23/05/2018, 15:26

Chứng khó tiêu ở lợn con (Dyspepsia)

Chứng khó tiêu là bệnh cấp tính của lợn sơ sinh với triệu chứng rối loạn tiêu hoá và trao đổi chất, tiêu chảy mất nước và nhiễm độc cơ thể bệnh súc. Lợn con thường mắc bệnh nhất vào giai đoạn 3 – 5 ngày tuổi, có khi chỉ một vài giờ sau khi sinh. Chứng khó tiêu được chia làm 2 dạng: chứng khó ...

Chứng khó tiêu là bệnh cấp tính của lợn sơ sinh với triệu chứng rối loạn tiêu hoá và trao đổi chất, tiêu chảy mất nước và nhiễm độc cơ thể bệnh súc. Lợn con thường mắc bệnh nhất vào giai đoạn 3 – 5 ngày tuổi, có khi chỉ một vài giờ sau khi sinh.

Chứng khó tiêu được chia làm 2 dạng: chứng khó tiêu thường (Dyspepsia simplex), nghĩa là lợn bệnh chỉ bị rối loạn tiêu hóa ở mức độ nhẹ và chứng khó tiêu nhiễm độc (Dyspepsia toxica), đặc trưng của thể này là lợn bệnh bị nhiễm độc nặng, tiêu chảy mất nước và rối loạn chức năng của nhiều cơ quan khác nhau nên lợn bệnh rất dễ chết. Thường lúc đầu lợn mắc chứng khó tiêu thường, nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển sang chứng kho tiêu nhiễm độc với tỷ lệ chết cao.

Nguyên nhân chứng khó tiêu

Thức ăn cho nái chửa, đặc biệt nái chửa kỳ II không đảm bảo chất lượng và khối lượng. Nếu trong thời kỳ mang thai, nái chửa chỉ được ăn cám dùng nuôi lợn vỗ béo thì bào thai phát triển không bình thường, sau khi đẻ lại được ăn cám giàu dinh dưỡng, lượng đạm cao nên đàn con bú sữa quá cao đạm dẫn đến tiêu chảy hàng loạt.

– Đàn con sinh ra từ nái bị viêm vú có hệ vi khuẩn đường ruột phát triển không bình thường nên dễ bị tiêu chảy.

– Chuồng nuôi lợn sơ sinh có độ ẩm cao và lạnh hoặc lợn con bị nhốt ở chỗ nắng và nóng quá. Bởi vì trong trường hợp này nhu động ruột của đàn lợn con bị rối loạn dẫn đến tiêu chảy.

– Cho lợn con bú sữa đầu quá chậm (quá 1 giờ sau khi đẻ) hoặc không cho lợn con bú theo nhu cầu tự nhiên (theo nhu cầu tự nhiên là cứ 30 phút đến 2 giờ cho bú 1 lần, tuỳ theo ngày tuổi). Lưu ý sữa đầu là nguồn duy nhất chứa các kháng thể của lợn mẹ bảo vệ đàn con trong giai đoạn đầu sơ sinh. Nồng độ các kháng thể trong sữa đầu cao nhất vào lúc 4 giờ sau khi đẻ, đến 6 – 8 giờ giảm đi còn 50%, sau 12 giờ còn 30% và sang ngày thứ hai chỉ còn rất thấp, khoảng 10%. Nếu được bú sữa đầu sớm, qua 48 giờ sau khi đẻ thành ruột lợn con “đóng lỗ hổng” để ngăn cản hấp thu các phân tử ở dạng nguyên, trong đó có mầm bệnh vào trong cơ thể. Nếu qua 24 giờ chưa được bú sữa đầu quá trình “đóng lỗ hổng” sẽ bị chậm lại nên tăng nguy cơ nhiễm mầm bệnh qua đường ruột. Chính vì vậy, cho bú sữa đầu sớm là biện pháp cực kỳ quan trọng tăng khả năng bảo vệ của thành ruột lợn con sơ sinh.

