23/05/2018, 15:23

Đào ao, xây hồ nuôi lươn

Muốn nuôi lươn ta phải đào ao, xây hồ nuôi lươn. Như quý vị đã biết, con lươn tuy không biết leo trèo như ba ba, ếch; nó cũng không có tài phóng cao như cá lóc, cá chép, nhưng lươn cũng có nhiều cách để đào thoát ra khỏi khu vực nuôi chúng bằng cách đào hang, hay trườn qua bờ, khi mưa to nước tràn ...

Muốn nuôi lươn ta phải đào ao, xây hồ nuôi lươn. Như quý vị đã biết, con lươn tuy không biết leo trèo như ba ba, ếch; nó cũng không có tài phóng cao như cá lóc, cá chép, nhưng lươn cũng có nhiều cách để đào thoát ra khỏi khu vực nuôi chúng bằng cách đào hang, hay trườn qua bờ, khi mưa to nước tràn bờ hoặc đất bờ ao ướt át trơn trượt. Vì vậy, ao hồ nuôi lươn cách làm có khác đôi chút với ao hồ nuôi cá, ếch hay ba ba.

Ao nuôi lươn

Trong đời sống hoang dã lươn có khắp ruộng đồng, ao hồ kênh rạch, miễn là vùng đó có nước (dù mực nước không cao), dưới đáy có bùn sình, có thực vật thủy sinh che mát, và nhất là nơi đó phải yên tĩnh.

xây hồ nuôi lươn

Nuôi lươn ta phải đào ao, nhưng nếu muốn đạt được thành công ta phải cố tạo môi trường sống mới cho lươn có những điểm phù hợp với môi trường sống của chúng bên ngoài. Muốn được vậy ta nên thực hiện những điều sau đây khi đào ao nuôi lươn:

Chọn vị trí thích hợp

Đào ao nuôi lươn nên chọn vùng đất cứng như sét pha, thịt nặng để tránh sạt lở. Vùng đất đó nếu nằm sát sống rạch lại càng tiện cho việc dẫn và thoát nước dễ dàng. Do tập tính sống của lươn là thích yên tĩnh, nên vị trí đào ao nuôi lươn nên cách xa khu dân cư, chợ búa, trường học, xưởng máy…, là nơi có đông người qua lại và tiếng ồn lớn thường xuyên xảy ra.

Kích thước ao

Ao nuôi lươn có diện tích quá lớn không tốt, vì như vậy sẽ gặp trở ngại cho việc chăm sóc. Thà là đào nhiều ao liền kề với nhau, mỗi ao nhỏ chỉ cần diện tích 50 mét vuông trở lại mà thôi.

Nên đào âm xuống đất khoảng 40cm, và dùng số đất này để đắp bờ bao quanh ao. Bờ bao cao hơn mặt ao khoảng 40cm, nghĩa là cách đáy ao 80cm. Khi đắp bờ được lớp nào nên nện cho giẽ chặt xuống lớp ấy, có như vậy vừa tránh được sạt lở, vừa khỏi nứt nẻ để lươn khỏi theo đó mà đào thoát ra ngoài.

Vách ao có thể đào thẳng hay nghiêng. Nếu kỹ, nên tấn đan hoặc dùng tôn fiprociment tấn khít chung quanh mặt trong vách ao, như vậy mới ngăn ngừa được lươn đào hang để ở. Vì ao nuôi lươn không quá sâu (chỉ độ 40cm), nếu bờ ao quá mỏng thì đó cũng là cơ hội tốt để lươn theo đó mà thoát hết ra ngoái. Ai cũng biết tấn đan hoặc tôn fiprociment tuy bền chắc, sử dụng được lâu dài, nhưng lại quá tôn kém. Vì vậy hiện nay, thay vì dùng những vật liệu đắt tiền đó nhiều người dùng tấm bạt nylon để che phủ.

Đáy ao nên san cho bằng phẳng, nhưng cũng nên cho đổ dốc về một phía góc ao nào đó, để sau này mỗi lần thu hoạch lươn sẽ dồn hết về phía trũng này, giúp ta bất dễ dàng hơn. Đáy ao cũng nên nện kỹ. Nhiều người kỹ tính dùng lớp đất sét phủ kín trên toàn mặt đáy này, như vậy lươn không có cơ hội đào hang xuống đáy. Tốt nhất nên phủ kín toàn bộ diện tích đáy ao bằng vải bạt, rồi phủ bạt kín lên bốn vách ao và cả bờ ao.

