Câu chuyện hòa hợp, hòa giải – Thử nhìn từ lịch sử và văn hóa
Nguyễn Thị Hậu Một cuộc chiến kết thúc đã 40 năm, nỗi đau tuy không còn khốc liệt nhưng âm ỉ, dai dẳng. Bên này bên kia có gia đình nào không mất mát không chia ly, kiểu này hay kiểu khác? Bên nào không có những di chứng chiến tranh kéo dài không chỉ một, hai thế hệ? Bao giờ những ...
Nguyễn Thị Hậu
Một cuộc chiến kết thúc đã 40 năm, nỗi đau tuy không còn khốc liệt nhưng âm ỉ, dai dẳng. Bên này bên kia có gia đình nào không mất mát không chia ly, kiểu này hay kiểu khác? Bên nào không có những di chứng chiến tranh kéo dài không chỉ một, hai thế hệ?
Bao giờ những ngày Tháng Tư sẽ là Ngày Hòa Hợp, Hòa Giải của người Việt Nam chúng ta?
“Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Lịch sử cũng vậy mà tâm thức con người cũng vậy. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào? Bốn mươi năm đã trôi qua, bằng một nửa thời gian Pháp đô hộ Việt Nam, dài gấp đôi cuộc chiến 1954 –1975 và cũng gấp đôi thời gian Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ giữa hai nước (1995 –2015)…Nhưng hòa hợp, hòa giải vẫn là vấn đề nóng bỏng của người Việt Nam, nhất là vào những ngày tháng tư.
Là người thuộc thế hệ sinh ra trong thời chiến và trưởng thành vào thời bình, thế hệ “vùng biên”của cuộc chiến và thời hậu chiến, lại làm công việc tìm hiểu về lịch sử – văn hóa, tôi luôn tự hỏi: vì sao quá trình hòa giải hòa hợp giữa những người Việt Nam lại khó khăn như vậy, khó đến mức có thể làm người ta tuyệt vọng khi nghĩ đến tương lai của đất nước đang bắt đầu từ những chia lìa dai dẳng. Những lý lẽ mà hiện tại (nhiều người) mỗi bên đưa ra để cho rằng chưa thể, thậm chí là không thể, hòa hợp hòa giải… có thể cho thấy căn nguyên không chỉ là sự kiện thắng thua được mất, mà có lẽ nó tiểm ẩn sâu hơn trong nguồn gốc lịch sử và văn hóa.
Nếu đã không thể có câu trả lời từ thời hậu chiến hơn 40 năm qua thì thử “khai quật”xa xưa hơn, từ lịch sử – văn hóa để may chăng, tìm ra câu trả lời hay một tia hy vọng cho tiến trình hòa hợp, hòa giải trong một tương lai gần.
1. Sự hình thành/thành lập các triều đại trong lịch sử Việt Nam
Khảo sát lịch sử Đại Việt –Đại Nam vì đây là dòng chính yếu của lịch sử (liên tục theo diễn trình lịch sử và tiến trình địa lý) Việt Nam. Hầu hết các vương triều Đại Việt được thành lập từ những chiến thắng quân sự (chống ngoại xâm hoặc “dẹp loạn”nội chiến), ít hơn là từ vài cuộc chính biến “cướp ngôi”.
Thống kê các triều đại trong lịch sử dân tộc từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX :
Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 Đại Việt bước vào thời kỳ xây dựng nền độc lập. Mở đầu là nhà Ngô năm 939 xưng Ngô Vương. Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh “dẹp loạn”12 sứ quân (cát cứ vùng miền) thu giang sơn về một mối, đặt kinh đô ở Hoa Lư và quốc hiệu là Đại Cồ Việt, xây dựng chính quyền củng cố quốc gia. Lê Hoàn thừa kế nhà Đinh lập ra nhà Tiền Lê, chiến thắng quân xâm lược Tống. Năm 1009 nhà Lý lên ngôi và và 1010 dời đô về Thăng Long, năm 1054 đổi quốc hiệu là Đại Việt. Từ 1075 –1077 nhà Lý chiến đấu chống quân xâm lược Tống. Năm 1226 nhà Trần thay thế nhà Lý, vào các năm 1258, 1285 và 1288 ba lần quân dân nhà Trần kháng chiến chống quân Nguyên Mông và chiến thắng vẻ vang. Năm 1400 nhà Hồ thay thế nhà Trần. Năm 1406 nhà Minh xâm lược Đại Việt, năm 1407 Lê Lợi khởi nghĩa và tổ chức kháng chiến chống giặc Minh đến 1428 giành thắng lợi và lập ra nhà Lê. Năm 1527 nhà Mạc giành ngôi với nhà Lê tạo ra cục diện Nam –Bắc triều và sau đó là xung đột Lê –Mạc. Từ 1570 –1786 cục diện Lê –Trịnh – Nguyễn và xung đột Đàng Trong –Đàng Ngoài. Năm 1771 khởi nghĩa Tây Sơn, “xóa bỏ”tình trạng Nam –Bắc phân tranh vào năm 1786. Trước đó, năm 1784 Nguyễn Huệ chiến thắng quân Xiêm ở vùng đất phía Nam, rồi năm 1789 đại thắng quân Thanh ở phía Bắc. Năm 1802 Nguyễn Ánh thành lập triều Nguyễn và thống nhất đất nước về tổ chức chính quyền. Năm 1858 Pháp xâm lược Việt Nam.
