23/05/2018, 14:56

Vai trò của trâu bò cày kéo trong sản xuất nông nghiệp

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, con người đã thuần hoá rất nhiều loài động vật với mục đích sử dụng khác nhau. Những loài dã thú hung dữ đã trở thành gần gũi phục vụ lợi ích con người. Trâu bò được thuần hoá đầu tiên với mục đích là giải quyết thực phẩm, dần dần người ta sử dụng trâu bò để cày ...

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, con người đã thuần hoá rất nhiều loài động vật với mục đích sử dụng khác nhau. Những loài dã thú hung dữ đã trở thành gần gũi phục vụ lợi ích con người. Trâu bò được thuần hoá đầu tiên với mục đích là giải quyết thực phẩm, dần dần người ta sử dụng trâu bò để cày bừa làm đất trồng cây cung cấp lương thực cho đời sống con người. Trâu bò còn được dùng để vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp và nhiều công việc khác trong nông thôn. Ngoài ra ở những nơi dường xá khó khăn đôi khi người ta còn sử dụng gia súc như một phương tiện giao thông đi lại.

Phần lớn các nước đang phát triển trên thế giới vẫn chủ yếu dùng sức kéo gia súc để làm đất cho trồng trọt và phương tiện vận chuyển hàng hoá, chúng cung cấp khoảng 70 – 80% sức lực cho hoạt động sản xuất và đời sống. Chúng không những đóng góp rất lớn cho sản xuất nông nghiệp mà còn có vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hoá, hiện nay ước tính có tới khoảng 20% dân số thế giới dùng sức kéo gia súc để vận chuyển hàng hoá. Xe 2 bánh và xe quệt được người ta dùng nhiều ở những nơi đường xá không thích hợp cho cơ giới. Những nơi đường xá quá bé hoặc địa hình gồ ghề, dốc cao thì người ta dùng gia súc để thồ hàng. Chúng còn được dùng để kéo nước, kéo mía, kéo cối xay bột…v.v. khá phổ biến.

Cơ khí hoá nông nghiệp đang và sẽ thay dần lao động chân tay và sức kéo gia súc, tuy nhiên chỉ thực hiện được ở những trang trại có đủ điều kiện về kinh tế, địa hình thuân lợi, khả năng quản lý tốt. Ở quy mô sản xuất lớn, với diện tích rộng, mùa vụ thu hoạch cao cần tăng cường sử dụng máy móc hay còn gọi là cơ giới hoá nông nghiệp. Do giá thành của việc sử dụng máy móc cao nên ở những trang trại nhỏ, nghèo và những nơi có địa hình phức tạp sẽ vẫn còn phải sử dụng sức kéo gia súc như nguồn động lực chính một cách lâu dài, đôi khi thậm chí cả sức lao động từ con người nữa. Tuy nhiên trong một vùng có thể sử dụng cả máy móc lẫn gia súc làm việc và thậm chí cả sức người. Người ta sử dụng từng loại nguồn năng lượng cho thích hợp với điều kiện của họ hoặc thích hợp từng loại hình công việc, đỏi khi sử dụng kết hợp đối với từng việc trong từng thời điểm khác nhau.

Việt Nam là một nước nông nghiệp, có khoảng 75% dân số sống ở nông thôn, đời sống của họ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu là nghề trồng lúa. Điều kiện sinh thái của một nước nhiệt đới nóng ẩm cùng với nghề trồng lúa truyền thống và tập quán chăn nuôi lâu đời đã hình thành nên quần thể trâu bò nước ta khá lớn. ở Việt Nam, trâu bò đã được thuần hoá từ lâu và được sử dụng chủ yếu cho cày kéo. Với sự phát triển của cơ khí hoá nông nghiệp, nhiều nơi người ta có phần coi nhẹ vai trò trâu bò trong công việc cày kéo ở nông thôn. Đã có lúc tưởng như những con trâu sắt (máy cày) sẽ thay thế hầu hết trâu bò trong việc làm đất và trăm công nghìn việc khác của nông thôn. Tuy nhiên nước ta với ba phần tư là đồi núi và đại bộ phận nông dân là người sản xuất nhỏ thì việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp là có giới hạn và chắc chắn trâu bò cày kéo vẫn còn có mặt tương đối lâu dài trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta.

Bò cày kéoBò cày kéo

Trâu bò là gia súc kiêm dụng rất hữu ích đối với người nông dân, chúng không cạnh tranh lương thực với con người, trâu bò chỉ sử đụng nguồn thức ăn tự nhiên và phế phụ phẩm từ trồng trọt mà con người và các gia súc khác không sử dụng được để sản sinh sức kéo và nhiều sản phẩm có giá trị cho con người.

