18/06/2018, 15:42

Đời sống tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo trong “Ngàn lẻ một đêm”

ThS. Lê Thị Ngọc Điệp ( Khoa Văn hóa học – ĐH KHXH&NV) “Ngàn lẻ một đêm” phản ánh chi tiết những sinh hoạt của cộng đồng Hồi giáo. Đọc “Ngàn lẻ một đêm” người đọc có thể dễ dàng tìm hiểu những nét đặc trưng trong văn hóa, nhất là những ...

scheherazade

ThS. Lê Thị Ngọc Điệp

(Khoa Văn hóa học – ĐH KHXH&NV)

“Ngàn lẻ một đêm” phản ánh chi tiết những sinh hoạt của cộng đồng Hồi giáo. Đọc “Ngàn lẻ một đêm” người đọc có thể dễ dàng tìm hiểu những nét đặc trưng trong văn hóa, nhất là những biểu hiện tôn giáo trong đời sống hàng ngày của người dân Ả Rập Hồi giáo. Những lễ nghi tôn giáo như cầu kinh, tụng niệm luôn được nhắc đến đều đặn trong Ngàn lẻ một đêm.. Các tu sĩ luôn được các tín đồ Hồi giáo và cả các bậc vua chúa trọng vọng và đón tiếp nồng hậu trong các câu chuyện của Ngàn lẻ một đêm.

Bài viết trích xuất từ luận văn thạc sỹ chuyên ngành văn hoá học nhan đề Văn hoá sa mạc và văn hóa Hồi giáo trong Nghìn lẻ một đêmbảo vệ năm 2006 tại khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG Tp. HCM (HDKH: PGS.TS. Phan Thu Hiền).

Sau Kinh Qu’ran[1]Ngàn lẻ một đêm – pho truyện dân gian của các dân tộc Ả Rập đã thể hiện bức tranh sinh động đầy hình ảnh và màu sắc, phản ánh một cách trung thực, tỉ mỉ, sâu sắc và toàn diện thực trạng xã hội của cộng đồng các dân tộc Ả Rập Hồi giáo lúc bấy giờ.

Thoáng nhìn người ta có thể cho rằng khó có thể tìm thấy sự phản ánh hiện thực đời sống Ả Rập trong Ngàn lẻ một đêm vì: Ngàn lẻ một đêm là tập hợp những câu chuyện vốn được kể ở các nước Ấn Độ, Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp – La Mã … mà người Ả Rập chỉ tập hợp lại; Ngàn lẻ một đêm là tập hợp những câu chuyện phần nhiều thần tiên, tưởng tượng phóng khoáng, nhiều yếu tố thần tiên, kỳ ảo, tưởng tượng hơn là phản ánh hiện thực.

Tuy nhiên, trong chiều sâu của Ngàn lẻ một đêm, hiện thực đời sống và tinh thần của cộng đồng Ả Rập Hồi giáo vẫn được thể hiện một cách rõ nét, bởi vì:

Khi mang về những câu chuyện hay từ các xứ sở: Ba Tư, Ấn Độ, Bengal, Trung Quốc, Syrie, Hy Lạp, Tartarie, Ai Cập, người Ả Rập đã lựa chọn những câu chuyện theo tinh thần của họ, rồi họ kể lại những câu chuyện ấy theo cách của họ, mang vào những nét thể hiện chính đời sống, tâm hồn Ả Rập, Hồi giáo.

Những câu chuyện dân gian, những tác phẩm văn chương có thể là những sáng tạo, tưởng tượng hư cấu của tác giả – tác giả tập thể là nhân dân hoặc tác giả cá nhân là các nhà văn, nhưng những sáng tạo, tưởng tượng hư cấu ấy cũng bắt nguồn từ những chất liệu hiện thực, phản ánh những ước mơ, khao khát, thái độ của tác giả đối với hiện thực. Do đó, những yếu tố tưởng tượng, những yếu tố thần tiên kỳ ảo vẫn có quan hệ đặc biệt với hiện thực, phản ánh cách con người chiếm lĩnh thực tại, cảm nhận, suy tư về thực tại, từ thực tại ao ước những điều họ mong muốn nhưng không đạt được, từ thực tại phản kháng với những điều mà họ không đồng tình trong cuộc sống…

Mặt khác, trong Ngàn lẻ một đêm, bên cạnh những câu chuyện với những không gian, thời gian có thể phiếm chỉ hoặc có tính chất thần tiên, xa lạ thì có khá nhiều những câu chuyện được đặt vào không gian cụ thể của những vương triều nhất định, những sự kiện nhất định trong lịch sử Ả Rập, Hồi giáo như vương triều Abbassid, nổi tiếng ở Baghdad vào cuối thế kỷ thứ VII và đầu thế kỷ thứ IX (Chuyện Nuarếtđin và người đẹp Ba Tư, Chuyện Abu Hatxan Ali Ep Beca và ái phi của hoàng đế, Chuyện người chợt tỉnh giấc mơ…) ; với những nhân vật là những tên tuổi có thực nổi tiếng trong lịch sử Ả Rập như Hoàng đế Harun-al-Rashid nổi tiếng phong tình, phóng đãng và anh minh. Những năm trị vì của Hoàng đế Harun-al-Rashid (786 – 809) là thời kỳ mà vương triều Abbassid đạt tới độ cực thịnh, nội chính được chấn chỉnh, đối ngoại được mở rộng. Thời đại của Harun-al-Rashid được xem là thời đại hoàng kim của Ả Rập. Vì thế, tính chất hiện thực trong loạt truyện này càng rõ nét.

Vì vậy, từ Ngàn lẻ một đêm chúng ta có thể phục hiện lại, phác thảo lại bức tranh đời sống văn hóa, văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần của Ả Rập, của Hồi giáo thời Trung đại. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chủ yếu phân tích khía cạnh đời sống tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo trong Ngàn lẻ một đêm.

1. Tầng lớp tu sĩ gắn với những giáo đường

Đóng vai trò trung tâm trong đời sống tôn giáo của thế giới Hồi giáo là tầng lớp tu sĩ gắn với những giáo đường

Trước hết là những câu chuyện về Tu sĩ  Hồi giáo (thống kê có 9/61 chuyện, chiếm tỉ lệ 15%).