Diễn trình lịch sử từ thế kỷ 10 cho đến giữa thế kỷ 19 có vài đặc điểm sau:
– Trong khoảng hơn 10 thế kỷ liên tiếp có chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc. (Không kể những lần chiến tranh, xung đột với Chămpa). Liên tục chống ngoại xâm là một nét đặc biệt của lịch sử Đại Việt thời tự chủ. “Thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Chống kẻ thù phương Bắc là một trong những nhân tố quan trọng nhất để tập hợp lực lượng và đoàn kết trong ngoài (triều đình), trên dưới (vua/dân).
– Các vương triều liên tục xây dựng quốc gia tự chủ. Sự thay thế các triều đại theo quy luật lịch sử: khi các vương triều bước vào giai đoạn khủng hoảng do những nguyên nhân nội tại, từ đó không đủ sức chống ngoại xâm hoặc chống lại thế lực khác lớn mạnh hơn, hoặc từ thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, kháng chiến và lập ra vương triều mới. “Ngụy triều”là quan niệm phong kiến chỉ các triều đại không lập nên từ: 1/chiến thắng ngoại xâm; và 2/ được trao truyền, nhường ngôi.
– Giai đoạn cuối của các triều đại thường xảy ra tranh chấp trong triều chính hoặc khởi loạn bên ngoài. “Nội chiến”giữa các thế lực phong kiến hay khởi nghĩa nông dân là biểu hiện của quy luật xã hội phong kiến Đại Việt đã được dân gian đúc kết “Con vua thì lại làm vua/ con sãi ở chùa thì quét lá đa/ Bao giờ dân nổi can qua/con vua thất thế lại ra quét chùa”. Cho nên tâm thức, tâm lý “ĐƯỢC làm VUA THUA làm GIẶC”phổ biến.
– Xuất thân của các triều đại phần lớn là thủ lĩnh quân sự, thổ hào, nông dân… nếu một hai đời vua đầu đã cố gắng tận dụng, sử dụng (trí thức) và nâng cao tri thức để củng cố chính quyền, xây dựng quốc gia vừa qua chiến tranh… thì càng về sau càng “lười”, chỉ dựa vào tài sản vật chất và tinh thần ông cha để lại. Sự “thất học”của các vương triều làm “tầm nhìn”hạn hẹp, đất nước rối loạn (tinh thần) và không thể “sánh cùng”những quốc gia khác. Đó là nguyên nhân sâu xa và đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của vương triều.
– Đất nước mở rộng dần về phía Nam từ thế kỷ 13, 15 đến thế kỷ 18 lãnh thổ VN về cơ bản như ngày nay. Chỉ từ 1802 mới có một lãnh thổ và chính quyền thống nhất từ Cà Mau đến Lạng Sơn. Trước đó, từ khi Trịnh –Nguyễn phân tranh, tâm thức phân biệt Nam Hà / Bắc Hà về lãnh thổ, chính quyền, lối sống (văn hóa) tồn tại dai dẳng…
2. Một số sự kiện thời hậu chiến của các triều đại
Sau khi kết thúc chiến tranh chống ngoại xâm, việc đối ngoại là tha tù binh, cấp tàu thuyền lương ăn cho về nước, bố cáo chiến thắng và sau đó là “hòa hiếu”với kẻ thù cũ. Kẻ thù của Đại Việt thường là những quốc gia lớn mạnh hơn nhiều lần, xâm lược Đại Việt dù có thể chiếm đóng lâu hay mau cuối cùng cũng bị đánh đuổi. Việc “hòa hiếu”với kẻ thù cũng là để giữ quan hệ ngoại giao đảm bảo cho nền hòa bình vừa giành được. (Lưu ý: hòa hiếu khi đã chiến thắng vẻ vang – cũng có trường hợp (nhà Trần) tha cho giặc về nước nhưng lén đục thủng tàu thuyền cho chết đuối cả, nại cớ bão to gió lớn làm tàu thuyền bị đắm… ).
