23/05/2018, 15:26

Giới thiệu một số đặc điểm sinh học của hàu Thái Bình Dương

Hàu Thái Bình Dương(TBD) được Thunberg phân loại vào 1793 như sau: Ngành nhuyễn thể: Mollusca; Lớp hai mảnh vỏ: Bivalvia; Bộ cơ lệch: Anisomyarya; Họ hàu: Ostreidae; Giống hàu: Crasosstrea; Loài hàu Thái Bình Dương: C. gigas Hình thái ngoài của hàu Thái Bình Dương Đặc điểm phân bố Hàu Thái ...

Hàu Thái Bình Dương(TBD) được Thunberg phân loại vào 1793 như sau: Ngành nhuyễn thể: Mollusca; Lớp hai mảnh vỏ: Bivalvia; Bộ cơ lệch: Anisomyarya; Họ hàu: Ostreidae; Giống hàu: Crasosstrea; Loài hàu Thái Bình Dương: C. gigas Hình thái ngoài của hàu Thái Bình DươngHình thái ngoài của hàu Thái Bình Dương

Đặc điểm phân bố

Hàu Thái Bình Dương là loài bản địa của Nhật Bản, chúng phân bố từ 30 – 45 vĩ độ Bắc của Hàn Quốc và phân bố ở vùng biển phía Bắc của Nhật Bản.

Hàu Thái Bình Dương được nhập vào Mỹ 1920, Pháp năm 1966, đến năm 2003 chúng có mặt ở 64 nước trên thế giới ở cả 5 Châu lục.

Hiện nay, nó đã được tìm thấy phổ biến ở vùng biển của Pháp, Anh, Mexico, Trung Quốc, Brazil…

Những năm gần đây, hàu Thái Bình Dương được di nhập về Việt Nam và được sản xuất giống , nuôi thương phẩm phổ biến ở các vùng biển thuộc tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Khánh Hòa…

Hàu Thái Bình Dương phân bố từ 30 – 45 vĩ độ Bắc của Hàn Quốc, ở vùng giữa triều, độ mặn thích hợp từ 10 – 30‰.

Hàu Thái Bình Dương cũng là loài phân bố vùng triều thấp đến độ sâu 40m, sống bám trên bề mặt đá, rễ cây hay vỏ nhuyễn thể khác.

Hàu Thái Bình Dương là loài có khả năng thích ứng rộng, có thể sống ở độ mặn 10 – 42‰, nhiệt độ 4 – 35ºC, đặc biệt ở – 5ºC còn tồn tại.

Độ mặn thích hợp là 20 – 25‰, mặc dù chúng có thể sống ở độ mặn <10‰ và >35‰.

Hàu Thái Bình Dương cũng là loài rộng nhiệt, chúng có thể sống ở nhiệt độ từ -1,8ºC đến 35ºC nhưng thích hợp ở nhiệt độ 20 – 28ºC.

Đặc điểm hình thái cấu tạo

Hàu Thái Bình Dương là loài có kích thước lớn nhất trong các loài hàu có trên thế giới, kích thước trung bình từ 8 – 20 cm, có sức sinh trưởng nhanh có thể đạt 100mm trong 12 tháng đầu đời, tuổi thọ có thể đạt 13 năm.

Hàu Thái Bình Dương có dạng giống với hàu cửa sông (C.rivularis), tuy nhiên hàu Thái Bình Dương có tỷ lệ chiều cao và chiều dài lớn hơn từ 1/2 – 1/3 hàu cửa sông.

Hàu sống ở các khu vực khác nhau có hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau.

Hình thái vỏ hàu Thái Bình Dương:

Vỏ hàu Thái Bình Dương tương đối lớn và không đều nhau giữa hai vỏ, chúng dài và có hình gần Oval, những sọc đối xứng của 2 vỏ thì bắt đầu từ những mấu lồi.

Cơ khép vỏ có hình bầu dục. Trên bề mặt phần trước bụng và phần lưng của vỏ thường có những hốc lõm sâu.

