23/05/2018, 15:55

Giá trị cây điều

Đặc tính quí nhất của cây điều đối với người trồng là không kén đất trồng. Với loại đất xấu khô cằn đến đồi ngay cỏ dại còn mọc không được mà cây điều thì vẫn tươi tốt. Nếu đem trồng lên đất bạc màu cơ hồ cạn kiệt chất dinh dưỡng, không trồng được các giống cây khác, nhưng cây điều vẫn tỏ ra thích ...

Đặc tính quí nhất của cây điều đối với người trồng là không kén đất trồng. Với loại đất xấu khô cằn đến đồi ngay cỏ dại còn mọc không được mà cây điều thì vẫn tươi tốt. Nếu đem trồng lên đất bạc màu cơ hồ cạn kiệt chất dinh dưỡng, không trồng được các giống cây khác, nhưng cây điều vẫn tỏ ra thích hợp. Chúng không những sống khỏe mà đến mùa còn trổ hoa đậu trái rất nhiều.

Nhìn cây điều tươi tốt giữa nơi “đồng khô cỏ cháy” nắng táp sạm da, nhiều người cứ tưởng như giống cây này có một sức mạnh tiềm ẩn ở bên trong, nên nó mới “trụ” vững được trong môi trường sống quá khắc nghiệt này được.

Dù sao thì đây cũng là giống cây quí đối với ta, khi những vùng đất quá xấu đang bỏ hoang của ta chỉ thích hợp với cây điều lại còn quá nhiều; từ Đà Nẵng trở vào tỉnh nào cũng có.

Đã thế, đa số những vùng đất bỏ hoang khô cằn sỏi đá này lại có khí hậu thích hợp với cây điều, đó lại là chuyện đáng mừng hơn nữa.

Tuy cây điều không kén đất, nhưng với khí hậu thì phải thích hợp cây mới sống được. Điều đòi hỏi môi trường sống có hai mùa mưa nắng phân biệt, không có mùa lạnh, không có mưa phùn và trời tháng nào cũng quang đãng. Mặt khác, phải được hấp thu lượng ánh sáng dồi dào, trên hai ngàn giờ mỗi năm mới tốt, và mùa điều trổ hoa phải trúng vào mùa nóng …

Chính vì phải có khí hậu thích hợp mới trồng được điều, nên nước ta còn nhiều vùng đất hoang hóa chưa trồng được cây gì như ở Bắc Trung bộ trở ra, vẫn đành phải bỏ trống !

Như vậy chỉ có khí hậu ở Nam bộ, nói đúng ra là từ Quảng Nam trở vào mới thích hợp với cây điều mà thôi. Thế nhưng, lại sao từ trước đến nay đa số nông dân mình trồng điều đều gặp thất bại nhiều hơn là thành công ?

Đó là một câu hỏi khiến nhiều người bàn khoản nhưng thiết nghĩ cũng không khó khi tìm ra câu trả lời. Sự thất bại này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân : chủ quan có mà khách quan cũng có. Đại loại :

– Độ nửa thế kỷ trở về trước, người mình trồng điều không nhằm mục đích kinh tế từ cây điều mang lại; người ta trồng điều chỉ để lấy hột, ăn chơi chứ đâu có bán buôn gì ! Nói đúng ra thời trước trồng điều là để giữ đất, để cải tạo đất…thế thôi. Mãi từ nửa thế kỷ gần đây, hột điều mới bắt đầu có đầu ra, nhưng là đầu ra hạn hẹp của thị trường nội địa (bán cho các lò bánh kẹo của người Hoa), chứ chưa có thị trường xuất khẩu mạnh như ngày nay ! Chính vì lẽ đó nên ít ai chịu đầu tư đúng mức cũng như dồn sức gia công chăm sóc tốt hơn cho vườn điều của mình.

– Mặt khác, do không có trong tay tài liệu hướng dẫn đúng đắn mà chỉ ứng dụng theo phương pháp riêng, hoặc học hỏi kinh nghiệm của những bè bạn chung quanh, nên không mấy ai nắm bắt được phương pháp trồng điều đúng kỹ thuật ! Người ta cứ trồng theo …nhu cầu trước mắt của mình : như trồng để phủ xanh đồi trọc, như trồng với mục đích cải tạo môi trường sống, trồng đổ giữ đất khỏi bị xói mòn v.v…Và vì thế mới thấy không cần thiết trong việc chọn lựa giống tốt, cũng như trong việc học cách thức trồng sao cho đúng kỹ thuật hiện đại để có lợi nhiều.

