18/06/2018, 16:09

Việt gian trong lịch sử (bài 5)

Vua Lê Chiêu Thống tội gì? quân Thanh thua chạy Nguyễn Ngọc Lanh Tư liệu mâu thuẫn về ông Chiêu Thống sinh sau, nhưng là loại Việt gian bán nước được xếp trên Ích Tắc về tác dụng trước mắt . Nhưng – nếu biết nhìn xa – vẫn phải xếp ông xuống dưới, về tác dụng lâu dài . ...

Vua Lê Chiêu Thống tội gì?

quân Thanh thua chạy

quân Thanh thua chạy

Nguyễn Ngọc Lanh

Tư liệu mâu thuẫn về ông

Chiêu Thống sinh sau, nhưng là loại Việt gian bán nước được xếp trên Ích Tắc về tác dụng trước mắt. Nhưng – nếu biết nhìn xa – vẫn phải xếp ông xuống dưới, về tác dụng lâu dài. Hai đằng rất khác nhau về tiếng tăm với hậu thế.

– Một đằng, có triển vọng trở thành công dân toàn cầu – khi thế giới tiến tới đại đồng. Nghĩa là coi mọi nơi là quê hương. Thế thì, Trần Ích Tắc nay vẫn là một tước vương bên Tàu. Ta cứ bêu danh, Tàu lại vinh danh. Sử ta cứ viết Ích Tắc lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc; Tàu lại chôn cất trọng thể. Ta cứ mỉa mai, nhưng ông cười khẩy khi yên ổn gửi xương ở nơi mà ông cho là đất lành.

– Một đằng thiển cận, không được ai giác ngộ cho về xu thế thời đại, cho nên cứ nằng nặc xin được đưa hài cốt về đất mẹ Việt Nam. Tự mua lấy đau khổ, sầu não, chỉ vì không đủ viễn kiến (thấy xa) để hiểu nhân loại sẽ đi về đâu (!).

Có lẽ bởi thế, số phận và thân phận hai vị Việt gian này cũng rất đối nghịch nhau. Nếu Trần Ích Tắc chỉ bị nhà Trần và hậu thế khinh miệt, nhưng được nhà Nguyên trọng vọng tới khi chết (an táng với nghi thức tước vương), thì Lê Chiêu Thống khốn khổ hơn nhiều: sống khổ, chết nhục, đám tang lèo tèo, người đưa tang mủi lòng, thương hại. Nghi thức chôn cất chỉ là tam phẩm.

Trần Ích Tắc hưởng thọ vượt mức “xưa nay hiếm” (75 tuổi), đẻ ra đã sướng, sướng đến khi chết và cả sau khi chết (con cháu được vinh phong); còn Lê Chiêu Thống vắn số (27 tuổi), cha bị họ Trịnh giết, mới 6 tuổi đầu đã bị chúa Trịnh bỏ tù 11 năm cùng mẹ và hai em trai, rồi lận đận, trôi nổi 2/3 cuộc đời; khi lưu vong xa xứ thì con chết (tuyệt tự), bị nhà Thanh ghẻ lạnh, chết vẫn không yên… Nhưng đó mới là một chuyện. Điều lạ, là ông vua này bị ném đá tứ phía, từ trên ném xuống, từ dưới ném lên, từ cổ chí kim, từ bạn đến thù, từ sử sách tới tiểu thuyết…

Chế độ phong kiến – như Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, nhà Thanh, rồi các cựu thần (viết tiểu thuyết Hoàng Lê Nhất Thống Chí) – đều bôi bác ông ở các mức độ. Cho đến chế độ mới (chống phong kiến) tưởng rằng sẽ minh oan cho ông. Nhưng không phải. Chính chế độ mới đã bổ sung tên ông vào danh sách, dùng hình ảnh ông để thóa mạ phe quốc gia khi họ bỏ nước quay lại Tàu. Đây là những tổ chức từng hoạt động cách mạng (chống Pháp) trên lãnh thổ Trung Quốc; rồi sau năm 1945 khi thất thế trước sức mạnh của Việt Minh lại chạy trốn sang đó. Điền hình là cụ Nguyễn Hải Thần và cứ tưởng chỉ riêng tổ chức của cụ bị so sánh với Lê Chiêu Thống. Nhưng điều bất ngờ là ngay cả cụ Hoàng Văn Hoan (nguyên ủy viên Bộ Chính Trị) năm 1979 bị kết án tử hình (vắng mặt), lại được coi như hiện thân của vua Lê Chiêu Thống. Càng bất ngờ, chính các vị trước đây từng lên án cụ Hoàng Văn Hoan, nay lại bị ví von với ông vua này. Câu hỏi là… vì sao nhiều người cứ ham bắt chước cái ông vua Việt gian khốn khổ này? Trời mà biết!