Qua những chuyện trong Ngàn lẻ một đêm cho thấy vai trò quan trọng của các tu sĩ và uy tín của họ đối với tín đồ trong thế giới Hồi giáo.

Các khất sĩ lang thang được tiếp đón rất nồng hậu: “Khi các khất sĩ đã yên vị, các thiếu phụ mời họ ăn, chú ý rót rượu mời họ uống [2].

Vì sự ghen ghét của người bạn cạnh nhà, một nhân vật tốt bụng phải bán nhà đi nơi khác sinh sống và quyết định đi tu để sống một cuộc đời ẩn dật. Con người tốt bụng mua được nhà đất rồi, bèn “cho xây thêm nhiều phòng tu ở trong nhà. Chỉ ít lâu sau, nhà ông đã trở thành một cộng đồng đông đảo tu sĩ. Đức độ của ông chẳng bao lâu nổi tiếng và do đó thu hút khá đông thiên hạ, cả những dân thường cũng như các quan chức trong thành phố đến thăm”[3].

Một nhà vua nước Ba Tư đã khá cao tuổi nhưng vẫn chưa có con. “Vua cung tiến rộng rãi cho các vị tu hành, những mong các nhà tu hành sẽ cùng cầu nguyện cho mình đạt được điều ước vọng”[4].

Cuộc sống của các tu sĩ rất giản dị và yên tĩnh, họ sống một cuộc sống ẩn dật, xa lánh cuộc đời “Hỡi vị tu hành đã lánh đời mà tới nơi hang động. Có thể ngài đã nếm vị tình yêu đến mê mẩn tâm thần[5]. Hãy nghe hoàng tử Batman trên đường đi tìm chim biết nói, cây biết hát và làn nước vàng cho em gái của mình tả về vị tu sĩ mình gặp: “chàng thấy bên đường có một cụ già bộ dạng xấu xí, ngồi dựa một gốc cây, cách không xa một túp lều là nơi trú ẩn cho  cụ những lúc trở trời, trái gió”.

Tóc râu cũng như lông mày của cụ đều trắng như tuyết, lông mày rủ xuống đến mũi, râu mép che kín miệng, còn râu cằm và tóc thì phủ xuống tận chân. Móng tay và móng chân của cụ cực dài. Trên đầu cụ đội một chiếc nón có vành dẹt và rộng trông như cái lọng. Cụ chẳng mặc một quần áo gì ngoài một chiếc chiếu cuộn quanh mình. Cụ già này là một ẩn sĩ, từ nhiều năm nay xa lánh cuộc đời, vì không quan tâm chút gì tới thể xác mà chỉ nghĩ tới phần hồn, thành thử cuối cùng như ta vừa thấy đấy…[6].

Đây có thể là tu sĩ theo giáo phái Sufi[7] hay còn gọi là phái thần bí: “Sufi” bắt nguồn từ tiếng Ả Rập “Suf” có nghĩa là lông cừu, chỉ những tín đồ mặc áo lông cừu, sống khổ hạnh, thoát tục, an phận, xa lánh người đời. Giáo phái Sufi thiên về lối sống và con đường tu lập, là sản phẩm của niềm tin chân thành và nhiệt tình tôn giáo. Phái Sufi là một phản ứng chống lại sự xa hoa hủ bại, tranh quyền đoạt lợi của tầng lớp thống trị thuộc vương triều của các Khalifah. Tín đồ của giáo phái này muốn sống theo lối sống thanh bần, khổ hạnh, trong sạch như Nhà tiên tri Mohammed, họ hy vọng thông qua cuộc sống khổ hạnh, họ sẽ đạt được sự thanh tịnh nội tâm và sự an ủi tinh thần. Hoạt động của giáo phái Sufi đã có ảnh hưởng nhất định đến niềm tin tôn giáo và hoạt động xã hội của quảng đại tín đồ. Ngoài ra, chủ nghĩa thần bí của giáo phái Sufi cũng để lại dấu ấn không phai mờ trong nhiều tác phẩm văn học, thơ ca và triết học…

Thi sĩ Abu Said nhận định về những tu sĩ “Họ chỉ khác người thường là đời sống giản dị, mộ đạo và yên tĩnh, đôi khi họ quây quần chung quanh một tôn sư, một vị thánh được họ xem là một kiểu mẫu, hoặc tụ họp nhau  tụng niệm khuyến khích lẫn nhau trên đường hành đạo[8]. Các tu sĩ xem kỷ luật tu hành là một phương tiện đạt sự chân tri về vạn vật, đôi khi như một khóa học để luyện một quyền năng thần diệu tác động tới thiên nhiên và như một con đường đưa tới sự hợp nhất với Thượng đế.

Bên cạnh những câu chuyện về tu sĩ là những câu chuyện có hình ảnh giáo đường (thống kê có 7 chuyện, tỉ lệ 11%)

Đối với tín đồ Hồi giáo nghèo và mộ đạo thì sống ra sao cũng được, nhưng giáo đường phải thật nguy nga, tráng lệ. Họ tự nguyện bỏ cả công lẫn của, đem hết nghệ thuật và nghề nghiệp của mình để xây dựng giáo đường thật đẹp, bởi vì đây là ngôi nhà của Đấng Tối cao Allah.

Jafar – tể tướng của hoàng đế Harun-Al-Rashid trong lúc đi tìm người chú giải được nội dung quyển sách đã làm cho giáo chủ cười rồi lại khóc, đoán được cuốn sách nói gì từ trang đầu đến trang cuối. Nếu không tìm được người chú giải nội dung cuốn sách thì sẽ bị chặt đầu. Trong lúc tuyệt vọng, “Ông đi đến trước cửa giáo đường lộng lẫy lúc nào không hay. Ông leo lên ba mươi bậc thang đá hoa cửa chính, ngắm nhìn những bức tường bằng sứ, những trang trí bằng vàng, bằng ngọc, bằng cẩm thạch, rực rỡ. Khắp nơi, những bồn nước trong veo đến độ chẳng trông thấy nước…”. Ông đã phải thốt lên:

Tôi đã thấy mọi cái đẹp tụ hội trong giáo đường này. Tường lũy của nó là sự giải thích cho cái đẹp [9]

Vua Mohammed biết được cách chế biến chì thành vàng nguyên chất từ một chất diêm sinh đỏ, nhà vua đã thử nấu một trăm tấn chì với mấy miếng diêm sinh và dùng số vàng này để xây một ngôi đền thờ độc nhất vô song trong thế giới Hồi giáo. Ngài đã cho mời những kiến trúc sư danh tiếng nhất trong nước, chỉ dẫn cho họ vẽ bản đồ dù thực hiện có khó khăn tốn kém đến mấy.

