18/06/2018, 15:55

Đã tìm được lai lịch hoàn chỉnh của Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản

Bằng chứng lịch sử về danh tướng “LƯỠNG TRIỀU ĐÔ ĐỐC” (Lê-Trịnh-Tây Sơn) thuộc Đặng tộc ở Lương Xá (Chương Mỹ-Hà Nội) Trúc Diệp Thanh I-Đô đốc Đặng Đình Đông đời Lê-Trịnh (1738-1787) Theo gia phả Đặng tộc ở Lương Xá (Chương Mỹ-Hà Tây nay thuộc Hà Nội) được ...

Bằng chứng lịch sử về danh tướng “LƯỠNG TRIỀU ĐÔ ĐỐC” (Lê-Trịnh-Tây Sơn) thuộc Đặng tộc ở Lương Xá (Chương Mỹ-Hà Nội)

DoDocDangTienGian3

Trúc Diệp Thanh

I-Đô đốc Đặng Đình Đông đời Lê-Trịnh (1738-1787)

Theo gia phả Đặng tộc ở Lương Xá (Chương Mỹ-Hà Tây nay thuộc Hà Nội) được phản ảnh trên Từ điển Nhân vật lịch sử Việt nam (Nguyễn Quang Thắng-Nguyễn Bá Thế-Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản năm 2006) và phả hệ Đặng tộc Kim Thạch, Xuân Quang, Tư Nghĩa, Quảng  Ngãi  chép tiểu sử danh nhân:

Đô đốc Đặng Đình Đông“ (1738-1787) với những tư liệu chủ yếu như sau:”Đặng Đình Đông (còn gọi là Đặng Tiến Đông) , là Đô đốc đời Lê (Cảnh Hưng) sinh ngày 18-6-1738 tại kinh thành Thăng Long …cháu sáu đời Nghĩa Quốc Công Đặng Huấn.

Sinh trưởng trong một gia đình đại vọng tộc, cháu nội Thái tể Đại tư không Yên Quận công Đặng Đình Thự, con Thượng  đẳng đại vương Đặng Đình Miên tước Thái bảo Quận công, mẹ là Phạm Thị Yến. Ông là con trai thứ 8, các anh là Đặng Đình Trí (Chí) , Đặng Đình Thiệu, Đặng Đình Cầu, Đặng Đình Tự, Đặng Đình Giám, Đặng Đình Tú, Đặng Đình Hữu tất cả đều được phong tước bá, tước hầu.

Năm 1763, 25 tuổi, Đặng Tiến Đông thi đỗ Tạo sĩ và ra làm quan từng lập nhiều chiến công trong đời các chúa Trịnh … được phong Đại Đô đốc, tước Đông Lĩnh hầu. Năm 1782, con trưởng chúa Trịnh Sâm là Trịnh Khải dựa vào quân Tam Phủ giành lại ngôi chúa từ tay em là Trịnh Cán (con của Tuyên Phi Đặng Thị Huệ). Sau khi giết Phụ chính Hoàng Đình Bảo (Quận Huy) và bắt Tuyên phi, quân Tam phủ lùng bắt các quan họ Đặng, họ Hoàng. Anh Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) là Đặng Đình Thiệu cùng 30 người họ Đặng khác hộ tống Tuyên phi bỏ trốn bị Trịnh Khải bắt được đem xử chém tại xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) phải bỏ quan đi trốn để tránh sự truy quét của chúa Trịnh”. Từ đó về sau, gia phả họ Đặng không viết rõ gia thế và hành trạng của ông”

Cả hai nguồn tin: “Từ điển Nhân vật lịch sử VN” và “Phả hệ Đặng tộc Kim Thạch” đều có nói đến Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) với sự kiện Nguyễn Huệ cùng đại quân Tây Sơn đánh ra Thăng Long giữa năm Bính Ngọ (1786) dưới danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh” nhưng với kết cục khác nhau:

  -GS Nguyễn Quang Thắng trích dẫn gia phả họ Đặng: “Vệ quốc thượng tướng quân trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An trấn Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng tướng công đại phụ tứ nguyệt thập tốt, hoàng triều Chiêu Thống nguyên niên nhị nguyệt cát hạ phùng tra. Như vậy ông mất năm 1787”. Theo cách lý giải này, Nguyễn Quang Thắng phủ định ý kiến cho rằng “Đô đốc Đông là Đô đốc Long”. Tuy nhiên Nguyễn Quang Thắng nêu thêm các chi tiết: “Năm 1786 Đặng Đình Đông theo Nguyễn Hụệ vào Phú Xuân, phục vụ triều Quang Trung và biên soạn bộ Đặng gia phả hệ toản chính thực lục (6 quyển). Những chi tiết trên mâu thuẩn với chính tác giả Từ điển Nhân vật lịch sử Việt nam vì theo tác giả “Đặng Đình Đông đã chết đầu năm 1787” thì làm sao sống dậy để phục vụ triều Quang Trung gần 2 năm sau? (Ngày 22 tháng 11 Mậu Thân-tức 19/12/1788 Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu Quang Trung) bộ”Đặng gia phả hệ toản chính thực lục” mãi đến năm 1792 mới được biên soạn!  

