18/06/2018, 15:41

Bài học cho các chế độ độc tài

nghiencuulichsu- các bài dịch chọn lọc từ truyền thông quốc tế của tác giả Phạm Nguyên Trường Bọn độc tài không bao giờ tự rút lui MOSCOW — Trung Đông và Bắc Phi bị bao phủ bởi làn sóng bất bình của nhân dân đối với các chính phủ độc tài. Nhưng ở đây, trên lãnh thổ cũ của ...

27tyrants-popup-v2

nghiencuulichsu- các bài dịch chọn lọc từ truyền thông quốc tế của tác giả Phạm Nguyên Trường

Bọn độc tài không bao giờ tự rút lui

MOSCOW —  Trung Đông và Bắc Phi bị bao phủ bởi làn sóng bất bình của nhân dân đối với các chính phủ độc tài. Nhưng ở đây, trên lãnh thổ cũ của Lenin, trong không gian của Liên Xô cũ, các nhà cầm quyền với bàn tay sắt vẫn giữ được thế thượng phong. 

Khả năng sống sót của họ là lời nhắc nhở đủ sức làm cho những người nghĩ rằng việc lật đổ chế độ độc tài bằng một phong trào quần chúng rộng rãi nhất định sẽ đem lại một chế độ dân chủ đầy sức sống phải tỉnh ngộ. 

Thí dụ như ngài tổng thống đã tại vị nhiều nhiệm kì ở Belarus, một nước cộng hòa Xô Viết cũ, đã giành thêm được một nhiệm kì nữa vào tháng 12 năm ngoái với 80% phiếu bầu, sau đó, khi kết quả cuộc bầu cử bị coi là không thể chấp nhận được, ông ta đã tấn công quyết liệt phe đối lập. (Từ đó không còn thấy ai nhắc đến họ nữa). 

Ở Kazakhstan, một vị tổng thống thậm chí còn cầm quyền lâu hơn đã tự phong cho mình danh hiệu “lãnh tụ của quốc gia”. 

So với ông ta thì Vladimir Putin của nước Nga, người mạnh nhất trong số những người cầm quyền hậu Xô Viết,  chỉ là một người mới, ông ta chỉ vừa nắm quyền được có mười năm mà thôi.

Cách đây gần hai thập niên, cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, người ta tin rằng quyền lực ở khu vực này chẳng mấy chốc sẽ được thực thi theo cách khác: Các nước cộng hòa độc lập mới, thoát thai từ xiềng xích của chủ nghĩa toàn trị, sẽ chấp nhận những cuộc bầu cử tự do, đa đảng và các phương tiện truyền thông đại chúng độc rập cứng rắn. 

Nhưng những hi vọng này hóa ra là quá sớm, hoặc là ngây thơ. Trong những năm 1990, sự tan rã của Liên Xô đã gây mầm hỗn loạn – rõ nhất là ở Nga – và để đáp lại, một liên đoàn các nhà độc tài đã xuất hiện, họ thề nguyền là sẽ đem lại ổn định và sự phát triển kinh tế. Mô hình dân chủ, từng được khẳng định ở phương Tây, không được các nước này tín nhiệm.

Vì vậy mà ngay cả khi cơn chấn động ở Ai Cập, Libya và các nước Arab khác đã thu hút được sự chú ý trên khắp các vùng lãnh thổ của Liên Xô cũ thì các nhà lãnh đạo trong khu vực vẫn tin rằng họ không bị đe dọa. 

“Trong quá khứ họ đã chuẩn bị cho chúng ta kịch bản tương tự, nhưng bây giờ có vẻ như người ta sẽ có gắng thực hiện nó”, tổng thống Dmitri Medvedev, người được ông Putin bảo trợ, đã cảnh cáo như thế. “Nhưng kịch bản này không thể nào diễn ra được”. 

Sự suy tàn của phong trào dân chủ được phản ánh trong vụ bắt giữ một số nhà lãnh đạo phong trào đối lập Nga trong cuộc mít tinh diễn ra vào ngày 31 tháng 12 ở Moskva – một trong những cuộc phản đối thường kì nhằm bảo vệ điều 13 hiến pháp Nga, tức là điều bảo đảm quyền tự do lập hội. 

