"Mỗi hoài ngâm thảo" của Hà Đình Nguyễn Thuật trong dòng thơ sứ trình thời Nguyễn nửa sau thế kỷ XIX
(ĐHVH) - Nguyễn Thuật (1842 - 1911), tên tự: Hiếu Sinh, hiệu: Hà Đình, là một nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX. Dưới thời vua Tự ...
(ĐHVH) - Nguyễn Thuật (1842 - 1911), tên tự: Hiếu Sinh, hiệu: Hà Đình, là một nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX. Dưới thời vua Tự Đức, ông đã hai lần được triều đình cử sang sứ nhà Thanh - Trung Hoa làm công việc bang giao (các năm 1880 - 1882, 1882 - 1883). Như nhiều sứ thần khác, trong thời gian đi sứ Nguyễn Thuật cũng viết văn, làm thơ xướng họa, thù tạc với quan lại, nhân sĩ các nước; đề vịnh phong cảnh núi sông hoặc biểu lộ tâm sự của người xa nước, xa quê trên hành trình “đất xa ngàn dặm”.
Với hơn 200 bài thơ được chép chủ yếu trong “Mỗi hoài ngâm thảo”, thơ đi sứ Nguyễn Thuật không chỉ góp phần làm giàu có di sản văn hóa - văn chương vốn rất bề thế, đa dạng của ông mà còn có ý nghĩa nhất định đối với vận động dòng thơ sứ trình thời Nguyễn nửa sau thế kỷ XIX. Thông qua việc khảo sát, tìm hiểu thơ đi sứ Nguyễn Thuật, bài viết hướng tới khẳng định những đóng góp của ông trong lĩnh vực chính trị - bang giao và văn chương nghệ thuật, giúp người đọc hiểu hơn tầm vóc tư tưởng cũng như nhân cách một bậc danh sĩ - danh thần trong bối cảnh lịch sử đầy biến động và khó khăn của dân tộc.
1. Quan hệ bang giao “triều cống” Việt - Trung nửa sau TK XIX và chuyến “Hoa trình” của Hà Đình Nguyễn Thuật các năm 1880 - 1882, 1882 - 1883.
Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh làm lễ xưng vương, lấy niên hiệu Gia Long nhất thống sơn hà sau nhiều thế kỷ nội chiến, mở đầu lịch sử gần 150 năm vương triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc (1802 - 1945).
Dưới thời Nguyễn, việc duy trì quan hệ “triều cống” truyền thống với nhà Thanh một mặt thể hiện tình hoà hiếu giữa hai nước trong “trật tự thế giới Đông Á”, mặt khác nằm trong đối sách ngoại giao nhằm đảm bảo chắc chắn cho sự tồn tại chính thống của vương triều, đồng thời xác lập vị thế Việt Nam với các nước trong khu vực. Chính vì vậy ngay từ khi mới lên ngôi, vua Gia Long đã hết sức để tâm tới vấn đề này: “Vua cho sự thể bang giao là một việc quan trọng, hạ lệnh cho quan Bắc thành noi theo việc cũ triều Lê”1. Tuy nhiên, “trật tự thế giới kiểu Trung Hoa” trong bang giao Việt - Trung từ thời vua Minh Mạng trở về sau, nhất là sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đã trở nên lỏng lẻo, ngày càng mang tính chất hình thức và không còn thuần nhất như trước do biến chuyển mới của tình hình khu vực và thế giới. Thất bại liên tiếp trong cuộc chiến tranh “Nha phiến” 1840 - 1842, 1856 - 1860 khiến triều đình nhà Thanh bị buộc phải ký hàng loạt điều ước “nhượng quyền” mở cửa tự do thông thương các thương cảng lớn, cửa ngõ ra vào biển phía Nam Trung Quốc như Hổ Môn, Hương Cảng, Áo Môn (Quảng Đông), Hạ Môn (Phúc Kiến), Thượng Hải…cho các nước phương Tây, chủ yếu là Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Hà Lan; tình trạng bị “thuộc địa hóa” của các nước Đông Nam Á và sự hiện diện của thực dân Pháp tại Việt Nam từ 1858 phản ánh thực tế: sự xác lập một trật tự thế giới mới với quyền lực trung tâm là phương Tây thay thế Trung Hoa đã đẩy hàng loạt quốc gia Đông Á và Đông Nam Á vào tình trạng bị thôn tính lãnh thổ cũng như mất đi quyền tự chủ vốn có của mình…Trong bối cảnh biến động và khó khăn đó, các chuyến đi của sứ đoàn Việt Nam tới Trung Hoa một mặt là để tiếp tục duy trì quan hệ bang giao có tính truyền thống giữa hai nước, mặt khác nằm trong nỗ lực của triều đình nhà Nguyễn đối phó với Pháp và phương Tây. Ngoài việc dâng sính lễ/cống lễ theo định lệ hoặc giải quyết sự vụ (đất đai, lãnh thổ, biên giới…), sứ đoàn còn đảm trách sứ mệnh rất quan trọng: xem xét, nghe ngóng, nắm bắt hoạt động quân sự các nước phương Tây, trong đó có Pháp tại các vùng biển “nhượng quyền” của Trung Hoa hoặc bàn bạc, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ về binh lực của “thiên triều”. “Điểm đến” của các chuyến đi này, vì thế, có thể là Yên Kinh như các thời trước, song cũng có thể dừng lại ở các vùng biển/thương cảng nơi có sự hiện diện của người phương Tây thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Thượng