18/06/2018, 15:42

Chiến tranh nha phiến, nguyên nhân cùng hậu quả

Hồ Bạch Thảo Chương 1 Trung Anh tranh chấp khuếch đại trước chiến tranh nha phiến [1830-1838] 1. Anh quốc thi thố thủ đoạn mới Trung Quốc và nước Anh tiếp xúc qua 2 thế kỷ, cả hai đều thấy bất mãn. Trung Quốc không muốn thay đổi điều chỉnh, riêng ...

Yapian zhanzheng

Hồ Bạch Thảo

Chương 1

Trung Anh tranh chấp khuếch đại

trước chiến tranh nha phiến

[1830-1838]

1. Anh quốc thi thố thủ đoạn mới

Trung Quốc và nước Anh tiếp xúc qua 2 thế kỷ, cả hai đều thấy bất mãn. Trung Quốc không muốn thay đổi điều chỉnh, riêng nước Anh thì không còn nhẫn nại thêm nữa, không biến không thể được. Vào đầu thế kỷ thứ 19, cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh quốc dần dần hoàn thành, tăng gia cơ khí hóa sản xuất, cần khuếch trương thị trường và thu giữ nguyên liệu. Ðồng thời giao thông cải tiến không ngừng, hỏa xa bắt đầu dùng, thuyền máy có thể đi xa, hàng hải từ Âu sang Á thời gian rút ngắn lại. Lúc bấy giờ Anh khống chế hàng hải, quân lực ngày một mạnh, sớm chiếm được Ấn Ðộ ; năm 1824 lại chiếm lãnh Tân Gia Ba [Singapore], nơi giữ vị trí chiến lược hàng đầu, khống chế hải đạo trọng yếu từ Ấn Ðộ Dương vào Thái bình Dương. Thực trạng khiến người Anh không bằng lòng cách giao thiệp với Trung Quốc lúc bấy giờ ; cửa ngõ vùng đất rộng nhiều tài nguyên này, cần phải mở ra, cách thức giao dịch phải được cải tiến ; không cần biết Trung Quốc có bằng lòng hay không, cái thế phải hành động như vậy !

Quá khứ nước Anh mậu dịch tại Ðông phương, do công ty Ðông Ấn Ðộ quản lý, lợi ích công ty này độc hưởng. Tuy lúc đầu không có lời dị nghị, nhưng đến thế kỷ thứ 18 xẩy ra đả kích mạnh, các công ty buôn nhỏ như Country Ship [Cảng Cước] phụ họa theo, chủ trương tự do mậu dịch. Các giới công thương thành thị phản đối công ty độc quyền, kinh tế gia lúc bấy giờ cũng đề cao phóng nhiệm. Năm 1813 chính phủ thủ tiêu công ty này chuyên lợi tại Ấn Ðộ, nhưng vẫn bảo lưu độc quyền tại Trung Quốc. Giới công nghiệp tại thành thị nước Anh tiếp tục chỉ trích công ty không đáp ứng được sản phẩm tân công nghệ cần tiêu thụ ; vì mấy năm gần đây buôn bán tại Hoa đình trệ, thương gia Mỹ lại đưa tàu thuyền đến buôn bán cạnh tranh. Cùng đưa ra bằng chứng rằng từ khi công ty này không còn độc quyền tại Ấn Độ, thì mãi lực nơi này tăng lên gấp ba, còn tại Mã Lai tăng lên gấp bốn, để chứng minh cho cái hại của độc quyền. Năm 1832 [Ðạo Quang thứ 14] tân quốc hội Anh thông qua quyết định phế bỏ công ty Ðông Ấn Ðộ chuyên lợi tại Trung Quốc, thần dân Anh quốc được tự do buôn bán tại Thái Bình Dương, Ấn Ðộ Dương ; lập Giám đốc thương vụ tại Quảng Châu [Guangzhou] 1 thay thế cho Ðại ban của công ty, quản lý việc buôn bán giữa Anh, Hoa và có quyền tài phán, thu thuế.

Năm 1833, chính phủ Anh cử viên Tướng lãnh kiêm Nghị viên Thượng nghị viện William John Napier [Luật Lao Ty] làm Giám đốc thương vụ tại Hoa. Quá khứ việc giao thiệp Trung Anh do Ðại ban của công ty chủ trì, mọi việc đều liên quan đến thương vụ ; từ nay trở về sau quy vào chính phủ, do Giám đốc chủ trì ; trừ việc lợi ích thương vụ còn liên quan đến thể diện quốc gia và địa vị viên Giám đốc. Nói tóm lại, việc quan hệ Trung Anh từ nay trở về sau mang tính chính trị, từ cục bộ thương mãi, chuyển sang toàn diện.

Lúc này chính sách của chính phủ Anh vẫn chủ trương điều hợp, hòa hoãn. Quốc vương ban cấp cho William John Napier [Luật Lao Ty] sắc lệnh đòi hỏi giữ thái độ thân thiện, đừng khích động sự căm ghét của người Trung Quốc, dùng phương pháp hiệu lực bảo trì hữu nghị lúc phân xử tranh chấp ; khi cần phải gửi văn thư cho quan phủ thì dùng lời lẽ khiêm cung, không được dùng ngôn từ dọa nạt. Ngoại trừ bất đắc dĩ, không được dùng vũ lực ; nếu như pháp luật Trung Quốc công chính, người Anh đáng tuân thủ. Viên Thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao H. J. T. Palmerston [Ba Mạch Tôn] cũng căn dặn tương tự, rằng hãy cẩn thận hành sự, không gây nguy hiểm cho quan hệ hiện tại Hoa Anh, không hành sử quyền tài phán 2 một cách bừa bãi, trừ khi gặp điều biến cố thuyền binh không được vào Hổ Môn [Humenzhen, Quảng Ðông]. Nhưng đồng thời phải giúp người Anh buôn bán, đem hết khả năng khuếch trương mậu dịch ra khỏi đất Quảng Châu [Guangzhou], tìm các địa phương ven biển để hải quân sử dụng ; thiết lập quan hệ với chính phủ Trung Quốc, sau khi đến nơi hãy dùng văn thư liên lạc ngay với Tổng đốc Lưỡng Quảng.

Có thể thấy rằng trách nhiệm của William John Napier [Luật Lao Ty] không đơn thuần về thương mãi, thực kiêm cả chính tri ; nghiễm nhiên là vị quan do chính phủ Anh gửi tới Trung Quốc. Từ nay trở về sau hành sử chức quyền làm sao khiến Trung quốc thừa nhận địa vị ông, mà không xúc phạm chương trình của Trung Quốc ; cải thiện Trung Anh quan hệ, thăng tiến quyền lợi nước Anh ; thực là vấn đề không đơn giản.

2. Quan hệ song phương cùng việc tuân thủ chương trình cũ

 Sau khi biết công ty Ðông Ấn Ðộ giải thể, năm 1831 Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Hồng Tân đã hiểu dụ Ðại ban nhắn tin về nước rằng “ Hãy phái Ðại ban mới hiểu việc, đến Quảng Ðông để lo việc mậu dịch ”. Hai năm sau Lô Khôn giữ chức Tổng đốc, cũng có sự yêu cầu tương tự ; vậy William John Napier [Luật Lao Ty] đến nhậm chức cũng liên quan đến các điều yêu cầu nêu trên. Nhưng hai Tổng đốc chỉ mong chính phủ Anh gửi đến một Ðại ban, chứ không phải là một Giám đốc, càng không phải là một quan ngoại giao. Khi đặt chức Giám đốc, chính phủ Anh không báo cho Trung Quốc biết, không phải là sơ suất, mà ý coi thường. Ngày 15/7/1834 William John Napier [Luật Lao Ty] đến Áo Môn [Macau]. Tổng đốc Lô Khôn biết rằng địa vị của viên này không giống như Ðại ban, nên nhờ Hàng thương chuyển cáo “ Nếu như muốn đến tỉnh, hãy cho biết để tâu trước,chờ xin chiếu chỉ.” Còn việc mậu dịch, muốn lập chương trình mới, thì nên bàn với Hàng thương bẩm lên, để lãnh chiếu chỉ thi hành. Viên Tổng đốc không hoàn toàn cự tuyệtWilliam John Napier [Luật Lao Ty] đến Quảng Châu, cũng không tuyệt đối chống lại việc thay đổi chương trình, chỉ muốn thính thị Hoàng đế trước, vì không có quyền tự quyết định.