Bị bôi nhọ nhiều nhất trong số các ông vua cuối triều

Các vị vua cuối triều đều gánh chịu tội tày Trời “làm cho triều đại suy vong”. Họ là nơi để người đời chê bai, trút giận. Bắt đầu từ vua Lê Ngọa Triều. Sau gần ngàn năm đến vua Lê Chiêu Thống, ở quãng giữa ít ra còn 3-4 vị nữa, nhưng Lê Chiêu Thống là đau khổ nhất. Bởi lẽ, người đời chỉ tin vào những tư liệu “cùng chiều” về ông vua này – cứ như là chúng tham chiếu hoặc sao chép của nhau, đầu têu là Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử, đưa vào rất nhiều sự kiện và nhân vật – đều “có thật” – nhưng việc nối ghép các sự kiện với nhau thì chỉ có cách hư cấu. Và tác giả có quyền hư cấu. Tiểu thuyết mà! Phải thừa nhận là tác giả viết rất khéo, đọc rất khoái, mọi tình tiết đều hợp lý, chặt chẽ. Ngay đến lời nói của mỗi nhân vật cũng rất hợp với khẩu khí, tính cách và cương vị… mỗi người, cứ như tác giả được tham dự hoặc chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối. Chuyện Vũ Văn Nhậm bị giết, tiểu thuyết nói khác hẳn với sử liệu, nhưng người đọc lại thấy tiểu thuyết “phù hợp” với đời sống hơn. Ví dụ khác: Tiểu thuyết có đoạn (Hồi thứ 13): (vua chưa lấy lại được nước đã dựa vào quân Thanh mà dở trò “báo ơn, báo oán”) như sau: …Kịp khi ấy, thái hậu ở Cao Bằng về, vừa tới kinh, thấy vua chỉ thích làm những việc báo ân báo oán trái với phép thường như vậy, bèn nổi giận nói: Ta phải trèo đèo lội suối khó nhọc vất vả, mới xin được quân sang đây… Phỏng chừng nhà nước chịu được mấy phen ơn, thù phá hoại như thế? Nếu cứ cách ấy mà làm thì trị sao được thiên hạ? Gái già này lại đến làm đứa lưu vong mất thôi! Rồi thái hậu gào khóc, không chịu vào cung. Thứ nhất, không có chuyện “báo ân, báo oán”; thứ hai, không có chuyện thái hậu “đứng ra” xin viện binh. Cho đến khi một số nhà sử học coi Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng là… sử liệu, thì hết cách cải chính.

Ngược lại, dư luận lại thản nhiên bỏ qua nguồn tư liệu trái chiều, nhưng rất thật. Đó là các tài liệu cá nhân (nhật ký, hồi ký, thơ cảm tác…) của những người đưa vua và gia quyến vua đi tỵ nạn; như Nguyễn Huy Túc, Lê Quýnh, Trần Danh Án… Đây là những tư liệu tự ghi chép – mình viết cho mình, chẳng cần ai xem, nên rất thật. Chỉ có điều, khi Hoàng Lê Nhất Thống Chí được lưu hành thì tất cả những ai có khả năng vạch ra những hư cấu sai thực tế, đều đã chết hết.

 Vài sự kiện liên quan

    – Nạn nhân bi thảm của họ Trịnh. Họ Trịnh đã nhiều lần phế truất vua Lê, kể cả giết hại – nếu không vừa ý. Vậy thì, thái tử Duy Vĩ – cha của “bé” Duy Kỳ mới lên 6 (sau này là vua Chiêu Thống) – đã bị giết như vậy khi chưa kịp lên ngôi. Lên 6, vậy mà Duy Kỳ bị giam trong tù tới 11 năm, cùng 2 em trai và mẹ (đã nói trên). Ra tù, chỉ do may mắn. Cũng lại do may, sau khi ra tù – vừa lúc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, thành công do giương lên chiêu bài “phù Lê, diệt Trịnh”, rồi lấy công chúa Ngọc Hân – nhờ vậy Duy Kỳ được lên làm vua với sự tán thành của ông. Liệu có phải Nguyễn Huệ cần một ông vua non nớt?. Dân tình Bắc Hà khi đó rất sợ quân Tây Sơn (gọi họ là quân “man”), coi Huệ là “ông Ác”, còn Nguyễn Ánh là “ông Thiện” (hai vị tượng trong chùa). Huệ hết sức giữ ý và tự thấy chưa phải cơ hội thâu tóm quyền lực. Cha bị giết, bản thân bị chúa Trịnh đầy đọa, nếu Chiêu Thống do căm ghét họ Trịnh mà đốt phá phủ chúa, là điều có thể hiểu được, không đáng trách như sách đã viết. Nhưng không ai, không tài liệu nào đương thời nói về chuyện vua lên ngôi vua trong tình cảnh bi thương đến mức nào.