Hải…Trong trường hợp này thì hoạt động sứ đoàn Việt Nam tại đây thường đa dạng và mang tính “chủ đích” thiết thực hơn so với kiểu quan hệ bang giao trong “trật tự” Đông Á như thường thấy trước đây. Có thể thấy rõ những biến chuyển của mối quan hệ bang giao Việt - Trung và tâm thế sứ thần thời này qua ghi chép hoặc sáng tác thơ văn liên quan tới hàng loạt chuyến đi của Lý Văn Phức (1841), Bùi Quĩ (1848), Nguyễn Văn Siêu (1849), Đặng Huy Trứ (1865 và 1867), Bùi Dị (1876 - 1878), Nguyễn Tư Giản (1868)…Hai chuyến đi sứ Trung Hoa của Hà Đình Nguyễn Thuật (1880 - 1882, 1882 - 1883) cũng nằm trong diễn biến chung đầy phức tạp đó của tình hình đất nước và khu vực. Về chuyến đi đầu tiên năm 1880, tháng 6 - Tự Đức 33, sách Đại Nam thực lục chép: “…Sai sứ sang nhà Thanh (cống hằng năm). Hữu thị lang bộ Lại sung làm việc nội các là Nguyễn Thuật được đổi bổ hàm bộ Lễ sung chức Chánh sứ, Thị độc Học sĩ sung chức Sử quán Toản tu là Trần Khánh Tiến được đổi thụ hàm Hồng lô Tự khanh; Lang trung bộ Binh là Nguyễn Hoan được đổi thụ hàm Thị độc Học sĩ sung chức Phó sứ thứ nhất, thứ nhì. Thuật ra đi, vua làm thơ và bài ca đi xa tự tay viết để ban cho. Khi ấy, vì giặc nước Thanh chưa yên, mới làm tờ sớ nói cả tình hình biên giới, sai Thuật mang đến Quảng Tây yêu cầu để tâu giúp, xin phái cho quân ở dinh để chặn dẹp”2. Như vậy theo ghi chép thì đây là chuyến đi “cống hàng năm”, tức tuế cống theo định lệ trong hệ thống “triều cống” Đông Á mà các nước nhỏ/“ngoại biên” như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên phải có “nghĩa vụ” cống nạp (vàng bạc, châu báu, sản vật…) chứng tỏ sự “thần phục” với nước lớn/“thiên triều” Trung Hoa. Dưới thời Gia Long (1802 - 1820), “định lệ” này là “hai năm một lễ, bốn năm một lần” nhưng từ thời Minh Mạng về sau có thời kỳ mật độ các chuyến đi chỉ tính theo năm (cống hàng năm) do vấn đề sự vụ phát sinh giữa hai nước, nhất là trong diễn biến phức tạp của tình hình Trung Hoa và các nước khu vực trước nguy cơ “Tây xâm”. Mức độ quan trọng của những chuyến đi kiểu này, trong đó có sứ đoàn Nguyễn Thuật thể hiện ngay ở ứng xử của triều đình với sứ thần và đoàn sứ: “vua làm thơ và bài ca đi xa tự tay viết để ban cho”, “làm tờ sớ nói cả tình hình biên giới, sai Thuật mang đến Quảng Tây yêu cầu để tâu giúp”; ở tâm trạng lo lắng vì trọng trách trĩu nặng trong cảm xúc người đi…Cũng theo ghi chép thì chuyến đi của sứ đoàn Nguyễn Thuật kéo dài đến tháng 4 năm 1882, Tự Đức 35 nhưng chỉ sau 8 tháng về nước, tức tháng 12 cùng năm, Nguyễn Thuật lại được sung Phó sứ cùng với chánh sứ Phạm Thận Duật (1825 - 1885) phụng mệnh sang Thiên Tân, một thương cảng phía Bắc Trung Quốc, đồng thời là tô giới của các nước phương Tây từ năm 1860 công cán. Sự kiện này đã được sử gia đương thời ghi chép một cách tỉ mỉ cho thấy sứ mệnh đặc biệt của chuyến đi này với vận mệnh dân tộc và triều đại kể từ sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, Hà Thành thất thủ : “…Sai Thượng thư bộ Hình là Phạm Thận Duật sung chức Khâm sai đại thần; Thị lang gia hàm Tham tri Nguyễn Thuật làm phó đi sang Thiên Tân nước Thanh làm việc công; Biện lý bộ Hộ là Nguyễn Phiên sung chức Khâm phái đóng ở Quảng Đông để đệ tin báo”3. “Việc công” mà sứ đoàn đảm trách chính là “đến Thiên Tân để hỏi han và bàn việc đối phó với nước Pháp” theo điện tín của Lý Hồng Chương. Trong chuyến đi trước của mình, ngoài việc giải quyết tình hình biên giới, sứ đoàn Nguyễn Thuật cũng được giao nhiệm vụ thông báo, đồng thời tìm kiếm sự “hỗ trợ” của triều đình nhà Thanh trước thông tin người Pháp chuẩn bị xâm chiếm Bắc Kỳ. Rất tiếc trong diễn biến biến chung của tình hình khu vực, trọng trách mà triều đình kỳ vọng ở sứ đoàn trong cả hai chuyến đi đã không thể thực hiện. Điều này phản ánh xu thế tất yếu của lịch sử các nước Đông Á và Đông Nam Á trước sức mạnh kỹ thuật, quân sự phương Tây và sự lung lay, rạn vỡ, dẫn tới tan vỡ của “trật tự thế giới Đông Á” nửa sau thế kỷ XIX. Cái đáng quí ở chỗ: qua những sáng tác thơ văn ở hai chuyến đi này, ta thấy tấm lòng, nhiệt huyết của một trí thức dân tộc, một sứ thần - nhà thơ dù trải muôn vàn gian khó với trọng trách quốc gia trĩu nặng nhưng vẫn luôn tràn đầy tinh thần lạc quan và nhân ái, tin yêu với con người.