– Đàn con sinh ra từ những nái bị bệnh như Leptospirosis, Viêm phổi truyền nhiễm (Emootica pneumoniae), bệnh tai xanh (PRRS)…có sức đề kháng yếu đối với môi trường xung quanh nên dễ ốm.

– Nái đẻ lứa một, lứa hai, đặc biệt nái phối sớm (nái ngoại phối trước 8 tháng tuổi), nái già (bình thường người ta chỉ khai thác lợn ngoại đẻ 6 – 7 lứa) hoặc người chăn nuôi không có kinh nghiệm chăm sóc nuôi dưỡng lợn đẻ nên đàn con có sức đề kháng yếu.

Triệu chứng

Biểu hiện triệu chứng phụ thuộc vào mức độ và thời gian tác động của các yếu tố gây bệnh. Bệnh có đặc điểm chung là:

– Bệnh xảy ra theo đàn và hầu hết số con trong một ổ cùng bị mắc.

– Thường xảy ra vào tuần tuổi đầu tiên.

– Đàn con lúc đầu bị tiêu chảy 4 – 6 lần trở lên/ngày, trong khi thân nhiệt gần như bình thường. Tiêu chảy phân màu trắng hoặc vàng, lẫn bọt khí, có mùi chua khó chịu. Có đàn tiêu chảy phân rất lỏng, màu không đặc trưng nên bằng mắt thường khó phát hiện được. Bởi vậy, nếu thấy mỗi con nằm một nơi, niêm mạc hậu môn đỏ, có khi tiêu chảy vọt cần câu (nên khi bắt lợn kiểm tra chú ý giữ lợn ở tư thế phần bụng hướng ra ngoài), càng ngày lợn càng yếu, bú khó khăn, da nhợt nhạt, lông xù cần nghĩ ngay chứng khó tiêu.

– Niêm mạc mắt, mũi, miệng trắng nhợt nhạt.

– Lợn bệnh gầy, giảm bú hoặc bỏ bú hoàn toàn, ợ chua, nôn, di chuyển chậm chạp, lười vận động, mắt trũng, bụng hóp. Về cuối lợn bệnh mất phản xạ đối với xung quanh, run từng cơn, thân nhiệt giảm (sờ tay vào thấy lạnh), nhịp mạch tăng cao (180 – 200 nhịp/phút), thở nhanh (60 lần/phút). Nếu không điều trị, lợn sẽ chết trong vòng 3 ngày sau khi có triệu chứng nhiễm độc.

lon bi chung kho tieu

Bệnh tích

Xác chết gầy, lông dính đầy phân, đặc biệt vùng xung quanh hậu môn. Mổ khám thấy niêm mạc trắng, khoang bụng và lồng ngực chứa dịch màu vàng. Phổi sung huyết, đôi khi bị sưng dạng phù thũng. Dạ dày chứa thức ăn lỏng có mùi thối. Ruột chưa nhiều chất nhầy, thức ăn lỏng, có khi chứa đầy hơi. Gan mềm do loạn dưỡng nhiễm độc, màu đất sét. Túi mật chứa đầy mật đặc. Bàng quang chứa nhiều nước tiểu đặc. Thận nhợt nhạt. Lách không sưng nhưng mềm nhũn. Xác lợn chết qua đêm lép, phần bụng hoại tử có màu tím đen.

Chẩn đoán

Dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm của các cơ quan chẩn đoán chuyên ngành. Lưu ý rằng bệnh chỉ xảy ra ở lợn con sơ sinh và nếu trong đàn có một vài con mắc bệnh này thì trong vòng 1 – 2 ngày cả đàn sẽ bị tiêu chảy.

Trong chẩn đoán phân biệt cần lưu ý các bệnh do E. coli, Salmonella, vi khuẩn ưa khí đường ruột, viêm dạ dày ruột do vi rút và ngộ độc thức ăn. Cụ thể:

Khi mắc bệnh do Salmonella (Phó thương hàn) thân nhiệt lợn bệnh luôn tăng cao và bệnh chỉ xảy ra ở lợn 1 – 4 tháng tuổi. Trong khi đó chứng khó tiêu thường xảy ra ở tuần tuổi đầu tiên. Lợn lớn tuổi hơn, đặc biệt lợn đã ăn được thức ăn tinh thì không bị bệnh chứng khó tiêu.

