Vì sao loài người rời châu Phi và tràn ngập thế giới?
- Truyện dân gian của một số dân tộc, như “Cóc kiện trời” của Việt Nam, kể về một cuộc hạn hán lớn làm thiệt mạng nhiều sinh linh. Sau khi muôn loài đấu tranh thắng lợi với Trời và các thế lực “xấu” lũng đoạn ông này, các hồ nước lại đầy ắp, ...
- Truyện dân gian của
một số dân tộc, như “Cóc kiện trời” của Việt Nam, kể về một cuộc hạn hán
lớn làm thiệt mạng nhiều sinh linh. Sau khi muôn loài đấu tranh thắng
lợi với Trời và các thế lực “xấu” lũng đoạn ông này, các hồ nước lại đầy
ắp, vạn vật lại nảy nở, tái sinh. Khoa học ngày nay đang gây cảm tưởng
rằng truyền thuyết về cuộc đại hạn này bắt nguồn từ một giai đoạn có
thực lịch sử cổ đại.
Nhiều học giả lập luận rằng cuộc di tản đầu tiên khỏi châu Phi
có thể đã bắt đầu khoảng mười vạn năm trước, khi một thiên tai lớn xảy
ra. Và dầu chỉ đôi ngàn người nguyên thuỷ của lục địa Đen sống sót được
sau cuộc di cư, họ trở thành những “thực dân” đầu tiên khai phá liên lục
địa Âu – Á, khởi nguồn cho văn minh nhân loại.
“Tứ
hải giai huynh đệ” dưới ánh sáng di truyền học:
Công trình nghiên cứu của Viện di truyền học Nga thuộc
Viện hàn lâm khoa học Nga, do nhà bác học Lev Jivatovsky chủ trì, năm
2004 chỉ ra rằng các bộ gen di truyền của toàn nhân loại hiện nay đều có
xuất xứ từ một cộng đồng gồm không tới 2000 người cổ đại, sinh sống ở
châu Phi khoảng 100 – 150 ngàn năm trước.
Cây gia hệ người cổ đại “Hobbit” Family Tree (Nguồn www.d.umn.edu) |
Các nhà di truyền học Nga đã nghiên cứu 377
dấu hiệu gen lấy từ 52 tộc người trên khắp thế giới, gồm người thuộc
các bộ lạc châu Phi cổ đại, cư dân châu Đại Dương, Đông Nam Á, người da
đỏ châu Mỹ, người Basque, Sicilian, Scandinavian, Nga, Adyghe, Yakut …
để đi tới kết luận trên.
Phải mất tới hàng vạn năm, cây gia hệ
của nhóm “thực dân” người Phi nguyên thuỷ nói trên mới lan toả khắp
toàn thế giới. Vẫn theo các nhà bác học Nga, các tổ tiên Phi châu của
chúng ta đầu tiên đã đổ bộ lên châu Âu, nơi lúc đó có những Neandertal
đang sinh sống. Từ châu Âu, con cháu của cộng đồng gốc Phi cổ đại đã dần
dà mò sang định cư ở châu Đại Dương, châu Á, rồi châu Mỹ.
Lev
Jivatovsky còn chỉ ra rằng, lúc đó trên thế giới không phải đang không
có các giống người cổ đại khác sinh sống. Chẳng qua cấu trúc gen của
người hiện đại phát tích từ chính nhóm người Phi cổ đại nói trên “khoẻ”
hơn nhiều so với các giống người cổ đại khác (1). Còn các giống
người khác, hoặc bộ gen không di truyền được vì một lý do nào đó, hoặc
khả năng sinh sản của họ thấp hơn, nên đã không thể để lại di sản về gen
của mình. Chính vì vậy, vẫn theo các nhà di truyền học Nga mà cấu trúc
phân tử ADN của con người hiện đại trùng nhau tới 99, 9% (2) .
Vậy là về phương diện di truyền học, “chỗ đứng” cho tệ phân biệt
chủng tộc, chỉ ở mức 0,1% (3). Nhưng điều quan trọng hơn là,
vẫn theo Lev Jivatovsky, hai người khác màu da lại có thể có bộ nhiễm
sắc thể rất gần nhau. Trong khi hai người da trắng lại có thể có cấu
trúc gen xa nhau hơn. Đồng thời, cấu trúc gen của hai người thuộc chủng
tộc khác nhau lại gần nhau hơn là ADN của hai “con” vượn chimpanzee cùng
đàn.
