Việt gian bán nước trong lịch sử (bài 4)
Về ông Trần Ích Tắc Nhà Trần luận tội hàng tướng – Ảnh Internet Nguyễn Ngọc Lanh Nhắc lại nguyên tắc “xét xử”: – Suy đoán có lợi cho bị cáo, nếu chứng cứ đòi hỏi sự suy đoán. – Không dùng quan điểm thời nay phê phán các nhân vật thời xưa. Không dùng ...
Về ông Trần Ích Tắc
Nguyễn Ngọc Lanh
Nhắc lại nguyên tắc “xét xử”:
– Suy đoán có lợi cho bị cáo, nếu chứng cứ đòi hỏi sự suy đoán.
– Không dùng quan điểm thời nay phê phán các nhân vật thời xưa. Không dùng quan điểm của phe này để lên án phe đối địch – nhất là trong nội chiến.
– Chỉ xét hành vi “bán nước” đúng nghĩa.
– Sử dụng Lịch Sử như một môn khoa học; không nhằm phục vụ mục tiêu chính trị trước mắt…
Một đoạn trong Quốc Sử Diễn Ca (thời nhà Nguyễn)
Diễn Ca có đoạn về chiến công chống Nguyên ở thời Trần, trong đó ghi tội của Trần Ích Tắc là “đầu hàng”:
Bạch Đằng một cõi chiến tràng
Xương bày trắng đất, máu màng đỏ sông.
….. (nhảy cách một số câu)
Trần Bình Trọng cũng là trung,
Đành làm Nam quỷ, không lòng Bắc vương.
Khuyển Ưng còn nghĩa đá vàng,
Yết Kiêu, Dã Tượng hai chàng cũng ghê!
Mà trong ngọc diệp kim chi,
Lũ Trần Ích Tắc sao đi đầu hàng?
Nếu “đầu hàng”, chỉ đáng là Việt gian cỡ trung là cùng, làm sao xứng đáng danh hiệu bán nước? Xứng hay không, cần xét kỹ.
– Vậy Trần Ích Tắc đã làm gì? Hành vi của ông được ghi lại bằng hai nguồn sử liệu chủ yếu, khá thống nhất về nội dung: An Nam Chí Lược của Lê Trắc (người cùng thời với Ích Tắc) và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (phát hành năm 1697, sau khi Ích Tắc đầu hàng 400 năm). Hai tư liệu, với hai thái độ khác nhau.
– Trước khi quân Nguyên chính thức xâm lược nước ta, đã phong phanh nhiều tin tức về sự thiện chiến và tàn ác của chúng. Nói chúng vô địch là có cơ sở. Tin tức cho biết: nhiều nước, kể cả bên châu Âu, bị chinh phục – mà chưa đâu chống lại được. Trong những lần bàn kế chống Nguyên ở các hội nghị cấp cao, đã đôi-ba ý kiến “chủ hòa”, vua cũng phân vân; nhưng quyết tâm “chủ chiến”, lần đầu là của Trần Thủ Độ, lần sau là của Trần Quốc Tuấn – đã thắng thế.
– Trong hoàn cảnh quân Mông Cổ tiến vào nước ta nhanh như bão và tàn bạo khét tiếng, lại “đông như quân Nguyên”… thì số lượng nhân vật quan trọng (do sợ chết) chọn cách đầu hàng giặc là không thấp. Khi chiến thắng, quân ta thu được một hòm “đơn xin hàng” của tôn thất và quan lại nhà Trần gửi tới đại bản doanh Thoát Hoan. Đó là những người sẵn sàng nộp mình, một khi quân Nguyên đánh tới. Thật khó ước lượng một “hòm” chứa được bao nhiêu lá đơn xin hàng… nhưng số “đồng chí chưa bị lộ” này không thể nhỏ – về sau được vua Trần và Thượng Hoàng rộng lượng lờ đi cho. Còn số đã lộ mặt – tức là đã thực hiện hành vi – lại không nhiều lắm, nhưng bị trừng trị rất nặng – trong đó người có phẩm tước cao nhất là Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, ngoài ra còn Trần Kiện, Trần Lộng, Lê Trắc… Oái oăm là họ đều có tài, có học.