2. Văn bản thơ đi sứ của Hà Đình Nguyễn Thuật
Như đã giới thiệu ở trên, Nguyễn Thuật là một nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX. Ông để lại một sự nghiệp đồ sộ với trước tác đa dạng, phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có thơ văn. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên trong một thời gian dài, những trước tác này của ông chưa được quan tâm, giới thiệu và đánh giá tương xứng với giá trị vốn có của nó. Trong tình hình như vậy, năm 2005, với “sự tìm học cùng duyên hàn mặc”, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng đã sưu tầm và biên dịch một số lượng lớn tác phẩm, tập hợp chung trong sách “Hà Đình Nguyễn Thuật - tác phẩm"4, sau đó năm 2009, ông tiếp tục công bố một tập khảo luận văn bản, biên dịch, tiểu luận văn chương mang tên “Sống đẹp với Hà Đình” (Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 377tr.). Đây là một đóng góp rất đáng ghi nhận ở vào thời điểm trước tác của Nguyễn Thuật còn khá xa lạ với người đọc. Tuy nhiên, liên quan tới mảng sáng tác khi đi sứ (tạm giới hạn ở loại hình thơ) chúng tôi thấy có một số tồn nghi cần được minh định. Điều này không những không làm giảm bớt “tầm vóc” thơ ca Nguyễn Thuật mà trái lại, có ý nghĩa khu biệt, giúp ta định vị rõ hơn vị trí thơ đi sứ của ông trong dòng thơ sứ trình thời Nguyễn nửa sau thế kỷ XIX.
Trước hết, theo như tập hợp và thống kê của Nguyễn Q. Thắng, sáng tác trong hai lần đi sứ của Nguyễn Thuật được chép trong các sách: Mỗi hoài ngâm thảo, Quyển chi nhất gồm 151 thi đề với khoảng 185 bài thơ; Mỗi hoài ngâm thảo, Quyển chi nhị gồm 101 thi đề với khoảng 118 bài thơ; Hà Đình thi thảo trích sao gồm 11 bài nhưng có 5 bài trùng với hai tập trước nên còn lại 6 bài. Như vậy tổng số bài thơ đi sứ của Nguyễn Thuật trong ba sách này là 309 bài. Điều đáng lưu ý là trong 303 bài thơ của tập Mỗi hoài ngâm thảo (gồm cả quyển chi nhất và quyển chi nhị), chúng tôi thấy có khá nhiều bài trùng với thơ đi sứ Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), một nhà thơ - sứ thần thời Lê Trung hưng, được chép trong Phụng sứ Yên Kinh tổng ca (tính nhật ký)/Phụng sứ Yên Đài tổng ca5. Cụ thể:
1, Trong Mỗi hoài ngâm thảo, Quyển chi nhất có tới 70/185 bài, bắt đầu từ thi đề số 86 “Minh Giang đăng châu nhân kị”/ “Đăng chu nhân kỷ” đến thi đề 151“Đề Hoài Âm miếu”.
2, Trong Mỗi hoài ngâm thảo, Quyển chi nhị có 34/118 bài, bắt đầu từ thi đề 45 “Đáo Thanh Giang phố châu bạc áp khẩu hạ tác” trở về sau.
Như vậy, tổng số bài thơ trùng lặp của hai tác giả là 104 bài. Dù ở tiêu đề hoặc các dòng thơ trong bài của một số bài thơ ở hai tập có những sai lệch nhất định, một số bài khác ở tập Phụng sứ Yên Đài tổng ca không có tiêu đề song về cơ bản những bài thơ này gần như trùng khít nhau về câu chữ chứ không phải là sự trùng lặp đơn thuần về địa danh, nhân vật hay tương đồng về ý tứ/cấu tứ, điều có thể xảy ra đối với thơ sứ thần do có sự giống nhau về lộ trình. Điều này có nghĩa: 104 bài trên chỉ có thể là của một trong hai tác giả, và vì một lý do nào đó, đã bị chép lẫn vào thi tập của người kia. Từ tư liệu hiện có và thiên kiến chủ quan cá nhân, chúng tôi nghiêng về khả năng đây là sáng tác của Nguyễn Huy Oánh vì những lý do sau:
- Thứ nhất: các bài thơ này đều được chép (theo thứ tự thống nhất) trong các bản Hán văn, được minh chứng một cách tin cậy là thơ Nguyễn Huy Oánh, hiện được lưu giữ trong kho tư liệu Hán Nôm của Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm (bản ký hiệu A.373) và Thư viện Quốc gia Việt Nam (bản ký hiệu R.1375). Đặc biệt ở bản R.1375, các bài thơ này cũng như toàn bộ thơ Đường luật không xếp riêng một phần độc lập như bản A.373 mà xuất hiện xen kẽ với thơ lục bát (tổng ca), kèm theo lời dẫn bằng văn xuôi tạo nên một cấu trúc hoàn chỉnh về cả nội dung lẫn hình thức, mang tính chất của một nhật ký thơ ghi chép tỉ mỉ thông tin về hành trình đi sứ Thanh của sứ đoàn Nguyễn Huy Oánh năm 1766 - 1767. Năm 2014, nhóm tác giả Lại Văn Hùng - Nguyễn Thanh Tùng với sự cộng tác của Phạm Văn Ánh, Trần Hải Yến đã biên dịch trọn vẹn toàn bộ tập thơ này theo đúng nguyên tác bản R.1375.
