Thăng Long và Gia Long
Võ Hương An T ình cờ, đọc thấy những dòng này trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia . Hà Nội Năm 1802, khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô về Huế, nó lại được đổi tên thành Thăng Long, nhưng lần này chữ “Long” (隆) biểu hiện cho sự thịnh vượng, chứ không phải là ...
Võ Hương An
Tình cờ, đọc thấy những dòng này trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Hà Nội
Năm 1802, khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô về Huế, nó lại được đổi tên thành Thăng Long, nhưng lần này chữ “Long” (隆) biểu hiện cho sự thịnh vượng, chứ không phải là rồng, với lý do rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ “Long” là “rồng” (Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử thủ đô Hà Nội, H. 1960, tr 81).
(http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_N%E1%BB%99i#T.C3.AAn_g.E1.BB.8Di)
Tôi không có trong tay tác phẩm của Gs Trần Huy Liệu, và mặc dầu ông đã thành danh từ lâu trong ngành Sử học, nhưng tôi không dám tin kiến giải đó.
Một chút lịch sử
Phải đi ngược cả ngàn năm trước mới gặp tổ tiên của Hà Nội ngày nay. Mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư ( thuộc Ninh Bình) ra thành Đại La, vì đất Hoa Lư chật hẹp, khó mở mang, và “Trẫm nay mở xem địa đồ, Đại La thành, kinh đô cũ của Cao Biền, ở trung tâm đất nước [lúc bấy giờ], có hình thể như rồng bò hổ phục, bốn phương sum họp, người và vật đông nhiều, thực là chỗ kinh đô quí nhất của đế vương. Trẫm muốn nhân chỗ địa lợi ấy đóng làm kinh đô…
Khi “Thuyền ngự đến bên thành, có con rồng hiện ra . Nhà vua sai đổi tên thành Thăng Long.” (Cương mục I, tr.285)
Từ đó, trải qua các triều Lý, Trần, Lê, Lê-Trịnh, suốt mấy trăm năm, tất cả đều chọn Thăng Long làm kinh đô. Sau khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ dứt Lê-Trịnh, ông đã không đóng đóng đô ở Thăng Long mà chỉ chọn Phú Xuân. Thăng Long được đổi gọi là Bắc thành.
Sau khi Nguyễn Vương tái chiếm Phú Xuân vào tháng 6/1801, đuổi vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) và triều đình Tây Sơn chạy ra Bắc, các quan dâng biểu khuyên Nguyễn Vương lên ngôi và đổi niên hiệu; Ngày 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), vua cho lập đàn tại đồng làng An Ninh, làm lễ tế cáo trời đất; hôm sau, mồng 2 tháng 5, làm lễ kính cáo tổ tiên và chính thức ban bố niên hiệu Gia Long 嘉隆 (tốt đẹp hưng thịnh). Nhà Nguyễn gọi ngày 2 tháng 5 là ngày Hưng quốc khánh niệm, ngày quốc khánh của nước Việt Nam, Đại Nam, cho đến năm 1945.
Tháng 7 năm 1802, vua Gia Long thu phục Thăng Long, chấm dứt triều Tây Sơn. Vua đặt chức Tổng trấn Bắc thành, lấy thành Thăng Long làm lỵ sở để trông coi việc cai trị 11 trấn của miền Bắc.
Mùa hè năm Gia Long thứ 4 (1805) vua ra lệnh đổi tên Thăng Long 升龍 thành Thăng Long 升隆, nghĩa là đổi nghĩa của chữ Long. Các dịch giả Khâm định Việt sử thông giám cương mục (gọi tắt Cương mục) của Viện Sử Học, khi dịch đến chữ Thăng Long đã cẩn thận chú thích (1) Chữ “Thăng Long” đời Lý là “Rồng lên”, khác với nghĩa chữ “Thăng Long” thời Gia Long là “Thịnh vượng”.
Quả ý nghĩa đúng như thế. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: nhà vua thay đổi chữ long từ 龍 ra 隆 là vì sao?
-Vì rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ “Long” là “rồng” như Gs Trần Huy Liệu đã giải thích chăng?
-Hay là vì kiêng húy? Hay gì khác?
Nhà Nguyễn và vấn đề kiêng húy
Húy, là tên người chết, phải tránh đi, không được nhắc đến. Đó là tập tục cổ truyền của người Việt, đi đến chỗ cưỡng hành ở cấp quốc gia đối với nhà cầm quyền.