– Sau này, Lê Trắc viết bộ An Nam Chí Lược (khi sống lưu vong trên đất Trung Quốc), trong đó có một đoạn ngắn nói tới Trần Ích Tắc, đại ý là: Năm 1284 vua ta (Nguyên) sai Thoát Hoan tiến tới biên giới, vua An Nam kháng cự, bị thua, chạy. Em là Trần Ích Tắc quy thuận, vua thương tình phong là An nam Quốc Vương…
Đại Việt Sử Ký cũng viết tương tự, nhưng với thái độ lên án thấy rõ: “Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong làm vua. Người Nguyên phong là An Nam Quốc Vương. Sau khi người Nguyên thất bại, Ích Tắc lòng hổ thẹn, chết ở đất bắc“.
Sự thống nhất của hai nguồn sử liệu là đầu hàng (quy thuận), và tước phong (cùng là An Nam Quốc Vương). Có tới hai vị tôn thất nhà Trần được vua Nguyên phong An Nam Quốc Vương chứng tỏ vua Nguyên cố theo đuổi cách “mua nước” (rẻ hơn cất quân đi chinh phục) và dùng tước phong để gạ hai người hãy “bán nước”. Trần Di Ái nhận tước phong mà lo sợ, vì đầu háng miễn cưỡng; còn Trần Ích Tắc lại hào hứng mà nhận tước phong. Hãy xem nhà Trần xử tội hai người này. Điều éo le là người bị xử nhẹ lại có mặt ở trong nước, cho nên phải thụ án “thật”; còn người bị xử nặng lại không về nước, do vậy bản án chỉ là tờ giấy, không thể thi hành. Tội nhân cứ sống phây phây.
Đương thời xử tội
–Nhà Trần xử Trần Di Ái
Năm 1281, nhà Nguyên đòi vua ta sang bệ kiến, vua lấy cớ “bị tật”, cử chú là Trần Di Ái đi thay. Hai lần như vậy, nhà Nguyên bảo: Nếu vua có tật thì để Di Ái lên thay làm vua và cho Sài Thung đem 1000 quân hộ tống Di Ái về nước. Ta phục kích ở biên giới (giả vờ như một đám cướp) để giết cả lũ, khiến Di Ái hoảng sợ, quay lại Tàu. Cũng năm đó, Di Ái quyết về nước, bị xử tội “đồ” (làm lính). Xử như vậy để nghiêm pháp luật, chứ ông già này làm sao làm nổi lính?
Vậy Di Ái mắc tội gì?
– Đầu hàng? Chả phải, ông được cử đi sứ, đâu phải tìm đến quân Nguyên để đầu hàng? Không thể so sánh với Trần Ích Tắc. Nếu ông đầu hàng giữa triều đình nhà Nguyên, phải xử “có lợi” cho ông: Đó là do ông bị chúng cưỡng ép. Tuy đường đường là vị sứ giả của một quốc gia, nhưng vua Nguyên rất kiêu căng, trịch thượng, nếu không nghe lời vua Nguyên thì mất mạng tức khắc. Chuyện giết sứ giả ngày xưa không hiếm. Di Ái thật sự lâm vào hoàn cảnh éo le và phải chiếu cố tình tiết này.
– Phản bội? Đâu có! Ông chỉ mong về nước, quyết về nước và thực tế đã về nước. Thà chịu tội trong nước còn hơn sống lưu vong.
– Bán nước? Cũng chả phải, nếu ta đối chiếu với định nghĩa. Nước đâu ở trong tay ông, mà ông có thể bán? Với lại, ai thèm mua-bán với ông già khốn khổ, mà cả hai bên có thể gô cổ ông bất cứ lúc nào…
Té ra, tình huống thế này. Khi được nhà Nguyên phong làm vua nước An Nam (An Nam quốc vương) ông tự thấy không xứng đáng (khác với Ích Tắc), không nhận thì khó sống ngay tại chỗ; còn cứ nhận sẽ khó sống khi về nước. Ông đành “tạm nhận”. Nhà Nguyên đưa ông về nước (để làm vua!) bằng 1000 quân hộ tống, hỏi làm sao an toàn tính mạng khi trong nước đã chuẩn bị nghênh chiến với 30 vạn quân giặc?
Tóm lại, tội của Di Ái là sợ chết. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí và tình cảnh của Di Ái. Xong, có thể lớn tiếng mà phán rằng: Ai cũng sợ chết, đó là quyền. Nhưng với cương vị đại diện cho nước nhà, Di Ái không có quyền sợ chết. Điều này sứ giả phải tự khẳng định ngay khi nhận mệnh vua sang triều đình kẻ thù. Thực tế, đã có nhiều vị sử giả không làm nhục mệnh vua, mà còn được kẻ thù kính phục. Phán như vậy, liệu Di Ái đã tâm phục, khẩu phục?