Một ngôi đền nằm dưới chân một quả đồi nhìn xuống kinh thành, hình vuông khổng lồ, mỗi mặt vuông là một hướng chính của trời đất. Ở mỗi góc của hình vuông, có một cái tháp cân đối tuyệt vời. Ở đỉnh tháp có hành lang, phía trên là vòm bằng vàng. Mỗi mặt của đền thờ có một ngàn chân trục đỡ những vòng cung đẹp, chắc, phía trên là sân thượng, lan can vàng, trổ thủng hết sức đều đặn. Chính giữa đền thờ là một mái tròn rộng lớn vô biên mà nhẹ nhàng như bay lơ lửng giữa đất và trời. Phần dưới nóc tròn tráng men xanh da trời, lốm đốm sao bằng vàng. Sân bằng đá hoa hiếm. Hoa văn trên tường toàn bằng vân thạch, vân ban thạch, đá mã não, xà cừ khảm ngọc. Cột và các vòng cung có chạm trổ những câu Kinh Qur’an, sơn màu tinh khiết. Để tránh hỏa hoạn, toàn bộ ngôi đền không hề có gỗ. Bảy nghìn thợ, bảy nghìn Dina vàng đã được dùng để xây cất ngôi đền trong bảy năm ròng. Người ta gọi là đền của vua Nhà tiên tri Mohammed; và ngày nay người ta vẫn gọi như thế[10]

Vua Omar[11] chiếm được thành Jérusalem, Sophroniote vị tộc trưởng của Thánh địa Jérusalem, đồng ý đầu hàng và giao thánh địa cho giáo chủ Omar với điều kiện giáo chủ đích thân đến chiếm thánh địa. Vua Omar đồng ý với điều kiện thỏa thuận, Ngài đến Jérusalem, ký nhận cho quân địch đầu hàng xong thì cửa thành mở, đến trước nhà thờ của người Cơ Đốc giáo thì sắp đến giờ cầu kinh, Giáo chủ Omar không muốn làm lễ ngay trong nhà thờ vì “Giáo chủ làm lễ ở đâu thì Hồi giáo chiếm ngay chỗ ấy”.

Ngài tìm một chỗ khác. Làm lễ xong, ngài bảo viên tộc trưởng:

“ Ngươi hãy chỉ cho ta một nơi để xây một giáo đường cho người Hồi, khỏi làm rầy việc hành lễ của các ngươi”.

Sophroniote dẫn ngài đến chỗ đền thờ Solomon. Tại đây có một viên đá đánh dấu; nhưng người ta đã đem rác rưởi của thành phố đến đổ. Omar  lấy vạt áo của mình chứa phân và rác đem đi nơi khác đổ; và nơi ấy lập tức được dọn sạch sẽ để xây lên một ngôi giáo đường đẹp nhất trần gian. Giáo đường mang tên Omar In Al Khatap”.

Vua Omar, một ông vua đứng đầu một nhà nước nhưng rất thành tâm xây dựng thánh đường, tự chứa phân rác vào vạt áo của mình đem đi đổ để có nơi sạch đẹp xây giáo đường mới. Giáo đường  ngoài chức năng cầu nguyện và giáo dục còn là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng Hồi giáo “hò hẹn gặp nhau nói chuyện tại giáo đường[12]. Giáo đường có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của Hồi giáo. Khi tuyệt vọng, chưa tìm ra giải pháp nào để giải quyết vấn đề, tín đồ Hồi giáo “đến giáo đường để nghe thuyết giáo, tĩnh tâm cầu nguyện, khoan khoái ngắm nhìn giáo đường đẹp. Cảm thấy lòng mát mẻ, yên bình[13]

Đối với tín đồ Hồi giáo, nhà cửa chỉ cần xây cất để ở trong một kiếp người ngắn ngủi; nhưng nhà của Đấng tối cao thì ít nhất bên trong phải trang hoàng cho đẹp. Vì vậy bên trong giáo đường được trang hoàng rực rỡ với nhiều màu sắc. Hình gián sắc và ngói màu rực rỡ trên sàn và khám thờ xây trong tường. Kính cửa sổ, đèn trang trí nhiều màu với đủ các loại hình thù lấp lánh trên tường và trên trần. Sàn lát gạch và trải những tấm thảm có màu sắc sặc sỡ. Dọc theo hiên tường trang trí bằng những dòng chữ Ả Rập uốn lượn bay bổng… Giá để Kinh và cuốn Kinh Qu’ran cũng là một tác phẩm nghệ thuật với chữ viết và hình vẽ rất cầu kỳ. Đêm đến đủ loại nến được thắp lên, làm cho giáo đường càng trở nên lung linh, huyền ảo.           

Kiến trúc giáo đường Hồi giáo thể hiện hai định hướng của Hồi giáo, hướng đến Đấng tối cao Allah và hướng đến cộng đồng tín đồ. Các giáo đường Hồi giáo thường được xây dựng ở những nơi rộng rãi, đông người qua lại như những nơi gần chợ, gần trung tâm thành phố.

Giáo đường Hồi giáo gồm ba thành phần chính.

–   Một sân rộng được bao quanh bởi các dãy hành lang, với nhiều hàng cột được nối với nhau bằng các cổng vòm.

–   Một sảnh đường rất lớn được xây dựng theo hình chữ nhật nằm ngang, vì các tín đồ Hồi giáo trong lúc cầu nguyện thường quỳ theo từng hàng song song, mặt quay về Mecca, thánh địa Hồi giáo.

–  Các ngọn tháp cao bên cạnh giáo đường là nơi giáo sĩ đứng chủ xướng buổi lễ.

