18/06/2018, 16:10

Giáo dục trong xã hội Hàn Quốc

Bà Park Geun Hye dùng bút lông viết thư pháp tiếng Triều Tiên, bên phải là cha của bà: Tổng thống Park Chung Hee. Ảnh chụp tại Seoul vào 31 tháng Tám năm 1977, lúc này bà Park đang phải nhận cương vị Đệ nhất Phu nhân vì mẹ bà đã bị bắn chết trong một vụ ám sát hụt ông Park năm 1974. Ông Park ...

Bà Park Geun Hye dùng bút lông viết thư pháp tiếng Triều Tiên, bên phải là cha của bà: Tổng thống Park Chung Hee. Ảnh chụp tại Seoul vào 31 tháng Tám năm 1977, lúc này bà Park đang phải nhận cương vị Đệ nhất Phu nhân vì mẹ bà đã bị bắn chết trong một vụ ám sát hụt ông Park năm 1974. Ông Park thuộc thế hệ được đào tạo tại Nhật, còn bà Park thuộc thế hệ học xong Cử nhân hoàn toàn tại Hàn Quốc.

Bà Park Geun Hye dùng bút lông viết thư pháp tiếng Triều Tiên, bên phải là cha của bà: Tổng thống Park Chung Hee. Ảnh chụp tại Seoul vào 31 tháng Tám năm 1977, lúc này bà Park đang phải nhận cương vị Đệ nhất Phu nhân vì mẹ bà đã bị bắn chết trong một vụ ám sát hụt ông Park năm 1974. Ông Park thuộc thế hệ được đào tạo tại Nhật, còn bà Park thuộc thế hệ học xong Cử nhân hoàn toàn tại Hàn Quốc.

Đặng Thái

Hiện nay có vài nghìn du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Nền giáo dục nói chung và cách dạy dỗ trẻ em của một nước tiên tiến như Hàn Quốc có gì ưu việt? Chúng ta có nên học tập họ hoặc mang chương trình giảng dạy của họ về nước như một số người kiến nghị không? Có phải sự phát triển kinh tế thần kỳ của họ là nhờ phần lớn ở giáo dục thế hệ trẻ?

Đại Hàn Dân Quốc (mà chúng ta thường gọi tắt Hàn Quốc) là một đất nước giàu có, đó là một sự thật không thể chối cãi. Mỗi một người Việt Nam dù Thủ Tướng hay thường dân xuất khẩu lao động đi chơi Hàn Quốc về, ắt hẳn đều có nhiều suy nghĩ. Càng trăn trở với đất nước thì càng phải nghĩ nhiều. Hàng năm có trên dưới trăm nghìn người Việt Nam sang Hàn Quốc với rất nhiều mục đích khác nhau, người đi ngắn hạn, người đi rất lâu, có người đi mãi mãi không về, nhưng không nhiều trong số đó hiểu được bản chất của xã hội Hàn Quốc như chiều ngược lại họ hiểu về chúng ta. “Chúng ta cần học tập Hàn Quốc nhiều mặt”, chính xác, nhưng mình sẽ không bao giờ nghe lọt tai cái luận điệu mà nhiều người vẫn ra rả: “Hàn Quốc (hay Đài Loan, Nhật Bản) chính là hình mẫu tương lai mà Việt Nam cần phấn đấu đạt được”. Tại sao mình lại nghĩ như vậy? Có những điều hiển nhiên về một vùng đất mà có người ở đấy mười năm chẳng nhận ra, nhưng có khi chỉ cần nhìn nhận thật khách quan lại thấy nó hiển hiện trước mắt.

