loại trừ bạo lực, loại trừ bọn giết người và loại trừ cái ác. Chúng ta sẽ không mệt mỏi”.
Đây là danh sách các nước Mỹ đã tham chiến – và ném bom – từ chiến tranh thế giới thứ hai: Trung Quốc (1945-1946, 1950-1953), Triều Tiên (1950-1953) Guatemala (1954, 1967-1969), Indonesia (1958), Cuba (1959-1960), Congo thuộc Bỉ (1964), Peru (1965), Lào (1964-1973), Việt Nam (1961-1973), Cambodia (1969-1970), Grenada (1983), Libya (1986), El Salvador (những năm 1980), Nicaragua (những năm 1980), Panama (1989), Iraq (1991-1999), Bosnia (1995), Sudan (1998), Nam Tư (1999). Và bây giờ, Afghanistan.
Tất nhiên là Mỹ “không mệt mỏi” – đất nước tự do nhất thế giới mà.
Thứ tự do nào mà nước Mỹ bảo vệ? Trong khuôn khổ đường biên giới của nó, đó là tự do ngôn luận, tôn giáo, tư tưởng, tự do trong thái độ nghệ thuật, thói quen ẩm thực, ưu tiên tình dục (ồ, ở một mức độ nào đó) và nhiều thứ tuyệt vời khác có thể đem ra làm gương.
Ở bên ngoài đường biên giới của nó, đó là tự do thường xuyên thống trị, sỉ nhục và nô dịch hóa, phục vụ cho tôn giáo thực sự của nước Mỹ – “thị trường tự do” đấy. Vì vậy khi chính quyền Mỹ đặt tên thánh cho một cuộc chiến tranh là “Chiến dịch Công lý Vô tận”, hay là “Chiến dịch Tự do Bền vững”, thì ở thế giới thứ ba, chúng ta cảm thấy nó còn ghê hơn cả cơn chấn động kinh hoàng.
Bởi vì chúng ta biết rằng Công lý Vô tận đối với một số người nghĩa là Bất công Vô tận đối với những người khác. Và Tự do Bền vững đối với một số người nghĩa là Nô dịch Bền vững đối với những người khác.
Liên minh Quốc tế Chống Khủng bố chủ yếu là phe của những nước giàu nhất thế giới. Họ sản xuất và bán cho nhau phần lớn số vũ khí trên thế giới, họ sở hữu kho vũ khí hủy diệt hàng loạt lớn nhất – vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân. Họ đánh nhau trong phần lớn các cuộc chiến tranh, chịu trách nhiệm về phần lớn các cuộc diệt chủng, đi chinh phục, xóa bỏ các dân tộc thiểu số và vi phạm nhân quyền trong lịch sử hiện đại. Họ đỡ đầu, trang bị vũ khí và tài chính cho vô số kẻ độc tài và bạo chúa. Nội bộ với nhau, họ thờ phụng, hầu như tôn sùng, cái tín ngưỡng bạo lực và chiến tranh. Trước tất cả những tội ác kinh khủng đó của họ, quân Taliban chỉ khác ở chỗ không ở cùng trong một liên minh.
Quân Taliban bị vây bọc giữa hoang tàn đổ nát, heroin và mìn trong dòng xoáy chiến tranh lạnh. Những lãnh đạo cao tuổi nhất khoảng ngoại tứ tuần. Nhiều người trong số họ bị thương tật và dị dạng, mất một mắt, một tay hoặc một chân. Họ lớn lên trong một xã hội bị chiến tranh gây thương tích và hủy diệt.
Giữa thời Liên Xô và Mỹ, trong hơn 20 năm, một lượng vũ khí súng đạn khoảng 45 tỉ đô la (30 tỉ bảng Anh) đã được đổ vào Afghanistan. Vũ khí mới nhất là mảnh hiện đại duy nhất đột nhập vào một xã hội hoàn toàn trung cổ.
Thanh niên trai tráng – nhiều người là trẻ mồ côi – lớn lên trong thời gian ấy, dùng súng thay đồ chơi, chưa hề biết mùi yên ổn và êm ấm của đời sống gia đình, chưa hề biết mùi đàn bà. Bây giờ trở thành người lớn và là kẻ thống trị, quân Taliban đánh đập, ném đá, hãm hiếp và hành hạ phụ nữ. Họ dường như không biết làm những gì khác nữa cho phụ nữ.