Với Nhà Nguyễn, mỗi triều vua đều có công bố những chữ húy và chỉ thị rõ ràng về cách tránh. Vừa lên ngôi, năm Minh Mạng nguyên niên (1820) vua đã có lệnh cấm về các chữ huý. Qua năm Minh Mạng thứ 6 (1825) lệnh này được lặp lại và nói rõ, nếu ai vi phạm sẽ chiếu luật vi chế, xử tội nặng nhẹ tuỳ trường hợp. Những chữ này được xếp vào loại quốc huý, nghĩa là cả nước phải kiêng.
– Có 5 chữ húy khi đọc thì phải tránh ra tiếng khác, khi làm việc thì phải dùng chữ khác. Đó là Noãn (= nhật 日+ viên 爰) đổi thành úc 澳 ; Chủng (= hòa 禾 + trọng 重) đổi thành thực 植 ; Ánh (= nhật 日+ ương 央) đổi thành chiếu 照 (ba chữ này là tên vua Gia Long) ; Hiệu (= nhật 日+giao 交) đổi thành hạo 恔 ; Đởm, Đảm 膽 (= nhục 月 + nhiêm 髯) đổi thành chữ phủ 腑 (hai chữ sau này là tên vua Minh Mạng).
-Có 4 chữ huý khi đọc, phải tránh ra tiếng khác, khi viết văn, phải thêm nét vào, không được dùng để đặt tên đất, tên người. Đó là Hoàn 環 đổi thành viên 圓 ; Luân (= nhật 日+luân侖), đổi thành diệu 曜 ; Lan 蘭 đổi thành hương 香; và Đang 璫 đổi thành đương.
– Có 11 chữ huý, đồng âm khi làm văn không cấm nhưng trong dân gian nếu có ai đặt tên trùng với những chữ sau đây thì phải đổi và không được đặt tên người: Kim 衿 (Nguyễn Kim), Hoàng 湟 ( chúa Tiên Nguyễn Hoàng), Nguyên 源 (chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), Lan 澜 (chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan), Tần 瀕 ( chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), Thái (Trăn) 溱 (Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái), Chu 洙 ( chúa Minh Nguyễn Phúc Chu), Thụ (Trú) 澍 ( chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ), Khoát 濶 (Võ vương Nguyễn Phúc Khoát), Hiểu 曉 (Thế tử Hiểu), Thuần 淳 (Định vương Nguyễn Phúc Thuần).
Quốc Sử Quán khi chép sử không được phép ghi tên thật mà phài ghi theo lối chiết tự. Ví dụ : vua Gia Long tên là Ánh 映 thì sẽ chép húy của ngài bên tả có chữ nhật日bên hữu có chữ ương 央 ; người đọc tự mình ghép chữ sẽ biết ngay đó là chữ gì.
Càng về sau chữ huý ngày càng nhiều. Kể từ đời Thiệu Trị (1841-1847) trở đi — sau khi vua Minh Mạng ban bành Ngự chế mạng danh thi, chọn 20 tên viết với bộ nhật để làm tên chính thức cho người làm vua, khắc vào sách vàng — thì một vua Nhà Nguyễn có năm tên :
- Danh tự : tên tự, tục danh, tên do cha mẹ đặt khi sinh ra;
- Ngự danh : tên chính thức khi lên làm vua, lấy trong Kim sách ;
- Niên hiệu : tên của triều đại ;
- Thuỵ hiệu : tên đặt sau khi chết , dùng để khấn vái khi cúng tế;
- Miếu hiệu : danh hiệu để thờ trong miếu và gọi trong sử.
Danh tự và ngự danh đều là trọng huý, phải tránh dùng và tránh gọi. Khi có vua mới, Bộ Lễ có nhiệm vụ rà soát tất cả các địa danh trong nước, hễ thấy nơi nào trùng với danh tự và ngự danh phải xin đổi ngay. Ví dụ : vua Thiệu Trị có tên khi sanh ra là Dung, vua Minh Mạng cho tên mới là Tông, và có ngự danh là Tuyền, làm vua lấy niên hiệu Thiệu Trị. Vậy là cửa Tư Dung ở Thừa Thiên phải đổi làm cửa Tư Hiền, các danh xưng nào có chữ Tông đều phải đổi lại thành Tôn (Lê Thánh Tôn, Tôn Nhơn Phủ), ngay cả cái ấn Trị Lịch Minh Thời Chi Bửu đúc bằng bạc từ đời Gia Long, rồi đúc lại bằng vàng đời Minh Mạng, dùng để đóng trên các cuốn lịch do Khâm Thiên Giám soạn và ban hành hàng năm, cũng phải bỏ, đúc ấn mới, đặt tên là Đại Nam Hiệp Kỷ Lịch Chi Bửu để thay thế, vì ấn cũ có chữ Trị, phạm húy Thiệu Trị.