  –Phả hệ Đặng tộc Kim Thạch chép: “Giữa năm 1786, Nguyễn Huệ dẫn quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà, thì giữa năm sau (1787) Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) đã lặn lội vào tận Quảng nam, tìm đến quân doanh xin yết kiến Nguyễn Huệ. Từ đây, thân thế và sự nghiệp của ông bắt đầu gây nên một cuộc tranh cãi cho giới sử học sau này ”;

Nói tóm lại, tuy còn có một vài chi tiết khác nhau nhưng theo gia phả Đặng tộc: ”Đặng Đình Đông sinh ngày 18-6-1738 con trai thứ 8 của Dận Quận công Đặng Đình Miên và bà Phạm Thị Yến từng đỗ Tạo sĩ  làm quan dưới thời Lê Trịnh đã được phong tước Đông Lĩnh hầu, giữ chức Đô đốc Vệ quốc thượng tướng quân trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An cho đến cuối năm 1786”  Song sự nghiệp của ông từ cuối năm 1786 về sau không thấy chép trong gia phả Đặng tộc, nếu có cũng chỉ là sự đồn đại thiếu căn cứ. Cần nói thêm là Đô đốc Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) tuy có mặt từ giữa thế kỷ 18 nhưng chỉ tồn tại trong gia phả Đặng tộc chưa thấy xuất hiện trên bất cứ sách sử nào chép về thời Lê Trung hưng.

Đô đốc Đặng Đình Đông với tư cách danh nhân lịch sử xuất hiện lần đầu tiên trên cuốn từ điển Nhân vật lịch sử Việt nam củaNguyễn Quang Thắng- Nguyễn Bá Thế. Trước đó, vào năm 1973s, GS Phan Huy Lê có phát hiện nhân vật “Đô đốc Đặng Tiến Đông ở Lương Xá chính là Đô đốc Long”. Nhưng đây chỉ là sự trùng họ tên ngẫu nhiên không liên quan gì đến Đặng Đình Đông  (Đặng Tiến Đông) đời Lê-Trịnh. Vào thời điểm phát hiện nhân vật Đặng Tiến Đông ở Lương Xá, chính GS Phan Huy Lê cũng đã thừa nhận:”Hiện nay gia phả họ Đặng và những tài liệu có liên quan chưa cho biết rõ, trước khi theo Nguyễn Huệ Đặng Tiến Đông đã đỗ đạt như thế nào, đã giữ những chức tước gì trong chính quyền họ Trịnh rồi rời Bắc Hà vào Quảng Nam vào lúc nào?” (1). ;

II- Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản đời Tây Sơn ;

Đầu thập kỷ 70 thế kỷ XX giới sử học phát hiện một số di bản, di vật đời Tây Sơn ở Lương Xá, Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và ở chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm tự-Chương Mỹ ) gồm có: bộ Đặng gia phả hệ toản chính thực lục-6 quyển (còn gọi là bộ Đặng tộc thế phả) , một đạo Sắc có niên đại Thái Đức 10 (1787) và tấm bia đá có khắc bài văn “Tông đức thế tự bi” tại Lương Xá cùng một pho tượng gổ, một chuông đồng được đúc tặng chùa Trăm Gian từ năm 1794 và một phiến đá có khắc bài “Đặng tướng công bi” có nội dung như “Tông đức thế tư bi” nhưng được khắc vào năm 1927.Các hiện vật trên (trừ đạo Sắc được lưu giữ riêng) không có dấu vết “Tây Sơn” nên dù đã có ở Lương Xá và chùa Trăm Gian từ đời Cảnh Thịnh-Tây Sơn (trừ phiến dá có khắc bài Đặng tướng công bi có niên đại muộn hơn) nhưng không bị phát hiện và tiêu hủy dưới triều Nguyễn. Đến đầu thập kỷ 70, sau khi được phát hiện, giới nghiên cứu mới khẳng định các di bản, di vật nêu trên đều thuộc niên đại Tây Sơn và đều nói đến một danh tướng Tây Sơn chưa từng biết đến. Tuy nhiên qua khai thác văn bia “Tông đức thế tự bi” và đạo Sắc, giới nghiên cứu đã có 2 kết luận khác nhau:;

 1- Theo GS Phan Huy Lê (PHL) , văn bia Tông đức thế tự bi chép về trận Kỷ Dậu (1789) và nhân vật được nêu trong văn bia và đạo Sắc là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông ở Lương Xá chính là Đô đốc Long, vị chỉ huy quân Tây Sơn đánh thắng quân Thanh trận Đống Đa dịp Tết Kỷ Dậu”. Bằng chứng được tác giả nêu là đoạn trích trong văn bia: ”Thái tổ Vũ Hoàng đế của Hoàng Triều, nghĩa thanh vang dội, đóng quân ở Quảng Nam, ông (tức Đặng Tiến Đông-T.g.) đến cửa quân xin yết kiến, được đón tiếp và đãi ngộ riêng, rồi được tin yêu ban cho ấn kiếm, giao cho thống lĩnh việc quân…Năm Mậu Thân (1788-T.g.) , đầu đời Quang Trung (hai chữ Quang Trung bị đục-T.g.) quân Bắc xâm chiếm nước Nam, ông (tức Đặng Tiến Đông-T.g.) phụng chiếu cầm đạo quân tiên phong tiến đánh làm cho quân Bắc tan vỡ, ông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm. Vũ Hoàng đế vào Thăng Long tiến hành khen thưởng, ban riêng cho ông xã quê hương là Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn…” (2) Theo tác giả PHL, “Vũ Hoàng đế” là “Quang Trung”, trận đánh đầu đời Quang Trung là trận “Ngọc Hồi- Đống Đa”, ”Bắc binh” là “quân Thanh”, vị chỉ huy đạo quân tiên phong của Tây Sơn đánh thắng quân Thanh ở Đống Đa tiến trước vào Thăng Long, được Quang Trung khen thưởng là Đô đốc Long.

