23/05/2018, 15:21

Đôi nét về gà – Dấu vết văn minh Đông Nam Á

Nghĩ đến con gà nhiều người thường nghĩ đến một làng quê êm ả bên con sông nhỏ và một buổi trưa hè nóng bức oi ả. Cái nắng chói chang làm khô đống lúa ngoài sân mới gặt về; một vài ngọn gió hiu hiu thổi qua; một đàn gà vô tự nhặt lúa; tiếng gà gáy ó ò o.. một hình ảnh đầm ấm, no đủ của miền quê ...

Nghĩ đến con gà nhiều người thường nghĩ đến một làng quê êm ả bên con sông nhỏ và một buổi trưa hè nóng bức oi ả. Cái nắng chói chang làm khô đống lúa ngoài sân mới gặt về; một vài ngọn gió hiu hiu thổi qua; một đàn gà vô tự nhặt lúa; tiếng gà gáy ó ò o.. một hình ảnh đầm ấm, no đủ của miền quê Việt Nam. Trong bài Nắng mới, Lưu Trọng Lư đã miêu tả thật sinh động cái hình ảnh lung linh đó:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không”.

Nắng; làn gió; sân nhà; tiếng gà gáy… những thành tố đó có thể khuấy động hồn quê của mọi người Việt. Trong tâm khảm của bất cứ người Việt nào, kể cả nhũng người sinh trưởng ở thành thị, cũng ẩn chứa một chút cái “nhà quê”. Sống trong thời đại chạy đua với thời gian, chúng ta ngày càng đi xa cái “nhà quê” đó; nhưng một khi có dịp nghe tiếng gà gáy trong cái nắng chang chang, cái “nhà quê” mộc mạc ấy bỗng dưng sống dậy nguyên vẹn trong tâm hồn mỗi người.

Chế Lan Viên từng viết về cái tâm trạng nhố quê da diết khi nghe tiếng gà gáy:

“Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa

Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa

Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!

Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!”

Tiếng gà gáy trong thơ Việt Nam là tiếng gà rất Việt Nam. Nó khác biệt với tiếng cuốc, tiếng oanh hay tiếng nhạn trong thơ Đường. Tiếng gà gáy trong buổi trưa hè có một tác động lạ lùng, như khơi dậy những tiềm thức và tầng u ẩn của tâm hồn con người trong cộng đồng làng xóm Việt Nam. Nó khơi dậy cái gốc gác văn hóa nông nghiệp của người Việt.

Có lẽ trong 12 con vật dùng làm biểu tượng cho chu kỳ 12 năm trong lịch Việt Nam, con gà đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa nông nghiệp. Nói đến gà là nói đến con người, hai sinh vật đã chung sống qua hàng chục ngàn năm, và trong thời gian dài đằng đẵng đó, con người đã biến đổi loài gà nhiều đến độ có thể nói rằng chúng là sản phẩm sáng tạo của con người, chứ không còn là sáng tạo nguyên thủy (là loài chim) của tự nhiên nữa. Mối liên hệ của loài gà và con người có thể nói lên sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây một cách rõ nét nhất. Người phương Tây xem con gà như là một con vật bậc thấp, một con vật họ có thể kỹ nghệ hóa để lấy trứng, lấy chất đạm nuôi con người. Nhưng đôi với người nông dân Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, con gà là bạn và là một biểu tượng văn hóa.

Hình ảnh con gà không chỉ xuất hiện trong thơ ca mà còn được thể hiện trên ngọn bút của những họa sĩ dân gian. Trong bộ tranh truyền thống làng Đông Hồ, tranh gà và lợn vẫn chiếm đa số. Tranh dân gian Đông Hồ: “Em bé và gà” và “Gà trống”Tranh dân gian Đông Hồ: “Em bé và gà” và “Gà trống”

Bộ tranh gà lợn được treo trang trọng trong nhà nhân dịp Tết thể hiện niềm mong ước được sung túc, viên mãn, dồi dào sức khỏe (tranh Gà trống) trong năm sắp đến. Bình luận về màu sắc trong tranh gà tranh lợn, một học giả nhận xét: “Tranh gà tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như lúa chín, xanh như lá mạ”, hay “…vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày”. Đó đều là những màu sắc quen thuộc, in sâu vào tâm trí mỗi người nông dân của nhiều thế hệ, trở thành những màu sắc dân tộc:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp. Trên trống đồng, gà và chim (cùng giống) là những loài vật được thể hiện tương đối nhiều. Chim đứng trên mái nhà hình thuyền giống chim công, gà và đa số những loài chim nước như: cò, bồ nông, xít… đứng dưới đất.