Tất cả những điều tệ hại đó đã tạo nên những vườn điều bạt ngàn thoái hóa, năng suất quá thấp một cách đáng tiếc và uổng phí. Bây giờ, khi đã nhận thức ra được những sai lầm thì mọi chuyện đã quá muộn màng !

Một thực tế đáng buồn là những vườn điều thuộc dạng thoái hóa này hiện nay còn vương lại khá nhiều ở nhiều nơi, mà muốn cứu vãn tình hình thì chỉ còn có cách gấp rút cải tạo lại theo kỹ thuật canh tác mới. Tất nhiên, thực hiện được điều này sẽ gây cho chủ vườn ít nhiều tốn kém, và một đôi năm chờ đợi, thế nhưng so với lợi lộc do vườn điều mới đem lại thì sự tốn kém đó cũng không đáng là bao !

Ngày nay, hột điều là mặt hàng xuất khẩu mạnh của nước ta, cho nên ta cần gập rút chấn chỉnh lại phương pháp trồng trọt cho đúng với kỹ thuật mới, nhất là đối với những vườn điều tân tạo. Đồng thời, chủ vườn nên bình tĩnh đầu tư công sức, tiền của để mở rộng thêm diện tích trồng điều nhiều hơn nữa…

Việc cần làm trước mắt là nên cải tạo giống, vì đây là yếu tố chính để quyết định cho sự thành công mà trước đây ta không hề chú ý đến nên mới gặp thất bại triền miên. Giống có tốt cây mới đạt được năng suất cao, và mới cho sản phẩm tốt để đáp ứng đúng mức được với yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Điêu này thì chắc không còn ai nghi ngờ nữa. Vườn điều đem lại năng suất cao thì nhà nông nào lại không ham. Thế nhưng, vẫn bao nhiêu đó thôi thì vẫn chưa đủ. Điều đòi hỏi hơn nữa là chất lượng của phần nhân hột bên trong có đạt được đúng chuẩn cấp quốc tế đối với thị trường các nước hiện nay hay không,.Và đây mới là điều đáng lo.

Dù thu hoạch được nhiều, nhưng phẩm chất nhân hột lại không đúng cấp chuẩn do thị trường quốc tế qui định thì đó chưa phải là chuyện đáng mừng, vì nếu có bán được thì phải chịu giá thấp.

Thời nào cũng vậy, qui luật của thương trường là “tiền nào của nấy”, chỉ có hàng tốt đúng chất lượng mới bán được giá cao mà thôi.

Trước đây đa số người trồng điều của ta không mấy ai biết được chuyện này, nhưng nay mình đã xuất khẩu được hột điều đến nhiều nước thì … mới thấy đây chính là việc “sống còn” của nghề trồng điêu. Hàng không đủ chuẩn thì làm sao thu được giá cao !

Cũng mang danh một nước trồng điều có hạng trên thế giới, cũng tìm được một thị trường xuất khẩu như người ta, nhưng sản phẩm của người đó tốt nên bán được giá cao, lại được săn đón, ưa chuộng, còn mặt hàng mình cấp thấp nên phải bán giá hạ… Việc này, chắc mọi người trong chúng ta ai cũng phải suy nghĩ. Việc tạo giống mới có nhiều ưu điểm về chất lượng hột để đáp ứng đúng mức thị trường xuất khẩu chắc chắn phải là việc “cần phải làm ngay”. Ai còn so đo, còn chần chừ suy đi tính lại, chắc chắn người ấy sẽ còn gặp thảm bại dài dài.

Hiện nay ta mới xuất khẩu nhân hột điều sang nhiều nước, mà tiêu chuẩn của thị trường đề ra lại khá gắt gao, phân loại minh bạch tốt xấu, và thứ nào có giá trị nấy. Được biết theo tiêu chuẩn của Ấn Độ, quốc gia được coi là xuất khẩu hột điều đứng thứ nhì, thứ ba trên thế giới, thì nhân hột điều được chia làm sáu loại và 24 cấp :

hat dieu xuat khau

Về loại thì theo thứ tự từ tốt đến xấu, có sáu loại sau đây :

– Loại nhân nguyên, mang ký hiệu W.

– Loại nhân nguyên vàng, mang ký hiệu SW.

– Loại nhân nguyên cháy sém, mang ký hiệu SSW và DW.

– Loại nhân vỡ, mang những ký hiệu B, S, LWP, SWP và BB.

– Loại nhân vỡ cháy sém, mang những ký hiệu SB, SS và SSP.

– Loại nhân vỡ vụn, mang những ký hiệu SPS, DP, DSP DB và DS.