Màu vỏ ngoài hơi trắng vàng và có những sọc màu nâu, phía trong vỏ có màu trắng sữa.

Cấu tạo bên trong:

Xúc tu có dạng những nếp gấp hình nón với màu hơi ngả vàng và những chấm nâu.

Ruột màu đen, tim có màu ngà hơi vàng. Hình thái bên trong của hàu Thái Bình DươngHình thái bên trong của hàu Thái Bình Dương

1. Tim 3. Hậu môn 5. Xoang nước ra 7. Màng áo phải 2. Cơ khép vỏ 4. Vỏ phải 6. Mang 8. Màng áo trái 9. Ruột 10. Dạ dày 11. Tuyến sinh dục 12. Bản lề 13. Miệng

Đặc điểm dinh dưỡng

Cũng giống như các loài nhuyễn thể khác, hàu Thái Bình Dương là loài ăn lọc. Hàu bắt mồi trong quá trình hô hấp dựa vào cấu tạo đặc biệt của mang. Khi hô hấp nước có trong mang theo thức ăn qua bề mặt mang, các hạt thức ăn được giữ lại ở mang nhờ các tiêm mao và dịch nhờn được tiết ra nhờ các tiêm mao. Các hạt thức ăn có kích thước nhỏ sẽ được dịch nhờn của các tiêm mao quấn dần về phía miệng, còn hạt thức ăn quá lớn tiêm mao không giữ được sẽ bị dòng nước quấn đi khỏi bề mặt mang, sau đó tập trung ở mép màng áo và bị màng áo đẩy ra ngoài. Mặc dù hàu bắt mồi thụ động nhưng với cách bắt mồi như vậy, chúng có thể chọn lọc thức ăn theo kích thước.

Hàu Thái Bình Dương là loài ăn lọc thụ động, chúng lọc những thức ăn phù hợp về kích thước, những loại thức ăn không thích hợp sẽ không được tiêu hóa và bị đẩy ra ngoài. Thức ăn của hàu tương đối đa dạng như: vi khuẩn, sinh vật nhỏ, mùn bã hữu cơ, tảo, trùng roi có kích thước dưới 10µm. Hàu cũng có thể sử dụng được một số vật chất hòa tan trong nước và vật chất hữu cơ.

Quá trình chọn lọc thức ăn được thực hiện 4 lần theo phương thức trên: Lần 1 xảy ra trên bề mặt mang, lần 2 xảy ra trên đường vận chuyển, lần 3 xảy ra trên xúc biên, lần 4 xảy ra tại manh nang chọn lọc thức ăn. Thức ăn sau khi được chọn lọc được đưa đến dạ dày để tiêu hoá, tại đây thức ăn được tiêu hoá một phần nhờ các men như: Amilase, Lactase, Glycogenase, Lipase, Maltase, Protease… Các thức ăn không thích hợp sẽ được đẩy xuống ruột và ra ngoài qua hậu môn.

Trong giai đoạn ấu trùng, thức ăn phù hợp bao gồm: vi khuẩn, sinh vật nhỏ mùn bãi hữu cơ, tảo khuê, tảo Silic (Bacillarophyta), trùng roi có kích thước dưới 10µm. Ấu trùng có thể sử dụng vật chất hoà tan trong nước và các vật chất hữu cơ. Các loài tảo thường gặp là tảo khuê như: C.calcitran, C.muelleri…tảo silic: Nitzschia, Skeletonema…tảo có lông roi: I.galbana, P.lutherii, Tetraselmis…vì kích cỡ phù hợp, dễ tiêu hoá, hàm lượng dinh dưỡng cao.

Các tác nhân ảnh hưởng đến cường độ bắt mồi của hàu là thuỷ triều, lượng thức ăn và các yếu tố môi trường (nhiệt độ, nồng độ muối…). Khi thuỷ triều lên, cường độ bắt mồi tăng, triều xuống cường độ bắt mồi giảm, trong môi trường có nhiều thức ăn thì cường độ bắt mồi thấp và ít thức ăn thì cường độ bắt mồi cao.