Thuyết người châu Phi là thuỷ tổ của nền văn minh hiện
đại không chỉ được khởi xướng bởi các nhà khoa học Nga. Ngay từ thế kỷ
19, Darwin đã gợi ý như sau trong chương 6, sách Nguồn gốc loài
người (Descent of man): “Có vẻ như châu Phi từng là khu vực cư trú
của hai loài khỉ nay đã tuyệt diệt, gần gũi với giống gorilla và
chimpanzee. Và bởi vì hai loại linh trưởng này hiện gần gũi nhất với
loài người, rất có thể các bậc tổ tiên của chúng ta từng sống ở châu
Phi, hơn là một nơi nào khác”.
Hiện vẫn đang có tranh chấp giữa
hai thuyết về nguồn gốc loài người. Một là thuyết tiến hoá đa khu vực (Multiregional
theory) theo đó người vượn đứng thẳng (homo erectus) sống
rải rác ở khắp nơi trên hành tinh dần tiến hoá thành người thông tuệ (homo
sapiens). Khoảng một thập kỷ nay, những người cổ suý thuyết này đã
nhất trí rằng, homo erectus thuỷ tổ là homo (hoặc homo habilis)
khoảng 2 triệu năm trước đã từ châu Phi phát tán đi châu Âu, châu Á. Để
rồi homo erectus từ Indonesia (người vượn Java) di trú sang
châu Úc (Australia).
Người vượn Bắc Kinh (Pekin
man), hay Sinanthropus được xem là phát tích từ Đông Nam Á, và là
tổ của giống Mongoloit. Cho dù một số nhà nhân loại học
(paleoanthropologists ) Trung Hoa từng cho rằng người vượn Bắc Kinh, mà
hoá thạch tìm thấy ở Chou Kou – tien (Chu Khẩu điếm) gần Bắc Kinh, tổ
tiên của người Hán và một số dân tộc ở Trung Quốc hiện tại, các nghiên
cứu về gen của học giả quốc tế đã không xác nhận luận điểm này.
Thuyết thứ hai là “rời khỏi châu Phi” (Out of Africa), theo đó
người thông tuệ (homo sapiens) nảy nòi ở châu Phi, rồi di trú
(migrate) đi các vùng khác của thế giới, thay thế các loài người cổ đại
khác (4). Hướng nghiên cứu này hiện đã đi khá xa và ngày càng
được khẳng định bởi nghiên cứu di truyền học và khảo sát hoá thạch, trầm
tích.
Thuyết tiến hoá đa vùng (Multiregional theory)
hiện khá lung lay, vì, ít nhất, kết quả của hàng loạt công trình khảo
cố đã đưa tới kết quả sau: khoảng vài trăm ngàn năm trước, những giống
có cấu trúc cơ thể như người hiện đại (anatomically modern humans) chưa
khu trú ở châu Phi (5).
Có thể đặt ra câu hỏi, liệu
có điều gì bất thường xảy ra, buộc các bậc tổ tiên này của chúng ta phải
“khăn gói” Out of Africa khoảng 100 ngàn năm về trước? Vì sao
cấu trúc gen của người hiện đại, theo các nhà di truyền học Nga, lại
xuất phát từ một cộng đồng không quá 2000 “nhân khẩu”? Châu Phi thời đó,
với khí hậu ấm áp, các cánh rừng đại ngàn tươi tốt như cái nôi lý tưởng
cho nhân loại, quần thể động thực vật vô cùng phong phú hơn so với
những phần còn lại của hành tinh, lại không thể chứa nổi bằng ấy
“người”?
Câu trả lời đến từ nghiên cứu sinh thái học
Các nhà bác học đưa ra nhiều luận cứ cho thuyết Out of Africa,
nhưng chỉ có một trong số chúng thực sự tìm được chỗ đứng. Đó là, từng
xảy ra một cuộc hạn hán ở châu Phi cổ đại, thậm chí một loạt những đợt
hạn hán, kéo dài hàng chục thiên niên kỷ. Lập luận này đã được kiểm
chứng sau hoạt động khoan thăm dò đáy hồ Malawi ở giữa lục địa châu Phi.
Đây là một trong những hồ sâu nhất thế giới, có chỗ sâu tới 700 m.
Lượng nước trong hồ này gộp với hồ Tanganika chiếm tới 80% khối lượng
nước chứa trong toàn lục địa châu Phi. Gần đây các nhà thám hiểm của đại
học Arizona, Hoa Kỳ, đã kỳ công dựng một dàn khoan nổi trên mặt nước
của hồ, để thực hiện các nhát khoan sâu xuống lòng đất tới 380 m, tính
từ đáy hồ. Hoạt động thăm dò trong nhiều năm này đã giúp đoàn khảo sát
đi tới kết luận rằng, khoảng 135 ngàn năm trước, nước trong hồ đã hạ
xuống tổng cộng là khoảng 600 mét thấp hơn so với mực nước của chính nó.