Những năm tháng chiến tranh đã lột bỏ sự dịu dàng, lòng tốt và tình người trong con người họ. Bây giờ họ quay lại xử sự như ác quỷ với chính dân mình.
Họ nhảy múa theo nhịp vang dội của bom rơi như mưa xung quanh mình.
Với tất cả lòng kính trọng Tổng thống Bush, nhân loại không việc gì phải chọn lựa giữa quân Taliban và chính phủ Mỹ. Tất cả những cái đẹp của văn minh nhân loại – hội họa, âm nhạc và văn học của chúng ta – đều nằm cách xa hai cực tư tưởng chính thống này. Có rất ít cơ hội cho mọi người trên thế gian trở thành người tiêu thụ trung lưu, cũng ít như việc tất cả mọi người đều theo một tôn giáo nào đó. Vấn đề không phải là Thiện và Ác, Hồi giáo hay Thiên chúa giáo. Vấn đề là làm thế nào để dung chứa sự đa dạng, ngăn chặn việc tiến tới bá chủ, mọi kiểu cách bá chủ, cả về kinh tế, quân sự, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa.
Bất cứ một nhà sinh thái học nào cũng nói được cho bạn biết một nền văn hóa độc tôn thì nguy hiểm và mong manh biết chừng nào. Một thế giới bá quyền giống như một chính phủ không có sự đối lập lành mạnh. Nó trở thành một kiểu độc tài. Giống như bọc thế giới trong một cái túi nhựa, làm cho nó không thở được. Rốt cuộc, nó sẽ vỡ toang.
Một triệu rưởi người Afghanistan mất mạng trong 20 năm xung đột dẫn đến cuộc chiến tranh mới này. Afghanistan đã biến thành đống đổ nát, và bây giờ đống đổ nát được nghiền thêm thành bụi. Sang ngày thứ hai của cuộc không kích, phi công Mỹ quay về căn cứ mà không ném hết lượng bom đã định. Một phi công đã nói, Afghanistan “không phải là nơi có nhiều mục tiêu”. Trong một cuộc họp báo ngắn ở Lầu Năm Góc, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld được hỏi có phải quân Mỹ đã hết mục tiêu tấn công hay không.
“Thứ nhất, chúng tôi sẽ tấn công lại các mục tiêu – Ông ta trả lời – Thứ hai, chúng tôi không hết mục tiêu, Afghanistan là….” Câu này làm cả phòng họp báo cười ồ lên.
Sang ngày thứ ba của những cuộc không kích, bộ Quốc phòng Mỹ huênh hoang rằng đã “khống chế hoàn toàn không phận Afghanistan” (có phải họ muốn nói rằng họ đã hủy diệt cả hai máy bay ấy, hay là tất cả 16 máy bay của Afghanistan?)
Trên mặt đất, quân Liên minh Phương Bắc, kẻ thù cũ của Taliban, và vì thế là bạn mới nhất của liên minh chống khủng bố – đang tiến về đánh chiếm Kabul (về mặt thành tích, xin được nói rằng Liên minh Phương Bắc cũng chẳng khác gì Taliban. Nhưng bây giờ vì bất tiện nên chi tiết vặt vãnh ấy đã được lờ đi). Vị lãnh đạo hiện hữu, ôn hòa, “phải chăng” của liên minh, Ahmed Shah Masud, đã bị giết trong một cuộc đánh bom liều chết đầu tháng 9. Phần còn lại của liên minh là một nhóm hỗn tạp những chiến binh độc ác, cựu cộng sản và thầy tu ngạo nghễ. Nó là một nhóm khập khiễng bị sự phân biệt dân tộc chia rẽ, một số người trước đây đã cầm quyền ở Afghanistan.
Cho đến khi Mỹ không kích, Liên minh Phương Bắc kiểm soát khoảng 5% diện tích Afghanistan. Bây giờ, có sự giúp đỡ của liên minh chống khủng bố và sự khống chế trên không, lực lượng này đang làm cho Taliban lung lay. Trong khi đó, lính Taliban, cảm thấy sắp bị thua, bắt đầu bỏ chạy sang Liên minh. Thế là hai lực lượng tham chiến bận rộn thay đổi chỗ và thay đổi quân phục. Nhưng trong một tình thế đáng bi quan như vậy thì điều đó chẳng nghĩa lý gì.