Trước tiên William John Napier [Luật Lao Ty] tuân theo huấn lệnh của Thủ tướng H. J. T. Palmerston [Ba Mạch Tôn] gửi thư cho Lô Khôn, chức tước đề “ Ðại Anh quốc chính quí Ðại thần, Thủy sư thuyền đốc, Ðặc mệnh tổng quản nhân viên mậu dịch Chánh Giám đốc, thế tập Hầu tước ” trình bày rằng “ Anh quốc ân chúa đặc mệnh ” trị lý thương thuyền Anh tại Trung Hoa, công ty Ðông Ấn Ðộ đã giải thể, muốn đến nha môn hội họp, đem “ sự lý canh cải ” cùng trình bày rõ nhiệm vụ, nhờ “ tâu thay Hoàng thượng biết ”. Ngày 25/7 William John Napier [Luật Lao Ty] đến Di quán tại Quảng Châu ; ngày hôm sau đến tỉnh thành đưa thư, nhưng không có ai chịu nhận.

Trước khi William John Napier [Luật Lao Ty] đến Áo Môn, đã tiếp được thông báo của Lô Khôn đợi tâu lên triều đình, nhưng y không chịu đợi mà đến ngay, thực sai thể chế. Lô Khôn viện lý “ Ðại thần Thiên triều không được tự tiện thông thư tín với nước Di bên ngoài ” để từ chối. William John Napier [Luật Lao Ty] tuyên bố rằng y là Giám đốc nước Anh, không thể sánh với Ðại ban, từ nay trở về sau mọi việc đều gửi văn thư thẳng đến nha môn, không qua Hàng thương làm trung gian như trước, y cũng không xưng “ kính bẩm ”, chỉ gửi văn thư hàng ngang mà thôi. Ðó là lập trường tranh chấp của hai bên.

Tổng đốc Lô Khôn không muốn vấn đề trở nên bế tắc, tìm cách mở đường ; nhưng thái độ William John Napier [Luật Lao Ty] kiên quyết, không đếm xỉa ; rồi báo cáo cho Luân Ðôn xin dùng vũ lực áp bách. Ngày 26/8 phát bố cáo chỉ trích Lô Khôn “ cố chấp bất minh ”, bảo thương gia nước Anh đừng lo việc đóng cửa thuyền, vì trước đó 10 ngày Trung Anh mậu dịch đã bị đình chỉ. Lúc này Lô Khôn đả kích William John Napier [Luật Lao Ty] “ mưu chống đối, không tuân pháp độ ; nếu không trừng xử nặng, lấy gì để giữ quốc thể và làm cho các Di nhiếp phục.” Ngày 2/9 ra bố cáo chỉ trích Luật Lao Ty “ hỗn láo tự cao ” “ ngu muội vô tri, khó có thể hiểu dụ bằng lý lẽ ”; rồi chính thức ra lệnh đóng thuyền, đuổi người buôn bán, Thông sự, người phục dịch ra khỏi Di quán. William John Napier [Luật Lao Ty] lập tức điều binh thuyền tiến vào cửa khẩu, oanh kích pháo đài Hổ Môn [Humenzhen, Quảng Ðông] ; lại ra bố cáo lần thứ hai tố cáo Lô Khôn bất nghĩa, bạo ngược, dẫn tới chiến tranh “ Ðại Hoàng đế nước Anh quyền năng cao cả, bản đồ gồm cả bốn biển, khắp nơi đều nhiếp phục, đất đai rộng lớn, của cải giàu có, nước Ðại Thanh không thể so sánh được. Với binh lính dõng mạnh, họp thành đại quân, đánh đâu thắng đó ; lại có thủy sư thuyền lớn, trang bị 120 đại pháo, tuần tiễu các biển ; còn riêng Trung Quốc thì không dám đến biển nào cả ! Các viên Tổng đốc Ðại thần hãy tự hỏi Vương nước ta lại còn phải cung thuận ai nữa ? ”

Sự việc đã đến như vậy, Lô Khôn tuy không muốn gây hấn nhưng không thể không điều binh tăng phòng ; ngay lúc quân Anh tiến đến Hoàng Phố [Huangpu, Quảng Ðông] vào ngày 11/9, bèn bảo Hàng thương chuyển lời cho thương gia Anh bình tĩnh bàn luận. Ðối với William John Napier [Luật Lao Ty] tuy vẫn dùng lời trách, nhưng ngữ khí của viên Tổng đốc cũng có phần hòa bình ; bảo rằng Trung Quốc từ trước tới nay “ lấy tình lý khuất phục người, không chuộng võ lực ” hiện tại William John Napier [Luật Lao Ty] đột ngột dùng binh lực xông vào trong sông, phóng hỏa cự địch, làm tổn thương binh lính cư dân, e không phải là ý kiến của thương gia Anh ; hy vọng William John Napier [Luật Lao Ty] sửa sai lầm tự đổi mới, tuân thủ theo cựu chế. Thương gia Anh cũng không muốn buôn bán đình trệ, cùng với Hàng thương điều giải. Ngày 21/9 William John Napier [Luật Lao Ty] cùng binh thuyền rút ra khỏi Hoàng Phố ; Lô Khôn lấy lại được một phần thể diện, bèn cho phép khôi phục mậu dịch, vụ tranh chấp tạm thời chấm dứt. William John Napier [Luật Lao Ty] cho các thương gia biết rằng, tương lai sẽ có một ngày dùng vũ lực rửa mối hận, để Trung Quốc biết tôn trọng quan chức nước Anh.

Lô Khôn và William John Napier [Luật Lao Ty] không phải hoàn toàn sai trái, do bởi hai bên bối cảnh lịch sử và lập trường bất đồng. Lô Khôn không hiểu về nước Anh, William John Napier [Luật Lao Ty] không hiểu về Trung Quốc, mỗi người cố chấp ý kiến mình. Lô Khôn muốn duy trì hiện trạng, tuyệt không có lòng sinh sự ; William John Napier [Luật Lao Ty] muốn cải biến hiện trạng, từ cặp mắt của Lô Khôn thì cho rằng William John Napier [Luật Lao Ty] muốn khiêu khích.

Sau khi Quảng Châu đóng thuyền ngừng buôn bán, vua Ðạo Quang từng dụ Lô Khôn “ nếu không thương tổn đại thể, không nên quá hà khắc ”, khi binh thuyền Anh tiến vào sông gần tỉnh lỵ, cũng dụ không nên quá căng thẳng rồi gây nên biên hấn. Sau khi binh thuyền của William John Napier [Luật Lao Ty] rút đi, Lô Khôn xin trừ bỏ hải quan tệ đoan, Ðạo Quang cũng ra lệnh chỉnh đốn mậu dịch, cấm tuyệt hà khắc sách nhiễu, khiến lòng người Di vui vẻ theo. Tuy chưa có sự thay đổi căn bản, nhưng cũng thấy được vài biện pháp của Trung Quốc về mối quan hệ Trung Anh.

William John Napier [Luật Lao Ty] bị bệnh nặng tại Quảng Châu, về đến Áo Môn không dậy được, nên viên phó Giám đốc John F. Davis [Ðức Tí Thời]lên thay ; chuyển sang thái độ tiêu cực để chờ quyết định của chính phủ. Lúc bấy giờ nội các Anh cải tổ, chủ trương hòa hiệp trong việc giao dịch với Trung Quốc. Nhưng các công ty buôn nhỏ tại Quảng Châu không đồng ý, họ liên danh đệ đơn xin đưa Toàn quyền đại biểu đến, mang pháo hạm uy hiếp, đòi cách chức Lô Khôn, bồi thường tổn thất, mở rộng cảng khẩu. Năm 1835, John F. Davis [Ðức Tí Thời] thôi chức, George Robinson [La Tân Thần] thay thế ; thái độ cũng giống như viên tiền nhiệm, nên thương gia Anh không phục. Năm 1836, H. J. T. Palmerston [Ba Mạch Tôn] lại giữ chức Bộ trưởng ngoại giao, viên phó Giám đốc Charles Elliot [Nghĩa Luật] xin tích cực hành động, được giao cho giữ chức Giám đốc, hay còn gọi là Lãnh sự.