Còn đất đai ven hồ mà hôm nay màu mỡ, cây cối sum suê, lúc đó đã biến
thành bán sa mạc, vô cùng khắc nghiệt đối với các loài có vú.
Vì lúc đó hồ Malavi mất tới 95% lượng nước của nó, không một loài vật
nào có thể sinh sống. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trong một thứ
nước cạn, đục, mang tính kiềm như vậy, chỉ có một số loài phù du, tảo,
và trai hến là có thể sống nổi. Mà hồ nước, theo trưởng đoàn khảo sát
Andrew S. Cohen, chính là thước đo lượng mưa, do vậy trong thời kỳ từ
135 tới 90 ngàn năm về trước, vùng lãnh thổ này đã hầu như không có mưa.
Giáo sư Cohen cũng chỉ ra rằng tìm được rất ít dấu vết của
hoạt động con người trong giai đoạn này (6). Điều quan trọng là
ngoài cuộc thám hiểm trên của Đại học Arizona, đã có nhiều công trình
khoa học khác cho rằng vào thời kỳ nói trên, châu Phi đã trải qua những
đợt hạn hán nặng nề, kéo dài (megadroughts), chưa từng xảy ra
trước đó.
Kết quả là, muông thú và cư dân (human
population) gần như diệt chủng (crashed). Và, các kết quả
nghiên cứu các vùng khác của Lục địa đen cũng cho thấy tác động của các
đợt hạn hán khắc nghiệt tác động trên diện rộng, vào khoảng 100 ngàn năm
trước, gây ra sự mở rộng bất thường của sa mạc Kalahari về phía bắc và
Sahara về phía nam, cho dù theo Cohen, chưa mấy ai đưa các yếu tố này
vào một xem xét có tính tổng thể.
Một số ý kiến khác
xung quanh Out of Africa
Dẫn
kết quả khảo sát lòng hồ Malawi nói trên, phóng viên môi trường Lewis
Smith trong bài “Biến đổi khí hậu từng đẩy loài người khỏi châu Phi”
(The Times) (7) cho biết cuộc di cư khỏi Phi châu do đại hạn
kéo dài (Megadroughts) bắt đầu khoảng 125 ngàn năm trước, và
đồng ý với nhiều quan điểm trước đó rằng đây một thảm bại (ultimately
unsuccessful), ngụ ý chỉ có một nhúm người sống sót. Khí hậu ẩm
hơn đã cho phép con người vừa nhân giống vừa di trú sang các lục địa
khác trong giai đoạn 70 – 90 ngàn năm về trước. Phải mất vài vạn năm nữa
cho người thông tuệ đổ bộ lên châu Úc, (khoảng 50000 năm về trước).
Đường di cư 10 vạn năm trước theo Wikipedia. |
Lộ
trình xâm nhập toàn cầu của các hậu duệ trực tiếp của người châu Phi cổ
đại cách đây nhiều vạn năm được trình bày chi tiết trong sách Hành
trình nhân loại – một cuộc phiêu lưu của gien di truyền (8)
(The Journey of man) của nhà di truyền và nhân chủng học Mỹ
Spencer Wells, chúng ta sẽ còn nói tới ông ở phần dưới.
Từ
điển Wikipedia vẽ bản đồ đường di cư của người cổ đại châu Phi sang châu
Âu qua eo biển hẹp trên biển Hồng Hải, đoạn giữa Epitopia và Yemen. Từ
điển cũng cho rằng trên đường đi của mình, (bằng khả năng sinh sản hùng
hậu), người Phi cổ đại đã lấn át những loài giống người (Homo) như Cro –
Magnon và Neanderthal. Họ cũng mò dần xuống phía Nam, gieo giống vào
địa bàn của người vượn đứng thẳng (homo erectus), mà hoá thạch được tìm
thấy ở những nơi như Thầm Khuyên, Lạng Sơn, miền bắc Việt Nam, hay Nam
Ninh, sát biên giới Trung – Việt (9) …
Thảm cảnh của
người cổ đại chạy khỏi châu Phi theo thuyết Out of Africa được tác giả
G. Kolpakov đề cập trong bài đăng trên báo Nezavisimaya, Nga như sau:
Một bậc “nam tử” Homo erectus (Ảnh trái). Phim Cóc kiện trời (Ảnh phải) |
Khoảng
100 ngàn năm về trước, khô hạn kéo dài đã biến châu Phi thành một địa
ngục. Nước đột nhiên biến mất, để lại mặt đất trơ trụi, nóng bỏng trong
những trận cháy rừng và những cơn bão cát, muông thú và người chết hàng
loạt. Những cá thể còn sống bỏ chạy đi tìm nguồn nước. Nhiều người bỏ
xác lại dọc đường, nhưng một số khác đã thoát khỏi sa mạc. Hành trình
sang miền đất mới này đã quá đỗi khổ ải, nên chỉ rất ít người chạy thoát
được sang tới châu Âu, nơi có những người Neanderthal sinh sống. Từ
đây, họ lan toả xuống khắp liên lục địa Âu – Á (Eurasia) (10).