Để tránh phạm huý, nhiều chữ đã được gọi khác đi. Ví dụ Hoa đổi thành Bông, tỉnh Thanh Hoa được đổi làm Thanh Hoá, cầu Đông Hoa đổi làm cầu Đông Ba vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là thân mẫu của vua Thiệu Trị. Hồng đọc là Hường, Nhậm đọc là Nhiệmvì vua Tự Đức có tên là Hồng Nhậm. Ngự danh của vua Tự Đức là Thì nên thì phải đọc thành thời. Do sự bắt buộc phải kiêng húy này mà từ đời Tự Đức (1847-1883) trở về sau người Việt đã phải dùng chữ thời gian thay vì nói thì gian như trước kia ; và cũng từ đó tên Ngô Thì Nhiệm trở thành Ngô Thời Nhậm, v.v.
Sở dĩ người viết phải dài dòng về việc kiêng huý dưới triều Nguyễn là để bạn đọc thấy rõ việc kiêng húy đối với triều đại này quan trọng biết chừng nào, vậy mà vua Gia Long đã sửa chữ Long trong Thăng Long với cách viết chữ Long y như niên hiệu của vua. Vua đã không kiêng, không bảo người ta kiêng, lại còn “đồ” cho đậm nét thêm. Là sao?
Là sao? Sẽ trả lời sau, nhưng điều tôi có thể hiểu được là: vua đã không cần kiêng húy thì sá gì việc vì rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ “Long” là “rồng” như Gs Trần Huy Liệu đã giải thích. Vì vậy, tôi không nghĩ lời giải thích kia là hợp lý.
Tâm tư và ước vọng gởi trong cái tên
Cha mẹ nào khi đặt tên cho con cũng muốn đặt vào đấy một chút niềm tin và hy vọng nào đó dù có khi đặt tên là Út với một quyết tâm hạn chế sinh đẻ nhưng lại “lỡ việc” mà sinh ra Út-1, Út-2 hay Út-nữa! Các nhà Nho xưa, khi chọn tên tự và hiệu cho mình cũng trầm tư nhiều lắm. Phan Bội Châu bôn ba nơi hải ngoại mấy chục năm, một đời lo việc nước, lòng vẫn canh cánh nhớ về tổ quốc nên lấy hiệu Sào Nam, bởi chim Việt đậu cành Nam (Việt điểu sào nam chi). Huống chi là vua, người tự nhận thừa mệnh trời chăn đắt muôn dân. Biết bao là tâm tư và ước vọng muốn gởi vào đó. Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, mỗi niên hiệu là một tuyên ngôn, một kỳ vọng, một sự cô đọng ý nghĩa của biết bao sách vở thánh hiền.
Trong sự hiểu biết hạn hẹp của người viết, chưa tìm thấy một tài liệu chính thức nào của triều đại giải thích về ý nghĩa của mỗi niên hiệu. Chỉ có một lần, sau lễ đăng quang của vua Khải Định vào ngày 18/5/1916, ông Đặng Ngọc Oánh, Tham tri Bộ Lại, Tổng lý Viện Cơ mật, có viết một bài tường thuật tỉ mỉ lễ đăng quang này, trong đó kể chi tiết việc vua chọn niên hiệu. Theo đó, ngay hôm Phụng Hóa Công Bửu Đảo nhập cung (16/5/1916), các quan Nội Các đã lo tìm những chữ có ý nghĩa tốt, liệt kê ra và trình lên để tân quân lựa chọn làm niên hiệu của triều đại mới. Một bản sao cũng được gởi đến Hội đồng Thượng thư để các vị ấy xem xét. Ngay hôm đó Nội Các báo cho Hội đồng Thượng thư biết rằng trong danh sách dâng lên, hai chữ Khải Trung đã được chiếu cố, nhưng tân quân dùng bút son khoanh tròn chữ Khải, gạch bỏ chữ Trung, và thay vào đó bằng chữ Định . Như vậy, ý của tân quân là muốn chọn hai chữ Khải Định 啟 定 — có nghĩa là khởi đầu một thời thanh bình và ổn định của đất nước — để làm niên hiệu. Tác giả Đặng Ngọc Oánh cũng dẫn hai câu trong sách xưa để cho biết hai chữ khải định xuất xứ từ đâu.