Charles Elliot [Nghĩa Luật] xin đến tỉnh thành để quản lý thương nhân và nhân viên tàu thuyền, Tổng đốc Ðặng Ðình Trinh tâu lên và được chấp thuận “ y theo chương trình của Ðại ban trước kia, đến tỉnh lo liệu ”. Năm 1839, Tư lệnh hạm đội Ðông Ấn Ðộ Sir F. Maitland [Mã Tha Luân] đến Quảng Ðông, Charles Elliot lại đến Quảng Châu đệ thư cho Ðặng Ðình Trinh, yêu cầu cùng với Mã Tha Luân đến ; thư bị trả lại, hành động thử thách của Charles Elliot bị thất bại. Lúc bấy giờ việc giao thiệp chính trị giữa hai nước Anh, Hoa dằng co nhau ; còn về mặt kinh tế, tranh chấp về nha phiến cũng không dễ giải quyết.

3. Nhập siêu do bởi nha phiến

 Nha phiến truyền từ ngoại vực đến, đời Ðường vào Trung Quốc, thời Minh gọi là a phù dung ; các nước tại Nam Dương dùng làm đồ tiến cống, thị trường cũng buôn bán, giá tương đương vàng. Người Bồ Ðào Nha chở từ Ấn Ðộ đến Quảng Ðông, mãi lực tăng dần. Vào thế kỷ thứ 16, hải quan bắt đầu đánh thuế, xếp vào loại y dược ; đem trộn chung với một loại yên thảo sản xuất từ Phi Luật Tân, dùng để hút. Thời Thanh sơ chế biến càng tinh vi “ Nấu cho thành cao, cắt tre thành ống điếu, ghé vào đèn hít khói này ; trong vòng mấy năm lan ra các tỉnh, thậm chí mở quán bán hàng.” Thời Ung Chính [1729] cho là loại dâm đãng hại người, ra lệnh cấm chỉ ; nhưng chỉ cấm loại trộn với yên thảo, chứ không cấm tinh chất. Lúc bấy giờ mỗi năm nhập khẩu 200 rương, mỗi rương 100 cân ; ngoài người Bồ ra, người Anh cũng buôn bán.

Anh nhập khẩu Trung Quốc các hàng len, thiếc, đồng, đồng hồ, pha lê ; cùng các hàng vải đến từ Ấn Ðộ. Trung Quốc xuất khẩu qua thương gia Anh các hàng trà, tơ lụa, điều, vải bố, đồ sứ. Lúc đầu mỗi năm xuất khẩu trà khoảng 30 vạn cân, cuối thế kỷ thứ 18 lên đến 1.800 vạn cân, đến thế kỷ thứ 19 đạt 2.000 vạn cân ; chiếm trên 90 % hàng xuất khẩu. Trong một xã hội nông nghiệp tự túc, trai cày ruộng gái dệt vải như Trung Quốc, hàng của nước Anh thiếu thị trường nhập khẩu ; nên thương gia Anh phải dùng bạc nén [ngân lượng] để mua trà, cứ 100 cân gíá 19 lượng. Số bạc nén thương gia Anh bán hàng tại Trung Quốc, chỉ bằng 1/10 số cần mua. Lúc này tại Âu châu chủ nghĩa trọng thương thịnh hành, quý trọng hiện kim, người Anh cảm thấy việc buôn bán tại Trung Quốc tổn thất cho quốc gia rất nhiều ; nên khi phát hiện được nha phiến tiêu thụ mạnh, bèn chú tâm buôn thứ hàng này. Năm 1773, công ty Ðông Ấn Ðộ có được độc quyền mua nha phiến tại Ấn Ðộ, bèn khuyến kích trồng thêm, khống chế vận tải tiêu thụ. Trung Quốc mỗi năm nhập khẩu từ 4.000 rương lên đến 6.000 rương ; mỗi rương giá từ 140 lạng bạc, lên đến 350 lượng ; mở đầu thấy được áp lực của việc buôn nha phiến.

Năm 1796 Trung Quốc đình chỉ đánh thuế nha phiến, coi như hàng cấm. Sau đó 4 năm Tổng đốc Lưỡng Quảng vạch rõ rằng nha phiến “ đối với Di nước ngoài là đất bùn, nhưng đối với ta là hàng hóa bạc nén ”, khiến cho dân nội địa trở thành thất nghiệp ; ông là người đầu tiên luận nha phiến về khía cạnh kinh tế dân sinh. Chiếu ban xuống cấm bán thuốc phiện, từ đó công ty Ðông Ấn Ðộ không chở, toàn bộ giao cho thương nhân Cảng Cước [Country Ship], số bán tăng chứ không giảm. Từ năm 1809 đến 1817 có 5 lần cấm, chủ trương chặn nguồn đến. Thuyền nước ngoài tiến đến cửa khẩu, do Hàng thương cam kết bảo chứng rằng không chở nha phiến, nếu tra ra thuyền bị đuổi về, không chuẩn cho buôn bán ; quan viên tra nã bất lực phân biệt xét xử, những người buôn bán riêng với người nước ngoài bị trừng trị nặng. Nhưng rồi trở thành vô hiệu, gian dân và quan địa phương cấu kết chia lời, thương thuyền Cảng Cước chuyển vận số lượng lớn, giao dịch buôn bán ngay tại Áo Môn, Hoàng Phố. Năm 1813, công ty Ðông Ấn thủ tiêu quyền lực mậu dịch tại Ấn Ðộ, thương nhân Cảng Cước trở nên năng nổ, chuyển vận nha phiến càng nhiều, buôn bán càng thêm thịnh vượng.

Trung Quốc cũng là nước chú trọng đến hiện kim ; từ năm 1780-1818, mấy lần ban chiếu cấm chỉ bạc nén tuổn ra nước ngoài, do nhập đồng hồ, pha lê ; nhưng đương cục tại Quảng Ðông thì biết rằng do bởi nha phiến. Ðầu thế kỷ thứ 19, mậu dịch chính quy tại Trung Quốc phần lớn xuất siêu. Năm 1812, hàng nhập khẩu hóa gíá 1.270 vạn lượng, xuất khẩu ước 1.510 vạn lượng ; năm 1813, nhập khẩu 1.260 vạn lượng, xuất khẩu ước 1.290 vạn lượng ; số liệu này căn cứ vào sổ bạ của Hàng thương tại Quảng Châu. Nhưng nha phiến là vật cấm, không ghi vào sổ bạ ; nếu đem tất cả nha phiến nhập vào, thì số nhập siêu rất lớn. Năm 1818, số hàng nhập khẩu là 1.880 vạn lượng, xuất khẩu khoảng 1400 vạn lượng ; nếu kể thêm 300 vạn lượng nha phiến bán vào, cộng lại số nhập siêu của Trung Quốc lên tới trên 700 vạn lượng !

Ðời Gia Khánh cấm thuốc phiện bị thất bại. Ðầu thời Ðạo Quang, vấn đề này được nhà đương cục quan tâm. Năm 1821[Ðạo Quang thứ 1] Tổng đốc Lưỡng Quảng Nguyễn Nguyên xin thân minh lệnh cấm, đặt nặng trách nhiệm cho các Hàng thương, đem viên tổng Hàng thương giàu có Ngũ Quách Nguyên ra xét xử. Từ đó thuyền nước ngoài tại biển chuyển nha phiến qua phà lênh đênh ngoài cửa khẩu Hổ Môn, đợi thuyển con từ nội địa ra ngầm lấy nha phiến rồi tẩu tán đi các nơi. Bọn này có vũ khí, nếu gặp thuyền quân can thiệp thì chống cự, nếu thỏa thuận được thì hối lộ, thông đồng gây mối tệ. Thời mà thuyền ngoại quốc lênh đênh ngoài cửa khẩu, sử gọi là “ linh đinh tẩu tư ” , nói nôm na là lênh đênh tư lợi tuồn hàng cấm. Ngoài Quảng Ðông ra, miền duyên hải Phúc Kiến [Fujian] lên đến phía bắc, bọn buôn thuốc phiện qua lại như thường, phía bắc đến Thiên Tân [Tianjin, Hà Bắc], Phụng Thiên [Fengtian, tỉnh Liêu Ninh] ; các hải khẩu đều có các cơ sở chuyển vận nha phiến vào nội địa. Số lượng nha phiến tiêu thụ vẫn tiếp tục tăng : từ năm 1821-1828, trung bình mỗi năm hơn 9.000 rương ; 1828-1835, 1 vạn 8.000 rương ; 1835-1838, hơn 3 vạn 9.000 rương. Mỗi rương giá bình quân 400 lượng. Ðầu thế kỷ thứ 19, người Mỹ mua thuốc phiện từ Thổ Nhĩ Kỷ chuyển đến Quảng Châu, mỗi năm cũng đến trên 1.000 rương.