     – Kinh phí 1000 làng. Sau khi Nguyễn Huệ bị Nguyễn Nhạc ra tận Thăng Long “lôi tuột” vào nam, vua Lê Chiêu Thống nhìn quanh, thấy trơ trọi với một gia tài thảm hại, trống không. Cung điện tiêu điều, hư hỏng, kho tàng trống huơ, ngân khố rỗng tuếch, không quân đội, triều đình lèo tèo, không nhân sự giúp việc… Trước đây, chúa Trịnh cho phép vua Lê thu thuế của 1000 làng, nhưng làng thời đó rất nhỏ, hay mất mùa… và chính lúc này lại đang liên miên binh hỏa, dân siêu tán… nên số tiền và thóc thu về chỉ đủ kinh phí cho cái triều đình tí hon chi vào những khoản không thể đừng. Thực lực như vậy, Chiêu Thống vẫn quyết gây dựng lại cơ đồ với nghị lực hiếm thấy, nhưng sử sách cứ mô tả ông như người kém cỏi, thụ động, nhu nhược. Những bài thơ ông làm trong mọi hoàn cảnh không thừa nhận điều đó. Phải chăng, đây là cách quen thuộc của Sử Việt: Đề cao người thắng bằng cách hạ thấp kẻ bại? Thời xưa đã thế, thời nay (sau 1945) càng tệ. Nếu có cuộc thi đề cao Nguyễn Huệ bằng cách bôi nhọ Lê Chiêu Thống và Nguyễn Ánh thì sử gia thời nay thắng vĩnh viễn, vì quá khứ, tương lai đều không có đối thủ. Biến chuyển xã hội quá nhanh, lại toàn là trái ý Chiêu Thống, có lúc ông đành dựa vào vào Nguyễn Hữu Chỉnh – bề tôi chúa Trịnh, nhưng đã đầu hàng Tây Sơn, nay đang mưu toan phản trắc Tây Sơn. Ông dám nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh xin Nguyễn Huệ trả lại Nghệ An thì quả là liều mạng, nhưng ông cứ làm…

     – Chạy thoát thân sau hơn một năm làm vua. Khi Vũ Văn Nhậm ra Bắc trị tội Hữu Chỉnh, vua Chiêu Thống tự thấy liên lụy, và rất ý thực chuyện an nguy, đã kịp bỏ chạy khỏi kinh đô, chỉ có lác đác tùy tùng đi theo. Quả vậy, quân Tây Sơn ráo riết lùng sục, quyết bắt cho kỳ được vua. Rất dễ hiểu, Nguyễn Huệ sẽ thuận lợi biết bao, nếu Trịnh đã bị diệt, nay diệt nốt được vua Lê. Vua sống lẩn khuất trong dân, nay đây mai đó, chỉ nơm nớp lo bị bắt nộp cho Tây Sơn (chúa Trịnh Khải đã bị như vậy); lại còn lo cho mẹ, con và thân tộc không rõ đang phiêu bạt nơi đâu.

Chú thích. Lần trước ra bắc, Tây Sơn còn nêu cao ngọn cờ “phù Lê, diệt Trịnh”.

– Tại sao lần này quân Tây Sơn quyết lùng sục, tận diệt dòng họ vua Lê? Chắc hẳn Vũ Văn Nhậm phải được phép – thậm chí có lệnh bắt phải làm như vậy. Nay, đã diệt xong Trịnh; tại sao cần diệt nốt Lê? Câu trả lời phải nêu được cái lợi của Tây Sơn (cụ thể là Nguyễn Huệ, chứ không phải Nguyễn Nhạc) khi diệt được Lê. Ngay khi trẻ, Nguyễn Nhạc đã ít tham vọng, huống hồ nay đã già.

