Di sản Đoàn Văn Chúc – Một vài suy ngẫm và lý hội
(ĐHVH) - Ở Việt Nam, nghiên cứu văn hóa với tư cách một chuyên ngành độc lập có đối tượng nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phương pháp và phương pháp luận riêng, mới chỉ được nhắc tới trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mặc dù từ nhiều thế kỷ trước, công việc này đã được các ...
(ĐHVH) - Ở Việt Nam, nghiên cứu văn hóa với tư cách một chuyên ngành độc lập có đối tượng nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phương pháp và phương pháp luận riêng, mới chỉ được nhắc tới trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mặc dù từ nhiều thế kỷ trước, công việc này đã được các danh sĩ như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Dương Văn An, Đoàn Triển, Nguyễn Tông Quai, Phạm Đình Hổ, Phan Kế Bính…thực hiện.
Tuy nhiên, những nghiên cứu trên mới mang tính chất ghi chép, khảo tả về các thành tố lịch sử, địa lý, văn hóa, mà chưa có hệ thống phương pháp hay phương pháp luận cụ thể. Chỉ tới khi người Pháp đến cai trị, thiết lập nên một thiết chế khoa học hàn lâm theo mô hình phương Tây (Viện Viễn Đông Bác Cổ, Đại học Đông Dương, Viện Nghiên cứu Con người Đông Dương, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương…) thì một nền khoa học hàn lâm của “xứ Đông Dương thuộc địa” mới thực sự bắt đầu. Tiếp đó, từ 1945 trở đi, sau khi giành được độc lập, ngành khoa học xã hội ở Việt Nam phát triển rõ rệt, nổi bật là tên tuổi của những nhà nghiên cứu lớn như Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh…Nhưng từ 1954 - 1975, cuộc chiến tranh chống Mỹ khiến cho nền khoa học Việt Nam lại rẽ thành hai khuynh hướng khác nhau: miền Bắc chịu ảnh hưởng từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, còn miền Nam chịu ảnh hưởng của Tây Âu và Mỹ. Sự phân biệt này khiến trong một thời gian dài, nhiều bộ môn khoa học xã hội và nhân văn đương đại của thế giới vẫn chưa được tiếp nhận chính thức ở Việt Nam vì sự khác biệt về ý thức hệ.
Nhưng dù khác biệt như thế nào, thì chân lý khoa học vẫn là cái đích cuối cùng. Trên con đường theo đuổi chân lý khoa học, một trong những người có công đầu đặt nền tảng cho sự kết hợp hài hòa giữa hai xu hướng trên, chính là học giả Đoàn Văn Chúc.
Thời điểm những năm 70 – 80, trong bối cảnh mà khoa học văn hóa của nước ta còn non trẻ, có thể coi giáo trình Những bài giảng về văn hóa được xây dựng theo quan điểm nhân học – xã hội học của Đoàn Văn Chúc (sau này được in thành hai tập Văn hóa học và Xã hội học văn hóa) và giáo trình Lý luận văn hóa của Hoàng Vinh đi theo quan điểm triết học – chính trị học (sau này được in trong cuốn Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta) là những giáo trình bậc đại học đầu tiên về khoa học văn hóa ở Việt Nam. Khi tên tuổi của những nhà khoa học phương Tây như E. Cassirer, Lévi Strauss, A. Comte, Bacon, Gaston Bouthoul...hãy còn xa lạ trong nước ta, thì Đoàn Văn Chúc đã nghiên cứu và tiếp thu những thành tựu nghiên cứu của họ – đặt nền móng cho ngành xã hội học và nhân học ở Việt Nam phát triển. Đó không chỉ đơn giản là sự vận dụng lý thuyết nước ngoài để nghiên cứu đặc trưng bản chất xã hội đang sống, mà sâu xa hơn, là khát vọng muốn nâng nền khoa học và văn hóa Việt Nam lên tầm thế giới.
