18/06/2018, 16:09

Việt gian bán nước trong lịch sử (bài 1)

Loạt bài Việt gian trong lịch sử nhận được sự quan tâm và phản hồi rất tích cực của bạn đọc. Theo yêu cầu của tác giả có chỉnh sửa biên tập lại một số nội dung nên nghiencuulichsu tái xuất bản lại loạt bài này để bạn đọc tiện theo dõi . Phản bội và bán nước. Hoàn cảnh và điều kiện ...

Loạt bài Việt gian trong lịch sử nhận được sự quan tâm và phản hồi rất tích cực của bạn đọc. Theo yêu cầu của tác giả có chỉnh sửa biên tập lại một số nội dung nên nghiencuulichsu tái xuất bản lại loạt bài này để bạn đọc tiện theo dõi.

Phản bội và bán nước. Hoàn cảnh và điều kiện

Hai trang đầu của cuốn sách Lịch sử Nước Ta.  Nguồn: Tham luận của TS. Rob Hurle

Hai trang đầu của cuốn sách Lịch sử Nước Ta. Nguồn: Tham luận của TS. Rob Hurle

Nguyễn Ngọc Lanh

I. Việt gian và Việt gian bán nước

– Khi Nhật xâm lược Trung Quốc (1937-1945), báo chí Việt Nam khuân về một từ mới: “Hán Gian“. Đây là từ mang ý khinh miệt, để chỉ những người Trung Quốc vì lợi ích riêng mà cộng tác với giặc. Hán gian điển hình trong chiến tranh Trung-Nhật là Uông Tinh Vệ, một nhân vật quyền lực cộng tác với Nhật và phe phatxit. Thực ra, Hán gian xuất hiện rất sớm trong tiếng Trung, với nhân vật đầu sỏ là Ngô Tam Quế. Ông tướng này án ngữ Sơn Hải Quan, với 10 vạn quân, để ngăn Mãn Thanh xâm nhập. Vì bất mãn, ông mở toang quan ải cho kẻ thù (1644); từ đó, nhà Thanh chiếm trọn Trung Quốc. Tất nhiên, Ngô Tam Quế là Hán Gian, nhưng đây là Hán gian cỡ lớn – tức đại hán gian, vì được thêm 4 chữ “mãi quốc cầu vinh” (tức là bán nước mong vinh thân).

– Tới năm 1945, Việt gian mới nhảy vào kho từ vựng tiếng Việt, do công của Việt Minh, trong dịp đoàn thể này lập “Ban Trừ Gian”. Cũng từ đó, các đoàn thể chính trị đối kháng ở nước ta cứ tùy tiện đổ cho nhau là “Việt gian“, bất chấp tiêu chuẩn. Ngay cụ Hồ, vì ký hiệp định 6-3 với Pháp (có những nhượng bộ) cũng bị phe đối kháng vu như vậy. Thời gian này, 20 vạn quân Tàu (Quốc Dân Đảng) chưa rút về nước, 1,5 vạn quân Pháp chưa từ Nam Bộ ra thay thế. 

Chú thích. Về chuyện quân Pháp thay thế quân Tàu, thời ấy có nhiều ý kiến khác nhau. Có người bảo cứ để 20 vạn quân Tầu đóng ở nước ta (không để quân Pháp thay thế) tuy chúng ô hợp, thổ phỉ và phiền nhiễu không kể xiết, nhưng khi cách mạng Tàu thành công, nước ta sẽ “bỗng nhiên” độc lập (vì cùng là đảng CS lãnh đạo). Nhưng người khác lại nói,  để Tàu đóng lâu ở nước ta sẽ làm bọn Việt gian (thân Tàu) được thể lộng hành. Cụ Hồ bảo: (đại ý): Ngoại bang thù địch đóng quân ở nước ta giống như lãnh thổ ta bị phóng uế. Kinh nghiệm ngàn năm cho thấy cứt Tàu thối tha hơn cứt Tây – dù đó là loại Tàu nào… Cụ Hồ chấp nhận thà đánh nhau với Pháp. Pháp không chung biên giới với ta, đuổi được Pháo đi là hết phiền phức.