Vi khuẩn ưa khí gây tiêu chảy phân lẫn máu và nhầy do lớp niêm mạc ruột non bị hoại thư. Lợn thường chết vào khoảng 8 – 10 giờ sau khi mắc bệnh và tỷ lệ chết rất cao.

Bệnh viêm dạ dày ruột do vi rút (TGE) có tính lây lan rất cao, trong vòng 3 – 5 ngày hầu như lợn toàn đàn thuộc mọi lứa tuổi sẽ bị bệnh. 80 – 100% số lợn con dưới 10 ngày tuổi bị chết.

– Khi bị ngộ độc thân nhiệt của lợn bệnh thường không tăng, không phụ thuộc vào lứa tuổi tiêu chảy hàng loạt ở mức độ khác nhau. Một số trường hợp biểu hiện thần kinh.

Lưu ý rất dễ nhầm Chứng khó tiêu với bệnh Phân trắng lợn con và nếu để bệnh chuyển sang thể mãn tính thường bội nhiễm E. coli (gây bệnh Phân trắng lợn con). Bởi vì điều trị 2 bệnh này có những điểm khác nhau. Khi điều trị Chứng khó tiêu phải điều trị cả lợn mẹ và cả đàn con vì nguyên nhân chủ yếu gây chứng khó tiểu là do chất lượng sữa của lợn mẹ. Còn trong điều trị bệnh Phân trắng có thể chỉ điều trị những con bị mắc bệnh, không nhất thiết phải điều trị cả đàn, kể cả nái nuôi con. Để phân biệt 2 bệnh này dựa vào những đặc điểm lâm sàng sau: phân biệt 2 bệnh này dựa vào những đặc điểm lâm sàngphân biệt 2 bệnh này dựa vào những đặc điểm lâm sàng

Điều trị

Mục đích điều trị

– Phục hồi quá trình tiêu hoá bình thường của đường ruột.

– Phục hồi quá trình trao đổi nước – muối và thành phần hệ vi khuẩn đường ruột.

– Loại trừ độc tố vi khuẩn.

– Duy trì hoạt động tim mạch và trương lực sinh học của cơ thể lợn.

Để đạt hiệu quả cao cần điều trị cả lợn nái nuôi con và cả đàn con.

Lợn bệnh chết do một số nguyên nhân sau

– Loạn khuẩn đường ruột.

– Cơ thể mất nước và điện giải sinh loạn dưỡng.

– Nhiễm độc tố vi khuẩn.

– Chết do đói và khát.

Bởi vậy, muốn điều trị và phục hồi sức khoẻ lợn ốm cần loại trừ các nguyên nhân kể trên. Thực hiện đồng thời 2 biện pháp sau:

Hộ lý

– Giữ chuồng khô, ấm, không tắm cho lợn con, hạn chế rữa chuồng đến tối đa, kể cả mùa hè.

– Lợn đói dẫn đến yếu nên dễ bị các con khoẻ chèn ép không cho bú hoặc bị lợn mẹ đè chết, cho nên thường xuyên theo dõi bắt cho bú, tốt nhất là ở những vú trước.

Dùng thuốc điều trị (liên tục 3 – 4 ngày):

A/ Đối với đàn con bị bệnh (Điều trị cả đàn):

Cách 1:

– Tiêm bắp kháng sinh Earoseptyl – L.A, 1ml/10kgP, 1 lần/ngày để phòng bội nhiễm.

– Tiêm bắp Calci – Mg – B6, 5ml/con, 1 lần/ngày.

– Cho uống men tiêu hoá Pharselenzym, 1g/5kgP, 1 lần/ngày.

Cách 2:

– Cho uống kháng sinh Phardiazol (phân trắng lợn con, 1ml/6 – 8 kgP/lần) hoặc Kanamulin (phân vàng lợn con, 0,5ml/5kgP/lần), 2 lần/ngày để phòng bội nhiễm.