Tình yêu là hận thù, bắc là nam, chiến tranh là hòa bình.
Giữa các thế lực hùng mạnh trên thế giới có cuộc nói chuyện về việc “đặt ra một chính phủ đại diện”. Hay nói cách khác “khôi phục” vương quốc cho vị cựu vương già 89 tuổi Zahir Shah của Afghanistan, người sống lưu vong ở Rome từ năm 1973. Đấy là cách để trò chơi tiếp diễn – ủng hộ Saddam Hussein, sau đó “hất ông ta ra”; hỗ trợ tài chính cho lính Mojahedin, sau đó ném bom họ như thợ rèn quai búa; đặt Zahir Shah lên ngôi xem ông ta có phải là bé ngoan hay không (liệu có thể “đặt ra” một chính phủ đại diện hay không? Liệu bạn có thể gọi món dân chủ – rồi xin thêm pho mát và hạt tiêu?)
Các bản báo cáo bắt đầu rò rỉ thông tin về việc dân thường bị thương vong, về các thành phố bỏ hoang vì người Afghanistan bỏ chạy đến các biên giới đã đóng cửa. Những con đường huyết mạch bị nổ tung hoặc bị chặn lại. Những người từng làm việc tại Afghanistan nói rằng đầu tháng 11, những đoàn cứu trợ thực phẩm sẽ không thể tiếp cận được hàng triệu người Afghanistan (Liên Hiệp quốc nói là 7,5 triệu), những người đang thực sự phải chết đói trong mùa đông này. Họ nói rằng vào những ngày họ ra đi trước khi mùa đông đến, chỉ có thể hoặc là chiến tranh, hoặc nỗ lực đưa thức ăn đến cho người đói. Không thể cùng lúc cả hai.
Là một cử chỉ tương trợ nhân đạo, chính phủ Mỹ thả từ trên không 37.000 gói khẩu phần cấp cứu xuống Afghanistan. Họ nói họ có kế hoạch thả toàn bộ 500.000 gói. Nó chỉ thêm được một bữa ăn cho nửa triệu người trong tổng số mấy triệu người đang cần thức ăn khủng khiếp.
Các nhân viên cứu trợ chỉ trích rằng đây là một hành động bi thảm, nguy hiểm, mang tính tuyên truyền. Họ bảo ném những gói thức ăn thức ăn từ trên không xuống còn tệ hơn cả sự vô ích.
Trước hết, vì thức ăn chẳng bao giờ đến tay những người thực sự cần. Nguy hiểm hơn, những người chạy đến nhặt có nguy cơ bị tan xác vì mìn. Một sự bố thí thê thảm.
Dù gì đi nữa, những gói thức ăn đều có in hình trên đó. Các món ăn ở bên trong đều được liệt kê trên những tờ báo lớn. Người ta bảo chúng ta rằng đó là thức ăn chay, theo đúng quy định về ăn chay của người Hồi giáo. Mỗi gói thức ăn màu vàng, có trang trí cờ Mỹ, chứa cơm, bơ lạc, sa lát đậu, mứt dâu, bánh quy, nho, bánh mỳ dẹt, một miếng táo, món ăn theo mùa, diêm, một bộ đồ ăn nhựa và bảng hướng dẫn sử dụng theo hình vẽ.
Sau ba năm hạn hán triền miên, một bữa ăn được ném xuống Jalalabad! Một sự lạc lõng văn hóa, một sự hiểu sai những tháng năm dài bị đói gay gắt và sự nghèo khó thực sự có nghĩa là thế nào. Chính phủ Mỹ còn cố sử dụng cảnh khổ cực hèn hạ này để tự tô vẽ cho hình ảnh của mình.