Cũng dịp này, những nhân vật phản quốc trong lịch sử (như Kiều Công Tiễn, Ngô Nhật Khánh, Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Lê Trắc…) tưởng bị quên rồi, cũng được lôi ra, phong thêm hai chữ “việt gian” – để cảnh báo những phe nhóm chính trị muốn dựa vào quân Tàu. Hơn nữa, trong danh sách Việt gian còn thêm những “con người mới”, như Nguyễn Ánh, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan…

Chú thích. Bài hát Mắng Việt Gian có câu mở đầu: Mi nghe chăng! Hỡi ai mê mồi phú quý, quên non sông? Hãy nghe đây, lời ta vấn muôn năm: sao nỡ đành đem người ngoại quốc ác tâm xâm chiếm quê hương mình, sát tàn nòi giống… Và mắng: Loài bán nước! Loài buôn dân! Loài phản quê hương! Nguyền rủa tên bọn mi nhuốc nhơ muôn đời... Như vậy, đối tượng bị mắng không phải Việt gian “thường” mà là “Việt gian bán nước”

– Việt gian bán nước: là từ dành cho Việt gian cỡ “đại”. Các vị này phải nắm được quyền lực rất cao để bán lãnh thổ và các lợi ích lớn của quốc gia. Tội bán nước là tội nặng nhất trước dân tộc; lẽ ra phải có những tiêu chuẩn chặt chẽ. Nhưng thời đó rất tùy tiện. May, Việt gian bán nước đều đã chết từ lâu, không ai cãi lại. 

II. Thời quá khứ: Mua nước, chiếm nước, được ca ngợi

Đế quốc và hoàng đế

Một nước, nếu mua được (chiếm, hoặc thôn tính được) nhiều nước khác, bờ cõi mở rộng, được gọi là đế quốc. Đây là tiêu chuẩn chặt chẽ nhất. Thoạt đầu, vua nước lớn dùng sức mạnh cực kỳ tàn bạo, cưỡng chiếm lấy nước láng giềng nhỏ yếu, làm cho các nước khác run sợ, đành tự khuất phục, mà môi giới đầu hàng chính là bọn bán nước. Được gọi là đế quốc là niềm tự hào lớn. Do vậy, tự xưng đế quốc, hoặc tôn xưng một nước là đế quốc phải dựa vào tiêu chuẩn, để khỏi thành lạm xưng hoặc tâng bốc vô lối. Năm 1945, cái tên “đế quốc Việt Nam” – do vua Bảo Đại tự xưng – là rất bậy. Lúc đó, Việt Nam lo độc lập chưa xong! Nếu định nói Việt Nam là nước có vua, cứ gọi là vương quốc, can gì phải hợm chữ?

Người đứng đầu đế quốc được gọi là hoàng đế, rất được tôn kính, ở trong nước cũng như từ các nước chư hầu. Quy định nghi thức “Lễ ôm gối” của hoàng đế nhà Thanh như sau: Vua nước chư hầu quỳ xuống, cúi lưng, chắp tay và nhích tới ngai hoàng đế, ôm lấy đầu gối hoàng đế và nói lời chúc tụng. Làm nên nghiệp “đế” (mở mang bờ cõi) là thành công tột đỉnh của một cá nhân, được cả nước xưng tụng, biết ơn. Sử ta ca ngợi vua Lê Hoàn “đuổi Tống, bình Chiêm” – nay coi hành động xâm lược Chiêm; nhưng quan niệm xưa kia khác ngày nay. Lịch sử từng thán phục hoàng đế Thành Cát Tư (gây dựng đế quốc Mông Cổ), Tần Thủy Hoàng (đế quốc Tần), Pyotr Đại đế (đế quốc Nga)…

Về sau, từ “hoàng đế” bị lạm dụng. Vua nước bé xíu (chỉ lo bị xâm lược) cũng xưng “đế”. Năm 968 nước ta (rộng bằng 1/3 bây giờ) đã có hoàng đế Đinh Tiên. Có người bảo, vua nước nhược tiểu mà tự xưng như vậy là thiếu khiêm tốn. Người khác lại nói: Đó là do ý thức dân tộc đã được nâng cao. Sau đó gần ngàn năm lại có hoàng đế Bảo Đại. Đây là thiếu khiêm tốn, hay ý thức dân tộc cao? 