2. Năm bổn phận của Tín đồ Hồi giáo

Đối với đông đảo tín đồ, năm  bổn phận của Tín đồ Hồi giáo chi phối nhịp điệu đời sống của họ, ảnh hưởng đến nhiều mặt hoạt động cũng như  tinh thần của họ

Tụng niệm tuyên bố niềm tin (thống kê có 41/61 chuyện, chiếm tỷ lệ 67.2%; trường hợp xuất hiện trong truyện 172 lần)

Trong Ngàn lẻ một đêm, những người Hồi giáo tuyên bố niềm tin đối với Đấng tối cao Allah của mình bằng một niềm tuân phục tuyệt đối: “Tôi tin có một Đấng tối cao Allah và  Mohammed là Nhà tiên tri của Ngài”.

Chính vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy xuất hiện rất nhiều, hầu như ở mọi chuyện, mọi nơi trong Ngàn lẻ một đêm các tín đồ tụng niệm, tuyên bố niềm tin. Khi gặp nhau, chào hỏi “cầu Đấng tối cao Allah phù hộ cho bạn[14]; Nhân danh Đấng tối cao Allah; Tạ ơn Đấng tối cao Allah khi gặp chuyện may mắn; Cầu khẩn Đấng tối cao Allah khi gặp chuyện không may mắn; Xin Đấng tối cao Allah chứng giám lời thề; Ngợi ca Đấng tối cao v.v…

Nàng Khả Ái[15] – Một nữ nô lệ, một tín đồ Hồi giáo bình thường như bao tín đồ Hồi giáo khác, khi được hỏi:

Ai là chúa tể của cô? Ai là giáo tổ? Ai là Imam[16] ? Cô hướng về đâu? Cô sống theo khuôn mẫu nào? Ai dìu dắt cô trên đường? Ai là anh em của cô?

Không hề ngập ngừng hay lúng túng, ngay lập tức khẳng định:

Đấng tối cao Allah là chúa tể của tôi, Nhà tiên tri Mohammed (cầu Đấng tối cao  ban phúc cho người) là Giáo tổ của tôi. Kinh Qu’ran là luật của tôi, vậy kinh ấy là Imam của tôi. Kaaba – ngôi đền thờ Đấng tối cao Allah mà Abraham dựng lên ở Mecca là hướng của tôi; gương Giáo tổ là khuôn mẫu của đời tôi; sách Sunna, toàn tập những huấn thị của Giáo tổ hướng đạo của tôi trên đường; và tất cả các tín đồ Hồi giáo là anh em của tôi”.

Một tên cướp sa mạc nổi tiếng, trong một cuộc giao tranh, bị thương, hấp hối, vậy mà lúc sắp từ giã cõi đời vẫn còn nghĩ đến Đấng tối cao Allah và Nhà tiên tri Mohammed: “Tôi nguyện không có Chúa nào ngoài Đấng tối cao Allah và đức  Mohammed là Nhà tiên tri của Người[17].

Mariam là một công chúa của một đất nước theo đạo Thiên Chúa. Số phận đã đưa nàng đến xứ Hồi giáo, ở đó nàng đã gặp được người mình yêu – chàng Nue trẻ tuổi, và cho rằng chỉ sống trong tôn giáo này người ta mới hạnh phúc thực sự. Đối với người France đạo đức là phải tiết dục ghê gớm, sống với họ nàng không thể thư thái tâm hồn, họ không hề biết đến giá trị của cuộc sống. Thế là nàng muốn được vinh dự theo Hồi giáo, nàng nghĩ, “khi một tôn giáo đã tạo nên những tín đồ như chàng, thì nó phải là thứ tôn giáo duy nhất, chân chính trong tất cả các tôn giáo[18].

Chàng Nue đã giúp nàng cải giáo bằng một cách rất đơn giản, nàng chỉ cần nói: “Chỉ có Allah là Đấng tối cao và  Mohammed là Nhà tiên tri của Allah” và tức thì nàng trở thành tín đồ và người của đạo Hồi. Thật là giản dị và dễ thực hiện, chỉ bằng một câu nói đơn giản là cô gái France đã trở thành một tín đồ Hồi giáo.

Còn đây là những lời ca ngợi Đấng Tối cao Allah của Dulmakan[19] – một ông vua Hồi giáo:

“Người cho tôi sự giàu có, một ngai vàng và biết bao ân huệ khác. Người đã cho cánh tay tôi thanh gươm của lòng dũng cảm và của chiến thắng.

Người đã cho tôi làm chủ một đế quốc bóng trùm rộng lớn. Đối với tôi, Người hào phóng vô ngần.

Người đã nuôi tôi, khi tôi là một kẻ xa lạ ở một nơi xa lạ. Và khi tôi sống tối tăm giữa những người tăm tối, thì Người đã che chở cho tôi…

Còn tín đồ của Người, nếu có ai nằm lại trên chiến trường thì họ thành bất tử, thảnh thơi dưới lùm cây hạnh phúc, trên bờ bạc hà thơm tho mật ngọt”.

Các tín đồ Hồi giáo phải tuyên xưng đức tin của mình rằng chỉ có một Đấng tối cao duy nhất và Mohammed là tiên tri và là sứ giả của Ngài. Tuyên bố này trong vài lời vắn tắt đã tổng kết đức tin giản dị của Hồi giáo. Chính vì sự đơn giản, dễ thực hiện này mà Hồi giáo đã qui phục được rất nhiều tín đồ Hồi giáo cải giáo theo đạo của mình.

nguoi A rap cau nguyen

Người Ả rập cầu nguyện, tranh của Jean Lecomte du Nouy, Bridgeman Art Library

Cầu nguyện, lễ bái hướng về Mecca năm  lần một ngày, cầu nguyện tập trung ở giáo đường ngày thứ sáu hàng tuần (xuất hiện trong 16 truyện, chiếm tỷ lệ 26.2 %)

Tín đồ Hồi giáo xem việc cầu nguyện là thước đo về sự trung thành của mình đối với Hồi giáo và đối với Đấng Tối cao Allah. Mỗi tín đồ Hồi giáo đều phải cầu nguyện năm lần vào mỗi ngày, khi cầu nguyện Đấng tối cao Allah phải quay mặt về phía thánh địa Mecca theo năm thời khắc đã qui định: 

 “Sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu hé rạng, chàng rửa mặt, hướng về Mecca rồi đọc kinh.”[20]. Vào lúc bình minh, “hãy nghe tiếng rao gọi tín đồ đi cầu kinh[21] của người Muezzin:

“Hãy thức dậy để cầu nguyện!