Những vụ bắt bớ này đã không tạo ra bất kì sự phản đối công khai nào, người dân vẫn tiếp tục sống cuộc đời của mình. Không như ở Tunisia. 

Những chính khách đối lập đó – nay đã được thả – lại có mặt trong cuộc mít tinh vào ngày 31 tháng 1 với hi vọng rằng Ai Cập sẽ truyền cảm hứng và sẽ kích thích người dân, quảng trường Triumphal ở Moskva sẽ có tinh thần như quảng trường Tahrir ở Cairo.

Tất cả chúng ta đều theo dõi các sự kiện ở Ai Cập”, Boris Nemtsov, cựu phó thủ tướng nói với đám đông.

“Mubarak cầm quyền ở đấy những 30 năm, hắn là một tên ăn cắp, một kẻ tham nhũng”, Nemtsov nói. “Hắn có khác gì các nhà lãnh đạo của chúng ta?”

Dân chúng hô lớn: “Nước Nga không có Putin!”. Nhưng một lần nữa xã hội không đi theo họ. Có vẻ như không có đến 1.000 người tham gia mít tinh.  

Hơn nữa, nhiều người không còn trẻ nữa. Điều đó giúp giải thích tại sao bạo loạn lại hay xảy ra trong những giai đoạn khó khăn hơn. Khác với Trung Đông dân chúng ở Nga và nhiều nước cộng hòa Xô Viết cũ đang già đi. Ở đây có ít người sẵn sàng thực hiện những nổi dậy đặc trưng cho tuổi trẻ – cả trên đường phố lẫn trên Facebook và Twitter.

Thế hệ già nua lớn lên dưới chính quyền Xô Viết, bị kiểm soát gắt gao đến mức chế độ độc tài hiện nay được coi là tốt lắm rồi. Họ cũng được hưởng nhiều quyền tự do kinh tế hơn.

Ngay cả trong sáu nước cộng hòa Xô Viết cũ, nơi đa số dân là người theo đạo Hồi, các sự kiện ở Trung Đông cũng không tạo ra những hậu quả đáng kể nào.  

Dù sao mặc lòng, trước mắt, bạo lực giúp củng cố vị trí của các nhà độc tài vì nó làm cho giá dầu tăng lên đột ngột và những nền kinh tế dựa vào dầu khí như Nga, Kazakhstan và Azerbaijan sẽ được lợi. 

Thế hệ các nhà lãnh đạo hậu-Xô Viết hiện nay còn biết lợi dụng tâm lí sợ hãi trước sự mất ổn định và nghèo đói hồi những năm 1990, họ biết rằng trong những giai đoạn khó khăn người dân thường thích trật tự độc đoán hơn là nền dân chủ đầy hỗn loạn.

Trong một buổi nói chuyện trên đài phát thanh Echo of Moscow người ta đã bàn về vấn đề tại sao người biểu tình tràn ngập đường phố ở Trung Đông, còn tại Moskva thì không. “Nhân dân ta đã chịu đựng và còn tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng”, Georgi Mirsky, một nhà phân tích chính trị có tiếng, nói như thế. “Vì con người Xô Viết vẫn còn sống – đấy chính là lí do! Tâm lí của người dân (hay ít nhất là phần lớn người dân) chưa thay đổi đến mức cảm nhận được hương vị của tự do”. 

Dĩ nhiên là cũng có một vài ngoại lệ. Đấy là các nước vùng Baltic —Estonia, Latvia và Lithuania — các nước này đã ra nhập EU và chấp nhận các tiêu chuẩn đạo đức của phương Tây. Nhưng trước đây họ vẫn sống bên lề của Liên Xô và chỉ trở thành một phần của nước này khi bị Stalin xâm lược trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới II mà thôi.

Ngay cả cái gọi là những cuộc cách mạng màu diễn ra trong thập kỉ vừa qua ở Ukraine, Kyrgyzstan và Georgia, được mọi người coi là sự đoạn tuyệt với chế độ độc tài, cũng đã đánh mất tinh thần vốn có của chúng rồi.