– Tiêm bắp Pharcalci B12, 3 – 5 ml/con, 1 lần/ngày.

– Cho uống men tiêu hoá Pharbiozym, 1g/5kgP, 1 lần/ngày.

B/ Đối với nái nuôi con:

Một trong những nguyên nhân chính đàn con bị chứng khó tiêu là do bú sữa của lợn mẹ không đảm bảo chất lượng, nên phải điều trị cả nái nuôi con. Mục đích là cải tạo chất lượng sữa, tăng khối lượng và loại trừ độc tố vi khuẩn ra khỏi sữa của lợn mẹ.

– Tiêm bắp 10 ml Calci – Mg – B6 với 1 – 3ml UI Phartocin, 1 – 2 lần/ngày.

– Tiêm bắp ADE – Bcomplex, 6 ml/nái/lần, 2 – 3 ngày tiêm một mũi. Tiêm 3 mũi.

– Cho uống/ăn men Pharselenzym, 1g/5kgP, 1 lần/ngày. Liên tục trên 7 ngày.

– Giảm lượng đạm trong khẩu phần thức ăn của lợn nái.

– Trong trường hợp bị bệnh do vi khuẩn có thể tiêm cho lợn nái một trong các loại kháng sinh sau: Doxyvet L.A hoặc Doxytyl – F (1ml/10kgP, 1 lần/ngày), tiêm 3 ngày. Oxyvet – L.A (1ml/10kgP/lần, chỉ tiêm 2 mũi cách nhau 3 ngày)…

– Trường hợp nái chửa ốm phải điều trị kháng sinh dài ngày, sau đó tuy khỏi bệnh nhưng đàn con sơ sinh bị tiêu chảy ngay sau khi đẻ cần giải độc cho lợn nái nuôi con. Cho lợn nái ăn/uống 3 – 5 ngày Dizavit – plus (10g/100kgP/lần, 2 lần/ngày hoặc 2g/1lít nước) và liên tục trên 10 ngày men tiêu hoa sống như Pharselenzym, Pharbiozym hoặc Riartyzym.

Phòng bệnh

Chứng khó tiêu là bệnh hoàn toàn phòng được bằng cách áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng. Đồng bộ thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Cho nái chửa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Chất lượng cám luôn ổn định trong suốt quá trình nuôi. Trong giai đoạn chửa kỳ II vì bào thai phát triển rất mạnh cho nên cần cho nái chửa ăn tăng thêm 15 – 20% so với nái chửa kỳ I.

– Liên tục 30 ngày trước khi đẻ cho đàn nái ăn men Pharselenzym với liều 10g/200kgP/ngày sẽ nâng cao được trọng lượng sơ sinh/ổ và sức sống của đàn con, cũng như chất lượng và khối lượng sữa của nái đẻ.

– Chuồng nuôi đủ ánh sáng, thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông, khô. Nhiệt độ trong chuồng nuôi lợn con đảm bảo không những trong lồng úm mà cần đồng đều trong cả khu vực đi lại của chúng.

– Không tắm lợn con theo mẹ, hạn chế rửa chuồng nuôi lợn con, kể cả mùa hè nhưng phải dọn phân sạch sẽ.

– Cho lợn con bú theo nhu cầu tự nhiên.

– Vào ngày chửa thứ 84 và 100 tiêm cho nái chửa 5 – 6 mi ADE – Bcomplex để nâng cao sức đề kháng cho bào thai.

– Năm ngày trước khi đẻ giảm dần lượng thức ăn, để một ngày trước đẻ lợn nái chỉ được ăn nửa non khẩu phần, nhưng nước uống phải đầy đủ. Trong vòng 4 ngày sau đẻ cho lợn nái ăn từ ít đến nhiều. Tránh thức ăn cao đạm.

– Trong tuần đầu sau đẻ, đặc biệt đối với nái đẻ lứa đầu, lợn nái yếu phải theo dõi cả ngày lẫn đêm hoặc cài thân hãm đằng sau để tránh hiện tượng lợn nái đè chết con.

0