Cứ tưởng… nhưng không phải…

– Thời nay, từ “đế quốc” vẫn được sử dụng. Một nước có nhiều thuộc địa cũng được gọi là đế quốc; ví dụ: đế quốc Anh, đế quốc Pháp… Khẳng định của cụ Lenin làm nức lòng vô sản thế giới: Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản. Thế thì, chúng nó chết đến đít rồi! Nhưng không phải. Bọn đế quốc đợi cho cụ Lenin chết, rồi mới tung hê các thuộc địa, quay trở lại chủ nghĩa tư bản, và sống nhơn nhơn. Thời nay, được gọi là đế quốc chẳng vinh dự gì, cứ chối đây đẩy. Do vậy, ghét nước nào, cứ vu cho là đế quốc. Có những nước rất hay dùng “đế quốc Mỹ” – dù coi là hổ giấy. Nói đến “hổ giấy” người Việt liên tưởng tới bức tranh thờ, vẽ hổ. Mỹ có thật là đế quốc hay không, cứ xem nó có thuộc địa hay không. Bởi vậy, khó nhất là thay đổi khái niệm để buộc Mỹ phải nhận là đế quốc (và để ta khỏi mang tiếng vu cáo).

– Nhiều trường hợp, nhìn hình thức cứ tưởng đó là đế quốc (gồm nước chủ và các nước chư hầu bâu bám xung quanh). Nhưng không phải. Liên Bang Xô Viết gồm Nga (khổng lồ) và 14 nước lắt nhắt xung quanh, thoạt nhìn rất giống đế quốc Nga thời Pyotr Đại đế. Nhưng không phải: Đó là 15 nước anh em, tự nguyện gắn kết keo sơn, khó mà chia lìa (nói theo Quốc Ca và Hiến Pháp Liên Xô). Năm 1991 khối keo sơn tự vỡ tóe loe, ta ngạc nhiên, nhưng hình như phương Tây đã dự đoán từ lâu. Sau này, tổng thống Putin (Nga) tiếc rẻ, nói rằng đây là thảm họa địa-chính trị lớn nhất thế kỷ; nhưng tổng thống Ukraina (chư hầu) lại vui mừng gọi sự kiện này “đám tang của đế chế”. Nếu đúng là đế chế, vỡ là phải, đáng đời. Còn nước Trung Quốc hiện nay thoạt nhìn cứ hao hao một đế quốc thời phong kiến (?). Nhưng không phải. Đó là nước XHCN, bạn 4 tốt của ta. Hai nước đang phấn đấu để tiến tới thế giới đại đồng. Đó là tương lai. 

III. Thời tương lai: Xóa biên giới, hết khái niệm “đế quốc”…

Phải tồn tại nhiều nước, mới có bán nước, mua nước, chiếm nước… để sinh ra đế quốc. Nếu kiên định lý tưởng, thế giới sẽ “đại đồng”, không còn biên giới, không còn khái niệm đế quốc nữa. Đây là mục tiêu tối cao, tối hậu của CNCS – đích đến của nhân loại. Quên điều này là suy thoái tư tưởng số 1, tức là nặng nhất. Hy vọng Cu-Trung-Việt-Triều-Lào sẽ mau tiến tới chỗ đó. Dám nghĩ từ bây giờ: Sẽ tới một lúc các nước nhỏ quanh nước Nga chấp nhận đơn xin gia nhập của Nga. Các nước chư hầu cũ, như Mãn, Mông, Hồi, Tạng, Việt, Triều… sẽ kết nạp Trung Quốc. Ai không hình dung nổi là thiếu lạc quan cách mạng. 