Ở Ukraine, sau khi dân chúng tỏ thái độ bất mãn với cuộc Cách mạng Cam, một vị tổng thống mới đã được bầu vào năm ngoái, ông này đã theo gương Putin và tiến hành đàn áp phe đối lập.

Cuộc khởi nghĩa hồi năm ngoái ở Kyrgyzstan đã lật đổ nhà lãnh đạo đã từng lật đổ người tiền nhiệm. Kết quả là các chính khách của các nước láng giềng Trung Á với Kyrgyzstan hiện nay khẳng định rằng họ cần một chính phủ trung ương tập quyền mạnh để tránh xảy ra trường hợp như ở Kyrgyzstan.

“Chúng ta phải nuôi người dân của mình, lúc đó chúng ta mới có thể tạo ra những điều kiện để nhân dân có thể tham gia vào chính trị, Nurlan Uteshev, đại diện của đảng cầm quyền ở Kazakhstan nói như thế.

Putin, thủ tướng Nga và là cựu (cũng có thể là cả trong tương lai nữa) tổng thống thường xuyên nhắc đến thí dụ của nước Ukraine láng giềng. “Chúng ta không được để xảy ra quá trình Ukrine-hóa đời sống chính trị ở Nga”, ông Putin cảnh báo như thế.  

Có một thời gian dường như Georgia đã đứng vào hàng ngũ tiên phong của làn sóng dân chủ. Nhưng năm 2007, tổng thống Mikheil Saakashvili, một đồng minh thân cận của Mĩ, đã đàn áp khốc liệt lực lượng đối lập. Hiện nay những người cạnh tranh với ông ta nói rằng ông ta cũng chẳng hơn gì Putin.

Những người ủng hộ Saakashvili bảo vệ ông ta bằng cách nói rằng ông ta sẽ không tìm cách ở lại thêm một nhiệm kì nữa khi nhiệm kì này kết thúc vào năm 2013. Họ bảo rằng ông ta đã thu được những thành tựu to lớn trong việc hiện đại hóa Georgia, và còn nói thêm rằng hi vọng cải tạo đất nước đã hụp lặn quá lâu trong hệ thống Xô Viết chỉ trong một đêm là hi vọng hão huyền.

Đấy là điệp khúc thường được nhắc tới. Janez Lenarcic, một nhà ngoại giao, đứng đầu Văn phòng thúc đẩy dân chủ của tổ chức OSCE, đã gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các nước này nới lỏng những biện pháp kiểm soát.

“Khái niệm ổn định có vai trò quan trọng ở đây”, Lenarcic nói như thế. “Họ bảo: ‘Chúng tôi cần nhiều thời gian hơn, chúng tôi phải tiến với tốc độ của mình’. Còn chúng tôi thì trả lời rằng ổn định trong dài hạn chỉ có thể diễn ra với những định chế dân chủ đấy sức mạnh, chứ không phải với những cá nhân vì cá nhân không thể nào sống mãi được.”

Nhưng ông nói rằng ông là người lạc quan, mặc dù có sự trì trệ. Quan điểm của người dân có thể thay đổi. Cuộc điều tra dư luận gần đây đã hỏi người Nga: họ thích trật tự (ngay cả khi phải hi sinh một số quyền của họ) hay dân chủ (ngay cả khi những phần tử phá hoại có thể ngóc đầu dậy). Trật tự thắng, tỉ lệ là 56% trên 23%.

Nghe có vẻ không mấy khích lệ, nhưng cách đây mười năm tỉ lệ là 81% trên 9%./.

Nguồn:  The Lands Autocracy Won’t Quit

Sự sụp đổ của các chế độ độc tài

Thấy người ta chết mà mình vui là điều không hay, dù người chết kia có là một kẻ bạo ngược đã làm hàng ngàn người phải chịu đau khổ. Cho nên đối với tôi cái chết của Muammar Gaddafi không phải là lí do để vui mà là lí do để ngẫm ngợi về bản chất của cái thế giới mà chúng ta và những nhà cầm quyền độc tài đang sống.

