Chơi và nuôi chim vành khuyên
Vành khuyên có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Phi, miền nam châu Á và Australia. Chúng cũng sinh sống trên phần lớn các hòn đảo của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tại Việt Nam có 3 họ: Chim vành khuyên nâu : Sống tại các tỉnh miền nam Trung Quốc (Giáp các tỉnh miền Bắc nước ...
Vành khuyên có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Phi, miền nam châu Á và Australia. Chúng cũng sinh sống trên phần lớn các hòn đảo của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tại Việt Nam có 3 họ:
Chim vành khuyên nâu: Sống tại các tỉnh miền nam Trung Quốc (Giáp các tỉnh miền Bắc nước ta) và các tỉnh phía bắc. Chim có hình dáng to nhưng giọng hót không hay chính vì vậy rất ít người nuôi.
Chim vành khuyên xanh: Sống tại hầu hết các tỉnh bắc trung bộ, trung bộ, nam trung bộ. Chim có hình dáng thon nhỏ và có giọng hót rất hay.
Chim vành khuyên vàng: Sống tại các tỉnh miền nam nước ta. Chim có giọng hót rất hay nhưng tinh thần hót đấu không bằng chim vành khuyên Xanh.
Lựa chọn chim vành khuyên
Để chọn được chim vành khuyên hót người chơi chim thường chọn những chú khuyên có đầu to, trán rộng, mắt xếch lên trên phía đỉnh đầu.
Nên chọn những chim khuyên mỏ vàng, hàm sâu, lông mỏng, ngắn và tơi. Đây là những chú khuyên có khả năng nhanh hót và hót nhiều.
Chim vành khuyên hay phải là những chú chim thường đứng giữa cầu (thanh giữa lồng, làm chỗ cho chim đứng), giọng lảnh, to, dài và có tính ganh đua với đồng loại… Chân chim khuyên phải cao, lông óng để tạo dáng cho chim đẹp.
Đầu con chim theo kinh nghiệm thì khi cầm trên tay nhìn ngang chú ý vào đỉnh đầu và mỏ trông như một đường thẳng.
Cách phân biệt chim trống chim mái
Để phân biệt chim trống chim mái có rất nhiều cách như:
– Phân biệt khuyên theo màu lông:
+ Chim trống thì có màu lông tươi hơn và đẹp hơn chim mái ở những đặc điểm như lông trên lưng có màu xanh tươi hơn và có ánh vàng ở đầu lông chim, chim mái thì màu xanh xỉn hơn trông không được tươi tắn.
+ Lông đuôi phía dưới và lông cổ chim trông có màu vàng tươi, chim mái màu lông ở cổ và lông đuôi dưới thì có màu vàng nhạt giống màu nõn chuối.
+ Lông bụng phía dưới của chim trông có màu trắng sáng như cục bông, còn chim mái thì màu trắng hơi xỉn. Thường thì các con trông sẽ có vạch vàng dưới bụng tuy nhiên cũng có một số rất ít con mái có vạch vàng. Cách chọn này hiệu quả cũng không cao lắm chiếm 70%. Cách phân biệt chim vành khuyên trống mái của Trung Quốc
Cách phân biệt trống mái của Trung Quốc
– Phân biệt bằng tiếng kêu:
+ Khuyên trống thì có mấy loại tiếng gọi: gọi đôi, gọi đơn, gọi giật. Khuyên mái thì chỉ có một tiếng là tiếng đơn.
+ Khuyên trống âm thường đanh, cao và gắt hơn, khuyên mái thì âm không đanh và tiếng rất cộc. Chim trống siêng kêu hơn, còn khuyên mái thì ít. Lưu ý là có rất ít những con trống kêu giọng mái mà vẫn líu như thường. Cách phân biệt này là có tỉ lệ cao nhất so với các cách kia chiếm 95%.
Nuôi dưỡng và chăm sóc chim vành khuyên
Trước hết là chế độ nuôi chim xuống lông: trong thời kì này, chim yếu và thường ăn ít hơn, vì thế phải làm thế nào để chim ăn nhiều và các biện pháp đề phòng gió máy.
Để chim ăn nhiều thì trước hết phải tăng cường hoa quả (loại chim rất thích ăn) và đạm tươi (châu chấu, cào cào và sâu).
Để đề phòng gió máy thì nên để chim ở những nơi có độ ẩm cao, yên tĩnh và trùm khăn lồng lại, hạn chế việc tiếp xúc với chim và không cho tắm nhiều.
– Chế độ nuôi chim mọc lông: Khi chim mọc lông, nhu cầu chất dinh dưỡng tăng cao đáng kể, vì vậy chúng ta cần bổ sung mạnh mẽ vào thời điểm này, cám có thể tăng thêm trứng và nhộng (với cám đậu xanh), tăng cường các hoa quả có màu sắc sặc sỡ và có thể thêm một chút cà rốt vào cám nhằm mục đích cho chim lên màu đẹp hơn, vào thời điểm này chúng ta bắt đầu cho chim tắm nắng..
