24/06/2018, 16:58

Câu hỏi ôn tập bài 27: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc ( 1953-1954) ( Phần 2) – Lịch sử 9

CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 2 Câu hỏi 11: Chủ trương và biện pháp đối phó của ta ở Điện Biên Phủ ? Trả lời câu hỏi: – Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện ...

CÂU HỎI ÔN TẬP PHẦN 2

Câu hỏi 11: Chủ trương và biện pháp đối phó của ta ở Điện Biên Phủ ?

Trả lời câu hỏi:

– Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.

– Công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương. Suốt ngày đêm nhân dân ta liên tục chuyên chở lương thực, thực phẩm, súng đạn, thuốc men, sách báo,… ra tiền tuyến. Đến đầu tháng 3-1954, việc chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn tất.

Câu hỏi 12: Xuất phát từ những cơ sở nào mà Đảng ta quyết định mở chiến dịch Điên Biên Phủ?

Trả lời câu hỏi;

Đảng ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ xuất phát từ nhận định:

+ Khi Na-va quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh thì Điện Biên Phủ trở thành khâu chính của kế hoạch Na-va. Do đó muốn phá tan kế hoạch Na-va, tất yếu phải tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

+ Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ Tây Bắc Việt Nam, Thượng Lào và Tây Nam Trung Quốc. Mặt khác, Điện Biên Phủ ở giữa vùng rừng núi, chỉ có con đường tiếp tế bằng hàng không nên thuận lợi cho ta trong việc bao vây, tiêu diệt địch.

+ Cuộc kháng chiến toàn diện của ta đến đầu năm 1954 đã phát triển mạnh về mọi mặt, chính quyền dân chủ nhân dân không ngừng được củng cố, nền kinh tế kháng chiến đạt được những thành tựu đáng kể, đủ sức chi viện cho một chiến dịch lớn dài ngày như Điện Biên Phủ giành thắng lợi.

+ Bộ đội ta không ngừng trưởng thành và lớn mạnh cả về số lượng và kĩ thuật tác chiến. Những đại đoàn quân được thành lập, có sức cơ động và sức đột kích cao, hoàn toàn có thể đánh thắng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

+ Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta được sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ tiến bộ trên thế giới, ngay cả nhân dân Pháp, đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô.

Câu hỏi 13: Trình bày diễn biến chính của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ?

Trả lời câu hỏi:

Chiến dịch bắt đầu từ ngày 13-3-1954 đến hết ngày 7-5-1954 và được chia làm 3 đợt:

-Đợt 1 (Từ ngày 13 -> 17 – 3 – 1954), quân ta tiến công tiêu diệt căn cứ Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc.

– Đợt 2 (Từ ngày 30 -> 26 – 4- 1954), quân ta tiến công tiêu diệt các căn cứ phía đông phân khu Trung tâm.

– Đợt 3 (Từ ngày 1-5->7-5 – 1954), quân ta tiến công tiêu diệt các căn cứ còn lại ở phân khu Trung tâm và phân khu Nam. Chiều 7-5, quân ta đánh vào sở chỉ huy địch. 17 giờ 30 phút ngày 7-5, Tướng Đờ Ca-xtơ-ri cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch ra đầu hàng.

Câu hỏi 14: Trình bày ý nghĩa lịch sử của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ?

Trả lời câu hỏi:

– Đây là thắng lợi lớn nhất, oanh liệt nhất, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu anh hùng, bất khuất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp của Mĩ.

– Chiến thắng Điện Biên Phủ “đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa ở thế kỉ XX và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

– Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Na-va của Pháp-Mĩ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi và buộc Pháp phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954.

– Thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ đã góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, tác động đến tình hình thế giới, làm “chấn động địa cầu”.

Câu hỏi 15: Em biết gì về chiến công của anh hùng Tô Vĩnh Diện và Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

Trả lời câu hỏi:

  •  Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo.

“Khi quân ta kéo pháo vào trận địa, pháo đang kéo lên dốc, bỗng nhiên dây cáp đứt, khẩu pháo đang trên đà lăn xuống vực, pháo càng lao nhanh. Trong phút nguy nan ấy, Tô Vĩnh Diện đã lao mình về phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo…”

  • Tấm gương hi sinh của anh hùng Phan Đình Giót: “Chiều ngày 13 – 3, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Sau một đợt pháo bắn yểm hộ, bộ., binh ta tiến lên chiếm các cứ điểm. Đại đội bộc phá của anh hùng Phan Đình Giót được lệnh tiến lên trước. Địch bắn ráo riết, tuy bị thương vong nhiều nhưng các chiến sĩ bộc phá vẫn tiến và phá được 4 hàng rào, một mảng lô cốt số 1. Anh Giót đã bị thương. Lô cốt 3 vẫn phụt lửa như mưa, ngăn bước tiến của đồng đội. Anh quyết định bò lên dưới làn mưa đạn, đến tận chân tường lô cốt 3, rồi nhoài lên áp chặt lòng vào lỗ châu mai. Hỏa lực của địch tắt hẳn, xung kích của ta ào ạt xông lên. Nửa giờ sau lá cờ chiến thắng của ta phất cao trên cứ điểm Him Lam.
  •  Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng.