Dưới thời Thanh, dân chúng mua bán bằng tiền đồng, nhưng quốc gia thu, chi lấy bạc nén làm chuẩn. Nhân dân nạp thuế đều căn cứ vào giá bạc nén cao hạ, dùng tiền nạp. Bởi vậy giá bạc nén cao, hạ ; đều ảnh hưởng đến tiền đồng. Sản lượng kim loại bạc của Trung Quốc không nhiều, những người giàu có thường hay tích trữ bạc, phụ nữ cũng hay dùng bạc để chế nữ trang, cung không đáp ứng với cầu, giá bạc nén càng ngày càng tăng. Giá bạc nén càng lên, giá tiền càng xuống, khiến vật giá tăng cao, nhân dân phải dùng nhiều tiền đồng nạp thuế. Số nha phiến nhập khẩu càng tăng, số bạc nén tuồn ra ngoài càng lớn, chẳng khác gì lửa cháy đổ thêm dầu, giá bạc nén tăng vọt. Thời kỳ “ linh đinh tẩu tư ” cung cấp bằng chứng rõ ràng : cuối thế kỷ thứ 18, 1 lượng bạc đổi được 7 hoặc 8 trăm tiền đồng ; đầu thế kỷ thứ 19, đổi được trên dưới 1.000 tiền đồng ; từ 1821-1838, từ 1.200, 1.300 đến trên 1.600 tiền đồng ; trong vòng 40 năm giá bạc nén tăng lên gấp đôi. Nhà nông không có đủ tiền để nạp thuế đúng hạn, tài chính thiếu thốn, nhà đương cục buộc phải chú ý đến bạc nén tuồn ra do buôn lậu nha phiến.

4. Vấn đề cấm nha phiến

 Ðộng cơ chủ yếu thời Gia Khánh cấm thuốc phiện bởi “ làm hỏng tính tình, hại sự sống ”, còn bạc nén mất do buôn lậu là thứ yếu. Thời đầu Ðạo Quang cho hai thứ đều quan trọng ; cách đối phó không ngoài ngăn chặn nguồn từ ngoại lai, đàn áp cấm chỉ tiêu thụ tại nội địa, kết quả đều vô hiệu như cũ. Nguồn đến càng rộng, tiêu thụ càng lớn, bạc lượng thiếu hụt giá càng cao, quốc kế dân sinh càng khó khăn, phong tục càng đồi bại ; “ Trên thì quan phủ, khoa bảng thân sĩ ; dưới đến công, thương, con hát, tôi đòi ; cho đến phụ nữ, tăng ni, đạo sĩ, đều hút thuốc phiện ” “ Một khi đã nghiền, thì một giờ không bỏ được, gia đình trung lưu thường bị phá sản ; thứ khói thuốc này quấy nhiễu trăm mạch, đưa đến bệnh hoạn, lâu rồi tinh thần đại hao, không thể cứu trị.” Lệnh cấm qua quan chức thi hành, nhưng các quan văn võ nha môn trên dưới không ai mà không hút, Tổng đốc, Tuần phủ hầu như một nửa nghiền, Vương Công Ðại thần cũng không thiếu “ chẳng lẽ bọn này chịu lấy đá đè lên chân mình ”. Ðiều mà triều đình lo lắng nhất là binh biền nghiện thuốc phiện, phần lớn hình hài tiều tụy ; các tỉnh đều như vậy, nhưng Quảng Ðông [Guangdong], Quý Châu [Guizhou] lại càng nhiều. Năm 1832 Quảng Ðông loạn lâu không bình định được, nguyên nhân đều do đó mà ra. Còn nha phiến ngoại quốc, mỗi năm phải đổi đến 1.000 vạn lượng bạc, khiến gíá bạc càng cao, tiền đồng càng hạ, dân chúng càng khó khăn, thực quan hệ đến quốc kế dân sinh, không thể xem thường được.

Từ năm 1821 đến 1835, các nơi trong nước bàn luận đến họa thuốc phiện, mất bạc nén ; rồi triều đình ban bố pháp lệnh, không dưới vài chục văn bản. Nội dung không ngoài việc tróc nã các thuyền ngoại quốc và gian dân ngầm buôn bán, đuổi những phà chuyển hàng ngoài biền, bắt những thuyền nhỏ len lỏi trong sông, cấm dân trồng và hút nha phiến, trừng trị các quan lại thiếu trách nhiệm và nghiện hút ; không chuẩn cho thương nhân ngoại quốc thu lậu ngân lượng, chỉ lấy hàng đổi hàng, không cho lấy bạc nén đổi tiền đồng, hoặc lấy tiền ngoại quốc đổi bạc nén, cùng chương trình tra cấm nha phiến. Nhưng nói chung, tất cả đều thất bại.

Sau năm 1831, mỗi năm nhập khẩu nha phiến đến 2 vạn rương, người Anh lấy bạc nén từ Quảng Châu đến 400 vạn lượng ; những điều cấm đoán chỉ ghi trên giấy tờ, cái họa về nha phiến và tiêu mất bạc nén thực không có phương cứu vãn. Năm 1835, các nhân sĩ tại Quảng Châu chủ trương bỏ lệnh cấm, nhưng chỉ hứa lấy hàng đổi hàng, không được mua bán bằng bạc nén ; cùng cho dân chúng trồng thứ này, một khi sản xuất trong nước nhiều, thuốc từ bên ngoài không đến nữa, thì bạc nén không còn xuất lậu ra ngoài. Tổng đốc Lưỡng Quảng Lô Khôn căn cứ vào đó tâu lên, và cho rằng điều nói ra không phải là không có kiến thức. Nửa năm sau, có vị Ngự sử kiến nghị hoàn toàn bỏ việc cấm thuốc phiện, bọn quan lại không dựa được vào đó để sách nhiễu ; huống việc hút thuốc phần nhiều là bọn nhàn đãng, tự hại sinh mệnh của mình, mối nghiệt do tự chuốc lấy ; nhưng quân binh thì không được hút. Thái thường thị Hứa Nãi Tế, từng giữ chức Án sát sứ Quảng Ðông, có khuynh hướng bỏ lệnh cấm ; bèn tổng hợp các lý do nêu trên cùng phát huy thêm, rồi chính thức tâu lên. Chiếu chỉ mệnh quan lại tỉnh Quảng Ðông bàn rồi phúc tấu, Tổng đốc Ðặng Ðình Trinh cho rằng nhân thời thế mà thích nghi, tỏ ý tán thành. Việc bỏ lệnh cấm thuốc phiện có vẻ sắp thi hành, dân buôn và kẻ nghiện thuốc không ai là không cổ vũ, Lãnh sự Anh cũng hưng phấn, cho nhập khẩu nha phiến từ 2 vạn rương đến 3 vạn rương, rồi năm sau [1837] lên đến 4 vạn rương.