Thử quay cảnh này ngược lại. Hãy tưởng tượng chính quyền Taliban ném bom thành phố New York, luôn mồm nói rằng mục tiêu thực sự là chính phủ Mỹ và chính sách của họ. Và giả sử trong các cuộc ném bom, quân Taliban ném xuống một vài nghìn gói chứa bánh mì dẹt và chả nướng cuộn trong cờ Afghanistan. Liệu những người New York tử tế tự trong thâm tâm có bao giờ tha thứ cho chính phủ Afghanistan? Thậm chí nếu như họ đói, thậm chí nếu họ cần thức ăn ấy, thậm chí nếu họ ăn, thì có bao giờ họ quên được sự sỉ nhục, sự hạ cố ấy? Rudi Guilliani, thị trưởng New York, đã trả lại món quà 10 triệu đô la của một hoàng tử Ả Rập vì nó kèm theo một ít lời khuyên thân thiện về chính sách của Mỹ đối với Trung Đông. Lẽ nào lòng kiêu hãnh là thứ xa xỉ chỉ người giàu mới có?
Còn lâu mới dập tắt được nó, nhen lên ngọn lửa phẫn nộ này chính là tạo nên chủ nghĩa khủng bố. Căm thù và báo thù không quay trở lại cái bình một khi bạn đã thả cho nó sổng ra. Bởi vì hễ mỗi “kẻ khủng bố” hoặc là “kẻ ủng hộ” nó bị giết, thì hàng trăm người vô tội cũng bị giết. Và bởi vì hễ một trăm người bị giết thì lại là dịp tốt để tạo ra mấy kẻ khủng bố trong tương lai.
Toàn bộ điều đó sẽ dẫn đến đâu?
Tạm gác điều hoa mỹ sang bên trong khoảnh khắc, hãy xem xét một thực tế là thế giới vẫn chưa tìm ra một định nghĩa thỏa đáng cho “chủ nghĩa khủng bố”. Kẻ khủng bố ở nước này thường là chiến sĩ đấu tranh cho tự do ở nước khác. Sự vừa yêu vừa ghét sâu đậm của thế giới đối với bạo lực nằm ngay ở giữa lòng của vấn đề.
Một khi bạo lực được chấp nhận như một công cụ chính trị hợp pháp thì đạo đức và sự chấp nhận mang tính chính trị đối với những kẻ khủng bố (người nổi dậy, hay là chiến sĩ đấu tranh cho tự do) trở thành cuộc cãi vã gay gắt, một địa hình gập ghềnh. Tự chính quyền Mỹ đã gây quỹ, trang bị vũ khí và dung chứa rất nhiều kẻ nổi loạn trên khắp thế giới.
CIA và tình báo Pakistan ISI trong những năm 1980 đã huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân mojahedin, những kẻ bị chính quyền ở đất nước Afghanistan do Liên Xô chiếm đóng coi là khủng bố. Ngày nay, liên minh Pakistan – Mỹ trong cuộc chiến tranh mới này đang đỡ đầu cho những kẻ phiến loạn vượt biên giới sang vùng đất Kashmir ở Ấn Độ. Pakistan ca tụng chúng là “chiến sĩ đấu tranh cho tự do”, Ấn Độ gọi chúng là “bọn khủng bố”. Về phần mình, Ấn Độ lên án các nước đỡ đầu và tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố, nhưng trong quá khứ quân đội Ấn Độ đã huấn luyện cho quân Tamil nổi dậy đòi lại đất quê hương ở Sri Lanka (LTTE), những kẻ phải chịu trách nhiệm về vô vàn hành động khủng bố đẫm máu.
(Giống như CIA đã bỏ rơi quân mujahideen sau khi chúng đã phục vụ mục tiêu của họ, Ấn Độ bất ngờ quay lưng lại với LTTE vì những lý do chính trị. Chính là một kẻ đánh bom liều chết của tổ chức LTTE phẫn nộ đã ám sát cựu thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi năm 1989(*)).
Điều quan trọng là các chính phủ và các chính khách cần hiểu rằng huy động thứ tình cảm thịnh nộ khủng khiếp này của con người vào những mục đích hẹp hòi của riêng họ thì có thể mang đến những kết quả tức thời, nhưng rốt cuộc và không thể thay đổi được, họ sẽ gặp những hậu quả thảm khốc. Kích động và khai thác tình cảm tôn giáo phục vụ cho thủ đoạn chính trị là thứ di sản nguy hiểm nhất mà các chính quyền và chính trị gia để lại cho bất cứ dân tộc nào, bao gồm cả dân tộc của chính họ.