Hình gà và chim sưu tầm trên trống đồngHình gà và chim sưu tầm trên trống đồng

Người Đông Nam Á cổ xem loài gà như một biểu tượng huyền bí của thần thánh, ở Sumatra (Nam Dương) người dân xây dựng đền thờ gà và tổ chức ngày lễ hằng năm để vinh danh thần gà. Trong huyền sử Việt Nam có truyền thuyết cho rằng, thời vua An Dương Vương Thục Phán nước Âu Lạc, nhà vua cố công xây thành ở đất Việt Thường, nhưng đắp đến đâu thì đất lở đến đấy. Thục Phán cầu trời thì được một còn rùa (thần Kim quy) đến giúp. Rùa thần báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Bên cạnh núi có một quán trọ, mà chủ quán là Ngộ Không có một cô con gái và một con gà trống trắng vốn là dư khí của quỉ tinh biến thành để hãm hại dân làng. Đến khi nhà vua giả dạng thường dân ghé lại quán nghỉ qua đêm, và cùng với sự giúp đỡ của rùa thần, nhà vua xua đuổi ma quỷ đến tận chân núi Thất Diệu. Quay về quán, nhà vua bảo Ngộ Không nên giết con gà trắng, và khi con gà chết, lập tức người con gái cũng chết. Sau đó chỉ nửa tháng thành quách xây xong.

Không chỉ Đông Nam Á, các nền văn minh cổ khác cũng xem con gà là một con vật đặc biệt, có ý nghĩa tôn giáo. Thời đại nữ hoàng Victoria, Người Anh xem con gà trống là biểu tượng của nam tính và sức sống. Những nhà văn danh tiếng như Aldrovandi còn cho rằng: “Gà trống là tấm gương tốt nhất và trung thực nhất về người cha trong một gia đình”, bởi vì không chỉ là một người bảo vệ an toàn cho gia đình, nó còn tất tả lo lắng đến sự sinh tồn cho tất cả thành viên trong gia đình.

Tính can đảm của gà được biểu hiện qua những trận . (hay nói theo phương ngữ miền Bắc là chọi gà) là một trò chơi dân gian đã được lưu truyền tại vùng Đông Nam Á qua nhiều thế kỷ. ở nước ta sử sách cũng có đề cập đến đá gà từ thế kỷ XII. Hưng Đạo Vương trong Hịch tướng sĩ từng than trách những người ham mê đá gà mà quên việc lớn của nước nhà.

Mỗi khi Tết về, đá gà là một trò chơi không thể thiếu được ở nông thôn. Thời kỳ trước năm 1975, ở miền Nam còn có cả một kỹ nghệ nòi và có nhiều trường đá gà. Trò chơi đá gà không chỉ là một thú vui dân dã, mà còn thu hút các giai cấp ở tầng thượng lưu giàu có, với những cuộc tranh tài được tổ chức rất qui mô và có nội qui nghiêm chỉnh, với sự tham gia của các quan chức cao cấp. (Trước năm 1975, ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu phó tổng thống miền Nam, là một trong những người nổi tiếng ham mê đá gà). Trong các giống gà đá, có lẽ gà tre (chỉ thấy ở miền Tây Nam bộ) là nổi tiếng nhất. Đây là một giống gà nhỏ, lông màu sặc sỡ, đuôi dài, chân cao, đùi săn chắc, rất lý tưởng cho đấu trường đá gà.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, với sự ra đời của các học thuyết đạo đức mới và biến chứng cờ bạc trong trò chơi, đá gà không được xem là một loại hình thể thao, một trò chơi giải trí mà là một hành động tàn nhẫn với thú vật. Nhiều người phương Tây nhìn trò đá gà ở các nước Đông Nam Á như là một tàn dư, một dấu vết về sự kém văn minh của người dân trong các nước đang phát triển. Nhưng có lẽ họ quên rằng đá gà có một lịch sử rất lâu dài, đã từng thịnh hành và thậm chí vẫn còn đang tồn tại ở một số nước phương Tây. Theo cổ sử, đá gà là một trong những loại hình thể thao phổ biến nhất trong xã hội người Ai Cập, Ba Tư (tức Iran ngày nay), Do Thái, và Canaan (Trung Đông). Thời đó, người ta nuôi và gây giống gà chọi để đấu và đánh cuộc trong các phiên chợ tương tự như đá gà trong thế kỷ XX ở nước ta.