Những người chủ trương nghiêm cấm như Nội các học sĩ Chu Tôn, Cấp sự trung Hứa Cầu, Ngự sử Viên Ngọc Lân, nhận ra việc bỏ cấm thuốc phiện quyết không nên thi hành, biện pháp đề ra có nhiều sự trở ngại. Thứ nhất chỉ cấm quan chức sĩ binh hút thuốc, không cấm dân thường ; nhưng người dân hôm nay có thể ngày mai là quan binh, làm sao có thể dự liệu được ? Thứ hai, đã biết rõ nha phiến là độc, lại cho phép lưu hành, còn bắt đóng thuế, không có chính thể như vậy ! Thứ ba, bạc nén tuồn ra nước ngoài là điều đáng lo, cần nhận rõ rằng “ cấm được nha phiến, tự nhiên chặn được bạc nén tuồn ra ”. Thứ tư, vấn đề xuất, nhập giữa Trung Quốc và nước ngoài gần tương đương, nếu nhập thêm mỗi năm 2.000 vạn lượng bạc nha phiến, Trung Quốc còn có hàng hóa nào khác để đổi ? Thứ năm, trồng nha phiến lợi gấp bội ngũ cốc, nếu không cấm thì “ đất đai màu mỡ, tận biến thành cánh đồng nha phiến ! ” Ðiều thứ sáu rất trọng yếu : bạc nén mất quan hệ còn nhỏ, nha phiến tổn thương người tác hại lớn hơn, nếu bỏ lệnh cấm nha phiến, tức “ tuyệt nhân mệnh lại tổn thương nguyên khí.” “ Từ xưa tới nay việc khống chế Di, phải sẵn sàng bên trong mới định bên ngoài ; trị nội bộ trước, trị người sau ; cần nghiêm định điều lệ trừng trị nghiêm khắc bọn gian dân buôn bán, Hàng thương cấu kết, bao che tại các cửa khẩu ; bọn hộ tống thuyền con, binh dịch nhận hối lộ. Sau đó câu lưu bọn người Di gian giảo, hẹn ngày đuổi những phà lênh đênh khỏi biển ; cùng lệnh báo tin về nước rằng Trung Quốc cấm chỉ, chớ có ngầm buôn bán. Phàm việc “ ra tay quyết đoán, kiên trì tín cẩn, cấm điều gì cũng xong.” Ðạo Quang là ông vua tiếc của, cần kiệm ; đã từng nghiện thuốc phiện, sau giác ngộ từ bỏ, nói rằng “ Vật này không cấm tuyệt, khiến lưu hành trong nội địa, không những tan nhà, mà còn tan cả nước.” Do vậy thái độ tỏ ra kiên định, mấy lần dụ Ðặng Ðình Trinh nghiêm tra bạc nén tuồn ra khỏi nước, xua đuổi phà nước Anh, truy nã bọn bao che buôn bán thuốc phiện lậu. Lãnh sự Anh Charles Elliot [Nghĩa Luật] đối với đòi hỏi của Tổng đốc Ðặng Ðình Trinh, tìm cách lựa lời từ chối. Phà vẫn lênh đênh ngoài mặt biển như cũ, tên bán thuốc phiện nỗi tiếng William Jardine [Tra Ðồn] vẫn nấn ná tại Quảng Châu. Charles Elliot [Nghĩa Luật] lại gửi thư cho Luân Ðôn, xin phái chuyên Sứ cùng binh thuyền đến Bắc Kinh đòi hỏi đánh thuế, bỏ cấm thuốc phiện. Rồi Tư lệnh hạm đội Ðông Ấn Ðộ đến Quảng Ðông để bảo hộ mậu dịch và đó cũng là dấu hiệu trước rằng nước Anh sẽ hành động.

Lời bàn về việc bỏ cấm thuốc phiện tuy không thi hành, nhưng nha phiến tuồn vào, không có cách gì ngăn chặn, giá bạc nén tăng lên không ngừng. Ðã không trị được người, đành y theo chủ trương của Hứa Cầu, chấn chỉnh dân trong nước. Vào tháng 6 năm 1838 [tháng 6 Ðạo Quang thứ 18] Hồng lô tự khanh Hoàng Tước Tư tâu xin trị nặng người hút thuốc phiện ; điểm chính lập luận cũng đề cập đến việc bạc nén thất thoát : Trong vòng 2,3 năm nay giá bạc một lượng từ 1.200, 1.300 tiền đồng lên đến hơn 1.600, tức tăng lên 30 % ; không phải hụt bạc từ trong nước, mà do tuồn ra nước ngoài “Hụt bạc nén nhiều, do buôn thuốc phiện mạnh, mà buôn mạnh do dân hút nhiều. Nếu không hút, thì không buôn, tức thuốc phiện từ nước Di không đến ”. Bởi vậy trị nặng người hút, là trị từ gốc ; hạn trong vòng 1 năm phải hết nghiện, quá 1 năm trị tử tội “ như vậy số bạc lậu ra ngoài sẽ tắc, giá không còn cao lên ”. Chiếu dụ các Tổng đốc Tuần phủ bàn rồi tâu lên, tuy đều cho rằng nha phiến nên cấm, nhưng thiểu số ủng hộ biện pháp mạnh của Hoàng Tước Từ, riêng trong thiểu số đó, có Tổng đốc Hồ Quảng Lâm Tắc Từ.

Chương 2

Lâm Tắc Từ cấm thuốc phiện

[1839-1840]

1. Quyết sách của vua Ðạo Quang

 Lâm Tắc Từ [1785-1850] người tỉnh Phúc Kiến [Fujian], xuất thân Tiến sĩ ; lúc 48 tuổi giữ chức Tuần phủ Giang Tô [Jiangsu], 53 tuổi Tổng đốc Hồ Quảng [Huguang]. Ðứng về truyền thống Trung Quốc mà bàn, ông ta là người tài đức kiêm toàn, ngôn hành xứng với chức vụ ; lấy tiêu chuẩn Tây phương để đánh giá cũng là vị công chức hết sức với nhiệm vụ, thanh liêm chính trực. Ông rất lưu tâm đến thời cuộc “ mắt thấy nha phiến vô cùng độc hại, tâm lòng như sôi sục ”. Trong thời gian giữ chức Tuần phủ Giang Tô [1832-1833] dâng tấu triệp, tối thiểu hai lần đề cập đến họa nha phiến, cho rằng thuốc phiện do Tây Dương đưa vào, đổi lấy bạc nén của ta, thực thuộc loại “ mưu gom của cải, hại tính mệnh ” “ đối với cái hại cho quốc kế dân sinh, lửa giận khiến tóc muốn dựng đứng lên.” Trừ phi “ thuyền ngoại quốc trước khi đến cửa khẩu, nghiêm cách gia tăng tuần tiễu để tuyệt nguồn ; khi đã đến cửa khẩu, ra sức kê tra, nếu như lén lút lậu vượt hoặc có phát hiện khác, đem gian thương mưu lợi trao cho quân binh tra cứu, trừng trị nặng ; khiến cho lệnh ban, quyết tâm thi hành, mới có thể triệt gốc rễ, trừ hại lớn.” Có thể thấy được tấm lòng Lâm ghét nha phiến và quyết tâm diệt trừ.

Ðối với biện pháp mạnh của Hoàng Tước Tư, Lâm Tắc Từ hết sức ủng hộ. Ông lập luận cái hại của nha phiến quá sâu, phép thường không thể ngăn chặn được, dùng tử hình cấm thuốc phiện chính hợp với cái lý “ trị tội chết để không còn chết thêm ”. Lúc bấy giờ đặt biện pháp, thi hành tại Hồ Nam [Hunan], Hồ Bắc [Hubei] ; không đến ba tháng thấy có sự công hiệu. Một khi nghe lệnh trị tội chết, thì không những “ bọn mở quán buôn bán trốn đi xa, mà người hút thuốc cũng quyết định chừa, dân tình không phải không sợ pháp luật, tập tục thay đổi lớn.” Trong một tờ tâu bàn thêm về cái hại của thuốc phiện, và sự tất yếu phải trừng trị, ông kê ra người nghiện thuốc tối thiểu mỗi người mỗi năm tốn 36 lạng bạc, với nhân số Trung Quốc 4 vạn vạn người, nếu trăm người có một người hút thuốc, thì mỗi năm số bạc nén lậu ra không dưới 1 vạn vạn lượng ; mà trước mắt số người hút không dừng ở con số 1 % ! Ông kết luận : “ Nha phiến nếu không cấm tuyệt, thì nước mỗi ngày một nghèo, dân mỗi ngày một yếu ; chỉ hơn chục năm sau, trung nguyên không còn quân mạnh có thể ngự địch, không có bạc nén để lo quân lương.”