Tác giả PHL kết luận:”So sánh các tài liệu thì những sự việc mà sử sách trước đây chép là của Đô đốc Long (hay Mưu) , theo những tư liệu mới phát hiện và thu thập được lại là của Đô đốc Đông…Những điều trùng hợp đó chứng tỏ Đô đốc Long, Đô đốc Mưu, Đô đốc Đông chỉ là một người” (3). Lập luận của GS PHL nhanh chóng được công nhận và từ sau 1974s tên “Đô đốc Long” đã chính thức được thay thế bằng tên “Đô đốc Đặng Tiến Đông” trong sách giáo khoa, trong Từ điển Bách Khoa Việt Nam, trong Bảo tàng lịch sử, được đăt tên đường phố và xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng cả trong và ngoài nước.

2- Năm 1999s, nhà Khảo cổ học Đỗ Văn Ninh (sau này là PGS-TS Đỗ Văn Ninh) cũng qua khai thác đạo Sắc, văn bia Tông Đức thế tự bi đã viết bài “Đô đốc Đặng Tiến Đông hay Đô đốc Đặng Tiến Giản” (4) ) nêu lên hai điều khác biệt so với kết luận của GS PHL:

 a) Tên của nhân vật chữ Hán chép trên văn bia là chữ 暕 (đọc là Giản) do đó tên họ đầy đủ của nhân vật là  Đặng Tiến Giản không phải đọc là Đặng Tiến Đông! Ông Trần Văn Quý bổ sung một chứng cứ quan trọng chứng minh tên  nhân vật phải đọc là “Giản” vì theo chính tác giả là người biên soạn bộ “Đặng tộc thế phả” đã tự mình giải thích ”tên ông là 東 (Đông) sau cãi đổi tên 暕 (Giản)       theo định nghĩa chữ ‘Giản’ là ‘sau thời tiết âm u tích mưa bổng xuất hiện ánh sáng mặt trời”. Trong Hán ngữ không có chữ “Đông” nào có định nghĩa như vậy! (5)

b) Quan trọng hơn là theo ông Đỗ Văn Ninh nội dung văn bia chép về trận Mậu Thân (1788) không nói về trận năm Kỷ Dậu (1789) do đó “Đô đốc Đặng Tiến Giản không phải là Đô đốc Long”.

Tiếp đến năm 2000, Đỗ Văn Ninh cùng Trần Văn Quý, Lê Trọng Khánh đã viết bài đăng trên cuốn “Đối thoại sử học” (Nxb Thanh Niên-2000) cung cấp nhiều bằng chứng bác bỏ giả thuyết “Đặng Tiến Đông là Đô đốc Long” của GS PHL, củng cố lập luận của Đỗ Văn Ninh về Đô đốc Đặng Tiến Giản vị tướng Tây Sơn giúp Nguyễn Huệ đánh ra Thăng Long để tiêu diệt phản nghich Nguyễn Hửu Chỉnh đầu năm Mậu Thân (1788). Ngoài văn bia Tông đức thế tự bi (1797), Đỗ Văn Ninhcòn đưa thêm nguồn sử liệu: ”Tây Sơn thuật lược” xuất bản dưới trìều Nguyễn (6) để chứng minh cho sự thật về Đô đốc Đặng Tiến Giản.   

Như vậy cùng nguồn sử liệu là các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá nhưng qua khai thác đã có 2 kết luận khác nhau. Vậy đâu là sự thật lịch sử?

Để xác định đúng sai, năm 2007, nhà báo Trúc Diệp Thanh đã lần đầu tiên  công bố nguyên tác chữ Hán đạo Sắc và đoạn văn bia Tông đức thế tự bi mà 2 ông Phan Huy Lê và Đỗ Văn Ninh đã khai thác với 2 kết luận khác nhau. Đoạn văn bia gây tranh cãi như sau:

 