Trong bài viết này, là kẻ hậu sinh, lại không có may mắn được trực tiếp thụ đắc tri thức từ người thầy uyên bác, chúng tôi chỉ có thể tiếp cận chân dung trí tuệ của Đoàn Văn Chúc thông qua văn bản. Từ việc đọc các công trình của ông, chúng tôi đặt ra câu hỏi: Suy cho cùng, cơ chế tư duy của Đoàn Văn Chúc trong việc tiếp thu những lý thuyết văn hóa phương Tây là gì, trong sự tiếp thu đó, cái gì là của riêng ông? Ông đã thức nhận[1] (prise de con scince) và thao tác (opération) như thế nào để xây dựng một bộ khái niệm công cụ (paradigm) cho chuyên ngành văn hóa học và xã hội học văn hóa của mình? Trả lời những câu hỏi trên, vừa để nhìn nhận một cách đầy đủ những đóng góp về mặt khoa học của Đoàn Văn Chúc, đồng thời cũng để việc tiếp thu kinh nghiệm nghiên cứu của ông mang tính thực tiễn và hữu dụng.
Trước hết, có thể nói, Đoàn Văn Chúc là một trong số ít học giả khi đó học tập con đường thực chứng luận (Positivism) phương Tây[2]. Ông đã tìm cách tiếp cận, vận dụng, và trong chừng mực nào đó, đổi mới những khái niệm phương Tây sao cho ăn khớp với thực tế Việt Nam để tạo nên một hệ thuật ngữ riêng cho ngành Xã hội học văn hóa và Văn hóa học. Ông hiểu rõ điều then chốt: một ngành khoa học chỉ là khoa học khi có đối tượng riêng, phương pháp riêng và hệ thuật ngữ riêng. Vì thế, bước đầu tiên trong quá trình tư duy - thao tác của Đoàn Văn Chúc là xác định đối tượng nghiên cứu, nắm bắt phần hạt nhân lý thuyết. Các khái niệm, thuật ngữ cơ sở được ông liên kết theo những logic nội tại trở thành một hệ thống. Tiếp đó, sử dụng một cách sáng tạo hệ thống lý thuyết này để tạo thành bộ khái niệm công cụ, nhằm diễn giải và phân tích các hiện tượng thực tiễn của văn hóa – xã hội ở Việt Nam. Trong mỗi vấn đề, dù là thuộc lĩnh vực văn hóa học, xã hội học văn hóa, chính trị, triết học hay tôn giáo, ông đều thể hiện chính kiến, quan niệm học thuật của mình. Chẳng hạn, việc ông phân định ngành xã hội học với dân tộc học, nhân học và cho rằng: “Xã hội học là một trường hợp riêng biệt, hoặc một phát triển mới của nhân học”[3]. Hoặc khi bàn về nguồn gốc hình thành folklore, ông dẫn E.B. Tylor, nhưng không tán thành với quan niệm về tín ngưỡng của Tylor (không giới định tín ngưỡng ở khái niệm tín ngưỡng hồn linh, mà cho rằng chỉ nên gọi chung là tín ngưỡng), mà đồng tình với quan điểm của nhà triết học Trần Đức Thảo: “Quá trình hình thành của các loại hình folklore là cả một quá trình dài đằng đẵng cùng với quá trình đi từ dụng cụ sản xuất sang công cụ sản xuất, từ ngôn ngữ thành câu”[4]. Vẫn tiếp thu lý luận kinh điển của Karl Marx về phương thức sản xuất, nhưng ông mạnh dạn đề xuất: “không nên coi đó là những khuôn mẫu kết luận, mà đó chỉ là những khuôn mẫu giả thiết, được dùng làm công cụ khám phá các hiện thực xã hội”[5]. Quan điểm này là sợi chỉ đỏ tinh thần xuyên suốt các công trình nghiên cứu của Đoàn Văn Chúc. Quả thực, mọi lý thuyết đều mang trong nó tính bất định và các đối hợp logic (dialogique), vì thế, tất cả mọi lý thuyết dù là lý thuyết trung tâm, cũng “chỉ là những giả thuyết cần thiết cho mỗi khảo hướng khoa học một hiện tượng xã hội” – “giúp chúng ta khám phá hiện thực xã hội, không hề là một giáo điều để áp đặt vào hiện thực xã hội”[6]. Ở bối cảnh thời ấy, Đoàn Văn Chúc là nhà văn hóa Marxit hiếm hoi, không chỉ sáng suốt, mà còn dũng cảm nói lên quan điểm khoa học của mình.
Từ năm 1978 trở đi, Đoàn Văn Chúc bắt đầu giảng dạy văn hóa học và xã hội học văn hóa tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cùng thời điểm, năm 1977, khi bộ môn xã hội học ở nước ta đã chính thức được thừa nhận trong môi trường nghiên cứu khoa học (từ khi Ban Xã hội học – tiền thân của Viện Xã hội học hiện nay - thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, được thành lập). Trong bối cảnh mà cách hiểu về Xã hội học ở ta trước đó còn lẫn với học thuyết Mác xít về xã hội, chưa có tư cách độc lập, thì có thể nói, Đoàn Văn Chúc là người đầu tiên xây dựng nền móng cho bộ môn xã hội học ở Việt Nam.
Đóng góp trước hết của Đoàn Văn Chúc là đã đưa ra một định hướng tư duy và phương pháp nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam bấy giờ. Ông dẫn Bacon khi đề cập đến phương pháp nghiên cứu của xã hội học và khẳng định, các phương pháp thực nghiệm, khảo sát, phân tích, so sánh, quy nạp “sẽ cho người ta thấy tính vô cùng đa dạng của hiện thực, giúp người ta tránh cạm bẫy chủ quan của chủ nghĩa giáo điều cằn cọc, vô sinh”[7]. Ông cho rằng, xã hội học “chỉ có thể thực thi trong các xã hội lấy sự tự do dân chủ làm động lực phát triển”[8], bởi những phương pháp nghiên cứu khoa học khách quan (hướng đến khảo sát logic vận động của xã hội) chỉ có thể được thực thi trong những xã hội tôn trọng sự tự do và dân chủ. Ông nhìn phương pháp từ góc độ triết học – như một dạng thao tác của trí tuệ. Trong tư duy phương pháp luận nghiên cứu xã hội học, ông đặc biệt đánh giá cao phương pháp thống kê, đây là một định hướng chính xác và rất cơ bản bởi xã hội học lấy sự điều tra thống kê làm cơ sở cho sự nghiên cứu của nó.
Trong công trình Xã hội học văn hóa, thao tác đồ hình hóa được Đoàn Văn Chúc sử dụng nhiều lần để dẫn nhập nghiên cứu, thao tác này giúp làm nổi bật tính hệ thống của lý thuyết mà ông đưa ra. Ông đã giới thuyết 5 đồ hình: đồ hình của đối tượng xã hội học văn hóa[9] (bao gồm 5 hình vuông đồng tâm, trong đó tác phẩm văn hóa là hình vuông trong cùng, nhỏ nhất, theo trật tự từ trong ra là người sáng tạo, người tuyển chọn – truyền bá, người phê bình và cuối cùng là công chúng); Đồ hình hệ thống xã hội[10] (những đặc điểm và những khớp lắp văn hóa của một hệ thống xã hội phân hóa); Đồ hình về giá trị[11] (đặt giá trị vào toàn cảnh thỏa mãn nhu cầu hoạt động của con người); Đồ hình về phong hóa[12], Đồ hình quan hệ giữa các thành tố trong giá trị xã hội và tính cách xã hội[13]… Ở mỗi đồ hình, ông đều tập trung phân tích từng yếu tố và tương quan giữa các khái niệm. Các sơ đồ (Đoàn Văn Chúc thường sử dụng dạng sơ đồ hình cây, sơ đồ điều khiển học) cung cấp cho người đọc một nhãn quan hệ thống để nhận thức được sự tương tác của các phần tử cũng như tính đa mục tiêu của động thái hệ thống đó. Cách tư duy biện chứng này giúp cho tác giả có được những kiến giải xã hội học xác đáng khi phân tích các hiện tượng văn hóa ở nước ta (chẳng hạn tình hình truyền bá văn hóa, hoạt động rỗi và thì giờ rỗi trong cơ cấu truyền thống, gia đình trong xã hội nông nghiệp cổ truyền…)