Gaddafi tưởng mình sẽ là vĩnh cửu. Ông ta đã phá hoại và lăng mạ cả thế giới. Ông ta đã dùng bàn tay sắt của một kẻ độc tài để khủng bố nhân dân Libya, đồng thời ông ta lại biết cách làm hòa (sau nhiều năm ở trong tình trạng xung đột) với thế giới dân chủ phương Tây và đã buộc lãnh đạo một vài nước phương Tây quì gối không chỉ một lần.

Trong cuộc đời hoạt động khá dài của mình, ông ta từng là một kẻ âm mưu, từng là người phát động cuộc cách mạng xanh của người Hồi giáo và rồi ông đã bỏ cuộc. Nhưng lúc nào ông ta cũng là một người độc tài. Ông ta tin vào bạo lực và dối trá và cho rằng chỉ cần như thế là đủ. Nhưng ông ta đã tính sai. Cuối cùng các thần dân của ông ta quyết định rằng đã đến lúc nói: đủ rồi!

Đấy là lúc Gaddafi phải chết. Ông ta đã cầm cự vì ông ta có quân đội, cũng như nhà độc tài ở Syria hiện nay vậy. Ông ta đã có thể cầm cự được lâu nữa, nếu không có các chiến dịch quân sự của Pháp và Anh – được nhiều nước ủng hộ. Lần này các nước dân chủ đã đứng về phía những người bị áp bức, chống lại kẻ bạo ngược kia. Đấy là tín hiệu cho các dân tộc còn nằm dưới ách chuyên chế: các chế độ chuyên chế nhất định sẽ bị trừng phạt, bọn độc tài không thể sống mãi được.

Nói cho ngay, trong thời đại của chúng ta chế độ độc tài là thành tố không thể tránh được, nhưng sự sụp đổ của chúng cũng là sự kiện không thể nào tránh được. Sự sụp đổ của các chế độ độc tài thường diễn ra qua thương thuyết và những cuộc cải cách dân chủ, nhưng cũng có thể bằng con đường bạo lực và những cuộc trả thù đẫm máu.

Bọn độc tài cần phải học kĩ bài học của mùa xuân Arab. Một số, thí dụ như chế độ ở Miến Điện đã bắt đầu ngả dần về phía đối lập dân chủ, quá trình tương tự cũng đang diễn ra ở Morocco. Ở những nơi khác, thậm chí ngay ở các nước láng giềng của chúng ta – ở Bạch Nga, nơi Lukashenko đang cầm quyền, những kẻ độc tài vẫn tiếp tục tin rằng họ sẽ không bị trừng phạt và sẽ bất tử. Tổng thống Ukriane, Ianukovich, cũng đang đi theo con đường của Lukashenko.

Họ lầm, cũng như Gaddafi đã lầm. Xin chúc họ có kết cục tốt hơn là kết cục của người đồng nhiệm Libya của họ. Chúng ta cũng nên tự chúc nhau như thế. Bạo lực sinh ra bạo lực, hận thù sinh ra hận thù, báo thù sinh ra báo tù.

Tôi không tin vào thế giới không hận thù: chúng ta có phải là thánh thần đâu. Nhưng tôi tin là chế độ độc tài nào cũng có giới hạn của nó. Đấy là lúc những chiến sĩ bảo vệ tự do cảm thấy hài lòng.

Adam Michnik (Gazeta Wyborcza, Ba Lan, 22/10/2011)

Nguồn: Dyktatorzy upadają

Dịch lại theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inosmi.ru/africa/20111024/176504017.html

Bọn độc tài bị lật đổ, số phận của chúng ngày càng gay go thêm

Autocracy_big

Kể từ tháng 1 năm nay hết nhà độc tài Arab này đến nhà độc tài Arab khác bị lật đổ với tốc độ chưa từng có trước đây. Mỗi kẻ ra đi một cách, nhưng kịch tính nhất là sự ra đi của Moammar El-Quaddafi. Ông ta đã chết trong vũng máu, tờ The New York Times viết như thế. 

Zine el-Abidine Ben Ali của Tunisia là tổng thống đầu tiên bị nhân dân vùng lên lật đổ vào năm nay đã chọn con đường chạy trốn sang Saudi Arabia. Nhưng đấy là sự lựa chọn khó khăn đối với người đã từng quen sống ở tâm điểm của sự chú ý, nhà báo này công nhận như thế. Từ đó đến nay không thấy ai nói gì đến ông ta nữa. 