Phiên âm:”Kim triều đại tướng thống Vũ Thắng đạo Thiên Hùng Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản hệ xuất lệnh tộc giáp nhất chi, Yên Quận công chi tôn, Dận Quận công chi tử (…mất một chữ) thì, Hoàng triều Thái tổ Vũ Hoàng đế nghĩa thanh chấn bạc, quy trú Quảng nam, công nhất kiến quân môn, mật mông tri ngộ, sủng ban ấn kiếm, ủy thống nhung huy, ngưỡng lại thiên uy nhất cử đãng định. Mậu Thân … … ( 2 chữ tiếp theo bị đục) sơ, bắc binh nam mục, công phụng chiếu tiên phong đạo, tiến chiến nhi bắc binh hội, công đơn kỵ đương tiên, túc thanh cung cấm. Vũ Hoàng giáng lâm Thăng Long, sách huân hành thưởng, đặc tứ bản quán Lương Xá vĩnh vi thực ấp…” (7) (Đoạn in đậm là đoạn chủ yếu có nội dung được giải thích và kết luận khác nhau-LN) Phần “Lạc khoản” cho biết văn bia Tông đức thế tự bi do ông Phan Huy Ích biên soạn và Ngô Thì Nhậm nhuận sắc, khắc vào bia ngày 15 tháng 6 năm Đinh Tỵ Cảnh Thịnh thứ 5 (2 chữ Cảnh Thịnh bị đục) tức ngày 9 tháng 7 năm 1797… 

Từ nguyên tác chữ Hán, đối chiếu lời dịch của GS PHL trước đây với lời dịch của nhóm tác giả trên “Đối thoại sử học” thấy có sự khác biệt xung quanh các cụm từ: ”Thái tổ Vũ Hoàng đế”, ”Bắc binh nam mục, ” “Bắc binh hội” mà nguyên nhân cơ bản là khác biệt trong xác định niên đại trận đánh.

Trước hết là về niên đại trận đánh. Trong toàn bộ đoạn văn bia trên chỉ có 2 chữ “Mậu Thân”hoàn toàn không có hai chữ “Kỷ Dậu”. Ông PHL đã phán đoán thêm 2 chữ bị đục là “Quang Trung” và dịch “Mậu Thân Quang Trung sơ” là “Năm Mậu Thân đầu đời Quang Trung” từ đó đã diễn đạt trận đánh trong văn bia là trận năm Kỷ Dậuvà kết luận “Đặng Tiến Đông ở Lương Xá là Đô đốc Long”!

Một khám phá về sự kiện sử học mà chỉ dựa trên 2 chữ phỏng đoán là“Quang Trung” đã là không đáng tin cậy. Tuy nhiên hai chữ bị đục có thể là “Quang Trung” nhưng “Mậu Thân Quang Trung sơ”phải dịch đúng là “Mậu Thân năm đầu niên hiệu Quang Trung”. Niên hiệu” và “Đầu đời” là 2 khái niệm có ý nghĩa khác nhau. Nói “niên hiệu” thì năm nào ra năm đó: Mậu Thân năm đầu niên hiệu Quang Trung (Quang Trung 1) Kỷ Dậu là năm niên hiệu Quang Trung 2….Còn “đầu đời Quang Trung” thì có thể là năm Mậu Thân (QT 1) , năm Kỷ Dậu (QT 2) , năm Canh Tuất (QT 3). Sách sử vẫn thống nhất gọi các trận đánh của Tây Sơn ra Bắc Hà theo năm: trận năm Bính Ngọ (1786) , trận năm Mậu Thân (1788) , trận năm Kỷ Dậu (1789) ) để không nhầm lẫn trận này với trận kia.”Thái tổ Vũ Hoàng đế” là miếu hiệu của vua Quang Trung-Nguyễn Huệ, đầu năm Mậu Thân chưa xuất hiện đế hiệu Quang Trung, vào thời điểm này Nguyễn Huệ là Bắc Bình vương đóng quân ở Quảng Nam, (sau ngày lên ngôi Hoàng đế, Quang Trung chưa bao giờ đóng quân ở Quảng Nam), Hai ông Phan, Ngô muốn tránh tên Nguyễn Huệ đã quá lừng lẫy nên dùng miếu hiệu của vua Quang Trung để gọi Nguyễn Huệ là chuẩn xác và cũng tránh lộ liễu.”Vũ Hoàng đế giáng lâm Thăng Long…” cũng không phải Quang Trung mà làNguyễn Huệ trong sự kiện tháng 5-MT, Huệ ra Thăng Long bắt giết Vũ Văn Nhậm về tội “lộng quyền”. Đặng Tiến Giản được “ban làng quê Lương Xá làm thực ấp” trong dịp này.

Về cụm từ “Bắc binh nam mục” (北 兵 南 牧) ông PHL dịch là “quân Bắc (quân Thanh) xâm chiếm nước Nam” cũng không chuẩn xác. Đầu năm Mậu Thân chưa có bóng dáng quân Thanh ở Thăng Long, vì vậy ”Bắc binh” không thể là “quân Thanh” mà là quân “Bắc triều” (Nhà Lê ở Bắc Hà). ”Nam mục” không thể dịch là “xâm chiếm nước Nam”. ”Mục” (牧) chữ Hán không nơi nào có định nghĩa là “xâm chiếm, xâm lược” mà có định nghĩa là “chăn dắt, cai quản”. ”Bắc binh nam mục” hiểu đúng là “Bắc triều muốn đòi lại quyền cai quản ở phía nam” tức hành vi Nguyễn Hửu Chỉnh xúi dục vua Lê đòi lại đất Nghệ An cũng là nguyên nhân khiến Huệ nổi giận sai Vũ Văn Nhậm điều quân đánh ra Thăng Long (trận đánh diễn ra cuối năm Đinh Vị và kết thúc đầu năm Mậu Thân ở Thăng Long) để tiêu diệt bè lũ phản nghịch ở Bắc Hà (Bắc binh hội).

