18/06/2018, 16:09

Việt gian bán nước trong lịch sử (bài 6)

Về vị Việt gian Nguyễn Ánh – Gia Long Chân dung phác họa vua Gia Long qua nét vẽ của một họa sĩ người Pháp. (Nguồn tài liệu thư viện Pháp) Nguyễn Ngọc Lanh Cứ tưởng sau 70 năm, tội trạng đã định hình… Đố ai thêm công cho Nguyễn Huệ. Đố ai thêm tội cho Nguyễn Ánh. ...

Về vị Việt gian Nguyễn Ánh – Gia Long

Chân dung phác họa vua Gia Long qua nét vẽ của một họa sĩ người Pháp. (Nguồn tài liệu thư viện Pháp)

Chân dung phác họa vua Gia Long qua nét vẽ của một họa sĩ người Pháp. (Nguồn tài liệu thư viện Pháp)

Nguyễn Ngọc Lanh

Cứ tưởng sau 70 năm, tội trạng đã định hình…

Đố ai thêm công cho Nguyễn Huệ. Đố ai thêm tội cho Nguyễn Ánh. Đến nay, kể thêm công cho anh hùng Nguyễn Huệ (Quang Trung) hoặc kết thêm tội cho Việt gian Nguyễn Ánh (Gia Long) đều khó như nhau. Hai nhân vật cùng thời này đã nằm ở hai cực của sự khen và chê. Công và tội đều ở mức cực đại; làm sao thêm nữa?. Cuộc thi luận tội Nguyễn Ánh – Gia Long ầm ỹ một thời, coi như đã kết thúc vì không ai vượt được kỷ lục cũ của các bậc lãnh tụ.

Các bản án sớm nhất, nghiêm khắc nhất về Nguyễn Ánh và nhà Nguyễn do cụ Hồ đưa ra (1942), khiến mọi người dễ nản chí khi định “nói lại” trước một uy tín tuyệt đối. Nhưng tôi cảm ơn nhận xét của cụ Hồ, vì nhờ nó mà tôi ghét thực dân Pháp và những ai theo Pháp ở cái thời chúng ta kháng chiến chống Pháp (1946-1954) với lực lượng ban đầu quá chênh lệch. Chính vì ghét Gia long và những người Việt đang cộng tác với xâm lược Pháp, mà sức mạnh tinh thần của phía kháng chiến đã dâng cao, đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Cứ tưởng Nguyễn Ánh đã xong nhiệm vụ (hứng sỉ vả đã đủ), cần giải nhiệm cho ông ta… Nhưng ngay sau đó là chiến tranh 1954-1975. Bởi vậy, người ta vẫn giao thêm việc cho nhân vật này. Nhưng nay đã là 2015. Đã 40 năm hết chiến tranh rồi. Vậy mà lời cụ Hồ vẫn được nhắc lại và nhấn mạnh trong một bài đăng ở một tạp chí mà suốt một thời chỉ nhìn cái tên đã thấy ngán khi muốn “nói khác”.

Lý do nào khiến vấn đề được đặt lại, để tờ báo phải làm như trên? Có lẽ do xuất hiện ý kiến muốn “xét lại” công-tội triều Nguyễn. Cứ tưởng tội trạng Nguyễn Ánh đã định hình trong Lịch Sử – bằng chứng là sách giáo khoa đã khẳng định để dạy cho mọi học sinh. Nhưng mà không! Năm 2014 vẫn có một hội nghị khoa học về nhà Nguyễn, với đa số ý kiến “đề nghị xét lại” hoặc dám “nói khác” những lời kết tội chắc nịch xưa kia. Phát biểu ở hội nghị khoa học không thể nhắc lại lời lãnh tụ (nặng về chính trị); nhưng (may) có ý kiến chính thực của một cựu GS, nguyên viện trưởng Sử Học, lại được tiếng là “công minh lịch sử”… Với uy tín “đầy mình” về khoa học, ông nhấn mạnh hai điều, tuy không mới về nội dung, nhất là không mới về văn phong.  

1- Gia Long đã cắt đất dâng cho thực dân Pháp;

2- Gia Long gây mầm chia rẽ khi thống nhất đất nước (so sánh với Tây Sơn).

Có lẽ 2 ý này cần khắc bia để đời sau không thể thêm, bớt, xuyên tạc.