Chuyện hiện tại: Căm ghét “bọn” bán nước

– Hãy dời bỏ quá khứ, tương lai, trở về hiện tại. Phải căm ghét, khinh bỉ Việt gian. Việt-gian chỉ đáng gọi là “bọn”, hoặc “bè lũ” v.v… Thật may mắn, tiếng Việt có vô số từ biểu cảm, nói lên lòng yêu ghét. “Bọn” nói lên sự khinh miệt. Xin nhớ rằng, “bọn” và “chúng” ở các sách (chữ Hán) xưa kia không hàm ý khinh rẻ. Nhưng dịch sang tiếng Việt – nhất là từ sau 1945 – các từ này mới mang ý nghĩa miệt thị và được sử dụng ngày càng nhiều, không những trong báo chí, văn thơ, nghị luận… mà cả trong khoa học: nhất là môn Lịch Sử. Các cháu học sinh khi bắt đầu học Lịch Sử đã gặp “chúng” “bọn”, bè lũ”… nhan nhản. Quá đủ để nhập tâm (=vào tim). Sau này, nếu trở thành nhà báo, nhà văn, nhà khoa học, nhà chính trị… – là những người có nhiều cơ hội viết lách và diễn thuyết – hy vọng “chúng” sẽ sử dụng nhuần nhuyễn các từ này.

– Nguyên nhân nào khiến từ mang ý nghĩa mạt sát thêm đắc dụng? Có lẽ trước 1945 chúng ta chưa phát hiện hết các loại kẻ thù (?), nay phải bổ sung cho đủ. Do vậy, các từ đó được sử dụng nhiều hơn xưa. Hoặc là, sau 1945 loay hoay thế nào, chúng ta cứ chuốc thêm kẻ thù? Dù nguyên nhân gì, vẫn cần nhắc nhở để dân ta nhận ra thế lực thù địch đầy rẫy quanh ta.

– Căm ghét và cảnh giác với bọn bán nước đã thành tình cảm thường trực của dân Việt. Điều này có lý do. Bởi vì, nước ta bị xâm lược cũng lắm; tự đánh lẫn nhau cũng nhiều:

       – Chống xâm lược là mảng nổi bật trong Lịch Sử nước ta. Mỗi khi bị xâm lược, chuyện cảnh giác với hành vi bán nước là tất nhiên. Hơn nữa, không ai công khai bán nước; cho nên luôn nhắc nhở không bao giờ là thừa. 

       – Nội chiến cũng là mảng lớn khác trong Lịch Sử nước ta. Do “một mất, một còn”, mỗi phe đều phải huy động mọi khả năng – kể cả cầu cứu ngoại bang.

Chính do vậy, chúng ta đã chọn những nhân vật lịch sử “điển hình bán nước”, bắt họ sống mãi, để đời đời có đối tượng cụ thể mà nguyền rủa.

       – Gọi đúng tên “bán nước”, không oan, là “mặt phải” của vấn đề. Còn “mặt trái”? Đó là, tìm cách quy kết (kể cả vu cáo) cho “phe đối địch” là bán nước – như năm 1945-1946 các phe phái đối kháng đã làm. Đã quy kết, sẽ đúng ít, sai nhiều; nhưng các phe đều cố làm cho dân tin lý sự của mình. Dường như cuộc nội chiến nào cũng có đấu khẩu “ai chính nghĩa, ai bán nước”. Phải rất lâu về sau mới rõ trắng – đen. Cứ tưởng quan tổng đốc Lê Hoan bán nước, té ra sai – khi hồ sơ của mật thám Pháp được giải mật. Cứ tưởng nhà học giả Phạm Quỳnh là Việt gian, té ra cụ bị vu cáo tới nay đã chẵn 70 năm.   