(Đặng Ngọc Oánh, tr.7)
Thử đọc lại chiếu ban bố niên hiệu Gia Long:
“Ta nghe kinh Xuân Thu trọng nghĩa nhất thống là để chính danh nghĩa khi mở đầu. Từ Tiên Thái Vương ta [chúa Tiên Nguyễn Hoàng] dựng nền ở miền Nam, thần truyền thánh nối đã 200 năm. Gần đây Tây Sơn nổi loạn, vận nhà Lê đã hết, hơn vài mươi năm trong nước không có chính thống. Ta phải xiêu dạt một nơi, rất lo nghĩ về miếu xã và sinh dân. Nằm gai nếm mất , mong sao cho được yên vui. Năm Canh tý [1780] ta mới ở thành Gia Định, được các tướng sĩ suy tôn, đã lên ngôi vương để giữ lòng người. Duy đô cũ chưa phục, nên còn theo niên hiệu cũ. Nay ơn trời giúp đở, các thánh để phúc, bờ cõi cũ đã lấy lại, cơ nghiệp xưa đã trở về, các quan văn võ tại triều dâng sớ chương khuyên ta lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu. Nhưng ta nghĩ rằng giồng giặc chưa trừ xong, đất nước chưa thống nhất, không nên vội lên ngôi tôn. Duy cứ theo niên hiệu đã qua [niên hiệu của nhà Lê] mà thi hành những lệnh đổi mới thì không phải là nêu rõ được khuôn phép. Vậy nên chuẩn lời xin đặt niên hiệu, định lấy ngày mồng 1 tháng 5 năm nay kính cáo trời đất, ngày hôm sau kính cáo liệt thánh [các chúa Nguyễn], chép niên hiệu là Gia Long, để thống nhất kỷ cương, làm mới tai mắt…” (Thực lục I,2002, tr.491)
Rõ ràng tờ chiếu không có một giải thích nào về lý do chọn hai chữ Gia Long, ngoại trừ cái nghĩa thông thường giàu đẹp hưng thịnh mà trong một đất nước lấy chữ Hán làm văn tự chính thức thì hầu hết ai cũng có thể hiểu được.
Vua Gia Long là một người có khí độ khác người. Không kể cái đức kiên trì chiến đấu ròng rã 25 năm, trải qua bao hiểm nguy và gian khổ để phục hồi cho được cơ nghiệp của tổ tiên, vua còn có nhiều suy nghĩ và quyết định không giống thói thường. Ví dụ không cho tổ chức sinh nhật rườm rà. Ngày xưa tuổi thọ ngắn ngủi, vì vậy vua nào đến tuổi 40 tuổi hay 50 cũng tổ chức Tứ tuần đại khánh, Ngũ tuần đại khánh với biết bao huy hoàng tốn kém để ăn mừng tuổi thọ, nhưng vua Gia Long thì không; các quan năn nỉ xin làm cũng từ chối, bảo làm như sinh nhật thường lệ. Năm vua 40 tuổi (1801) thì đang còn bận đánh nhau với Tây Sơn, chưa yên tâm để hưởng thụ, điều này dễ hiểu. Nhưng khi vua được 50 tuổi (1811) thì đất nước đã thống nhất, Tây Sơn đã hoàn toàn tuyệt diệt, vua đã chính thức lên ngôi hoàng đế năm 1806, vậy mà cũng không; có vẻ như không thích sự xa xỉ, nhọc sức dân. Một ví dụ khác, khi vua mất, táng chung một chỗ với hoàng hậu, hai ngôi mộ nằm sờ sờ, đơn giản, giữa thanh thiên bạch nhật, chẳng giấu diếm ngụy trang gì cả v.v.
