18/06/2018, 11:14

Chú giải thuật ngữ

Quân chủ chuyên chế (Enevælde) Một kiểu hệ thống chính trị mà trong đó quyền lực tuyệt đối nằm trong tay nhà vua hoặc thái tử. Đan Mạch được nhiều hình thức quân chủ chuyên chế cai trị từ năm 1661 đến 1848. Chương trình hoạt động (Aktivering) Những công dân nhận phụ cấp giới thiệu*, trợ ...

Quân chủ chuyên chế (Enevælde)

Một kiểu hệ thống chính trị mà trong đó quyền lực tuyệt đối nằm trong tay nhà vua hoặc thái tử. Đan Mạch được nhiều hình thức quân chủ chuyên chế cai trị từ năm 1661 đến 1848.

Chương trình hoạt động (Aktivering)

Những công dân nhận phụ cấp giới thiệu*, trợ cấp tiền mặt* hoặc trợ cấp thất nghiệp* đều có quyền và nghĩa vụ chấp nhận một lời đề nghị từ một chương trình hoạt động việc làm. Các chương trình hoạt động cho những người nhận phụ cấp giới thiệu và trợ cấp tiền mặt được chính quyền thành phố tổ chức và cung cấp. Các chương trình dành cho những người nhận trợ cấp thất nghiệp được các cơ quan việc làm (AF) cung cấp.

Hoạt động việc làm có thể bao gồm hướng dẫn về các cơ hội giáo dục và việc làm, đào tạo việc làm với những chủ lao động tư nhân hoặc nhà nước hoặc các hoạt động đào tạo đặc biệt.

Hiệp hội giáo dục tuổi thành niên (Oplysningsforbund)

Các hiệp hội giáo dục tuổi thành niên là các tổ chức hợp tác và quản lý giáo dục tuổi thành niên - đặc biệt chương trình giáo dục trong thời gian rỗi. Xem thêm Các lớp học buổi tối*.

Kinh thánh (Bibelen)

Kinh thánh là quyển sách thiêng liêng của đạo Cơ-đốc. Nó được chia làm hai phần: kinh Cựu ước và kinh Tân ước. Kinh Cựu ước chính gốc được viết bằng tiếng Do Thái và chủ yếu xoay quanh mối quan hệ giữa Chúa và những người Do Thái. Kinh Tân ước chính gốc được viết bằng tiếng Hy Lạp và kể về câu chuyện của Chúa Jesus và các môn đồ của ông ta và nhà thờ Cơ-đốc đầu tiên. Đối với những người theo đạo Cơ-đốc, Chúa Jesus là một trong những người quan trọng nhất trong Kinh thánh. Bản dịch Kinh thánh tiếng Đan Mạch gần đây được xuất bản vào năm 1992 và được chuyển thành Kinh thánh Đan Mạch của Nữ hoàng Margrethe đệ nhị.

Văn phòng quản lý địa ốc (Ejendommens administration)

Quản lý tài sản cư trú bởi nhân viên do chủ nhà thuê. Các nhiệm vụ gồm có giải quyết các bản hợp đồng thuê nhà, thuê người trông nhà và chịu trách nhiệm liên lạc với những người thuê nhà trong các vấn đề điều hành.

Trợ cấp tiền mặt (Kontanthjælp)

Những công dân không có thu nhập hoặc tiền tiết kiệm và do vậy không thể tự nuôi bản thân hoặc gia đình mình có thể được nhận khoản trợ cấp tiền mặt. Đây là khoản thanh toán được chính quyền thành phố cấp cho để sinh sống. Để đủ điều kiện nhận trợ cấp tiền mặt, những người nộp đơn xin phải tìm hiểu tỉ mỉ tất cả các phương thức tìm việc làm hoặc chấp nhận một đề nghị hoạt động việc làm từ chính quyền thành phố. Các công dân mới không đủ điều kiện để nhận trợ cấp tiền mặt trong ba năm đầu tiên sống tại Đan Mạch, trong thời gian đó, họ được đặt dưới phạm vi của Đạo luật Hòa hợp Dân tộc Đan Mạch*.