Đại quân nhà Thanh với 29 vạn tướng sĩ  không thể gọi là “Hội”.. Hiểu đúng nghĩa hai chữ “Nam mục” cũng có nghĩa khẳng định thêm “Băc binh” trong văn bia không phải là “quân Thanh” vì lẽ dân nước Nam đâu phải thuộc Tàu mà nhà Thanh phải cử đại quân sang “chăn dắt”? Sách sử đời Tây Sơn, đời Nguyễn, đời hiện đại không thấy chép tên Đô đốc Đặng Tiến Đông hoặc Đô đốc Đặng Tiến Giản tham dự trận đánh năm Mậu Thân. Riêng cuốn “Tây Sơn thuật lược” (TSTL) xuất bản dưới triều Nguyễn có chép về nhân vật này dưới tên Đặng Giản: ”Huệ khiến Tiết chế Nhậm đốc xuất bộ quân, Thái úy Điều đôn đốc thủy quân, Đô đốc Đặng Giản làm tiên phong nhằm kinh thành Thăng Long tiến phát…tháng giêng Mậu Thân (Chiêu Thống 2) quân Tây Sơn tiến phạm Thăng Long. Vua Lê chạy đi Hải Dương, quân Tây Sơn rượt theo, cha con Hữu Chỉnh đều bị bắt. Huệ cho Vũ Văn Nhậm trấn Thăng Long, Đặng Giản  trấn Thanh Hoa (Giản là người Lương Xá, dòng dõi của Đặng Nghĩa Huấn… (8).

Như vậy với các nguồn sử liệu là “đạo Sắc, văn bia và Tây Sơn thuật lược” đã có căn cứ bác bỏ giả thuyết “Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long” của GS PHL và khẳng định phản biện của PGS-TS Đỗ Văn Ninh với vai trò của Đô đốc Đặng Tiến Giản trong trận năm Mậu Thân là có cơ sở khoa học, chính xác. Cũng cần biết thêm: Phan Huy Ích  Ngô Thì Nhậm là hai danh sĩ thông thái hàng đầu của nước Nam trong thế kỷ 18. Hai ông cũng là người trực tiếp chứng kiến hai trận Tây Sơn đánh ra Thăng Long trong 2 năm Bính Ngọ (1786) và Mậu Thân (1788). Riêng trận đánh quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) hai ông đã là danh thần đứng trong hàng ngũ Tây Sơn tham dự  cuộc chiến. Hai ông thừa hiểu trận năm Mậu Thân (1788) không thể sánh với tầm vóc lịch sử trận năm Kỷ Dậu (1789), vai trò của Đô đốc Đặng Tiến Giản chỉ huy đội tiên phong trong đạo quân do Vũ Văn Nhậm chỉ huy năm Mậu Thân  không thể sánh với vai trò của Hữu quân Đô đốc Long trong trận đại chiến với quân Thanh do Quang Trung đích thân chỉ huy đầu nămKỷ Dậu.

Bia lập để tưởng niệm Đặng Tiến Giản vào năm 1797 cũng chỉ cách các trận Mậu Thân, Kỷ Dậu chưa tròn một thập kỷ, nếu Đặng Đô đốc ở Lương Xá chính là Đô đốc Long thì hai ông Phan, Ngô không thể chỉ chép công trạng Đặng Tiến Giản trong trận Mậu Thân mà “quên” chép công trạng có ý nghĩa lịch sử lớn lao hơn trong trận năm Kỷ Dậu? Ngoài đoạn giới thiệu về chiến công như trên, phần lớn văn bia ”Tông đức thế tự bi” ngợi ca về công đức của Đặng Tiến Giản trong việc tôn tạo nơi thờ cúng tổ tiên Đặng tộc, xây dựng làng quê phồn thịnh, đúc chuông đồng tặng chùa Trăm Gian, cúng nhiều tiền, ruộng tốt cho chùa Thủy Lâm nơi có các ban thờ tổ tiên (cũng là nơi hai ông Phan, Ngô đặt bia tưởng niệm Đặng Tiến Giản).

Cuối đời ông còn biên soạn bộ “Đặng gia phả hệ toản chính thực lục” để lại cho đất nước, cho Đặng tộc một bộ phả quý. Với tài ngụy trang khéo léo bằng các cụm từ ẩn dụ trong biên soạn văn bia, hai ông Phan, Ngô đã thực hiện được ý đồ đảm báo cho tầm bia tưởng niệm người bạn “đồng hương, đồng triều, đồng chí hướng” được tồn tại qua sự “truy sát” của triều Nguyễn nhưng vẫn để lại “chìa khóa” là 2 chữ Mậu Thân để hậu thế tiếp cận thông điệp đích thực 2 ông để lại qua văn bia.