- Thứ hai, trong bài thơ “Kinh La Sơn phố hữu cảm” (Cảm xúc khi đi qua bến La Sơn), thi đề số 128 trong Mỗi hoài ngâm thảo - quyển chi nhất, trùng với bài thơ cùng tên của Nguyễn Huy Oánh trong Phụng sứ Yên Đài tổng ca có câu: “Phố danh kí thị đồng ngô huyện,/ Đối cảnh thiên năng khiển lữ hoài”, nghĩa là: “Bến sông cùng tên với huyện ta,/ Cảnh vật nơi đây riêng làm tan nỗi buồn lữ thứ” (Nguyễn Q. Thắng dịch). Từ điển văn học (bộ mới) và nhiều tư liệu nghiên cứu khác đều xác định rõ tiểu sử Nguyễn Huy Oánh: quê làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh)6. Như vậy thông tin này cho phép xác định chắc chắn bài thơ trên (và nhiều khả năng là các bài thơ còn lại chúng tôi từng đề cập) là thơ Nguyễn Huy Oánh.
- Thứ ba, trong Mỗi hoài ngâm thảo, nhiều bài thơ nhắc tới các địa danh nơi sứ đoàn đi qua. Đối chiếu với các thi đề trước hoặc sau đó (phần không trùng lặp) thấy có sự lộn xộn, hoặc là đã được đề cập từ trước đó, hoặc không theo thứ tự lộ trình. Cách viết như vậy không giống với thói quen “làm thơ ghi việc” thường thấy ở các thi tập đi sứ, cho phép đặt giả thiết có sự nhầm lẫn với thơ người khác.
- Thứ tư, ở phương diện tư duy nghệ thuật, những bài thơ này thiên về xu hướng diễm lệ hóa thiên nhiên và thi vị hóa đời sống cùng kết cấu kỷ sự mang màu sắc du ký đặc trưng của thơ đi sứ thời Lê Trung hưng mà thơ Nguyễn Huy Oánh là điển hình tiêu biểu7. Mặt khác, chúng tôi cũng nhận thấy những cảm xúc bay bổng, lãng mạn, sự hứng thú trước vẻ đẹp mĩ lệ của thiên nhiên tạo vật ở những bài thơ này dường như ít, thậm chí khó có sự tương đồng với tâm thế đi sứ trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” của dân tộc và triều đại như đã đề cập ở trên.
Từ lý giải trên, có thể tạm xác tính số lượng thơ đi sứ Nguyễn Thuật là khoảng 200 bài (309 bài - 104 bài = 205 bài). Xét tương quan với các thi tập đi sứ, số lượng này không phải là ít. Hơn nữa, trong sự thống nhất của kiểu sáng tác và tâm thế chủ thể trữ tình, ta có thể thấy đóng góp nhất định của những bài thơ này với vận động dòng thơ sứ trình thời Nguyễn nửa sau thế kỷ XIX.
3. “Mỗi hoài ngâm thảo” trong dòng thơ sứ trình thời Nguyễn nửa sau TK XIX.
3.1. Tâm sự của người trí thức Nho sĩ trước hoàn cảnh khó khăn của dân tộc: nỗi lo trọng trách và nhiệt huyết cứu nước giúp đời.
Nhìn từ phương diện chủ thể và hoàn cảnh sáng tác, thơ đi sứ trước thuộc loại hình thơ văn bang giao ra đời trong những chuyến đi công vụ, gắn liền với nhiệm vụ chính trị nhà nước. Cái tôi trữ tình hiện diện trong thơ, trước hết là chân dung tự hoạ của những chính khách trên tay tầm tiết ngọc, hai vai gánh nặng sứ mệnh núi sông, ruổi rong trên nẻo đường xa xôi vạn dặm tới “thiên triều”. Hùng tâm tráng chí, khát vọng “nhập thế hành đạo”, “kinh bang tế thế” được thể hiện một cách cụ thể ở ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ quân tử với dân tộc và triều đại: “Trượng phu chí tứ hải,/ Hà túc ngôn lữ sầu./ Huống nãi phú Hoàng hoa,/ Tiêu Tương hữu thanh thu.” - “Trượng phu chí ở bốn bể,/ Đáng chi mà nói đến sầu lữ thứ./ Huống chi lại vịnh thơ Hoàng hoa,/ Miền sông Tiêu Tương có hơi thu trong trẻo” (Quế Đường thi tập, Lê Quý Đôn); “Phong sương tố thị nhân thần tiết,/ Kính lý ninh giao lưỡng mấn tinh” - “Xông pha sương gió vốn là bổn phận kẻ làm tôi,/ Soi gương chớ ngại hai mái tóc điểm bạc” (Hoàng hoa đồ phả, Lê Quang Định)…Tuy nhiên trong diễn biến chung của tình hình khu vực trước họa “Tây xâm” và biến động trong nước kể từ sau khi thực dân Pháp xâm lược, thơ sứ thần thời này thường thể hiện nỗi trăn trở, lo lắng của các trí thức Nho sĩ - những bậc đại thần triều đại trước vận mệnh dân tộc. Trong chuyến đi Trung Hoa năm 1876 - 1878, khi qua kinh đô cũ nhà Ân, sứ thần Bùi Dị (1833 - 1895) đã viết những vần thơ cảm khái, gửi gắm nỗi buồn u uẩn của ông, cũng là tâm sự của nhiều sĩ phu đương thời trước cảnh nước mất nhà tan: “Muội thổ thiên niên sự dĩ phi,/ Cố đô hoà khử tự y y./ Tam Nhân miếu tại dư tàn lệ,/ Thất Tác bi tồn ỷ lạc huy./ Trì thiên tửu không xuân thảo trưởng,/ Đài hoang hoả lãnh túc yên phi./ Bất kham Mục Dã thành nam vọng,/ Độc thụ hàn nha sổ điểm qui.” - “Việc nghìn năm trước ở Muội Thổ nay đã khác rồi,/ Lúa thử ở cố đô vẫn cứ mượt mà./ Miếu Tam Nhân còn lưu ở mấy giọt lệ hoen,/ Bia Thất Tác vẫn đứng trơ trong bóng chiều tà./ Áo nông, rượu chẳng còn, cỏ xuân mọc dài,/ Đài hoang, lửa tắt ngấm, khói cũ còn bay./ Lòng khôn xiết bồi hồi nhìn đất Mục Dã ở phía nam thành,/ Mấy con quạ lạnh lùng bay về phía cây đứng lẻ loi…” (Quá Ân cố đô cảm tác). Tâm sự ấy cũng được Nguyễn Thuật thể hiện kín đáo song không kém phần chân thành, sâu sắc, thấm thía trong nhiều bài thơ của ông mà Tức sự là một bài tiêu biểu: “Tráng du nhân tận xỉ khinh phì,/ Dục hiệu thừa sà sự dĩ phi./ Viễn hải kinh khan ngưu mã cập,/ Đồng minh thuỳ niệm phụ xa y.” - “Trong cuộc tráng du, mọi người đều thích cừu nhẹ, ngựa béo,/ Riêng ta cũng muốn bắt chước người cưỡi bè xưa, song sự việc nay đã khác rồi./ Nơi bể xa, giật mình thấy loài trâu ngựa mò đến,/ Bạn đồng minh, ai là người nghĩ tới việc dựa vào nhau như môi với răng.”8. Tâm trạng này của vị Nho thần triều Nguyễn có căn nguyên sâu xa từ bối cảnh khó khăn mới nảy sinh của dân tộc những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XIX: sau giai đoạn “bình định” Nam Kỳ, Trung Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu “nhòm ngó” thôn tính nốt Bắc Kỳ bởi nơi đây “đất cát màu mỡ, núi sông lại nhiều, có mỏ vàng, bạc, đồng, sắt, than đá…”. Hơn thế, xét trong tương quan thế lực thì việc này người Pháp “chỉ giở bàn tay là xong”9. Cả hai chuyến đi của Hà Đình đều có liên quan trực tiếp tới chính sự quan trọng này. Những dự cảm thất bại của cuộc chiến không cân sức với thực dân Pháp, quan sát thực tế tình hình bất lợi của “thiên triều” Trung Hoa trước sự o ép, “lấn lướt” của phương Tây khiến câu thơ của vị sứ thần tràn ngập một nỗi bất an, lo lắng về vận mệnh dân tộc cũng như của các nước trong khu vực. Ở một số bài thơ khác, sự hiện diện thế giới phương Tây mới lạ nơi vùng đất Trung Hoa truyền thống đã trở thành một thực tế “nhỡn tiền”, báo hiệu nguy cơ “Tây xâm” với các quốc gia Đông Á không chỉ ở phương diện chính trị, quân sự mà hơn thế, còn ở thói quen, tập quán thuộc về bản sắc văn hóa: “Giáp đệ hoàn thành liệt ỷ la/ Mậu thiên phủ giá vô ngoa/ Khả lân tập tục đam kỳ xảo/ Dương hóa đông lai nhật tiệm đa” – “Nhà cửa quí tộc vòng thành bày lụa là/ Lời khuyên ngăn biến đổi nào có giá trị, thật là đúng/ Thương thay thói quen đắm vào cái lạ của Tây phương/ Hàng hóa Tây phương cứ ùn ùn đổ tới” (Ngô Châu thập thủ). Những “áp lực” của trọng trách chuyến đi cùng giới hạn trong cách nhìn mang dấu ấn nhà Nho Đông Á khiến tư duy của Nguyễn Thuật chưa có sự “vượt thoát” một cách mạnh mẽ, quyết liệt hướng tới sự thay đổi, chuyển biến khi tiếp xúc với văn minh phương Tây như Cao Bá Quát, Phan Huy Chú...Ông nhìn thế giới mới lạ ấy bằng một tâm thế dè chừng, cảnh giác hơn là hào hứng đón nhận. Điều đáng quí là ở chỗ: trong lo lắng, bất an trước tình thế muôn vàn khó khăn, nguy nan của dân tộc, vị đại thần triều Nguyễn vẫn không mất đi niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự trường tồn của giang sơn, đất nước: “Thiết thuyền loan ngoại yên ba diểu,/ Đồng trụ thiên biên nhựt nguyệt khai.” – “Thuyền sắt ngoài vịnh kia khói sóng mù tăm,/ Cột đồng biên giới đứng vững trơ trơ giữa tháng ngày” (Trưng Vương nữ tại hạ quốc diệc). Mượn câu chuyện gần hai ngàn năm trước về cuộc chiến đấu của Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Hán, Nguyễn Thuật không chỉ phản biện thói ngạo mạn, háo danh của viên tướng nhà Hán Mã Viện mà còn thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh của ông về truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của người Việt. Ở những bài thơ như vậy, luôn hiện diện hình ảnh một chủ thể trữ tình đầy trách nhiệm, nhiệt huyết với ý chí mạnh mẽ cứu nước giúp đời: “Tráng chí dục cùng sơn hải ngoại,/ Siêu siêu huyền trứ khởi đồ luân.” – “Tận cùng núi biển chí cả mong tới,/ Cao ngời sâu kín há chuyện chơi.” (Hòa vận phụng đáp Huyền Am tôn thất đại nhân); “Giữ tiết ra đi, vâng làm sáng yên bờ cõi,/ Bông Kế, sao mai mùa thu quan hà cõi xa” (Lúc lên đường đi sứ, vua tặng thơ cung kính họa lại)…Câu thơ khắc họa tư thế thật cao quí, đẹp đẽ của một bậc danh thần triều đại trong những ngày tháng khó khăn của lịch sử dân tộc đáng để người đời sau suy ngẫm.