Lâm Tắc Từ nhấn mạnh cái hại của nha phiến qua hai lãnh vực kinh tế, quốc phòng ; khiến vua Ðạo Quang xúc động tâm kinh, trong ngày ban chiếu chỉ tưởng lệ. Tiếp theo mệnh Quân cơ đại thần hội bàn phúc tấu, các Tổng đốc, Tuần phủ cấp tốc tra xét. Vương, công nghiền hút bị cách chức ; Hứa Nãi Tế, người chủ trương bỏ cấm thuốc phiện, bị bãi quan. Triệu Lâm Tắc Từ đến gặp mặt ; trong 7 ngày từ ngày 28/12/1838 đến 3/1/1839 gặp 8 lần, mỗi lần khoảng 1 giờ rưỡi. Ban cho ngựa dùng trong Tử cấm thành, để biểu thị sự vinh hiển ; giao chức Khâm sai đại thần, tra biện hải khẩu Quảng Ðông, tiết chế Thủy sư, với trọng trách thanh tra lai nguyên nha phiến. Ðồng thời mệnh Tổng đốc, Tuần phủ Quảng Ðông ra sức hợp tác, nhắm “ trừ sạch ô uế, đoạn tuyệt gốc rễ ”.

Hoàng Tước Tư, Lâm Tắc Từ kiến nghị, chú trọng nghiêm trị nghiện hút, trị mình trước trị người sau ; ý vua Ðạo Quang thì cả hai phương diện đều chú ý, nội ngoại cùng tấn công, nguồn cung cấp cần nên đoạn tuyệt trước. Nhiệm vụ chính của Lâm Tắc Từ là đối ngoại, riêng đối nội giao cho các quan Tổng đốc, Tuần phủ tại các tỉnh đảm trách. Nhưng chương trình xử tội chết kẻ buôn bán thuốc phiện cùng người nghiện hút, mãi đến tháng 2 năm 1839 mới định xong, hẳn có sự trở ngại.

Do Tổng đốc Trực Lệ [Zheli] Kỳ Thiện, đứng đầu 21 Tổng đốc, Tuần phủ ; không cho việc xử tử hình là đúng. Chủ tịch Quân cơ đại thần Mục Chương A cũng có thái độ chần chừ ; cả hai đều là người Mãn, nằm trong Bát kỳ, quyền trọng vị cao, được vua Ðạo Quang sủng ái. Họ Lâm ngày ngày được triệu kiến, giao chức vị cao, phá cách ân sủng, khiến “ quan Khu mật viện phải động sắc ”. Lâm “ triều kiến xong, cùng với các đồng liêu bàn không hợp, trong ngoài cấu kết, người có quyền cho rằng Lâm gặp nguy ”. “ Khu mật ” chỉ Mục Chương A, “ ngoài ” chỉ Mục Kỳ Thiện ; đây là hai người Mãn đố kỵ với người Hán, sợ Lâm Tắc Từ lung lay lòng vua, thay nắm quyền lợi của họ. Lâm cũng biết “ thân hãm nguy cơ, nhưng từ chối không được, chỉ biết đem hết ngu thành, mong trừ mối họa lớn cho Trung nguyên.” Ðạo Quang thì “ huấn dụ thiết tha, ủy nhiệm trọng chức ”, khiến họ Lâm không thể không “ chảy nước mắt nhận chức, còn họa phúc vinh nhục không tính đến.”

2. Cưỡng chế giao nạp nha phiến

 Nhiệm vụ chính của Lâm Tắc Từ là đoạn tuyệt nguồn nha phiến ; sau khi lãnh trách nhiệm lập tức điều tra việc nhập hàng lậu tại Quảng Ðông, cùng giao cho Tổng đốc, Tuần phủ tra bắt gian thương. William Jardine [Tra Ðồn], tên đầu sỏ buôn lậu nha phiến người Anh, qua hai năm xua đuổi mà không chịu đi, nay rời khỏi Quảng Châu để trở về nước ; sự việc giúp Lâm Tắc Từ lấy được thanh thế lúc ban đầu ; nhưng số người chần chờ nhìn ngó vẫn còn đông. Vào ngày 10/3/1839 Lâm bắt đầu hành động, ông ban ra 2 đạo dụ đưa cho người ngoại quốc, nội dung bàn về lợi ích của thông thương, buôn thuốc phiện là tội, lệ cấm rất nghiêm, không thể buôn lén ; thông sức các phà chở nha phiến phải mang nạp quan, không được tàng trữ chút nào. Lại đưa ra bản cam kết bằng chữ Hán và chữ nước ngoài, cam đoan “ Từ nay thuyền đến không được chở kèm nha phiến ; nếu mang đến, một khi bắt được, hàng hóa phải nạp quan, bản thân chịu tội chết, thuận tình cam chịu tội. ” Ông nhấn mạnh pháp luật phải thi hành “ Nếu một ngày chưa hết nha phiến, thì bản Ðại thần chưa trở về ; thề thủy chung với công việc này, không có lý gì để dừng lại.” Lại có một đạo dụ cấp cho Hàng thương, kết tội bọn này cấu kết với người Di lừa dối quan phủ ; lệnh trong 3 ngày lo liệu hai vấn đề nạp thuốc phiện và cam kết nêu trên, nếu không “ đem một, hai người ra xử tội chết, tài sản tịch thu.” Ngày thứ 2, Hải quan bố cáo, cấm người ngoại quốc rời khỏi Quảng Châu [Guangzhou] đến Áo Môn [Macau], đợi Khâm sai đại thần tra xét.

Gần 100 năm nay, chính phủ Trung Quốc đối với việc thông thương với Tây phương, chưa bao giờ kiên quyết như vậy. Ngoại quốc cho rằng viên chức Trung Quốc thuộc loại đầu cọp đuôi rắn, chỉ ưa phô diễn, rồi mọi việc sẽ kết thúc. Ba ngày sau, họ chỉ nguyện ý nạp 1.037 rương nha phiến ; Lâm cho rằng quá ít, cự không chịu nhận, thực hiện đình chỉ mậu dịch, đuổi dân buôn, công nhân về Di quán, bắt tên buôn thuốc phiện Lancelot Dent [Ðiên Ðịa], tên này địa vị chỉ dưới William Jardine [Tra Ðồn]. Lãnh sự Charles Elliot [Nghĩa Luật] nghe tin, ngày 24/3 từ Áo Môn đến ngay Di quán ; ngay chiều hôm đó Lâm phái binh bao vây Di quán, cấm chỉ ra vào ; số người ngoại quốc bị giữ tại Di quán hơn 300 người, sinh hoạt rất bất tiện, nhưng thực phẩm thì không để thiếu. Họ Lâm phải thi thố cách này, vì nha phiến chất tại các phà ngoài biển, rất khó khống chế ; chính lấy tĩnh chế động, bắt giặc thì bắt đầu sỏ, sử dụng biện pháp hữu hiệu “ không ác nhưng nghiêm.”

Sau khi Di quán bị vây một ngày, Charles Elliot [Nghĩa Luật] tránh gặp Lâm Tắc Từ, nhưng đệ bẩm lên Ðặng Ðình Trinh yêu cầu nội trong ba ngày khôi phục người Anh và thuyền được di chuyển tự do, nếu không sẽ gặp khó khăn bởi hành động, mà hậu quả sẽ không chịu trách nhiệm, lại xin cho Ủy viên gặp để thương thảo. Lâm phái nhân viên đến Dương hàng đàm thoại, nhưng Charles Elliot và thương nhân ngoại quốc không đến. Lâm trách Charles Elliot kháng cự vi phạm, nếu như nạp hết số thuốc phiện tại phà, thì trở lại buôn bán bình thường, việc trước kia không truy cứu. Lại dán thiếp hiểu dụ, đề cập đến thiên lý, quốc pháp, nhân tình, sự thế ; khuyên nên nạp thuốc phiện và làm giấy cam kết.