Sau trận Mậu Thân (1788), Tây Sơn thuật lược còn chép các sự kiện chủ yếu dưới triều Quang Trung cho đến năm Nhâm Tuất triều đại Tây Sơn chấm dứt, nhà Nguyễn thay thế trong đó có chép trận Quang Trung đánh bại quân Thanh năm Kỷ Dậu nhưng không nói đến vai trò của Đặng Tiến Giản. Theo TSTL, Đặng Tiến Giản được Nguyễn Huệ giao làm trấn thủ Thanh Hoa từ đầu năm 1788 đên năm 1790 thìQuang Trung  giao trấn Thanh Hoa cho con thứ là Nguyễn Quang Bàn đảm nhiệm. Giản về Thăng Long làm “Đại Đô đốc coi giứ Đại Thiên Hùng binh”. Đây là chức vụ cuối cùng của Giản được chép trên bộ Đặng tộc thế phả (1792) , trên chuông đồng đúc tặng chùa Trăm Gian (1794) và trên văn bia Tông đức thế tự bi (1797). Chưa có tài liệu nói chính xác năm Giản mất nhưng có cơ sỏ xác định Giản mất trong khoản thời gian sau năm 1794 (năm đúc chuông) , trước năm 1797 (năm lập bia tưởng niệm). Mộ táng ở xứ Đồng Trê, nay thuộc thôn Đầm Dền, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

III- Mối liên hệ giữa Đô đốc Đặng Đình Đông và Đô đốc Đặng Tiến Giản.

Điều nghi vấn còn lại là câu hỏi trước khi về với Tây Sơn (tháng 7 năm 1787 lúc đã 49 tuổi) Đặng Tiến Giản đã học hành, đỗ đạt, tham dự quan trường ở đâu, với chức tước gì? Để trả lời câu hỏi trên cần trở lại nguồn gốc xuất thân của Đặng Tiến Giản đã được chép trong quyến 6 bộ “Đặng gia phả hệ toản chính thực lục” do chính ông biên soạn vào năm 1792.

Trang cuối quyển 6 chép về thân thế sự nghiệp Dận Quân công Đặng Đình Miên (1679 -1749) có câu tự thuật của tác giả (Đặng Tiến Giản) cho thấy “ông là con trai thứ 8 của Dận Quận công với bà vợ lẽ thư 5 Phạm Thị Yến sinh ngày 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ (tức 18/6/1738) từng được đặt tên là “Đông” sau cãi đổi tên “Giản” lấy theo định nghĩa chữ “Giản” là: sau thời tiết mây mù tích mưa bổng thấy ánh mặt trời” (8). Bộ phả còn cho biết 7 người anh của ông đều thành đạt: 1-Đặng Đình Chí, tước Chí Trung hầu, 2-Đặng Đình Thiệu tước Thiệu Trung bá, 3-Đặng Đình Cầu tước Kiên Trung hầu, 4-Đặng Đình Tự tước Tự Trung bá, 5-Đặng Đình Tú tước Điện Trung bá, 6-Đặng Đình Giám tước Giám Trung bá, 7-Đặng Đình Hữu tước Thạch Trung bá, riêng con thứ 8 là Đông (Đặng Đình Đông) năm 10 tuổi theo học Doãn Xá tiên sinh ở chùa Thủy Lâm, 11 tuổi mồ côi cha rồi dừng lại không có dòng nào nói về đỗ đạt, làm quan dưới triều Lê –Trịnh, cuối trang có chép thêm câu: từ tên’Đông’sau đổi sang tên’Giản’ cũng không rõ đổi tên vào năm tháng nào?Từ ngày phát hiện câu tự thuật trên, phần lớn người đọc cho rằng “Đông” là tên thuở thiếu thời, khi trưởng thành đổi sang tên “Giản”. Đến khi có tiểu sử của Đô đốcĐặng Đình Đông do GS Nguyễn Quang Thắng công bố mới thấy ý nghĩa đầy đủ của câu tự thuật. So sánh đoạn chép về gia đình của Đặng Đình Đông ở phần I thì từ  ông nội (Yên Quận công Đặng Tiến Thự), cha mẹ đẻ (Dận Quận công Đặng Đình Miên và bà Phạm Thị Yến) , ngày tháng năm sinh (18-6-1738) , đến họ tên các anh ruột củaĐặng Đình Đông hoàn toàn trùng khớp với lai lịch Đặng Tiến Giảnnêu trong “Đặng tộc thế phả” (1792) và văn bia Tông đức thế tự bi (1797). Điều trùng khớp như trên cho thấy: Đặng Đình Đông vàĐặng Tiến Giản chỉ là một người. Có thể khẳng định Đô đốc Đặng Đình Đông là Đặng Tiến Giản dưới thời Lê Trịnh và Đặng Tiến Giản là Đặng Đình Đông dưới triều Tây Sơn. Nhận định trên không phải là suy diễn mà có căn cứ từ câu tự thuật của chính Đặng Tiến giảntrong biên soạn bộ “ĐTTP”:”sinh con thứ 8 là “Đông” sau cãi đổi tên “Giản”. Thời điểm đổi tên diễn ra lúc Đặng Đình Đông từ Bắc Hà lăn lội vào Quảng Nam xin yết kiến Nguyễn Huệ được chép trên đạo Sắc ngày 03 tháng 7 năm Đinh Vị/Mùi, Thái Đức 10 (tức 15/8/1787). Đây được xem là ngày khai tử tên Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông)cũng là ngày khai sinh tên Đặng Tiến Giản. Để khẳng định điều như trên cần làm sáng tỏ thêm.