Cũng nhằm ngăn ngừa lươn nuôi trong ao đào thoát, ao nuôi lươn phải làm cống xả tràn lẫn công xả cạn.

Cống xả tràn đặt cao hơn mặt nước ao độ 10cm, và đặt thấp hơn bờ ao khoảng 30cm. Công dụng của cống xả tràn là tự động tháo nước thừa trong ao ra ngoài kịp thời mỗi lần có mưa to. Nếu không có công này nước mưa sẽ dâng tràn bờ, tạo dịp tốt cho lươn ra ngoài hết.

Còn lại công xả cạn đặt cao hơn đáy ao khoảng 30cm, nghĩa là chỉ cao hơn lớp bùn độ 5cm đến 10cm mà thôi. Công dụng của loại cống này là làm thoát hết nước trong ao ra ngoài để giúp ta dễ dàng bắt hết số lươn trong ao.

Tất nhiên, bên ngoài và bên trong hai đầu công xả cạn phải được nút thật chặt, chỉ khi cần thoát hết nước mới tháo ra. Và hai đầu của công xả tràn phải dùng loại lưới kẽm mắt nhỏ để bịt lại hầu ngăn ngừa lươn con chui qua những lỗ nhỏ đó mà ra ngoài.

Dưới đáy ao nuôi lươn phải phủ một lớp đất bùn dày 20cm, vì lươn thích sống nơi có nhiều bùn. Số bùn riày dù lấy từ ao mương, sống rạch cũng phải qua khâu xử lý kỹ bằng cách lọc, phơi, ngâm trong nước nhiều ngày để loại trừ những chất độc hại cùng những tạp chất lẫn lộn trong đó.

Đã có nhiều người nuôi lươn xem thường cách xử lý bùn này mà nuôi lươn thất bại.

Như quý vị đã biết, loài lươn chỉ kiếm mồi dưới tầng đáy, mỗi khi đi ăn chúng cố trườn nhẹ mình trên lớp bùn mặt và rất sợ bị trầy trụa lớp nhớt che phủ bên ngoài tấm da mỏng của thân chúng. Lớp nhớt tanh tưởi phủ ngoài thân lươn có công dụng ngăn ngừa các loại vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào mình chúng. Vì vậy, những con lươn bị trầy xước ngoài da, dù vết xước nhẹ, nếu không trị lành mà thả đại vào ao nuôi, trước sau gì con lươn dó cũng bị nấm làm cho lở loét rồi kiệt sức mà chết.

Nói cách khác, da lươn rất dị ứng với những tạp chất như gạch đá vụn, những vật bén nhọn từ xương súc vật, từ kim loại… giăng mắc trên đường đi ăn của chúng. Nếu trong môi trường sống của chúng có những trở ngại như vậy, lươn trở nên nhát sợ đành nằm một chỗ nhịn đói chứ không dám đi ăn.

Nhiều người ở gần khu vực lò chén, họ thường liên hệ để mua thứ đất mịn mà các lò chén thải bỏ để đem về phủ lên đáy ao nuôi lươn, đã đem lại kết quả tốt. Cũng xin được nói thêm, dừng nói chi những tạp chất vừa kể ở trên, mà nếu trong môi trường sống của lươn có nhiều cát to hột, chúng cũng “chê” không dám đi ăn.

Như vậy, từ đáy ao, ta phủ lên trên một lớp đất bùn khoảng 20cm, và trên đó thêm 30cm, tốt nhất là 40cm là đủ an toàn, lươn không thể trườn bò ra ngoài được (nhất là khi từ đáy ao lên tận bờ ao đều có bạt che phủ).

Tạo môi trường sống tốt

Dù bờ ao đã đủ cao, không tạo cho lươn có cơ hội đào thoát ra ngoài, nhưng chúng ta cũng nên làm thêm tường rào bao quanh để ngăn ngừa kẻ thù của lươn từ bên ngoài xâm nhập, như rắn, kỳ đà, rái cá (nếu ở khu vực gần sông suối) và cả chó mèo… Tường rào này có thể làm bằng lưới kẽm mắt nhỏ hoặc bằng tre nứa đan khít lại, và chiều cao chỉ 1 mét là đủ.