Là người giỏi tiếng Pháp và chữ Hán, Đoàn Văn Chúc đọc/dịch, tiếp nhận những lý thuyết xã hội học của Auguste Comte, Bacon, Gaston Bouthoul, Edvard Westermark...và chuyển hóa nó sao cho phù hợp với thực tiễn nghiên cứu ở Việt Nam. Từ góc độ xã hội học mác – xít, ông định nghĩa xã hội học là khoa học về những sự kiện cấu trúc và những sự kiện chung sống. Tiếp thu luận điểm của A. Comte và G. Bouthoul, ông chia xã hội học thành hai nhánh: tĩnh học xã hội (nghiên cứu các hiện tượng cấu trúc và chung sống trong không gian), và động học xã hội (khảo cứu các quy luật của sự phát triển của các xã hội trong thời gian). Qua đó, ông khẳng định, nhiệm vụ của xã hội học đại cương là khảo cứu ở bình diện chung, nhất là khảo cứu các yếu tố cấu thành mỗi kiểu loại xã hội và những logic chỉ huy sự vận động của mỗi kiểu loại xã hội. Đây là một định hướng nền tảng cho ngành xã hội học ở nước ta bấy giờ.
Do hạn chế của Đoàn Văn Chúc là thiếu các điều kiện tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm, nên ông đã bù đắp sự thiếu hụt này bằng việc xem xét nhiều hướng tiếp cận khác nhau của các ngành gần gũi với xã hội học như nhân học xã hội hay văn hóa, dân tộc học hay dân tộc chí (dân tộc học mô tả), đồng thời phân định xã hội học với các ngành khoa học trên. Đoàn Văn Chúc xác định nhiệm vụ của xã hội học văn hóa: “xã hội học văn hóa là sự khảo cứu sự vận hành xã hội của văn hóa trong các xã hội phân tầng”[14], nhất là chỉ ra được đối tượng nghiên cứu đặc thù của nó chính là “trường văn hóa”. Ông phân loại các đối tượng của xã hội học văn hóa: Tác phẩm văn hóa, tác giả, người tuyển chọn, truyền bá văn hóa, người phê bình và công chúng. Bên cạnh phần trình bày tổng thể, ông tập trung phân tích đặc tính của phong hóa, phương thức sản xuất, chuẩn mực và giá trị, nhu cầu văn hóa, thời gian rỗi và hoạt động rỗi, các nhóm xã hội... Phải khẳng định rằng, trong thời điểm mà ngành xã hội học non trẻ ở ta đang tỏ ra lúng túng trong việc xác lập đối tượng nghiên cứu đặc thù, cũng như thiếu những công trình xã hội học thực nghiệm khảo cứu văn hóa, thì những chỉ dẫn của Đoàn Văn Chúc thực sự mang tính đóng góp to lớn.
Mặt khác, cũng không khó có thể thấy ảnh hưởng của thuyết cấu trúc (structuralism) đến Đoàn Văn Chúc và các nhà nghiên cứu văn hóa cùng thời. Trên thực tế, thế kỷ XX trong một chừng mực nào đó có thể nói là thế kỷ cấu trúc luận. Mặc dù Việt Nam cũng giống như Liên Xô, trong suốt một thời gian dài bị các nhà khoa học chính thống dị ứng, coi là thứ khoa học tư sản, phi lịch sử[15]. Tuy nhiên, chủ nghĩa cấu trúc đã ảnh hưởng rất sâu sắc và rõ ràng tới tất cả các ngành khoa học xã hội, trong đó có văn hóa. Các nhà nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam như Đinh Gia Khánh, Từ Chi, Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Đoàn Văn Chúc, Phan Huy Lê, Nguyễn Huệ Chi… đều không nằm ngoài trường ảnh hưởng trên. Phương pháp cấu trúc đã đưa các nghiên cứu nhân văn xáp gần lại các khoa học thực nghiệm chính xác, khắc phục tình trạng mờ mịt, mơ hồ vốn tồn tại trước đây. Trong bầu không quyển của chủ nghĩa cấu trúc, Đoàn Văn Chúc tỏ ra rất tâm đắc với nhân học cấu trúc - gắn liền với tên tuổi của Levi Strauss, E. Cassirer – hai nhà nghiên cứu được ông trích dẫn nhiều lần, nhất là ở chương nghiên cứu biểu tượng và huyền thoại.