3.2. Giao lưu, xướng họa thơ văn: sự thể hiện tầm vóc nhà chính trị, nhà văn hóa thời đại.
Đối với các quốc gia trong khu vực “đồng văn” thuộc vùng văn hoá Đông Á/vùng văn hoá chữ Hán như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản thì: “văn tự Hán và văn hiến được coi như là một công cụ của chính trị của ngoại giao, nó là công cụ để hiểu rõ người Hán và chống lại mọi mưu đồ của người Hán”10. Ngoài văn kiện chính thống của nhà nước như thư từ, tấu, sớ, biểu chương…được soạn thảo theo thể thức nhất định đòi hỏi sự khôn khéo, chặt chẽ của lý lẽ và lập luận thì thơ văn, với ưu thế của loại hình nghệ thuật bằng ngôn từ cũng là một “kênh” hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho hoạt động đối ngoại của nhà nước. Đó vừa là nghi lễ để thăm hỏi, chuyên đối, thù tạc…, vừa là chủ ý phô diễn sức mạnh tri thức, văn hóa dân tộc, một cách “nâng cao quốc thể”, “không làm nhục mệnh vua”: “Vãng hoàn thù xướng thành giai thoại,/ Kỷ sự nguyên lai bất ngẫu nhiên.” - “Đi, về, thù, xướng đều thành câu chuyện hay,/ Những sự việc của nó vốn chẳng phải là ngẫu nhiên.” (Lê Quý Đôn). Đây cũng là “kênh” giao lưu văn hoá, văn học giữa các quốc gia trong bối cảnh chính trị, bang giao khu vực Đông Á đương thời. Khảo sát thơ đi sứ Nguyễn Thuật dựa trên nguồn tư liệu của tác giả Nguyễn Q. Thắng đã nêu trên, chúng tôi thấy có khá nhiều bài xướng, họa, tặng, tiễn với quan lại, văn nhân Trung Hoa. Số lượng bài thơ xướng họa chiếm tới gần 30% (khoảng trên dưới 60 bài), phần nhiều là quan lại ở các châu, huyện, phủ…mà Hà Đình có dịp gặp gỡ, hội đàm, kết giao trên/trong hành trình sứ đoàn khi tới Yên Kinh (lần 1) và Thiên Tân (lần 2). Sự xuất hiện với một số lượng phong phú loại thơ này trong thi tập Nguyễn Thuật có thể được lý giải bởi hai lý do. Thứ nhất là chủ đích chính trị - bang giao, việc thực thi trọng trách của triều đình buộc ông cũng như các thành viên sứ đoàn phải mở rộng và tận dụng các mối quan hệ vốn không phải dễ dàng có được bởi sự “kiểm soát” từ phía triều đình nhà Thanh để “nghe ngóng”, tìm hiểu tình hình. Thứ hai, qua sáng tác thơ có thể thấy phần nào bản tính phóng khoáng, quảng giao có vẻ như là ưu thế không chỉ “hỗ trợ” ông trong công việc ngoại giao nhà nước mà còn tạo nên những giao tình lý thú với quan lại - văn nhân Trung Hoa. Điều này tạo nên sự phong phú, uyển chuyển về hình thức ở những bài thơ của Nguyễn Thuật. Ngoài lối “họa vận” (họa theo vần bài xướng trước đó) thông thường của thơ xướng họa, ông còn viết một số bài “đề phiến” (đề trên quạt), “đề bích” (đề trên vách), một kiểu “chơi thơ”, “chơi chữ” đậm chất phong lưu tài tử có liên quan tới nghệ thuật thư pháp của người Trung Hoa bắt đầu ảnh hưởng tới thi nhân Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVII, XVIII trở về sau. Dưới thời Gia Long ta cũng thấy xuất hiện hình thức thơ này trong sáng tác của ba nhà thơ - sứ thần đất Gia Định: Trịnh Hoài Đức (Cấn Trai thi tập), Lê Quang Định (Hoa nguyên thi thảo), Ngô Nhân Tĩnh (Thập Anh đường thi tập). Đây là hiện tượng khá thú vị bởi ngay ở loại thơ mang tính chức năng giao đãi, thù tạc vốn nặng tính chất “khuôn sáo từ chương” lại vẫn thấy hiện diện một sứ thần - nhà thơ Nguyễn Thuật đầy phóng túng và tài hoa. Bên cạnh tính chất tụng ca nghi lễ mang chủ đích chính trị - bang giao, nhiều bài thơ của ông diễn tả tình cảm tri kỷ văn chương vừa chân thành, vừa rộng mở, mang chiều sâu của cảm xúc và học thuật: “Tác lại nguyên phi tục/ Giao tình độc tín phương/ Đào ba tài kỷ thọ/ Vận sự kế hà dương” – “Làm quan lại vốn không phải tầm thường/ Tình trao nhau chính là lòng tin cao quí/ Hoa đào trồng bao nhiêu cây?