Cầu nguyện còn hơn là ngủ!

Allah vĩ đại! Thượng đế vĩ đại!

Không có chúa trời nào khác ngoài Allah.[22]

Trưa nắng trời oi nồng, “ông dùng xong bữa ăn đạm bạc, rửa mặt mũi chân tay rồi đọc kinh cầu nguyện” [23]

Tối đến, chàng đứng lên cầu nguyện, xong đọc vài chương trong Kinh Qur’an …[24]

Nếu sống ở những nơi và vùng lân cận không có giáo đường, người Hồi giáo xây thêm một nơi cầu nguyện ngay trong nhà “Có một bà Hồi giáo mộ đạo khá cao tuổi đến trước cổng và xin phép được vào cầu kinh, vì lúc ấy đã đến giờ cầu nguyện. Người hầu xin phép ra mời bà vào và chỉ cho bà ta nơi cầu nguyện mà vị quan già đã chu đáo xây thêm trong nhà…[25]

Vào khoảng nửa đêm, tôi nghe như có tiếng người nào đọc Kinh Qur’an với cái giọng đúng như giọng chúng ta vẫn quen dùng trong các đền thờ Hồi giáo… Quả vậy, ở trong ấy cũng có như trong các đền của chúng ta: một cái khám để tín đồ hướng vào mà đọc kinh, nhiều ngọn đèn treo thắp sáng và hai chân đèn cắm những cây nến trắng lớn cũng đang cháy sáng”.[26]

Tín đồ Hồi giáo xem việc cầu nguyện và đọc kinh cầu nguyện là nghĩa vụ thiêng liêng. Cầu nguyện năm lần một ngày là điều bắt buộc đối với mọi tín đồ khỏe mạnh, người bệnh được hoãn cho đến khi khỏe lại thì phải cầu nguyện bù. Ai tự bỏ cầu nguyện thì bị coi là dị giáo. Việc cầu nguyện đi kèm theo một số điều kiện như trước khi cầu nguyện phải tẩy uế thân thể [27], trường hợp nơi sa mạc không có nước thì được phép lau rửa bằng cát.

Khi đến giờ cầu nguyện các tín đồ Hồi giáo đều thực hiện đúng bổn phận của mình, dù đang ở đâu, làm gì cũng phải tìm chỗ để cầu nguyện. Đơn giản trong lễ nghi, trong cách thức cầu nguyện, ở bất cứ nơi đâu, trên sa mạc, trong nhà hay ngoài đường phố … chỉ cần một khoảng đất sạch sẽ, hướng về Mecca là tín đồ Hồi giáo cũng có thể cầu nguyện để thực hiện bổn phận của mình.

Buổi cầu nguyện ngày thứ sáu là buổi lễ bắt buộc đối với mọi tín đồ. Vì thế, dù công việc buôn bán/ triều chính bận rộn tín đồ không được bỏ lễ cầu nguyện ngày thứ sáu.

Muốn cầu xin con cái, tín đồ đến giáo đường vào ngày thứ sáu để xin Đấng Tối cao ban phước cho có con: “ông thấy chòm râu của ông sợi bạc quá nhiều hơn sợi đen, tức là mình già rồi, sắp chết rồi mà chưa có con nối dõi. Ông buồn bã đến nhà thờ cầu kinh vào ngày thứ sáu[28]. Giáo chủ Harun-Al-Rashid mặc dù vô cùng say mê một cô nô lệ đến nỗi “Ngài ở trọn cả tháng tại nhà Tâm Lực (tên cô nô lệ)”, không quan tâm gì đến việc triều chính, nhưng ngài cũng không thể bỏ quên bổn phận của mình vẫn rời khỏi nhà “vào những buổi cầu kinh ngày thứ sáu[29].

Thứ Sáu là ngày đặc biệt để cầu nguyện chung tại giáo đường, nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến cộng đồng, và sự đồng nhất giữa những tín đồ với nhau. Hồi giáo đã thể hiện sự đồng nhất của mình bằng cách thực hiện những buổi cầu nguyện không phải một cách tùy tiện mà vào đúng những giờ giấc nhất định, theo cùng một cung cách nhất định và cùng quay mặt về cùng một trung tâm. Các buổi cầu nguyện đã tạo ra một cảm nhận sâu sắc về sự thống nhất trong thế giới Hồi giáo…

Nhịn ăn trong tháng Ramadan (tần số xuất hiện ít 3/61 truyện, chiếm 5%)

Nữ bác học Khả Ái[30] khi được các nhà bác học trắc nghiệm về kiến thức của nàng, đã trả lời thật trôi chảy khi được hỏi: “ngày trai giới là gì?”. “Ngày trai giới là ngày nhịn ăn, nhịn uống từ sáng sớm đến lúc mặt trời lặn trong tháng Ramadan. Bắt đầu trai giới ngay từ ngày có trăng non. Trong ngày trai giới không nên nói nhảm và không được đọc sách nào ngoài Kinh Qur’an”. Vua Omar[31], “một ông vua nổi tiếng, đã chinh phục được khắp các thiên hạ, ngự trị trên khắp các đô thành”. Vua cũng thực hiện nghiêm túc bổn phận của tín đồ Hồi giáo, trong tháng Ramadan “nhịn ăn một tháng tròn, ngày trầm tư mặc tưởng, đêm thức cầu kinh”.

Tháng chay Ramadan là một thử thách về lòng tin, rèn luyện ý chí và nghị lực, sự chịu đựng khổ hạnh và tính tự chủ, trải nghiệm sự nghèo đói thiếu thốn của những kẻ bần cùng, nhắc nhở mọi tín đồ Hồi giáo về môi trường đói khát, khắc nghiệt nơi sa mạc. Từ đó sẽ biết thương yêu và thông cảm hơn với những người nghèo khó đang đói, đang khát. Họ khẳng định rằng, những ai thực hiện việc chịu nhịn một cách nghiêm túc trong tháng Ramadan sẽ được Đấng tối cao Allah ban phúc đức gấp nhiều lần so với những thời gian khác.