 1- Có phải Đô đốc Đặng Đình Đông đã “chết” đầu năm 1787?Trong câu chữ Hán hai ông Thắng, Thế trích dẫn gia phả ở Lương Xá đã dịch chữ “tốt” (卒) là “chết” và xác định Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) đã “chết” đầu năm Chiêu Thống 1 (Năm Đinh Vị/Mùi -1787). Một nhân vật có thế lực như “Đại Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Đình Đông, Vệ quốc thượng tướng quân trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An” đã “chết” vì sao không có mộ phần? Theo từ điển Hán ngữ chữ “tốt” ngoài ý nghĩa là “chết” còn có nghĩa là “hoàn tất, kết thúc”. Như vậy với chữ “tốt” cũng có ý nghĩa Đặng Đô đốc đã hoàn tất, kết thúc sứ mệnh ở triều Lê Trịnh vào ngày 15 tháng 2 năm Đinh Vi/Mùi, Chiêu Thống thứ nhất (1787) ? Thời điểm Đặng Đình Đông rời Bắc Hà (chết) rất phù hợp với thời điểm Đặng Đô đốc có mặt ở Quảng nam yết kiến Nguyễn Huệ sau đó nhận Đạo Sắc (15/8/1787) với cái tên “tái sinh” là Đặng Tiến Giản. Chữ “Giản” với định nghĩa “sau thời tiết âm u bổng thấy ánh mặt trời” rất phù hợp với hoàn cảnh của Đặng Tiến Giản lúc đổi tên là “từ bóng tối tìm thấy ánh sáng” (từ hỗn loạn thời Lê Trịnh tìm thấy ánh sáng cuộc đời khi về với Tây Sơn với anh hùng Nguyễn Huệ). Gia phả Đặng tộc hoàn toàn không chép chi tiết Đặng Đình Đông về với Tây Sơn dưới cái tên Đặng Tiến Giản nhưng đạo Sắc, văn bia Tông đức thê tự bi và Tây Sơn thuật lược là các nguồn sử liệu đă xác minh sự kiện trên là một sự thật lịch sử.

2- Về sự trùng hợp giữa chức, tước của Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) dưới triều Lê–Trịnh và chức tước của Đặng Tiến Giản triều Tây Sơn:

Từ sau khi tìm thấy đạo Sắc đời Tây Sơn phong cho Đặng Tiến Giản chức ”Đô đốc Đồng tri tước Đông Lĩnh hầu vẫn sai giữ trấn Thanh Hoa” giới nghiên cứu vẫn yên tâm chức tước nêu trên của Đặng Tiến Giản là do triều Tây Sơn phong tặng. Đến khi phát hiện tiểu sử của Đô đốc Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) như đã giới thiệu tại phần I thì thấy chức tước của Đặng Tiến Giản trên đạo Sắc trùng khớp với chức,   tước của Đặng Đình Đông là “Đô đốc Đông Lính hầu, trấn thủ Thanh Hoa”. Theo quan chế thời Lê Trịnh cũng như thời Tây Sơn “Đô đốc Đồng tri tước Đông Lĩnh hầu” là chức tước giành cho quan chức hàng đầu (tòng nhất phẩm).

Đặng Tiến Giản mới về đầu quân cho Tây Sơn chưa có công trạng gì thì cơ sở nào để Nguyễn Huệ trao chức tước lớn, làm sao thuyết phục được tướng lĩnh Tây Sơn lúc bấy giờ? Điều hợp lý nhất là căn cứ vào chức tước của Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) đã sẵn có dưới triều Lê, kể cả chức “Trấn thủ Thanh Hoa” (Trấn Thanh Hoa năm 1787 vẫn do nhà Lê quản lý). [Tước“Đông Lĩnh hầu” của Đặng Đình Đông (Đặng Tiến Đông) cũng đã có trong bộ phả do Đặng Tiến Giản biên soạn (1792) và trong bộ“Đăng Thế Gia Phả Ký” do cụ Đặng Văn Phái biên soạn năm Mậu Dần (1938)]. Ngay khi tiếp xúc với Đặng Đình Đông từ Bắc Hà vào Quảng Nam, với thiên tài dùng người, Nguyễn Hụệ đã sớm nhận ra vai trò, khả năng của Đặng Tiến Giản (Đặng Đình Đông) trong cuộc chiến sắp đến với Bắc Hà như đã nêu trong Đạo Sắc (15/8/1787). Theo văn bia: cuối năm 1787 Đặng Tiến Giản được Huệ giao chỉ huy đội tiên phong trong đạo quân Tây Sơn do Tiết chế Vũ Văn Nhậm thống lĩnh đánh ra Thăng Long..