Ai đủ quyền bán nước?

– Anh lính quèn đầu hàng địch: đúng là có tội (phản bội tổ quốc). Nhưng anh ta có rao ầm ỹ “bán nước đây”… cũng chẳng ai dại mà bỏ tiền mua. Quyền mà anh ta có chưa đủ để người mua tin rằng anh có thể bán nước.

– Một ông tướng đầu hàng quân địch thì chuyện đã khác. Nếu ông ta còn đem cả đội quân chạy sang phe địch thì chuyện lại càng khác. Nhưng đã đến mức gọi là bán nước chưa, hay vẫn chỉ là phản bội, đầu hàng? Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên, Trần Kiện đã đem cả vạn quân đầu hàng giặc – tội đáng chết vạn lần. Nhưng liệu trường hợp Trần Kiện (và các trường hợp tương tự) có dẫn đến mất nước không? Chưa chắc. Quyền của Trần Kiện chưa bao trùm quốc gia, làm sao có thể bán nước?

– Nhưng trường hợp Trần Di Ái và Trần Ích Tắc lại khác hẳn. Trần Di Ái đi sứ, bị vua Nguyên ép phong An Nam Quốc Vương, hộ tống về nước. Nếu trót lọt, có nghĩa là giặc Nguyên chiếm được nước ta – qua vị vua “bù nhìn” – mà không cần xuất quân chinh phục. Đây là cái giá rẻ nhất. Tuy nhiên, Di Ái vừa không đủ uy tín với dân, lại vừa không có quyền lực gì. Nhà Nguyên thất bại là tất nhiên.

– Trần Ích Tắc và Trần Kiện. Thực tế, khi hàng giặc Trần Ích Tắc chỉ đem theo gia đình; còn Trần Kiện đem theo cả đạo quân. Nhưng vua Nguyên chọn Trần Ích Tắc để phong An Nam Quốc Vương. Có lý do. Hai bên đang đánh nhau; nếu Thoát Hoan bao vây được lực lượng kháng chiến, dồn vào thế bí, rồi đưa Trần Ích Tắc về Thăng Long, đặt lên ngôi và làm lễ tuyên bố nước Việt đã có vua mới… là đủ để dân nản lòng, cuộc kháng chiến của nhà Trần khó mà duy trì. Do uy tín sẵn có của Trần Ích Tác, dân chúng có thể chấp nhận vua mới. Đủ thấy con bài này lợi hại và nguy hiểm.

– Nguy hiểm nhất, nếu một người (hoặc một nhóm) đang ngồi ở vị trí quyền lực tối cao mà rắp tâm bán nước. Hành vi sẽ bị che giấu cho tới khi khó cứu vãn. Lữ Gia, quan tể tướng 4 triều, khi phát hiện mẹ vua âm mưu bán nước thì đã quá muộn.

Tóm lại, phải thật sự nắm quyền lực rất cao mới có thể bán nước. Nhưng vẫn không dễ. Nhiều khi phải qua một thời kỳ làm nội ứng mới tạo được thời cơ bán nước. Nước bị bán xong xuôi, vẫn có thể bị che dấu. Người bán nước – quan sát bề ngoài – dường như vẫn đang nắm quyền lực.

Định nói Ngô Nhật Khánh bán nước cho Chiêm Thành cần uốn lưỡi 7 lần. Ông này không có nước trong tay, càng chẳng có quyền gì ráo. Bán cái gì? Bất quá, chỉ có thể nói ông ta là Việt gian. Nói Nguyễn Anh (lúc thân cô, chỉ có răng trên, dép dưới) bán nước cho Xiêm (!). Đã có nước đâu mà bán? Bán cho ai, chứ Xiêm có đủ sức mua nước? 

Ai đủ sức mua nước?