Việc đối nội đầu tiên của các triều đại là “an dân”: có chính sách miễn thuế khóa cho nông dân, tha tội cho những người (dân thường) lỡ theo/ làm việc cho kẻ thù (giặc ngoại xâm) nhưng cũng trừng trị kẻ phản bội đất nước, thường là người trong hoàng tộc hay quan lại.
Thế nhưng sau những cuộc nội chiến giữa những thế lực phong kiến, khởi loạn cát cứ, âm mưu đảo chính… thì sự trả thù thường “triệt để”hơn: tru di tam tộc cửu tộc, nhổ cỏ tận gốc, đào mồ cuốc mả, anh em ruột thịt cũng không tha thứ…
Lúc này quyền lợi chính trị đặt trên tất cả. Sử gia thời trước thường chê trách những trường họp không triệt để trừ hậu họa, vì đó là mầm mống của cuộc phản loạn tiếp sau. Cũng như phán xét những người giết anh em, giết vua giành ngôi bởi coi đó không phải là biểu hiện của “minh vương”. CHÍNH DANH là điều kiện đầu tiên của một triều đại. Những triều “soán ngôi”thường không được ghi thành “kỷ”trong sử.
– Đinh Tiên Hoàng “dẹp loạn”–xóa bỏ tình trạng cát cứ địa phương nhưng không phải thủ lĩnh nào cũng tuân phục: Ngô Nhật Khánh có mẹ được làm Hoàng hậu, bản thân trở thành con rể của vua Đinh nhưng vẫn bỏ sang Champa “rạch mặt vợ đuổi về: cha mày tưởng tao vì mày mà quên thù ư?”. Chưa kể vua Đinh phải có những cách thức “đe dọa”như đặt vạc dầu nuôi hổ dữ để trấn áp những kẻ có mưu phản loạn.
– Các con của Lê Hoàn “Lê Đại Hành”tranh giành giết nhau vì ngôi báu. Lê ngọa triều làm vua không chính danh cùng với những hành vi tai ngược nên hầu như ít người nhớ đến chiến công chống giặc của ông.
– Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê. Năm 1073 đời Lý Nhân Tông “Giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Linh nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”. Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông. Phải chăng từ mối lo ngại phải chia sẻ quyền lực của hai Thái hậu (và đằng sau là những người họ hàng, thân tín) đã dẫn đến hành động này.
– Nhà Trần “đảo chính”thay thế nhà Lý. Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông và tông thất nhà Lý. Có lần Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”. Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi”. Đến nay, sai người bày biện hương hoa đến bảo HuệTông: “Thượng phụ sai thần đến mời”… Thượng hoàng nhà Lý nói: “Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”. Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: “Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi thác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”. Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa.
– Nhà Hồ “cướp ngôi”nhà Trần vào năm 1400. Sau khi bức vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại mình là Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ, rồi truyền ngôi cho con trai mình với lý do “vì nhà Trần tuyệt tự nên Hồ Hán Thương là cháu ngoại (nhà Trần) nối ngôi”.
Một vài ví dụ trên là từ các triều đại phong kiến thời “Văn minh Đại Việt lần thứ nhất, còn gọi là nền văn minh Phật giáo”. Sang thời “Văn minh Đại Việt lần thứ hai, còn gọi là nền văn minh Nho giáo”:
– Triều Lê bắt đầu vào năm 1428. Trần Cảo uống thuốc độc chết (hậu duệ nhà Trần mà Lê Lợi lập nên). Bấy giờ các quan đều dâng sớ nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người, nên sớm trừ đi. Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu. Cảo biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An) quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết. Nhưng nhiều thuyết khác cho rằng Trần Cảo bỏ trốn, vua Lê cho người đuổi theo giết chết vứt xác vào bụi gai. Thái Tổ lên ngôi chưa lâu, nhưng ra tay sát hại những công thần quan trọng như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, những đại tướng quân có công trong việc thành lập nhà Lê. Đến vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử, triều đình kết tội Hành khiển Nguyễn Trãi và thị thiếp là Nguyễn Thị Lộ, vì khi Thái Tông băng Thị Lộ đã luôn hầu bên cạnh, bấy giờ cho rằng Thị Lộ giết hoàng đế. Án đưa ra là tru di tam tộc, giết đến 3 họ của Nguyễn Trãi.