Tổng thống Ai-cập, Hosni Mubarak, sẵn sàng ra trước tòa án, nhưng bây giờ ông ta đã yếu quá rồi, có nhiều khả năng là ông ta sẽ được người đời nhắc tới như một kẻ nằm trên cáng sau song sắt nhà tù. 

Trong số những nhà độc tài đang bị vây hãm có tổng thống Bashar al-Assad của Syria và Ali Abdullah Saleh của Yemen, những kẻ đang cố bám vào quyền lực. Xuất hiện câu hỏi là họ sẽ phản ứng ra sao trước cái chất của Quaddadi – nó sẽ buộc họ phải sử dụng thêm lực lượng để đàn áp nhân dân nước mình hay sẽ rút lui. 

“Điều này đã chứng tỏ cho các nhà độc tài Arab thấy rằng sự dàn áp nhân dân của họ đã có tác dụng ngược và rằng họ không thể giữ được mãi quyền lực”, ông Yuseff Assad, một chuyên gia về Lybia, tuyên bố như thế. 

“Và cuối cùng, nhiều người nghĩ rằng di sản thực sự của sự cáo chung của Quaddafi, cũng như của những vụ sụp đổ trước đó và chắc chắn là sau đó nữa là nhân dân Arab đã thay đổi”, nhà báo Neil MacFarquhar viết như thế. 

“Bài học thực sự ở đây là trong thế giới Arab đã xuất hiện làm sóng chính trị thân dân. Người ta không còn chấp nhận các nhà độc tài có xu hướng diệt chủng nữa”, giáo sư sử học Cole từ trường đại học tổng hợp Michigan nói như thế. 

Nguồn: The New York Times

Dịch theo bản rút gọn bằng tiếng Nga tại địa chỉ:

http://inopressa.ru/article/21Oct2011/nytimes/arab1.html

Cách mạng không có nghĩa là dân chủ

Cách mạng làm cho tất cả mọi người đều bị bất ngờ. Bên trên hoảng lọan, còn bên dưới thì đấu tranh với nỗi sợ hãi của mình từng giây từng phút một, trong khi đó những người quan sát bên ngòai – các chuyên gia, các chính phủ, khán giả truyền hình và chính tôi – thì cảm thấy có lỗi vì không thể tiên đoán được những điều không thể tiên đoán. Đấy là nguyên nhân của tình trạng bát nháo đang diễn ra ở Pháp: phe hữu bẽ mặt và tìm cách buộc tội phe tả, còn phe tả thì cố gắng tránh giải thích nguyên nhân của việc trong một thời gian dài Ben Ali và đảng của ông ta cũng như Mubarak và đảng của ông ta vẫn là thành viên của Quốc tế xã hội chủ nghĩa. Ben Ali bị xóa tên vào ngày 18 tháng 1, nghĩa là ba ngày sau khi ông ta đã bỏ trốn. Còn Mubarak thì người ta đã hành động nhanh nhạy hơn: 31 tháng 1. Không ai dám hành động. Kể cả giới báo chí đang nhắm mắt trước tất cả các sự kiện lẫn phe hữu đang muốn thân thiện với Đảng nước Nga thống nhất đầy sức mạnh của Putin và nịnh nọt Đảng cộng sản Trung Quốc. Và thay vì hỏi về nguyên nhân của tình cảm nồng ấm với các nhà độc tài, ta phải lên án “sự im lặng của giới trí thức”. 