Ngày 27/3 Charles Elliot khuất phục, trực tiếp bẩm xin với Lâm, đem số nha phiến người Anh kinh doanh, nạp đủ. Cũng trong ngày, bố cáo cho người Anh tuân thủ ; tổng kê số nha phiến là 20.283 rương. Lâm ưng thuận, thưởng cho thực phẩm trâu, dê ; giao hạn nếu nạp được ¼ cho khôi phục việc buôn bán ; nạp 2/4, được đi lại từ tỉnh thành đến Áo Môn, nạp ¾ cho mở cửa thuyền mậu dịch, nạp hết trở lại bình thường. Charles Elliot mệnh viên Phó lãnh sự chiêu tập các phà lênh đênh ngoài biển, ngày 22/4 bắt đầu nạp nha phiến, ước 40 ngày thì xong. Ngảy 3/6 thực hành thiêu hủy ; trước đó nơi bờ biển tại Hổ Môn [Humenzhen], chọn một chỗ thích hợp đào vũng dẫn nước vào, đổ nhiều muối, đem nha phiến trộn vào, cùng thêm vôi vào dung dịch, lấy bừa sắt bừa kỹ, trộn lật, rồi tống ra biển ; thời gian mất 20 ngày mới thiêu hủy xong. Trong thời gian thiêu hủy Khâm mệnh Lâm Tắc Từ, và Tổng đốc Ðặng Ðình Trinh thay phiên giám sát. Thuyền trưởng Mỹ, thương nhân, Giáo sĩ đều được tham quan ; chứng thực việc chấp hành, vua Ðạo Quang khen “ đại khoái nhân tâm.”

3. Kiên trì bắt cam kết và giao hung phạm

 Người Anh chịu nạp thuốc phiện, thứ nhất do áp lực bởi Lâm Tắc Từ không có cách gì kháng cự, thứ hai do Charles Elliot [Nghĩa Luật] tuyên bố vấn đề nạp nha phiến sẽ do nước Anh quản lý, thương nhân không lo việc tổn thất. Sau khi nha phiến nạp xong, theo lệnh của Charles Elliot họ trở về Áo Môn, đình chỉ cho thuyền vào cửa khẩu, để chờ lệnh của chính phủ Anh. Nạp nha phiến và cam kết là 2 điều quan trọng Lâm Tắc Từ đòi hỏi. Tại thương hội Quảng Ðông [Guangdong] liên danh bẩm trình vĩnh viễn không đưa nha phiến vào Trung Quốc, nha phiến cũng đã nạp xong, thấy được ý hối hận của Charles Elliot, nên khi y xin khoan hạn ký bản cam kết, họ Lâm đã chấp nhận. Ðó là nguyên nhân tại sao cam kết chưa ký hết, mà thương nhân Anh đã được rời Quảng Châu [Guangzhou].

Lúc này những thuyền Anh đến Quảng Ðông, ngoài nha phiến còn tải gạo, vải bố, vải hoa;  lâu ngày không khỏi ẩm thấp mối mọt ; nên đối với lệnh không cho vào cửa khẩu của Charles Elliot, không khỏi bất mãn. Bởi vậy Charles Elliot thay đổi kế hoạch, xin Lâm Tắc Từ cho người đến bàn. Lâm Tắc Từ cho là thành thực, thưởng 1.600 hộp trà ; lại cho thuyền trống đến Hoàng Phố [Huangpu] lấy hàng. Charles Elliot yêu cầu lấy hàng tại Áo Môn, Lâm cho rằng nếu chấp nhận như vậy Áo Môn sẽ thành nơi chứa trữ buôn bán nha phiến ; bèn hẹn trong 5 ngày đến Hoàng Phố lấy hàng, nếu không thì lập tức trở về nước. Charles Elliot cho rằng thuyền nước Anh không đến Hoàng Phố vì nhà đương cục Quảng Châu làm nhiều điều không đúng, nếu như không cho lấy hàng tại Áo Môn thì không có gì phải bàn thêm. Lâm thấy rằng những thuyền đến sau vẫn mang thuốc phiện bán trên biển, càng thấy Charles Elliot vẫn giữ trong lòng sự chống đối.

Trong lúc hai bên tranh chấp chưa giải quyết xong, thì đầu tháng 7 xẩy ra vụ người Anh ẩu đả rồi giết chết một người Hoa tên là Lâm Duy Hỷ tại Cửu Long [Kowloon, Hương Cảng]. Charles Elliot tập nã hung phạm, xử nạp tiền chuộc và giam một thời gian ngắn. Lâm Tắc Từ mấy lần ra lệnh giao tội phạm, Charles Elliot trả lời Nữ hoàng Anh không cho phép. Lâm Tắc Từ cho rằng nói láo “ Nước này vốn có định lệ đến buôn bán tại nước nào, thì chịu pháp luật của nước đó ” “ Giết người phải thường mệnh, Trung Quốc và người nước ngoài đều như vậy. Nếu phạm tội tại y quốc địa phương, phải do y quốc biện lý ; như tại Thiên triều, sao không giao cho hiến quan thẩm tra ? ” lời bàn luận đúng với quốc tế công pháp. Lại bảo rằng Charles Elliot là một quan chức Anh “ tra rõ tội phạm người Di, lại giữ tại thuyền ; nếu chống lại không giao, là can tội che giấu tội phạm tức đồng tội với tội phạm.” Charles Elliot không lung lay, Lâm bất đắc dĩ phải phong tỏa Áo Môn, không cho người Anh cư trú. Hạ tuần tháng 8, Charles Elliot và người Anh chuyển đến Hương Cảng [Hongkong], hoặc trên thuyền vùng phụ cận. Lâm bố cáo với đoàn luyện cùng thôn dân tại duyên hải, trong trường hợp người Anh lên bờ thì xua đuổi, đoạn tuyệt mọi tiếp tế, khiến bị khốn khó. Ngày 4/9, Charles Elliot mang một thuyền chiến mới đến Cửu Long, yêu cầu mua thực phẩm không được, bèn khai pháo ; pháo đài Trung Quốc mãnh liệt bắn trả lại, cà hai bên đều tổn thất. Lâm cũng không có ý quyết liệt, chỉ thủ thế mà thôi. Thái độ của triều đình Bắc Kinh cường ngạnh hơn, Ðạo Quang ra chỉ thị “ Trẫm không lo khanh phản ứng mãnh liệt, chỉ răn khanh đừng sợ sệt ; trước ra uy sau mới nghe, khống chế là biện pháp tốt.”

Charles Elliot là kẻ theo chủ nghĩa thực dụng, trước đó nhắm khống chế Lâm Tắc Từ, không cho thương thuyền Anh ghé vào Hoàng Phố ; đồng thời cho thuyền Mỹ thay Anh chở hàng vải vóc vào bán, cùng mua trà. Rồi xin buôn bán tại Áo Môn nhưng không được ; sau khi bắn phá tại Cửu Long không có kết quả, người Anh gặp khó khăn, bèn nghĩ đến việc thỏa hiệp ; gửi thư cho viên Ðồng tri Áo Môn, biểu thị hòa bình, xin gặp mặt thương nghị. Lâm vốn không muốn quyết liệt, chỉ mong cấm được nguồn vào của nha phiến, nếu Charles Elliot hối hận, thì chấp nhận theo điều xin ; với điều kiện thuyền mới đến phải giao nạp nha phiến, giao tội phạm, phải đưa phà lênh đênh ngoài biển về nước, mới khôi phục bình thường mậu dịch. Hạ tuần tháng 9, Charles Elliot đến Áo Môn, mang thiếp phúc đáp rằng thuyền Anh hiện không có nha phiến, hãy cộng đồng tra xét, nếu như thấy được thì hàng hóa tịch thu, người buôn thì bị đuổi về, thương gia Anh tại Quảng Ðông cộng đồng cam kết, có lãnh sự đóng dấu ký tên ; hung phạm sẽ tra rõ, nếu như là người Anh thì chiếu theo luật Anh thẩm biện ; riêng phà thì chờ khi thuận gió sẽ đưa về nước. Lâm lại đề ra biện pháp rằng những thương thuyền tình nguyện cam kết, cho buôn bán như thường, không tra xét thêm ; những thuyền chưa cam kết, cho khám thuyền, như thấy có nha phiến thì hàng bị quan tịch thu, người bị xử tử ; hẹn trong 10 ngày phải nạp hung phạm. Charles Elliot tránh chiếu theo mẫu cam kết, chỉ đồng ý tra xét. Lâm cho rằng ký tờ cam kết và tra xét là hai việc ; vả lại đã không có nha phiến, thì sao lại sợ cam kết ?