Bố thí (xuất hiện trong 13/61 truyện, chiếm tỷ lệ 21.3%).

Sinbad sau những chuyến đi biển trở về, làm ăn phát đạt, thường làm nhiều điều phúc  “Để tạ ơn Đấng Tối cao và bao nhiêu ân huệ Người đã ban cho tôi, tôi làm nhiều điều phúc. Nào là sửa sang lại đền chùa, nào là bố thí, giúp đỡ người nghèo khó…[32].

Thương gia trước khi đi xa, “Mang của cải chia tặng bạn bè, bố thí cho người nghèo, trả tự do cho những nô lệ[33]

Một nhà vua nước Ba Tư luôn buồn rầu là ông đã khá cao tuổi nhưng vẫn chưa có con nối dõi. Vua hy vọng đến một ngày một bà phi nào đó sẽ sinh cho vua một quý tử. Vua thành tâm bố thí, làm việc thiện để cầu xin Đấng Tối cao: “Không có việc thiện nào mà vua không làm để động tới lòng trời. Vua bố thí những khoản tiền khổng lồ cho cho những người nghèo đói; cung tiến thật rộng rãi cho các vị tu hành; lập nhiều giáo đường mới thật sang trọng trong khắp vương quốc, những mong các nhà tu hành sẽ cùng cầu nguyện cho mình đạt được điều ước vọng…[34]

Nhà tiên tri Mohammed của Đấng Tối cao Allah có nói: “Ai giúp một người Hồi giáo thoát khỏi một nỗi khổ trong muôn vàn nỗi khổ ở đời này, Đấng tối cao Allah sẽ ghi nhớ và tránh cho người đó bảy mươi hai nỗi khổ trong những nỗi khổ của thế giới bên kia”.[35]

Bố thí là một trong năm trụ cột của Hồi giáo, trụ cột này đã khẳng định khía cạnh xã hội và luân thường đạo lý của Hồi giáo. Bố thí là một biểu hiện nhân cách, lòng trắc ẩn, nhường cơm sẻ áo, thể hiện tình anh em giữa các tín đồ Hồi giáo, giúp đỡ lẫn nhau. Đối với tín đồ Hồi giáo, hành động này còn là một nghĩa vụ, là bổn phận thường xuyên đối với cộng đồng. Tín đồ Hồi giáo luôn cố ghi nhớ rằng mình thuộc một cộng đồng của những người tuân phục và phục vụ Đấng tối cao Allah, phụng sự cho một thế giới hợp lẽ phải hơn là cho con đường cứu rỗi của cá nhân mình, và họ tin rằng nếu họ hào phóng đối với đồng loại thì Đấng tối cao Allah sẽ hào phóng với họ.

Hành hương (7/61 truyện, chiếm tỷ lệ 11.5 %).

Việc hành hương là một bổn phận mà bất cứ tín đồ Hồi giáo nào cũng phải làm, ít nhất là một lần trong đời mình. Muốn hành hương phải thực hành nhiều điều: phải khoác áo đặc biệt của người hành hương, áo ấy gọi là Iram; giữ gìn không được đi lại với phụ nữ ; kiêng cạo râu, cạo tóc; không cắt móng chân, móng tay và không che đầu, che mặt[36]

Ông già Seck Ibrahi – một viên quan võ về già được hoàng đế Harun-Al-Rashid cho làm gác cổng khoe rằng “lão đã từng hành hương về Mecca những bốn lần, nên lão đã từ bỏ rượu suốt đời[37].

Nhưng cũng có những người do hoàn cảnh vẫn đau đáu nếu chưa hoàn thành bổn phận hành hương của mình. Nhà buôn Ali Coja[38] sống ở  thành Baghdad, là một nhà buôn tuy không thuộc loại giàu có nhất, nhưng cũng chẳng phải hạng bần cùng. Vợ con không có, ông sống một mình trong ngôi nhà cha để lại. Vào thời gian đang sống thoải mái và bằng lòng về những công việc buôn bán của mình, thì ba đêm liền, ông có một giấc mơ giống nhau. Trong mộng một ông cụ già đáng kính xuất hiện, nghiêm khắc nhìn ông và quở trách ông về việc ông chưa làm một chuyến hành hương về thánh địa Mecca.

“Giấc mộng này xáo động sự yên tĩnh của Ali Coja, làm cho ông rất bối rối. Vốn là một người Hồi giáo ngoan đạo, không phải ông không biết trong đời ai cũng bắt buộc phải hành hương về Mecca, ít nhất là một lần”.

Cuối cùng, thu xếp mọi việc ổn thỏa, Ali Coja đã hành hương đến Mecca “cùng với những người hành hương khác, viếng ngôi đền rất nổi tiếng, hàng năm được các người Hồi giáo từ khắp các quốc gia theo đạo này trên thế giới đến thăm và thực hành đủ mọi lễ tiết qui định…

Trong chuyến ghé Damas, vì thành phố này nằm trên con đường của đoàn lữ hành đi Jérusalem, ông bạn nhà buôn thành phố Baghdad của chúng ta lợi dụng cơ hội này viếng thăm đền vẫn được những người Hồi giáo xem là thiêng liêng nhất sau ngôi đền ở Mecca ; và nhờ đó mà thành phố này cũng được gọi là thành phố Thánh[39].

Hành hương đến thánh địa Mecca là một trong năm trụ cột của Hồi giáo. Bất cứ tín đồ Hồi giáo nào ít nhất một lần trong đời nếu họ có điều kiện về tài chính và sức khỏe. Đối với những người nhỏ tuổi, người già, người ốm yếu và những người không đủ điều kiện tài chính, Hồi giáo cho phép bố thí và làm việc thiện thay việc đi hành hương. Hoàn thành bổn phận hành hương của mình, tín đồ cảm thấy vinh dự, tự hào và được mọi người đối xử trân trọng khác hẳn trước khi hành hương.