Chú thích: GS Văn Tạo nói trong Hội Thảo Lịch Sử ngày 18 và 19/10/2014 tại Thanh Hóa: Cái thống nhất (đất nước) của vua Gia Long nhờ cắt đất cho thực dân mà có được đã gây mầm chia cắt đất nước, không phải chia cắt nội bộ như Trịnh – Nguyễn

GS còn so sánh sự nghiệp thống nhất đất nước giữa Gia Long và Tây Sơn: Thống nhất đất nước của Tây Sơn là gắn với độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ; còn thống nhất đất nước của vua Gia Long nhờ cắt đất dâng cho thực dân mà có được. Đây rõ ràng là có tội như ông cha ta đã từng phê phán là ”Rước voi về giày mả tổ”, ”Cõng rắn cắn gà nhà”. 

Vị GS hưu trí này có nhiều học trò từng viết bài thể hiện vinh dự và công ơn được GS đào tạo. Nếu quỹ thời gian của ông không còn nhiều, học trò ông phải giúp thầy chứng minh:

1) Vua Gia Long (lên ngôi 1802) đã “cắt đất” nào cho thực dân Pháp? Liệu có phải là Hoàng Sa?. Chả phải. Hỏi bằng hai cụm từ (trong ngoặc kép): “gia long” “hoàng sa”, Google cung cấp hàng chục ngàn kết quả nói lên công của Gia Long (và con cháu ông) về xác định chủ quyền bất di-dịch ở đảo này.

2) Sự nghiệp thống nhất đất nước của Gia Long đã “gây mầm“ chia cắt đất nước?. Ấy thế mà có một thành ngữ bắt nguồn từ sự thống nhất đất nước năm 1802: Đó là “từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau” rất hay được nhắc lại, mỗi khi cần thể hiện nước ta liền một giải. Vậy phải chăng, cuộc chia cắt 1954 là do Gia Long “gây mầm” từ 150 năm trước? “Mầm” ươm từ 1802, mà tới 1954 mới mọc thành cây! Tiên tri rứa thì thánh cũng thua!

Còn phải lên án cả triều đình, dòng họ… mới yên tâm

Để Nguyễn Ánh thụ án “bất nhúc nhích”, các vị quan tòa sau 1945 còn kết tội cả hậu thân Nguyễn Ánh (tức Gia Long), cả triều Nguyễn, cả dòng họ… Và, cho tới tận vua Bảo Đại. Ông vua cuối triều bị lên án cùng với tổ tiên là có lý do, không ai thèm vu oan. Năm 1945, ông tuyên bố thoái vị – với câu nói “để đời”: thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ – do vậy, ông được cụ Hồ mời làm cố vấn tối cao của chính phủ. Nhưng hình như vị cựu hoàng vẫn u mê, không thấy được phe XHCN đã hình thành và đang lớn mạnh – thể hiện xu thế thời đại: Nhân loại đang tiến lên CNXH và CNCS. Do vậy, khi được tổng thống Pháp đích thân trao trả độc lập bằng một hiệp ước ký kết ở lâu đài Elysée, ông đã quay trở lại lập trường quốc gia. Ông nhận làm “quốc trưởng”, nhưng chính phủ dưới quyền ông chỉ được 35 nước (toàn là nước tư bản) công nhận – không thể so với chính phủ kháng chiến được tới 12 nước (nhưng toàn là nước XHCN) công nhận. Chính dịp này, cụ Hồ trả lời phỏng vấn về vai trò “bán nước” của Bảo Đại, đã gọi ông bằng cái tên “cúng cơm”: “Vĩnh Thụy trở về nước với hơn 10.000 viện binh Pháp để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thụy cam tâm bán nước. Vĩnh Thụy làm tay sai cho thực dân.

Chú thích. – Một ý trong câu trên trở thành quan điểm nghiên cứu sử học dưới nhãn quan mới. Từ đó, hễ quân đội ngoại quốc đóng ở một nước là (y như rằng) sẽ giết người nước đó. Ai mời (hoặc cho phép) quân ngoại quốc vào đóng ở nước mình là có tội. Ví dụ, chính quyền Nhật, Nam Hàn đã để cho Mỹ đóng quân ở nước mình từ 60 năm nay…

– Có ngoại lệ, nhưng hiếm: Ví dụ, chí nguyện quân Trung Quốc tham gia nội chiến Triều Tiên, quân Liên Xô đóng 50 năm ở 7 nước Đông Âu, hoặc sang tận Afganistan… là để giúp bạn. Còn quân tình nguyện Việt Nam vào Campuchia không giết người Campuchia, mà chỉ giết quân Polpos…

Có lẽ do cựu hoàng Bảo Đại u mê quá lâu, nên tới tận cuối đời – khi có dịp nhận định về cụ Hồ  ngài vẫn phát biểu với thái độ cứ y như cái hồi ngài còn làm cố vấn tối cao cho chính phủ VNDCCH vậy.