Lâm Tắc Từ kiên quyết như vậy vì lúc bấy giờ có chủ thuyền Anh, cùng thuyền các nước Mỹ, Pháp đều chiếu theo dạng thức cam kết. Ông ta biết rằng thương gia Anh bất mãn với Charles Elliot, không phải không muốn cam kết, vả lại “ người Di không coi thường việc cam kết, như vậy việc cam kết có thể dựa được.” Charles Elliot trước sau xử trí bất đồng, quá khứ bị Lâm áp bách phải nạp thuốc phiện vì người Anh bị Lâm giữ tại Di quán ; nay không sợ Lâm tái thi hành áp lực, nên quyết không chấp nhận mẫu cam kết “…mang nha phiến đến, một khi bắt được, hàng hóa phải nạp quan, bản thân chịu tội chết…”, nếu không muốn tự dẫm vào nguy cơ. Lâm dọa rằng nếu Charles Elliot phản phúc sẽ cho binh thuyền bắt hung phạm và phạm nhân buôn thuốc phiện, cùng hỏa thiêu thuyền Anh ; Charles Elliot biết rằng Lâm thiếu hạm đội hùng mạnh, không thể làm việc đó, nên không sợ chút nào.

4. Tìm hiểu Tây phương cùng vận dụng ngoại giao

 Từ hàng trăm năm, Trung Quốc đối với các nước Tây phương rất xa cách ; ngay cả tên nước, cùng vị trí phương vị cũng lẫn lộn, không nói đến những điều khác. Riêng Lâm Tắc Từ tự xưng “ quê nhà tại bờ biển Phúc Kiến, đối với kỹ năng của dân Di, đã từng sớm biết ” ; kỳ thực kiến thức về Tây phương cũng rất hạn chế, Lâm cũng không che giấu điều đó. Nhiệm vụ của Lâm là tra xét sự kiện tại hải khẩu, cấm tuyệt nha phiến, mọi sự đều liên quan đến người Tây phương, đặc biệt là người Anh, nên cần phải biết rõ động thái của họ. Trước khi rời kinh đô Bắc Kinh, Lâm đã sai khiến một số người biết rõ việc mậu dịch tại Quảng Ðông sưu tầm thêm tư liệu ; trên đường xuống phía nam, từng bàn bạc với những người đã làm quan cùng thông hiểu tình hình tại Quảng Ðông ; sau khi đến nơi, hỏi han Lương Ðình Thụ, người chuyên làm việc với người Di, lại tập hợp 600 học sinh tại 3 thư viện, mở cuộc thi “ Quan phong thí ” 3 để hỏi về thực trạng nha phiến tuồn nhập vào, và cách thức diệt trừ.

Ðối với tình hình Tây phương, cần phải biết sự thực, mới vạch ra được phương lược khống chế. Lâm ra lệnh những người buôn bán với Tây dương, Thông sự, hướng dẫn thủy trình các nơi, thăm dò tình hình Tây phương, từng ngày báo cáo. Lại chọn những người thông hiểu ngoại văn phiên dịch sách báo, người Tây phương cũng có kẻ tình nguyện giúp, dịch các tạp chí phần lớn xuất bản từ Áo Môn, Nam Dương, Ấn Ðộ, Luân Ðôn, soạn thành tập nhan đề Hoa sự Di ngôn lục yếu. Giao cho ba thanh niên Trung Quốc, một người từng du học tại Mỹ, hai người khác từng học tại Mãn Lạt Gia [Malacca] tuyển dịch Tứ Châu Chí [Murray, Cyclopaedia of Geography] ; lại giao cho Giáo sĩ Peter Parker [Bá Giá] người Mỹ, dịch một phần Vạn Quốc luật lệ [De Vattel, Law of Nations] ; tại văn thư xử lý việc giao hung phạm, Lâm đã từng dẫn dụng tài liệu này. Ðối với các sách về vũ khí, thuyền máy cũng biên dịch ; người ngoại quốc cho ông là “ người tốt thông minh, có điều tâm đắc, không nề gian khổ, thường chú trọng tập dùng ”.

Không phải riêng nước Anh buôn lậu nha phiến, người Mỹ, Bồ cũng tham gia ; nhưng không đông bằng người Anh. Mệnh lệnh của Lâm, nếu có nha phiến thì nhất luật đem nạp, Lãnh sự Mỹ bẩm xưng rằng nha phiến của người Mỹ chỉ thay Anh tiêu thụ, đã giao hoàn Charles Elliot [Nghĩa Luật] chuyển nạp. Lúc đầu Lâm không tin, nhưng qua lời minh xác của Charles Elliot, thì không tra cứu thêm nữa. Áo Môn là nơi tẩu tán nha phiến, người Bồ tình nguyện cam kết không còn cất giấu nha phiến. Lâm bảo rằng nếu cải bỏ lỗi lầm theo điều thiện, do “ Binh đầu ” [Tổng đốc Bồ] ký thêm vào, thì chấp nhận. Charles Elliot tự nguyện thay Mỹ bảo đảm, là muốn kết liên với người Mỹ thành một khối để dễ bề hành động ; Lâm không muốn họ dính dấp vào, để rảnh tay chuyên đối phó với Anh. Lúc Di quán bị vây, thương gia Mỹ tên Kinh [C.W. King] thanh minh rằng y không buôn nha phiến, mà lại khuyên người khác đừng buôn, khiến Lâm có ấn tượng tốt. Sau khi nạp thuốc phiện xong, để sớm khôi phục mậu dịch, Lâm cho thuyền Mỹ ra vào trước, thay thế lợi ích của Anh, để người Anh theo đó mà vào khuôn khổ. Một đàng thì khoan, một đàng nghiêm, có tác dụng phân hóa, đó là chính sách dùng Di chế Di. Ðối với Anh, Mỹ như vậy ; còn đối thương nhân Anh và Charles Elliot cũng dùng sách lược tương tự. Charles Elliot cấm chỉ thuyền Anh vào cửa khẩu ; Lâm phái hai vị Ðồng tri, cùng Hàng thương, Thông sự, trực tiếp dẫn thương gia Anh vào cửa khẩu mậu dịch, gia tăng hiệu quả khiến cho Charles Elliot gặp khó khăn.

Muốn đoạn tuyệt nha phiến từ gốc, khi Lâm Tắc Từ bệ kiến vua Ðạo Quang, tâu sẽ dùng hịch hiểu dụ khuyên nước Anh tự thi hành cấm chỉ. Lúc mới đến Quảng Ðông đã soạn bản chiếu hội [thông báo] gửi cho Nữ hoàng Queen Alexandrina Victoria [Duy Ða Lợi Á 1819-1901], bảy tháng sau Áo Môn nguyệt báo bình luận rằng ông ta lưu tâm đến nước ngoài, đem cân nhắc bản chiếu hội thấy được sở trường kiến thức. Nội dung chiếu hội trình bày việc thông thương cần có lợi cho hai bên, không thể “ dùng vật hại người để mưu cầu không chán ”. Nước Anh cấm nha phiến rất nghiêm, đã biết rõ cái hại của nha phiến ; cái mà không dùng để hại nước Anh, không thể chuyển sang hại Trung quốc “ Giả sử có người nước nào buôn lậu nha phiến đến nước Anh, dụ người hút thuốc, đáng cho quý Quốc vương ghét bỏ tuyệt trừ.” “ Quí Quốc vương trong lòng nhân hậu, không thể lấy cái mình không muốn, đưa cho người ” “ Quý Quốc vương chính lệnh nghiêm minh, nhưng thuyền buôn thì nhiều nên không quan sát hết ”. Nay dùng văn thư chiếu hội, để Anh quốc thấy được Trung Quốc cấm lệnh nghiêm, nếu như nghiêm sức Ấn Ðộ không trồng thuốc phiện, càng “ thi hành nhân chính hưng lợi trừ hại, trời ban phước thần ban phúc ” &ldq

0