Mặc dù quân nhà Lê do Nguyễn Hửu Chỉnh chỉ huy vẫn còn nguyên “binh hùng, tướng mạnh”, nhưng với tài cầm quân của một võ quan từng đỗ Tạo Sĩ, một Đô đốc lâu năm trong đạo quân nhà Lê- Trịnh, thông thạo địa hình, địa vật, tường tận chỗ mạnh chỗ yếu của quân, tướng Bắc Hà, sẵn có uy tín trong giới sĩ phu Bắc Hà, với chức tước Nguyễn Huệ phong tặng, Đặng Tiến Giản nhanh chóng hội nhập hàng ngũ Tây Sơn và đầu năm Mậu Thân hoàn thành xuất sắc vai trò của mình tại Thăng Long. Tài dùng người của Nguyễn Huệ trong trường hợp trọng dụng Đặng Tiến Giản còn làm cho nhiều sĩ phu có tiếng tăm ở Bắc Hà noi gương Đặng Tiến Giản về với Tây Sơn sau chiến thắng Mậu Thân: Ngô Thì Nhậm,  Phan Huy Ích, Trần Bá Lãm, Võ Huy Tấn.. Vì vậy, dịp ra Thăng Long thanh lọc Vũ Văn Nhậm, Huệ  đã đặc cách ban thưởng cho Giản “làng quê hương Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn” như văn bia đã chép.

Thay lời kết:

Việc phát hiện ra danh tướng “Lưỡng triều Đô đốc” trong bài viết này là một khám phá sử học mới mẻ trên cơ sở thành quả nghiên cứu đã được biết đến của nhiều Nhà nghiên cứu: GS Phan Huy Lê, PGS-TS Đỗ Văn Ninh, học giả Trần Văn Quý từ cuối thế kỷ XX và gần đây là GS Nguyễn Quang Thắng là người đầu tiên giới thiệu danh nhân Đô đốc Đặng Đình Đông đời Lê-Trịnh (từ điển Nhân vật lịch sử Việt nam). Người viết bài này chỉ phát hiện  sự trùng lặp về lai lịch của Đặng Đình Đôngvà Đặng Tiến Giản cùng câu tự nhận  “Đông cũng là Giản” của tác giả bộ “Đặng tộc thế phả” để phát hiện vị “Lưỡng triều Đô đốc” với lời cảnh báo: Đô đốc Đặng Tiến Giản một danh tướng Tây Sơn, danh nhân Đặng tộc cách đây hai thế kỷ đã từng được người đương thời lập bia, tạc tượng, đáng tiếc là hiện đang bị chính sử và Đặng tộc hiểu nhầm, bỏ sót, trong khi đó Đô đốc Đặng Tiến Đông –một nhân vật ra đời từ sự suy diễn, thực chất là một hình nộm khoác áo Đô đốc Long lại đang được tôn vinh, tôn thờ. Sự xuyên tạc trắng trợn về nhân vật lịch sử đời Tây Sơn như trên đã được phát hiện từ cuối năm 1990s, nhưng cho đến nay các cơ quan chức năng có trách nhiệm vẫn làm ngơ không chỉnh sửa!

Hà Nội Xuân Giáp Ngọ (2014)

 

Chú thích:

(1, 2, 3) -“Đô đốc Đặng Tiến Đông-Một vị tướng Tây Sơn chỉ huy trận Đống Đa”-Phan Huy Lê-Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 154 (01-1974).

(4) -“Đặng Tiến Đông hay Đặng Tiến Giản” Đỗ Văn Ninh (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử  số 3 tháng 5-6 năm 1999).

(5-8) -Nguyên văn câu chữ Hán (phiên âm) :”Mậu Ngọ niên ngũ nguyệt sơ nhị Quý Sửu thì sinh đệ bát tử“Đông”, hậu cãi”Giản”, dĩ tự vựng vân:Trùng âm tích vũ chi hậu hốt kiến nhật sắc, cố tri danh yên”. Dịch nghĩa:”Năm Mậu Ngọ, tháng 5 ngày 2 giờ Quý Sửu sinh con trai thức 8 là “Đông” sau cãi dổi tên “Giản” ý theo tự vựng nói:sau khi mây mù tích mưa bổng thấy ánh mặt trời, cho nên đặt tên như thế”. Theo Từ điển Từ Hải (1989, trang 1580) chữ “Giản” có định nghĩa:”Trùng âm tích vũ hậu hốt kiến nhật sắc” (Trần Văn Quý-Phải gọi là Đô đốc Đặng Tiến Giản-ĐTSH-Nxb Thanh Niên-2000).

(6-9) “Tây Sơn thuật lược”- bằng chữ Hán biên soạn dưới triều Nguyễn được Tạp chí Nam Phong đăng toàn văn trong phần chữ Hán số 148 (1930). Đến năm 1968s, TSTL lần đầu tiên được chuyên viên Hán học Viện Khảo cổ Sàigòn Tạ quang Phát dịch ra tiếng Việt..

(7) ”Tư liệu về vị tướng Tây Sơn ở Lương Xá (Chương Mỹ-Hà Tây) ”-Trúc Diệp Thanh-Tạp chí Huế Xưa và Nay (Hội Sử học tỉnh TT-H) số 90 11-112 năm 2008.

Sách tham khảo:

1-Đặng gia phả ký (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

2-Hoàng Lê nhất thống chí-

3-Đối thoại sử học.

4-Tây Sơn thuật lược.

5-Quang Trung anh hùng dân tộc (Hoa Bằng)

6-Từ điển Nhân vật lịch sử Việt nam (Nguyễn Quang Thắng-Nguyễn Bá Thế).

nguồn bài đăng

0