Trâu bò có ưu điểm dễ nuôi, sử dụng đa dạng, có khả năng chịu đựng kham khổ tốt, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh và chống đỡ bệnh tật cao. Trâu bò có hệ vi sinh vật dạ cỏ phong phú nên có thể tiêu hoá chất khô, đặc biệt là chất xơ cao. Nhờ hệ vi sinh vật này mà trâu bò có thể tiêu hoá các loại thức ăn có hàm lượng xơ cao để hình thành các axít béo bay hơi, nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Trâu bò có thể tận dụng được nhiều loại cỏ, lá cây và phế phụ phẩm của trồng trọt mà các gia súc khác không sử dụng được. Sức chịu đựng kham khổ của trâu bò được thể hiện ở việc giữ được thể trạng cơ thể, ít bị gầy sút và phục hồi cơ thể nhanh hơn các gia súc khác trong những lúc thiếu thức ăn nhất.

Nông nghiệp nước ta với lúa là chính, quy mô hộ gia đình nhỏ, trâu bò là nguồn sức kéo chính khó thay thế, là nguồn năng lượng rẻ tiền, dễ sử dụng, đẩu tư ít và còn có khả năng tái sản xuất. Trâu bò có thể cày bừa với năng suất khá cao (2 – 3 sào/buổi). Trâu bò cũng có thể dùng để kéo xe trong các loại đường nhỏ hẹp, địa hình phức tạp, kéo gỗ trong rừng, kéo ép mía…. thậm chí một số nơi ở vùng núi trâu bò còn được dùng để cưỡi qua các khúc sông suối hoặc những đoạn đường rừng núi khó đi. Trâu bò miền núiTrâu bò miền núi

Trâu bò còn cung cấp một lượng phân hữu cơ lớn và có giá trị cho trồng trọt (mỗi năm trung bình một trâu bò trưởng thành cho 3 – 4 tấn phân nguyên chất), chính nguồn phân này góp phần đáng kể làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng. Da trâu bò có thể dùng làm các đồ dùng gia dụng chất lượng cao như giày dép, va li, túi xách… hoặc xuất khẩu: sừng trâu bò có thể dùng làm lược, cúc áo, nhạc cụ, hàng mỹ nghệ cao cấp, đồ trang sức khác; lông trâu bò dài có thể dùng làm bàn chải, bút lông…

Từ sau khi áp dụng chế độ khoán đến hộ gia đình, ruộng đất ở các cánh đồng bị cắt thành nhiều mảnh nhỏ, có hộ làm chủ tới 5 – 10 mảnh nhỏ ở những vị trí khác nhau. Rõ ràng trong những điều kiện này sử dụng máy cày sẽ rất hạn chế, mà ưu thếsẽ là sử dụng sức kéo gia súc và đôi khi sức người. Ở miền núi đất dốc, ruộng nhỏ, ruộng bậc thang hoặc ruộng ở những thung lũng nhỏ hẹp, đường đi khó khăn càng rất hạn chế cho máy cày hoạt động, vì vậy gia súc cày kéo sẽ còn tồn tại lâu dài trong việc làm đất ở các vùng này cũng như trăm công nghìn việc khác như vận chuyển, kéo che ép mía, kéo nước. v.v…

Theo tài liệu của Tổng cục Thống kê thì đến năm 2000, tình hình cơ giới hoá nông nghiệp nước ta đã đạt được: cho khâu làm đất cả nước 58,8% trong đó ở Đồng bằng sông Cửu Long là 77,7%; Đồng bằng sông Hồng là 51,0%; Trung du và miền núi phía Bắc mới đạt 12,2%; còn trong khâu thu hoạch và làm sạch thì cả nước đạt 35-40%; Trong đó Đồng bằng sông cửu Long đạt tới 85 – 90%.

Có thể nói trong một thời gian dài trâu bò vẫn sẽ là con vật rất quan trọng của nông thôn Việt Nam, sẽ vẫn là nguồn cung cấp sức kéo chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở miền núi. Trong những năm gần đây do vai trò quan trọng của sức kéo gia súc mà nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã ủng hộ việc nghiên cứu các kỹ thuật liên quan đến sử dụng gia súc cày kéo, cải tiến các dụng cụ sản xuất, cũng như vấn đề dinh dưỡng và phương pháp đánh giá sức cày, kéo của gia súc để giúp nông dân nuôi dưỡng chăm sóc gia súc tốt hơn và sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất.

0