Chính logic trong tư duy, mà ở đây là tư duy phức hợp đã làm nên những thành quả nghiên cứu của ông. Tư duy phức hợp (pensée complexe) thể hiện ngay từ phần mở đầu của cuốn Văn hóa học, khi ông khẳng định một mệnh đề mà các nhà nghiên cứu văn hóa hậu bối sẽ còn theo đuổi mãi cho đến tận hôm nay: “Văn hóa học là môn học liên ngành”. Nhờ có tư duy phức hợp nên hệ thống tri thức về văn hóa mà Đoàn Văn Chúc xây dựng là một hệ thống tri thức luận phức hợp, do tính nhất quán và tính hướng mở của nó. Ông tiếp thu một cách cẩn trọng và có chọn lọc những nghiên cứu về nhân học, dân tộc học, tâm lý học, triết học và xã hội học của A. Comte, Bacon, Gaston Bouthoul, Edvard Westermark, Tylor, Morgan, Frazer, Freud, Manilovski, Levi Strauss… để xây dựng nên hệ quy chiếu riêng của mình. Đồng thời, những công trình của Đoàn Văn Chúc cho thấy ông đã kết hợp nhiều cách tiếp cận (công cụ phương pháp luận), trong đó nổi bật lên hướng tiếp cận nội quan kết hợp với ngoại quan, tiếp cận cá biệt và so sánh, tiếp cận hệ thống và cấu trúc, tiếp cận phân tích và tổng hợp. Xuất phát từ giả định: các hiện tượng văn hóa ta nhìn thấy được chỉ là những dấu vết của các tổ chức nằm dưới bề sâu, chính tầng địa chất bề sâu mới quyết định nên “bản lai diện mục” của một nền văn hóa, từ đó, ông tìm ra mã (code) cơ sở của nền văn hóa Việt Nam, mã cơ sở này là nền tảng trên đó để xây dựng các thực thể văn hóa rất khác nhau, trong đó văn hóa dân gian là một tồn tại điển hình... Trong công trình Văn hóa học cũng như Xã hội học văn hóa, chúng ta có thể thấy một trình độ tư duy tư biện rất cao, sức học uyên bác thể hiện qua việc tổng hợp và chuyển hóa kiến thức trong quá trình sáng tạo của Đoàn Văn Chúc, điều rất hiếm có ở các nhà nghiên cứu Việt Nam bấy giờ.