– Nhà Mạc: Thời kỳ thịnh trị của Mạc Thái Tông cho thấy năng lực trị nước của nhà Mạc. Đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định, không gây những xáo trộn như khi nhà Hồ thay nhà Trần. Những lực lượng chống đối nhà Mạc chính là những thế lực cũ thân nhà Lê. Theo sử sách, thời Mạc không có một cuộc khởi nghĩa nông dân nào. Điều đó cho thấy nhà Mạc được lòng dân. Một đặc điểm nữa là cả 5 đời vua nhà Mạc không có nạn quyền thần trong thời gian cai trị, dù nhà Mạc khởi nghiệp từ một quyền thần trong triều Lê. Đó là điều mà các triều đại Ngô, Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam đều gặp phải. Do đó thời Mạc không có việc phế lập, khuynh loát trong cung đình. Duy nhất vụ “bất đồng chính kiến” trong việc lập người thừa kế (Mạc Phúc Nguyên và Chính Trung) năm 1546 – 1551 đã bị đánh dẹp.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, đại thần Mạc Ngọc Liễn (vốn là người khác họ được cải họ vua) trước khi mất tại Trung Quốc đã dặn lại vua tôi họ Mạc rằng:
“Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng… Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế!… Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”.
Các đời sau họ Mạc đã làm đúng như Mạc Ngọc Liễn dặn lại. Thua trận, phải rời khỏi ngôi cai trị nhưng không cố giành giật lại bằng mọi giá, điều đó nhà Mạc hơn nhiều triều đại khác.
– Trịnh-Nguyễn phân tranh là thời kỳ phân chia giữa chế độ “vua Lê chúa Trịnh” ở phía Bắc sông Gianh (sử gọi là Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn cai trị ở miền Nam (Đàng Trong), mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỷ 18 khi nhà Tây Sơn dẹp cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Nước Đại Việt bị chia cách hơn 100 năm.
Về mặt lý thuyết cả hai thế lực họ Trịnh và họ Nguyễn đều mang khẩu hiệu “phù Lê diệt Mạc” để lấy lòng thiên hạ và thề trung thành với triều Hậu Lê.
Nhưng trên thực tế thì khác, cả hai đều muốn tạo nên thế lực cho riêng mình và thèm muốn ngai vàng. Sự kiện năm 1672: Trong một trận chiến quyết liệt không phân thắng bại giữa Trịnh –Nguyễn tại cửa Nhật Lệ, khi chiến thuyền quân Trịnh rút lui thì tất cả tù binh được chúa Trịnh (Căn) cho quần áo, phóng thích tại chỗ, ai muốn đi đâu thì đi. Đó là những người bị bắt đi lính, là người địa phương không theo bên này thì theo phía kia, gần như ngoài ý muốn. Phía chúa Nguyễn thì Hoàng tử Hiệp (Nguyễn Phúc Thuần –con thứ tư của chúa Nguyễn Hiền Vương) cũng hiểu như vậy và hành xử nhân bản không kém: “Sau khi quân địch rút lui, phàm những quân lính Bắc Hà bị bắt, Thuần (Hoàng tử Hiệp) đều sai cấp cho tiền gạo quần áo, tha cho về, không giết một người nào. Lại đặt một lễ đàn trong thành Trấn Ninh tế tướng sĩ tử vong, cũng đặt một đàn ở ngoài thành Trấn Ninh để tế quân Hà Bắc chết trận”. Người chết bên này hay bên kia lũy Trấn Ninh đều là dân một nước Việt, Hoàng tử Hiệp hiểu sâu sắc như vậy, tất cả đều xứng đáng giải oan trong tình thế lịch sử đau xót đến thế.
Có lẽ đây là một lần hiếm hoi các vua chúa có hành xử với đối phương là “gà cùng một mẹ”một cách hợp đạo lý, có lẽ vì thấu hiểu những đau đớn mất mát của cuộc nội chiến kéo dài gần trăm năm.
Có thể nhận thấy “cái lý”của người thắng cuộc khi hành xử kiểu trả thù, trấn áp là nhằm bảo vệ chính quyền, vương triều, quyền lợi mới giành được. Đó là vì quyền lợi của một dòng họ và một vương triều phong kiến.
