24/06/2018, 17:00

Câu hỏi ôn tập bài 30: Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ( 1973-1975) (Phần 1) – Lịch sử 9

CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 1 Câu hỏi 1: Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973 về Việt Nam, đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn có âm mưu và thủ đoạn gì? Trả lời câu hỏi: * Âm mưu và thủ đoạn của Mĩ và chính quyền Sài Gòn sau Hiệp định Pa-ri: – Mĩ vẫn giữ lại hơn 2 vạn cố vấn quân sự, lập ra Bộ chỉ huy quân ...

CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 1

Câu hỏi 1: Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973 về Việt Nam, đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn có âm mưu và thủ đoạn gì?

Trả lời câu hỏi:

* Âm mưu và thủ đoạn của Mĩ và chính quyền Sài Gòn sau Hiệp định Pa-ri:

– Mĩ vẫn giữ lại hơn 2 vạn cố vấn quân sự, lập ra Bộ chỉ huy quân sự, tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho chính quyền Sài Gòn.

– Được cố vấn Mĩ chỉ huy và nhận viện trợ của Mĩ, chính quyền Sài Gòn ngang nhiên phá hoại Hiệp định Pa-ri. Chúng huy động gần như toàn bộ lực lượng tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, liên tiếp
mở những cuộc hành quân “bình định – lấn chiếm” vùng giải phóng.

Câu hỏi 2: Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam chống âm mưu và hành động phá hoại hiệp định Pa-ri của Mĩ và chính quyền Sài Gòn diễn ra như thế nào?

Trả lời câu hỏi:

– Trong cuộc đấu tranh chống “bình định – lấn chiếm”, chống âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch vào những tháng đầu sau khi kí Hiệp định, nhân dân ta đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhưng do không đánh giá hết âm mưu phá hoại Hiệp định của địch, do quá nhấn mạnh đến hòa bình, hòa hợp dân tộc … nên chúng ta bị mất đất, mất dân trên một số địa bàn quan trọng.

– Sau khi có Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng (tháng 7-1953), quân dân miền Nam vừa kiên quyết đánh trả địch trong các cuộc hành quân “bình định – lấn chiếm”, bảo vệ vùng giải phóng, vừa chủ động mở những cuộc tiến công địch tại những căn cứ xuất phát các cuộc hành quân của chúng, mở rộng vùng giải phóng.

– Cuối năm 1974 đầu năm 1975, ta mở đợt hoạt động quân sự đông – xuân vào hướng Nam Bộ, trọng tâm là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Nam Bộ. Quân ta đã giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch đánh Đường 14 – Phước Long, giải phóng Đường 14, thị xã và toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân.

Câu hỏi 3: Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7-1973) đề ra nhiệm vụ gì cho cách mạng miền Nam?

Trả lời câu hỏi:

Tháng 7-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 21 và nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn hiện tại là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, tiếp tục con đường cách mạng bạo lực, kiên quyết đấu tranh trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao.

Câu hỏi 4: Sau Hiệp định Pa-ri, lực lượng giữa ta và địch ở miền Nam đã có sự thay đổi như thế nào?

Trả lời câu hỏi:

– Sau hiệp định Pa-ri, Mĩ và quân đồng minh đã rút hết về nước, viện trợ của Mĩ về quân sự, kinh tế, tài chính cho chính quyền Sài Gòn giảm một nửa.

– Về phía ta trong điều kiện hòa bình miền Bắc đẩy mạnh sản xuất xây dựng phát triển kinh tế, quốc phòng để làm hậu phương chi viện sức người sức của cho miền Nam. Ớ miền Nam, vùng giải phóng của ta được mở rộng, sản xuất đẩy mạnh, tăng cường nguồn lực tại chỗ.

Câu hỏi 5: Căn cứ vào đâu mà Đảng ta đã đề ra chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam?

Trả lời câu hỏi:

– Sau Hiệp định Pa-ri 1973, Mĩ rút hết quân đội về nước đã tạo nên sự thay đổi trong so sánh lực lượng có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam.

– Cuối năm 1974 – đầu năm 1975, ta mở đợt hoạt động quân sự ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, giải phóng Đường 14, thị xã và toàn tỉnh Phước Long (6-1-1975). Mĩ chỉ phản ứng yếu ớt, chủ yếu dùng áp lực đe dọa từ xa. Thực tế thắng lợi 1 Phước Long, phản ứng của Mĩ và chính quyền Sài Gòn sau đó cho thấy rõ sự suy yếu và bất lực của quân đội Sài Gòn, về khả năng can thiệp trở lại bằng quân sự rất hạn chế của Mĩ.

– Trong khi lực lượng của địch giảm đáng kể và thất bại liên tiếp sau Hiệp định Pa-ri, thì lực lượng cách mạng lớn mạnh nhanh chóng:

+ Miền Bắc tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, ra sức chi viện sức người, sức của cho miền Nam, bảo đảm đầy đủ và kịp thời nhu cầu to lớn và cấp bách của cuộc Tổng tiến công chiến lược ở miền Nam.

+ Tại các vùng giải phóng, nhân dân ta ra sức khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn dự trữ chiến lược cho cuộc chiến đấu hoàn thành giải phóng miền Nam

+ Cuối năm 1974 – đầu năm 1975, tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, trên cơ sở đó, Đảng đề ra chủ trương và kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm
1975 và 1976.

Câu hỏi 6: Trình bày nội dung kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam của Đảng ?

Trả lời câu hỏi:

– Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976.

– Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

– Bộ Chính trị cũng phân tích rõ sự cần thiết tranh thủ thời cơ đánh
thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa…, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Câu hỏi 7: Chủ trương kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam có những điểm nào khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và linh hoạt của Đảng ?

Trả lời câu hỏi:

– Tính đúng đắn: Chủ trương kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam được đề ra trên cơ sở nhận định đúng thời cơ, tranh thủ thời cơ đánh nhanh, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hoá.

– Tính linh hoạt: Kế hoạch giải phóng đề ra là hai năm (1975-1976), nhưng nếu thời cơ đến thì giải phóng sớm trong năm 1975.

Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Xem thêm: Câu hỏi ôn tập bài 29: Cả nước chiến đấu chống Mĩ cứu nước ( 1965-1973) (Phần 3) – Lịch sử 9

0