Cái giá phải trả cho một nền kinh tế tăng trưởng thần kì là một xã hội đầy những vấn đề ngang trái. Hàn Quốc học Nhật Bản rất nhiều nhưng xã hội lại không Tây hóa được nhiều như ở Nhật (vậy mà xã hội Nhật còn đang khủng hoảng nặng nề). Sự ràng buộc của Khổng giáo và Hán hóa sâu đậm tương phản với sự bùng nổ kinh tế tư bản khiến cho xã hội Hàn Quốc rối loạn trầm trọng, khủng hoảng có trong từng gia đình. Mà “tề gia” thì mới “trị quốc” và “bình thiên hạ” được, những nhà nghiên cứu và quản lý xã hội ở Hàn đang đau đầu tìm (nhiều) lời giải. Mình chợt chột dạ, thấy lờ mờ “tương lai đang đón chờ tay em” ở quê nhà nên quyết định sẽ để tâm tìm hiểu, sẽ gạt bỏ những thành tựu kinh tế hào nhoáng đẹp đẽ bên ngoài để đào sâu nhìn nhận thật khách quan và nghiêm túc về xã hội Hàn Quốc trong thời gian ở đây. Đơn giản là để rút ra chính bài học cho cá nhân mình trong quan hệ với gia đình và bạn bè, nếu không muốn nói rộng hơn là xã hội Việt Nam trong tương lai rất gần.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc tuyên bố vừa phát triển một ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp hạn chế tỷ lệ học sinh, sinh viên tự sát. Họ cho biết ứng dụng này dò tìm những từ ngữ “có liên quan đến tự sát” mà học sinh, sinh viên sử dụng trên các trang mạng xã hội hoặc trong các tin nhắn điện thoại. Ứng dụng này sẽ lập tức gửi cảnh báo tới điện thoại của phụ huynh. Hàng năm cứ mỗi khi kỳ thi đại học ở Hàn Quốc diễn ra là số học sinh tự sát tăng vọt. Chỉ riêng trong năm 2014 số học sinh, sinh viên tự sát là 118 người. Như vậy cứ ba ngày ở Hàn Quốc lại có một học sinh hoặc sinh viên tự sát (trong đó có vài trường hợp tự sát ở bậc tiểu học). Vì đâu mà đến nông nỗi này?

Quay lại vài chục năm trước, khi Park Chung Hee lên nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối ở Đại Hàn Dân Quốc, ông đã tập trung vào xử lý hệ thống giáo dục. Tất cả sự quản lý giáo dục các cấp được tập trung vào Bộ Giáo Dục, giống như Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ở Việt Nam trước đây. Họ đã bắt đầu từ những việc căn bản nhất như tìm ra triết lý giáo dục, đồng bộ hóa ngôn ngữ kỹ thuật chuyên môn bằng cách chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Hàn. Suốt thời kì đô hộ của Nhật, tiếng Nhật được đưa vào giảng dạy ở tất cả các bậc giáo dục, tiếng Triều Tiên gần như bị cấm, người Triều Tiên phải học tiếng Nhật, đọc các sách “thánh hiền” của Nhật. Hàn Quốc thừa hưởng một hệ thống giáo dục rập khuôn như đúc của Nhật Bản, tầng lớp tinh hoa lãnh đạo Hàn Quốc sau khi độc lập, đều đi học bên Nhật về. Người Hàn Quốc tìm cách chối bỏ một sự thật rằng người Nhật đã đào tạo hàng trăm nghìn trí thức cho nền công nghiệp Hàn Quốcvề sau (câu chuyện dài dòng giữa hai dân tộc này sẽ kể chi tiết hơn ở bài sau).

Tổng thống Park Chung Hee đã động viên toàn thể sinh viên cả nước, dốc hết sức cho học tập trong các trường đại học, đến mức mà mỗi người Hàn Quốc chỉ cần nhìn thấy lá cờ Thái Cực bay trong sân trường là phải tự nhủ cần quyết tâm hơn nữa. Mọi chỉ tiêu, số lượng sinh viên nhập học, học ngành gì ra trường làm gì, thậm chí biên chế giáo viên mỗi trường đều do bộ Giáo Dục kiểm soát. Xã hội Hàn Quốc mang nặng tư tưởng đạo Khổng, trọng người học cao, những người học kỹ sư, bác sĩ hoặc có trình độ chuyên môn đều được ngưỡng mộ nên chính ý chí sắt đá của cá nhân và mô hình giáo dục “trung ương tập quyền”, chứ không phải việc phát triển con người, đã đóng góp vào sự tăng trưởng thần kì của kinh tế. Môi trường giáo dục khắc nghiệt đó đã đóng góp một lượng lớn trí thức cho việc công nghiệp hóa Hàn Quốc trong thế kỉ XX, nhưng vào thời điểm hiện tại, họ đang loay hoay mắc kẹt không khác gì giáo dục Việt Nam hiện nay, thậm chí ở một số khía cạnh còn khủng hoảng hơn rất nhiều.

Học sinh vái lạy cầu may ngoài cửa trường thi trước ngày thi đại học chính thức.

Học sinh vái lạy cầu may ngoài cửa trường thi trước ngày thi đại học chính thức.