Cuối cùng, phải nói đến đóng góp to lớn của Đoàn Văn Chúc trong lĩnh vực dịch học thuật. Với Đoàn Văn Chúc, dịch để phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, mà như ông nói, dịch là một cách để đọc sâu[16]. Nhưng mặt khác, dịch còn thể hiện ý thức không để mình lạc hậu so với trình độ chung của thế giới[17]. Đoàn Văn Chúc đã dịch Triết học của các hình thức biểu tượng (La Philosophie des Formes symboliques, 1923 – 1929) của E. Cassirer, Vật tổ và cấm kỵ (Totem und Tabu, 1912) của S. Freud, Các cấu trúc xã hội học (Les structures sociologiques, 1968) của Gaston Bouthoul, Nhập môn xã hội học (Introduction à la sociologie, 1971) của Jean Duvigneaud, Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức (Recherches de l’origine du language et de la conscience, 1973) của Trần Đức Thảo, Những tiếng nói đã mất (Langages perdus, 1973) – cuốn sách tạo dựng chân dung những nhà văn hóa học như L. H. Morgan (1818 – 1881), Lévy Bruhl (1857 – 1939), L. Frobenius (1873 – 1938), B. Malinowski (1884 – 1942), Lévi Strauss (1908) của J. Duvignand. Với tất cả những nhà văn hóa mà ông chọn dịch tác phẩm, ông đều học tập phương pháp tri thức gốc (a method of original knowledge) của họ, thụ đắc những khái niệm hạt nhân để từ đó sáng tạo nên một khung lý thuyết phù hợp cho chuyên ngành xã hội học và văn hóa học ở Việt Nam. Tuy nhiên “nhân vi thập toàn”, có đôi chỗ, khi trình bày khái niệm, cách chiết tự Trung Hoa của ông dễ làm mất đi tính chính xác của nội hàm khái niệm (chẳng hạn như cách ông chiết tự khái niệm “xã hội”[18], hay “dân gian”[19]) bởi lẽ cách hiểu về mỗi khái niệm theo kiểu Trung Hoa có độ vênh nhất định so với cách hiểu của các nhà nhân học phương Tây... Mặt khác, do điều kiện về sức khỏe cũng như thiếu thốn về mặt tư liệu, mà một số nội dung nghiên cứu của Đoàn Văn Chúc thiếu phần “khảo sát lượng tính”[20] như ông tự nhận. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, ông phải vận động khả năng tư biện, trình bày những nghiên cứu mang tính “trực giác và giả thiết”[21] trong các công trình của mình. Ông cũng chưa phác họa trọn vẹn được lộ trình lý thuyết của xã hội học văn hóa và văn hóa học từ giai đoạn khoa học tiền (pre – paradigmatic science) – đến giai đoạn khoa học chuẩn tắc (normal science) của nó[22], tức là tìm hiểu từ khi nó còn là những lý thuyết khoa học, tồn tại nhiều trường phái – nhưng chưa xác lập được khung mẫu và những liên hệ bản chất – cho đến khi đã tương đối định hình, trở thành một ngành khoa học (specialisation) thực sự. Dù vậy, trên tất cả, cái chúng ta nhìn thấy và cảm phục, là sự tâm huyết, sức lao động, sức sáng tạo, cống hiến của ông trong điều kiện nghiên cứu hết sức nghèo nàn ở Việt Nam bấy giờ.
Từ cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Đoàn Văn Chúc, chúng ta lại nhắc nhớ với nhau một điều, một điều nghe thấy đã quen mà thực hiện vẫn còn quá sơ sài, đó là muốn khoa học Việt Nam tiến lên thì phải có chung tri thức luận và phương pháp luận với thế giới. Dĩ nhiên, đây là một vấn đề tầm vĩ mô, liên quan đến thể chế, thị trường, đến tính dân chủ trong khoa học...vv. Nhưng trước hết, khoa học là phát minh và thành tựu của một cá nhân, vì vậy, nó đòi hỏi sự dấn thân, thậm chí hy sinh, sự say mê và ý thức trách nhiệm của nhà nghiên cứu.
Thành quả khoa học của Đoàn Văn Chúc, chính xác phải gọi là “di sản” - một di sản lớn mà ông để lại, đã và sẽ còn được phục sinh vào đời sống đương đại. Tiếp nhận những công trình nghiên cứu và dịch thuật của ông ra đời cách đây hơn 30 năm, người đọc hôm nay vẫn không khỏi ngạc nhiên về tính uyên bác, tính thuyết phục và hấp dẫn của nó. Với nỗ lực trầm lặng của một trí thức mang trong lòng cái mà Kant gọi là “nhiệt tình lạnh”, trong bối cảnh sự khủng hoảng ý thức hệ khiến cho nền khoa học nhân văn còn non trẻ ở nước ta bị phân rẽ thành hai nhánh, Đoàn Văn Chúc đã góp phần kết hợp nó lại bằng một cách thức rất riêng của mình, đồng thời, là người cung cấp một hệ phương pháp luận của khoa học hiện đại cho thế hệ kế tiếp.