Chăm sóc con cái (Forældremyndighed)

Chăm sóc con cái ám chỉ đến trách nhiệm của cha mẹ phải chăm sóc con cái mình và đưa ra quyết định có lợi nhất cho con. Cha mẹ đã kết hôn tự động chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con. Nếu cha mẹ không kết hôn, thì trách nhiệm chăm sóc con nghiễm nhiên thuộc về người mẹ của đứa trẻ, trừ khi có thỏa thuận theo cách khác giữa cha mẹ. Nếu cha mẹ ly thân hoặc ly hôn, quyết định phải được thực hiện bởi người sẽ được hưởng quyền chăm sóc con. Cha mẹ có thể thỏa thuận tiếp tục chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con.

Hội đồng tỉnh (Amtsråd)

Vào ngày 1 tháng Một năm 2003, Đan Mạch được phân chia thành 13 chính thể tỉnh có trách nhiệm đối với các vấn đề quan trọng của địa phương, như cứu tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục trung học phổ thông, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và duy trì đường cao tốc. Các tỉnh được quản lý bởi các hội đồng tỉnh do dân bầu ra bao gồm từ 9 đến 31 thành viên. Các hội đồng được bầu ra theo chu kỳ bốn năm.

Đạo luật Hòa hợp Dân tộc Đan Mạch (Integrationslov)

Vào năm 1999, Quốc hội Đan Mạch (Folketinget) phê chuẩn “Đạo luật Hòa hợp các Công dân Nước ngoài ở Đan Mạch”, còn được gọi là Đạo luật Hòa hợp Dân tộc. Mục đích chính của Đạo luật là để giúp bảo đảm các cơ hội bình đẳng cho những người tị nạn và người nhập cư mới đến trong đời sống chính trị, kinh tế, lao động, xã hội tôn giáo và văn hóa của xã hội Đan Mạch. Đạo luật này cũng còn cho phép những công dân mới đến tự nuôi sống được bản thân trong một thời gian ngắn và cho họ sự hiểu biết về các tiêu chuẩn và giá trị cơ bản của xã hội Đan Mạch. Đạo luật yêu cầu các chính quyền thành phố cung cấp nơi ở cho những người tị nạn và cung cấp chương trình giới thiệu cho tất cả những người tị nạn và nhập cư mới đến.

Tất cả những người được Đạo luật Hòa hợp Dân tộc bảo trợ đều có được một khóa học về xã hội Đan Mạch và các lớp tiếng Đan Mạch. Những người không có những phương thức nuôi sống khác cũng được nhận các chương trình hoạt động định hướng giáo dục và việc làm cùng với tiền thanh toán phụ cấp giới thiệu*.

Đạo luật Ngoại kiều Đan Mạch (Udlændingeloven)

Đạo luật Ngoại kiều Đan Mạch bao gồm các điều khoản quy định quyền của người nước ngoài để đi vào và cư trú tại Đan Mạch, bao gồm thị thực, các yêu cầu về cấp phép cư trú và việc làm và các luật định về hồi hương.

Cục di trú Đan Mạch (Udlændingeservice)

Cục di trú Đan Mạch là một cơ quan thuộc Bộ Các Vấn đề về Người tị nạn, Nhập cư và Hòa hợp Dân tộc (Bộ Hòa hợp Dân tộc). Tuy nhiên, Cục di trú lại ra các quyết định độc lập với Bộ. Cục giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến việc gia nhập và cư trú của người nước ngoài ở Đan Mạch - ví dụ, nơi tị nạn, đoàn tụ gia đình, và các đơn xin cấp thị thực và giấy phép làm việc. Cục ra các quyết định về các vấn đề cụ thể và thông báo cho những người nộp đơn về các điều khoản và điều kiện đối với vấn đề nhập cư và cư trú.

Giáo hội Quốc gia Đan Mạch (Folkekirken)

Theo Hiến pháp Đan Mạch (Grundloven), Giáo hội dòng Luti-Phúc âm là giáo hội quốc gia Đan Mạch (Den Danske Folkekirke). Như tên nó đã chỉ ra (“Folkekirke” theo nghĩa đen nghĩa là “Giáo hội Nhân dân”), phần lớn dân số Đan Mạch thuộc giáo hội này, nó có quan hệ gần gũi hơn với nhà nước hơn các giáo phái tôn giáo khác. Theo Hiến pháp, giáo hội quốc gia được nhà nước hỗ trợ, và Quốc hội Đan Mạch* ban hành những hướng dẫn do luật pháp quy định về cách nó được vận hành, nhưng nhà nước có xu hướng không can thiệp vào cuộc sống giáo hội. Các buổi lễ đều mở cửa cho quần chúng và các thành viên của giáo hội được quyền làm lễ rửa tội, đám cưới và tang lễ ở nhà thờ. Trong nhiều thế kỷ, giáo hội có trách nhiệm đăng ký cho tất cả những đứa trẻ được chào đời tại Đan Mạch. Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với vùng Nam Jutland, nơi nhiệm vụ này được một hộ tịch viên dân sự đảm trách. Các lễ chôn cất cũng là một phần công việc của mục sư giáo hội - người cho phép người đã mất được chôn cất hoặc hỏa táng.