– Nếu Lê bị diệt, đám sĩ phu trung thành sẽ mất ngọn cờ quy tụ, nản chí và không còn chính danh để cầu cứu nhà Thanh. Quân Thanh sẽ chẳng có cớ gì để sang ta. Khi đó, Nguyễn Huệ sẽ lên ngôi (tham vọng này có từ lâu) và kịp xin thần phục nhà Thanh (ông quá biết đây là việc phải làm ngay); đồng thời chiêu hàng và trọng đãi đám sĩ phu Bắc Hà. Nguồn lực khai thác từ Bắc Hà dành tiêu diệt Nguyễn Ánh. Thực tế, vua Lê may mắn thoát hiểm, lòng người ít nhiều còn nhớ tới. Nguyễn Huệ bỏ Thăng Long, dự định đóng đô ở Nghệ An. Những gì vừa nói chỉ là một trong các giả định.

Hóa ra, lúc đó đại gia đình ông và một số thành viên triều đình bị Tây Sơn truy đuổi đã lưu lạc lên tận biên ải, liều mạng trốn sang đất Trung Quốc dù không có căn cước tùy thân, không có giấy phép nhập cảnh. Sự ghi chép của những vị tòng vong cho thấy tình cảnh bi đát, cùng quẫn của họ, chỉ mong “không bị đuổi về nước là may”. Theo văn bản Lê Quýnh để lại đến nay, đám người thân cô này chỉ mong được phép trú ngụ ít lâu bên Tàu, rồi kiếm được mảnh đất ở Cao Bằng, được Trung Quốc hậu thuẫn để yên thân ít năm, rồi tìm cách khôi phục cơ nghiệp (giống nhà Mạc). Không có chuyện thái hậu “đứng ra” xin viện binh (việc này do các nhân vật trung thành và trọng yếu trong đoàn tòng vong đảm nhiệm. Tổng đốc Lưỡng Quảng (Tôn Sĩ Nghị) nắm lấy cơ hội lập công, đã dày công “sáng tác tình huống” báo cáo (sai) tình hình để vua Thanh chắc mẩm – nếu cử binh – sẽ chiếm được An Nam. Việc xuất quân đã nằm trong kế hoạch chứ không phải do nước mắt của một viên quan, hoặc của một bà già, dù đó là thái hậu. Sự thật là, để có chính danh (khỏi bị vua Thanh cự nự), Tôn Sĩ Nghị phải cử Lê Quýnh, Nguyễn Quốc Đống về nước lùng sục tìm vua bằng được (hơn một tháng mới tìm ra) để vua chính thức có lời mời quân Tàu sang. Vua tôi gặp nhau bùi ngùi, thông báo tin tức cho nhau. Nhưng vua cũng cố viết một bức thư, gửi cho Tôn Sĩ Nghị. Đây là việc duy nhất vua Lê Chiêu Thống phải chịu búa rìu dư luận và trách nhiệm nhiệm trước lịch sử – sẽ xem xét ở phần dưới. Lúc này, vua đã mất cả quốc ấn (con dấu), từ lâu đã phải nhắn xin vua Thanh cấp cho cái khác. Thư viết không đóng dấu, mà “Quyết Định” phong chức cho người mang thư (cho chính danh) cũng không có con dấu. Đến nước ấy, Tôn Sĩ Nghị cũng đành OK, với cắt nghĩa “phải… tin nhau thôi”.

Rồi khi quân Thanh kéo sang nước ta, vua làm gì có “triều đình” mà kéo nhau tới đón đại quân trên đường đi? Lấy đâu ra ngân quỹ mà sắm sửa lễ nghi và trâu rượu để khao? Người ta bịa đặt đến thế là cùng; nhưng ối người tin. Nhân chứng có thể phản bác (biết nó nói sai) đã chết từ lâu. Xem lại, té ra các tác giả của tiểu thuyết đều thân Tây Sơn. Nực cười là nhiều “nhà khoa học” coi cuốn tiểu thuyết này là “sử liệu”. Dẫu sao, phải công nhận rằng đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết khéo nhất ở nước ta. Rất đáng để mọi người thưởng thức, khen ngợi về năng lực hư cấu và dẫn người đọc. Nó xứng đáng được ví với tiểu thuyết Tam Quốc Chí của Trung Quốc.

 Tại sao bị ném đá tứ bề? Ném từ xưa tới nay

– Khi vua Chiêu Thống lên ngôi, quan hệ giữa vua Lê và chúa Trịnh đã “một mất, một còn”. Đả kích nhau bằng lời lẽ là quá lịch sự. Chỉ thiếu điều dùng sức mạnh. Hai bên ném đá vào nhau là đương nhiên. Tuy vậy, cả hai bên không tồn tại đủ lâu để viết sử thóa mạ nhau thêm nữa.