Bên cạnh những quyết định khác người đó, ít ra vào buổi đầu của triều đại, cũng có ba việc vua Gia Long đã hành sử theo một cung cách giống nhau cho ta thấy lối tính toán lâu xa và ăn chắc của nhà vua mà chẳng bao giờ vua hé môi một lời giải thích. Chẳng hạn Đông cung Cảnh mất năm 1801 nhưng mãi đến năm 1816 mới lập Hoàng tử Đởm lên làm Đông cung, dù triều thần đề nghị nhiều lần (1). Vua dư biết triều thần đang chia làm hai phe, phe ủng hộ cháu đích tôn của vua (Hoàng tôn Mỹ Đường, con Đông cung Cảnh) làm Thái tử, và phe ủng hộ Hoàng tử Đởm (vua Minh Mạng). Một sự quyết định vội vàng khi chưa nắm vững tình hình có thể gây biến loạn trong triều. Lại một ví dụ khác, vua ban bố niên hiệu từ năm 1802 mà mãi đến năm 1806 mới lên ngôi hoàng đế. Để chi lâu vậy? Hãy xem từ 1802 đến 1806, đã có những thành tựu gì từ bên trong đến bên ngoài thì biết ngay vua chuẩn bị mọi điều kiện chu đáo như thế nào. Năm 1804, nhận sắc phong cùa Nhà Thanh, rồi đặt quốc hiệu Việt Nam, lo xây các miếu để thờ tổ tiên, xây cung Trường Thọ cho Hoàng Thái hậu, xây điện Cần Chánh để làm việc, xây hoàng thành, cung thành. Qua năm 1805 xây điện Thái Hòa, xây Công thự văn, Công thự võ cho các quan có nơi hội họp làm việc. Khi trong ngoài đâu vào đấy thì lễ đăng quang diễn ra vào năm 1806 là phải.
Cũng một cung cách như thế khi vua tiến hành đổi Thăng Long 升龍 thành Thăng Long 升隆.
Đừng nghĩ đơn giản rằng với uy quyền của vua thì đổi một chữ nào có quan trọng gì. Đàng sau chữ Thăng Long là cả một chuỗi dài lịch sử hàng mấy trăm năm cùa bao triều đại, một dấu ấn khó phai trong lòng người dân Bắc hà. Đổi thì có lẽ vua muốn đổi từ 1802 kia cho phù hợp với niên hiệu của vua nhưng chưa đến lúc nên phải nấn ná một thời gian.
Sao lại nói rằng cho phù hợp với niên hiệu của vua? Xin hãy để ý đến chữ Gia 嘉 trong niên hiệu Gia Long. Chữ Gia này và Gia Định 嘉定 cùng một cách viết, một ý nghĩa. Như đã nói, bao hàm trong cái tên hay danh hiệu là một tâm tư và ước vọng, là một tuyên ngôn cô đọng. Tái chiếm được Phú Xuân vào năm 1801 tuy là một thành công lớn trên bước đường phục hưng cơ nghiệp tổ tiên nhưng đó chỉ mới đi được 2/3 đoạn đường trên toàn bộ con đường ước vọng của Nguyễn Vương trong một đất nước mà người chủ lâu năm là Nhà Lê đã hết thời. Vương muốn rằng Vương phải là người đầu tiên thống nhất nước Việt, khởi đi từ Gia Định thành tới Thăng Long thành, nên mới cố tình lấy chữ đầu của Gia Định ghép với chữ cuối của Thăng Long để thành hai chữ Gia Long làm niên hiệu.
Nhưng Gia mà đi với Long có nghĩa là rồng, bề ngoài, chỉ nghe cái thanh âm cũng tàm tạm được, nhưng đi vô chữ nghĩa thì chưa ổn. Vì thế, nấn ná đến năm 1805 mới đổi Long là rồng thành Long là hưng thịnh cho thật thích hợp hoàn hảo. Vua chỉ ra lệnh đổi chữ Long sau khi cho xây lại thành Thăng Long to rộng hơn vào năm 1803 trên địa phận huyện Thọ Xương phủ Hoài Đức, lại xây mới 5 cửa ô vào năm 1804 với tên mới, chưa kể bên trong xây kỳ đài, dựng hành cung, làm nhà tả hữu vu,v.v , nghĩa là một Thăng Long mới từ vật chất (xây mới) đến tinh thần (đổi ý nghĩa chữ long) nhưng vẫn không làm mất dấu ấn lịch sử.
Nói tóm lại, trong niên hiệu Gia Long 嘉隆, thông qua việc đổi ý nghĩa chữ Long trong cái tên Thăng Long cho phù hợp với niên hiệu, vua Gia Long đã muốn đưa ra một tuyên ngôn ngắn gọn: tôi là người đầu tiên trong lịch sử đã đi từ Gia Định thành đến Thăng Long thành để hoàn thành cuộc thống nhất nước Việt sau bao nhiêu năm bị chia xẻ.
San Jose, 7/08