G. Kolpakov đã gắn kết quả nghiên cứu về siêu hạn hán ở châu Phi
cổ đại của các nhà thám hiểm ở Đại học Arizona, Hoa Kỳ (công bố năm
2007) với thuyết của về cấu trúc gen di truyền của nhân loại bắt đầu từ
nhóm khoảng 2000 người châu Phi cổ đại (của viện di truyền học Nga công
bố năm 2004), để kết luận rằng: chính những ai còn khả năng sinh đẻ từ
nhúm người Phi cổ chạy trốn “nữ thần Hạn Hán” thoát được sang tới châu
Âu, đã khởi phát nền văn minh nhân loại.
Tuy nhiên, ngay từ
năm 2001 một nhóm bác học Trung quốc đứng đầu là Li Jin (đại học Fudan,
Thượng Hải), đã kết hợp với người chủ trì dự án Biểu đồ gen
(Genographic) là tiến sĩ Spencer Wells đã nêu tên ở trên, tiến hành khảo
sát dấu hiệu gen trên 1200 người thuộc 163 dân tộc châu Á (kể cả vùng
Trung Á thuộc LX cũ) để kết luận rằng toàn nhân loại hiện nay có nguồn
gốc từ châu Phi. Phát kiến của nhóm này, đăng trên báo Science 11/5/
2001, Vol. 292 (11), được xem là gần như đánh đổ thuyết tiến
hoá đa khu vực. “Kết quả nghiên cứu cho thấy người Phi thời đó (thời cổ
đại) đã thay thế hoàn toàn các dân tộc ở Đông Á”, bài báo viết.
Tuy nhiên, nhóm này không cho rằng đã có sự lai tạp giữa “người nhập
cư” châu Phi và các tộc cổ đại bản địa (như homo erectus Thầm Khuyên
chẳng hạn).
Gần đây, ngay cả dân Do Thái, vẫn được biết đến với
lòng tự tôn dân tộc và ý thức giữ gìn nòi giống, gần đây cũng phát hiện
được nguồn gốc Phi châu của mình. Đại học Tel Avip, Israel đã dựa vào
khảo cổ để kết luận rằng cha ông (đúng hơn là mẹ tổ) họ có những đặc
tính xích đạo (equatorial) (12). Thật vậy, nghiên cứu này đã
không thể không phản ảnh truyền thống thiên về mẫu hệ (trong xác định
huyết thống Do Thái), khi các nhà bác học chủ yếu dung kết quả khảo sát
hoá thạch của một người phụ nữ Hebrew thuộc thời kỳ La mã cổ đại (Roman)
(13) để đưa ra kết luận trên.
Nhưng công trình nghiên
cứu của tiến sĩ Alan Templeton, Đại học Washington tại St. Louis lại cho
rằng có ba đợt di cư từ châu Phi (14). Đợt đầu vào 1,9 triệu
năm trước (trùng với thuyết tiến hoá đa vùng). Đợt hai vào 700 ngàn năm
trước, trùng với ý kiến của các tác giả của thuyết Out of Africa. Nhưng
đợt cuối, xảy ra 100 ngàn năm trước, mới là lúc các Homo sapiens từ châu
Phi đã đồng hoá (nguyên văn: interbreed – lai giống) các chủng người
khác trên mặt đất.
Tiến trình di cư của người tiền sử (nguồn: Wikipedia) |
Khác với nhóm học giả Trung Hoa đứng đầu là Li Jin nói trên, Templenton chắc mẩm tới 99% rằng trong suốt 1,5 triệu năm đã có quá trình trao đổi gen thường xuyên (recurrent genetic interchange) giữa người châu Phi và người Âu - Á (Eurasian).