Mỗi một đứa trẻ khi bước chân vào mẫu giáo là bố mẹ đã mặc định rằng con mình phải đỗ đại học. Có vào được đại học thì ra trường mới có công việc tốt, và (giống Việt Nam nhưng đáng sợ hơn là) để đàn ông còn… lấy được vợ. Vào được đại học thì thằng đàn ông mới có cơ may ngẩng mặt lên với đời, tìm được việc nuôi gia đình và trở thành người có “địa vị” trong xã hội, nếu không dễ dàng trở thành loại “vô học” tức là công dân hạng hai. Vì thế từ nhà trẻ, tiểu học, trung học đều phải chọn trường tốt để có thể thi vào đại học. Đứa trẻ cũng hiểu được điều đó từ khi chưa bước chân vào lớp Một. Trung học phổ thông hay cấp ba không hề bắt buộc ở Hàn Quốc nhưng 97% thanh niên Hàn Quốc hoàn thành chương trình cấp ba, tỉ lệ cao hơn bất kỳ một nước nào trên Trái Đất này!

Gần sáu giờ sáng Chủ Nhật, hàng quán vẫn đóng cửa im lìm nhưng đã lác đác thấy có học sinh đi học thêm, tay vẫn còn cầm đồ ăn sáng chưa bóc.

Gần sáu giờ sáng Chủ Nhật, hàng quán vẫn đóng cửa im lìm nhưng đã lác đác thấy có học sinh đi học thêm, tay vẫn còn cầm đồ ăn sáng chưa bóc.

Anh bạn Lee cùng nhà nói đến kì thi đại học thì lắc đầu và mình thấy rõ ràng gai ốc nổi lên trên cánh tay. Lee thi được 430/500 điểm (khoảng 86%) mới đỗ vào ngành Điện tử của một trường đại học hạng trung. Có năm môn thi đại học trong đó ba môn bắt buộc là Toán, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc, hai môn còn lại tùy vào khối tự nhiên hoặc xã hội. Học sinh cấp Ba vào học lúc 8:30 sáng và ra về lúc 9:00 tối (giờ học chính thức kết thúc lúc 6:00 tối nhưng học “phụ đạo” 3 tiếng nữa). Các lò luyện thi gọi là hagwon dạy học đến 2 giờ đêm và khi bị chính phủ cấm dạy muộn thì chuyển sang bắt đầu dạy từ… 3 giờ sáng để… các em kịp đến trường.

Biển quảng cáo dày đặc cho các Hagwon (tiếng Việt: Học viện), là một dạng trường tư thục hợp pháp dạy phụ đạo tiếng Anh, nghệ thuật, võ thuật cho đến các môn văn hóa nhưng trá hình dạy thêm nhồi nhét các môn thi chuyển cấp và đại học. Trẻ em thường bắt đầu đi học hagwon từ lớp Một.

Biển quảng cáo dày đặc cho các Hagwon (tiếng Việt: Học viện), là một dạng trường tư thục hợp pháp dạy phụ đạo tiếng Anh, nghệ thuật, võ thuật cho đến các môn văn hóa nhưng trá hình dạy thêm nhồi nhét các môn thi chuyển cấp và đại học. Trẻ em thường bắt đầu đi học hagwon từ lớp Một.

Gia đình và nhà trường đặt kỳ vọng rất lớn vào một đứa trẻ từ khi bắt đầu đi mẫu giáo, nên đến lúc thi đại học lại càng quyết liệt, đỗ đại học còn là thể diện của bố mẹ với đồng nghiệp, của ông bà với họ hàng, trường này với trường khác và của chính đứa trẻ với bạn bè. Áp lực khủng khiếp đấy khiến gần một nửa số học sinh cấp ba trả lời điều tra của bộ Giáo Dục là “đã từng nghĩ tới tự tử vì áp lực thi cử”. Trong thời gian tổ chức kì thi quốc gia, công sở mở cửa muộn hơn bình thường (10 giờ sáng) vì phụ huynh phải thức đêm giúp con ôn thi, các điểm giải trí, thể thao phải đóng cửa sớm hơn bình thường (6 giờ tối) để học sinh có không gian yên tĩnh ôn luyện. Cả nước bị cuốn vào kì thi quan trọng này (kì thi được mệnh danh là “tạo ra hoặc phá hoại tương lai một con người”).