Người sống trong những xã hội bị sự cuồng tín cộng đồng và tôn giáo xâu xé đều biết rằng mọi văn bản tôn giáo – từ Kinh Thánh cho đến Kinh Chí Tôn Ca (Bhagwad Gita) – đều có thể bị khai thác và giải thích sai lệch để biện hộ cho bất cứ cái gì, từ chiến tranh hạt nhân đến diệt chủng cho đến toàn cầu hóa mang tính đoàn thể.
Điều này không hàm ý rằng những kẻ gây hại ngày 11-9 không bị săn lùng và lôi ra xét xử. Chắc chắn chúng phải bị như vậy.
Nhưng liệu có phải chiến tranh là cách tốt nhất để truy lùng chúng? Có phải cứ đốt một đống rơm là bạn sẽ tìm ra chiếc kim? Hay là nó sẽ càng làm tăng uất hận và biến thế giới thành địa ngục sống đối với tất cả chúng ta?
Cho đến cuối ngày, có bao nhiêu người mà bạn dò xét được, bao nhiêu tài khoản nhà băng bạn niêm phong được, bao nhiêu cuộc chuyện trò bạn nghe trộm được, bao nhiêu thư điện tử bạn đột nhập vào được, bao nhiêu phong thư bạn mở ra được, bao nhiêu máy điện thoại bạn gài trộm được? Ngay cả trước ngày 11-9, CIA còn tích trữ được nhiều thông tin hơn khả năng chế biến của nhân loại (thực tế là đôi khi quá nhiều số liệu lại cản trở hoạt động tình báo – vệ tinh do thám Mỹ hoàn toàn bỏ sót việc chuẩn bị trước khi Ấn Độ thử vũ khí hạt nhân năm 1998).
Chỉ riêng mức độ theo dõi sẽ trở thành một cơn ác mộng hợp lý, hợp đạo đức đối với quyền công dân. Nó sẽ đẩy mọi người trong sạch đến chỗ phát điên. Và tự do – điều rất rất quý giá ấy – sẽ bị thương vong đầu tiên. Nó đã bị tổn thương và bị xuất huyết một cách nguy hiểm.
Các chính phủ trên khắp thế giới đang sử dụng một cách yếm thế sự hoang tưởng tràn ngập của họ để tăng cường quyền lợi của riêng mình. Mọi loại lực lượng chính trị không có khả năng tiên đoán đều đang được buông thả hành động. Chẳng hạn ở Ấn Độ, các thành viên của Diễn đàn Kháng chiến Nhân dân Toàn Ấn, những người đã phân phát tờ rơi chống chiến tranh và chống Mỹ ở Delhi, đều bị tống giam. Ngay cả người in những truyền đơn ấy cũng bị bắt.
Chính quyền cánh hữu (trong khi dung chứa những phe nhóm Hindu cực đoan như đảng Bajrang Dal và Vishwa Hindu Parishad – Hội đồng Hindu Thế giới) thì lại cấm Phong trào Sinh viên Hồi giáo Ấn Độ và đang cố gắng phục sinh một đạo luật chống khủng bố, đạo luật đã bị rút lại sau khi Ủy ban Nhân quyền thông báo rằng nó gây xúc phạm nhiều hơn là thiết thực. Hàng triệu công dân Ấn Độ theo Hồi giáo. Lợi lộc gì mà ghét bỏ họ?
Cứ mỗi ngày chiến tranh tiếp diễn thì cảm xúc phẫn nộ lại tràn ngập thế giới này. Báo chí quốc tế rất khó thâm nhập hoặc là không sao thâm nhập một cách độc lập được vào vùng chiến sự. Trong bất cứ trường hợp nào, hệ thống thông tin đại chúng chủ lưu, đặc biệt là ở Mỹ, đã lăn lộn dù ít dù nhiều, tự cho phép bị cù vào rốn bằng những bản thông tin báo chí do quan chức chính phủ và quân đội phân phát cho. Các đài phát thanh Afghanistan đã bị bom hủy diệt. Quân Taliban thì thường xuyên ngờ vực sâu sắc báo chí. Trong cuộc chiến tuyên truyền, không có được sự tính toán chính xác là bao nhiêu người bị giết, hoặc sự hủy diệt đã đến mức độ nào. Ở nơi thiếu vắng thông tin đáng tin cậy, thì tin đồn được thả sức lan truyền.