Quá dễ tin lời kết tội, nên bênh vực cực khó…

Thực chất, nói “bênh vực” Gia Long (tại hội nghị khoa học nói trên) chỉ là cách dùng học thuật giúp phạm nhân giảm án chứ chưa phải “trắng án”. Giống như luật sư dựa vào Luật hiện hành bênh vực bị cáo thôi mà. Dù mục tiêu là gì đi nữa, lập tức bị phản bác gay gắt ngay trước và sau hội nghị, trên tạp chí chính trị và các tờ báo khác. Chưa đáng ngại lắm, vì vẫn con cơ hội “nói lại” bằng học thuật và sử liệu. Nhưng trên các diễn đàn “bình dân” liên quan Lịch Sử mới khiếp. Giống như địa chủ cãi nông dân trong đấu tố, làm sao át được trăm ngàn cái miệng cứ ra rả…?

Được dạy dỗ từ nhỏ, thành ngữ “Gia Long bán nước” đã đóng đinh trong óc bất cứ ai thụ hưởng nền giáo dục nước nhà từ 1945 đến nay. Phải làm cho người học thấy rằng không cần phân biệt Nguyễn Ánh với Gia Long (2 thời kỳ của một đời người), cũng như Nguyễn Huệ với Quang Trung.

Ngay từ năm 1945, cụ Hồ 55 tuổi đã gọi thiếu niên 15 tuổi trở xuống là “cháu” và xưng “bác” (đám cháu thời đó nay đã có người 85 tuổi). Sau đó, có phong trào toàn quốc phấn đấu “trở thành” cháu ngoan bác Hồ. Chữ “ngoan” trong tiếng Việt có nghĩa chủ yếu là vâng lời. Trong bài Nên học sử ta, bác Hồ đã nói ‘Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hoá làm trâu ngựa”. Nói theo bác là ngoan, bất cần biết Gia Long chết “tám hoánh” (1820) trước khi Pháp tấn công vào Đà Nẵng (1858) mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Làm sao ông có thể hồi sinh để “bán nước”? Đến nay, các cháu mẫu giáo vẫn gọi “bác Hồ”. Do vậy, dù Bác đã mất, nhưng số cháu bác Hồ (đang sống) chỉ có tăng (theo dân số). Vào các diễn đàn Lịch Sử, nhất là diễn đàn phổ thông bàn về công, tội của Quang Trung, Gia Long, rất dễ nhận ra ai xứng đáng là cháu ngoan bác Hồ. Có “cháu” đã 80 tuổi vẫn hăng như thời tiểu học. Ý đồ bênh vực Gia Long – với tư cách luật sư bênh vực bị cáo – phải bị dẹp. “Khó” là ở chỗ này.

 Nhiệm vụ chính trị của Việt Gian

Một chế độ khuyến khích giới khoa học nghiên cứu một cách khách quan, chỉ nhằm đạt tới Chân, Thiện, Mỹ, là một chế độ tốt đẹp. Các nhà khoa học ở đó đã “làm chính trị bằng khoa học”. Bằng những công trình được mọi người khâm phục, họ chính là những tuyên truyền viên của chế độ. Ngược lại, có những chế độ mà tiến sĩ, giáo sư… “làm khoa học bằng chính trị”. Chế độ loại này trước sau sẽ mạt vận; thậm chí đang mạt vận.

Ở nước ta, tạo ra những Việt gian mới (ví dụ Chiêu Thống, Gia Long, là để họ phục vụ một mục tiêu chính trị. Cụ thể, để nhận sự sỉ vả, khinh miệt, đặng cảnh cáo những người đang (hoặc đang lăm le) cộng tác với kẻ thù. Cách làm chính trị (nhất thời) này chưa đáng trách nhiều. Nó thật sự có tác dụng trong khoảng thời gian nào đó. Đáng trách là sau nửa thế kỷ vẫn không nói thật về họ và miễn nhiệm cho họ. Thế là, do rỗi việc, nhàn cư, đám Việt gian này quay sang lũng đoạn sự suy nghĩ lành mạnh và lương thiện của mọi người, lan cả vào Khoa học, Giáo Dục, Văn hóa…

 (còn tiếp)

0