Phụ huynh đi đền mang sách vở, số báo danh cầu cho con thi đỗ đại học

Phụ huynh đi đền mang sách vở, số báo danh cầu cho con thi đỗ đại học

Trong số sinh viên các nước đi học tiếng Anh ở nước ngoài thì kém hơn Việt Nam chỉ có thể là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù Chính phủ tiêu nhiều tiền nhất cho việc dạy và học tiếng Anh nhưng khả năng tiếng Anh của học sinh Hàn Quốc vẫn nằm trong top kém nhất châu Á. Chương trình dạy tiếng Anh với mục đích phục vụ thi đại học nên chỉ tập trung vào đọc, viết và ngữ pháp còn nghe, nói không được quan tâm. Một lớp có khoảng 40 học sinh (quá đông so với tiêu chuẩn phương Tây) nên giáo viên không thể quan tâm hết đến từng em. Môn thể dục bị các trường phớt lờ và học sinh gần như không có một cơ hội nào thoát khỏi vòng quay học và thi.

Trong một lớp học thêm. Hệ thống giáo dục chỉ có một bộ sách giáo khoa làm chuẩn khiến giáo viên buộc long dạy kiểu “trên bảo dưới phải nghe”, học sinh buộc phải ghi nhớ y nguyên để phục vụ thi cử. Mục đích của giáo dục Hàn Quốc (và Nhật Bản) là chấp nhận hi sinh sự sáng tạo của (thiểu số) cá nhân có tiềm năng để tạo ra (đa số) những người nề nếp, quy củ, kỷ luật để sống trong một xã hội có trật tự trên dưới rõ ràng.

Trong một lớp học thêm. Hệ thống giáo dục chỉ có một bộ sách giáo khoa làm chuẩn khiến giáo viên buộc long dạy kiểu “trên bảo dưới phải nghe”, học sinh buộc phải ghi nhớ y nguyên để phục vụ thi cử. Mục đích của giáo dục Hàn Quốc (và Nhật Bản) là chấp nhận hi sinh sự sáng tạo của (thiểu số) cá nhân có tiềm năng để tạo ra (đa số) những người nề nếp, quy củ, kỷ luật để sống trong một xã hội có trật tự trên dưới rõ ràng.

Vào đến đại học tưởng thoát nhưng lại càng học vất vả hơn, mà ra trường cũng không làm được việc vì học quá nặng lý thuyết, các công ty phải đào tạo lại. 80% học sinh vào đại học nên thiếu người học nghề, không đủ thợ và công nhân được đào tạo trong khi cử nhân ra trường tranh nhau việc ở các chaebol. Cả xã hội trọng bằng cấp theo lối thời xưa, làm quan to hơn thì học vấn phải cao hơn, làm lãnh đạo thì phải học trường xếp hạng cao hơn cấp dưới.

Thất vọng với nền giáo dục trong nước, người Hàn Quốc cho con đi du học rất nhiều, hoặc đơn thuần chỉ đi học tiếng Anh, đặc biệt là đi Mỹ. Điều này khiến cho số sinh viên Hàn Quốc tại Mỹ vượt cả hai đại gia chuyên nghề “đi du học” là Trung Quốc và Ấn Độ.

Còn rất nhiều điều nữa nhưng nếu những dòng trên không được nói rõ là ở Hàn Quốc thì chắc hẳn nhiều người nhầm tưởng đang kể chuyện thường ngày ở Việt Nam. Chuyện ở Việt Nam cũng tương tự chỉ là mức độ chưa nghiêm trọng như trên mà thôi (hay là sắp?!). Nên mỗi lần mình đọc thấy có ai ca ngợi giáo dục Hàn Quốc hay muốn bê về nước bộ sách giáo khoa, hoặc nghe thấy “triết lý” của một vị PGS.TS uy tín, hay phát biểu trên mạng xã hội, nói: “Đã học là phải thi” thì lại giật mình thon thót. Chợt nghĩ đến chữ “sĩ tử” mà mỗi lần thi đại học ở ta diễn ra lại được các báo thi nhau nhai đi nhai lại, ngẫm mới thấy những câu cụ Ngô Tất Tố viết một trăm năm trước đến nay vẫn không hề lạc hậu:

“Ngày nay nghe đến hai tiếng “Lều”, “Chõng” có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những vật ấy từ biệt chúng ta mà đi đến chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay.

“Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, “Lều” “Chõng” vẫn làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta vẫn khoe là “bốn nghìn năm văn hiến”. Những ông ngồi trong miếu đường làm rường làm cột cho nước nhà, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám lều chõng mà ra. Lều Chõng với nước Việt Nam không khác một ông tạo vật, đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hoặc vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong.Vì nó, nước Việt Nam trong một thời kì rất dài đã phát hiện ra nhiều cảnh tượng kỳ quái, có thể khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rùng rợn hồi hộp.”

xem Bài gốc tại trang: soi.today

0