Vì thế, sơ đồ gia hệ của loài người
không phải dạng cây, mà phải là dạng giàn mắt cáo (trellis), thể hiện
mối liên quan khăng khít của nhân loại về gen. Giống như các nhà di
truyền học Nga, ông cho rằng không tồn tại những giống người thuần
chủng. Ông được xem là người tìm cách đánh đổ thuyết Out of Africa về
khía cạnh thống kê.
Sa mạc từng là đồng cỏ
Trở lại với phát kiến về đại hạn ở châu Phi khoảng 100
ngàn năm trước của đại học Arizona 2007, kết quả khảo sát cho biết thêm,
vào khoảng 80 ngàn năm trước, mưa lại xuất hiện ở châu Phi, để nước hồ
Malawi lại dâng cao như cũ (15), và con người lại sang an cư
lập nghiệp ở châu Phi. Alan Templeton thì đề cập các số liệu cổ khí hậu
học (paleoclimatic), theo đó trùng với hai cuộc di cư sớm từ châu Phi ở
mốc 1,9 triệu năm và 700 nghìn năm trước, đã có mưa lớn tới mức biến sa
mạc Sahara thành thảo nguyên savan (savannah).
(1) Báo Luận chứng và sự kiện (Aиф), số 7 (2016) ra ngày
18/2/2004. http://gazeta.aif.ru/online/aif/1216/34_01
(2) Căn cứ theo thuyết người châu Phi
là thuỷ tổ của nền văn minh hiện đại, thì kết quả nghiên cứu DNA do các
trung tâm ở Thượng Hải, Côn Minh và Hoa Kỳ (Center for Genome
Information, Department of Environmental Health, University of
Cincinnati, Cincinnati, Ohio 45267, USA) chỉ ra rằng người Bắc Trung Hoa
(Tây An và Bắc Kinh) và người Nam Trung Hoa (Quảng Châu, Thượng Hải) có
cùng mẫu ADN (xem Xưa và nay số 295, tháng 11/2007), là điều dễ hiểu.
(3) Bằng 3 triệu đôi đơn
vị cấu trúc nucleotide AND.
(4)
http://www.actionbioscience.org/evolution/johanson.html
(5) Hoá thạch người thông tuệ đầu tiên
(Homo sapiens idaltu) được tìm thấy ở Etiopia khoảng 160 nghìn năm
trước. (http://en.wikipedia.org/wiki/Homo_sapiens_idaltu). Còn theo kinh
Thánh, con người được tạo ra cách đây khoảng 6000 năm.
(6) Ancient African Megadroughts May
Have Driven Human Evolution -- Out Of Africa
http://www.sciencedaily.com/releases/2007/10/071008171121.htm . Các tác
giả của công trình này gồm cả các nhà khoa học thuộc các trường đại học
khác trên thế giới, đã tìm được các dấu tích về người Phi cổ và các cuộc
di trú của họ về phía Bắc với niên đại 70 ngàn năm, khi khí hậu châu
Phi đã ẩm ướt hơn.
(7)
The Times, 9/10/ 2007, Climate change led mankind out of Africa.
http://www.timesonline.co.uk/tol/news/world/africa/article2617296.ece
(8) The Journey of man: A Genetic
Odyssey, NXB Princeton University Press. Diễn đàn người Việt quốc gia,
có giới thiệu cuốn sách này khá kỹ.
http://www.nationalistvietnameseforum.com
(9)
http://en.wikipedia.org/wiki/Recent_African_origin_of_modern_humans;
http://en.wikipedia.org/wiki/Homo_erectus
(10) Chạy trốn khỏi địa ngục, báo
Nezavisimaya của Nga, 14/11/2007.
http://www.ng.ru/science/2007-11-14/23_africa.html
(11)
http://www.sciencemag.org/cgi/content/abstract/292/5519/1151. Có thể
tham khảo bài của BBC về phát kiến này trên
http://news.bbc.co.uk/2/hi/science/nature/1323485.stm
(12) Báo Israel Haaretz,
http://haaretz.com/hasen/spages/1037262.html
(13) Maternal lineage in determining
Jewish status: chỉ những đứa con do một phụ nữ Do Thái sinh ra mới được
công nhận là người Do Thái chính cống. Thông thường, dân tộc tính được
xác định theo cha.
(14)
http://www.sciencedaily.com/releases/2006/02/060209184558.htm
(15) Ancient African Megadroughts May Have Driven Human Evolution -- Out Of Africa http://www.sciencedaily.com/releases/2007/10/071008171121.htm, đã dẫn trên.
Lê Đỗ Huy (tổng hợp)