Có được thành quả như vậy bởi ông đã nuôi dưỡng trong mình sự thôi thúc, niềm tin về nhiệm vụ cũng như sức mạnh của người trí thức, như cách ông định nghĩa “Trí thức là người có khả năng phóng vào trường trí tuệ của nhân loại một ánh sáng mới”[23]. Nhưng, đúng như tinh thần của một trí thức chân chính, Đoàn Văn Chúc hiểu rằng, tất cả mọi lý thuyết chỉ nên coi là một dạng giả thuyết nghiên cứu, bởi tri thức là thứ xuyên thời gian và xuyên không gian, mang tính bất định, cần có sự đối chứng, đối thoại và chỉnh lý, chứ không nên hy vọng dùng một thứ băng keo tư tưởng nào để bịt kín hết những lỗ hổng cuối cùng.
--
Tác giả: Nguyễn Thị Thúy Hạnh (ĐHSP Hà Nội)
Admin 4
[1] Chữ dùng của Phan Ngọc
[2] Khái niệm “Thực chứng luận” được phát triển ở đầu thế kỷ 19 bởi nhà triết học và xã hội học người Pháp Auguste Comte
[3] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Viện Văn hóa và Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1997, tr. 24.
[4] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 94
[5] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 137
[6] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 138
[7] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 9
[8] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 10
[9] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 27
[10] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 99
[11] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 150
[12] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 314
[13] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 324
[14] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 26
[15] Xin trích một đoạn của GS. Đặng Nghiêm Vạn để làm ví dụ: “…Đó là điều mà ông L.Strauss đang muốn thể nghiệm cái chủ nghĩa mang tính phi lịch sử và duy tâm- thứ chủ nghĩa cấu trúc xã lạ với chúng ta, những người theo quan điểm Mác- xít. L. Strauss đã áp dụng chủ nghĩa đó vào một loạt những cuốn sách nghiên cứu về huyền thoại của ông, một thứ thử nghiệm sẽ không thành công, đang bị chính các nhà Fôn - clo học tiến bộ ở phương Tây chỉ trích” (Tô Ngọc Thanh, Đặng Nghiêm Vạn, Phạm Hùng Thoan, Vũ Thị Hoa - Fônclo Bâhnar - Sở VHTT Gia Lai- Kontum, 1988, trang 281)
[16] Đỗ Lai Thúy, Tìm lại một tiếng nói đã mất (thay lời bạt), in trong cuốn Văn hóa học của Đoàn Văn Chúc, Viện Văn hóa, Nhà xuất bản Văn hóa – thông tin, 1997, tr. 380.
[17] Ngoài dịch học thuật, Đoàn Văn Chúc còn dịch và hiệu đính các tác phẩm văn học nước ngoài, như: Tập truyện ngắn Rumani của các tác giả: Iôn Crêangơ, Iôn Luca Caragian, Iôan Slavixi, NXB Văn hoá, 1961; Kịch Mẹ can đảm và bày con, Bertolt Brecht, NXB Sân khấu, 2006
[18] Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Sđd, tr. 55
[19] Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Viện Văn hóa, Nhà xuất bản Văn hóa – thông tin, 1997, tr. 86
[20] Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Viện Văn hóa, Nhà xuất bản Văn hóa – thông tin, 1997, tr. 345
[21] Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Viện Văn hóa, Nhà xuất bản Văn hóa – thông tin, 1997, tr. 345
[22] Đây là cách chia của Kuhn S. Thomas, học giả người Mỹ: con đường phát triển khoa học từ ý tưởng khoa học đến một lý thuyết khoa học hoàn chỉnh thành hai giai đoạn, giai đoạn khoa học tiền (pre – paradigmatic science) và giai đoạn khoa học chuẩn tắc (normal science)
[23] Trích dẫn trong bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Hòa: “Hồi còn sống, thầy tôi là học giả Đoàn Văn Chúc đưa ra một định nghĩa: “Trí thức là người có khả năng phóng vào trường trí tuệ của nhân loại một ánh sáng mới”, nguồn: http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Nha-nghien-cuu-van-hoa-Nguyen-Hoa-Can-chan-thanh-va-trung-thuc-316096/