/ Vần thơ kế tiếp chuyện Hà Dương.” (Tặng Tân Hương huyện lịnh Phan Nhã Thuần); “Đối nguyệt vĩnh linh linh giải lãm/ Tương minh thần vân hải lộ phi/ Diêu ý khí giao vi chơn văn/ Chi đàn hiền ngôn thiên nhai nhược tỷ lân” – “Cả đêm dưới trăng, mở thuyền trời sắp sáng/ Đường mây biển xa không phải rời xa với chí khí/ Khi đã trao tình nhau với chân thật thì vẫn nghe/ Người hiền đời Đường nói: nơi chân trời vẫn như gần bên” (Thứ vận thù Lí Tất Xương)…Đặc biệt trong số văn nhân, quan lại Trung Hoa, Nguyễn Thuật có mối thâm tình với Trần Khải Thái, Tiến sĩ Ngự sử Hàn lâm viện, một danh sĩ Trung Hoa nổi tiếng đương thời, người đã viết bài tựa Mỗi hoài ngâm thảo khen tập thơ có tứ “sâu sắc mà tinh vi”, lời văn “nhã đạm, chừng mực”. Trong 4 bài thơ viết họa đáp hoặc tặng Trần Khải Thái, vị sứ thần triều Nguyễn cũng thể hiện tình cảm trân trọng, thân quí với tài năng văn chương của thi nhân đất Trường Sa: “Cẩm chương xảo tạ cung y chức/ Lệ cú trân đề trúc quản ban/ Bất húy Động Đình ba lãng khoát/ Văn tinh trường chiếu sử tra hoàn” – “Gấm hoa rực rỡ xin cảm tạ người dệt áo/ Câu thơ hay xin trân trọng đề vào cây bút/ Nào sợ sóng to ở hồ Động Đình/ Ngôi sao văn chương chiếu mãi khiến chèo bè trở về” (Tái điệp tiền vận). Từ câu chuyện này có thể thấy: mối giao tình, tri kỷ văn chương của Hà Đình với quan lại, văn nhân Trung Hoa tuy ban đầu chỉ gắn với công việc sự vụ, bang giao của triều đại song nhiệm vụ này sẽ không thể hoàn thành trọn vẹn nếu bản thân sứ giả không có một nội lực văn hóa để biến những gặp gỡ xã giao thông thường thành giao lưu văn hóa – giao tình văn chương, một phương thức hữu dụng nâng cao “quốc thể” trước “thiên triều”, tạo nên vị thế bình đẳng nhất định trong mối quan hệ quốc tế vốn mang tính thứ bậc, bất bình đẳng vùng Đông Á đương thời. Nhìn từ phương diện này, có thể khẳng định tầm vóc cùng cống hiến quan trọng của Nguyễn Thuật trong quan hệ bang giao Việt – Trung đương thời.
3.3. Thơ kỷ sự: sự tiếp nối xu hướng vận động của thơ ca và văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX.
Kỷ sự/ký sự là ghi chép sự việc và con người có thật qua quan sát trực tiếp của tác giả. Sự hình thành xu hướng kỷ sự như một đặc điểm thuộc về phương pháp sáng tác trong thơ sứ thần, đặc biệt từ cuối thời Lê Trung hưng trở về sau xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất là lý do thuộc về tâm thế và hoàn cảnh sáng tác. Đây là thơ viết trên đường đi, trước hết là những chuyến đi công vụ. Tính chất của hành trình công du làm nhiệm vụ bang giao đã tạo nên đặc điểm các chuyến đi này: thời gian dằng dặc, hành trình xa xôi, không gian hải ngoại. Điều này tất yếu dẫn tới thói quen ghi chép sự việc, phong cảnh, con người trên đường đi, đồng thời thể hiện cảm nghĩ của tác giả trước mỗi câu chuyện, sự việc mà mình sở kiến. Về điểm này có thể thấy xu hướng kỷ sự sớm đã hình thành trong những bài thơ đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn từ TK XIII và tiếp tục được thể hiện ngày càng rõ rệt ở các thế kỷ sau, khi ý niệm “đi” được mở rộng, gắn với cả chuyện thăm thú, du ngoạn. Thứ hai, “kỷ sự” phản ánh đặc điểm của thơ ca và văn học Việt Nam trong các thế kỷ XVIII, XIX: ý thức về cái tôi cá nhân, trước hết ở phía chủ thể sáng tạo đã hình thành xu hướng “ly tâm Nho giáo”, đưa văn chương trở về với cái đời thường, gần gũi, diễn tả hiện thực sinh động của cuộc sống và tâm trạng con người. Trong thơ, bên cạnh nội dung trữ tình, các tác giả cũng có ý thức về việc ghi chép, phản ánh “những điều trông thấy”, những nỗi đau nhân tình tạo nên nội dung hiện thực, thể hiện dấu ấn cá nhân người viết. Thêm nữa, mục đích chuyến đi trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX khiến sứ thần có ý thức hơn về sự quan sát, ghi chép thực tế. Nhìn từ phương diện hình thức, đặc điểm kỷ sự trong thơ sứ thần thể hiện ở ba phương diện: Lối đặt nhan đề cụ thể, xác thực; hệ thống thi tự tham gia vào kết cấu tác phẩm; hệ thống tên riêng chỉ địa danh, nơi chốn. Đặc điểm này cũng được thể hiện rất rõ trong thơ Nguyễn Thuật, nổi bật nhất là ở sự phong phú của hệ thống thi tự được nhà thơ sử dụng một cách linh hoạt. Khảo sát gần 200 bài thơ trong Mỗi hoài ngâm thảo, có thể thấy thói quen sử dụng thi tự khá phổ biến trong các bài thơ, vừa nhằm chủ đích thông tin, ghi việc, đồng thời vừa thể hiện dụng ý “khoe