Quốc hội Đan Mạch (Folketinget)

Folketinget là quốc hội quốc gia Đan Mạch. Quốc hội có 179 thành viên, bao gồm hai đại diện của Greenland và hai đại diện của quần đảo Faroe.

Các nghị sĩ Đan Mạch được bầu ra theo chu kỳ tối đa bốn năm. Thủ tướng có quyền kêu gọi một cuộc bầu cử trước thời hạn bốn năm. Các cuộc bầu cử Quốc hội được tiến hành bởi những người đại diện tương xứng, nhờ đó các đảng phái chính trị nhận được các ghế trong quốc hội tỉ lệ với số phiếu bầu họ có được trong cuộc bầu cử.

Vương quốc Đan Mạch (Rigsfællesskab)

Cộng đồng kinh tế, pháp luật và ngôn ngữ gắn kết Đan Mạch, quần đảo Faroe và đảo Greenland lại với nhau theo Hiến pháp Đan Mạch. Quần đảo Faroe và đảo Greenland hưởng quyền tự trị mở trộng trong vương quốc Đan Mạch.

Cơ quan Môi trường Việc làm Đan Mạch (Arbejdstilsynet)

Cơ quan Môi trường Việc làm Đan Mạch là một cơ quan nhà nước có nhiệm vụ hỗ trợ vấn đề y tế và an toàn tại nơi làm việc và môi trường làm việc sôi động. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ của mình qua việc giám sát các doanh nghiệp, hình thành nên các quy định, và ban hành các tài liệu về môi trường làm việc. Cơ quan có các văn phòng tại tất cả các tỉnh, Thành phố Copenhagen và Thành phố Frederiksberg.

Dankort

Dankort là thẻ thanh toán đặc biệt của Đan Mạch được các ngân hàng Đan Mạch cấp và được dựa trên một hệ thống chuyển tiền điện tử toàn quốc.

Tòa án khu vực (Byret)

Tòa án khu vực là tòa án cấp đầu tiên trong hệ thống tòa án Đan Mạch. Nó giải quyết về những vụ kiện dân sự và hầu hết các vụ hình sự.

Ủy ban Khiếu nại Cảnh sát Khu vực (Politiklagenævn)

Các Ủy ban Khiếu nại Cảnh sát Khu vực có phạm vi trên các vùng Copenhagen, Zealand, Funen, Aalborg, Viborg và Sønderborg. Chúng hỗ trợ các ủy viên công tố* trong việc giải quyết các khiếu nại chống lại cảnh sát và các vụ phạm tội được trình báo do cảnh sát phạm phải trong khi làm nhiệm vụ. Ủy ban Khiếu nại Cảnh sát Khu vực bao gồm một luật sư – người làm chủ tịch uỷ ban và hai thẩm phán hợp lệ*.

Liên minh Châu Âu

Cho đến năm 1993, Liên minh Châu Âu được ám chỉ đến Cộng đồng Kinh tế Châu Âu. Cộng đồng được dần mở rộng từ khi sáu quốc gia thành viên đầu tiên đặt bút phê chuẩn Hiệp ước Rome vào năm 1957. Đan Mạch đã tham gia Khu vực Kinh tế Châu Âu sau cuộc trưng cầu dân ý* vào năm 1972. Ngày nay, Liên minh Châu Âu có 15 quốc gia thành viên châu Âu, các thành viên khác là Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh.

Nghị viện Châu Âu (Europa-Parlamentet)

Nghị viện Châu Âu có 626 nghị sĩ, những người được các công dân của 15 quốc gia thành viên EU bầu ra. Các nghị sĩ quốc hội châu Âu được chọn ra theo chu kỳ năm năm một lần. Số các nghị sĩ quốc hội châu Âu phụ thuộc vào quy mô của các quốc gia thành viên. Đan Mạch có 16.