3. Từ góc nhìn văn hóa xem lại một số truyện cổ tích phổ biến trong nước với ý nghĩa răn dạy: trừng trị kẻ tham lam độc ác.
Tấm Cám: Mẹ con nhà Cám không chỉ tham và ác một lần mà nhiều lần, hành hạ Tấm và giết Tấm bằng mọi cách. Điều đó dẫn đến hành động đầu tiên và duy nhất của Tấm không (phải) nhờ ông Bụt giúp là trực tiếp giết Cám, làm mắm gửi cho dì ghẻ, dì ghẻ ăn thịt con khen ngon nhưng khi nhìn biết thì sợ quá lăn ra chết. Như vậy Tấm cũng gián tiếp giết mẹ kế. Ăn khế trả vàng: người anh tham lam đòi người em đổi nhà và cây khế, bắt chim thần chở ra đảo vàng lấy nhiều vàng bạc trên đường về rơi xuống biển chết.
Thạch Sanh : Thạch Sanh được lấy công chúa, Lý Thông chạy trốn bị sét đánh chết.
Có thể kể thêm một truyền thuyết lịch sử về sự thất bại ở thành Cổ Loa và An Dương Vương: vua cha nghe lời rùa thần giết con gái vì coi đó là kẻ thù, phản bội. Để mất nước trách nhiệm đầu tiên thuộc về Vua (cha) chủ quan khinh địch, cho “gián điệp”vào tận triều đình, ỷ vào “nỏ thần”mà coi thường lời khuyên can của quần thần… Làm sao có thể đổ tội cho con (dân)? Hành động giết con gái của An Dương Vương còn có thể nhìn nhận như một hành vi chối bỏ trách nhiệm của người đứng đầu! Hay vì “Rùa vàng”cho “nỏ thần”nên nhà vua phải nghe theo?!
Triết lý dân gian thường được truyền tụng là ác giả ác báo, tham lam độc ác phải bị trừng trị. Nhưng lưu ý, đây đều là những truyện về anh chị em trong gia đình (ruột/nuôi/cùng cha khác mẹ) như bầu bí cùng chung một giàn. Vì sao không thể tha thứ cho kẻ gây ra đau khổ cho mình khi mà các nhân vật chính đều đã có được cuộc sống sung sướng (lấy hoàng tử, công chúa, giàu có… )? Tâm thức dân gian không nghĩ và tin rằng, sự tha thứ có thể cảm hóa con người cho nên cần phải trừng phạt để khuyên răn “đừng làm điều xấu”?
Nhưng thế giới này làm sao không có người làm điều xấu? Vấn đề là tiêu diệt cái xấu như thế nào hay chỉ có một cách là bằng cái chết? Nhưng trong cuộc sống, “chết”không bao giờ là “hết chuyện”mà sẽ là mở đầu cho (những) câu chuyện mới.
Lồng trong những truyện cổ này, ngoài sự răn dạy “Ở hiền gặp lành”ta vẫn thấy một ý nghĩa xã hội khác là ca ngợi người nghèo: người nghèo luôn hiền và tốt, người giàu luôn xấu và ác. Ghét cái ác đồng nghĩa với ghét người giàu/sự giàu có. Chừng nào sự phân hóa xã hội giàu nghèo vẫn còn tồn tại thì triết lý đổi ngôi thay chỗ “được làm vua thua làm giặc”, “… dân nổi can qua/con vua thất thế… ”sẽ còn là một “lý tưởng” lưu truyền những truyện cổ tích của một thời xã hội nông nghiệp/nông dân và nông thôn.
Chỉ khi nào nền kinh tế chính thay đổi không còn là nông nghiệp lạc hậu mà là nền nông nghiệp được công nghiệp hóa, nông dân sản xuất với tư duy của công nhân nông nghiệp, nông thôn về cảnh quan môi trường nhưng lối sống nếp sống thay đổi theo phong cách hiện đại công nghiệp, thì chừng ấy ý nghĩa của những truyện cổ khuyến khích “diệt ác”đến tận cùng bằng cái chết mới có thể chấm dứt.
4. Hòa hợp hòa giải thực sự – một con đường dài và nhiều khó khăn.
Chính sách, hành xử của bên thắng bên thua chỉ là bề nổi/mặt sáng của con đường này. Mặt khuất của quá trình này là tâm thức, căn cốt văn hóa tồn tại lâu dài trong mỗi con người, trong những thế hệ.