Câu hỏi 16: Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương ?

Trả lời câu hỏi:

– Bước vào Đông — Xuân 1953 — 1954, cùng với cuộc tiến công địch trên mặt trận quân sự, ta mở cuộc tấn công chúng trên mặt trận ngoại giao.

– Thiện chí hòa bình của nhân dân ta được thể hiện rõ qua lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… nếu Chính phủ Pháp… muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”. Tuyên bố của Hồ Chí Minh mở ra khả năng giải quyết bằng con đường hòa bình cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Chủ trương mở mặt trận ngoại giao của ta được đưa ra giữa lúc thực dân Pháp đang đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch Na-va, nhân dân Pháp đấu tranh đòi giải quyết bằng thương lượng cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.

– Tháng 1-1954, Hội nghị ngoại trưởng bốn nước (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp) họp tại Béc-lin đã thỏa thuận về việc triệu tập một hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông Dương từ ngày 8-5-1954.

Câu hỏi 17: Nội dung cơ bản của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về chấm __ dứt chiến tranh ở Đông Dương?

Trả lời câu hỏi Nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ gồm những điều khoản cơ bản sau:

– Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

– Hai bên tham chiến (lực lượng kháng chiến ở các nước Đông Dương và lực lượng quân xâm lược Pháp) cùng ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương.

– Hai bên tham chiến thực hiện cuộc di chuyển, tập kết quân đội ở hai vùng: Quân đội cách mạng Việt Nam và quân đội Pháp tập kết ở hai miền Bắc và Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời,

– Việt Nam tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước, sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế

Câu hỏi 18: Trình bày ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về chấm chiến tranh ở Đông Dương ?

Trả lời câu hỏi:

– Hiệp định Giơ-ne-vơ cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

– Hiệp định Giơ-ne-vơ là văn bản pháp lí quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân các nước Đông Dương.

– Với Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương, Pháp buộc phải rút hết quân đội về nước, Mĩ thất bại trong âm mưu kéo dài, mở rộng, quốc tế hóa chiến tranh xâm lược Đông Dương, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Câu hỏi 19: Trình bày ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 -1954) ?

Trả lời câu hỏi:

* Đối với dân tộc:

Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, đồng thời chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp trong gần một thế kỉ trên đất nước ta. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

* Đối với thế giới:

Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã giáng đòn nặng nề vào tham vọng xâm lược, âm mưu nô dịch của chủ nghĩa đế quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chúng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trước hết là ở các nước châu Á, châu Phi và Mĩ La-tinh.

Câu hỏi 20: Trình bày nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954)?

Trả lời câu hỏi:

– Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, quân sự và đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

– Nhờ có hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước, có Mặt trận dân tộc thống nhất được củng cố và mở rộng, có lực lượng vũ trang ba thứ quân không ngừng lớn mạnh, có hậu phương rộng lớn- được xây dựng vững chắc về mọi mặt.

– Có nhân dân hai nước Lào và Cam-pu-chia liên minh cùng chống kẻ thù chung, có sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, của nhân dân Pháp và loài người tiến bộ.

Câu hỏi 21: Tại sao lại khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã quyết định việc chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở  Đông Dương ?

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã quyết định việc chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương bởi vì:

– Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược, Pháp lâm vào tình thế khó khăn, lúng túng và bị động. Để cứu văn tình thế, Pháp cử Tướng Na-va làm Tổng chỉ huy quân đội ở Đông Dương và vạch ra kế hoạch quân sự nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương, với hi vọng trong 18 tháng “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

– Thực hiện Kế hoạch Na-va, Pháp tăng thêm viện binh ở Đông Dương, tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động mạnh gồm 44 tiểu đoàn và ra sức tăng cường ngụy quân.

– Đông – Xuân 1953 – 1954 với quyết tâm giữ vững quyền chủ động đánh địch, ta mở một loạt chiến dịch tiến công địch trên khắp các chiến trường Đông Dương và buộc Pháp phải phân tán lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ đến những nơi rừng núi hiểm trở và làm phá bỏ bước đầu Kế hoạch Na-va.

– Để cứu vãn tình thế, Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương và quyết định giao chiến với quân ta tại Điện Biên Phủ.

– Đầu tháng 12 – 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào. Sau gần hai tháng chiến đấu, quân ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

– Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Na-va của Pháp-Mĩ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dán Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh I Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi, buộc Pháp phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954.

– Hiệp định Giơ-ne-vơ cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ ở Đông Dương, Pháp buộc phải rút hết quân đội về nước.

Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Xem thêm : Câu hỏi ôn tập bài 27: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc ( 1953-1954) ( Phần 1) – Lịch sử 9

0