tài” cùng lối viết khá tài hoa, phóng túng dường như đã trở thành phong cách, làm nên dấu ấn Hà Đình Nguyễn Thuật trong thơ văn. Ngoài những thi tự ngắn gọn, một hình thức “tự chú” về địa danh, nhân vật, điển cố được đề cập trong bài thơ cho thấy tri thức uyên bác của tác giả, chúng tôi chú ý tới những thi tự dài mang dáng dấp đoạn văn xuôi khảo cứu địa - văn hóa tạo nên một kết cấu khá thú vị đặc trưng cho kiểu thơ kỷ sự trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX.: kết cấu một đoạn văn xen kẽ bài thơ. Chẳng hạn những đoạn thi tự đặt ở đầu các bài: Tân Tỵ nguyên đán nhật, Dương Sóc huyện thành vãn bộ, Tam liệt mộ, Quá Bình Nam tướng quân Đào công miếu hữu hoài, Châu trung chí nhựt...Bên cạnh đó, có khá nhiều thi tự với mức độ dài ngắn khác nhau giới thiệu thân thế, học vấn, chức vụ, công việc của quan lại - văn nhân Trung Hoa tác giả có dịp gặp gỡ, hội đàm, xướng họa trên lộ trình di chuyển qua các vùng đất Trung Hoa giúp người đọc hình dung cụ thể hơn về giao lưu chính trị - văn hóa - văn chương rộng mở hai nước đương thời. Đặc biệt có một số thi tự tuy tần suất xuất hiện không phổ biến song lại mang thông tin có tính “thời sự” về sự hiện diện của phương Tây nơi các vùng biển Trung Hoa. Đoạn thi tự trong bài Trùng đăng Tình Xuyên các hữu cảm là một ví dụ: “Hán Dương hữu sơn diệc danh tiểu biệt Hán Khẩu phụ đầu đa hữu. Ngoại Dương Thương Bạc, niên tiền Việt phỉ kiếp cứ Hán Dương ủy Tình Xuyên các” – “Ở Hán Dương có núi cũng gọi là Tiểu Biệt. Bến tàu Hán Khẩu thì có nhiều tàu buôn ngoại quốc đậu. Năm trước bọn cướp Việt đã cướp phá gác Tình Xuyên, chiếm Hán Dương”.
Kết luận
Từ trong di sản thơ ca còn lại, có thể phác thảo những nét tiêu biểu nhất về con người, nhân cách, tài năng văn chương Nguyễn Thuật: một danh thần nhiệt huyết, tận trung báo quốc; một sứ thần vừa tài trí bản lĩnh, vừa lịch lãm thân thiện; một thi nhân với tâm hồn phóng khoáng, tài hoa. Trong sự nở rộ của thơ ca nói chung, dòng thơ sứ trình nói riêng dưới thời Nguyễn có sự đóng góp không nhỏ của Hà Đình và Mỗi hoài ngâm thảo. Với ý nghĩa đó, chúng tôi hy vọng và tin tưởng về sự xuất hiện của những nghiên cứu qui mô, chuyên biệt hơn nhằm khẳng định tầm vóc và cống hiến của vị Nho thần - sứ thần Nguyễn Thuật trong giao lưu chính trị - văn hóa - văn chương các nước khu vực Đông Á đương thời.
-----------
Tác giả: TS. Đỗ Thị Thu Thủy (Khoa Viết văn – Báo chí)
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hà Đình Nguyễn Thuật – Danh nhân văn hóa, UBND huyện Thăng Bình – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tháng 12/2015.
Admin 4
1 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập một, Tổ phiên dịch Viện Sử học biên dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.535.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập tám, Tổ phiên dịch Viện Sử học biên dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd.
4 Thông tin về sáng tác cùng trích dẫn thơ của Hà Đình Nguyễn Thuật ở bài viết này chủ yếu được dẫn từ sách Hà Đình Nguyễn Thuật - tác phẩm, Nguyễn Q. Thắng giới thiệu và biên dịch, Nxb.Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2005, 830tr.
5 Bản Hán văn ký hiệu A.373, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm; bản R.1375, Thư viện Quốc gia Việt Nam và bản dịch của nhóm tác giả Lại Văn Hùng - Nguyễn Thanh Tùng với sự cộng tác của Phạm Văn Ánh, Trần Hải Yến, Nxb.KHXH, Hà Nội, 2014.
6 Đỗ Đức Hiểu (chủ biên), Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.1149.
7 Xin tham khảo bài viết của Đỗ Thị Thu Thủy, “Thơ đi sứ Nguyễn Huy Oánh trong dòng thơ sứ trình thời Lê Trung hưng”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 3 năm 2015, tr. 49 - 57.
8 Phạm Thiều - Đào Phương Bình (chủ biên), Thơ đi sứ, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1993, tr.506-507.
9 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd.
10 Trần Trọng Dương, “Quan hệ Việt - Triều, từ góc độ lịch sử - văn hóa”, Tạp chí Tia sáng, số 14/2012.