Giả sử, có một đấng Việt gian gạ bán nước ta cho một nước nhỏ hơn (ví dụ, Lào) có số dân bằng 1/3 hoặc 1/10 Việt Nam… Thậm chí, biếu không! Các vị đứng đầu nước nhỏ chẳng dại gì mà nhận. Thời xưa không dám nhận (dân chính quốc chỉ còn danh nghĩa, mà thực chất đã biến thành “dân tộc thiểu số”); còn thời nay càng không dám nhận (chỉ cần một lần bầu cử là nước nhỏ bị “nuốt” vào nước lớn).

Các nước quanh Trung Quốc chỉ có 400 triệu dân, nếu được Hán gian gạ bán (biếu không) tổ quốc 1400 triệu dân, có dám mua?

Có thời bên Campuchia dấy lên phong trào đòi lại Thủy Chân Lạp (tên cũ của Nam Bộ – có dân số gấp 3 lần chính quốc). Biếu không đấy! Quả nhiên, chuyện từ 250 năm trước, phía bạn coi như “cho qua, Lịch Sử đã an bài. Đứa trẻ đã sinh ra, không thể quay về bụng mẹ. 

Nói Nguyễn Ánh “bán nước” cho Xiêm? Xin cẩn thận! Đã đành, bên bán chưa có nước; nhưng bên được gạ mua có dám mua? Thời xưa, Xiêm là đàn anh của Miên, hoàn toàn chi phối Miên; đến khi chúa Nguyễn phát triển đất đai đến Nam Bộ, lập tức Xiêm hoàn toàn lép vế. Ở vị thế ấy, liệu Xiêm có dám “mua” món hàng của Nguyễn Ánh? 

Vai trò ngoại bang trong nội chiến ở nước ta

Nếu không dám xâm lược, ngoại bang vẫn có thể can thiệp vụ lợi vào nội bộ nước ta, nhất là khi có nội chiến. Mục tiêu muôn thuở là “đắc lợi”, nhưng mỗi khi can thiệp, ngoại bang giương lên những chiêu bài đẹp đẽ. Ví dụ, “bênh vực chính thống” – tức là xuất phát từ lòng hào hiệp, vô tư. Thời nhà Hồ, giặc Minh chiếm được nước ta dưới chiêu bài “diệt Hồ, phục Trần”. Hoặc chiêu bài “ủng hộ chính nghĩa” – tức là cùng theo đuổi một ý thức hệ cao cả. Thời xưa, quân Thanh kéo sang vì coi “vua Lê là chính thống”, nghĩa là, có sắc phong, có ấn tín (con dấu) do thiên triều ban. Và điều quan trọng là suốt trăm năm vua Lê đã giữ đúng thân phận (ví dụ, nạp cống đều đặn, dịp hiếu hỉ nào cũng chu đáo…).

Bằng chính những chiêu bài ấy, nhiều vua nước ta đã từng “giúp” Chiêm Thành, Chân Lạp mỗi khi nội bộ các nước này hục-hặc nhau. Rốt cuộc, Chiêm Thành mất nước. Vậy thì, vua Tầu ắt phải thành thạo bài học kinh điển đó gấp ngàn lần vua ta. 

Vài trường hợp đã gặp

1) Trường hợp hai phe nội chiến ngang sức, cùng cầu cứu Thiên triều? Thiên triều sẽ không chối phắt phe nào, mà lừng khừng chờ đợi. Trong nội chiến Lê-Mạc, nhà Lê mất ngôi năm 1527, chỉ hai năm sau phe phù Lê đã kiếm được người sang Tàu cầu cứu (1529). Rồi ngay khi vừa mới nhen nhóm lực lượng ở Thanh Hóa (1533) đã kịp cử Trịnh Duy Liêu đi cầu cứu lần nữa; nhưng nhà Minh vẫn chỉ ừ ào… Và đợi cơ hội. Trong khi đó, nhà Mạc cũng kịp sang nhà Minh tỏ ý thần phục, đồng thời tâu với nhà Minh rằng “vua” mà Nguyễn Kim dựng lên ở Thanh Hóa chỉ là kẻ giả mạo tôn thất nhà Lê… Rốt cuộc, nhà Minh đứng ngắm hai phe quần thảo suốt 60 năm. Máu chảy thành sông, xương chất thành núi. 

