Câu hỏi ôn tập bài 29: Cả nước chiến đấu chống Mĩ cứu nước ( 1965-1973) (Phần 2) – Lịch sử 9
CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 2 Câu hỏi 11: Tóm tắt diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) ? Trả lời câu hỏi: – Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy được mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược của quân chủ lực vào hầu khắp các đô thị trong đêm 30 – rạng sáng 31 -1 -1968 (đêm giao thừa ...
CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 2
Câu hỏi 11: Tóm tắt diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) ?
Trả lời câu hỏi:
– Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy được mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược của quân chủ lực vào hầu khắp các đô thị trong đêm 30 – rạng sáng 31 -1 -1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân).
– Quân dân ta 1 miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 37 trong tổng số 44 tỉnh, 4 trong số 6 đô thị lớn, 64 trong số 242 quận lị, ở hầu khắp các “ấp chiến lược”, các vùng nông thôn.
– Ở Sài Gòn, quân giải phóng tiến công đến tận các vị trí đầu não của địch như tòa Đại sứ Mĩ, Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất…
– Trong đợt 1, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 147 000 tên địch, trong đó có 43 000 lính Mĩ, phá hủy một khối lượng lớn vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng.
– Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã đánh đòn bất ngờ, làm cho địch choáng váng. Nhưng do lực lượng địch còn đông, cơ sở ở thành thị mạnh nên trong đợt 2 và 3, lực lượng của ta gặp không ít khó khăn và tổn thất.
Câu hỏi 12: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời câu hỏi:
Mặc dù có những tổn thất do thiếu sót trong chỉ đạo, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy có ý nghĩa to lớn:
– Làm lung lay ý chí xâm lược của quân Mĩ, buộc Mĩ phải tuyên bố “Phi Mĩ hóa” chiến tranh xâm lược (tức thừa nhận thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”).
– Buộc Mĩ chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta ở Pa-ri để bàn về chấm dứt chiến tranh.
Câu hỏi 13: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có hạn chế gì?
Trả lời câu hỏi:
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) còn có hạn chế do ta chủ quan, đánh giá cao lực lượng mình, đánh giá thấp lực lượng địch, do muốn giành thắng lợi lớn một cách nhanh chóng, kết thúc chiến tranh nhanh, chỉ đạo lại không chủ động, không điều chỉnh kế hoạch rút khỏi thành phố về giữ vững vùng nông thôn của ta để bảo toàn, củng cố lực lượng cách mạng bị tổn thất,
Câu hỏi 14: Vì sao Mĩ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất?
Trả lời câu hỏi:
Nguyên nhân Mĩ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc:
Do thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đồng thời để hỗ trợ cho chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
Câu hỏi 15: Mĩ đã lấy cớ gì để tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc?
Trả lời câu hỏi:
– Để mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, chính quyền Giôn-xơn tạo ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ”. Trưa ngày 2-8-1964, Mĩ cho hải quân xâm phạm vùng biển Vịnh Bắc Bộ liền bị hải quân Việt Nam đánh trả. Đêm ngày 4-8-1964, chính quyền Giôn-xơn dựng chuyện tàu chiến Mĩ bị hải quân Việt Nam tiến công lần thứ hai ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ thuộc hải quân quốc tế và lấy cớ đó, Mĩ cho máy bay bắn phá một số nơi dọc bờ biển miền Bắc.
– Việc ném bom bắn phá nhiều nơi trong đất liền miền Bắc ngày 7-2-1965 đã mở đầu chính thức cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất và đây cũng là cớ “trả đũa” việc quân giải phóng miền Nam đánh vào trại lính Mĩ ở Plây Cu.
Câu hỏi 16: Vì sao chính quyền Giôn-xơn phải cho dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ đánh phá miền Bắc?
Trả lời câu hỏi:
– Để tránh dư luận trong nước và quốc tế lên tiếng phản đối.
– Để tranh thủ nghị quyết của Quốc hội cho phép Tổng thống mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Câu hỏi 17: Mục đích của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mĩ là gì?
Trả lời câu hỏi:
Mục đích của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mĩ là đánh phá hậu phương lớn của miền Nam, hỗ trợ cho việc thực hiện những mục tiêu của cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam. Vì vậy, chiến tranh phá hoại miền Bắc là một bộ phận và phụ thuộc vào cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam của Mĩ, lúc này là chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Câu hỏi 18: Đế quốc Mĩ đánh phá miền Bắc nước ta như thế nào?
Trả lời câu hỏi:
– Mĩ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân rất lớn, gồm hàng ngàn máy bay tối tân thuộc 50 loại khác nhau, kể cả những loại mới nhất như máy bay Fill, B52 và các loại vũ khí hiện đại.
– Không quân và hải quân Mĩ tập trung ném bom các mục tiêu quân sự, các đầu mối giao thông, các khu đông dân… Chúng ném bom cả trường học, nhà trẻ, bệnh viện, khu an dưỡng, đền, chùa và nhà thờ.
Câu hỏi 19: Miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mĩ như thế nào?