Hãy áp tai xuống đất, bạn có thể nghe thấy tiếng đập khẽ, tiếng đập chết chóc của cơn giận dữ đang nảy mầm. Xin làm ơn, làm ơn ngay bây giờ ngừng chiến tranh đi cho. Đã quá đủ người chết. Tên lửa thông minh không đủ thông minh. Chúng đang làm nổ tung nhà kho của sự thịnh nộ bị kìm nén.
Tổng thống Bush gần đây khoe khoang: “Khi hành động, tôi không phóng một tên lửa giá 2 triệu đô la vào một cái lều rỗng không giá 10 đô la hay bắn vào đít một con lạc đà. Nó sẽ rất đúng chỗ”. Tổng thống Bush nên biết rằng chẳng có mục tiêu nào ở Afghanistan tương xứng với giá trị tiền bạc của các quả tên lửa ấy.
Có thể, để cân bằng về mặt tài chính, tổng thống Bush nên sản xuất tên lửa rẻ hơn cho các mục tiêu rẻ hơn và sinh mạng rẻ hơn ở các nước nghèo. Nhưng thế thì các nhà sản xuất vũ khí của liên minh chống khủng bố lại có thể chẳng làm ăn được mấy. Chẳng hạn đối với Tập đoàn Carlyle – được tổ chức Tiêu chuẩn Công nghiệp miêu tả là “tập đoàn cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới” với tài sản 13 tỉ USD.
Carlyle đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng, kiếm tiền từ những vụ xung đột quân sự và chi tiêu cho vũ khí.
Carlyle được những con người đáng tin cậy không chê vào đâu được điều hành. Cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Carlucci là chủ tịch và giám đốc điều hành (ông ta là bạn cùng phòng thời sinh viên của Donald Rumsfeld). Những đối tác khác của Carlyle bao gồm cựu bộ trưởng Ngoại giao James A Baker III, George Soros và Fred Malek (người điều hành chiến dịch bầu cử của George Bush cha). Một tờ báo Mỹ, Baltimore Chronicle and Sentinel, còn nói Bush cha từng tìm kiếm đầu tư cho tập đoàn Carlyle ở thị trường châu Á.
Nghe nói ông ta đã được trả những khoản tiền không sao đếm xuể để đi giới thiệu với những chính phủ là bạn hàng đầy tiềm năng.
Ô hô, đúng như một câu nói chán chường – tất cả trong cùng một gia đình.
Thế là có một ngành nữa trong hoạt động kinh doanh truyền thống của gia đình – dầu lửa. Hãy nhớ rằng tổng thống Bush con và phó tổng thống Dick Cheney cả hai đều gặp vận may nhờ ngành dầu lửa Mỹ.
Turkmenistan, chung biên giới phía tây bắc Afghanistan, có trữ lượng dầu lửa đứng thứ ba trên thế giới, ước tính 6 tỉ thùng. Các chuyên gia nói đủ dùng cho nhu cầu năng lượng của Mỹ 30 năm nữa (hoặc vài thế kỷ cho một nước đang phát triển). Mỹ luôn coi dầu lửa là vấn đề an ninh và bảo vệ nó bằng mọi cách cần thiết. Ít ai trong chúng ta nghi ngờ rằng sự có mặt quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh liên quan rất ít đến vấn đề nhân quyền mà hoàn toàn vì mối quan tâm chiến lược đến dầu lửa.
Dầu lửa và gas từ vùng vịnh Caspian hiện đang chảy theo hướng bắc về phía thị trường châu Âu. Từ góc độ địa lý và chính trị, Iran và Nga là hai trở ngại cho mối lợi của Mỹ. Năm 1998, Dick Cheney, lúc đó là giám đốc điều hành tập đoàn chính trong ngành dầu lửa Halliburton, cơ quan đóng vai trò lớn trong công nghiệp dầu lửa, nói: “Tôi không thể đoán trước được có lúc một khu vực đã bất ngờ nổi lên quan trọng về mặt chiến lược như vùng Caspian. Hầu như các cơ hội xuất hiện chỉ sau một đêm”. Thực sự là thế.