2) Nếu phe cầu cứu ngoại bang là phe đang lâm vào thế bĩ cực, cùng đường, cạn nẻo, thì… ngoại bang sẽ tùy hoàn cảnh và điều kiện mà lựa chọn.

a) Nếu nhân cơ hội này mà chiếm được nước thì không bao giờ bỏ lỡ. Đó là trường hợp nhà Thanh cử ngay 20 vạn quân sang “giúp” vua Lê Chiêu Thống. Thực ra, tình cảnh ông vua này chưa thảm hại bằng tình cảnh ông Nguyễn Ánh khi bị Tây Sơn bao phen truy đuổi sát gót, đã cầu cứu Tây. Sự khác nhau là khoảng cách địa lý khiến nhà Thanh vồ ngay cơ hội, còn triều đình Pháp cứ phân vân chán chê…

b) Nếu giúp mà biết chắc không thể xoay chuyển tình thế thì… “xin đủ” (!). Đó là trường hợp khi Tôn Sĩ Nghị đã đại bại, Nguyễn Huệ đang thắng thế, vậy mà Lê Chiêu Thống vẫn vật nài “cứu tiếp” – với lý sự “suốt 200 năm qua, tổ tiên Chiêu Thống đã làm tròn chức phận bề tôi với Thiên Triều”. Nghĩa là, cứ cố vin vào “cùng ý thức hệ”. Té ra, ý thức hệ chẳng qua chỉ là chiêu bài của nhà Thanh, có thể vứt béng khi hết tác dụng.

3) Khoảng cách địa lý. Nước ta bao nhiêu lần là nạn nhân của ý đồ bành trướng chỉ vì nằm quá gần nước Tàu phong kiến. Thời nội chiến Trịnh-Nguyễn, chúa Nguyễn hầu như bất cần, bất ngại nhà Minh, nhờ ở xa. Bầy tôi cũ của nhà Minh – khi muốn trốn nhà Thanh – đã tìm đến đất chúa Nguyễn, chứ không đến đất chúa Trịnh.

4) Hai ngoại bang khổng lồ, kình địch nhau, nhưng chưa dám xung đột trực tiếp (sợ thành chuyện lớn, không kiểm soát nổi); mỗi bên bèn giúp một phe trong nội chiến. Ví dụ, Mỹ và Liên Xô giúp Quốc và Cộng trong nội chiến Trung Hoa. Đây là chuyện của thời nay và có nhiều ví dụ khác nữa.

5) Trường hợp tổng hợp, ví dụ Nguyễn Ánh cầu cứu Tây khi hết đất cắm dùi. Khoảng cách: quá xa xôi, diệu vợi. Triển vọng cứu giúp: liệu có cứu vãn nổi số phận một kẻ cầu bơ cầu bất?. Mối lợi hứa hẹn: liệu có bõ với công sức bỏ ra… Sẽ được bàn, khi tái xử Việt gian Nguyễn Ánh 

Những “đấng” Việt gian bán nước có tên trong lịch sử

Phần tiếp theo, chúng ta thử đánh giá tội trạng các “đấng” sau đây:

Các nhân vật có sẵn từ xưa trong danh sách, gồm 3 vị:

– Kiều Công Tiễn

– Ngô Nhật Khánh

– Trần Ích Tắc

Sau 1945, còn thêm 3 vị mới:

– Lê Chiêu Thống

– Nguyễn Ánh

– Ngô Đình Diệm

Một nguyên tắc xét xử là suy đoán có lợi cho bị cáo. Nhất là bị cáo (đã chết theo nghĩa đen, chỉ còn “sống” trong sách vở) hết cơ hội tự bào chữa

(còn tiếp)

0