– Tây Sơn cũng không tha nói xấu Chiêu Thống. Nguyễn Huệ đang là con rể vua Hiển Tông, khi quân Thanh kéo sang, ông lên ngôi Hoàng Đế trước khi ra Bắc chinh phạt. Do vậy, ông phải cắt nghĩa vì sao ông không “phù Lê” (như trước đây) nữa. Thực tế, ông cho Vũ Văn Nhậm truy diệt nhà Lê, như trên đã nói. Tất nhiên Nguyễn Huệ – lúc này đã là Quang Trung – không dại gì nói xấu Hiển Tông (cha vợ, nay đã mất). Vậy thì, chỉ còn một cách đổ lỗi cho Chiêu Thống. Trên thực tế, Tây Sơn đã giải thích với dân Bắc Hà rằng Chiêu Thống “thấp tài, mỏng đức”, không đáng làm vua. Sau này, những người viết sử ca ngợi Tây Sơn – như  các tác giả Ngô gia (viết bằng bút lông) cho tới các cụ Hoa Bằng, Văn Tân, Văn Tạo… (viết bằng bút săt) đã thay mặt triều Tây Sơn làm vượt yêu cầu. Thế là Chiêu Thống trở thành cái bị hứng mọi phỉ nhổ, cái bia để chịu ném đá.

– Các chúa Nguyễn từ đầu vẫn tự coi mình có sứ mệnh phù Lê, diệt Trịnh. Giấy tờ, văn bản suốt ngần ấy năm đều dùng niên hiệu nhà Lê. Cứ làm như, trên 200 năm qua, họ chỉ có mỗi một hoài bão tôn Lê, phò Lê, dựng Lê. Nhưng khi thu phục sơn hà, không thấy Nguyễn Anh bỏ công lùng sục tôn thất nhà Lê để… đặt lên ngôi. Ông cũng quên cả việc tổ tiên mình đã kiên nhẫn phù Lê (bằng lời), mà cứ “tiện thể” ngồi luôn vào ngai; lấy niên hiệu là Gia Long. Chỉ cần cắt nghĩa với thiên hạ và hậu thế: thời vận của nhà Lê đã hết, mà lỗi là do ông vua cuối cùng đớn hèn, bất tài, thiếu đức… Sử sách nhà Nguyễn đã khéo léo, nhưng ít cần che giấu, đã thực hiện đúng ý này. Dẫu sao, đời sau Gia Long đã cho làm lễ trọng thể đón nhận hài cốt vua Lê Chiêu Thống, gia quyến và đoàn tòng vong… về nước an táng. Lại còn truy phong tước “đế” cho vua (Mẫn Đế).

Thời nay

Nước ta đã phổ cập cấp II từ rất lâu, mọi học sinh (dù nay đã già, sắp chết) đều trả lời “đạt yêu cầu” về Lê Chiêu Thống. Đó là Việt gian, ở cấp bán nước. Thành công đến thế là cùng. Khỏi nói tiếp.

Có người đoán: vị vua đáng thương (hơn là đáng trách) này còn phải sống tiếp, do liên quan với số phận hòn đảo Hoàng Sa – mà khi sinh thời chính ông cũng chưa có dịp biết nó nằm ở đâu.

Đánh giá

Chiêu Thống yêu ngôi vua, yêu địa vị cao của dòng họ – tất nhiên, ai chẳng thế – nhưng có yêu nước?. Phải nói, chỉ riêng nguyện vọng được chôn cất trong nước đã đủ nói lên nhiều điều. Kiểu yêu nước này tuy nhỏ hẹp – so với lý tưởng “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển đều là anh em) – nhưng vẫn là yêu nước. Nhất là những người tòng vong, với lòng trung trinh vô hạn, với nguyện vọng gửi xương nơi quê nhà – cao cả nhất là Lê Quýnh – họ là những người trung quân, ái quốc – theo quan niệm và niềm tin đương thời. Khi bị giam trong ngục vì không chịu dóc tóc và không chịu thay Nam phục bằng Hoa phục, ông đã nói một câu để đời: Đầu ta có thể chặt, nhưng tóc ta không thể cắt; da ta có thể lột, nhưng y phục ta không thể thay. Ngoài ra, họ rất đáng được thông cảm, trong đó có cả sự thông cảm với sai lầm: Quá tin vào lòng tốt của ngoại bang, dù cùng ý thức hệ (đạo Nho). Vua triều Nguyễn nói rõ: vua Lê bị “người ta” đánh lừa.