Luti Phúc âm (Evangelisk-luthersk)

Giáo hội quốc gia Đan Mạch thuộc dòng Luti Phúc âm. Nó là một trong những dòng tu Cơ-đốc tách ra từ Thiên chúa giáo La Mã trong phong trào cải cách vào thế kỷ 16. Những lời giáo huấn của giáo hội này được dựa trên Kinh thánh, ba văn bản xưng tội của các nhà thờ Cơ-đốc cổ xưa nhất, Lời xưng tội Augsburg được viết từ thời gian của phong trào cải cách, và quyển “Giáo lý vấn đáp nhỏ của Luther”, một quyển sách hướng dẫn trong đức tin Cơ-đốc giáo được viết bởi một thầy tu người Đức Martin Luther.

Các lớp buổi tối (Aftenskole)

Việc dạy tình nguyện được cung cấp như một hoạt động trong thời gian nghỉ ngơi. Các lớp buổi tối gồm nhiều môn để học, bao gồm ngôn ngữ, lịch sử, đào tạo máy tính, triết học và các môn sáng tạo. Khóa học không cấp các chứng chỉ chính qui, và không có thi cử. Các lớp thường do hiệp hội giáo dục tuổi thành niên* tổ chức.

Trường trung học dân tộc (Folkehøjskole)

Trường trung học dân tộc là một loại hình trường học nội trú đặc biệt dành cho thanh thiếu niên được tạo ra ở Đan Mạch vào giữa thế kỷ 19. Ý tưởng về các trường trung học dân tộc là để đem lại sự hiểu biết về văn hóa và xã hội trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Chúng cung cấp các khóa học về nhiều chủ đề khác nhau, như âm nhạc, nghệ thuật, thể thao, triết học và các môn xã hội. Khoá học không cấp các bằng cấp chính qui, và không có thi cử.

Đại diện viên an toàn và sức khỏe (Sikkerhedsrepræsentant)

Đại diện viên an toàn và sức khỏe là một người được những đồng nghiệp của mình bầu ra để đại diện cho họ trong các vấn đề về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc. Các đại diện viên an toàn và sức khỏe được bầu ra theo chu kỳ hai năm theo cùng một hình thức như những người đại diện cho nhân viên*, và phải hoàn thành một chương trình huấn luyện đặc biệt.

Tòa án Dân sự Tối cao (Landsret)

Đan Mạch có hai tòa án dân sự tối cao: Tòa án Dân sự Tối cao miền Đông (Østre Landsret) ở Copenhagen và Tòa án Dân sự Tối cao miền Tây (Vestre Landsret) ở Viborg. Những toà án này giải quyết các vụ kiện liên quan đến các quyết định do các nhà chức trách thành phố ban hành và các vụ hình sự có liên quan đến những trường hợp phạm tội nghiêm trọng và nhận đơn kháng án từ các phán quyết của tòa án khu vực.

Hiệp hội chủ nhà (Grundejerforening)

Một hiệp hội của những chủ nhà tư nhân trong một khu vực nhà ở tham gia vào các vấn đề có mối quan tâm chung - như duy tu các mặt lát đường và các khu vực sử dụng chung.

Phụ cấp giới thiệu (Introduktionsydelse)

Phụ cấp giới thiệu là một khoản trợ cấp do chính quyền thành phố cấp cho những công dân nằm trong phạm vi của Đạo luật Hòa hợp Dân tộc Đan Mạch* - những người không có khả năng nuôi sống bản thân và không được những người khác hỗ trợ.

Giới thiệu học đường (Indskoling)

Giai đoạn từ lớp nhà trẻ (børne-haveklasse) trở lên và bao gồm cả lớp 2 cũng còn được gọi là giai đoạn giáo dục làm quen. Trong giai đoạn này, nhà trường và giáo viên nỗ lực đặc biệt để giúp học sinh làm quen với môi trường giáo dục. Mục đích là nhằm làm tăng sự phát triển trí tuệ, âm nhạc, vận động và xã hội của cá nhân học sinh.

Thẩm phán hợp lệ (Lægdommer)

Thẩm phán hợp lệ là những người thụ lý các vụ án hình sự, như các thành viên hội đồng xét xử hoặc các hội thẩm viên được chỉ định, mà không phải là các thẩm phán pháp lý.