Vào tháng hành hương, các tín đồ ở mọi quốc gia, mọi chủng tộc khác nhau và các nhóm dân tộc tụ tập về Mecca. Con đường hành hương đã kết nối các tín đồ với cộng đồng, giúp tất cả cùng chia xẻ một niềm tin, một nền văn hóa, một ý thức về truyền thống.

Hành hương theo cách giải thích của nhà thần học vĩ đại thời trung cổ Al-Ghazali “là một hành động tối thượng của Hồi giáo, của sự tuân phục và xả thân. Việc hành hương không phải là một chuyến du lịch hấp dẫn hay để thỏa mãn những nhu cầu mang tính lý tính, mà là để tôi luyện tình cảm, để có thể tẩy trừ được sự ích kỷ thường còn rơi rớt lại trong trái tim một người vẫn tự coi là đã trừ bỏ được tội lỗi. Hành hương là một hành động dâng hiến tuyệt đối, là một sự đồng nhất tuyệt đối với trí tuệ không thể thâm nhập vào được của Thượng đế và với truyền thống của Hồi giáo”.[40]

*****

Ngàn lẻ một đêm phản ánh chi tiết những sinh hoạt của cộng đồng Hồi giáo. Đọc Ngàn lẻ một đêm người đọc có thể dễ dàng tìm hiểu những nét đặc trưng trong văn hóa, nhất là những biểu hiện tôn giáo trong đời sống hàng ngày của người dân Ả Rập Hồi giáo.

Đời sống tôn giáo luôn được người dân Ả Rập Hồi giáo đặt lên hàng đầu. Những lễ nghi tôn giáo như cầu kinh, tụng niệm luôn được nhắc đến đều đặn trong Ngàn lẻ một đêm. Đóng vai trò trong đời sống tôn giáo của thế giới Hồi giáo là tầng lớp tu sĩ gắn liền với những giáo đường. Các tu sĩ luôn được các tín đồ Hồi giáo và cả các bậc vua chúa trọng vọng và đón tiếp nồng hậu trong các câu chuyện của Ngàn lẻ một đêm.

Sự đơn giản của Hồi giáo là một sự tính toán khôn ngoan. Đơn giản trong nghi thức, đơn giản trong giáo lý và vô cùng trực quan trong các khái niệm về thiên đàng, địa ngục. Tất cả những điều cần làm trong cuộc sống đều đã được gói gọn trong năm bổn phận của Hồi giáo, trong đó nổi bật lên trên hay chìm sâu dưới đáy hay ẩn ở đằng sau cũng chỉ một ý duy nhất: phục tùng Đấng tối cao Allah để cùng đạt đến sự thống nhất tuyệt đối của thế giới Hồi giáo.

Cũng giống như mọi tôn giáo khác, Hồi giáo là một hiện tượng xã hội mà quá trình nảy sinh và phát triển do nguyên nhân khách quan và chủ quan của riêng nó. Trong ba tôn giáo lớn trên thế giới là Cơ Đốc giáo, Phật giáo và Hồi giáo, thì Hồi giáo là tôn giáo trẻ nhất. Kể từ khi ra đời, bên cạnh các tôn giáo khác, Hồi giáo đã có những ảnh hưởng đến lịch sử xã hội loài người, mà ngay hiện nay vẫn còn tác động đến nhiều vùng, nhiều quốc gia, dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  BAAREN T. V. 2002: Hồi giáo (Trịnh Huy Hóa biên dịch). – TP. HCM: NXB Trẻ.
2.  BRAUDEL F. 1992: Tìm hiểu các nền văn minh thế giới (Trần Hương Liên – Hoàng Việt dịch). – Hà Nội: NXB Khoa học xã hội
3. CARPUCINA X. – CARPUSIN V. 2002: Văn hóa Hồi giáo (Mai Lý Quảng, Đặng Trần Hạnh, Hoàng Giang, Lê Tâm Hằng dịch và chỉnh lý). – Hà Nội: NXB Thế giới.
4. CARTER G. F. 1982: Man and the Land: Culture Geography. – New York: Mc Graw Hill.
5. DURANT W. 1975: Văn minh Ả Rập (Nguyễn Hiến Lê dịch). – Sài Gòn: NXB Phục Hưng.
6. ĐỖ ĐỨC HIỂU 1984: “Nghìn lẻ một đêm”, Từ điển văn học (tập 2). – Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
7. GALLAND A. 2004: Ngàn lẻ một đêm (toàn tập), Phan Quang dịch. – Hà Nội: NXB Văn học
8. HASSAN A. K. (dịch) 2001: Kinh Qu’ran (Ý nghĩa, nội dung). – Hà Nội: NXB Tôn giáo.
9. LACOSTE Y. 1988: Địa chính trị (Vũ Tự Lập dịch). – H.: NXB Thế giới (Questions de GéopolitiqueFramcaise: La Découverte et Librairie).
10.  LƯƠNG DUY THỨ (cb) 2000: Đại cương văn hóa phương Đông. – Tp. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia TP. HCM.
11.  LƯƠNG NINH (cb) 1999: Lịch sử văn hóa thế giới cổ – trung đại. – Hà Nội: NXB Giáo dục.
12.  MAI NGỌC CHỪ (cb) 2008: Giới thiệu văn hóa phương Đông. – Hà Nội: NXB Hà Nội.
13. MARDRUS J.C. 1982-1989: Nghìn lẻ một đêm (tập 5 – 10), Nhiều dịch giả – Nguyễn Trác (chủ biên). -Hà Nội: NXB Văn học.
14.  NGUYỄN C. 2004: Thế giới Hồi giáo xưa và nay. – USA: NXB Giao điểm.
15.  NGUYỄN ĐỨC, THẾ TƯỜNG, LÊ YÊN 2002: Islam Hồi giáo. – Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin.
16. NGUYỄN HIẾN LÊ 1994: Bán đảo Ả Rập đế quốc của Hồi giáo và dầu lửa. – Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin.
17. NGUYỄN THỊ THƯ, NGUYỄN HỒNG BÍCH, NGUYỄN VĂN SƠN 2000: Lịch sử Trung cận đông. – Tp.Hồ Chí Minh: NXB Giáo dục.
18. NGUYỄN THỌ NHÂN 2004: Hồi giáo và thế giới Ả Rập (Văn minh – Lịch sử). – TP. Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp Tp. HCM.
19. PHẠM CAO DƯƠNG 1973: Lịch sử các nền văn minh thế giới, Tập 2: Phi Châu da đen, thế giới Hồi giáo. – Sài Gòn: Tủ sách phổ thông Sử học.
20. SOURDEL D. 2002: Hồi giáo. – Hà Nội: NXB Thế giới.
21. THẾ TRƯỜNG 1997: “Hồi giáo, trong Almanach những nền văn minh thế giới. – Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin.
22.  TRẦN NGỌC THÊM 2001: Tìm về bản sắc Văn hóa Việt Nam: Cái nhìn hệ thống – loại hình. – TP. HCM: NXB Tp. Hồ Chí Minh.
23.  TRẦN THỊ HỒNG VÂN 2007: “Sự hình thành và phát triển văn hóa Ả Rập – Hồi giáo”, TC Văn hóa nghệ thuật.