Do giống lươn thích ở nơi râm mát, thậm chí tối tăm cũng được, nên trên ao nếu không có tàn cây che bóng mát thì nên làm giàn che (như giàn trồng mướp, bầu bí) hoặc mái lợp lá sơ sài bằng lá dừa hay rơm rạ. Cũng có thể làm mái tôn phủ che lên phân nửa diện tích ao. Mái che cách mặt nước ao độ vài mét là vừa.

Mặc dù ao nuôi lươn bên trên đã có giàn hay mái lợp che phủ, ta cũng nên thả lục bình và cỏ nước vào phủ kín lên phân nửa hay 2/3 diện tích mặt ao để lươn dùng làm nơi kín đáo để trú ngụ, ẩn núp ban ngày.

Hồ nuôi lươn

Ta có thể nuôi lươn bằng hồ xi măng. Loại hồ này thường được dùng cho những ai có đất đai không đủ rộng, hoặc chỉ nuôi lươn với số lượng ít.

Làm hồ nuôi lươn cũng nên chọn nơi gần sông suối hay mương rãnh có lượng nước nhiều và sạch lưu thông thường xuyên mới tốt.

Hồ được xây bằng gạch với xi măng tô trét kỹ cả hai mặt trong và ngoài, như vậy có điều lợi là ngăn ngừa nước hồ thẩm thấu ra ngoài, và tạo được độ trơn láng khiến lươn không thể bám vào vách hồ để thoát ra ngoài được.

Diện tích hồ xi măng nuôi lươn không nên quá lớn, chỉ trong phạm vi 15 mét vuông trở lại mới tốt, như vậy dễ chăm sóc hơn. Ta có thể xây nhiều hồ liên kế nhau để đỡ tốn đất.

Hồ có thể xây nổi hẳn hoặc xây âm xuống đất từ 20cm đến 40cm. Vách hồ thẳng đứng và nền đáy cũng tráng kỹ xi măng, như vậy mới giữ được lượng nước nuôi lươn trong hồ lúc nào cũng ở độ sâu cần thiết.

Cách đáy hồ 30cm, ta trổ công xả cạn, và phần trên cũng có công xả tràn, nếu hồ này xây lộ thiên trong khu đất trống trải.

Nếu là hồ nuôi lươn thịt, mặt đáy ta chỉ cần phủ một lớp bùn hoặc đất thịt nhẹ cao 20cm, như cách làm ở ao đất đã trình bày ở phần trên.

Còn hồ nuôi lươn đẻ, thì chỉ phủ bùn lên 2/3 diện tích đáy hồ thôi, phần còn lại thì đắp một lớp đất sét pha hay đất thịt nhẹ cao khoảng 40cm (cao hơn mặt bùn khoảng 10cm) để trồng các loại môn nước hay cỏ nước. Nơi đây dành cho lươn bò lên đào hang để ở và làm ổ đẻ sau này.

Sau khi cho nước vào hồ, phần diện tích ao không trồng môn nước ta thả thêm một ít lục bình hay các giống rau mát để làm nơi ẩn núp kín đáo cho lươn, đồng thời cũng là nơi cho lươn con bám víu sau này theo thói quen của chúng.

Mực nước trong hồ để nuôi lươn cũng chỉ cao khoảng 30cm mà thôi. Nếu mực nước sâu hơn, lươn sẽ bơi lội nhiều, hao bớt năng lượng.

Có điều cần đề cập đến nữa là dù ao đất hay hồ xây, trước khi thả lươn vào nuôi ta nên bón lót một lượng phân chuồng. Việc bón lót này đem lại kết quả trong giai đoạn đầu là tạo ra các loài phiêu sinh vật và nhiều động vật phù du là nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng để nuôi lươn. Nên bón phân lót vào ao trước rồi mới bơm nước vào sau. Phải ngâm ao như vậy trong một tuần, và khi nào thấy các động vật phù du xuất hiện nhiều mới biết chắc là nước trong ao hồ không còn “độc” nữa, mà đã có mầm sống.

Ngay những ao hồ cũ được cải tạo để nuôi lươn ta cũng phải xử lý ao theo cách vừa trình bày.

0