Phí cấp phép (Licens)

Phí cấp phép là phí được các chủ sở hữu radio và tivi trả để có quyền nhận các chương trình phát thanh và truyền hình. Phí được sử dụng để tài trợ cho các chương trình phát thanh/truyền hình do các công ty có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công cộng* phát, ví dụ Radio Đan Mạch (Danmarks Radio) và TV2 Đan Mạch. Tổng thu phí sẽ được chia giữa DR and TV2 theo cơ sở phần trăm do Bộ văn hóa (Kulturministeriet) ấn định.

Hội đồng địa phương (Kommunalbestyrelse)

Vào ngày 1 tháng Một năm 2003, Đan Mạch được chia thành 271 thành phố tự trị (kommuner). Chính quyền thành phố là một cơ quan nhà nước đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trong và trên tư cách đại diện của cộng đồng địa phương. Theo nguyên tắc của chế độ tự trị địa phương, chính quyền thành phố được hoạt động độc lập trong một phạm vi lớn. Các chính quyền thành phố cũng gánh vác các nhiệm vụ - đặc biệt trong lĩnh vực xã hội - với một cơ chế cụ thể hơn do luật pháp quy định.

Thành phố tự trị được quản lý bởi một hội đồng địa phương được những người dân địa phương bầu ra theo chu kỳ bốn năm.

Báo địa phương (Distriktsblade)

Báo địa phương là những tờ báo ra hàng tuần được bảo trợ bởi các nguồn lợi tức quảng cáo và được phân phối miễn phí.

Cơ sở tín dụng thế chấp (Realkreditinstitut)

Một khoản cho vay tín dụng thế chấp là một khoản tiền được bảo đảm dựa trên bất động sản. Với những khoản cho vay như thế, bạn thế chấp tài sản của mình như vật bảo đảm. Các cơ sở tín dụng thế chấp có chuyên môn trong lĩnh vực cấp những loại hình cho vay này. Vì thế, chúng có chức năng như một loại ngân hàng đặc biệt.

Ủy ban Tai nạn Nghề nghiệp Quốc gia (Arbejdsskadestyrelsen)

Ủy ban Tai nạn Nghề nghiệp Quốc gia là một cơ quan chính phủ thuộc Bộ Xã hội. Nhiệm vụ của nó là quản lý pháp luật trong lĩnh vực tai nạn nghề nghiệp, bao gồm các điều khoản đối với những người bị tổn thương khi làm việc để đòi bồi thường thiệt hại.

Nhóm không đảng phái (Borgerliste)

Đây là những nhóm các ứng cử viên không thuộc đảng phái nào khi ra tranh cử tại một cuộc bầu cử địa phương. Những nhóm như thế được hình thành để chú trọng vào những nhu cầu địa phương không được các đảng phái chính trị nêu lên.

Hiệp hội nhà ở phi lợi nhuận (Alment Boligselskab)

Một tổ chức vận hành trên cơ sở phi lợi nhuận chú trọng vào nhiều nhu cầu nhà ở xã hội. Những hội này có các mục cụ thể, như xây nhà, cho thuê, quản lý, duy tu và nâng cấp nhà ở thuộc khu vực tư nhân. Các nhu cầu nhà ở xã hội được đáp ứng ở một mức độ nào đó thông qua quyền của các chính quyền thành phố phân phối nhà ở trong khu vực nhà ở phi lợi nhuận đến các nhóm yêu cầu mang tính chất xã hội.

Bất kỳ ai 15 tuổi trở lên đều có thể ghi tên vào một danh sách chờ nhà kèm theo một khoản lệ phí nhỏ thường niên , và sẽ được phân phát nhà ở khi tên nằm đầu danh sách.

Thuốc không kê đơn (Håndkøb)

Một số loại thuốc có thể được mua tại khắp các quầy hàng, tức là không có đơn thuốc của bác sĩ.

Giáo dục đại chúng (Folkeoplysning)

Giáo dục đại chúng cung cấp kiến thức và đào tạo hướng nghiệp về các chủ đề chung cho người lớn và thanh niên. Các hiệp hội giáo dục tuổi thành niên, các trường trung học dân tộc, thư viện, các tổ chức văn hóa, giáo hội và chính trị đều có chương trình giáo dục đại chúng. Xem thêm Các lớp học buổi tối*.