Với loại nhân nguyên, mang ký hiệu W được coi là loại tốt nhất, vì nhân sau khi chế biến vẫn còn nguyên vẹn, không bị bể hay sứt mẻ một chút nào, và có màu trắng. Loại này cũng theo ký tự tốt xấu mà có 8 cấp như sau : W180 – W210 – W240 – W280 – W310 – W320 – W400 – W450 và W500.

Xin được giải thích, những con số nằm sau ký hiệu W, như số 180 chẳng hạn, có nghĩa là trong một pound (đơn vị đo lường tiêu chuẩn về trọng lượng của các nước Anh, Mỹ tương đương với 450 grs) có 180 hột nguyên. Còn cấp W500 có nghĩa một pound đếm được đến 500 hột nguyên …

Điều này cho ta thấy, muốn hột điều xuất khẩu đạt được loại nhân nguyên W 180 để thu về giá bán cao nhất không phải là chuyện dễ !

Qua những điều vừa trình bày cho chúng ta thấy việc cải thiện giống tốt cho các vườn điều tương lai là việc thiết cần và cấp bách phải được áp dụng ngay. Thị trường lúc nào cũng khắt khẽ đòi hỏi nhân hột phải vừa to, vừa có chất lượng thật tốt, lại phải chế biến thật khéo, như không để vàng, không để cháy sém, không bị sứt mẻ, vở vụn…Có làm được như vậy ta mới giữ vững thị trường, và mới làm giàu được với cây điều.

Về việc tuyển chọn giống tốt, hiện nay đa số chủ vườn cũng chỉ áp dụng theo phương pháp mà chúng tôi đã trình bày ờ phần đầu sách, là chọn cây mẹ mang phẩm chất thật tốt, sau đó nhân giống theo hai cách vô tính và hữu tính để có cây con giống đúng chuẩn mà trồng.

Ngoài ra, cũng nên cấp bách canh tân hóa kỹ thuật chế biến nhân hột điều xuất khẩu, sao cho đạt được chất lượng thật tốt như thị trường quốc tế đòi hỏi.

Điều mà ai cũng biết, hễ nói đến thị trường là phải nghĩ đến sự cạnh tranh. Mà đã cạnh tranh thì bao giờ cũng ráo riết và không có sự khoan nhượng. Muốn vậy, phải bằng mọi cách, ta cố tạo cho được phần thắng lợi về mình, nhưng trước đó, cần phải “biết mình biết người” đã.

Còn một điều quan trọng nữa cần phải đề cập đến nữa là người trồng điều nên tự luyện cho mình đức tính tự tin cao, lúc nào cũng đặt sự tự tin vào tương lai xán lạn của ngành nghề mình đang theo đuổi, như vậy ngành nghề mới tươi sáng hơn, và mình mới mong có cơ hội gặt hái được nhiều thành công hơn. Điều là cây ăn trái lưu niên, khổ công đầu tư trong một vài năm đầu mà hưởng thụ dài dài đến mấy chục năm sau mới dứt. Chuyện này thì ai trồng điều cũng thừa biết, thế nhưng trước đây đã có mấy người chịu kiên tâm trì chí lo tu bổ cho vườn điều của mình đến nơi đến chốn đâu !

Trong lúc thị trường xuất khẩu nhân hột điều chưa ổn định, nhất là trong những năm đầu, nhiều chủ vườn đã tỏ ra hoang mang trước giá cả hột điều lên xuống bất thường khi trồi khi sụt, nên nhiều người đã xin lỗi, vội vã trong những quyết định nông nổi là thẳng tay cưa bỏ vườn điều đang khai thác của mình để …lấy đất trồng các loại cây dài ngày khác như cà phê, cao su chẳng hạn… Để rồi, một ngày nào đó khi hột điều lên ngôi họ lại ăn năn tiếc rẻ ! Chính những hành động nông nổi thiếu suy nghĩ chính chắn này mà ngành nghề trồng điều của nước ta mới chậm phát triển.

Tóm lại, với nghề trồng điều, quả là thiên nhiên đã ưu đãi nhà nông ta quá hậu: đất hoang hóa dư thừa còn đến bạt ngàn, đã có cơ hội t để trưng dụng đến. Số đất khô cằn tưởng như bỏ đi, nhờ cây điều đã trở thành tấc vàng, tấc bạc. Trong khi đó khí hậu nước ta nhiều vùng lại quá thích hợp đối với đời sống cây điều …Bao nhiêu đó cũng đủ cho ta có quyền tự tin vào triển vọng hết sức tốt đẹp về một ngành trồng trọt này, còn rực sáng trong tương lai …

0