21/02/2018, 08:49

Cuộc sống hòa mình với thiên nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn.

Đề bài: Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài làm: Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm, là nhân tài lớn của dân tộc và có nhiều huyền thoại. Ông để lạ rất nhiều tác phẩm có giá trị đến tận ngày nay. ...

Đề bài: Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bài làm:

Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm, là nhân tài lớn của dân tộc và có nhiều huyền thoại. Ông để lạ rất nhiều tác phẩm có giá trị đến tận ngày nay. Trong đó, bài thơ “Nhàn” tái hiện cuộc sống hoà mình cùng thiên nhiên của tác giả đồng thời thể hiện nhiều triết lí của cuộc sống.

Mở đầu bài thơ là bức tranh cuộc sống của tác giả tại am Bạch Vân :

“ Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Câu thơ mở đầu sử dụng biện pháp nghệ thuật liệt kê “ mai, cuốc, cần câu” , cách ngắt nhịp 2/2/3 , phép lặp số từ “ một” đã gợi cho ta hình dung một cuộc sống gắn bó với công việc lao động của tác giả. Từ láy “ thơ thẩn” gợi tả trạng thái nhàn hạ, thoải mái không vướng bận của một lão nông tri điền, chân lấm tay bùn, làm bạn với mai, cuốc nhưng không gợi cuộc sống vất vả lam lũ mà đó còn là thú tiêu khiển của thi nhân. Cụm từ “ dầu ai vui thú nào” khẳng định quan điểm riêng của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Dù cho mọi người có lao vào vòng danh lợi thì tác giả vẫn chọn cho mình cuộc sống hoà mình cùng thiên nhiên, tươi đẹp, tận hưởng những giây phút thảnh thơi thư thái. Câu thơ cho thấy thái độ phản đối cuộc sống phú quý, coi đó là cuộc sống phù phiếm, vô nghĩa. Bản than thi nhân cũng đã từng khẳng định giá trị của cuộc sống nhàn.

“ Cao khiết thuỳ vi thiên hạ sĩ

An nhàn ngã thì địa trung tiên”

Hai câu thơ tiếp theo là triết lí của tác giả về “dại” và “khôn” trong cuộc đời:

“ Ta dại ta tìm nơi váng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao ’’

Hai câu thơ kết tinh cái tài trong bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm. «  Nơi vắng vẻ » là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc sống đơn sơ mà thanh cao, vô vi, vô lo vô nghĩ. « Chốn lao xao » là hình ảnh tượng trưng cho chốn quan trường, nơi vinh hoa phú quý đầy rẫy bon chen, tranh giành dễ làm cho con người mất đi nhân tính, tình người. Tác giả tự nhận mình là « dại », đây là cái ngông của người ẩn sĩ , nhường cái khôn cho người khác, cách nói ngược khẳng định lối sống ẩn dật mà thanh bạch, hoà hợp với thiên nhiên, đồng thời mỉa mai, lên án đả kích lối sống chạy theo vòng danh lợi, mua quan bán nước. Hình ảnh đối lập ”ta-người”, ”dại-khôn” ,  ”nơi vắng vẻ- chốn lao xao” khẳng định thái độ dứt khoát, phong cách sống ”lánh đục về trong” của thi nhân. Trong một bài thơ khác, tác giả cũng nhắc đến chữ ”dại-khôn”

” Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn”

Quan niệm phương châm sống an nhàn của nhà thơ, là một cách sống đẹp, nó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, lánh xa những cám dỗ vật chất để tu dưỡng tâm hồn, không làm mình bị vấy đục bởi những vinh hoa phù phiếm.

Cách sinh hoạt của tác giả tại am Bạch Vân được tác giả tái hiện trong câu thơ :

”Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”

Hai câu thơ sử dụng hình ảnh ước lệ tượng trưng, tác giả tuần hoàn liên tiếp với bốn mùa : xuân, hạ, thu, đông ; thức ăn là những sản vật đạm bạc : măng, trúc, giá ; đó là thú vui dân dã : xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Thi nhân đã giao hoà, đắm mình trong thiên nhiên tuyệt vời, tươi đẹp. Với việc sử dụng biện pháp nghệ thuật lặp cấu trúc câu, liệt kê, tạo dựng nên một bức tranh tứ bình về cách sinh hoạt nơi thôn quê của nhà thơ. Ông đã chọn cuộc sống vui thú điền viên, cuộc sống của một người nông dân an nhàn, tự tại, thuận theo tự nhiên, không màng tới những thú vui xa hoa, vật chất tiền tài, xa lánh những bon chen đố kị.

Hai câu thơ cuối bài là cái nhìn của tác giả về vinh hoa phú quý :

”Rượu đến cuội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Tác giả đã sử dụng điển tích Thuần Vu Phần ngủ dưới gốc cây hoè, mơ thấy mình ở nước Hoè An, được vinh hoa phú quý, nhưng khi bừng tỉnh giấc đó chỉ là giấc mơ, qua đó thể hiện lẽ sống của tác giả : mọi vinh hoa phú quý chỉ là giấc chiêm bao, cái tồn tại vĩnh hằng chính là nhân cách của con người. Tác giả uống rượu không để say mà để cảnh tình mình và để cảnh tỉnh đời. Nhịp thơ 1/3/3 kết hợp với động từ ”nhìn xem” thể hiện tư thế ung dung nhàn nhã, đứng cao hơn người, không chạy theo bon chen dòng đời xô đẩy, giữ vững đạo đức của mình.

Với việc sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật kết hợp với điệp từ, liệt kê, nghệ thuật đối, điển tích,giọng điệu trữ tình có chút mỉa mai, châm biếm, cảm hứng đậm chất triết học, giáo huấn, ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, bài thơ Nhàn đã khẳng định quan điểm sống xa lánh danh lợi, phù phiếm xa hoa, sống thanh thản thư thái cùng với thiên nhiên vui thú an nhàn, không bon chen xô bồ ganh đua.

Bài thơ  Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang sự đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật. Bài thơ đã để lại bài học vô cùng sâu sắc đối với người đời trường tồn mãi với tác giả : Mỗi người hãy sống phù hợp với thiên nhiên, yêu thiên nhiên và đừng để vinh hoa phú quý che lấp mà phạm phải những sai lầm không đáng có.

Đô Tiến

0