Đáng suy nghĩ không phải là lao lên phía trước nhằm đuổi kịp và vượt sự kiện mà chính nó đã làm ta hụt hơi rồi. Xin hãy tạm quên trong chốc lát sự ngưỡng mộ lòng dũng cảm có thể vượt qua được nỗi sợ hãi của những con người đang tụ tập thành những đám đông và xem xét một cách cẩn thận những sự kiện bất ngờ, đã xóa bỏ tất cả các định kiến của chúng ta. Định kiến thứ nhất: sau khi sự phân cực có tính lịch sử của hai khối sẽ là cuộc xung đột “của các nền văn minh”. Định kiến thứ hai: thay thế cho chiến tranh lạnh sẽ là nền kinh tế duy lí hòa bình, đặt dấu chấm hết cho lịch sử đẫm máu. “Trường hợp ngoại lệ” trong thế giới Arab chứng tỏ cho người ta thấy một cách rõ ràng sai lầm của những lí thuyết bên trên: những sự kiện vừa xảy ra đã giáng một đòn chí mạng vào cái gọi là sự đoàn kết của các khối sắc tộc và tôn giáo, thí dụ như “thế giới Arab” và “thế giới Hồi giáo”. Và chúng ta đã khẳng định bao nhiêu thời gian rằng còn xung đột giữa Palestin và Israel thì tự do và dân chủ sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với người Arab? Từ đầu tháng 1 ở Magrib cũng nhưng trên toàn vùng Cận Đông có vẻ như người ta đã không còn chịu đựng số phận cũ nữa. Dù sao mặc lòng, xin hãy hoan nghênh đổi thay “với sự cảm thông bên cạnh lòng nhiệt tình”, như Kant đã nói về cách mạng Pháp, nhưng chúng ta sẽ không đồng ý nếu nó cứ dao động mãi. 

Quả bom tưởng tượng

Quá trình toàn cầu hóa bắt đầu cuộc diễu hành trên khắp hành tinh cách đây 30 năm không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Nó truyền con vi khuẩn tự do vốn không biết biên giới là gì đi khắp nơi, con vi khuẩn này đã từng giành chiến thắng (xin hãy nhớ lại các cuộc cách mạng nhung), nhưng đôi khi nó cũng gặp phải sự kháng cự dữ dội của bộ máy chính trị-quân sự (ở quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 hay ở Iran vào năm 2009). Thanh niên mang tinh thần toàn cầu hóa sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình bằng lời nói (thường là trên không gian mạng) và hành động (thậm chí hi sinh, nếu cần). Loạt đạn ở Tunisia đã làm rung chuyển bức tường của pháo đài Ai Cập. Một cái gì đó tương tự như quả bom nguyên tử đã làm rung chuyển nền tảng của ách nô dịch có từ thời thượng cổ, nhưng hóa ra trên thực tế lại mềm yếu và như thế nghĩa là dễ bị phá hủy. 

Tôi không thể nói thành lời niềm vui sướng khi chứng kiến sự cáo chung của thời đại của những ông trùm cộng sản ở Đông Âu, của Salazar, của Franko và Saddam Hussein. Thế thì tại sao tôi lại cảm thấy cay đắng khi Ben Ali chạy trốn hay sự từ chức, mà tôi hi vọng là sẽ sớm xảy ra, của Mubarak? Họ hãy tự trách mình vì đã bị dân chúng tống khứ mà không hề luyến tiếc. Tương lai bất định, bạn đọc hẳn còn nhớ rằng thay cho Shah [vua Iran – ND) là Homeini. Kết quả là gì? Liệu tôi có nên trách móc ông vua của các vị vua đó rằng ông ta đã không làm đổ đủ máu trong cuộc xung đột cuối cùng hay là đã làm đổ quá nhiều máu trong những năm trước đó? 

Sự nổi dậy của phong trào quần chúng lật đổ chế độ độc tài được gọi là cách mạng. Bất kì nền dân chủ vĩ đạo nào ở phương Tây cũng đều có nguồn gốc đẫm máu, trước hết đấy là nước Pháp thời Saint-Just: “Hoàn cảnh chỉ trở thành đơn giản đối với những kẻ lùi bước trước nấm mồ mà thôi”. Cái chết của chàng trai Haled Said,  [người bị cảnh sát ở thành phố Aleksandria đánh đến chết] không làm cho dân chúng sợ hãi, mà ngược lại, đã trở thành cú hích cho những hành động mới. Mạng Facebook và Twitter đã trở thành một kiểu samizdat, còn một nhóm nhỏ những người sử dụng internet thì trở thành những người giương cao ngọn cờ của phong trào đối lập. Ngọn lửa, được sinh ra từ lòng nhiệt tình của những người sẵn sàng hi sinh (thí dụ như Mohhamed Buazizi ở Sidi Buzide), thiêu đốt những chế độ độc tài đang được chuyển qua không-thời gian của chúng ta. Trong thế kỉ thứ V trước Tây lịch kỉ nguyên, ở thành phó Athens, thành phố của các triết gia, người dân đã tưởng nhớ với lòng kinh trọng những người đã từng ra tay giết chết hai kẻ độc tài là Garmody và Aristogitone. 