Phòng hậu sản (Barselsgang)

Một phòng hậu sản tại bệnh viện cho phép những phụ nữ tiếp xúc với đứa con mới chào đời của mình ngay sau khi sinh.

Quận trưởng Copenhagen (Overpræsidiet)

Quận trưởng Copenhagen (Københavns Overpræsidium) là một cơ quan nhà nước có cùng phạm vi về vị trí địa lý như Thành phố Copenhagen (Københavns Kommune). Nó được một quận trưởng điều hành và thực thi các nhiệm vụ tương tự như các tỉnh*.

Tòa án di chúc (Skifteretten)

Tòa án di chúc là một nhánh của tòa án khu vực*. Tòa án này giải quyết về vấn đề quản lý tài sản của những người đã mất, vấn đề không hoàn trả nợ và phân chia tài sản trong những vụ ly hôn.

Ủy viên công tố (Statsadvokat)

Ủy viên công tố đại diện cho cơ quan truy tố hợp pháp trong những vụ án hình sự được đem ra xử lý trước khi trình lên tòa án dân sự tối cao*.

Dịch vụ công cộng

Các kênh dịch vụ công cộng là các kênh phát thanh và truyền hình độc lập và phi thương mại được phát với các chương trình phát sóng cho toàn dân. Radio Đan Mạch (Danmarks Radio) là một tổ chức dịch vụ công cộng được Đạo luật Truyền thông Đan Mạch yêu cầu cung cấp các chương trình thông tin và văn hóa được đặc trưng bởi chất lượng, tính cân bằng và tính đa dạng.

Cơ sở tái chế (Genbrugsplads)

Các chính quyền thành phố bắt buộc phải bảo đảm rằng rác thải được tái chế càng nhiều càng tốt. Do vậy, họ lập nên các cơ sở tái chế, nơi dân chúng có thể vứt bỏ rác thải đã được phân loại trong những túi chứa riêng cho các loại bìa cứng, kính, kim loại, rác thải làm vườn, v.v. Các chất thải độc hại cho môi trường phải được thải bỏ riêng tại các nơi có được sự đồng ý đặc biệt.

Trưng cầu dân ý (Folkeafstemning)

Trưng cầu dân ý là một thủ tục cho phép người dân bỏ phiếu bầu cho một đảng phái cụ thể mà Quốc hội đã phê chuẩn hoặc có ý định phê chuẩn. Trưng cầu dân ý có thể ràng buộc với các vấn đề của chính phủ hoặc chỉ có vai trò tham khảo. Theo Hiến pháp Đan Mạch, việc sửa đổi hiến pháp và ủy quyền chủ quyền đối với các cơ quan quốc tế phải được quyết định qua trưng cầu dân ý. Cuộc trưng cầu dân ý gần đây nhất của Đan Mạch liên quan đến vấn đề mối quan hệ giữa Đan Mạch với Liên minh Châu Âu.

Tạm giam (Varetægtsfængsling)

Tạm giam là sự giam giữ trước khi xét xử đối với những người bị nghi ngờ đã phạm vào tội có thể bị trừng phạt.

Ủy ban Quản lý Thuê mướn (Huslejenævn)

Tất cả các thành phố đều bắt buộc phải có một Ủy ban Quản lý Thuê mướn, nhưng các ủy ban có thể được thành lập giữa một vài thành phố. Ủy ban gồm ba thành viên. Hai trong số ấy do chính quyền thành phố chỉ định dựa trên sự tiến cử của các hiệp hội người thuê nhà và hiệp hội chủ nhà địa phương. Thành viên thứ ba - chủ tịch, là một luật sư được thống đốc tỉnh bổ nhiệm. Ủy ban Quản lý Thuê mướn giải quyết các đơn khiếu nại về việc thuê mướn, tình trạng sửa chữa của các căn hộ, và các vấn đề liên quan đến người thuê nhà khác.

Dân chủ đại nghị (Repræsentativt demokrati)

Dân chủ đại nghị là một hình thức của chính quyền cho phép mọi người chọn ra một cơ quan đại diện. Ở Đan Mạch, các thành viên được bầu chọn cho Quốc hội Đan Mạch*, hội đồng tỉnh* và hội đồng địa phương*.