Đặc điểm sinh trưởng

– Nhiệt độ, thức ăn và độ mặn đây là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ấu trùng.

Khi nhiệt độ thấp, hàu sinh trưởng và biến thái chậm, thời gian phù du kéo dài, khoảng nhiệt độ 19 – 20ºC giai đoạn phù du của hàu kéo dài 3 tuần, độ mặn trong giai đoạn này có thể dao động 14 – 37‰ nhưng thích hợp nhất là 15 – 25‰.

Nếu ấu trùng được cung cấp thức ăn đầy đủ và các yếu tố môi trường được duy trì thích hợp thì kích thước của ấu trùng có thể đạt tới 1,5mm.

– Biến thái của ấu trùng khi đạt kích thước >280µm.

Đặc điểm sinh sản

– Hàu Thái Bình Dương là loài lưỡng tính, lúc mới sinh ra là đực, trong quá trình sống thì giới tính thay đổi phụ thuộc vào môi trường sống. Trong vùng thức ăn phong phú thì đàn hàu cái chiếm ưu thế. Khi môi trường nước có nguồn thức ăn nghèo về số lượng và thành phần loài thì chúng lại chuyển thành đực. Ở châu Âu, quá trình hình thành giao tử bắt đầu tại 10ºC, độ mặn 15 -32‰, sự hình thành giảm đi khi độ mặn cao hơn. Sự đẻ trứng diễn ra ở 18ºC, đặc biệt ở Canada gặp trường hợp sinh sản ở 15ºC.

Trong mùa sinh sản, tuyến sinh dục phát triển mạnh, trọng lượng có thể đạt 50% trọng lượng cơ thể, hầu cái đẻ 50 – 200 triệu trứng/lần đẻ. Trứng có thể tồn tại trong nước 10 – 15h sau 3 – 4 tuần phát triển thành Spat. Cũng như loài hàu sông của Việt Nam, thời gian đầu, ấu trùng sống phù du trong cột nước, sau thời gian biến thái sẽ lắng đáy và bám vào vật bám. Lúc này kích thước ấu trùng đạt 300 – 330µm. Thời gian biến thái của hàu phụ thuộc vào nhiệt độ, thức ăn, độ mặn.

– Các giai đoạn phát triển của ấu trùng:

* Ấu trùng Veliger

Xuất hiện ấu trùng Veliger sau 16 – 24 giờ từ khi thụ tinh, ấu trùng có dạng chữ D, có 2 nắp vỏ và có vành tiêm mao giữa 2 nắp vỏ, ấu trùng vận động nhanh nhờ sự vận động của vành tiêm mao miệng.

Giai đoạn này kéo dài từ 2 – 6 ngày và kích thước ấu trùng dao động từ 75 – 120 µm.

* Ấu trùng Umbo

Đặc trưng của giai đoạn này là sự hình thành các cơ quan bao gồm: giai đoạn Umbo sơ kỳ, bắt đầu xuất hiện mầm cơ khép vỏ. Quan sát trên kính hiển vi thấy ruột và một đôi cơ quan trong suốt.

Giai đoạn Umbo trung kỳ xuất hiện đỉnh vỏ, kích thước ấu trùng đạt 130 – 200 µm. Giai đoạn hậu kỳ đỉnh vỏ, ấu trùng xuất hiện điểm mắt, kích thước ấu trùng tăng nhanh, cuối giai đoạn Umbo hậu kỳ xuất hiện điểm mắt ở gần phía đỉnh vỏ, một số cá thể hình thành chân bò, đây là dấu hiệu kết thúc giai đoạn sống trôi nổi chuyển sang giai đoạn sống bám cố định.

* Ấu trùng bám

Sau khi xuất hiện chân bò, hoạt động bơi của ấu trùng giảm dần, lúc này vành tiêm mao và điểm mắt thoái hoá dần.

Đặc trưng của giai đoạn này là sự hình thành các tơ chân, màng áo và một số cơ quan khác. Ấu trùng chuyển sang hoàn toàn sống bám.

0