Mấy năm nay, tập đoàn dầu lửa Mỹ khổng lồ Unocal đã đàm phán với quân Taliban xin phép xây dựng một đường ống dẫn dầu chạy qua Afghanistan đến Pakistan rồi đến biển Ả Rập. Từ đây, Unocal hy vọng đến được “những thị trường đang nổi lên” đầy lợi nhuận ở Nam và Đông Nam Á. Tháng 12 năm 1997, một đoàn giáo sĩ Hồi giáo đã đến Mỹ, thậm chí đã gặp những quan chức bộ Ngoại giao Mỹ và những người điều hành Unocal ở Houston. Hồi đó, khẩu vị của Taliban là xử tử công khai và đối xử tàn tệ với phụ nữ Afghanistan không bị coi là tội ác chống loài người như bây giờ.
Sáu tháng sau, hàng trăm nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ ở Mỹ đã gây sức ép với chính quyền Clinton.
May mắn thay, họ đã bóp chết được sự thông đồng này. Còn bây giờ, cơ hội lớn của ngành dầu lửa Mỹ đã đến.
Ở Mỹ, ngành công nghiệp vũ khí, công nghiệp dầu lửa, mạng lưới truyền thông lớn, và thực ra là chính sách đối ngoại, tất cả do cùng những tập đoàn kinh doanh kiểm soát. Vì vậy sẽ là ngớ ngẩn nếu chờ đợi cuộc hội đàm liên quan đến súng đạn, dầu lửa và những hợp đồng quốc phòng này được thực sự đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong bất cứ trường hợp nào, đối với một dân tộc bị nhầm lẫn và quẫn trí, một dân tộc mà lòng kiêu hãnh đã bị tổn thương, những người thân yêu đã bị thảm sát, lòng căm giận vẫn còn tươi mới và sắc nhọn, thì sự trống rỗng của lời rao giảng về “xung đột giữa các nền văn minh” và “cái thiện đối diện cái ác” đã được đưa vào nhà một cách đúng đắn. Chúng được những người phát ngôn của chính phủ đem phát nhỏ giọt như một liều vitamin hoặc thuốc chống trầm cảm hàng ngày. Thang thuốc đều đặn đảm bảo rằng nước Mỹ lục địa tiếp tục là điều bí ẩn như lâu nay vẫn thế – một dân tộc cách biệt lạ lùng như ở giữa đảo xa, do một chính phủ hỗn tạp thích chõ vào việc người khác một cách bệnh hoạn cầm quyền.
Vậy tất cả chúng ta, những người tê liệt vì chịu sự tấn công dữ dội của những điều mà chúng ta biết là tuyên truyền vô lý? Những người hàng ngày tiêu thụ những lời nói dối và sự tàn bạo phết bơ lạc và mứt dâu được ném từ trên không vào trong đầu chúng ta, giống như những gói thức ăn màu vàng nọ. Chúng ta sẽ ngoảnh đi mà ăn vì chúng ta đói, hay chúng ta nhìn trừng trừng vào vở kịch tàn nhẫn đang diễn ra ở Afghanistan cho đến khi cùng nôn thốc nôn tháo rồi đồng thanh nói rằng chúng ta xơi đủ rồi?
Năm đầu tiên của thiên niên kỷ sắp kết thúc, người ta tự hỏi có phải chúng ta đã đánh mất quyền được mơ ước? Liệu chúng ta có còn khả năng lại hình dung ra cái đẹp nữa hay không?
Liệu chúng ta còn có thể lại ngắm cái sắc màu lung linh chập chờn kỳ lạ của một chú thằn lằn mới sinh dưới ánh mặt trời, hay thì thầm trả lời một con sóc đất vừa thầm thì vào tai bạn mà không phải nghĩ đến Trung tâm Thương mại Thế giới và Afghanistan?
(Nguồn bài dịch : Outlook India, 18-10-2001, The Guardian, 23-10-2001)
nguồn bài viết : http://www.vanhoahoc.vn/