[1]  Kinh Qur’an được tín đồ Hồi giáo coi là “cuốn sách vĩ đại nhất, thông thái nhất”, chứa đựng mọi “chân lý và tri thức” của loài người. Kinh Qur’an không chỉ đơn thuần là kinh điển tôn giáo mà là tất cả: kinh điển chính trị, pháp luật, đạo đức, những qui định, phong tục, tập quán … chi phối toàn bộ xã hội Hồi giáo.

[2] “Chuyện Ba khất sĩ con vua”: 115, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[3] “Chuyện Kẻ ghen ghét”: 143, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[4] “Chuyện Bêđe, hoàng tử nước Ba Tư… “: 617, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[5] “Chuyện Hoa hồng đang nhụy và chàng Khoái lạc của thế gian”: 28, Nghìn lẻ một đêm, tập 7

[6] “Chuyện hai người chị ganh tị với cô em út”: 1144, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[7]  Sau khi Nhà tiên tri Mohammed qua đời, một số nhân vật đứng đầu tôn giáo đã dùng mọi thủ đoạn gây ra cuộc nội chiến lần đầu tiên trong lịch sử Hồi giáo, tạo thành những tập đoàn tông phái khác nhau, cuối cùng dẫn đến sự phân liệt cộng đồng Hồi giáo thành các giáo phái khác nhau: giáo phái Khawariji (hay còn gọi là Haridjit), giáo phái Shi’ah (hoặc Shi’i), giáo phái Sunnah (hoặc Sunit), và giáo phái Sufi.

[8] Will Duarnt, Văn minh Ả rập: 194

[9] “Chuyện quyển sách thần”: 122, Nghìn lẻ một đêm, tập 10

[10] “Chuyện Những chiếc chìa khóa của số phận”: 87, Nghìn lẻ một đêm, tập 9

[11] “Chuyện Khôn ngoan và lịch sự”: 226, Nghìn lẻ một đêm, tập 10

[12] “Chuyện Abu Hatxan Ali Ep Bêca và ái phi của hoàng đế”: 458, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[13] “Chuyện quyển sách thần”: 123, Nghìn lẻ một đêm, tập 10

[14] “Chuyện cụ già thứ hai và con chó đen”: 91, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[15] “Chuyện nữ bác học Khả Ai”: 141, Nghìn lẻ một đêm, tập 6

[16] Imam là những người thuộc dòng dõi của Tiên tri, là những chủ tế hay thầy giảng có thẩm quyền và được thánh chỉ của đạo Hồi để dẫn dắt các tín đồ.

[17] “Chuyện vua Omar”: 326, Nghìn lẻ một đêm, tập 5

[18] “Chuyện chàng Nua và nàng dũng sĩ Frăng”:  207, Nghìn lẻ một đêm, tập 8

[19] “Chuyện vua Omar”: 207, Nghìn lẻ một đêm, tập 5

[20] “Chuyện Thiên tình sử của Camaranzaman”: 475, Nghìn lẻ một đêm,  Phan Quang

[21] “Chuyện Xiđi Numan”: 964, Nghìn lẻ một đêm,  Phan Quang

[22]  Th. Van Baaren, Hồi giáo: 53

[23] “Chuyện Đêm đầu tiên, Nhà buôn và thần linh”: 74, Nghìn lẻ một đêm , Phan Quang

[24] “Chuyện Thiên tình sử của Camaranzaman”: 483, Nghìn lẻ một đêm,  Phan Quang

[25] “Chuyện hai người chị ganh tị với cô em út”: 1139, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[26] “Chuyện Nàng Zôbêit”: 185, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[27] Việc tẩy thể phải tuân thủ các qui định lấy nước Sambahyang và trong quá trình tẩy thể đều kèm theo đoạn kinh và có tâm niệm

[28] “Chuyện chàng Nốt Ruồi”: 74, Nghìn lẻ một đêm, tập 6

[29] “Chuyện Anh Khalip và giáo chủ”: 19, Nghìn lẻ một đêm, tập 8

[30] “Chuyện Nữ bác học Khả Ai”: 174, Nghìn lẻ một đêm, tập 6

[31] “Chuyện vua Omar An Nêmân và hai hoàng tử kỳ lạ Sackân và Đun Makân”, Nghìn lẻ một đêm, tập 5

[32] “Chuyến đi thứ tư của Sinbad”: 229, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[33] “Chuyện Đêm thứ hai”: 55, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[34] “Chuyện Bêđe, hoàng tử nước Ba Tư … “: 617, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[35] “Chuyện Azit và Aziza”: 261, Nghìn lẻ một đêm, tập 5

[36] “Chuyện Nữ bác học Khả Ai”: 174, Nghìn lẻ một đêm, tập 6

[37] “Nuarếtđin và người đẹp Ba Tư”: 597, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[38] “Chuyện Ali Côja nhà buôn thành Baghdad”: 1033, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[39] “Chuyện Ali Côja, nhà buôn thành Baghdad”: 1034, Nghìn lẻ một đêm, Phan Quang

[40] Th. Van Baaren, Hồi giáo: 53

nguồn bài viết

0