Chừng nào nhà cầm quyền còn mang nặng ý thức hệ phong kiến, giữ khư khư tâm thức nông dân/ nông nghiệp lạc hậu như cách đây hàng trăm năm, thì chừng đó sẽ còn những hành xử theo kiểu thắng thua nhỏ mọn, thiếu lòng nhân ái và khó có thể chấp nhận những khác biệt để đoàn kết dân tộc thực sự.
Có chăng chỉ là hình thức “đoàn”mà không thực tâm “kết”. Những câu truyện/ chuyện cổ và lịch sử đều có hai mặt, hai bài học. Một mặt sáng ai cũng dễ nhìn thấy, thích nhìn thấy, bằng lòng (dễ dãi) với nó. Một mặt khuất mà chỉ khi bình tâm lắng lòng ta mới có thể nhận ra, nhưng đó chính là những điều sâu sắc mà tiền nhân muốn đời sau nhận thấy.
Chừng nào còn hả hê thỏa mãn với sự trả thù, coi sự trả thù (bằng hành vi, lời nói) là cách duy nhất để “giải quyết mâu thuẫn”thì chừng đó cái ác còn tiếp tục. “Truyện Lọ Lem”ở nhiều nước chỉ là sự hành hạ ghen tức rất “đàn bà”của mẹ con dì ghẻ với Lọ Lem và thường dừng lại bằng một “happy end”: Lọ lem kết hôn với Hoàng tử, hai người sống hạnh phúc và cai trị đất nước tốt đẹp. Còn mẹ con dì ghẻ thì “xấu hổ bỏ đi”.
Ở nơi nào mà con người tin rằng, người làm điều ác biết xấu hổ, tức là còn lòng tự trọng thì nơi đó có thể hy vọng cái ác sẽ không tiếp tục. Nếu một con người không có lòng tự trọng thì cái ác còn là hiểm họa thường trực.
Thay đổi tâm thức: thực sự “vì con người –vì dân”. Coi trọng con người bắt đầu từ giáo dục: không chỉ dạy về điều tốt mà học lịch sử còn là để nhận ra sai lầm của quá khứ để đừng lặp lại sai lầm. Thành tựu thì mỗi thời đều có sự độc đáo vì thể hiện sự phát triển của xã hội, nhưng sai lầm các thời thì giống nhau vì các triều đại thường đi vào “vết xe đổ”của thời trước.
Việc dạy và học văn (hóa) còn là để nhận ra cái xấu cái ác trong mỗi con người, trong “truyền thống”, bởi vì sự nhân văn sẽ làm thay đổi con người chứ không phải là sự trả thù. Sinh mạng con người là quý giá, quý trọng sinh mạng bản thân và đồng loại. Sự độc ác có thể là phương thức nhanh chóng để giành được cái mình muốn có nhưng không thể giữ được lâu dài, bởi vì gieo mầm độc ác thì sẽ gặt hái tai họa.Dốt nát khiến cho sự mặc cảm và tự ái trở thành vỏ bọc lâu ngày khó phá vỡ.
Sự hiểu biết sẽ vun đắp lòng tự trọng. Độc quyền quá khứ, khen chê yêu ghét một chiều, cường điệu hóa lịch sử của một phía, chính điều này đã làm cho thời hậu chiến trở thành cuộc “nội chiến”tinh thần giữa hai bên “thua thắng”, đào sâu hố ngăn cắt giữa những con người bởi quá khứ, “Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại… Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu…”(Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Nếu luôn chỉ nhìn thấy một phía của quá khứ thì đâu còn đủ bình tĩnh để nhìn thấy hiện tại và tương lai chung của đất nước này. Tất nhiên, “khép lại quá khứ”nhưng lịch sử thì cần minh bạch, khoa học. Dù muốn hay không thì thắng/thua cũng là kết cục của hầu hết những cuộc chiến. Xem xét toàn diện xã hội hai bên (không chỉ về quân sự, chính trị) sẽ nhìn nhận được nhiều kinh nghiệm và bài học hữu ích cho xã hội hiện nay.
NGHĨ cho cùng sau mỗi cuộc chiến tranh PHE nào thắng thì nhân dân cũng bại. (Nhà thơ Nguyễn Duy)
Nhân dân là tôi, là bạn, là gia đình anh em bà con, là bạn bè, là mỗi người Việt Nam. Bao giờ sẽ đến một tháng Tư khác, tháng Tư của hàng triệu người vui và hàng triệu người khác không còn buồn nữa? Điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta.
Sài Gòn –Paris –Berlin, 7.2015 © Thời Đại Mới
Nguồn bài đăng