Đặc điểm sinh học của ba ba
Ba ba là động vật thuộc: Lớp Bò sát: Reptilia; Bộ Rùa: Chelonia; Họ Ba ba: Trionycidae; Các loài thường gặp là: BA BA TRƠN (Pelodiscus sinensis Wegmann 1835. Theo Bourret 1941). Tên phổ thông: ba ba sông, ba ba hoa. Phân bố: Quảng Ninh, Hà Bắc, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Yên Bái, Hòa Bình, Hà ...
Ba ba là động vật thuộc: Lớp Bò sát: Reptilia; Bộ Rùa: Chelonia; Họ Ba ba: Trionycidae; Các loài thường gặp là:
BA BA TRƠN
(Pelodiscus sinensis Wegmann 1835. Theo Bourret 1941).
Tên phổ thông: ba ba sông, ba ba hoa.
Phân bố: Quảng Ninh, Hà Bắc, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nội, Nam Hà, Hà Tĩnh.
Sống phổ biến ở các thủy vực nước ngọt và đang nuôi ở các địa phương trên miền Bắc. Ba ba trơn (Pelodiscus sinensis W.)
BA BA NAM BỘ
(Amyda cartilaginea Boddaert 1770. Theo Bourret 1941)
Còn gọi là rùa đinh, cua đinh.
Sống phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đường kính có thể lớn tới 50 – 60 cm, nặng 50 – 60 kg. Tính ăn giống ba ba trơn. Ba ba Nam Bộ
Tính ăn
Ở môi trường tự nhiên ba ba ăn chủ yếu động vật như: động vật phù du, côn trùng, tôm, tép, cua, cá. Khi nuôi ba ba thích ăn các con vật bắt đầu ươn thối, lúc ăn chúng thường tranh cướp mồi, ăn cả cám, bắp, khoai lang…
Chúng ăn khỏe vào mùa hè, lượng thức ăn bằng 5 – 20% trọng lượng thân. Mùa Đông tháng 12 – 3 lạnh rét lượng thức ăn chỉ bằng 3 – 5% trọng lượng thân.
Ba ba có khả năng chịu đói, không có hành vi tấn công kẻ thù, lúc gặp địch hại chỉ chạy trốn vào trong hang hay lặn xuống nước, chui vào bụi rậm co rụt đầu lại.
Sinh trưởng
Ba ba là động vật lớn chậm, sức lớn liên quan chặt với điều kiện môi trường như: thời tiết, nhiệt độ, chất lượng thức ăn…
Nuôi 1 năm thường lớn 100 – 200 g.
Nuôi 2 năm lớn 300 – 400 g.
Có nguồn thức ăn đầy đủ và nuôi có kinh nghiệm có khi đạt cỡ 500 – 600 g/con.
Từ tháng 4 – 11 là thời kỳ lớn nhanh.
Trong điều kiện nuôi cho ăn bằng cá mè băm nhỏ, ở nhiệt độ 25 – 28°c, cỡ nuôi 100 g/con, có thể tăng trọng 28 g/con/tháng.
Khi nhiệt độ xuồng thấp dưới 10°C, sức ăn giảm, sinh trưởng chậm. Trong cùng điều kiện nuôi dưỡng con cái lớn nhanh hơn con đực.
Sinh sản
Ba ba đẻ trứng trên cạn, thụ tinh trong. Có thể kéo dài thời gian thụ tinh tới 6 tháng, nên khi cho đẻ tỉ lệ con đực thường ít hơn con cái.
Mùa sinh sản chính: cuối xuân đầu thu.
Đẻ rộ vào những ngày mưa to, sấm chớp nhiều. Muốn tìm trứng chỉ cần đi ven các bãi sông, ven đầm hồ, ao thấy rõ đất mới và các vết móng đào đất lấp ổ trứng mới đẻ của ba ba cái, lấy que nứa nhẹ nhàng lật những lớp đất mỏng phủ phía trên, thấy lỗ nhỏ, đường kính miệng 4 – 5 cm, sâu 10 – 15 cm. Trứng xếp lần lượt từ đáy lên miệng, lúc mới đẻ trứng thường dính vào nhau, vỏ hơi mềm.
Đẻ xong ba ba bò xuống nước ở nơi gần nhất nghỉ và canh giữ, nhân dân ta thường nói là ba ba “ấp bóng”.
Ba ba thành thục đẻ lần đầu cỡ nhỏ nhất là 400 – 500 g. Mỗi lứa đẻ 4 – 6 trứng.
Cỡ 2.000 g mỗi lứa đẻ 10 – 15 trứng.
Ba ba mẹ đẻ sau 5 – 7 ngày lại tiếp tục giao phối.
Cỡ 4.000 – 5.000 g có thể đẻ 4 – 5 lứa trong 1 năm. (Đã mổ ba ba nặng cỡ 350 g có 400 trứng non).
Thời gian ba ba đẻ ở miền Bắc từ tháng 3 – 9 đôi khi đến hết tháng 10 dương lịch.
Đường kính trứng cỡ lớn 17 – 20 mm, nặng 6 – 6,5 g/quả.
Nhiệt độ đẻ thích hợp là: 25 – 32°c.
Tập tính sinh sống
Ba ba là động vật thay đổi thân nhiệt, nhiệt độ thân của ba ba thay đổi từ từ và thường theo sau nhiệt độ không khí.
Chúng thường sống ở đáy sông, suối, đầm hồ, ao… lặn giỏi, có thể bơi ở đáy nước hàng giờ nhờ vùng họng có nhiều mạch máu. Chúng bò nhanh và đi xa, vượt qua đê vào đầm hồ, hay bò từ ao này sang ao khác.
Ba ba phàm ăn nhưng chậm lớn. Chúng thở bằng phổi, sống ở dưới nước là chính, thích chui rúc vào các hang hốc ở bờ kè đá, thường tập trung ở các đoạn sông tiếp giáp các cửa kênh, rạch dẫn nước vào đồng ruộng. Ban đêm yên tĩnh, ba ba hay lên bờ, ban ngày có thể thấy nó nhô đầu lên mặt nước, có khi bò lên bờ.
Ba ba có tính hung dữ như nhiều loài ăn thịt khác, nhưng lại nhút nhát thường chạy trốn khi nghe thấy tiếng động hay có bóng người và súc vật qua lại. Khi đói chúng ăn thịt lẫn nhau, có khi một con bị thương chảy máu thì các con khác xúm lại cắn xé một cách tàn bạo.