Chính quyền đại nghi (Folkestyre)

Chính quyền đại diện cũng giống như chế độ dân chủ đại nghị.

Quyền truy nhập tài liệu (Aktindsigt)

Theo Đạo luật Đan Mạch về Truy nhập Công khai Tài liệu trong Hồ sơ Công cộng (Offentlighedsloven), bất kỳ công dân nào cũng có quyền truy nhập tài liệu được các cơ quan thành phố, tỉnh hoặc nhà nước nắm giữ. Trong một số trường hợp, việc truy nhập vào các tài liệu có thể bị từ chối, ví dụ, để bảo vệ tính riêng tư cá nhân, an ninh quốc gia hoặc các quyền lợi kinh tế quốc gia. Những bên tham gia vào các quá trình xử lý pháp lý được cho phép truy nhập mở rộng vào các tài liệu được niêm phong.

Hiệp ước Schengen (Schengensamarbejdet)

Hiệp ước Schengen hướng đến sự hợp tác gần gũi hơn giữa các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Ý, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đức, Áo và Na Uy. Theo Hiệp ước, các công dân của những quốc gia thành viên được tự do qua biên giới, nghĩa là không cần kiểm soát khi qua biên giới. Đan Mạch đã ký vào Hiệp ước Schengen vào năm 1997.

Hệ thống thông tin Schengen (Schengeninformationssystemet)

Thành phần trung tâm của Hiệp ước Schengen* là một mạng lưới điện tử cho phép tất cả viên chức cảnh sát và các toà lãnh sự̣ thuộc các quốc gia thành viên truy nhập thông tin về những người đang mất tích và bị truy nã, và những phương tiện và tài sản bị thất lạc hoặc bị lấy cắp.

Đại diện nhân viên (Tillidsrepræsentant)

Đại diện nhân viên được các đồng nghiệp của mình bầu ra theo chu kỳ hai năm một lần. Nhiệm vụ của họ là quan tâm đến quyền lợi của người lao động đối với chủ lao động. Đại diện nhân viên cũng đại diện cho công đoàn tại nơi làm việc.

Tỉnh (Statsamt)

Tỉnh là các cơ quan khu vực cấp vùng có phạm vi địa lý như các tỉnh. Có 14 cơ quan như thế cộng thêm Quận trưởng Copenhagen, cơ quan về đại khái là có cùng các nghĩa vụ. Các cơ quan được một thống đốc (Statsamtmand) điều hành và giải quyết các vấn đề ly thân hợp pháp, ly hôn, nuôi dưỡng con cái và các trường hợp truy nhập. Các cơ quan cũng hoạt động như các văn phòng đối với các ủy ban giám sát có nhiệm vụ giám sát sự tuân thủ pháp luật của thành phố.

Hiệp hội người thuê nhà (Beboerforening)

Một hiệp hội được hình thành bởi những người dân là những người thuê nhà của cùng một cộng đồng nhà ở. Mục đích của nó là để bảo vệ các quyền lợi của người thuê nhà đối với chủ nhà.

Quét siêu âm (Scanning med ultralyd)

Máy quét siêu âm là một thiết bị được sử dụng để thực hiện cuộc khám kiểm tra hệ thống của một khu vực cụ thể trong cơ thể con người. Nó sử dụng các sóng siêu âm để chụp ảnh các cơ quan trong cơ thể hoặc bào thai nằm trong tử cung. Việc quét cho phép nhìn thấy kích thước và giới tính của bào thai và để phát hiện bất kỳ sự dị dạng bẩm sinh nghiêm trọng nào.

Trợ cấp thất nghiệp (Arbejdsløshedsdagpenge)

Trợ cấp thất nghiệp là khoản chi trả cho những người nếu họ bị mất việc và họ đã có đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp*.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (Arbejdsløshedskasse)

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (A-kasse) là một hiệp hội tư nhân của những người lao động kiếm tiền công/tiền lương hoặc những người tự làm chủ. Quỹ này cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho các thành viên của mình nếu họ bị thất nghiệp. Các quỹ cũng có mối liên kết chặt chẽ với các công đoàn, nhưng hội viên công đoàn không bắt buộc phải tham gia vào một quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Trang vàng (De Gule Sider)

Trang vàng là những trang thông tin trong danh bạ điện thoại, nơi các sản phẩm và dịch vụ chào bán được liệt kê ra.

0