Phân tích, xét đoán bức thư “bán nước”

Trước hết vua Lê Chiêu Thống vẫn phải chịu trách nhiệm về việc ông viết thư gửi Tôn Sĩ Nghị (sau khi Sĩ Nghị cho người lùng ra nơi ông trốn) để quân Tàu kiếm được danh nghĩa vào nước ta. Dù đây là bức thư không đóng dấu quốc ấn. Nhưng ông chịu trách nhiệm đến đâu, vẫn cần bàn tiếp. Và cần suy đoán có lợi cho bị cáo. Hóa ra không khó, nếu có chút công tâm và thiện chí.

– Nhà Thanh xuất quân dựa vào bức thư của Chiêu Thống?

Điều lạ, là vừa nhận được thư do Lê Quýnh, Nguyễn Quốc Đống mang tới, Tôn Sĩ Nghĩ đã kịp xuất quân qua biên giới. Cứ như đạo quân hàng trăm ngàn người đã được chuẩn bị sẵn từ lâu rồi. Cứ tưởng khi có thư cầu cứu, vị tổng đốc mới bắt tay điều tra tình hình, nghiên cứu kế hoạch, rồi báo cáo lên vua Thanh xin lệnh. Nhưng không phải. Chẳng cần thư, Tôn Sĩ Nghĩ cũng không thể chần chừ quá lâu, vì sẽ bị vua thúc giục. Chả là, Tôn Sĩ Nghị đã trót “sáng tác” tình hình, đến nay đã tự rơi vào tình trạng cưỡi trên lưng hổ, có cho ăn kẹo vị tổng đốc này cũng không dám hoãn binh quá lâu. Có mà chết với vua Thanh. Tình hình như vậy, giá trị thực của bức thư là thế, tại sao người Việt cứ muốn đổ tội chết cho người Việt chưa đáng cái tội ấy? Hậu duệ cần có đối tượng để “chửi” thì tiện nhất là lôi tổ tiên ra “chửi”. Đẹp thật.

Đây là cuộc xâm lược đúng nghĩa, có chủ đích cướp nước, nhưng sự phá phách và tội ác của giặc bị hạn chế đến tối thiểu là nhờ tài dùng binh “như thần” của Quang Trung. Đây là tình tiết giảm án cho bị cáo. Chuyện vua Chiêu Thống phải chạy theo Sĩ Nghị là đương nhiên – không phải cố tình theo giặc, mà do sợ chết trong đám loạn quân và nhất là chết do Tây Sơn chưa thôi lùng sục. Đây cũng là lần đầu ông qua biên giới. Sang đến Tàu, ông chỉ làm mỗi một việc: vật nài nhà Thanh cứu giúp tiếp. Quan lại nhà Thanh vừa thương, vừa phát bực mình. Khi biết bị lừa, ông chỉ còn nguyện vọng sau này đưa xương cốt về đất Việt.

Khi xử án vua Chiêu Thống, chúng ta là quan tòa, liệu có nên:

a- Đủ thông tin để tái hiện sự thật khách quan; tránh bị ảnh hưởng của những ý kiến thiên lệch, do lòng yêu ghét chi phối, hoặc do chưa sử dụng lý trí xét đoán;

b- Dựa vào quan niệm và niềm tin của xã hội đương thời để cắt nghĩa hành vi của bị cáo; không dùng quan niệm thời nay phê phán người thời xưa.

Trừ khi định khôi hài để làm bật lên sự vô lý – nếu cứ dùng cái lý thời nay để phán xét, trong khi thời xưa hoàn toàn xa lạ.

Chú thích. Vua Lê Chiêu Thống cứ tự mua lấy đau khổ khi phải gửi nắm xương bên Tàu. Thời xưa, chứ thời nay sẽ có cả “đống” người giác ngộ cho vua về con đường nhân loại phải đi tới. Đó là CNCS. Sẽ tới lúc hai đất nước là một. Đâu chẳng là quê hương?

c- Đặt mình vào hoàn cảnh bị cáo, để hiểu tâm lý và cắt nghĩa hành động của bị cáo;

d- Coi sự tồn vong của dân tộc là tối thượng hơn bất cứ lý thuyết nào khác. 

Cuối cùng: Vu cáo cũng là tội; vu cáo cho ai tội chết càng nặng tội. Vu cáo cho kẻ khốn cùng thì… hết nhân cách.

(còn tiếp)

0