Ngây thơ 

Tự do là hiện tượng đầy mâu thuẫn, trong đó có “vực sâu thăm thẳm và bầu trời cao lồng lộng” (Shelling). Hãy để cho châu Âu nói với chúng ta rằng cách mạng có thể dẫn đến bất kì cái gì, có thể dẫn đến nền cộng hòa và hạnh phúc cho tất cả mọi người, mà cũng có thể dẫn đến khủng bố, chiến tranh và xâm lược. Trong khi ở Cairo chính quyền không còn đứng vững thì ở Teheran người ta tổ chức kỉ niệm lần thứ 32 cuộc cách mạng với festival của những giá treo cổ và những vụ tra tấn dã man. Ai Cập không phải là Iran thời Homeini (Lạy chúa tôi!), không phải nước Nga thời Lenin hay nước Đức thời cách mạng xã hội chủ nghĩa dân tộc. Nó sẽ trở thành cái mà giới trẻ khao khát tự do và giao lưu, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, quân đội bất hòa và thiếu tự tin cũng như những người giàu và người nghèo với mức sống cách nhau một trời một vực, biến nó thành. 

Xin hãy tự suy nghĩ: 40% dân chúng Ai Cập đói ăn, 30% mù chữ. Dĩ nhiên tất cả những chuyện này sẽ làm cho việc thiết lập nền dân chủ trở thành khó khăn, nhưng không phải là bất khả thì vì nếu không thì người dânParis đã không thể chiếm được ngục Bastilli. Xin đưa thêm vào đây sự kiện là 82% (số liệu năm 2010) người Hồi giáo Ai Cập ủng hộ áp dụng luật Sharia và ném đá cho đến chết những người vợ ngọai tình, 77%  coi việc chặt tay kẻ cắp là bình thường, 84% ủng hộ án tử hình đối với những người bỏ đạo. Những kết quả như thế rõ ràng là đã xóa sạch các dự đoán quá lạc quan và ngây thơ. 

Pháp phải cần tới gần hai thế kỉ mới có thể đi hết đọan đường từ cuộc cách mạng thứ nhất đến khi thiết lập được chế độ dân chủ và nhà nước cộng hòa thế tục. Liệu Nga và Trung Quốc có thể tiến nhanh hơn … hay là nói chung có đạt được mục tiêu này. Ngay cả Mĩ, họ thành thực tin rằng đã giải quyết được trong vòng mười năm, trên thực tế họ đã lầm lẫn lớn: họ đã phải trả giá bằng cuộc nội chiến khủng khiếp, bằng cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc chiến vì quyền công dân – tức là hai thế kỉ hận thù. 

Cách mạng và tự do không nhất định phải có nghĩa là dân chủ, tôn trọng quyền của thiểu số, bình đẳng giới và quan hệ hửu hảo với các dân tộc khác. Tất cả đều phải đấu tranh mới có được. Cần phải hoan nghênh các cuộc cách mạng ở Arab, vì chúng đặt dấu chấm hết cho sự nhẫn chục của nhiều dân tộc khác. Nhưng chúng ta không được ngủ quên trên những lời ngợi ca: ai cũng thấy hiểm nguy và de dọa vẫn còn hiện diện khắp nơi. Chỉ cần nhớ lại lịch sử của chính mình: tương lai vẫn là thứ không thể nói trước được./. 

Nguồn: Qui dit révolution ne dit pas d’emblée démocratie, 07/02/2011 17:41

Dịch từ bản tiếng Nga tại địa chỉ:

http://inosmi.ru/africa/20110208/166364414.html

André Glucksmann – một trong những triết gia đương đại nổi tiếng nhất của Pháp, đại diện của trường phái Triết học mới.

Nguồn bài đăng

0