Đầy đọa Di Ái “nhát như cáy” làm lính, cứ cho là làm lính trăm năm, liệu ông có thể “cải tạo” để từ nay hết sợ chết? Hỏi tiếp: Chế độ nào có kiểu nhà tù có thể “cải tạo tư tưởng con người” để dám đặt tên là “trại cải tạo”?
– Xử Trần Ích Tắc.
Những quan chức hàng giặc đều bị án tử hoặc tù đầy (nhiều người bị xử vắng mặt), gia sản bị tịch thu, mọi danh vị đều bị tước hết. Và nếu là tôn thất: con cháu phải đổi sang họ khác. Thế là rất nặng. Nhưng với Ích Tắc thì khác, vì ông còn nhận cái vai “An Nam Quốc Vương” mà giặc muốn ông đóng. Thực ra, khi chưa có giặc, Ích Tắc không bị ai phàn nàn gì về lòng đố kỵ, hoặc tỏ ra thèm khát ngôi vua. Trình độ học vấn cao, sở học thâm thúy (nho học), ông tự thấy mình (con thứ) không có số mạng làm vua, và đoạt ngôi là tội tru di. Đương thời, ông được ca ngợi về sở học, văn chương, về tài hoa và rất ham khuyến học. Ông đầu hàng trước hết vì sợ chết – như nhiều người khác. Ông thuộc nhóm “chủ hòa”, do vậy nay thuộc nhóm “các đồng chí bị lộ”. Chuyện đầu hàng của ông lúc đầu chỉ là bảo mệnh. Nhưng khi nhà Nguyên biết rõ về tiếng tăm ông trong nước, liền trọng đãi ông và đem chức An Nam Quốc Vương ra dụ, ông đã nhận. Một nguyên nhân để ông nhận cái “ngôi vua dự bị” này là ông tin rằng ta không thể thắng được Mông Cổ – và sự thật là chúng đã chinh phục cả Á, Âu. Và từ đó ông thành phản bội. Là tôn thất, tuy ông bị trị tội đúng như những người khác, nhưng con cháu ông không bị đổi họ – đó là sự chiếu cố quá đặc biệt.
Thật sự có tài, có phẩm cách cá nhân, biết xấu hổ, nên con đường tiến thân của Trần Ích Tắc bên triều Nguyên rất hanh thông (tước vương) và – với số phận may mắn – ông thọ tới 75 tuổi, tức là vượt mức trung bình tới 15-20 tuổi. Ông uy tín đến mức một lãnh tụ khởi nghĩa bên Tàu là Trần Hữu Lượng (trong tay từng có 60 vạn thủy binh) đã mạo danh là hậu duệ của ông để nhờ nhà Trần ở nước Việt giúp đỡ. Dù vậy, ông vĩnh viễn có tên trong danh sách những người phản bội mà Lịch Sử nước ta đã ghi lại. Và đó là cái tên cuối cùng trong danh sách trước 1945.
Lu mờ
Tuy nhiên, năm 1945, khi một số cá nhân và tổ chức cách mạng nước ta – trước đây hoạt động bên Tàu – đành quay lại nước Tàu vì tự thấy không thể đương nổi cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Việt Minh (để tồn tại), đồng thời không tán thành cương lĩnh của Việt Minh (để hợp tác). Họ bị coi là Việt gian và họ phải có đại diện trong lịch sử. Người được chọn là Lê Chiêu Thống, được nói tới nhiều, khiến “tấm gương” Trần Ích Tắc lu mờ hơn trước.
Dự đoán
Một khi nước ta còn phải bảo vệ nền độc lập, Trần Ích Tắc còn phải “sống”, sống lâu (trong sách Sử) để chịu sự nguyền rủa, chê trách – như một tấm gương xấu, phản diện, để cảnh cáo ai có tà tâm.
Phải đến khi có “thế giới đại đồng”, mọi dân tộc hòa trộn, mới hết khái niệm Việt gian, Hán gian, đế quốc, xâm lược… Đến lúc đó nếu chúng ta cứ dùng tiếng Việt thì một người hiểu nhưng tới 14 người không hiểu. Tiếng phổ thông phải là tiếng Trung. Ngày nay, phấn đấu cho tương lai tốt đẹp đó, hẳn là Trung Quốc hăng hơn chúng ta nhiều.
(còn tiếp)