– Chế độ nuôi chim khi chưa căng: Khoảng 1 tháng sau khi mọc lông là quãng thời gian chim chưa căng lửa, thời kì này có thể nói là nuôi dễ nhất vì chim đang đạt trạng thái cân bằng, tuy nhiên mục đích của chúng ta là làm thế nào để chim có lửa chính vì thế nên tăng cường một số thành phần có tính nóng trong cám như: bột tép, đường, bột sâu khô. Cũng trong thời điểm này nên hạn chế hoa quả cho chim, cho ăn rất ít hoặc có thể không cho ăn cũng được. Khi những chú chim sổ ra những tràng ban đầu thì có thể nói mục tiêu của chúng ta đã hoàn thành một nửa.
– Chế độ nuôi chim khi căng lửa: Đây là thời gian nuôi khó nhất. Chúng ta sẽ có 2 vấn đề cần quan tâm ở thời kì này đó là dinh dưỡng và chế độ đi dượt.
+ Về dinh dưỡng: Nếu để ý có thể thấy khi chim căng lửa chúng thường ăn ít hơn, vì thế các thành phần của cám phải thật hợp lí với nhu cầu của từng con.
+ Về chế độ đi dượt: Trong tuần thời đi dượt không nên cho chim đi quá nhiều, 2 – 3 lần 1 tuần. Khi chim lên giàn, nên để ngoài rìa trước cho chim quen không khí, một thời gian sau nên cho lại gần hơn, chú ý khi gặp con nào quá máu lửa thì nên di cư chim nhà mình đi ngay. Khi bắt đầu quen với việc lên giàn thì có thể nói chúng ta đã có một chú chim để chơi thật sự.
Phòng trị bệnh cho vành khuyên
Bệnh tiêu chảy
Nguyên nhân gây bệnh là do thay đổi cám đột ngột, cám ẩm mốc, lồng cóng bẩn thỉu không hợp vệ sinh, nước uống bị bẩn do không thay hàng ngày
Đối với tình trạng bệnh nhẹ hoặc mới mắc phải cho chim uống nước chè loãng khoảng 3 – 5 ngày thì khỏi. Nhưng ghi nhớ rằng sau ngày thứ 5 nước chè ngày càng loãng hơn chứ không được chuyển đột ngột sang nước lã.
Đối với bệnh nặng, cho chim ăn chuối, rút hết cám, nước uống trong 3 ngày (Mỗi ngày đưa thêm 3 con sâu gạo chia làm 3 buổi). Sau 3 ngày chuyển sang cám khoảng 2 tháng để chim ổn định lại đường ruột. chim vành khuyên ăn hoa quả
Bệnh về chân của chim
Ngón chân chim bị sưng tấy, mưng mủ, chim thường xuyên co chân lại, dùng mỏ rỉa vào vết thương.
Nguyên nhân do chim nhảy bị vướng vào nan cửa lồng hoặc do cầu chim được chạm trổ không đúng cách, bị vật cứng nhọn cứa vào (xiên chuối bằng sắt, bằng inox), hoặc bị côn trùng cắn rồi nhiễm trùng.
Nên dùng nước muối loãng rửa sạch vết thương ở chân, sau đó dùng thuốc đỏ hoặc mỡ tra mắt tetracycin bôi kỹ vào vết thương, rút cầu chim hàng ngày rửa sạch và bôi nhẹ mỡ tra mắt lên là được.
Bệnh ký sinh trùng
Lông chim xơ xác, lông rất ít không che phủ được thân chim, thỉnh thoảng chim nhảy cuồng loạn (không phải nhảy do hoảng loạn vì tác động từ phía ngoài lồng gây ra).
Nguyên nhân là do ký sinh trùng bám vào lông và da chim, ăn dần lông, da và thậm chí hút cả máu của chim, do lồng cóng không sạch sẽ, khỗ ráo, lây bệnh từ những con chim khác.
Đốỉ với chim bị ký sinh trùng, ta dùng nước pha với vài giọt dầu hỏa tắm cho chim, đồng thời dùng bột băng phiến 20% rắc vào lông chim (phải xoa nhẹ để bột thấm sâu vào tối da của chim). Làm như vậy ta có thể diệt được ký sinh trùng làm hại chim, Ngoài ra ta phải cọ rửa lồng sạch sẽ và nhúng cả lồng cóng vào nước sôi già.
Bệnh tụ huyết trùng
Chim cứ ủ rũ, lim dim, khó thở, chân co rút, đi phân lỏng có nhốt và màu xanh.
Có thể chữa bằng cách dùng 1 – 2mg streptomycine hay kanamycine hoặc teramycine. Cũng có thể dùng 15ml nước pha đường 25% cho chim uống liên tục trong 4 ngày.