Trả lời câu hỏi:
– Ngay từ đầu Mi mở rộng chiến tranh, miền Bắc đã kịp thời chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, thực hiện quân Bự hóa toàn dân, đào đắp công sự chiến đấu, hầm hào phòng tránh; triệt để sơ tán, phân tán những nơi đông dân để tránh thiệt hại về người và của.
– Miền Bắc chủ trương đẩy mạnh kinh tế địa phương, chú trọng phát triển nông nghiệp để hạn chế được sự tàn phá của chiến tranh, tăng khả năng đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu tại chỗ và đời sống của nhân dân từng địa phương.
-Trên toàn miền Bắc dấy lên phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước sôi nổi.
Câu hỏi 20: Miền Bắc đạt được những thành tích gì trong việc thực hiện nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa sản xuất ?
Trả lời câu hỏi:
– Trong hơn bốn năm (từ ngày 5- 8 -1964 đến ngày 1 -11 -1968), miền Bắc bắn rơi, phá hủy 3 243 máy bay, trong đó có 6 máy bay B52, 3 máy bay Fill; loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn phi công; bắn cháy và bắn chìm 143 tàu chiến.
– Ngày 1-11-1968, Mĩ tuyên bố ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Câu hỏi 21: Trong việc thực hiện nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa sản xuất, miền Bắc đạt được những thành tích gì trên mặt trận sản xuất?
Trả lời câu hỏi:
Trên mặt trận sản xuất, miền Bắc cũng lập được những thành tích quan trọng:
– Về nông nghiệp: diện tích canh tác được mở rộng, năng suất lao động không ngừng tăng lên, ngày càng có nhiều hợp tác xã, nhiều địa phương đạt “Ba mục tiêu” (5 tấn thóc, 2 đầu lợn, 1 lao động trên 1 héc ta diện tích gieo trồng trong 1 năm).
– Về công nghiệp: năng lực sản xuất ở một số ngành được giữ vững. Các cơ sở công nghiệp lớn đã kịp thời sơ tán, phân tán, sớm đi vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất cho chiến đấu và đời hóa. Công nghiệp địa phương và công nghiệp quốc phòng phát triển. Mỗi tỉnh trở thành một đơn vị kinh tế tương đối hoàn chỉnh.
– Giao thông vận tải là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt của địch, nhưng ta vẫn bảo đảm giao thông thông suốt, đáp ứng được yêu cầu phục vụ chiến đấu, sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Câu hỏi 22: Miền Bắc thực hiện nghĩa vụ hậu phương ra sao ?
Trả lời câu hỏi:
Là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, miền Bắc luôn hướng về miền Nam. Vì miềnNam ruột thịt, miền Bắc phấn đấu “Mỗi người làm việc bằng hai”. Vì tiền tuyến kêu gọi, hậu phương sẵn sàng đáp lại “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Câu hỏi 23: Hậu phương miền Bắc đã chi viện những gì cho tiền tuyến miền Nam trong những năm 1965-1968?
Trả lời câu hỏi:
– Qua 4 năm (1965 -1968), miền Bắc đã đưa hơn 300 000 cán bộ, bộ đội vào Nam tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng kinh tế, văn hóa tại các vùng giải phóng.
– Gửi vào miền Nam hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiều vật dụng khác.
– Tính chung trong 4 năm sức người, sức của từ miền Bắc chuyển vào miền Nam sau bốn năm đã tăng gấp 10 lần so với thời kì trước.
Câu hỏi 24: Nguồn nhân lực, vật lực của miền Bắc chi viện cho miền Nam có ý nghĩa gì?
Trả lời câu hỏi:
Nguồn nhân lực, vật lực của miền Bắc chi viện cho miền Nam cùng với thắng lợi của quân dân miền Bắc trong sản xuất và chiến đấu đã góp phần quyết định vào thắng lợi trong chiến đấu chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ – Ngụy ở miền Nam.
Câu hỏi 25: Vì sao Mĩ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và Đông Dương hóa chiến tranh”?
Trả lời câu hỏi:
Mĩ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” là:
Do chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị thất bại, Mĩ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, thực hiện chiến lược “Đông Dương hóa chiến tranh”.
Câu hỏi 26: “Việt Nam hóa chiến tranh” là chiến lược như thế nào?
Trả lời câu hỏi:
Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” là một loại hình chiến tranh thực dân mới của Mĩ, được tiến hành bằng lực lượng quân đội Sài Gòn là chủ yếu, có sự phối hợp về hỏa lực và không quân Mĩ và vẫn do Mĩ chỉ huy bằng hệ thống cố vấn quân sự.
Câu hỏi 27: Âm mưu của Mĩ trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” là gì?
Trả lời câu hỏi:
Âm mưu cơ bản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” là dùng người Việt đánh người Việt.
Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9
- Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
- Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
- Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
- Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9
Xem thêm: Câu hỏi ôn tập bài 29: Cả nước chiến đấu chống Mĩ cứu nước ( 1965-1973) (Phần 1) – Lịch sử 9