Thời kỳ thế kỷ thứ I (sau Công nguyên), Julius Caesar là người truyền bá trò chơi đá gà đến người dân La Mã và sau này đến người Anh. Đến thời vua Henry thứ VIII (thế kỷ XVI), đá gà ở Anh thịnh hành đến mức trở thành một loại hình thể thao quốc gia. Thời đó, những cuộc tranh tài thường diễn ra tại cung điện của nhà vua và tại các khuôn viên nhà thờ vì các giáo sĩ cũng ham mê đá gà. Đến thời Hoàng hậu Victoria thì môn thể thao này bị suy tàn vì sắc lệnh của triều đình cấm đá gà.

Công cuộc truy tìm nguồn gốc của gà là một đề tài nghiên cứu qui mô của nhiều nhóm khoa học gia trên thế giới, và qua các nghiên cứu này, nhiều phát hiện thú vị đã làm thay đổi cái nhìn về nền văn minh nông nghiệp Đông Nam Á.

Hiện nay trên thế giới, người ta thống kê có tất cả 175 giống gà khác nhau, và tất cả đều xuất thân từ loài chim rừng màu đỏ có tên tiếng Anh là Red Jungle Fowl, tên khoa học là Gallus gallus. Theo các tài liệu khảo cổ học trong và dựa vào các di vật khảo cổ, giới khoa học cho rằng loài chim này được con người thuần dưỡng vào khoảng 4000 năm trước đây tại vùng thung lũng Indus (tức Pakistan ngày nay). Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học Trung Quồc dựa vào các di chỉ tìm thấy trong các vùng thuộc sông Hoàng Hà (Yellow River) cho rằng, Trung Quốc mới là nơi đầu tiên thuần dưỡng các loài gia cầm như gà và ước tính thời điểm thuần hóa gà xảy ra vào khoảng 6.000 – 7.500 năm trước đây. Nhưng thời điểm này cũng bị nghi ngờ, bởi vì khí hậu và môi trường miền bắc.

Trung Quốc không thể là nơi lý tưởng cho loài gà rừng Red Jungle Fowl phát triển.

Trong hai công trình nghiên cứu quan trọng công bố trên Tập san Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, một nhóm khoa học gia Nhật so sánh cấu trúc di truyền của 21 giống gà thuộc gia đình Gallus gallus từ Thái Lan, Nam Dương, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Sri Lanka… và phát hiện ra rằng, giống gà ở Thái Lan có hệ số phong phú di truyền cao nhất, tức là giống gà ở đây có độ tuổi di truyền cao nhất. So sánh DNA gà Đông Nam Á và DNA các giống gà khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu Nhật đi đến kết luận rằng, tất cả các giống gà nuôi trên thế giới ngày nay xuất phát từ một giống gà từng sống (hay thuần hóa) tại một vùng đất mà ngày nay thuộc Thái Lan và Việt Nam. Họ còn ước tính rằng thời điểm thuần hóa gà rừng tại Đông Nam Á bắt đầu vào khoảng 8.000 năm về trước.

Phát hiện này của các nhà nghiên cứu Nhật, dựa vào phương pháp nghiên cứu sinh học phân tử hiện đại nhất, cũng phù hợp với các di chỉ khảo cổ học tìm thấy ở nước ta. Tài liệu khảo cổ học Việt Nam cho biết có khá nhiều xương cốt của các loài gia cầm như: gà, vịt… thuộc thời kỳ hậu Đồ đá mới được tìm thấy tại Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu và Hoa Lộc. Tại Đồng Đậu, các nhà khảo cổ học Việt Nam còn phát hiện 2 tượng gà nặn bằng đất nung. Như vậy, có thể nói gà đã được con người thuần dưỡng ít nhất là 8.000 năm trước đây tại những vùng đất thuộc Việt Nam ngày nay.

Trong cuốn Origin of species, Darwin cũng từng khẳng định rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng Đông Nam Á. Trong một bài viết cho Tập san National Geographic, W. G. Solheim II nhận xét rằng, Đông Nam Á là nơi phát triển nền chăn nuôi đầu tiên trên trái đất. Gần đây, có hai nghiên cứu từ Nhật cho thấy giống gà Shamo, một loại gà nòi được nuôi chủ yếu cho trò chơi đá gà, có nguồn gốc từ Đông Dương và miền Nam Trung Quốc ngày nay.

KS. Nguyễn Hoàng

0